Sỏi thận: Khái niệm, nguyên nhân, cách điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Sỏi thận

nhathuocngocanh.comSỏi thận là một bệnh khá phổ biến xảy ra ở đường tiết niệu gây đau đớn cho người bệnh mà cũng không kém phần nguy hiểm. Để hiểu chi tiết thêm về căn bệnh sỏi thận mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh.

Bệnh sỏi thận là gì?

Sỏi thận là hiện tượng bệnh lý xuất hiện khi chất khoáng và muốn lắng cặn ở đường tiết niệu và thận. Sỏi là các tinh thể muối khoáng được tạo thành bởi các chất lặng cặn kết tinh lại với nhau và chủ yếu là tinh thể Canxi. Nếu sỏi nhỏ sẽ không gây đau và được bài tiết ra ngoài theo nước tiểu. Các trường hợp sỏi lớn gây đau cho bệnh nhân bởi chúng di chuyển từ bể thận xuống bàng quang, niệu quản làm tổn thương đường tiết niệu.

Sỏi thận là căn bệnh khá phổ biến ở những quốc gia thuộc vùng nhiệt đới và trong số đó có Việt Nam. Theo ước tính có khoảng 5% nữ giới và 10% nam giới trước 70 tuổi gặp phải bệnh lý này. Những người có tiền sử mắc bệnh trước đó sẽ có nguy cơ tái phát cao.

Dựa vào thành phần hóa học sỏi thận được chia thành các loại sau đây:

  • Sỏi canxi: Đây là loại sỏi thận phổ biến nhất, có khả năng tái phát cao và đặc biệt ở giới nam trong độ tuổi 20 đến 30. Để tạo thành sỏi – tinh thể muối lắng cặn thì canxi sẽ kết hợp với các gốc phosphat, oxalat, carbonat. Muối canxi oxalat phổ biến hơn cả và đặc biệt thường hay xuất hiện ở những người sử dụng nhiều thực phẩm chức năng chứa oxalat.
  • Sỏi axit uric: Bệnh này thường xuất hiện ở nam giới vì thường liên quan đến bệnh gout. Đây là bệnh do sự rối loạn chuyển hóa axit uric trong cơ thể gây ra.
  • Sỏi struvite: Là kết quả của nhiễm khuẩn đường tiết niệu lâu dài và thường gặp ở phụ nữ. Loại sỏi này dễ gây tắc đường tiết niệu do phát triển nhanh chóng.
  • Sỏi phosphat: Chủ yếu do nhiễm khuẩn proteus tiết niệu, sỏi amoni magie photphat có kích thước lớn.
  • Sỏi cystin: Gặp ở những bệnh nhân mắc chứng rối loạn cystin di truyền.

Nguyên nhân hình thành sỏi thận

Sỏi thận hình thành do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đều bắt đầu từ sự kết tinh đến lắng đọng trong hệ tiết niệu. Và các nguyên nhân đó thường liên quan đến thói quen sinh hoạt hàng ngày. Sau đây là một số nguyên nhân chủ yếu hình thành nên sỏi thận:

  • Uống không đủ nước: Khi lượng nước đưa vào cơ thể không đủ cho thận bài tiết sẽ làm giảm chức năng lọc và nước tiểu đặc với nồng độ muối khoáng và các ion cao dẫn đến dễ kết tinh tạo thành sỏi.
  • Chế độ ăn nhiều đạm: Trong đồ ăn có nhiều đạm làm nồng độ pH trong nước tiểu tăng cao, làm giảm khả năng hấp thụ citrate và tăng bài tiết calcium.
  • Chế độ ăn nhiều muối: Khẩu vị ăn mặn thường gặp ở người Việt. Nước mắm và muối là gia vị quen thuộc trong bữa ăn của mỗi gia đình. Khi ăn nhiều muối cơ thể sẽ phải tăng đào thải Ca2+ và Na+ tại ống thận nên dễ hình thành sỏi Calcium.
  • Nạp bổ sung Vitamin C, Calcium sai cách: Nếu bổ sung vi chất cho cơ thể nhiều sẽ dẫn đến tình trạng dư thừa. Vitamin C dư thừa sẽ chuyển hóa thành gốc Oxalat, còn Ca2+ dư thừa sẽ ức chế và cạnh tranh quá trình hấp thụ của các ion khác như Fe2+, Zn2+… Khi thận thừa quá nhiều dẫn tới tình trạng quá tải làm tăng nguy cơ hình thành sỏi tại đây.
  • Hậu quả bệnh lý đường tiêu hóa: Tiêu chảy, viêm loét dạ dày cũng là nguyên nhân hình thành lên sỏi calci oxalat. Cơ thể bị mất nước do tiêu chảy sẽ dẫn theo mất các ion K+, Na+ làm giảm lượng nước tiểu dẫn đến nồng độ oxalat có trong nước tiểu tăng cao hình thành lên sỏi thận.
  • Yếu tố di truyền: Theo thống kê nguy cơ mắc bệnh của mọi người cùng huyết thống cao hơn người bình thường.
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Khi vi trùng xâm nhập, đường tiết niệu bị viêm dai dẳng thậm chí sẽ tạo ra mủ. Các chất bài tiết bị lắng đọng lâu ngày cũng chính là nguyên nhân hình thành sỏi thận.
  • Những người mắc phải hay bẩm sinh bị các dị dạng đường tiết niệu làm tắc nghẽn đường tiểu như: túi thừa trong bàng quang, phì đại tuyến tiền liệt, u xơ tiền liệt tuyến… Khi tắc nghẽn đường tiết niệu dẫn đến nước tiểu tích trữ lâu ngày, lắng đọng gây ra sỏi thận.
  • Nhịn tiểu: Khi nhịn tiểu kéo dài sẽ làm cho nước tiểu ở bàng quang tích tụ đầy dẫn đến bể thận sẽ tích tụ các chất khoáng, Sỏi dễ hình thành nếu thời gian tích tụ kéo dài.
  • Thuốc: Có một số loại thuốc có thể gây hình thành sỏi  trong đường tiết niệu, trong thận như theophylline, thiazide, glucocorticoids, thuốc lợi tiểu.
  • Béo phì: Tỷ lệ người béo phì có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận cao hơn người bình thường.
Sỏi thận là gì?
Sỏi thận là gì?

