Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm
Bài viết Dưỡng ẩm là gì? Tại sao cần phải sử dụng dưỡng ẩm? được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
CÁC ĐIỂM CHỐT
– Dưỡng ẩm là những chất làm da mềm hơn thông qua khả năng làm giảm mất nước qua da, phục hồi hàng rào bảo vệ và hút nước. Ngoài ra, dưỡng ẩm thế hệ mới chứa thêm các chất chống viêm, chất có hoạt tính sinh học.
– Thông thường da có các lipid ngoại bào bao xung quanh các tế bào sừng, lớp lipid này được ví như vữa để liên kết các tế bào sừng vào với nhau. Chất nền ngoại bào gồm 3 yếu tố chính: cholesterol, ceramide và acid béo theo tỉ lệ 3:1:1.
– Glycerin và ure là 2 chất dưỡng ẩm rất hay được sử dụng. HA thường phối hợp với các chất khác để dùng trong các sản phẩm chống lão hóa da.
– Vitamin B3 hay niacinamide vừa có tác dụng dưỡng ẩm chung, vừa có tác dụng chống viêm, sáng da, thu gọn lỗ chân lông, trong khi vitamin B5 có tác dụng dưỡng phục hồi, chống viêm, lành vết thương.
– Dưỡng ẩm có hoạt tính sinh học giúp tăng sinh các chất dưỡng ẩm tự nhiên như endocannabinoids và dẫn xuất, yếu tố tăng trưởng, triterpenoid saponins trong chiết xuất rau má….
– Dưỡng ẩm có các dạng trình bày khác nhau như serum, lotion, gel, cream, mỡ được sử dụng ở các vùng khác nhau trên cơ thể và vào thời điểm thời tiết khác nhau. Dưỡng ẩm cũng có các tác dụng phụ như gây mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng…
– Kem ngày và kem đêm khác nhau về dạng trình bày, thành phần trong đó.
1. DƯỠNG ẨM LÀ GÌ?
Chất dưỡng ẩm là những chất có tác dụng giúp duy trì độ ẩm cho da thông qua khả năng ngăn cản sự mất nước qua da, phục hồi các yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên và/hoặc có tác dụng hút nước từ ngoài môi trường hoặc từ các lớp sâu ở dưới da để giữ cho làn da mềm mượt hơn.
Dưỡng ẩm có thể được trình bày ở nhiều dạng khác nhau như mỡ, cream, lotion, dạng gel…
2. TẠI SAO CẦN PHẢI DÙNG DƯỠNG ẨM?
Chất dưỡng ẩm thường được sử dụng để giảm, ngăn ngừa mất nước qua da, giảm tình trạng da bị khô, làm da mịn màng hơn. Ngoài ra, dưỡng ẩm chứa HA có thể hỗ trợ giảm lão hóa da, các loại dưỡng ẩm trong bệnh lý như viêm da cơ địa, viêm da dầu… có thể làm giảm tái phát bệnh.
Tác dụng của chất dưỡng ẩm:
- Chống viêm: một số thành phần dưỡng ẩm như glycyrrhetinic acid, palmitoyl-ethanolamine, telmesteine, ceramide hay các sản phẩm phân huỷ filaggrin có đặc tính chống viêm thông qua nhiều cơ chế khác nhau: ức chế hoạt động của cyclooxygenase, điều hoà các cytokine cũng như các sản phẩm prostanoids tiền viêm.
- Chống ngứa: các loại chất dưỡng ẩm gốc nước có tác dụng làm mát thông qua việc bay hơi nước trên da. Một số loại dưỡng ẩm có chứa tinh dầu bạc hà mang lại cảm giảm mát lạnh trên da, có tác dụng giảm ngứa.
- Chống phân bào: dầu khoáng có đặc tính chống phân bào thượng bì ở mức độ thấp nên có hiệu quả trong điều trị bệnh vảy nến.
- Làm lành vết thương: hyaluronic acid, vitamin B5 đã được chứng minh là thúc đẩy việc lành thương.
3. MÔ HÌNH GẠCH VỮA
Lớp thượng bì gồm các tế bào (còn được ví là các viên gạch), giữa các tế bào là chất nền ngoại bào được ví như là vữa để gắn kết các tế bào với nhau. Chất nền ngoại bào này chính là các chất dưỡng ẩm.
Chất nền ngoại bào (màu vàng) gồm 3 yếu tố chính: lipids chủ yếu là cholesterol, ceramide và acid béo (theo tỉ lệ 3:1:1). Bình thường chất này có vai trò như vữa để liên kết các viên gạch là các tế bào sừng với nhau. Lớp này toàn vẹn làm giảm sự mất nước qua Khi gặp vấn đề (dưới sự tác động chất tẩy rửa, bệnh lý…) làm tổn thương hàng rào bảo vệ da làm mất nước qua da nhiều hơn gây khô da.
Chất dưỡng ẩm tự nhiên natural moisturizing factor (NMF) đóng vai trò quan trọng trong cơ chế duy trì độ ẩm bình thường của da. NMF chứa các chất phân tử nhỏ tan trong nước như acid béo tự do free amino acids (FAAs), pyrrolidone carboxylic acid (PCA), lactate, urea và ion vô cơ như K, Mg (những chất này là chất chuyển hóa chủ yếu của profilaggrin và filaggrin). Trong bệnh viêm da cơ địa, vảy cá có liên quan tới đột biến gen mã hóa cho filaggrin làm cho da khô, bong tróc. Khi bổ sung NMF, các ion vô cơ làm tăng cường hiệu quả dưỡng ẩm cho da.
