Thuốc chống viêm không Steroid (NSAID) là thuốc thông dụng trong điều trị viêm, giảm đau và hạ sốt. Nhiều người trong chúng ta thường tự dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giúp giảm đau hạ sốt. Tuy nhiên việc sử dụng nhóm thuốc này một cách bừa bãi sẽ mang đến hậu quả khôn lường. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về nhóm thuốc chống viêm không steroid NSAID.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là gì?
Thuốc chống viêm không steroid (NonSteroidal Anti Inflammatory Drug) là một nhóm được sử dụng phổ biến để giảm đau, hạ sốt và kháng viêm trong nhiều tình trạng khác nhau. Nhóm thuốc này có khoảng 20 hợp chất khác nhau, thông dụng như: Ibuprofen, Aspirin, Naproxen, Diclofenac …. Chúng đều có tác dụng và cơ chế hoạt động tương tự nhau. Các hoạt chất này thường có trong các viên nén, viên nang, thuốc đạn, các loại kem, gel bôi… Điều này dẫn đến sự sử dụng phổ biến của thuốc NSAID trong cuộc sống, đồng thời dẫn đến các nguy cơ cũng như tác dụng phụ lên cơ thể.
Tác dụng của NSAID
Tất cả các NSAID đều có tác dụng giảm đau, kháng viêm và hạ nhiệt.Thêm nữa,các thuốc kháng viêm còn có hai tác dụng:
– Làm bền vững màng tiêu thể không cho giải phóng các enzym.
– Ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin từ các phospholipid màng
Ngoài ra một số thuốc còn có khả năng ức chế sự di chuyển của bạch cầu đa nhân, ngăn cản quá trình kết hợp kháng nguyên và kháng thể. Một số NSAID còn có tác dụng chống đông máu và tập kết tiểu cầu, được dùng trong dự phòng các biến cố tim mạch
Cơ chế hoạt động của NSAID
Prostaglandin là chất trung gian hóa học được sản xuất bởi các tế bào của cơ thể và có một số chức năng quan trọng. Chúng là nguyên nhân tạo phản ứng viêm cần thiết để chữa lành, cũng như dẫn đến các cơn đau và sốt;là nguyên nhân hình thành cục máu đông;nhưng đồng thời là chất bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác hại của axit.
Trong cơ thể, Prostaglandin được sản xuất bởi enzym cyclooxygenase (COX). Có hai enzym COX, COX-1 và COX-2 . Về mặt bản chất, cả hai enzym đều sản xuất ra các chất prostaglandin có tác dụng thúc đẩy quá trình viêm, đau và sốt . COX-1 chuyển đổi Acid arachidonic, thành thromboxane A2 (tác nhân gây đông máu) và prostaglandin sinh lý (tác nhân bảo vệ dạ dày). Còn COX-2 chuyển đổi Acid arachidonic thành prostaglandin gây viêm ( tác nhân chính phản ứng viêm).Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) ứng chế các enzym COX và làm giảm prostaglandin trong cơ thể. Kết quả là, tình trạng viêm, đau và sốt được cải thiện.
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường gặp
Có nhiều cách để chia các nhóm thuốc chống viêm không steroid theo khả năng ức chế chọn lọc-không chọn lọc, theo thuốc kê đơn-không kê đơn hoặc theo thời gian bán thải
Phân loại theo khả năng ứng chế COX
Thuốc NSAID loại ức chế COX không chọn lọc:
Dẫn xuất của acid salicylic | aspirin, methyl salicylate |
Dẫn xuất của indol | indometacin, acemetacin, sulindac |
Dẫn xuất của pyrazolone | phenylbutazone, oxyphenbutazone |
Dẫn xuất của acid propionic | ibuprofen, naproxen, ketoprofen, fenoprofen, flurbiprofen, oxaprozin… |
Dẫn xuất của acid phenylacetic | diclofenac, aceclofenac |
Dẫn xuất của acid enolic (nhóm oxicam) | piroxicam, meloxicam, tenoxicam, lornoxicam |
Dẫn xuất của acid phenamic | acid mefenamic, acid meclofenamic |
Thuốc NSAID ức chế chọn lọc COX-2
Mặc dù nhóm thuốc NSAIDs ức chế chọn lọc COX-2 được ra đời sau này, nhưng rất nhiều thuốc đã bị rút giấy phép (etoricoxib, parecoxib, rofecoxib, valdecoxib, lumiracoxib) do mang lại nhiều tác dụng phụ và nguy cơ tim mạch.