Triệu chứng của bệnh sỏi thận

Các triệu chứng của bệnh sỏi thận xuất hiện là do biến chứng của viên sỏi gây ra với hệ tiết niệu.

Cơn đau quặn thận

Khi thận có sỏi thì biểu hiện rõ ràng nhất là gây đau dữ dội và được gọi là cơn đau quặn thận.

Sỏi gây đau bắt đầu ở vùng hố thắt lưng một bên sau đó lan xuống dưới và ra phía trước. Sau khi có hoạt động gắng sức cơn đau sẽ khởi phát và xuất hiện đột ngột. Và cường độ đau ngày càng mạnh, người bệnh đau vật vã, quằn quại có tìm tư thể để làm giảm cơn đau nhưng không có hiệu quả.

Khi xuất hiện triệu chứng đau quặn thận này không được thực hiện các biện pháp giảm đau tại nhà mà cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ cấp cứu.

Cơn đau sỏi thận được chia làm 2 trường hợp:

  • Cơn đau sỏi niệu quản: Cơ đau bắt đầu xuất phát từ hố của thắt lưng sau đó lan dọc xuống theo đường niệu quản, đến phần hố chậu của bộ phận sinh dục và cuối cùng đến mặt trong của đùi.
  • Cơn đau sỏi thận do sự tắc nghẽn đài thận và bể thận: Cơ đau bắt đầu từ hố thắt lưng đến dưới xương sườn thứ 12 và đau lan về phía trước hố chậu và rốn.

Kèm theo cơn đau quặn thận đó là các triệu chứng như: nôn mửa, buồn nôn, liệt ruột gây chướng bụng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể rét run, sốt nếu đường tiết niệu bị nhiễm trùng. Bác sĩ khám có thể thấy các điểm niệu quản bị ấn có cảm giác đau, điểm sườn lưng đau và có thể thấy thận lớn.

Không có sự liên quan đến sự xuất hiện và cường độ đau của cơn đau quặn thận với số lượng hay kích thước của viên sỏi. Có những trường hợp sỏi yên lặng người bệnh đau không rõ ràng hay hoàn toàn không có triệu chứng đau.

Hình ảnh về các loại sỏi thận
Hình ảnh về các loại sỏi thận

Tiểu ra máu

Nếu trường hợp sỏi có gai san hô hay có bề mặt nhám sẽ gây tiểu ra máu khi cọ xát vào đường tiểu. Hiện tượng này ở sỏi thận không xảy ra. Nên nếu tiểu ra máu ở sỏi thận là do bệnh nhân vận động mạnh, hoạt động nhiều.

Bế, tắc đường tiểu

Hòn sỏi xuất hiện ở đường tiểu sẽ gây tình trạng bế tắc, tắc nghẽn bao gồm bế tắc thận, bí tiểu, thận ứ nước căng to. Đây là các dấu hiệu giống với các bệnh khác nên khi bác sĩ chẩn đoán cần phân tích thêm các nguyên nhân.

Tiểu dắt, tiểu són

Khi sỏi xuất hiện ở bàng quang hay niệu quản khiến cho bệnh nhân sẽ có cảm giác buồn đi tiểu thường xuyên nhưng lượng nước tiểu mỗi lần đi rất ít làm cho cơ thể cảm thấy rất mệt mỏi. Đặc biệt, khi sỏi ở niệu quản khiến nước tiểu ứ ở thận không đi xuống bàng quang được gây ra những cơn đau quặn thận.

Các giai đoạn của bệnh sỏi thận

Đường tiết niệu bị ảnh hưởng qua 3 giai đoạn khi sỏi vướng lại:

Giai đoạn chống đối

Ở giai đoạn này, phía trên đường tiết niệu sẽ cố gắng gia tăng co bóp để đẩy viên sỏi bị vướng ra ngoài. Bể thận và niệu quản ở phía trên chưa bị giãn nở. Cơn đau quặn thận xuất hiện do có sự tăng áp lực đột ngột đài bể thận. Trên lâm sàng bệnh nhân thường biểu hiện cơn đau quặn thận ở giai đoạn này.

Giai đoạn giãn nở

Đây được coi là hệ quả của giai đoạn chống đối. Sỏi không được đẩy ra ngoài sau 3 tháng thì bể thận, niệu quản, đài thận ở vị trí tắc sẽ bị giãn nở và làm giảm nhu động niệu quản.

Sỏi thận được hình thành như thế nào?
Sỏi thận được hình thành như thế nào?

Giai đoạn biến chứng

Viên sỏi sẽ bị bám dính vào niêm mạc nếu lâu không di chuyển. Niệu quản có thể bị hẹp lại, xơ dày. Lúc này chức năng của thận bị suy giảm dần. Thận bị ứ nước và nếu kèm theo nhiễm trùng sẽ có tình trạng ứ mủ.

Yếu tố cho việc tái nhiễm trùng là sỏi vẫn còn tồn tại trong đường tiết niệu. Nếu để lâu ngày mà không có phương án điều trị sẽ gây viêm thận bể thận mạn tính sẽ dẫn đến suy thận mạn tính.

Các biện pháp chẩn đoán bệnh sỏi thận

Để chẩn đoán được bệnh sỏi thận chính xác nhất và có phác đồ điều trị hiệu quả bác sĩ cần chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng sau đây:

Siêu âm

Siêu âm là phương pháp chẩn đoán đầu tiên khi nghi ngờ thận có sỏi vì đơn giản, hiệu quả và ít tốn kém. Qua siêu âm bác sĩ sẽ có thể phát hiện được sỏi và tiên lượng được độ dày mỏng của chủ mô thận, độ ứ nước của niệu quản và thận.