4. THÀNH PHẦN VÀ CƠ CHẾ CỦA CÁC HOẠT CHẤT DƯỠNG ẨM CỔ ĐIỂN
Các cơ chế | Chất phục hồi hàng rào bảo vệ (Emollients) | Chất hút ẩm (Humectants) | Chất khóa ẩm hay băng bít (Occlusives) | Protein trẻ hóa (Protein Rejuvenators) |
Cơ chế | Phục hồi hàng rào bảo vệ tự nhiên → giảm mất nước qua da. | Chủ yếu là các chất trọng lượng phân tử thấp có khả năng hấp thu nước. | Bao gồm các loại dầu và sáp, tạo lớp màng trên da, ngăn chặn sự mất nước qua da. | Các phân tử nhỏ giúp trẻ hóa da bằng cách thay thế các protein chủ yếu trên da. |
Chỉ định | Chăm sóc da cơ bản, da khô, ngứa. | Da khô, ngứa. | Viêm da tiếp xúc, khô da, viêm da cơ địa. | Lão hóa da. |
Tác dụng phụ | Viêm da tiếp xúc kích ứng (hiếm gặp). | Kích ứng da (acid lactic, ure). | Viêm nang lông, viêm da tiếp xúc. | Viêm da tiếp xúc. |
Thành phần | Acid béo, fatty alcohols, cholesterol, squalene, pseudo- ceramides. | Ure, sorbitol, panthenol, glycerol, propylene glycol, acid hyaluronic, AHA… | Dầu khoáng, petroleum jelly, sáp ong, silicones, kẽm oxide. | Collagen, elastin, keratin. |
4.1. Các chất phục hồi hàng rào bảo vệ (emollients)
Chất phục hồi bảo vệ là những chất được sử dụng để lấp đầy những khoảng cách, kẽ rãnh nhỏ trên bề mặt các tế bào sừng giúp cho da có vẻ bề ngoài căng, mịn màng, mềm mại. Các chất này được cấu tạo chủ yếu từ các rượu béo (fatty alcohol) và acid béo (fatty acid) như stearic, linoleic, linolenic, oleic, lauric có trong các loại dầu, mỡ như dầu cọ, dầu dừa, mỡ cừu.
Phân loại các chất phục hồi hàng rào bảo vệ:
Emollients khô | Emollients béo | Emollients se khít | Emollients bảo vệ |
Isopropyl palmitate, isostearyl alcohol, decyl oleate. | Propylene glycol, octyl stearate, glyceryl stearate, jojoba oil, castor oil | Dimethicone, cyclomethicone, octyl octanoate, isopropyl myristate. | Isopropyl isostearate, diisopropyl dilinoleate |
4.2. Các chất hút ẩm (humectants)
Chất giữ/hút nước là những sản phẩm hòa tan trong nước và có khả năng hấp thụ nước cao do cấu trúc có nhiều nhóm OH.
Khi bôi trên da, các chất này sẽ hấp thụ nước từ trung bì vào thượng bì từ đó làm tăng lượng nước ở thượng bì, một số quan điểm còn cho rằng các chất này có thể hấp thụ nước từ môi trường bên ngoài. Nếu độ ẩm bên ngoài thấp, chất này sẽ lấy nhiều nước ở dưới da hơn, sau đó bị mất ra ngoài môi trường nên làm cho da khô hơn. Vì vậy, để tránh hiện tượng này, các sản phẩm dưỡng ẩm có chất hấp thụ nước cần phối hợp với các chất băng bịt để tránh thoát nước qua da. Các chất có khả năng giữ/hút nước thường được sử dụng gồm: glycerin, sorbitol, alpha hydroxy acid (như lactic acid, glycolic acid) và một số loại đường.
Chất được sử dụng nhiều nhất trong dưỡng ẩm là glycerol hay Đây là thành phần có tác dụng hút/giữ nước tốt. Ngoài ra, nó còn có tác dụng hoạt hóa men transglutaminase ở lớp sừng giúp kích thích sự trưởng thành của tế bào sừng, giảm tình trạng bong vảy da. Glycerin có tác dụng giữ nước lâu dài ngay cả khi không còn trên da thông qua điều hòa các kênh nước trên da. Tác dụng của glycerin được tối ưu khi có mặt đồng thời của các chất có tác dụng băng bịt. Glycerin khá an toàn, rất ít gây kích ứng da. Sản phẩm Avène tolerance chứa thành phần chủ đạo là khoáng Avène + glycerin, chất phục hồi hàng rào bảo vệ béo là capric triglyceride và shea butter có tác dụng chống viêm, safflower seed oil. Vì thành phần có dầu, chất béo nên khá đặc, có thể gây bóng nhờn với bạn da dầu. Thuốc bôi trên không chứa các thành phần gây kích ứng nên thích hợp da nhạy cảm.
Ure với nồng độ khoảng 10% có tác dụng hấp thu nước. Tuy nhiên, ở nồng độ cao (20-30%) gây ly giải tế bào sừng. Ure được đánh giá là một trong những thành phần dưỡng ẩm rất quan trọng, giúp giảm triệu chứng, giảm tái phát viêm da cơ địa. Ngoài ra, ure có tác dụng tốt trong các bệnh lý đỏ da, bong vảy như vảy nến; dưỡng ẩm ở bàn tay, bàn chân; hỗ trợ dưỡng ẩm bạt sừng bong vảy trong dày sừng nang lông. Vì các lý do trên dưỡng ẩm có ure thường được khuyến cáo sử dụng trên bệnh nhân bị viêm da cơ địa, vảy nến…
Các alpha hydroxy acid như lactic acid, glycolic acid khi dùng ở nồng độ thấp có tác dụng dưỡng ẩm tốt, khi sử dụng nồng độ cao có khả năng tẩy tế bào chết, lột. Nhược điểm của các chất này là gây kích ứng, châm chích da.
Hyaluronic acid (HA) là 1 chất nền ngoại bào ở trong Nó được cấu tạo từ các phân tử đường liên kết lại với nhau thành phân tử có trọng lượng lớn. Chúng ta biết rằng thuốc có trọng lượng phân tử lớn > 500 kDa thì khó thấm vào da hơn nên tính thấm của HA giảm dần theo trọng lượng phân tử: 5-50 kDa (HA trọng lượng phân tử thấp) > 100-300 kDa (HA trọng lượng phân tử trung bình) > 600-1200 kDa (HA trọng lượng phân tử cao):
- HA dạng mono hay còn gọi là HA mono-oligomer 120 kDa (HAMO) có cấu trúc thuận lợi để thấm vào da, tăng tổng hợp HA được nghiên cứu độc quyền của hãng Avène có trong sản phẩm HA dạng vi cầu là các phân tử HA có cấu trúc hình cầu, khi vào da nó sẽ có khả năng đẩy da ở dưới lên làm giảm nếp nhăn nhanh chóng.
- HA có khả năng gắn với phân tử nước tạo lên kích thước hơn nó 1000 lần, vì vậy có khả năng dưỡng ẩm cao.
- Như đã trình bày ở trên, nếu không có các biện pháp can thiệp dẫn thuốc qua da thì HA khó thấm qua da được vì chúng có trọng lượng phân tử lớn. Để giải quyết nhược điểm này các nhà sản xuất đã tạo ra các cách như: tạo dạng hydrogel, nanoemulsion, microemulsion, prodrug (HA được gắn với thuốc để tăng tính ưa mỡ), liposome… nên HA thấm vào da được dễ dàng hơn. Vì vậy, một vài quan điểm cho rằng HA ít có vai trò trong dưỡng ẩm da, chống lão hóa khi dùng đường bôi là không có cơ sở. Với các cách dẫn thuốc qua da như trên thì HA là 1 lựa chọn tốt cho làn da khô, lão hóa.
