Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thông tin về sản phẩm thuốc Colergis tuy nhiên còn chưa đầy đủ. Bài này nhà thuốc Ngọc Anh xin được trả lời cho bạn các câu hỏi: Colergis là thuốc gì? Thuốc Colergis có tác dụng gì? Thuốc Colergis giá bao nhiêu? Dưới đây là thông tin chi tiết.
Colergis là thuốc gì?
Colergis là một sản phẩm của PT Ferron Par Pharm, là thuốc dùng trong điều trị dị ứng, với 2 hoạt chất là Betamethason và Dexchlorpheniramin maleat. Trong 5ml siro Colergis có các thành phần:
Betamethason: 0,25mg
Dexchlopheniramin maleat: 2mg
Tá dược (acid citric khan, natri benzoat, natri citrat dehydrat, FD&C màu vàng số 6, sorbitol lỏng, alcohol, mùi quả dứa dạng lỏng, methylparaben, đường sacharose trắng, nước cất) vừa đủ 5ml.
Thuốc Colergis giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
Một hộp thuốc Colergis chứa 60ml siro, được bán phổ biến tại các cơ sở bán thuốc trên toàn quốc. Giá 1 hộp vào khoảng 89.000 vnđ, hoặc có thể thay đổi tùy vào từng nhà thuốc.
Hiện nay thuốc đang được bán tại nhà thuốc Ngọc Anh, giao hàng trên toàn quốc.
Viên nén Colergis là thuốc bán theo đơn, bệnh nhân mua thuốc cần mang theo đơn thuốc của bác sĩ.
Cần liên hệ những cơ sở uy tín để mua được sản phẩm thuốc Colergis tốt nhất, tránh thuốc kém chất lượng.
Tham khảo một số thuốc tương tự:
Thuốc Savi Montelukast 10 do Công ty cổ phần Dược phẩm Savi Pharm – VIỆT NAM sản xuất.
Thuốc Serbutam do Aeropharm GmbH sản xuất.
Thuốc Hen P/H do Phúc Hưng sản xuất.
Tác dụng của thuốc Colergis
Với 2 dược chất là betamethason, dexchlorpheniramin maleat, siro Colergis mang đầy đủ những tác dụng dược lý của cả 2 chất này.
Betamethasone thuộc nhóm Glucocorticoid – nhóm này có hoạt tính chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Betamethasone có khả năng ức chế quá trình viêm thông qua nhiều con đường. Betamethasone tương tác với các receptor nội bào cụ thể trong các mô đích để thay đổi biểu hiện của các gen đáp ứng với corticosteroid. Các thụ thể đặc hiệu Betamethasone trong tế bào chất của tế bào liên kết với các Betamethasone để tạo thành các phức hợp thụ thể – hormone cuối cùng chuyển vào nhân tế bào. Ở đó, các phức hợp này liên kết với các yếu tố đáp ứng Betamethasone (GRE) trong vùng khởi động của gen mục tiêu và dẫn đến thay đổi biểu hiện gen của chúng. Các gen này trải qua phiên mã tạo ra mRNA, rồi dịch mã tạo thành các protein mới. Những protein như vậy bao gồm lipocortin, một loại protein được biết là có tác dụng ức chế PLA2a (phospholipase A2a) và do đó ngăn chặn sự tổng hợp prostaglandin, leukotrien và PAF. Betamethasone cũng ức chế sản xuất các chất trung gian gây viêm khác, bao gồm các chất chuyển hóa của AA (acid arachidonic) được sản xuất thông qua enzym COX (cả COX – 1 và COX – 2), cytokine, interleukin, phân tử bám dính và enzyme như collagenase. Do đó, Betamethasone rất hiệu quả trong làm giảm các triệu chứng của phản ứng viêm, nhưng cũng gây ra nhiều tác dụng phụ.