Có những trường hợp bị sỏi nhưng không có triệu chứng rõ ràng hoặc không có biến chứng, được phát hiện tình cờ trong các cuộc khám tổng quát định kỳ đã tiến hành siêu âm.

Xét nghiệm nước tiểu

Trong chẩn đoán sỏi thận bắt buộc phải xét nghiệm nước tiểu. Vì xét nghiệm này sẽ cho kết quả chính xác để kết luận được các giai đoạn của biến chứng cũng như là xác định xem có nhiễm trùng đường tiết niệu không.

Soi cặn lắng

Thành phần của sỏi thận là các tinh thể phosphat, oxalat, calci… Khi soi cặn lắng có thể kết luận có sỏi hình thành và đang tồn tại ở trong hệ tiết niệu.

pH nước tiểu

Nếu bị nhiễm trùng đường niệu thì độ pH trong nước tiểu lớn hơn 6,5 do vi trùng sẽ phân hủy ure thành amoniac.

Cơn đau quặn thận ở người bị sỏi thận
Cơn đau quặn thận ở người bị sỏi thận

Protein niệu

Bác sĩ cần chẩn đoán thêm các bệnh lý cầu thận nếu protein niệu nhiều. Vì nếu chỉ bị nhiễm trùng đường niệu thì lượng protein niệu trong nước tiểu khá ít.

Tìm vi trùng và tế bào

Thấy nhiều bạch cầu, hồng cầu qua xét nghiệm nước tiểu. Nếu nghi ngờ sỏi thận ở giai đoạn có biến chứng nhiễm trùng khi soi và nhuộm gram, quay ly tâm có thể thấy trong nước tiểu có vi trùng.

ASP – Chụp Xquang bụng không chuẩn bị

Sỏi cản quang chiếm phần lớn trong sỏi hệ tiết niệu ở Việt Nam. Vì vây, chụp Xquang có thể chẩn đoán bệnh sỏi thận chính xác. Bác sĩ sẽ xác định được vị trí sỏi cản quang, hình dáng, số lương và kích thước của sỏi khi bệnh nhân thực hiện chụp Xquang bụng.

UIV – Chụp hệ tiết niệu qua đường tĩnh mạch

Khi chụp UIV sẽ cho biết vị trí của sỉ ở trong đường tiết niệu, hình dáng niệu quản, đài bể thận và mức độ giãn nở của niệu quản, đài bể thận. Qua đó xác định được những chức năng bài tiết chất cản quang của từng bên thận.

Chụp X quang niệu quản thận xuôi dòng và ngược dòng

Sỏi không cản quang được phát hiện qua biện pháp này. Khi thận câm trên phim UIV thì biện pháp này có giá trị.

Nội soi bàng quang

Biện pháp này chủ yếu dùng trong phẫu thuật nội soi ít khi dùng để chẩn đoán.

Hình ảnh chụp X-quang trước và sau khi tán sỏi thận qua da
Hình ảnh chụp X-quang trước và sau khi tán sỏi thận qua da

Cách đẩy sỏi thận ra ngoài

Các biện pháp điều trị bệnh sỏi thận như sau:

Điều trị nội khoa làm giảm cơn đau quặn thận

Khi đang có cơn đau quặn thận cần giảm lượng nước uống.

Giảm đau: Trong những trường hợp này bác sĩ hay chỉ định cho bệnh nhân sử dụng thuốc kháng viêm không steroid , tiêm tĩnh mạch Diclofenac. Nếu không có hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc đến việc sử dụng morphin.

Thuốc giãn cơ trơn: Sử dụng để tiêm tĩnh mạch Drotaverin, Buscopan…

Kháng sinh: Khi có dấu hiệu bị nhiễm trùng, bệnh nhân thường được bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh có tác dung trên vi khuẩn gram âm như Quinolone, Cephalosporin thế hệ 3, Aminoside. Tránh dùng Aminoside cho bệnh nhân bị suy thận và dựa vào mức độ suy thận để thay đổi liều lượng các thuốc khác.

Xử lý nguyên nhân gây tắc nghẽn niệu quản: Bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật sớm để giải quyết tình trạng tắc nghẽn nếu điều trị nội khoa không làm giảm các cơn đau quặn thận. Tùy thuốc vào từng cơ địa của bệnh nhân, tình trạng chức năng thận của từng bên kích thước và số lượng sỏi,… thì bác sĩ sẽ đưa ra quyết định mổ cấp cứu hay dẫn lưu tối thiểu bể thận qua da.

Lưu ý khi điều trị sỏi bằng nội khoa:

– Đối với sỏi trơn láng và nhỏ: Bệnh nhân cần uống nhiều nước, uống thuốc lợi tiểu để tăng dòng nước tiểu. Nhờ nhu động của niệu quản viên sỏi có thể được tống ra ngoài tự nhiên. Sử dụng thuốc chống viêm không steroid, tránh phù nề ở niệu quản, tránh cản đường đi của sỏi.

– Đối với sỏi không cản quang – sỏi acid uric: pH trong nước tiểu nhỏ hơn 6 thì sỏi sẽ kết tinh và có thể tan khi kiềm hóa. Do đó, loại sỏi này có thể điều trị bằng 2 cách:

  • Bệnh nhân cần kiêng rượu bia, chất kích thích và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày. Giảm lượng đạm trong chế độ ăn.
  • Sử dụng các loại thuốc Bicarbonate de Sodium 5g đến 10g trong một ngày để làm kiềm hóa nước tiểu. Sử dụng Allopurinol 100mg đến 300mg mỗi ngày để ức chế Purine. Nhưng bên cạnh đó thuốc có gây ra các tác dụng phụ như tiêu chảy, buồn nôn, suy giảm chức năng gan, nổi mẩn ở da. Nên sử dụng những loại thuốc này sau bữa ăn.

