[Giải đáp] Bệnh vảy nến có lây không? Điều trị như thế nào?

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Hình ảnh bệnh vảy nến

Nhathuocngocanh.comBệnh vảy nến hiện nay đang là một vấn đề da liễu rất thường gặp gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận biết và điều trị bệnh càng sớm ngày nào thì bạn sẽ càng nhanh thoát khỏi sự đau đớn khó chịu do bệnh gây ra ngày đó. Chính vì thế nhà thuốc Ngọc Anh xin cung cấp đến bạn đọc một số thông tin về bệnh như sau:

Hình ảnh bệnh vảy nến
Hình ảnh bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là một loại viêm da mạn tính xuất hiện khi tốc độ tăng sinh tế bào da mới vì một lý do nào đó diễn ra quá nhanh. Cụ thể, với một người bình thường thì thời gian thay da cũ thành các tế bào da mới diễn ra khoảng vài tuần thì với người bị vảy nến, thời gian thay da này chỉ rút ngắn xuống còn vài ngày, nhanh gấp 10 so với bình thường. Khi đó, do cơ thể chưa kịp thích ứng để đào thải hết tế bào da cũ đi làm cho chúng tích tụ lại tạo thành vảy hoặc các mảng da có màu trắng bạc. Tình trạng này sẽ càng trở nên tệ hơn khi da phải tiếp xúc với hóa chất hoặc các chất kích thích từ môi trường bên ngoài.

Có tới 2% dân số thế giới mắc bệnh vảy nến trong đó giai đoạn sớm của bệnh thường xuất hiện ở lứa tuổi từ 20-30  còn giai đoạn muộn thì thường gặp ở tuổi từ 50-60. Đặc biệt, bệnh này rất thường gặp ở nữ giới và tỷ lệ khởi phát bệnh trước 20 tuổi lên đến 35-50%. Ngoài ra bệnh này không giống như các tổn thương khác ngoài da nên thường rất khó điều trị và thời gian phục hồi cũng rất lâu. Vảy nến không chỉ khiến cho người bị nó cảm thấy tự ti với mọi người xung quanh mà còn gây ra cảm giác ngứa ngáy, đau đớn rất khó chịu. Do đó, tìm hiểu và điều trị bệnh ngay trong giai đoạn đầu mới khởi phát bệnh là điều rất cần thiết.

Triệu chứng của bệnh vảy nến

Để phát hiện và điều trị sớm bệnh vảy nến thì bạn đọc có thể dựa vào một số biểu hiện bên ngoài của bệnh như:

  • Xuất hiện các mảng da màu đỏ, bề mặt có nhiều lớp vảy khô, bong tróc màu trắng hoặc bạc có ranh giới phân biệt rõ ràng và thường nhô lên so với các vùng da xung quanh.
  • Vùng da bị vảy nến có thể kèm theo các vết nứt gây đau đớn.
  • Các mảng vảy nến có thể ngứa, chảy máu, nổi mụn nước hoặc lở loét.
  • Các khớp có biểu hiện sưng, cứng.
  • Vảy nến có thể xuất hiện tại bất kỳ vùng da nào trên cơ thể như: Da đầu, cùi chỏ, đầu gối bàn tay, ngực, lưng, các  vùng da có nếp gấp, tại các khớp, móng,…

Các thể vảy nến thường gặp

Dựa vào triệu chứng cũng như là vị trí xuất hiện mà vảy nến được chia thành các loại gồm:

  • Vảy nến thể mảng: Chiếm tới hơn 80% số người bệnh với đặc điểm là vùng da bị bệnh trở nên khô, bong tróc, tạo thành các mảng kích thước từ 2-20cm và gặp chủ yếu ở khuỷu tay, đầu gối, dưới lưng.
  • Vảy nến thể mủ: Loại vảy nến này ngoài biểu hiện là da bị bong tróc, đóng vảy thì còn xuất hiện các nốt mụn mủ nằm bên dưới các mảng vảy nến ở da tay và chân. Nếu không được điều trị kịp thời thì vùng da bị vảy nến rất dễ bị bội nhiễm làm tăng nguy cơ khiến cho máu bị nhiễm trùng rất nguy hiểm.
  • Vảy nến giọt: Loại vảy nến này biểu hiện bằng các nốt mụn nước nhỏ kích thước từ 1-10mm trên khắp cơ thể. Loại này chỉ gặp ở trẻ em, xuất hiện sau khi bị viêm họng do virus Streptococcus gây nên. ((Adam Felman (on June 30, 2021), What to know about psoriasis, MedicalNewsToday, Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2021))
Các thể vảy nến thường gặp
Các thể vảy nến thường gặp
  • Vảy nến da dầu: Chính là các mảng da dày rìa chân tóc có màu trắng bạc gây rụng tóc và hói đầu.
  • Vảy nến móng: Bệnh xuất hiện ở các móng với biểu hiện là các lỗ nhỏ tồn tại trên bề mặt móng.
  • Viêm khớp vảy nến: Bệnh có biểu hiện khá giống với bệnh Gout cũng như một số bệnh xương khớp xảy ra ở ngón chân, ngón tay, xương sống khác gây ra những cơn đau nhức khớp kèm theo xuất hiện các mảng da đỏ trên bề mặt vùng cơ bị bệnh.
  • Vảy nến ở nếp gấp: Da bị tổn thương ở các vùng da có nếp gấp như nách, háng, mông,… và hay xảy ra ở người béo phì.
  • Vảy nến đỏ toàn thân: Đây là giai đoạn mạn tính khi bệnh vảy nến không được điều trị kịp ngay từ đầu hoặc là biến chứng do bệnh nhân dùng quá nhiều corticoid.

Tại sao bị vảy nến?

Bệnh vảy nến được xếp vào là một triệu chứng tự miễn của cơ thể, không phải do vi khuẩn, virus hay bất kỳ tác động bên ngoài nào gây nên.

Dù chưa khẳng định được nguyên nhân chính xác gây bệnh nhưng các nhà khoa học đã nhận định bệnh này có liên quan đến hiện tượng rối loạn đáp ứng miễn dịch khi tế bào lympho T nhận nhầm các tế bào bình thường là kẻ thù nên đã tấn công chúng. Một số yếu tố chính xúc tác cho bệnh vảy nến xuất hiện như:

Yếu tố di truyền: Yếu tố này thường chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có xu hướng di truyền bỏ qua một thế hệ. Tuy nhiên nếu gia đình có tiền sử bị vảy nến thì nguy cơ gặp phải bệnh này ở các thế hệ sau cũng cao hơn so với các gia đình bình thường khác.

Yếu tố bên ngoài: Một số yếu tố như chấn thương, nhiễm trùng da, bỏng nắng, stress,… cũng là các yếu tố dễ khiến cho bệnh bùng phát.

Dùng thuốc: Bệnh vảy nến là một trong những dấu hiệu biến chứng khi dùng quá liều các thuốc Corticoid, Beta blockers,…

Một số đối tượng được xếp vào nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh vảy nến như:

  • Người nghiện rượu, thuốc lá.
  • Đối tượng đã hoặc đang bị các bệnh về da như: Viêm da cơ địa, nhiễm trùng da,…
  • Người thuộc gia đình có tiền sử bị bệnh vảy nến.
Người nghiện rượu bia có nguy cơ cao mắc bệnh vảy nến
Người nghiện rượu bia có nguy cơ cao mắc bệnh vảy nến

Chẩn đoán vảy nến

Chẩn đoán thông qua thăm khám lâm sàng

Tổn thương da: Biểu hiện bằng những mảng da màu đỏ có chứa nhiều lớp da khô, bong tróc xếp chồng lên nhau, màu trắng đục và ngăn cách rõ ràng với các vùng da xung quanh. Các mảng da này có nhiều hình dạng khác nhau, khi ấn thì thấy mềm, da mất màu đỏ và không đau. Điểm đặc biệt nữa là các tổn thương trên da thường có khuynh hướng xuất hiện đối xứng.

Tổn thương móng: Biểu hiện bằng những chấm lõm, vân ngang ở mặt móng hoặc tình trạng mất móng trong kèm theo xuất hiện các đốm trắng, viền vàng. Móng có thể bị bong hoặc dày sừng phía dưới móng với đầy móng và mủn. Với thể vảy nến mủ thì các nốt mụn mủ có thể xuất hiện bên dưới hoặc xung quanh móng.

Tổn thương khớp: Khớp bị đau, viêm giống như khi bị viêm khớp dạng thấp.