Hiện nay chỉ còn Celecoxib là thuốc thuộc nhóm ức chế chọn lọc COX-2 duy nhất còn sót lại được phép sử dụng .
Phân loại theo kê đơn (OTC)
Nhóm NSAID sử dụng không cần kê đơn:
Ibuprofen
Naproxen natri
Aspirin
Nhóm NSAID sử dụng theo đơn:
Naproxen
Diclofenac
Nabumetone
Naproxen
Indomethacin
Etodolac
Oxaprozin
Phân loại theo thời gian bán thải(T1/2)
Loại thuốc | Tên thuốc | t1/2 ( h ) | Số lần dùng / 24h |
t1/2 ngắn | Aspirin | 0,25 | 3 – 4 |
Diclofenac | 1,1 | 2 – 4 | |
Ketoprofen | 1,8 | 2 – 4 | |
Ibuprofen | 2,1 | 3 – 4 | |
Indometacin | 4,6 | 3 – 4 | |
t1/2 trung bình | Naproxen | 14 | 2 |
Sulindac | 14 | 2 | |
Meloxicam | 20 | 1 | |
Tenidap | 20 – 30 | 1 | |
t1/2 dài | Piroxicam | 40 – 45 | 1 |
Tenoxicam | 60 – 75 | 1 |
Paracetamol có phải là thuốc thuộc nhóm NSAID?
Nhiều người nhầm tưởng rằng Paracetamol là thuốc thuộc NSAID vì có cùng tác dụng giảm đau hạ sốt.Tuy nhiều, điều này là sai hoàn toàn.
Paracetamol không phải là thuốc thuộc nhóm NSAID. Nó là một loại thuốc giảm đau và hạ sốt nhưng không có đặc tính chống viêm của NSAID. Cơ chế của Paracetamol là gây ức chế hoạt động của enzyme hydroperoxidase (POX), không ức chế hoạt động của COX giống như nhóm NSAID Tuy nhiên, Paracetamol đôi khi cũng được phối hợp với nhóm NSAID trong các thuốc không kê đơn.
Chỉ định của NSAID
Các thuốc kháng viêm không steroid chỉ định cho các trường hợp: giảm đau mức nhẹ và vừa, đau bụng kinh, đau răng, khi sốt nhẹ, trong các bệnh lý viêm cấp tính và mạn tính như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp thiếu niên tự phát, viêm cột sống dính khớp. Ngoài ra các trường hợp viêm gân, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp do rối loạn chuyển hóa (bệnh gút), bệnh thấp ngoài khớp cũng được dùng có hiệu quả. Các thuốc này còn có thể được chỉ định trong giảm đau sau chấn thương hoặc sau phẫu thuật, làm giảm đau bụng khi hành kinh, viêm phần phụ, hỗ trợ trong nhiễm khuẩn tai – mũi – họng và răng – hàm – mặt cấp tính.
Aspirin là NSAID duy nhất được sử dụng với liều lượng nhỏ để dự phòng nguy cơ tim mạch hoặc đột quỵ do cục máu đông. Nó cũng có thể được tiêm một liều duy nhất tại thời điểm lên cơn đau tim để cải thiện kết quả.
Chống chỉ định
Không dùng thuốc chống viêm không sterioid (NSAID) cho những trường hợp dưới đây:
- Phụ nữ mang thai và đang nuôi con bú.
- Thiếu máu cục bộ cơ tim, bệnh mạch ngoại biên, bệnh mạch não.
- Tiền sử hen suyễn, mày đay.
- Suy thận nặng (Clcr < 30 ml/phút).
- Suy gan nặng (albumin huyết tương < 25 g/lít hoặc điểm Child-Pugh ≥ 10).
- Viêm loét dạ dày, hoặc chảy máu dạ dày ruột.
- Đang sử dụng các thuốc chống đông máu.
- Trẻ em từ 2 – 4 tuổi, phải được theo dõi chặt chẽ khi dùng thuốc. Trẻ sơ sinh thiếu tháng đang có chảy máu, trẻ có giảm tiểu cầu và mắc rối loạn đông máu.
- Bệnh nhân dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Thận trọng
Những đối tượng dưới đây cần theo dõi khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Người cao tuổi (nguy cơ cao chảy máu đường tiêu hóa, nhức đầu, lú lẫn, ảo giác).
- người có rối loạn tâm thần, động kinh.
- Có tiền sử loét dạ dày – tá tràng, đang.
- Bệnh Parkinson.