Điều trị nội khoa hậu phẫu mổ lấy sỏi

Sỏi thận sau khi được điều trị không hẳn sẽ không tái phát nữa nên bệnh nhân cần lưu ý. Và có thể vẫn tiếp tục bởi các nguy cơ:

  • Sỏi vẫn còn sót sau khi phẫu thuật.
  • Đường tiết niệu vẫn có vị trí hẹp nên tiếp tục lặng cặn và kết tinh thành sỏi ở hệ tiết niệu.
  • Nhiễm trùng ở đường tiết niệu vẫn diễn ra và đây cũng là nguyên nhân gây ra sỏi thận. Vì vậy cần phải điều trị dứt điểm nhiễm trùng liệu bằng việc sử dụng kháng sinh niệu để đạt hiệu quả tốt nhất.
Hình ảnh minh họa về Sỏi thận
Hình ảnh minh họa về Sỏi thận

Điều trị ngoại khoa

Dựa vào vị trí của viên sỏi cũng như giai đoạn bệnh để bác sĩ quyết định áp dụng phương pháp mổ sỏi thận phù hợp và tiết kiệm chi phí nhất.

  • Có thể dùng tia laser và ống nội soi bán cứng để lôi sỏi ở đáy niệu quản ra.
  • Sử dụng phương pháp nội soi ống mềm khi hòn sỏi ở trên cao. Để tiếp cận sỏi, bác sĩ đã dùng một ống mềm đưa lên qua đường niệu đạo.
  • Dùng máy tán sỏi qua da rồi đâm một lỗ nhỏ trên thận để phá sỏi khi sỏi ở trung thận. Nếu sỏi nhỏ chỉ khoảng 1cm thì bác sĩ tán sỏi ngoài cơ thể rẻ hơn và không phải nằm viện.

Điều trị dự phòng

Bệnh nhân vận động thường xuyên, nhảy dây, uống nhiều nước là một lựa chọn tốt. Sỏi hay dính ở trong niêm mạc thận nên khi bạn uống nhiều nước và vận động sẽ tăng khả năng tự đào thải của sỏi và nhất là sỏi ở đài dưới.

Những bệnh nhân bị sỏi thận cần phải bổ sung đầy đủ nước để đảm bảo lượng tiểu mỗi ngày nhiều hơn 2 lít. Nếu chơi thể thao nhiều hay làm việc trong môi trường nóng nực cần phải bù đủ lượng nước đã mất.

Quan trọng nhất là nước tiểu phải trong và đi tiểu đau. Phải xem lại đã uống đủ nước chưa nếu nước tiểu vàng. Kiểm tra nước tiểu mỗi ngày để bổ sung nước cho hợp lý.

Sỏi thận uống thuốc gì?

Hiện nay có rất nhiều loại thuốc tây y điều trị bệnh sỏi thận tốt và mang lại hiệu quả cao. Đa số các loại thuốc trị sỏi thận đều có tác dụng kiềm hóa nước tiểu, chống viêm, giảm kích cỡ sỏi thận, giảm phù nề. Dưới đây là một số loại thuốc chữa sỏi thận tốt được bác sĩ chỉ định cho người bệnh:

  • Thuốc sỏi thận Rowatinex: Là loại thuốc bán chạy nhất hiện nay với tác dụng làm tan sỏi thận, kiểm soát tình trạng tiểu đường, giảm cholesterol trong máu, giúp máu huyết lưu thông. Bên cạnh những tác dụng đó, thuốc sỏi thận Rowatinex có thể gây ra một số tác dụng phụ như nổi mẩn ngứa, chóng mặt, khô miệng, phát ban,… nên người bệnh cần thận trọng khi sử dụng. Nếu có bất cứ triệu chứng bất thường nào hãy liên hệ với bác sĩ để được giải quyết.
  • Siêu âm tìm sỏi thận
    Siêu âm tìm sỏi thận

    Thuốc trị sỏi thận Buscopan 10mg: Đây là loại thuốc giúp làm tan sỏi, đào thải ra khỏi cơ thể, làm dịu các cơn đau ở niệu sinh dục hay ống tiêu hóa. Ngoài ra, thuốc Buscopan có thể làm giảm các cơn đau do bệnh sỏi thận gây ra và giúp cải thiện cơn đau khi bị co thắt cơ trơn ở đường tiêu hóa. Thuốc Buscopan có 2 dạng đó là dạng tiêm và dạng uống.

Sỏi thận có nguy hiểm không?

Bệnh sỏi thận khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ không gây ảnh hưởng kéo dài. Tuy nhiên, nếu sỏi quá lớn dẫn đến bị kẹt trong đường tiết niệu sẽ gây ra các biến chứng khác cần phải phẫu thuật để loại bỏ sỏi.

Bệnh sỏi thận có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu: sỏi thận hay xuất hiện ở bể thận và đài thận nhưng không cố định vị trí nên có thể theo dòng chảy của nước tiểu mà đi vào các ống niệu quản gây tắc nghẽn đường tiết niệu.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: khi sỏi thận tồn tại trong cơ thể lâu ngày cũng có thể trở thành nơi trú ngụ của nhiều vi khuẩn ảnh hưởng tới sức khỏe. Những vi khuẩn này có thể lây lan ra vị trí khác và gây nhiễm trùng thận. Khi bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu bệnh nhân có những dấu hiệu như: đau bụng dưới, nước tiểu có màu sắc khác thường, nóng buốt mỗi lần đi tiểu,..
  • Suy thận cấp tính, mãn tính: khi thận bị ứ nước mức độ nặng và bị nhiễm trùng thì các nhu mô thận bị hủy hoại dần dẫn đến suy giảm chức năng thận. Nếu người bệnh bị suy thận nặng và thận không thể tự phục hồi sẽ phải ghép thận nhân tạo hoặc lọc máu nhân tạo để duy trì sự sống. Người bị suy thận sẽ xuất hiện các triệu chứng như: nước tiểu lẫn máu và có bọt, tiểu đêm nhiều lần, thay đổi vị giác, sưng phù chân tay.
  • Vỡ thận: đây là biến chứng rất nguy hiểm và cũng rất hiếm gặp trong bệnh sỏi thận, nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn tới tử vong.