Tổn thương niêm mạc: Thường gặp nhất ở niêm mạc quy đầu với biểu hiện là các vết màu hồng, ranh giới rõ ràng, có hoặc không có vảy. Với lưỡi thì biểu hiện gần giống với tình trạng viêm lưỡi bản đồ còn ở mắt thì có biểu hiện viêm giác mạc, mí mắt, hoặc viêm kết mạc.

Chẩn đoán qua các xét nghiệm cận lâm sàng

Thông qua hình ảnh mô bệnh học thì thấy biểu hiện dày sừng, á sừng mất đi lớp hạt còn lớp gai thì bị quá sản.

Chẩn đoán xác định

  • Dựa vào các tổn thương da như khi thăm khám lâm sàng.
  • Thông qua cạo vảy theo phương pháp Brocq dương tính.
  • Dựa vào hình ảnh mô bệnh học dành cho các trường hợp tổn thương da không điển hình.

Điều trị vảy nến

Sau khi thăm khám để xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh thì các bác sĩ sẽ đưa ra phương án và hướng điều trị vảy nến cụ thể cho từng tình trạng bệnh. Một số phương pháp điều trị thường được chỉ định như:

  • Điều trị tại chỗ: Dành cho các trường hợp bệnh nhẹ, mới khỏi phát. Giai đoạn này bệnh nhân có thẻ được chỉ định dùng các thuốc như: Corticoid, Retinoid, Acid salicylic, dẫn xuất vitamin D,… kết hợp cùng với một số phương pháp điều trị hỗ trợ khác.
  • Dưỡng ẩm da: Cấp ẩm đầy đủ cho da chính là cách để giúp cho các tổn thương trên da nhanh được phục hồi, mềm mịn, giảm bong tróc. Bệnh nhân có thể nhờ bác sĩ tư vấn về một số loại kem, gel dưỡng ẩm nên dùng để tránh gây kích ứng thêm cho da.
  • Điều trị toàn thân: Chỉ định cho những trường hợp bệnh đã diễn tiến nghiêm trọng, phải dùng các thuốc đặc trị hơn như Methotrexate, Cyclosporine, Sulfasalazine.
  • Quang trị liệu: Bằng cách chiếu các tia UVA, UVB, laser để tấn công và làm tổn thương các DNA trong tế bào nhằm mục đích tiêu diệt sạch hết các tế bào ở vùng da bị bệnh.
  • Sử dụng các thuốc sinh học: Áp dụng với các trường hợp bị vảy nến ở giai đoạn trung bình và nặng với mục đích chính là ức chế các thành phần chuyên biệt tham gia đáp ứng miễn dịch. Chi phí cho các thuốc sinh học này rất cao nên thường ít người biết đến và sử dụng phương pháp này. ((Chuyên gia của NHS, Psoriasis, NHS. Truy cập ngày 22 tháng 10 năm 2021))
Cách điều trị bệnh vảy nến
Cách điều trị bệnh vảy nến

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt cho người bị vảy nến

Ngoài tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị của bác sĩ thì chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh, hợp lý cũng hỗ trợ rất lớn đến quá trình điều trị bệnh.

Về chế độ dinh dưỡng: Người bệnh nên bổ sung thêm vào cơ thể một số loại thực phẩm giàu omega, acid béo, kẽm, acid folic, chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao thường có rất nhiều trong các loại rau củ, hoa quả để kích thích làm lành nhanh các tổn thương trên da. Một số thực phẩm gây oxy hóa mạnh cần được hạn chế và loại bỏ như: Mỡ động vật,  nội tạng, thức ăn nhanh, chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều đường, tinh bột.

Duy trì thói quen cấp ẩm hàng ngày cho da, không để da bị khô hay bong tróc là điều rất cần thiết để bệnh được phục hồi nhanh hơn. Khi bị vảy nến, bạn sẽ cảm thấy rất ngứa trên da nhưng hãy cố gắng đừng dùng tay gãi để tránh gây tổn thương, trầy xước cho da khiến cho bệnh nặng thêm.

Một số câu hỏi thường gặp

Vảy nến có lây không?