- HA hay được dùng dưới dạng serum sau bước rửa mặt, toner. Khi sử dụng ít tạo cảm giác bóng nhờn (khác với các chất dưỡng ẩm khác) và ít gây kích ứng, vì vậy có thể dùng trên da dầu mụn, da nhạy cảm. Với da dầu mụn, da nhạy cảm có thể dùng đơn độc không cần bước dưỡng ẩm sau đó. Với da khô nên dùng thêm dưỡng ẩm sau serum HA (hay còn được gọi là bước khóa ẩm).
- Vai trò của HA tốt nhất trong lão hóa da nên thường được phối hợp với các chất chống lão hóa khác để tăng cường hiệu quả.
4.3. Các chất khóa ẩm (occlusives)
Các chất có khả năng khóa ẩm là những chất khi bôi lên da sẽ tạo thành một lớp màng mỏng giúp ngăn cản hiện tượng mất nước qua da. Chất khóa ẩm có ưu điểm là dưỡng ẩm sâu, kéo dài nên thích hợp trong thời tiết hanh khô như mùa đông, tuy nhiên nhược điểm là gây bóng nhờn (không phù hợp với thời tiết nắng nóng vào mùa hè) hoặc đôi khi gây viêm nang lông, mụn trứng cá. Các chất hay dùng:
- Dầu mỏ (petroleum jelly) với nồng độ thấp nhất là 5% giúp giảm tới 98-99% lượng mất nước qua da, được sử dụng nhiều nhất trong các sản phẩm dưỡng ẩm.
- Lanolin, dầu khoáng, silicone giúp giảm 20-30% lượng nước mất qua da. Trong đó, dimethicone là 1 loại silicone hay được dùng do ít gây dị ứng, không gây mụn nhân, không gây trứng cá. Các sản phẩm ghi là oil-free bản chất là dùng silicone thay thế cho các thành phần dầu khác (nhưng thực tế tên oil-free là không đúng vì silicone cũng là 1 loại dầu).
- Các loại dầu ô liu (olive oil), dầu đậu nành (soybean oil), sáp ong (beeswax), dầu jojoba (jojoba oil).
Oil-free bản chất không phải là không hoàn toàn không có dầu: mà dầu ở đây là silicone.
5. DƯỠNG ẨM THẾ HỆ MỚI
5.1. Dưỡng ẩm thêm các thành phần chống viêm
Khi điều trị các bệnh lý về da đôi khi chỉ dùng thành phần dưỡng ẩm cổ điển không đủ. Bệnh nhân thường kèm theo các triệu chứng đỏ da, ngứa, châm chích… chính vì vậy, hiện nay dưỡng ẩm thường bổ sung các chất chống viêm vào để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, chúng ta cần cân nhắc và cá thể hóa dùng các sản phẩm này bởi vì một số cá nhân bị kích ứng hay dị ứng với các thành phần trong dưỡng ẩm.
Nha đam (aloe vera) là 1 chất chống viêm, chống ngứa, lành vết thương. Nó chứa nhiều thành phần trong đó như salicylic, magie… Nồng độ nha đam 0.1, 0.25, 0.5% đã được nghiên cứu là có tác dụng.
Bisabolol là 1 chất có chiết xuất từ chamomile plant (Matricaria recutita), shea butter chiết xuất từ Butyrospermum parkii chứa nhiều acid béo palmitic, stearic, oleic, linoleic, arachidic acid và các chất chống viêm như triterpene acetate, cinnamate esters.
Glycyrrhetinic acid chiết xuất từ rễ cây cam thảo có hoạt chất chống viêm, chống virus… hoạt chất quan trọng khác chiết xuất từ rễ cây cam thảo đó là licochalcone A (chất chống viêm hay dùng trong điều trị da nhạy cảm).
Vitamin B3: có 2 chất là nicotinamide hay niacinamide và nicotinic acid. 2 dạng này chuyển hóa lẫn nhau trong cơ thể và thành phần hoạt động chính là niacinamide, đây cũng là dạng hay được sử dụng nhất trong chăm sóc Nicotinic acid gây giãn mạch nên gây cơn nóng bừng mặt trong khi niacinamide thì không. Niacinamide thấm vào da nhanh, ít gây tác dụng phụ:
- Chất này là thành phần quan trọng của coenzyme liên quan tới chuyển hóa phân tử hydro như NAD, NADP.
- Niacinamide có tác dụng chống viêm, chống trứng cá: trong một nghiên cứu thấy rằng niacinamide 4% có hiệu quả tương đương so với clindamycin 1% gel trong điều trị trứng cá.
- Niacinamide hay được phối hợp cùng với các chất dưỡng ẩm thông thường với các nồng độ khác nhau: 2-20%. Chất này có tác dụng tăng chức năng hàng rào bảo vệ da thông qua tăng tổng hợp ceramide và các acid béo ở khoảng gian bào. Trong 1 nghiên cứu thấy rằng, niacinamide có tác dụng kéo dài thời gian dưỡng ẩm khi phối hợp với các chất dưỡng ẩm thông thường. Tuy nhiên, hiệu quả dưỡng ẩm của niacinamide cần thời gian mới có tác dụng (vì cơ chế thông qua tổng hợp ceramide), không phải như các chất dưỡng ẩm cổ điển, sau khi bôi thấy ngay được tác dụng.
- Ngoài tác dụng dưỡng ẩm ở trên, niacinamide còn giúp giảm tiết bã nhờn, thu gọn lỗ chân lông, sáng da (ức chế vận chuyển sắc tố từ tế bào hắc tố sang tế bào sừng).
- Một trong những lợi điểm của niacinamide là khả năng tăng sinh collagen, vì vậy có tác dụng trong điều trị lão hóa Một điều thú vị nữa đó là niacinamide giúp giảm tình trạng da bị vàng. Da những người bị lão hóa sẽ vàng hơn do sự xuất hiện của Amadori (tạo thành do sự kết hợp của protein và đường trong phản ứng oxy hóa). Niacinamide ức chế quá trình tạo protein này nên có tác dụng làm da không bị vàng đi.
- Niacinamide là chất rất ít khi gây kích ứng, có nhiều tác dụng hay. Tuy nhiên, khi so sánh với tretinoin 0.025% thì chất này có hiệu quả bằng 1/3-1/5 mà thôi. Vì thế, việc sử dụng đơn thuần niacinamide ít được khuyến cáo, thường chúng ta phải kết hợp chất này với các sản phẩm khác để tăng hiệu quả. Về cơ bản, niacinamide có thể kết hợp được với tất cả các sản phẩm chăm sóc da khác như: serum vitamin C, BHA, AHA, retinoids, dưỡng ẩm…
Điểm chốt:
- Niacinamide có nhiều tác dụng: chống viêm, dưỡng ẩm, giảm tiết nhờn, thu gọn lỗ chân lông, sáng da, chống lão hóa, giảm hiện tượng da vàng.