Các biện pháp phòng ngừa bệnh sỏi thận

Để ngăn ngừa bệnh sỏi thận bạn nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh:

  • Bổ sung nước đầy đủ mỗi ngày.
  • Hạn chế việc tiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều oxalat như đậu bắp, củ dền, khoai lang, rau chân vịt, chocolate, các loại hạt, hạt tiêu đen, trà và các sản phẩm được chế biến từ đậu nành.
  • Xây dựng chế độ ăn ít protein động vật và muối.
  • Phương pháp điều trị nội soi tán sỏi qua da
    Phương pháp điều trị nội soi tán sỏi qua da

    Thận trọng khi bổ sung canxi bằng thực phẩm chức năng. Nếu bạn muốn bổ sung canxi bằng thực phẩm chức năng hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ vì chúng có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi thận. Những thực phẩm có chứa canxi không liên quan đến nguy cơ tạo sỏi mà ngược lại nếu cơ thể không được bổ sung đầy đủ canxi sẽ tăng tăng nguy cơ tạo sỏi.

Câu hỏi liên quan đến bệnh sỏi thận

Kích thước sỏi thận là bao nhiêu thì nguy hiểm?

Kích thước sỏi ở mức 5mm thì người bệnh không cần quá lo lắng vì sức khỏe chưa bị ảnh hưởng nhiều. Khi sỏi mới hình thành, người bệnh chỉ cần điều trị theo chế độ của bác sĩ kết hợp với uống nhiều nước sẽ không cần dùng đến các phương pháp phẫu thuật mà sỏi sẽ có thể tự đào thải ra.

Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp kích thước sỏi 5mm nhưng có nhiều cạnh sắc nhọn, hình thái bất thường dễ làm xước bàng quang, thận gây cho người bệnh cảm giác đau đớn.

Lúc này sỏi chưa ảnh hưởng đến chức năng của hệ tiết niệu và thận nhưng bệnh nhân cần theo dõi để có hướng xử lý an toàn và kịp thời.

Thông thường, sỏi có kích thước trên 10mm coi là to và ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, trong trường hợp này bệnh nhân cần gặp bác sĩ để tiếp nhận điều trị và nếu trong trường hợp cần thiết phải tiến hành phẫu thuật loại bỏ sỏi.

Sỏi thận nên ăn gì?

Trong quá trình điều trị bệnh sỏi thận thì chế độ ăn uống cũng khá quan trọng. Sau đây là chế độ dinh dưỡng mà người bị sỏi thận cần lưu ý.

Người bị sỏi thận nên ăn:

  • Thực phẩm giàu vitamin A: Vitamin A hỗ trợ điều hóa hệ thống nước tiểu, tăng cường chức năng miễn dịch, hạn chế hình thành sỏi. Những thực phẩm chứa nhiều vitamin A như ớt chuông, cà rốt, khoai lang, bông cải xanh,…
  • Thực phẩm vitamin B6: Có thể giảm khả năng hình thành oxalat. Bạn có thể bổ sung vitamin B6 từ những thực phẩm sau: đậu phộng, ngũ cốc nguyên hạt, bông cải, các loại cá…
  • Thực phẩm giàu chất xơ: Hỗ trợ quá trình chuyển hóa của hệ bài tiết và hệ tiêu hóa. Một số thực phẩm giàu chất xơ mà người bị sỏi thận nên sử dụng như: rau lưng, cần tây, bông cải xanh, bắp cải,…
  • Thực phẩm giàu canxi và vitamin D: Thực phẩm chứa nhiều vitamin D như sữa, cá hồi, lòng đỏ trứng và thực phẩm chứa canxi như sữa chua, phô mai, rau có màu xanh đậm, các loại hạt.
  • Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C như cam, chanh, bưởi, quýt…
  • Nước lọc: Bệnh nhân bị sỏi thận nên uống từ 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Ngoài ra bệnh nhân có thể bổ sung một số loại nước trái cây như: nước cam ép, trà gừng, trà lựu, nước chanh, nước ép nho, trà húng quế.
Uống nhiều nước để phòng tránh bị sỏi thận
Uống nhiều nước để phòng tránh bị sỏi thận

Bệnh nhân sỏi thận nên ăn kiêng những thực phẩm dưới đây:

  • Hạn chế đường, muối: Bệnh nhân nên ăn mỗi ngày tối đa 3gr muối, ăn ít muối, ăn nhạt sẽ giúp quá trình điều trị bệnh sỏi thận có hiệu quả cao hơn và hạn chế được những biến chứng sau này. Đường, bánh kẹo hay đồ ngọt là yếu tố gây ra bệnh sỏi thận. Vì vậy, bệnh nhân cần hạn chế tối đa đường trong chế độ ăn uống.
  • Hạn chế thức ăn giàu đạm: Mỗi ngày bệnh nhân chỉ nên ăn tối đa 200gr thịt. Hạn chế hải sản, ưu tiên ức gà, thịt nạc.
  • Hạn chế thực phẩm giàu kali như khoai tây, chuối, bơ.
  • Tránh ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ.
  • Tránh thực phẩm giàu gốc oxalate như rau cải bó xôi, đậu, rau muống.
  • Kiêng rượu bia và đồ uống có cồn.
  • Hạn chế cà phê và nước ngọt.

Bị sỏi thận có quan hệ được không?

Bị bệnh sỏi thận vẫn có thể quan hệ được nhưng sẽ gặp rất nhiều bất tiện. Nguyên nhân bởi các triệu chứng như mệt mỏi, đau lưng, không có hứng thú với chuyện vợ chồng nên chất lượng cuộc yêu sẽ giảm. Các cơn đau quặn thận có thể sẽ ảnh hưởng tới hệ thần kinh cũng như tâm lý của người bệnh. Vì vậy, bệnh nhân bị bệnh sỏi thận sẽ ảnh hưởng tới khả năng tình dục và sinh sản ở cả nữ và nam giới.