Bệnh vảy nến có lây không là một câu hỏi được rất nhiều người quan tâm. Đây là một bệnh liên quan đến yếu tố miễn dịch, không phải do bất kỳ một loại nấm, vi khuẩn, virus nào gây ra nên bệnh này sẽ không lây cho người khác. Do đó, bạn hoàn toàn có thể tiếp xúc thân mật với người bị bệnh vảy nến mà không cần phải lo lắng gì cả cũng đừng vì vẻ ngoài khác lạ, có chút đáng sợ do vảy nến gây ra mà kỳ thì, xa lánh người bệnh là điều tuyệt đối không nên đâu nha!

Bệnh vảy nến có chữa được không?

Do là một bệnh liên quan đến miễn dịch nên bệnh cần thời gian dài để điều trị, đặc biệt nếu bệnh không được điều trị ngay từ đầu thì lâu ngày sẽ chuyển biến nặng thậm chí là xuất hiện các biến chứng nguy hiểm thì càng khó để điều trị hơn. Bệnh nhân nên tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ và có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh để bệnh nhanh được phục hồi.

Một số phát hiện thêm về bệnh vảy nến

Trong hơn 2 thập kỷ qua, vảy nến được coi là bệnh do tế bào miễn dịch điều khiển, tế bào sừng chỉ là bộ phận thừa hành để thực hiện chức năng của tế bào miễn dịch. Trục gây bệnh IL-23/IL-17 chính là mấu chốt thúc đẩy bệnh vảy nến. Kích hoạt đuôi gai dạng tương bào (pDC) thúc đẩy sự trưởng thành của các tế bào đuôi gai tủy xương (mDC) và sản xuất TNF-α, IL-12 và IL-23, dẫn đến kích hoạt Th (T helper) 1 và Th17 và sau đó là sự bài tiết chất gây viêm các cytokine, chẳng hạn như TNF-a, IL-17, IL-21 và IL-22. Các tế bào keratin sau đó được kích hoạt bởi các cytokine này (đặc biệt là IL-17) và tạo ra các peptide, cytokine và chemokine kháng khuẩn, góp phần khuếch đại quá trình viêm. Nhiều thuốc sinh học nhắm mục tiêu TNF-a, IL-23 và IL-17 đã cho thấy thành công to lớn trong điều trị bệnh vảy nến.

Trong sách Bệnh Da liễu ĐHY Hà Nội có viết:” Gần đây, người ta cho rằng vảy nến là bệnh của lympho bào T”. Hay nói cách khác Vảy nến là một bệnh của hệ miễn dịch mà mượn cơ quan da để biểu hiện các triệu chứng lâm sàng của bệnh lympho bào T. Hơn nữa hầu như Lympho không có vai trò gì trong bệnh vảy nến.

Như vậy, Vảy nến là một bệnh tự miễn có sự khuếch đại của hệ thống miễn dịch thông qua lympho bào T mà trong đó trục TNFa – IL17 – IL23 đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên trong sách Bệnh Da liễu thường gặp của ĐHYD TP.HCM cũng có viết rằng HIV cũng có thể khởi phát Vảy nến.

Điều mâu thuẫn ở đây là HIV làm suy giảm miễn dịch ở người, tấn công vào tế bào CD4+, một trong những tế bào quan trọng trong sinh lý bệnh của vảy nến. Như vậy, theo cách Hào hiểu dựa trên sinh lý bệnh thì những người bị HIV “rất khó” bị vảy nến. Tuy nhiên một số nghiên cứu chỉ ra rằng với những bệnh nhân HIV, bệnh vảy nến cũng khá thường gặp trên những bệnh nhân này. Hơn nữa đối với những người nhiễm HIV, tình trạng mắc vảy nến có vẻ nặng hơn.
Một số chuyên gia giải thích rằng vảy nến là bệnh phức tạp, có nhiều con đường gây bệnh khác nhau như gene và các yếu tố khác. Bên cạnh đó, các thuốc kháng virus cũng có thể là yếu tố khởi phát vảy nến cũng như việc điều trị HIV giúp phục hồi miễn dịch, trả lại chức năng của lympho T.