- Niacinamide rất ít gây kích ứng, có thể dung nạp được ở nồng độ cao.
- Tác dụng nhiều nhưng đều yếu nên cần kết hợp với các phương pháp khác để tăng hiệu quả.
Vitamin B5:
- Vitamin B5 có tên gọi là pantothenic acid, chất này cấu tạo nên coenzyme A (xúc tác tổng hợp acid béo và sphingolipids, là chất tạo nên lớp lipid của lớp sừng, có tác dụng làm ẩm da). Tuy nhiên, pantothenic acid thấm khó vào da.
- Panthenol là dạng rượu của vitamin B5, thấm vào da nhanh và chuyển hóa nhanh thành pantothenic acid nên có tác dụng. Panthenol có 2 dạng chính là D-panthenol (hay dexpanthenol) và L-panthenol trong đó chỉ có dạng D-panthenol mới chuyển hóa thành pantothenic acid. Vì vậy, D-panthenol mới có tác dụng trong chăm sóc da. Thường D-panthenol dùng ở nồng độ 5% trong các sản phẩm mỹ phẩm.
- Tác dụng chính của panthenol là dưỡng ẩm, chống viêm, giúp nhanh lành vết thương. Các ứng dụng của panthenol: dùng trong viêm da cơ địa, da khô, da nhạy cảm, viêm da dầu. Trong nghiên cứu đối đầu giữa panthenol và hydrocortisone thấy rằng, 2 thuốc trên có tác dụng như nhau trong kiểm soát bệnh viêm da cơ địa. Trong bệnh lý nứt đầu vú (nứt cổ gà), viêm da tã lót ở trẻ em panthenol vừa có tác dụng điều trị và tác dụng dự phòng. Chính vì vậy, đây là lựa chọn tốt cho các bà mẹ và em bé. Panthenol giúp nhanh lành vết thương hơn: vết thương phẫu thuật hoặc loét tì đè, loét tiểu đường hoặc dùng sau thủ thuật laser, lột giúp phục hồi tổn thương tốt hơn. Vitamin B5 còn giúp hỗ trợ điều trị bỏng nắng, bỏng do nhiệt. Trong việc dự phòng sẹo lồi thì panthenol phối hợp với silicone cho hiệu quả cao hơn silicone đơn thuần (trong sản phẩm Cicaplast gel La Roche-Posay chứa panthenol và silicone kết hợp với nhau).
- Một trong những chỉ định nổi lên gần đây của vitamin B5 đó là phục hồi da sau corticoid, dùng rượu thuốc hay sử dụng kèm với retinoids, BPO trong điều trị trứng cá. Vấn đề được nhiều người thắc mắc đó là liệu panthenol có thể gây mụn nhân, mụn trứng cá không. Bác sĩ Tâm tìm hiểu trong y văn không ghi nhận panthenol gây mụn.
- Có 2 sản phẩm B5 rất nổi tiếng đó là Bepanthen với thành phần dexpanthenol 5% và sản phẩm Cicaplast của La Roche-Posay (nhà sản xuất ghi là panthenol 5%) làm chúng ta hiểu nhầm rằng có 2 hoạt chất khác biệt ở đây là dexpanthenol và panthenol. Nhưng thực tế 2 sản phẩm này đều là dexpanthenol. Điều này có thể được giải thích là sản phẩm Bepanthen là sản phẩm “mẹ” đầu tiên của dexpanthenol, hãng La Roche-Posay nghiên cứu và ứng dụng dexpanthenol lên tầm cao mới. Vì vậy, để tạo một sự khác biệt họ lấy tên là panthenol thay vì dexpanthenol nhưng bản chất vẫn là dexpanthenol mà thôi. Hãng Sumdfine có sản phẩm khá độc đáo Repair serum B5 chứa D-panthenol 5% phối hợp với niacinamide 2%, HA, vitamin B9 để tăng cường dưỡng ẩm + phục hồi da tổn thương tốt hơn.
- Hiện tại trên thị trường có nhiều hãng dùng dexpanthenol dưới dạng serum khác như Ciracle: dạng trình bày này ít gây bí khi dùng, thích hợp da dầu, mụn khi dùng các thuốc có thể gây kích ứng như retinoids, BPO,…
Zinc gluconate cũng hay được cho vào các sản phẩm dưỡng ẩm vì có tác dụng chống viêm.
5.2. Các chất có hoạt tính sinh học (bioactive) phối hợp với dưỡng ẩm: hướng đi mới của các hãng dược mỹ phẩm
Những chất có hoạt tính sinh học là những thành phần khi bôi vào da có thể sinh tác dụng tổng hợp các lipid, protein… để làm mềm da, chống lão hóa… Các chất này gồm: endocannabinoids và dẫn xuất, yếu tố tăng trưởng, triterpenoid saponins trong chiết xuất rau má, probiotics, postbiotics, prebiotics, omega-3, 6, 9…
Endocannabinoids và các hoạt chất của nó như palmitoylethanolamide (PEA), anadamide, 2-arachidonoylglycerol (2-AG) là những lipid có hoạt tính sinh học được sinh ra từ các tế bào thượng bì, tuyến bã, nang lông. Những chất này có vai trò điều hoà cân bằng ở da thông qua phát tín hiệu tăng tổng hợp Sự thiếu hụt tín hiệu liên quan tới các chất này có thể là cơ chế bệnh sinh của các bệnh như viêm da cơ địa, trứng cá, viêm da tiếp xúc… Những chất trên có tác dụng tăng sản sinh lipid, giảm viêm, giảm ngứa, giảm châm chích. Thuốc dung nạp tốt ở 92% các bệnh nhân, với khoảng 3.6% bị ngứa, châm chích, ban đỏ khi dùng.
Yếu tố tăng trưởng gồm yếu tố tăng trưởng thượng bì epidermal growth factors (EGF), insulin-like growth factor 1, TGF-β, yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (vascular endothelial growth factor): EGF có tác dụng tăng trưởng thượng bì, biệt hóa, di chuyển các tế bào có khả năng sửa chữa lại thượng bì. Dạng bôi EGF đã được áp dụng trong lành vết thương, trứng cá, tăng sắc tố sau viêm. Tuy nhiên, cỡ mẫu những nghiên cứu này còn nhỏ, chưa có nhiều cơ sở khoa học chắc chắn.
