Định nghĩa và sinh lý của khò khè ở trẻ em

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhathuocngocanh – Thở khò khè là một trong những triệu chứng ở đường hô hấp thường thấy ở trẻ nhỏ, điển hình là những tiếng thở khò khè, liên tục và có âm sắc kéo dài trên 250 ms. Tiếng thở khò khè có thể gây ra do ngạt mũi cảm cúm, đôi khi có thể là dấu hiệu của những bệnh lý hô hấp nghiêm trọng hơn. Phát hiện sớm nguyên nhân sẽ có được phương án điều trị sớm và hiệu quả. Vậy định nghĩa và sinh lý của khò khè ở trẻ em là gì? Trong bài viết này Nhà thuốc Ngọc Anh sẽ trả lời giúp bạn.

Khò khè là gì?

Khò khè là gì? Khò khè là tiếng thở bất thường liên tục kéo dài trên 250 ms. Được tạo ra do sự rung của các thành của đường thở bị hẹp gần như hoàn toàn. m sắc có thể cao hoặc thấp, đơn âm hoặc đa âm, và xảy ra trong thì hít vào hoặc thở ra. Một số chuyên gia phân biệt khò khè và ran ngáy dựa trên tần số âm át, hay âm sắc, của âm thanh. Khò khè có âm sắc cao hơn 400 Hz, trong khi đó ran ngáy có âm sắc thấp hơn. Tuy nhiên, ý nghĩa lâm sàng của sự phân biệt này, nếu có, thì chưa được xác định rõ.

Khò khè có thể xuất phát từ đường thở ở bất kỳ kích cỡ nào. Khò khè đòi hỏi phải có đủ luồng không khí để tạo ra sự rung của đường dẫn khí và hình thành nên âm thanh bên cạnh việc đường thở phải hẹp. Do đó, không có khò khè ở bệnh nhân có cơn hen cấp có thể là một dấu hiệu nguy hiểm, báo hiệu trước cho tình trạng suy hô hấp sắp xảy ra.

Khò khè là tiếng thở bất thường liên tục kéo dài
Khò khè là tiếng thở bất thường liên tục kéo dài

Khò khè ở trẻ em là một tình trạng phổ biến

Tương tự như ho, khò khè ở trẻ em là một tình trạng khá phổ biến và thường là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau. Thở khò khè chỉ là một trong những triệu chứng, biểu hiện điển hình không được coi là một bệnh.

Tình trạng này thường xảy ra ở trẻ nhỏ đặc biệt là ở nhóm trẻ dưới 2 đến 3 tuổi. Nguyên nhân là do ở giai đoạn này cuống phổi của bé có kích thước nhỏ, dễ chịu ảnh hưởng từ môi trường ngoài dẫn đến có thắt, sưng tấy, nề và tăng tiết dịch, tiến triển lên sẽ khiến cuống phổi bị viêm và tắc nghẽn dịch.

Có đến 30% đến 40% trẻ còn bú mẹ có triệu chứng thở khò khè.

Đa phần các trường hợp tiếng thở khò khè có thể nghe được bằng tai, đặc biệt là khi mẹ áp sát tai vào phổi hoặc đường thở của trẻ. Khi thăm khám để dễ phát hiện triệu chứng hơn bác sĩ sẽ sử dụng ống nghe áp vào phổi của trẻ, tiếng thở khò khè trong chuyên khoa được gọi là ran rít và ran ngáy. Tùy vào triệu chứng, biểu hiện lâm sàng và tiếng khò khè mà bác sĩ sẽ chẩn đoán được tình trạng bệnh của trẻ.