Bệnh sỏi thận sau khi điều trị có khỏi dứt điểm?

Nhiều người cho rằng bệnh sỏi thận không tái phát sau khi đã phẫu thuật. Nguyên nhân đầu tiên có thể nói điến trong vấn đề tái phát bệnh sỏi đó là trong quá trình phẫu thuật hoặc uống thuốc cứ ngỡ sỏi đã hết. Ngoài ra, trên thực tế nguyên nhân hình thành sỏi là từ thói quen sinh hoạt, ăn uống thiếu khoa học và đặc biệt là những người đã có cơ địa sỏi thì khả năng tái phát cao.

Dù có điều trị sỏi bằng bất cứ phương pháp nào thì bạn vẫn có nguy cơ bị tái phát nếu bạn không thay đổi thói quen sinh hoạt, ăn uống xấu và không tái khám định kỳ theo tư vấn của bác sĩ.

Thuốc sỏi thận Rowatinex
Thuốc sỏi thận Rowatinex

Sỏi thận đau ở đâu?

Biểu hiện phổ biến, đặc trưng của khi bị sỏi thận là đau. Bệnh sỏi thận gây ra những cơn quặn thận, đau quằn quại. Lúc này dù bệnh nhân có nằm ở tư thế nào cũng bị đau, có cảm giác như đang bị co thắt từ bên trong.

Bệnh sỏi thận gây ra các cơn đau chủ yếu xuất hiện ở vùng sườn lưng, vùng lưng, vùng hông vì sỏi hay bị mắc kẹt tại các vị trí này nên mới gây ra các cơn đau. Người bệnh bị đau ở nhiều vị trí khác nhau bắt đầu từ phía dưới xương sườn, sau đó lan xuống vùng bụng dưới, cả mặt trong cả đùi và bộ phận sinh dục.

Đau ở sườn lưng là vị trí chính mà người bị sỏi thận gặp phải nhiều nhất. Người bệnh có thể đau cả 2 bên lưng, có thể đau 1 bên phải, có thể đau một bên trái. Cơn đau do sỏi thận gây ra sẽ lan dần từ sườn lưng đến vùng hố thắt lưng rồi đến hố chậu.

Tuy nhiên so với triệu chứng đau lưng thông thường sẽ khác biệt với các cơn đau do sỏi thận. Đau lưng do sỏi thận thường đau mọi lúc mọi nơi, đau quằn quại và dữ dội, khi nghỉ ngơi cơn đau vẫn không hết. Chỉ có cách chườm nóng lạnh, dùng thuốc giảm đau mới hết đau. Còn đối với đau lưng thông thường thì nghỉ ngơi có thể làm giảm cơn đau.

Có một vài trường hợp bệnh nhân bị sỏi thận sẽ bị đau âm ỉ do kèm sỏi to ở vị trí ngay bể thận. Thời gian của cơn đau sỏi thận thường kéo dài từ 20 đến 60 phút hoặc có khi kéo dài trong vài giờ.

Người bị sỏi thận sẽ kèm theo các triệu chứng khác như tiểu ra sỏi, tiểu ra máu, nước tiểu có mùi hôi và đục màu.

Bệnh sỏi thận nếu không được điều trị sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, nếu bạn xuất hiện các triệu chứng của bệnh sỏi thận cần đến gặp bác sĩ để có pháp đồ điều trị hiệu quả. Và thường xuyên tái khám theo định kỳ theo tư vấn của bác sĩ.

Xem thêm:

5 dòng kháng sinh tiềm ẩn nguy cơ gây sỏi thận

Câu hỏi lâm sàng

Câu 1

Nam 45 tuổi được theo dõi tại khoa cấp cứu do đau dữ dội mạn sườn phải. Anh ta ngã xuống trong phòng ngủ vì cơn đau. Bệnh nhân có tiền sử Tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường type 2 kiểm soát bằng chế độ ăn kiêng. BMI 43 kg/m2. Chụp ổ bụng không có gì bất thường, CT scan thấy sỏi 5mm ở niệu quản phải và nhiều sỏi nhỏ hơn ở bể thận hai bên. Phân tích nước tiểu thấy: pH nước tiểu 4.5 (thông thường: 5-6), bạch cầu (-), hồng cầu 50-100/vi trường năng lượng cao, Vi khuẩn (-), Nitrit (-), Esterase bạch cầu (- ). Bệnh nhân sau đó đái được hòn sỏi ra, phân tích thấy nó được cấu tạo từ 100% là a. uric. Bên cạnh việc uống nhiều nước thì biện pháp nào sau đây có ích nhất để tránh sỏi tái phát?

  1. Chế độ ăn hạn chế canxi
  2. Furosemid
  3. Chế độ ăn giàu protein
  4. Hydrochlorothiazide
  5. Kali citrate

Diễn giải: Có 3 khả năng có thể xảy ra nhất khi bệnh nhân có triệu chứng phù hợp với đau quặn thận điển hình nhưng không có sỏi được xác định trên xquang thông thường là:

  • Sỏi không cản quang (sỏi a. uric, sỏi xanthine).
  • Sỏi canxi kích thước nhỏ (<1.3mm đường kính).
  • Hẹp niệu quản không do sỏi (khối máu, u).

Bệnh nhân này có sỏi a. uric, loại sỏi được thấy ở 5-8% người trưởng thành có sỏi thận. Chúng thường thấy ở bệnh nhân có pH niệu giảm (thường là do rối loạn trong bài tiết NH3 tại thận) và tăng a. uric niệu. Các yếu tố nguy cơ bao gồm gút, Đái tháo đường/rốì loạn chuyển hóa, tăng sản xuất a. uric (rối loạn tăng sinh tủy xương, tan máu) và tiêu chảy mạn (mất hco3- ở ruột non và toan hóa nước tiểu).