Bổ sung vi sinh vật: vi sinh vật ở da có vai trò quan trọng trong việc giữ sức khoẻ cho làn da, đáp ứng miễn dịch của cơ thể. Sự rối loạn vi hệ của da có thể đóng vai trò trong cơ chế bệnh sinh của bệnh trứng cá, viêm da cơ địa, vảy nến…
- Một số probiotics khi được đưa vào các chất dưỡng ẩm đã được nghiên cứu cho hiệu quả như Lactobacillus brevis, Lactobacillus sakei, Streptococcus thermophilus, Bifidobacterium longum, Roseomonas mucosa… Tuy nhiên, việc đưa probiotics vào mỹ phẩm rất khó kiểm soát số lượng, tỉ lệ sống của vi khuẩn. Vì vậy, một số hãng chọn cách bổ sung thêm prebiotics, postbiotics là những chất giúp ổn định hệ sinh vật trên da.
- Postbiotics hiện nay đang được nghiên cứu khá nhiều bởi vì tính hiệu quả, dễ đưa vào sản phẩm bôi. Postbiotics của Aquaphilus dolomiae trong sản phẩm Cicalfate+ của Avène có tác dụng tăng sinh tế bào sừng để phục hồi thượng bì nhanh hơn 2.5 lần thông qua sự tác động tới việc sinh defensins. Ngoài ra, trong sản phẩm này có chứa đồng, kẽm có tính chất kháng khuẩn. Một trong những thành phần không thể thiếu của dưỡng phục hồi này đó là dầu khoáng, dầu thực vật và chất phục hồi hàng rào bảo vệ da capric triglyceride (vì những thành phần này nên kem khá đặc, thích hợp dùng vào ban đêm nếu như chúng ta bôi trên mặt). Chỉ định chủ yếu: phục hồi da sau chấn thương, laser, peel…
Chiết xuất rau má: rau má có tên khoa học là Centella asiatica, tên thường gọi là hydrocotyle asiatica, Gotu kola hoặc Tiger Grass là loại rau phổ biến ở các nước châu Á. Rau má có tác dụng tốt trên các bệnh lý thần kinh, nội tiết, tim mạch, tiêu hóa, da liễu:
- Thành phần chủ đạo của rau má là triterpenoid saponins (thường có tên gọi khác là centelloids), nhóm này gồm nhiều chất brahmic acid, madasiatic acid, terminolic acid brahminoside, madecassoside, centelloside… Ngoài ra, rau má chứa các thành phần chống oxy hóa khác như flavonoids, tannins, phytosterols, amino acid…
- Triterpenoid có tác dụng tăng tổng hợp collagen type I nên có vai trò trong chống lão hóa da, rạn da, nhanh lành vết thương. Trong thử nghiệm trên 20 phụ nữ dùng madecassoside 0.1% phối hợp vitamin C 5% thấy rằng thuốc bôi làm tăng tính săn chắc, mềm mại của làn da. Trong rạn da chiết xuất rau má có thể có tác dụng dự phòng và hạn chế mức độ nặng của rạn da ở phụ nữ mang bầu. Trong nghiên cứu trên 50 mẹ bầu dùng Trofolastin chứa chiết xuất rau má, vitamin E thấy rằng nhóm không sử dụng thuốc 56% xuất hiện rạn da, trong khi nhóm dùng thuốc chỉ có 28% bị và mức độ nặng của rạn da ở nhóm bôi rau má cũng nhẹ hơn. Vì cơ chế trên, chiết xuất rau má cũng có tác dụng trong bệnh sần vỏ cam (cellulite). Chiết xuất rau má được ứng dụng nhiều để làm dịu da sau bỏng, sau can thiệp laser: sản phẩm điều trị bỏng của Pháp khá nổi tiếng là Madecassol 1% 10g chứa madecassic acid.
- Rau má còn có tác dụng chống viêm, chống trứng cá: madecassoside được chứng minh có tác dụng ngăn cản vi khuẩn acnes do gắn vào TLR2, ức chế con đường dẫn truyền tin thứ 2 NF-κB để tăng tổng hợp các chất gây viêm, vì vậy có tác dụng chống viêm.
- Ngoài tác dụng tăng tổng hợp collagen, triterpenoid còn có tác dụng tăng tổng hợp các chất dưỡng ẩm tự nhiên của da như AQP3, HA… nên cũng có tác dụng dưỡng ẩm tốt, có vai trò trong bệnh viêm da cơ địa, vảy nến…
- Triterpenoid và các chất chống oxy hóa khác trong rau má cũng có thể có vai trò hỗ trợ trong điều trị bệnh bạch biến. Như chúng ta biết ở da của bệnh bạch biến sinh ra nhiều chất oxy hóa nên làm tổn thương các tế bào hắc tố, vì vậy một trong những biện pháp điều trị bệnh bạch biến là dùng các chất chống oxy hóa uống, bôi.
- Omega-3, 6, 9 có vai trò trong việc sản xuất các chất chống viêm, tăng tổng hợp lipid có tác dụng dưỡng ẩm nên có thể có vai trò trong bệnh viêm da cơ địa khi dùng đường bôi (chi tiết cơ chế của Omega acid xin đọc bài thuốc uống làm đẹp). Ngoài ra, trong một vài thử nghiệm trên chuột thấy rằng các Omega acid có tác dụng làm lành tổn thương nhanh hơn.
