Nhóm thuốc điều trị nhiệt miệng: Cách dùng, tác dụng phụ, lưu ý khi dùng

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Thuốc nhiệt miệng

Bài viết này nhà thuốc Ngọc Anh xin chia sẻ về các nhóm thuốc điều trị nhiệt miệng.

Đại cương về nhiệt miệng

Nhiệt miệng là bệnh gì?

Nhiệt miệng (aphthous stomatitis, aphthous ulcers, canker sores) là một trong những bệnh lý viêm niêm mạc miệng phổ biến nhất. Đây thường là một rối loạn không rõ nguyên nhân. Đa số các vết loét nông, rời rạc và đau, kéo dài 7-10 ngày, sau đó tự lành và không để lại sẹo. Các vết loét lớn hơn có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng và có thể để lại sẹo khi lành.

Mặc dù thường không rõ nguyên nhân của nhiệt miệng, nhưng chúng có liên quan đến miễn dịch qua trung gian tế bào. Đây không phải là một nhiễm trùng cấp và do đó không lây. Nhiệt miệng có thể được hoạt hóa bởi stress, chấn thương, dị ứng, nhạy cảm (ví dụ: natri lauryl sulfate trong kem đánh răng, quế, pho mát, cam, quýt), phơi nhiễm độc tố (nitrate trong nước uống) … Có thể có chứng kém hấp thu, bệnh ruột hoặc bệnh celiac. Có đến 20% các trường hợp liên quan đến thiếu hụt huyết sắc tố (sắt, acid folic, vitamin B6, B12), các thiếu hụt khác như vitamin D, kẽm hoặc B1 cũng có thể xảy ra. Nhiệt miệng cũng có thể có nguyên nhân do virus herpes.

Trong một số trường hợp, nhiệt miệng có thể là biểu hiện của hội chứng Behcet, lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp phản ứng hoặc bệnh viêm đường ruột (đặc biệt là bệnh Crohn). Các bệnh lý này có thể được loại trừ bằng cách triệu chứng toàn thân.

Thuốc nhiệt miệng
Thuốc nhiệt miệng

Nhiệt miệng có cần điều trị không?

Không phải tất cả các trường hợp nhiệt miệng đều cần phải điều trị. Đa phần các trường hợp nhiệt miệng thông thường tại cộng đồng là nhẹ, tự giới hạn và có thể tự khỏi trong 7-10 ngày. Tuy nhiên, nếu nhiệt miệng nặng, vết loét lớn, lâu khỏi, nhiệt miệng thường xuyên tái phát, hoặc nhiệt miệng đi kèm với các triệu chứng toàn thân (ví dụ: sốt), đó là dấu hiệu cho thấy bệnh nhân cần được điều trị.

Các nhóm thuốc điều trị nhiệt miệng

Mục tiêu điều trị là giảm đau, cung cấp đủ nước và dinh dưỡng, chữa lành và ngăn ngừa tái phát.

Thuốc gây tê cục bộ

Hai thuốc được sử dụng phổ biến nhất là Benzocain (tại Việt Nam Benzocain được sử dụng phối hợp với các thuốc khác trong viên ngậm, với các biệt dược như Dorithricin, Aliricin, Star cough relief và Ametuss 5 cough relief) và Lidocain (các biệt dược tại Việt Nam là Octocaine, Kamistad-Gel N, Syndent Plus Dental Gel, Lidogel, Xylocaine Jelly). Việc sử dụng các thuốc gây tê bề mặt này nhìn chung được đánh giá là an toàn và ít tác dụng phụ. Các thuốc này chỉ có tác dụng điều trị triệu chứng chứ không điều trị được nguyên nhân gây bệnh.

Các thuốc này làm ổn định thuận nghịch màng tế bào thần kinh thông qua làm giảm tính thấm của nó đối với các ion natri. Sự khử cực của màng tế bào thần kinh bị ức chế, do đó ngăn chặn sự khởi đầu và dẫn truyền các xung thần kinh.