Khò khè ở trẻ nhũ nhi

Khò khè sinh lý ở trẻ sơ sinh là gì? Khi chẩn đoán bệnh ở nhóm trẻ nhũ nhi cần phải phân biệt giữa tiếng thở khò khè gây ra do đường dẫn khí vào phổi bị phù nề và tắc nghẽn với tiếng thở khò khè khi trẻ bị tắc mũi – một triệu chứng thường gặp nhưng không nguy hiểm. Nguyên nhân của tiếng thở khò khè khi bị tắc mũi ở trẻ sơ sinh là do bé hô hấp chủ yếu bằng đường mũi, trong khi đó kích thước lỗ mũi của trẻ rất nhỏ dễ bị phù nề khi bị cảm hoặc ho. Khi mũi bị nề, tiết nhiều dịch dòng khí qua mũi sẽ bị giảm khiến trẻ phải thở gấp và nhanh tạo thành những tiếng khò khè. Trong trường hợp này mẹ nên dùng nước muối nhỏ mũi để làm sạch mũi cho bé sau đó tiến hành nghe lại. Trẻ khò khè do ngạt mũi sẽ thở chậm và êm hơn khi được làm thông thoáng mũi.

Nếu sau khi đã nhỏ nước muỗi mà tình trạng của bé không cải thiện thì cần theo dõi các dấu hiệu khác kèm theo như sốt, ho,… nếu thấy triệu chứng của trẻ có dấu hiệu nặng lên thì cần phải đưa trẻ đi khám ngay.

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Chuyển đổi từ bào thai sang sơ sinh trong phòng sinh: Các khuyến cáo hiện tại của Chương trình Hồi sức Sơ sinh

Nguyên nhân gây khò khè ở trẻ em

Khò khè ở trẻ em là gì? Khò khè là một triệu chứng thường gặp khi trẻ mắc bệnh hô hấp. Một cuộc khảo sát ở Mỹ từ năm 1988 đến 1994 cho thấy tỷ lệ khò khè ở những trẻ từ 2-3 tuổi là 26% và trẻ từ 9-11 tuổi là 13%. 1/3 trẻ trải qua ít nhất 1 lần bị khò khè cấp tính trước 3 tuổi. Khò khè có thể lành tính, tự khỏi hoặc là triệu chứng của một bệnh hô hấp nặng. Vai trò của bác sĩ điều trị là cố gắng chẩn đoán có khả năng nhất nhanh chóng và đưa ra phác đồ hiệu quả nhất để điều trị, từ đó có thể giải quyết mối lo lắng của bố mẹ bệnh nhân.

Chẩn đoán có khả năng nhất ở trẻ bị khò khè tái diễn là hen, bất kể tuổi khởi phát, dấu hiệu của bệnh dị ứng, các nguyên nhân kích thích, hoặc tần suất của khò khè. Tuy nhiên, các bệnh khác có thể biểu hiện khò khè vào thời thơ ấu, và bệnh nhân bị hen có thể không khò khè. Chẩn đoán phân biệt của khò khè bao gồm một loạt các tình trạng bẩm sinh và mắc phải.

Tiền sử và khám thực thể thường cho phép chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, chụp Xquang, test chức năng hô hấp, soi phế quản, nồng độ clo mồ hôi, và các xét nghiệm chọn lọc khi được chỉ định một cách thích hợp sẽ là những công cụ hữu ích trong việc xác định căn nguyên của khò khè. Việc đánh giá ban đầu một trẻ khò khè là chẩn đoán loại trừ, sau đó nếu nghi ngờ hen thì thử điều trị thuốc giãn phế quản.

Nguyên nhân gây khò khè ở trẻ em
Nguyên nhân gây khò khè ở trẻ em

Trẻ thở khò khè do hen suyễn

Hen suyễn hay hen phế quản là một bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, bệnh kéo dài suốt đời và gây ảnh hưởng đến luồng khí lưu thông đến phổi. Hen suyễn có tiến triển phức tạp và thường khởi phát ngay từ khi nhỏ. Khi khởi phát những cơn hen suyễn, lớp niêm mạc trong lòng đống phế quản sẽ bị phù nề lên, viêm đỏ và dễ bị kích ứng. Tiếp theo đó là tình trạng co thắt của ống phế quản, kết hợp với tình trạng viêm nhiễm làm cho đường dẫn khí vào phổi bị thu hẹp lại từ đó tạo ra tình trạng khó thở.