- Rối loạn đông máu.
- Có tiền sử tăng huyết áp.
- Có tiền sử suy tim.
- Người có nguy cơ suy gan.
Các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có an toàn không?
NSAID là một trong những nhóm thuốc được kê đơn rộng rãi nhất; tuy nhiên, chúng có liên quan đến một số tác dụng phụ nghiêm trọng.
NSAID có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ gây tử vong. Nguy cơ tăng liều càng cao và thời gian bạn tiếp tục sử dụng NSAID càng lâu. Những người mắc bệnh tim từ trước có nhiều nguy cơ hơn và một số NSAID, chẳng hạn như diclofenac và celecoxib, có liên quan đến nhiều tác dụng phụ liên quan đến tim hơn những người khác. NSAID không bao giờ được sử dụng ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật bắc cầu (ghép động mạch vành, hoặc CABG).
Các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa cũng phổ biến, và thường liên quan đến liều lượng và thời gian điều trị mặc dù một số NSAID, chẳng hạn như ketorolac, aspirin và indomethacin, có nguy cơ cao hơn. Người cao tuổi hoặc những người đang dùng các loại thuốc khác gây kích ứng dạ dày có nhiều khả năng gặp các tác dụng phụ đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như chảy máu dạ dày hoặc ruột.
Hầu hết các NSAID không thích hợp cho trẻ em hoặc thanh thiếu niên dưới 18 tuổi. Ibuprofen là NSAID duy nhất được chấp thuận cho trẻ em từ ba tháng tuổi trở lên.
Hầu hết các NSAID không nên dùng trong ba tháng cuối của thai kỳ hoặc khi đang cho con bú trừ khi có lời khuyên của bác sĩ.
Lưu ý khi dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Tác dụng không mong muốn
NSAID gây kích ứng, đau thượng vị, nặng hơn có thể là loét dạ dày tá tràng xuất huyết tiêu hoá… nguyên nhân do thuốc gây ức chế tổng hợp prostaglandin E1 và E2 làm giảm tiết chất nhầy và các chất bảo vệ niêm mạc, tạo thuận lợi cho các yếu tố gây loét xâm lấn. Để hạn chế tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa, thông thường bác sĩ sẽ kê đơn thuốc NSAID cùng với các thuốc bảo vệ đường tiêu hóa (bismuth, sucralfat), thuốc ức chế bơm proton PPI (omeprazole, esomeprazole,…) hoặc nhóm đối kháng thụ thể H2 (ranitidine, famotidine…)
Ngoại trừ aspirin, các thuốc thuộc nhóm NSAID, đặc biệt là diclofenac và những thuốc chọn lọc enzyme COX-2 có nguy cơ làm nặng hơn tình trạng bệnh lý mạch vành, gây tăng huyết áp, suy tim. Ngoài ra còn có các biến cố huyết khối như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ Nếu sử dụng NSAID lâu dài có khả năng tăng nguy cơ chảy máu trong, kéo dài thời gian đông máu do ức chế kết tập tiểu cầu, giảm tiểu cầu và giảm prothrombin.
NSAID có thể gây ra một loạt các tác dụng phụ, đặc biệt là khi được sử dụng ở liều lượng cao hơn khuyến cáo trong thời gian dài. Các tác dụng phụ về đường tiêu hóa có thể xảy ra bao gồm đầy hơi , tiêu chảy , táo bón , kích ứng niêm mạc dạ dày, buồn nôn hoặc nôn .
NSAID cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng thận và làm giảm tốc độ máu chảy qua thận. Chúng có thể gây giữ natri và nước, dẫn đến phù nề và nồng độ kali cao. Đôi khi, chúng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng hơn cho thận.
Ngoài ra, một số người dùng NSAID đã bị lên cơn hen suyễn, mệt mỏi, nhức đầu , mất ngủ , lượng bạch cầu trung tính thấp, nổi mề đay ( phát ban ), chóng mặt và co giật .
Cách sử dụng
Khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề dưới đây để đảm bảo an toàn trong thời gian sử dụng:
- Đối với nhóm NSAID sử dụng không cần kê đơn: chỉ nên sử dụng trong điều trị ngắn ngày (3-5 ngày), không dùng thuốc liên tiếp quá 10 ngày
- Đối với nhóm NSAID sử dụng cần kê đơn: Sử dụng theo liều kê đơn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý sử dụng khi không được chỉ định. Thuốc nên được sử sụng đúng liều lượng, đúng thời gian và đúng cách để giảm nguy cơ khác.