Dexchlorpheniramin maleat là dạng muối của dexchlorpheniramin với acid maleic. Dexchlorpheniramin là đồng phân quang học S của chlorpheniramin, có hoạt tính dược lí mạnh hơn đồng phân R và dạng racemic của chlorpheniramin. Dexchlorpheniramin là thuốc kháng histamine H1 thế hệ 1, giúp giảm các phản ứng dị ứng. Trong các phản ứng dị ứng, một chất gây dị ứng liên kết với kháng thể IgE trên tế bào mast và bạch cầu đa nhân ái kiềm. Khi điều này xảy ra các thụ thể IgE liên kết chéo với nhau gây ra một loạt các sự biến đổi cuối cùng dẫn đến sự mất hạt của tế bào và giải phóng histamine (và các chất trung gian hóa học khác) từ tế bào mast hoặc bạch cầu đa nhân ái kiềm. Histamine có thể phản ứng với các mô cục bộ hoặc lan rộng thông qua các thụ thể histamine. Histamine, tác động lên thụ thể H1, gây ngứa, giãn mạch, hạ huyết áp, đỏ bừng, đau đầu, nhịp tim nhanh và co thắt phế quản. Histamine cũng làm tăng tính thấm của mạch máu và gây đau. Dexchlorpheniramine, là một chất đối kháng histamine H1 thuộc nhóm alkylamine. Dexchlorpheniramin cạnh tranh với histamine trên thụ thể H1 trên các tế bào hiệu ứng của đường tiêu hóa, mạch máu và đường hô hấp. Dexchlorpheniramin làm giảm tạm thời hắt hơi, chảy nước mắt và ngứa và chảy nước mũi do sốt hoa cỏ và các dị ứng đường hô hấp trên khác.
Công dụng – Chỉ định
Thuốc Colergis được các bác sĩ dùng để điều trị dị ứng khi cần dùng liệu pháp corticoid: Các loại dị ứng ở đường hô hấp như hen phế quản mãn tính, viêm mũi dị ứng, viêm phế quản dị ứng; Các dị ứng ở da và niêm mạc như viêm da dị ứng, viêm da tiếp xúc, viêm da thần kinh, mề đay.
Cách dùng – Liều dùng
Cách dùng: thuốc Colergis dùng theo đường uống, rót siro ra thìa (thìa cà phê) theo thể tích được hướng dẫn, sau khi uống thuốc nên uống tráng miệng bằng nước để đề phòng nguy cơ sâu răng vì thuốc siro thường chứa nhiều đường.
Liều dùng:
Người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi: 1 thìa cà phê/ lần, mỗi lần cách nhau 4 đến 6 giờ, không uống quá 6 thìa một ngày.
Trẻ em từ 6 đến 12 tuổi: 1/2 thìa cà phê/ lần, mỗi lần cách nhau 4 đến 6 giờ, không uống quá 3 thìa một ngày.
Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: 1/2 thìa cà phê/ lần, mỗi lần cách nhau 4 đến 6 giờ, không uống quá 1,5 thìa một ngày.
Xác định liều lượng cần dựa vào tình trạng bệnh, mức độ đáp ứng và dung nạp của bệnh nhân. Nên sử dụng liều thấp nhất mà vẫn có đáp ứng lâm sàng đầy đủ và ngừng thuốc sớm nhất có thể.
Chống chỉ định
Chống chỉ định trong các trường hợp: bệnh nhân có tiền sử dị ứng với dexclo chlorpheniramin maleat, betamethasone, hay các corticosteroid khác; bệnh nhân bị nhiễm nấm hệ thống; bệnh nhân đang dùng thuốc IMAO (ức chế enzyme monoamine oxidase); trẻ sơ sinh, trẻ sinh non.
Tác dụng phụ của thuốc Colergis
Tác dụng không mong muốn của betamethasone:
Nhiễm trùng: tăng tính nhạy cảm và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng với ức chế các triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, nhiễm trùng cơ hội, tái phát bệnh.
Nội tiết: ức chế trục HPA (trục hạ đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận), ức chế tăng trưởng ở trẻ em, thanh thiếu niên, kinh nguyệt không đều và vô kinh.