Khi tiếp xúc với dị nguyên hoặc yếu tố gây bệnh tình trạng phù nề sẽ trở lên nghiêm trọng làm đường dẫn khí càng ngày càng bị hẹp lại. Lúc này trẻ sẽ cảm thấy cực kỳ khó chịu, thở khò khè, đôi khi còn vật vã và tím tái.

Các triệu chứng của hen suyễn thường là phù nề và co thắt đường thở, tăng tiết dịch trong lòng ống dẫn khí tiếng thở khò khè hoặc tiếng rít khi thở ra, tức ngực. Có rất nhiều nguyên nhân gây khởi phát bệnh những điển hình là thay đổi thời tiết, không khí lạnh, tiếp xúc với dị nguyên,…

== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Cách sử dụng các thiết bị thở máy thông thường trong thông khí hỗ trợ cho trẻ sơ sinh

Thở khò khè do viêm tiểu phế quản

Viêm tiểu phế quản là tình trạng viêm cấp tính gây ra do Virus, bệnh xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi và điển hình bởi tình trạng suy hô hấp, tiếng thở khò khè, khi thăm khám thấy xuất hiện ran nổ. Bệnh thường xuất hiện ở nhóm trẻ từ 2 tháng đến 6 tháng tuổi.

Yếu tố bệnh sinh thường phát triển mạnh trong môi trường mát mẻ, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa cuối đông và đẩu xuân, đỉnh điểm là từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm.

Virus tăng sinh một cách nhanh chóng khi gặp điều kiện thuận lợi, sau đó lây nhiễm mạnh từ đường hô hấp trên xuống tiểu phế quản của đường hô hấp dưới, gây ra hoại tử biểu mô và một loạt các phản ứng viêm. Các tiểu phế quản bị phù nề và xuất tiến, tiến triển nặng có thể gây tắc nghẽn đường thở một phần.

Triệu chứng điển hình của bệnh là tình trạng trẻ thở khò khè, co rút đường thở, ho nhiều ho liên tục. Các dấu hiệu của suy hô hấp gồm tím tái, rút lõm lồng ngực khi trẻ thở, tiếng khò khè mạnh với tần suất cao. Trẻ có biểu hiện ăn uống kém, mệt mỏi, tiếng thở nông và gấp. Khi áp vào lưng để nghe phổi thì thấy xuất hiện những tiếng khò khè, khi thở ra thì tiếng khò khè kéo dài ra.

Trẻ bị thở khò khè do viêm phế quản cấp

Viêm phế quản là một bệnh lý nặng của đường hô hấp, và là diễn biến về sau của tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên. Viêm phế quản cấp còn được hiểu là tình trạng viêm nhiễm của cây khí – phế quản. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh là do Virus, mầm bệnh thường ít khi hoặc khó để xác định.

Triệu chứng của viêm phế quản cấp ở trẻ em là tình trạng ho nhiều liên tục, ho có đờm hoặc không có đờm, trước đó thường có các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp trên. Triệu chứng điển hình của viêm phế quản là đau thắt ngực khi hít thở nhưng không phải do tình trạng thiếu Oxy. Xuất hiện ran ngáy và tiếng khò khè khi thở, tiếng khò khè nghe rõ hơn khi để gần hoặc áp tai vào lưng của bệnh nhân. Đờm có thể trong đôi khi có lẫn mủ xanh, vàng hoặc lẫn vệt máu. Trẻ bị viêm phế quản đi kèm với những cơn sốt nhẹ, người mệt mỏi chán ăn.

Sau khi bệnh thuyên giảm những cơn ho vẫn có thể tiếp diễn liên tục trong một đến hai tuần tiếp theo.

Trẻ bị thở khò khè do viêm phổi

Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng viêm nhiễm bên trong hệ thống phổi, nguyên nhân chủ yếu là do Virus và vi khuẩn. Khi các yếu tố bệnh sinh gặp điều kiện thuận lợi sẽ sinh sôi phát triển mạnh, tấn công vào phổi tạo thành những ổ nhiễm trùng ở phổi.