Tác dụng không mong muốn: Phát ban, ngứa, mày đay, phù nề.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc các thuốc gây tê có cấu trúc ester hoặc amide khác.
  • Nhiễm khuẩn thứ phát ở vị trí điều trị.

Một số lưu ý đặc biệt:

  • Không sử dụng trên vết thương hở hoặc trên diện tích lớn. Hấp thu toàn thân Lidocain đặc biệt nguy hiểm bởi nó đồng thời là một thuốc điều trị rối loạn nhịp tim, có thể gây ra nhịp tim chậm, hạ huyết áp và trụy mạch.
  • Đã có những báo cáo về nhịp tim bất thường, suy hô hấp, co giật và tử vong ở những bệnh nhân sử dụng thuốc gây tê tại chỗ không được giám sát, dùng với lượng lớn hoặc trên vùng diện tích rộng, băng kín trong thời gian dài.

Thuốc bao vết loét và khóa ẩm

Một số đại diện của nhóm này bao gồm Bismuth subsalicylate, Sucralfate (tại Việt Nam, hai thuốc này chỉ có dưới dạng các biệt dược dùng đường uống trong điều trị loét dạ dày – tá tràng) và 2-octyl cyanoacrylate (không có tại thị trường Việt Nam).

Các thuốc này chỉ được sử dụng tại chỗ trong nhiệt miệng nên khá an toàn, tuy nhiên hiệu quả của chúng còn gây nhiều tranh cãi. Một số nghiên cứu đã báo cáo sự cải thiện triệu chứng và thời gian loét, trong khi các nghiên cứu khác lại báo cáo rằng Sucralfate không hiệu quả trong điều trị nhiệt miệng tái phát. Một số bác sĩ khuyên bệnh nhân nên bổ sung Bismuth subsalicylate vào nước súc miệng chứa các thành phần khác, chẳng hạn như Diphenhydramine.

Chất sát trùng và kháng sinh

Các loại chất sát trùng được sử dụng trong nhiệt miệng thường là Chlorhexidine và Hydrogen peroxide. Các chất này được sử dụng trong các loại nước súc miệng, về cơ bản là an toàn và hầu như không có tác dụng phụ (trừ khi vô tình nuốt phải). Hoạt tính kháng khuẩn của hai chất này đều rất tốt. Súc miệng thường xuyên với các nước súc miệng chứa các chất này giúp dự phòng các trường hợp nhiễm khuẩn vết loét thứ phát có thể xảy ra.

Các kháng sinh được sử dụng trong nhiệt miệng rất hạn chế, chỉ khi có nhiễm khuẩn mới được phép sử dụng. Nhóm kháng sinh được sử dụng điều trị nhiễm khuẩn thứ phát trong nhiệt miệng là nhóm Tetracycline, với các đại diện điển hình là Tetracycline (rất nhiều biệt dược tại Việt Nam sử dụng tên hoạt chất làm tên thuốc), Doxycycline (một số biệt dược tại Việt Nam Cyclindox, Doxymark, Axodox, Doxyglobe, Umidox) và Minocycline (biệt dược duy nhất tại Việt Nam Borymycin). Tetracycline hiện nay đã bị kháng rất nhiều, nên chủ yếu hiện nay các bác sĩ sử dụng Doxycycline và Minocycline.

Các thuốc này hoạt động kìm khuẩn bằng cách ức chế thuận nghịch tiểu đơn vị ribosome 30S của vi khuẩn, từ đó ức chế quá trình tổng hợp protein và ức chế sự nhân lên của vi khuẩn. Công việc tiêu diệt vi khuẩn được dành lại cho hệ miễn dịch của cơ thể.

Tác dụng không mong muốn: Các kháng sinh nhóm Tetracycline có thể gây rối loạn tiêu hóa, loét thực quản. Đặc biệt, do khả năng tạo phức bền vững với các ion kim loại hóa trị II, III, đặc biệt là calci có nhiều trong xương và răng, nên Tetracycline có thể gây ra vàng răng, ức chế sự phát triển của xương.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Trẻ em < 8 tuổi và phụ nữ có thai và đang cho con bú.