Chuyển hóa và dinh dưỡng: hội chứng Cushing, rậm lông ở phụ nữ, tăng cân.
Rối loạn tâm thần.
Mắt: tăng áp lực nội nhãn, tăng nhãn áp, phù nề, phù gai thị, đục dưới bao sau (posterior subcapsular cataract), mỏng giác mạc hoặc củng mạc, làm trầm trọng thêm các bệnh nhiễm trùng mắt do virus hoặc nấm, nhìn mờ.
Rối loạn tiêu hóa: đầy bụng, loét thực quản, buồn nôn, khó tiêu, loét dạ dày với thủng và xuất huyết, viêm tụy cấp, nhiễm nấm candida
Da và mô dưới da: suy giảm khả năng chữa lành vết thương, teo da, bầm tím, giãn mao mạch (telangiectasia), striae, mụn trứng cá, hội chứng Stevens-Johnson.
Cơ, xương và mô liên kết: loãng xương, gãy xương đốt sống và xương dài, hoại tử vô mạch chỏm xương đùi, đứt gân.
Khác: quá mẫn bao gồm sốc phản vệ đã được báo cáo, tăng bạch cầu, thuyên tắc huyết khối, khó chịu, nấc.
Tác dụng không mong muốn của dexchlopheniramin maleat:
Hệ thống huyết học: thiếu máu huyết tán, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt.
Thần kinh: buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn phối hợp, mệt mỏi, lú lẫn, bồn chồn, kích thích, long lắng, run rẩy, khó chịu, mất ngủ, hưng phấn, dị cảm, mờ mắt, nhìn đôi, chóng mặt, ù tai, viêm tai trong cấp tính (acute labyrinthitis), hysteria, viêm dây thần kinh, co giật.
Tiêu hóa: đau thượng vị, chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, táo bón.
Tiết niệu, sinh dục: đi tiểu nhiều lần, khó tiểu, bí tiểu, kinh nguyệt sớm.
Hô hấp: tăng tiêt dịch tiết phế quản, tức ngực, thở khò khè, nghẹt mũi.
Khác: mề đay, phát ban, sốc phản vệ, nhạy cảm ánh sáng, ra mồ hôi quá nhiều, ớn lạnh, khô miệng, mũi và cổ họng.
Nếu bệnh nhân gặp phải các triệu chứng trên hoặc bất cứ biểu hiện bất thường nào cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn giảm liều hoặc có hướng dẫn phù hợp nhất.
Chú ý và thận trọng khi sử dụng thuốc Colergis
Thuốc Colergis có thể gây buồn ngủ. Bệnh nhân nên được cảnh báo về việc tham gia vào các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo về tinh thần, chẳng hạn như lái xe hơi hoặc vận hành thiết bị, máy móc, …
Không dùng sản phẩm này trừ khi có chỉ định của bác sĩ, nếu bệnh nhân có vấn đề về hô hấp như khí phế thũng hoặc viêm phế quản mãn tính, hoặc nếu bệnh nhân bị tăng nhãn áp hoặc khó đi tiểu do phì đại tuyến tiền liệt.
Tránh sử dụng đồ uống chứa cồn khi dùng thuốc Colergis.
Nên sử dụng liều thấp nhất có thể của corticosteroid để kiểm soát tình trạng của bệnh nhân đang điều trị. Khi giảm liều, nên giảm dần.
Vì việc giữ natri gây phù và mất kali có thể xảy ra ở những bệnh nhân dùng corticosteroid, những thuốc này nên được sử dụng thận trọng ở bệnh nhân suy tim sung huyết, tăng huyết áp hoặc suy thận.
Suy thượng thận thứ phát do thuốc có thể được giảm thiểu bằng cách giảm dần liều lượng. Sự thiếu hụt tương đối này có thể tồn tại trong nhiều tháng sau khi ngừng điều trị. Do đó, trong một số trường hợp, glucocorticoid tự nhiên (hydrocortison và cortisone), cũng có đặc tính giữ muối, thay cho betamethasone, là lựa chọn thích hợp để làm liệu pháp thay thế trong tình trạng thiếu hụt hormone vỏ thượng thận.