6. CÁC DẠNG DƯỠNG ẨM CHÍNH VÀ CÁCH LỰA CHỌN SẢN PHẨM DƯỠNG ẨM PHÙ HỢP
Phân loại | Lotion | Cream | Ointment | Gel | Serum |
Tỉ lệ | Dầu trong nước (O/W) | Nước trong dầu (W/O) hoặc dầu trong nước (O/W) | Nước trong dầu (W/O) | Ưa nước hoặc kỵ nước | Chủ yếu là nước, dầu vài % |
Thành phần | Dầu, nước, propylene glycol | Các chất nhũ hóa mono- glycerides, sorbitan esters, chất béo, sodium hoặc triethanolamine, sulfated fatty alcohols và polysorbates. | Hydrocarbon như parafin, dầu thực vật, mỡ động vật, sáp, glyceride tổng hợp và polyalkysi- loxanes, polyethylene lỏng và rắn (macrogols). | – Gel kỵ nước (oleogel): parafin lỏng, polyethylene keo silic…– Gel ưa nước (hydrogel): nước, glycerol hoặc propylene glycol kết hợp với chất
tạo keo. |
Nước, ít dầu, các hoạt chất như vitamin, yếu tố tăng trưởng, chiết xuất thực vật… |
Tính chất | Không nhờn, lỏng, bay hơi nhanh nên tác dụng không kéo dài, dễ bôidiện rộng. | Ít bóng nhờn, không gây bít tắc. | Dính, nhờn bóngTạo thành lớp màng bảo vệ da, hiệu quả tốt trong môi trường độ ẩm thấp | Tạo cảm giác thoáng, mịn, không gây trứng cá, hấp thụ tốt. | Tạo màng mỏng, không nhờn, nhanh bay hơi. Dưỡng ẩm ít, ít tạo bóng nhờn. |
Sử dụng | Dưỡng ẩm ban ngày cho mặt, thân mình.Dùng ở vùng có lông. | Dưỡng ẩm ban đêm cho mặt, tay, vùng không có lông. | Dùng khi cần dưỡng ẩm kéo dài, sâu, môi trường có độ ẩm thấp.Không dùng ở vùng kẽ và vùng lông. | Dùng cho vùng kẽ, vùng mặt. | Vùng mặt |
Các sản phẩm dưỡng ẩm có thể ở dạng gel, lotion, kem (cream) hoặc lai giữa cream – gel, mỡ… Việc lựa chọn dưỡng ẩm phù hợp với từng cá thể là hết sức quan trọng, giúp phát huy được tác dụng của sản phẩm và ngăn ngừa những tác dụng không mong muốn. Muốn lựa chọn được sản phẩm phù hợp phải dựa trên những đặc trưng về đặc điểm khí hậu/mùa, vùng da (mặt, thân thể), tính chất da (thường, dầu, khô, nhạy cảm)… của từng đối tượng cụ thể:
- Khi nhiệt độ cao nên sử dụng các sản phẩm dung môi là nước: nhẹ, mỏng, ít gây bít; ngược lại với điều kiện khô hanh, các sản phẩm dung môi là dầu hay petrolatum: đặc, tạo băng bít được khuyến cáo.
- Với vùng da mặt nên dùng các sản phẩm nhẹ, mỏng, ít bí hơn vùng da khác; vùng da bàn tay, bàn chân nên dùng các sản phẩm đặc hơn, dung môi là dầu hay petrolatum.
Với từng loại da:
- Da thường: trong chăm sóc hằng ngày nên chọn các sản phẩm dưỡng ẩm có dung môi là nước (water-based moisturisers), nhẹ, không bết dính; sản phẩm có chứa dầu có trọng lượng phân tử thấp như cetyl alcohol, hay dẫn chất của silicon như cyclomethicone…
- Da dầu: tránh dùng thuốc bôi gây bí, bết dính; nên dùng dưỡng ẩm có dung môi là nước, oil-free, không sinh comedone hay trứng cá. Dạng lotion thường được sử dụng do nhẹ, cảm giác dễ chịu khi bôi, ít có nguy cơ sinh trứng cá. Serum dưỡng ẩm HA hay serum B5 cũng là 1 lựa chọn tốt.
- Da khô: chọn dưỡng ẩm có dung môi là dầu, hoặc petrolatum, các sản phẩm đặc, có độ bết dính cao, tồn tại lâu. Dạng kem và mỡ thường được sử dụng.
- Da nhạy cảm: tránh các chất gây dị ứng, kích ứng, các loại phẩm màu, hương liệu. Dưỡng HA hay niacinamide có thể được cân nhắc trên những đối tượng này. Chi tiết dưỡng ẩm cho da nhạy cảm mời độc giả đọc bài chăm sóc da nhạy cảm.
- Da lão hóa: chọn các sản phẩm có dung môi là dầu, hoặc petrolatum, có thêm thành phần chống oxy hóa, chống nhăn, HA… Những lựa chọn gợi ý dạng serum: serum dưỡng ẩm hyaluronic acid phối hợp với các peptide, chất chống oxy hóa; serum niacinamide…
7. TÁC DỤNG PHỤ
So với các loại thuốc bôi khác, chất dưỡng ẩm rất ít khi gây ra các tác dụng phụ ngay cả khi sử dụng trên vùng da rộng và trong thời gian dài. Tuy nhiên, một số thành phần dưỡng ẩm cũng có thể gây ra tình trạng kích ứng đối với người có làn da nhạy cảm. Các tác dụng phụ có thể gặp được liệt kê dưới bảng sau:
Tác dụng phụ | Nguyên nhân |
Cảm giác châm chích | Acid lactic, ure, các chất bảo quản như acid benzoic hoặc acid sorbic, AHA… |
Phản ứng kích ứng | Protein dầu thực vật, ure, AHA, BHA, propylene glycols… |
Viêm da tiếp xúc dị ứng | Lanolin, propylene glycols, vitamin E, chất bảo quản, nước hoa, kem chống nắng, các thành phần thảo dược (dầu cây trà, dầu ô liu, dầu hoa cúc, lô hội) |
Bít lỗ chân lông | Petrolatum, dầu khoáng… |
Ban nhạy cảm ánh sáng | Nước hoa, hydroxy acid, chất bảo quản, kem chống nắng… |
Trứng cá | Dưỡng ẩm theo cơ chế băng bịt. |
Mày đay tiếp xúc | Chất bảo quản như acid sorbic, nước hoa, nhựa thơm. |
Nhiễm độc | Salicylic acid khi dùng diện rộng. |
Khi dùng các chất có nguồn gốc dầu có trong mỹ phẩm như kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, kem nền, kem massage da mặt… dễ bị nổi mụn do những sản phẩm này chứa: isopropyl isostearate, isopropyl myristate, myristyl myristate, laureth-4, oleth-3. Những sản phẩm gây mụn hay gặp thứ 2: dầu dừa (chứa nhiều acid lauric), acid lauric, isopropyl palmitate, bơ cacao (cocoa butter):
- Những chất này được sắp xếp theo thứ tự gây mụn nhân, mụn trứng cá từ 1-5 trong đó, 5 là mức độ cao nhất như isopropyl isostearate, isopropyl myristate… Khi nói về các thành phần gây mụn nhân trứng cá chúng ta cũng cần đề cập tới nồng độ của nó trong mỹ phẩm, vì vậy không phải cứ có các chất này trong mỹ phẩm là có thể gây ra mụn trứng cá.
- Các chất ở trên khá là khó nhớ tên. Thật ra chỉ cần để ý các thông tin như dầu dừa hay được bôi lên mặt làm kem chống nắng tự chế ở nhà, xoa quanh bụng để làm giảm nguy cơ rạn da khi mang bầu… Thêm vào đó, nhiều bạn dùng kem dưỡng ẩm, kem chống nắng, kem nền… chứa các chất gây mụn nhân thì khi sử dụng các sản phẩm này mụn trứng cá cũng có thể mọc.