Sỏi a. uric thường không cản quang nhưng có thể được thấy khi siêu âm hoặc CT scan ổ bụng. Điều trị bao gồm tăng uống nước, kiềm hóa nước tiểu và chế độ ăn giảm purin. Kiềm hóa nước tiểu để đưa pH nước tiểu lên 6 – 6.5 bằng Kali citrate được khuyên dùng bởi sỏi a. uric tan tốt trong nước tiểu kiềm. Ngoài ra, citrate ức chế tạo thành sỏi và giảm sự tạo tinh thể. Allopurinol có thể được thêm vào nếu triệu chứng không giảm dù đã điều trị ban đầu đặc biệt nếu tăng a. uric niệu hoặc tăng a. uric máu xảy ra.

Sỏi thận acid uric
Các yếu tố nguy cơ
  • Tăng đào thải acid uric nước tiểu: gút, rối loạn tăng sinh tủy
  • Tăng cô đặc nước tiểu: sốt, khí hậu nhiệt đới, mất nước
  • Giảm pH nước tiểu: tiêu chảy mạn (mất bicarbonate qua đường tiêu hóa), hội chứng chuyển hóa/đái tháo đường.
Bệnh học
  • Hình thành nhiều acid trong nước tiểu từ acid uric (không hòa tan) cho tới urate (hòa tan)
  • Nồng độ cao của acid uric trong nước tiểu thuận lợi để tạo thành tinh thể
Các biểu hiện lâm sàng
  • Sỏi không cản quang (không thấy được trên xquang)
  • Các tinh thể acid uric khi soi dưới kính hiển vi
  • pH nước tiểu thường <5.5
Điều trị Kiềm hóa nước tiểu (kali citrate)

Đáp án A: Chế độ ăn giảm ca không có hiệu quả để điều trị sỏi a. uric. Và thậm chỉ cũng không khuyên bệnh nhân bị sỏi canxi giảm canxi hấp thụ đi bởi nó dẫn tới cân bằng canxi lệch âm và tăng oxalate máu do tăng tái hấp thu oxalate tại đường tiêu hóa.

Đáp án B: Furosemide tăng đài thải canxi tại thận và làm tăng canxi niệu nên có thể tăng nguy cơ hình thành sỏi canxi.

Đáp án C: Chế độ ăn giảm purin, chứ không phải là giàu protein được chỉ định ở bệnh nhân sỏi a. uric thứ phát do tăng a. uric máu.

Đáp án D: HydrochloroThiazide giảm đào thải Ca niệu và được sử dụng để quản lý ở bệnh nhân sỏi thận có tăng canxi máu – loại sỏi cản quang và có thể thấy dễ dàng trên xquang. Dù cho lợi tiểu thiazide giảm đào thải a. uric nhưng chúng có thể làm giảm pH niệu và tăng nguy cơ sỏi a. uric.

Tổng kết: Sỏi a. uric thường không cản quang nhưng có thể thấy trên siêu âm và phim CT. Chúng có tính hòa tan cao trong nước tiểu kiềm và kiềm hóa nước tiểu ở mức 6-6.5 bằng Kali citrate đường uc>ng là lựa chọn để điều trị.

Câu 2

Nam 26 tuổi tới khoa cấp cứu do đau quặn hạ sườn trái đột ngột dữ dội lan tới xương mu. Ngoài ra anh ta cũng buồn nôn, nôn, nước tiểu sẫm màu. Bệnh nhân chưa bao giờ có những triệu chứng đó trước đây. Thăm khám không thấy bất thường nào khác. CT scan không cản quang thấy sỏi cản tia có kích thước 5mm ở phần trên niệu quản trái.

Kết quả Cận lâm sàng: Ca huyết thanh 9.8 mg/dL, Creatinine huyết thanh 0.9 mg/dL, BUN 15 mg/dL. Phân tích nước tiểu đái máu không có trụ niệu. Nguyên nhân nhiều khả năng nhất gây ra các triệu chứng hiện tại của bệnh nhân này là gì?

  1. Sỏi Canxi oxalate.
  2. Sỏi Canxiphosphate.
  3. Sỏi Cystine.
  4. Sỏi struvite (Nh4.MgPo4.6H20).
  5. Sỏi Acid. uric.

Đáp án đúng là A: Bệnh nhân này mắc sỏi niệu quản cấp tính với đau mạn sườn dữ đội, nôn và đái máu. Hẹp cấp tính niệu quản tại điểm nối của niệu quản bàng quang gây ra cơn đau lan xucíng háng và sâu tại đùi. Sỏi Canxi oxalat là loại sỏi thường gặp nhất, thấy ở 75% ở người trưởng thành, bệnh nhân cũng có thể mắc kết hợp cả sỏi canxi oxalta và sỏi canxi phosphat. Bởi thành phần canxi cao của các loại sỏi trên nên chúng cản tia x và dễ thấy trên phim Xquang cũng như phim CT. Ngoài đái máu-triệu chứng thường thấy ở bất kỳ loại sỏi nào thì phân tích nước tiểu có thể xác định được tinh thể canxi oxalat có hình bao thư. Tuy nhiên sự biểu hiện này không đặc hiệu. Dù cho sự tăng tải lượng canxi được lọc có thể tăng nguy cơ mắc sỏi nhưng nồng độ canxi huyết thanh ở đa số bệnh nhân là bình thường.

Các yếu tố nguy cơ của sỏi canxi oxalat bao gồm mất nước, nhiều muối và oxalat trong khẩu phần ăn, béo phì, cường tuyến cận giáp. Ngoài ra, trong hội chứng rối loạn hấp thu (bệnh Crohn, phẫu thuật cắt bỏ ruột) thì canxi có thể tạo phức hợp “xà bông” với chất béo tại lòng ruột và do đó không thể ở lại để tạo các phức hợp không tan với oxalate, dẫn tới sự tái hấp thu oxalat tự do tăng và oxalat sau đó được lọc vào nước tiểu, thuận lợi đối với sự hình thành sỏi canxi oxalat.