Theo báo cáo thống kê mới đây của tổ chức WHO thì viêm phổi là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tử vong của 2 triệu trẻ em hàng năm trên toàn thế giới. Con số này cao hơn tổng số ca tử vong gây ra do hội chứng suy giảm miễn dịch, sởi và sốt rét cộng lại.

Với đặc điểm khí hậu và môi trường nóng ấm là điều kiện thuận lợi cho tình trạng viêm phổi diễn biến phức tại. Theo thống kê hàng năm nước ta có 2,9 triệu ca mắc viêm phổi ở trẻ em, và có 4000 trẻ tử vong trong tổng số ca.

Triệu chứng điển hình của viêm phổi ở trẻ em là nhịp thở nhanh, tiếng khò khè khi thở. Trẻ có dấu hiệu bỏ bú, li bì, có thể bị tím tái đi kèm với tình trạng sốt cao không hạ. Thời gian đầu sẽ xuất hiện những cơn ho khan, ho liên tục sau đó dần có đờm trắng rồi chuyển sang mủ xanh hoặc vàng. Trẻ có dấu hiệu khó thở, rút lõm lồng ngực khi thở, bỏ bú, ăn kém đôi khi có cả tiêu chảy hoặc nôn trớ.

Trẻ bị thở khò khè do viêm phổi
Trẻ bị thở khò khè do viêm phổi

Khi nào khò khè là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm hơn?

Khò khè ở trẻ nhỏ thường xảy khi bé gặp phải các bệnh lý ở đường hô hấp dưới có dấu hiệu tắc nghẽn, co thắt hoặc phù nề đường dẫn khí. Như đã nêu ở trên nguyên nhân thường gặp nhất của tình trạng trẻ thở khò khè là do hen suyễn, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản hoặc thậm chí là viêm phổi. Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi nguyên nhân chính gây khò khè là do viêm phế quản hoặc tiểu phế quản, còn ở trẻ lớn nguyên nhân thường gặp nhất là hen phế quản.

Ngoài những nguyên nhân kể trên thì tiếng khò khè còn là dấu hiệu của dị vật đường thở, phế quản bị chèn ép bởi hạch hoặc khối u,… Nếu trẻ có những cơn khò khè kéo dài, không dứt hoặc cải thiện sau vài ngày thì cần đi thăm khám bác sĩ để có phương án điều trị đúng đắn.

Khi nào khò khè là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm hơn?
Khi nào khò khè là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm hơn?

Nhận biết ban đầu dựa vào tiếng khò khè của trẻ

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh mà tình trạng khò khè ở mỗi trẻ sẽ khác nhau, khi thăm khám chuyên sâu bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng, tiếng thở và chẩn đoán cận lâm sàng để đưa ra phương hướng điều trị.

Tiếng khò khè với âm sắc thấp, khàn khàn

Tiếng thở khò khè với âm sắc thấp và hơi khàn khàn thường gây ra do tình trạng tắc nghẽn ở thanh quản. Dấu hiệu này thường gặp khi trẻ bị phù nề thanh quản, viêm khí quản hoặc thanh quản, khiến cho đường dẫn khí vào phổi bị sưng tấy, hẹp lại và tăng tiết dịch.

Trẻ có tiếng thở khò khè liên tục và kéo dài

Nếu trẻ có tình trạng khò khè liên tục và kéo dài, đặc biệt là trẻ nhũ nhi thì rất có thể trẻ đã mắc những bệnh lý đường hô hấp nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản,…

Tiếng thở khò khè kèm theo những cơn thở dốc, nhịp thở nhanh

Nếu trẻ có tình trạng khò khè đi kèm những cơn thở dốc, nhịp thở nhanh và gấp thì rất có thể bé đã bị viêm phổi. Nguyên nhân gây ra những tiếng thở này là do sự ứ đọng dịch nhầy bên trong các phế nang, kết hợp với việc những mô phổi bị tổn thương khiến dòng khí lưu thông đến phổi bị tắc nghẽn. Nếu thấy trẻ có biểu hiện rút lõm nồng ngực, vật vã và tím tái thì cần đưa trẻ đến bệnh viện do đây là những dấu hiệu nguy hiểm báo hiệu tình trạng suy hô hấp.