- Một trong những sản phẩm mà chúng ta cũng hay thắc mắc là vaseline hay các sản phẩm dầu khoáng có bôi lên mặt được hay không? Câu trả lời của các bác sĩ Tâm cũng giống như của các nhà Da liễu trên thế giới là các chất này rất ít gây mụn nhân, mụn viêm vì vaseline và các sản phẩm dầu khoáng nằm ở mức 1 trong 5 mức độ gây trứng cá của mỹ phẩm. Thông tin trên các bạn sẽ thấy sự không tương đồng giữa các bác sĩ Da liễu với nhau, nhưng quan điểm trên bác sĩ Tâm dựa trên bằng chứng khoa học.
8. SỬDỤNG DƯỠNG ẨM TRONG MỘT SỐ BỆNH DA VIÊM
8.1. Viêm da cơ địa
xin đọc bài chăm sóc da ở người bị viêm da cơ địa.
8.2. Dưỡng ẩm dành cho da trứng cá
Dưỡng ẩm đóng vai trò rất quan trọng trong bệnh trứng cá. Khi dùng các thuốc điều trị trứng cá như retinoids bôi, uống; PBO hay salicylic da thường bị khô và mất nước, thêm vào đó sau rửa mặt da cũng trở nên khô hơn. Chính vì vậy, sử dụng dưỡng ẩm đúng cách sẽ hạn chế được tác dụng phụ trên. Không phải loại dưỡng ẩm nào cũng dùng trong bệnh trứng cá, vì có những loại dưỡng ẩm có thể làm da nổi mụn nhân. Những sản phẩm ghi nhãn oil-free, không gây mụn nhân, không gây trứng cá được khuyến cáo sử dụng. Thành phần dưỡng ẩm hay dùng nhất trong bệnh trứng cá là chất phục hồi hàng rào bảo vệ da, chất hút ẩm.
Ngoài những thành phần dưỡng ẩm chính, chúng ta có thể thêm vào dưỡng ẩm những chất khác như BHA, AHA, PHA, niacinamide, l-carnitine, chất chống viêm… Dưỡng ẩm vừa có tác dụng phục hồi lại sự mất nước qua da, vừa có tác dụng kiềm dầu, một số chất có thể có tác dụng thu nhỏ lỗ chân lông, chống viêm. Một trong những sản phẩm dưỡng ẩm tốt để điều trị bệnh trứng cá đó là dưỡng ẩm có chứa licochalcone A, l-carnitine, decanediol và salicylic trong sản phẩm Eucerin pro Thuốc bôi này có chứa licochalcone là chất chống viêm, l-carnitine có tác dụng làm giảm nhờn, thu gọn lỗ chân lông, decanediol là hoạt chất có tác dụng diệt khuẩn. Trong các nghiên cứu chỉ ra rằng: các hoạt chất trên không chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị mà còn giảm tỉ lệ tái phát: Kulthanan tiến hành nghiên cứu ở Thái Lan năm 2020 thấy rằng khi điều trị duy trì bệnh trứng cá bằng adapalene 0.1%/PBO 2.5% phối hợp với dưỡng ẩm chứa 4 hoạt chất trên giúp duy trì ổn định bệnh sau 12 tuần là 56% so với chỉ 36% với nhóm chỉ dùng adapalene 0.1%/PBO 2.5% đơn thuần. Các chỉ số phụ khác như khả năng dung nạp, mất nước qua thượng bì, tình trạng tăng tiết bã nhờn của nhóm phối hợp tốt hơn so với nhóm sử dụng đơn thuần.
Nếu dùng các thuốc điều trị trứng cá có thể làm da nhạy cảm hơn hoặc da bạn quá dầu không muốn sử dụng các loại kem dưỡng ẩm thì serum hyaluronic, hoặc toner dưỡng ẩm là lựa chọn tốt.
8.3. Dưỡng ẩm cho bệnh viêm da dầu
Viêm da dầu là một trong những bệnh hay gặp, bệnh gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống bệnh nhân. Những thuốc hay được sử dụng là corticoid bôi, tacrolimus bôi, thuốc chống nấm bôi. Tuy các thuốc corticoid và chống nấm bôi có tác dụng tốt trong bệnh lý này nhưng các thuốc trên chỉ dùng trong thời gian ngắn.
Một trong những hướng mới trong viêm da dầu đó là dùng các kem dưỡng ẩm chứa các thành phần chống viêm. Sản phẩm Promiseb topical cream đã được FDA của Mỹ chấp thuận điều trị bệnh viêm da dầu chứa các thành phần chống viêm như ethylhexyl palmitate, bisabolol, shea butter, Vitis vinifera, glycyrrhetinic acid, các chất chống oxy hóa tại chỗ, piroctone olamine.
Trong 1 nghiên cứu viêm da dầu điều trị bằng desonide so với sản phẩm dưỡng ẩm có chất chống viêm thấy rằng: tuy hiệu quả của dưỡng ẩm chậm hơn nhưng duy trì lâu dài hơn. Vì vậy, chúng ta có thể điều trị tấn công viêm da dầu bằng corticoid bôi hoặc tacrolimus bôi hoặc thuốc chống nấm bôi trước trong 2-4 tuần, sau đó có thể duy trì dưỡng ẩm sau để tránh tái phát. Các bạn cũng có thể dùng phối hợp luôn sản phẩm thuốc bôi viêm da dầu và dưỡng ẩm chứa các chất chống viêm, sau đó giảm dần liều thuốc bôi, duy trì dưỡng ẩm để hạn chế tái phát.
9. SỰ KHÁC NHAU GIỮA DƯỠNG DA BAN NGÀY VÀ DƯỠNG DA BAN ĐÊM
Trước tiên chúng ta cần hiểu tại sao lại có kem ban ngày và kem ban đêm: da cũng như các cơ quan khác cũng có nhịp ngày đêm. Trong khi ban ngày da phải có biện pháp chống lại tia cực tím như tiết dầu nhiều hơn, về ban đêm da lại tăng cường hoạt động sửa chữa và phục hồi. Chính vì vậy, cream ban ngày (day cream) thường chứa các chất dưỡng ẩm và chống nắng trong khi cream ban đêm (night cream) chứa các chất để phục hồi như AHA (điển hình là glycolic acid), hyaluronic acid… hoặc retinoids.