Một số lưu ý đặc biệt:

  • Các kháng sinh nhóm Tetracycline có tương tác thuốc với nhiều chế phẩm chứa các ion kim loại hóa trị II, III như các sản phẩm multivitamin, viên uống bổ sung calci, sắt, thuốc kháng acid dạ dày… Phối hợp này làm giảm nghiêm trọng sinh khả dụng của kháng sinh. Vì vậy, không sử dụng đồng thời phối hợp này mà phải sử dụng cách nhau trong một khoảng thời gian hợp lý, thường là sử dụng kháng sinh 2 giờ trước hoặc 6 giờ sau khi dùng các chế phẩm trên.
  • Thận trọng ở bệnh nhân suy thận, suy gan. Có thể cần phải hiệu chỉnh liều.
  • Dùng kháng sinh kéo dài có thể bị bội nhiễm nấm hoặc vi khuẩn.

Thuốc chống viêm Glucocorticoid

Ưu tiên sử dụng các Glucocorticoid đường tại chỗ hơn đường toàn thân để hạn chế tác dụng phụ. Đường dùng tại chỗ vẫn có thể tạo ra hấp thu thuốc đáng kể.

Các Glucocorticoid là các thuốc chống viêm tác dụng mạnh, có hiệu quả với gần như mọi nguyên nhân gây viêm. Thuốc tác động lên quá trình viêm thông qua gắn với thụ thể của Glucocorticoid nội bào, phức hợp này sau đó di chuyển vào nhân và gắn với các vùng đặc hiệu, từ đó nó hoạt hóa hoặc ức chế quá trình phiên mã các gene chịu trách nhiệm cho các quá trình viêm. Ở liều thấp, thuốc ức chế tổng hợp các protein gây viêm, trong khi ở liều cao, thuốc hoạt hóa tổng hợp các protein chống viêm.

Ảnh. Cơ chế tác dụng của các Glucocorticoid.

Các loại Glucocorticoid được sử dụng tại chỗ cho nhiệt miệng là Dexamethasone (tại Việt Nam có thể sử dụng mỡ tra mắt chứa Dexamethasone thay thế như Eyrus Ophthalmic Ointment, Maxitrol, Tobradex), Triamcinolone (một số biệt dược tại thị trường Việt Nam bao gồm Neomiderm, Mouthpaste), Fluocinonide (biệt dược duy nhất tại Việt Nam là Fluocinonide creams [FUBAO]) và Clobetasol (một số biệt dược tại thị trường Việt Nam là Clorfine, Tempovate Cream, Sensoderm).

Tác dụng không mong muốn:

  • Tăng cường dị hóa protein gây ra teo cơ, yếu cơ, xốp xương.
  • Tăng cường dị hóa và phân bố lại lipid làm mất mỡ ở chi nhưng dày mỡ ở phần trung tâm, bệnh nhân sử dụng lâu ngày có biểu hiện của hội chứng Cushing.
  • Tăng phân giải glycogen trong gan và tân tạo đường gây ra tăng đường huyết.
  • Tăng giữ muối và nước gây phù, tăng huyết áp.
  • Giảm hấp thu calci ở ruột và tăng thải calci qua thận, làm giảm calci máu, điều này làm tuyến cận giáp phải tăng cường hoạt động để huy động calci từ xương ra, gây loãng xương và cường cận giáp thứ phát.
  • Kích thích thần kinh trung ương, gây rối loạn tâm thần.
  • Gây mỏng giác mạc, đục thủy tinh thể, mù lòa.
  • Gây mỏng da, làm vết thương lâu lành.
  • Liều cao gây teo cơ quan lympho, ức chế sự di chuyển của bạch cầu, ức chế miễn dịch.
  • Sử dụng kéo dài gây ức chế tuyến thượng thận, có thể gây suy thượng thận cấp nếu ngừng thuốc đột ngột.

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Nhiễm trùng nặng chưa được kiểm soát tốt, nhiễm nấm lan tỏa toàn thân.