Trong số những nhiên cứu, giả thuyết đó một nhóm tác giải đã giải thích sinh lý bệnh của Vảy nến từ góc nhìn tế bào sừng.
Keratinocytes đóng vai trò thiết yếu trong cả giai đoạn bắt đầu và duy trì bệnh vảy nến. Là một phần của hệ thống miễn dịch bẩm sinh, tế bào sừng có thể phản ứng với nhiều tác nhân. Các tế bào sừng bị kích thích sẽ giải phóng các nucleotide của chính nó và các peptides kháng khuẩn, do đó thúc đẩy việc kích hoạt các pDC. Sau đó, mDC được kích hoạt và hoàn thiện bằng cách tạo ra IFN-α, IFN-γ, TNF-α và IL-1β.

Bên cạnh việc tham gia vào giai đoạn khởi đầu, các tế bào sừng cũng hoạt động như những chất khuếch đại quá trình viêm vảy nến trong giai đoạn duy trì. Sau khi được kích hoạt hiệp đồng bởi các cytokine tiền viêm, tế bào sừng có khả năng tăng sinh cao và có thể tạo ra nhiều chemokine (ví dụ: CXCL1/2/3, CXCL8, CXCL9/10/11, CCL2 và CCL20) để thu hút bạch cầu (chẳng hạn như bạch cầu trung tính, tế bào Th17, tế bào đuôi gai và đại thực bào), peptit kháng khuẩn (ví dụ: S100A7/8/9/12, hBD2 và LL37) để tạo ra khả năng miễn dịch bẩm sinh và các chất trung gian gây viêm khác để khuếch đại quá trình viêm. Hơn nữa, tế bào sừng, cùng với nguyên bào sợi và tế bào nội mô, dẫn đến tái tổ chức mô thông qua kích hoạt và tăng sinh tế bào nội mô và lắng đọng chất nền ngoại bào. Sự giao thoa giữa tế bào sừng và tế bào miễn dịch, đặc biệt là tế bào Th17 dẫn đến việc gây ra và duy trì bệnh vẩy nến với sự tăng sinh và biệt hóa bất thường của tế bào sừng, mạch máu giãn nở và tăng sản, và sự xâm nhập của các tế bào viêm như bạch cầu.

Cytokine rất cần thiết trong cơ chế bệnh sinh của bệnh vảy nến. Gần đây, các cytokine có nguồn gốc từ hoặc thụ thể biểu hiện trên tế bào sừng đã cho thấy tầm quan trọng lớn trong bệnh vảy nến. Tế bào sừng là thành phần phản ứng với cytokine quan trọng trong bệnh vảy nến, do việc loại bỏ đặc hiệu tế bào sừng đối với các thụ thể của chúng (chẳng hạn như IL-17RA và IL-36R) đã làm giảm tổn thương dạng vảy nến ở mô hình chuột bị bệnh vảy nến.

IL-17C, IL-17E, IL-36 và IL-23 có nguồn gốc từ tế bào sừng có thể tạo ra sự biểu hiện của các gen tăng sinh và tiền viêm bằng nhiều con đường truyền tín hiệu, dẫn đến tăng sản biểu bì và khuếch đại tình trạng viêm và thâm nhiễm bạch cầu. IL-17RA IL-17 thụ thể A, yếu tố liên kết với thụ thể TRAF6 TNF 6, thụ thể IL-36R IL-36, protein phụ kiện thụ thể IL-1RAcp IL-1, yếu tố gây hoại tử khối u TWEAK (TNF) yếu gây ra quá trình chết theo chương trình, Fn14 yếu tố cảm ứng 14, protein liên kết IL-22BP IL-22.
Trục cytokine IL-23/IL-17 được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh vảy nến. IL-23 được biểu hiện bởi các tế bào miễn dịch được cho là cần thiết để duy trì và mở rộng các tế bào miễn dịch sản xuất IL-17. Tuy nhiên, IL-23 cũng được sản xuất bởi các tế bào sừng, nhưng vai trò của IL-23 được sản xuất bởi tế bào sừng trong bệnh vẩy nến là không rõ ràng. Gần đây, bằng cách sử dụng mô hình chuột di truyền, người ta đã chỉ ra rằng IL-23 có nguồn gốc từ tế bào sừng đủ để kích hoạt các tế bào miễn dịch sản xuất IL-17 để tiết ra IL-17 và gây viêm da mãn tính.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, truy cập ngày 2/1/2024.

Xem thêm: Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Triệu chứng và Cách điều trị

1 thoughts on “[Giải đáp] Bệnh vảy nến có lây không? Điều trị như thế nào?

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here