Dưỡng ẩm ban ngày cần nhẹ, ít bết dính nên dạng trình bày phù hợp là cream hoặc lotion với thành phần thường là mineral oil, dimethicone, propylene glycol. Nếu là tín đồ của sự đơn giản bạn có thể chọn loại dưỡng ẩm phối hợp với chất chống nắng. Một số sản phẩm trên thị trường như Cetaphil PRO dermacontrol oil absorbing moisturizer SPF 30 dùng dưới dạng lotion nên tạo cảm giác ít bóng nhờn, ngoài các thành phần dưỡng ẩm (như ceramide) còn có thêm chống nắng hóa học như avobenzone 3% và một vài thành phần hấp thụ dầu. Tuy nhiên, trong nghiên cứu của Lourenco thấy rằng, sản phẩm dưỡng ẩm có tác dụng chống nắng không đủ để chống nắng như các thuốc bôi chống nắng cổ điển.
Dưỡng ẩm ban đêm: cần dưỡng ẩm sâu hơn vì thế dạng phù hợp là cream hoặc mỡ nếu da quá khô:
- Thành phần thường là mineral oil, lanolin, petrolatum (là những chất dưỡng ẩm theo cơ chế bít nên dưỡng được sâu hơn). Ngoài ra, loại kem làm đầy (facial replenishing cream) thường chứa HA cũng hay được sử dụng vào ban đêm.
- Nồng độ các chất cũng thường cao hơn khi sử dụng trong kem ban đêm. Dưỡng ẩm ban đêm có thể có chứa AHA, BHA (trừ salicylic) vì nếu dùng các sản phẩm này vào ban ngày có thể bị kích ứng do tác động của ánh sáng. Chia sẻ cùng mọi người câu chuyện chính bản thân bác sĩ Tâm lúc chưa có kinh nghiệm về chăm sóc da: sử dụng kem ban đêm có chứa glycolic acid để bôi dưỡng ban ngày + lười bôi dưỡng ẩm → da bị kích ứng, châm chích nhiều hơn.
10. DƯỠNG DA CÁC VÙNG KHÁC NHAU TRÊN CƠ THỂ
Dưỡng da vùng mặt: thường sử dụng dạng cream O/W, chứa dầu khoáng, dimethicone, propylene glycol, glycerin… Với da dầu nên dùng sản phẩm dưỡng ẩm oil-free, không gây mụn nhân, không gây trứng cá, không gây dị ứng. Với da bình thường hoặc da hỗn hợp thì ngoài những thành phần chính như dầu khoáng, dimethicone, propylene glycol, glycerin có thể thêm phần nhỏ petrolatum để tăng cường khả năng dưỡng ẩm. Với da khô nên chọn dưỡng ẩm chứa thêm chất dưỡng ẩm băng bịt như petrolatum.
Với dưỡng ẩm cho thân mình chúng ta thường lựa chọn dạng lotion, cream, mỡ. Tuy nhiên, dạng lotion được ưa thích hơn do diện bôi lớn, ít bết dính. Nếu da quá khô, bạn nên dùng dưỡng dạng cream hay mỡ. Ngoài những chất dưỡng ẩm thông thường, các bạn thường thấy dưỡng ẩm loại này có thêm các thành phần băng bịt như stearic acid, petrolatum, dầu thực vật. Chúng ta cần phải chú ý: dưỡng thân mình có thể chứa các chất gây mụn nhân, vì vậy không nên sử dụng sản phẩm bôi thân mình để bôi mặt.
Dưỡng da bàn tay và bàn chân: ưu tiên sử dụng các sản phẩm chứa ure nồng độ cao như 5, 10 hoặc thậm chí 20% vừa có tác dụng dưỡng ẩm, vừa có tác dụng bạt sừng, hạn chế tái phát bệnh viêm da cơ địa. Một trong những sản phẩm của Việt Nam, bác sĩ Tâm hay dùng đó là Xenicalsvr 10 200 ml chứa ure 10% và các chất dưỡng ẩm khác.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kulthanan K, Trakanwittayarak S, Tuchinda P, Chularojanamontri L, Limphoka P, Varothai S. A Double-Blinded, Randomized, Vehicle-Controlled Study of the Efficacy of Moisturizer Containing Licochalcone A, Decanediol, L-Carnitine, and Salicylic Acid for Prevention of Acne Relapse in Asian Population. Biomed Res Int. 2020;2020:2857812. doi:10.1155/2020/2857812.
2. Bíró T, Tóth BI, Haskó G, Paus R, Pacher P. The endocannabinoid system of the skin in health and disease: novel perspectives and therapeutic opportunities. Trends Pharmacol Sci. 2009;30(8):411-420. doi:10.1016/j.tips.2009.05.004
3. Yang EJ, Hendricks AJ, Beck KM, Shi Bioactive: A new era of bioactive ingredients in topical formulations for inflammatory dermatoses. Dermatol Ther. 2019;32(6):e13101. doi:10.1111/dth.13101.
4. Bylka W et al. Centella asiatica in cosmetology. Postepy Dermatol Alergol. 2013;30(1): 46-49. doi:10.5114/pdia.2013.33378.
5. Shen, , Guo, M., Yu, H., Liu, D., Lu, Z., & Lu, Y. (2018). Propionibacterium acnes related anti-inflammation and skin hydration activities of madecassoside, a pentacyclic triterpene saponin from Centella asiatica. Bioscience, Biotechnology, and Biochemistry, 1–8. doi:10.10 80/09168451.2018.1547627.
6. Draelos ZD. The science behind skin care: Moisturizers. J Cosmet Dermatol. 2018;17(2): 138-144. doi:10.1111/jocd.12490.
7. Purnamawati S, Indrastuti N, Danarti R, Saefudin The Role of Moisturizers in Address- ing Various Kinds of Dermatitis: A Review. Clin Med Res. 2017;15(3-4):75-87. doi:10.3121/ cmr.2017.1363.
8. Lourenco EAJ, Shaw L, Pratt H, et al. Application of SPF moisturisers is inferior to sunscreens in coverage of facial and eyelid regions. PLoS One. 2019;14(4):e0212548. doi:10.1371/journal.pone.0212548.
9. Proksch et al (2017). Topical use of dexpanthenol: a 70th anniversary article. Journal of Dermatological Treatment, 28(8), 766–773. doi:10.1080/09546634.2017.1325310.
10. Zhu, , Tang, X., Jia, Y., Ho, C.-T., & Huang, Q. (2020). Applications and Delivery Mech- anisms of Hyaluronic Acid used for Topical/Transdermal Delivery – A review. International Journal of Pharmaceutics, 119127. doi:10.1016/j.ijpharm.2020.119127.
11. Manela-Azulay, M., & Bagatin, E. (2009). Cosmeceuticals vitamins. Clinics in Dermatol- ogy, 27(5), 469–474. doi:10.1016/j.clindermatol.2009.05.010.