Những lưu ý khi tiến hành chăm sóc trẻ bị khò khè

Trong hầu hết các trường hợp trẻ bị thở khò khè thường là dấu hiệu của những bệnh lý hô hấp không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên do trẻ nhỏ có sức đề kháng kém, đường dẫn khí vào phổi còn chưa hoàn thiện nên nếu thấy trẻ có biểu hiện bất thường phải đưa bé đi thăm khám ngay. Tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị, tăng cường giữ ấm cho trẻ vào những ngày thời tiết lạnh, chính là những biện pháp giúp cải thiện nhanh chóng tình trạng thở khò khè ở trẻ nhỏ.

Sử dụng nước muối sinh lý làm sạch đường thở

Làm sạch đường mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý là biện pháp đơn giản, an toàn và có hiệu quả cao để giảm thiểu tình trạng trẻ thở khò khè. Vệ sinh mũi thường xuyên cũng loại bỏ bớt được dị vật ở đường hô hấp, hạn chế tối đa những yếu tố gây bệnh sinh sôi và phát triển. Tuy nhiên mẹ chỉ nên dùng nước muối sinh lý 1-2 lần/ngày khi bé bị khò khè để tránh rửa trôi lớp nhầy tự nhiên bảo vệ đường hô hấp của bé.

Sử dụng nước muối sinh lý làm sạch đường thở
Sử dụng nước muối sinh lý làm sạch đường thở

Không tự ý sử dụng thuốc khi chưa rõ nguyên nhân gây bệnh

Không nên tự ý sử dụng lạm dụng thuốc khi chưa có chỉ dẫn từ bác sĩ điều trị, việc lạm dụng thuốc kháng sinh, long đờm giảm ho đôi khi không đem lại hiệu quả điều trị bệnh mà còn khiến cho bệnh có những diễn biến phức tạp hơn.

Không tự ý sử dụng thuốc
Không tự ý sử dụng thuốc

Theo dõi tình trạng của bé

Các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao các triệu chứng và diễn biến bệnh ở trẻ. Cho trẻ đi khám ngay nếu có xuất hiện những tình huống sau: trẻ khò khè lần đầu tiên, khò khè kèm theo tình trạng tím tái, vật vã, trẻ có biểu hiện bỏ bú, li bì khi quan sát lồng ngực thấy có hiện tượng rút lõm.

Khi trẻ có tình trạng khò khè kéo dài, dai dẳng dài hơn 4 tuần thì cần cho trẻ đi kiểm tra chuyên khoa làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu (chụp x quang phổi, đo hô hấp ký, nội soi,…) để tìm ra được nguyên nhân gây bệnh.

Khò khè là một tình trạng thở bất thường hay gặp ở trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh. Khi thấy có tình trạng này các bậc phụ huynh cần theo dõi sát sao các triệu chứng của con, đưa bé đi thăm khám chuyên sâu để có phác đồ điều trị thích hợp. Xác định nguyên nhân gây bệnh là yếu tố quyết định trong điều trị khò khè ở trẻ em, do đó phụ huynh không nên chủ quan trước những biểu hiện nhỏ nhất ở trẻ.

Tài liệu tham khảo

1.Wheezing Sound Separation Based on Informed Inter-Segment Non-Negative Matrix Partial Co-Factorization, nguồn NCBI, truy cập ngày 15/4/2023.

2.Respiratory sound classification for crackles, wheezes, and rhonchi in the clinical field using deep learning, nguồn NCBI, truy cập ngày 15/4/2023.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here