Một số lưu ý đặc biệt:

  • Dùng liều thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể, không lạm dụng thuốc.
  • Các thận trọng với Glucocorticoid đường toàn thân thường ít có ý nghĩa trong trường hợp này.

Thuốc điều hòa miễn dịch

Các tác nhân này bao gồm các Retinoids (dẫn xuất vitamin A), Cyclosporine và Amlexanox.

Cyclosporine (không có đường dùng tại chỗ trên thị trường Việt Nam) là một thuốc ức chế miễn dịch, đã được thử nghiệm theo đường dùng toàn thân hoặc miếng dán tại chỗ với nhiều báo cáo về hiệu quả, nhưng hiện nay nó thường được sử dụng hiệu quả nhất dưới dạng nước súc miệng.

Isotretinoin (gel 0.1%, tại Việt Nam có biệt dược Citominos gel 0.1%, Tinosot gel), Tretinoin 0.1% trong nền dính (một số biệt dược tại Việt Nam là Hiteengel, Medskin Clear, Anapa, Purecare-S) và Retinoic acid 0.05% (không có tại thị trường Việt Nam) đã được báo cáo hiệu quả trong bệnh lichen phẳng ở miệng và chúng cũng có thể hữu ích trong điều trị nhiệt miệng tái phát. Các nhà nghiên cứu cũng đã phát hiện ra Isotretinoin toàn thân (có rất nhiều biệt dược tại Việt Nam: Acnotin, Nimegen, Dimorin¸Theaped) là một liệu pháp hiệu quả để điều trị nhiệt miệng tái phát.

Amlexanox không có tại thị trường Việt Nam và hiện nay cũng không còn được sử dụng tại Hoa Kỳ.

Một số tác nhân khác cũng có tác dụng điều hòa miễn dịch và cũng có thể mang lại hiệu quả như Colchicine, Azathioprine, Montelukast, Clofazimine, Sulodexide và Thalidomide. Tuy nhiên, hiệu quả của các thuốc này chưa thực sự rõ ràng. Montelukast được báo cáo là có hiệu quả tương đương với Prednisone trong điều trị nhiệt miệng tái phát với ít tác dụng phụ hơn.

Các thuốc điều trị khác

  • Pentoxifylline: Có thể hiệu quả ở các bệnh nhân không đáp ứng với các liệu pháp khác. Đây không phải là phương pháp điều trị đầu tay.
  • Quercetin: Một dẫn chất của rutin. Hiệu quả không thực sự rõ ràng.
  • Các chất kích thích bài tiết như Cevimeline (biệt dược nổi tiếng Evoxac) hoặc Pilocarpine (biệt dược nổi tiếng Salagen).
  • Curcumin: Đây là một tác nhân triển vọng với nhiệt miệng tái phát, có hiệu quả tốt trong giảm đau và giảm kích thước vết loét. Cần có các thử nghiệm lâm sàng tốt hơn để đánh giá chính xác hơn điều này.
  • Viên ngậm probiotic: Các nghiên cứu đã gợi ý rằng viên ngậm probiotic, đặc biệt là viên ngậm chứa Lactobacillus reuteri có thể hữu ích trong giảm đau và chữa lành vết loét trong nhiệt miệng tái phát.

Tài liệu tham khảo

Michael C. Plewa, Kingshuk Chatterjee. Aphthous Stomatitis. StatPearls. 2021.

Available from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431059/

Xem thêm: Tổng quan về việc sử dụng bicarbonate trong các tình huống lâm sàng phổ biến

 

5 thoughts on “Nhóm thuốc điều trị nhiệt miệng: Cách dùng, tác dụng phụ, lưu ý khi dùng

    • Dược sĩ Minh Thư says:

      Nếu bạn không uống thuốc thì thường nhiệt miệng sẽ kéo dài 7-12 ngày nên bạn yên tâm đấy là hiện tượng hoàn toàn bình thường ạ. Nếu bạn muốn nhanh khỏi bệnh thì có thể dùng thuốc trị nhiệt miệng ạ.

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here