- Không dùng gấp đôi liều hoặc tự ý phối hợp hai hay nhiều thuốc NSAID với nhau.
- Liều dùng của thuốc cần được điều chỉnh phù hợp với độ tuổi, cân nặng và chức năng gan thận. Nguyên tắc dùng thuốc NSAID là sử dụng ở mức liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể.
- Không sử dụng bia, rượu trong thời gian sử dụng thuốc NSAID. Việc sử dụng chung có thể gây kích ứng ruột, đồng thời gia tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ/dược sĩ trước khi dùng thuốc NSAID với một loại thuốc khác.
- Cần thăm khám với bác sĩ chuyên khoa khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong thời gian sử dụng NSAID. Cụ thể như đau nặng ngực, khó thở, thở dốc, yếu mệt, lơ mơ nói lắp, phát ban, đau dạ dày, nôn ra máu, yếu liệt một phần hoặc một bên cơ thể…
Tương tác thuốc
Thuốc chống viêm không Steroid có khả năng tương tác với nhiều loại thuốc khi sử dụng chung. Dưới đây là một số tương tác thuốc thường gặp
Thuốc lợi tiểu(Hydrochlothiazide ,Indapamide, Furosemide..) |
giảm tác dụng của thuốc lợi tiểu do giảm lưu lượng máu đến thận. |
Lithium và Methotrexate | giảm khả năng và tốc độ thải trừ Lithium và Methotrexate. |
Thuốc chống đông máu (Warfarin,ticagrelor,…) | Tăng tác dụng chống đông máu của thuốc chống đông máu |
Thuốc điều trị tăng huyết áp (Bisoprololm, triamterene..) | Có khả năng gây tăng huyết áp ở những bệnh nhân có huyết áp cao |
Cyclosporin | Tăng nguy cơ gây độc lên thận của Cyclosporin |
Rượu | Tăng nguy cơ loét dạ dày |
Quá liều và cách xử lý
Nếu sử dụng quá nhiều thuốc NSAID gây ngộ độc dẫn đến nguy hiểm. Hãy liên hệ với bác sĩ đa khoa hoặc gọi ngay 115 để được tư vấn xử lý ngay lập tức nếu dùng quá liều thuốc và gặp các vấn đề về sức khỏe như: Yếu, buồn nôn, Chóng mặt, co giật, khó thở, mất ý thức.
Các lựa chọn thay thế cho thuốc kháng viêm không steroid (NSAID)
Vì NSAID có thể gây ra các tác dụng phụ phiền toái, nên các lựa chọn thay thế thường được khuyến nghị trước tiên. Thuốc thay thế chính để giảm đau và hạ sốt là paracetamol , có thể mua không cần kê đơn và an toàn cho hầu hết mọi người.
Nên thử trước khi bôi các loại kem và gel có chứa NSAID nếu bị đau cơ hoặc khớp ở một bộ phận cụ thể của cơ thể, vì chúng có xu hướng ít tác dụng phụ hơn thuốc uống. Hỏi bác sĩ của để nhận được tư vấn về các loại thuốc và liệu pháp khác nhau tùy thuộc vào vấn đề sức khỏe mà đang gặp phải. Ví dụ, vật lý trị liệu có thể giúp một số người bị đau cơ hoặc khớp.
Tài liệu tham khảo
- ANSM (2019), “Bon usage du paracétamol et des anti-inflammatoires non stéroïdiens (AINS) : l’ANSM veut renforcer le rôle de conseil du pharmacien – Point d’Information”, Retrieved 28th September, 2020, from https://www.ansm.sante.fr.
- Dailymed (2020), “Summary Product Characteristic of Basic Care Naproxen Sodium – naproxen sodium tablet, film coated”.
- Dailymed (2020), “Summary Product Characteristics of Assured Ibuprofen – ibuprofen 200 mg tablet”.
- Daniel H Solomon (2020), “Patient education: Nonsteroidal antiinflammatory drugs (NSAIDs)”, Retrieved 30th September, 2020, from https://www.uptodate.com.
- de Abajo F. J., Montero D., et al. (2004), “Acute and clinically relevant drug-induced liver injury: a population based case-control study”, Br J Clin Pharmacol, 58(1), pp. 71-80.
- FDA (2016), “Medication Guide for Non-Steroidal Anti-Inflammatory Drugs (NSAIDs)”.
Thuốc này với paracetamol thuốc nào tốt hơn vậy ?