Chỉ sử dụng trên phụ nữ có thai, phụ nữ cho con bú khi đã cân nhắc lợi ích – nguy cơ.
Lưu ý khi sử dụng chung với thuốc khác
Betamethasone:
Sử dụng đồng thời với phenobarbital, phenytoin, rifampicin hoặc ephedrine có thể làm tăng cường chuyển hóa betamethasone, làm giảm tác dụng điều trị của nó.
Bệnh nhân đang dùng estrogen nên được theo dõi vì tác dụng quá mức của corticosteroid.
Sử dụng đồng thời với thuốc lợi tiểu làm giảm kali có thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu.
Sử dụng đồng thời với glycoside tim có thể làm tăng khả năng rối loạn nhịp tim hoặc độc tính của digitalis liên quan đến hạ kali máu.
Betamethasone có thể làm tăng sự giảm kali do amphotericin B.
Sử dụng đồng thời với thuốc chống đông máu loại coumarin có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng chống đông máu, có thể cần điều chỉnh về liều lượng.
Tác dụng kết hợp của thuốc chống viêm không steroid hoặc rượu với betamethasone có thể dẫn đến tăng sự xuất hiện hoặc tăng mức độ nghiêm trọng của loét đường tiêu hóa.
Dexchlorpheniramine maleate:
Thuốc ức chế MAO (IMAO) làm kéo dài và tăng cường tác dụng của chlorpheniramine; hạ huyết áp nghiêm trọng có thể xảy ra.
Sử dụng đồng thời với rượu, thuốc chống trầm cảm ba vòng, các barbiturat hoặc thuốc ức chế thần kinh trung ương khác có thể làm tăng tác dụng an thần của dexchlorpheniramine.
Tác dụng của thuốc chống đông máu đường uống có thể bị ức chế bởi dexchlorpheniramine.
Bệnh nhân nên liệt kê tất cả các thuốc đang sử dụng cho bác sĩ hoặc dược sĩ để lường trước các tương tác có thể xảy ra và có những điều chỉnh thích hợp.
Cách xử trí quá liều, quên liều thuốc Colergis
Quá liều: khi quá liều 1 liều Colergis độc tính chủ yếu là do thành phần dexchlorpheniramin maleat (liều gây chết ước tính là 2,5 – 5g/ kg thể trọng).
Phản ứng quá liều với dexchlorpheniramin có thể thay đổi từ ức chế hệ thần kinh trung ương (an thần, ngưng thở, giảm tỉnh táo, trụy tim mạch) đến kích thích (mất ngủ, ảo giác, run, co giật) cho đến chết. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm chóng mặt, ù tai, mất điều hòa, mờ mắt và hạ huyết áp. Ở trẻ em, kích thích là chủ yếu, các dấu hiệu và triệu chứng giống với atropine (khô miệng, giãn đồng tử, sốt và các triệu chứng tiêu hóa). Ảo giác, mất phối hợp và cơn co cứng – co giật (tonic-clonic) có thể xảy ra. Ở người lớn, một chu kỳ bao gồm trầm cảm với buồn ngủ và hôn mê, và một giai đoạn hưng phấn dẫn đến co giật sau đó là trầm cảm có thể xảy ra.
Một liều quá nhiều betamethasone dự kiến sẽ không gây ra các triệu chứng cấp tính.
Điều trị quá liều cấp tính: Ngay lập tức gây nôn (ở bệnh nhân có ý thức) hoặc rửa dạ dày. Bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Chạy thận nhân tạo không có ích trong trường hợp này.
Xử trí: Theo dõi nếu các triệu chứng là nhẹ, nhưng vẫn cần đề phòng nếu tình trạng của bệnh nhân xấu đi cần đưa ngay đến bệnh viện, hoặc cơ sở y tế gần nhất.
Quên liều: tránh quên liều; nếu quên liều, bệnh nhân cần bỏ qua liều đã quên, không uống chồng liều với liều tiếp theo.