Các loại sỏi thận thường gặp
Loại sỏi Các yếu tố nguy cơ Biểu hiện trên hình ảnh Xquang Hình dạng tinh thể
Canxi (Oxalate, phosphate) (chiếm trên 75%) -Cường cận giáp

-Chế độ ăn nhiều muối, oxalate, rối loạn hấp thu (oxalate)

-Toan hóa ống thận (phosphate)

-Nhỏ

-Cản quang

-Hình bát diện hoặc hình phong bì (oxalate)

-Hình chêm hoặc hình hoa thị

Magie ammoni phosphate (Struvite) (>15% trường hợp) -Nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên với các loại vi khuẩn tạo urease (Proteus) -To

-Cản quang

-Hình chữ nhật/hình lăng trụ.
A. Uric (5-8%) -Gút

-Hội chứng chuyển hóa/Đái tháo đường

-Rối loạn sinh tủy

-Nhỏ

-Không cản quang

-Vàng/Nâu

-Hình thoi

Đáp án B: Một vài bệnh nhân có thể có kết hợp cả hai loại sỏi canxi oxalat và canxi phosphat nhưng sỏi canxi oxalate đơn thuần vẫn là phổ biến hơn.

Đáp án C: Sỏi cystine không thường thấy và thường tiến triển ở những bệnh nhân mắc cystin niệu thứ phát do đột biến gen gây rối loạn tái hấp thu ở thận. Đa số bệnh nhân có tiền sử gia đình với bệnh.

Đáp án D: Sỏi Strutive thường được gây ra bởi các vi khuẩn tạo ra urease (Proteus). Struvie hình thành sỏi lớn, mạn có thể lấp đầy bể thận và đa số các bệnh nhân có tiền sử nhiễm khuẩn đường tiết niệu trên.

Ý E: Sỏi a. uric được tạo thành khi sự đào thải a. uric tăng (gút, rối loạn tăng sản tủy) hoặc nước tiểu nhiễm toan (béo phì, tiêu chảy mãn). Sỏi a. uric không cản quang và chúng ít gặp đáng kể hơn so với sỏi oxalat.

Tổng kết: Sỏi canxi oxalat là loại sỏi thận phổ biến nhất, bệnh nhân cũng có thể mắc kết hợp cả sỏi oxalat lẫn sỏi phosphat. Các yếu tố nguy cơ bao gồm mất nước, chế độ ăn nhiều muối, béo phì, cường tuyến cận giáp, rối loạn tái hấp thu. Sỏi chứa Canxi thì cản quang.

Câu 3

Nữ 45 tuổi tới phòng cấp cứu do nôn và đau mạn sườn dữ dội phải lan xuống hông. Bệnh nhân nhập khoa cấp cứu hai lần do các triệu chứng tương tự như đau quặn thận. Các chẩn đoán hình ảnh trước đó có hình ảnh sỏi cản quang. Sỏi bị đái ra ngay sau đó và cô ấy không cần chăm sóc y tế nào thêm. Hiện tại, hình ảnh không thấy sỏi niệu quản nào khác. Nước tiểu 24h thấy Canxi niệu đào thải là 350mg (bình thường: <250 mg ở nữ).

Cận lâm sàng thấy nồng độ Canxi là 8.9 mg/dL, nồng độ PTH huyết thanh bình thường. Các can thiệp tiếp sau thất bại trong việc tìm nguyên nhân tăng Ca niệu. Ngoài việc khuyên tăng lượng nước sử dụng thì can thiệp nào sau đây có hiệu quả cho bệnh nhân này?

  1. Dùng chất đối vận aldosteorne
  2. Tăng lượng Na hấp thụ
  3. Furosemide liều thấp
  4. Chế độ ăn giảm Ca
  5. Lợi tiểu Thiazide

Đáp án E: Sự thình thành sỏi là do bất thường trong đào thải các muối tạo sỏi và/hoặc giảm sự ức chế tạo thành tinh thể do rối loạn chuyển hóa hoặc chế độ ăn. Sỏi canxi là loại sỏi chính và thường biểu hiện ở tầm 30-40 tuổi. Đa số bệnh nhân mắc có tăng Ca niệu (Nước tiểu 24h có mức đào thải Canxi niệu>4mg/kg).

Bệnh nhân này nhiều khả năng mắc sỏi canxi do tăng ca niệu nguyên phát, được điều trị tốt nhất bằng cách tăng lượng nước sử dụng, chế độ ăn hạn chế muối và protein kèm lợi tiểu thiazide/ amiloride. Sự giảm nhẹ thể tích do lợi tiểu thiazide dẫn tới tăng bù trừ bằng cách tăng tái hấp thu natri và nước từ đó tăng tái hấp thu Canxi thụ động. Thiazide cũng có tác động điều hòa tới kênh Canxi trên màng ốíng. Sự giảm nồng độ ca niệu làm hạn chế sự lắng đọng của các muối canxi.

Dự phòng sỏi thận tái phát
Cân đối chế độ ăn -Tăng dịch (Tạo ra > 2 lít nước tiểu/ngày)

-Giảm muốíi (<100 mEq/ngày)

-Giảm protein

-Lượng canxi đưa vào bình thường (1200 mg/ngày)

-Tăng citrate (hoa quả và rau)

-Giảm oxalate trong chế độ ăn với sỏi oxalate

Liệu pháp dùng thuốc -Kiềm hóa nước tiểu (muối Kali citrate, kali bicarbonate)
-Allupurinol (sỏi liên quản tới tăng acid uric máu)

Đáp án A và C: Các chất đối vận với Aldosterone như Spirolactone hoặc eplereone là các thuốc lợi tiểu giữ Kali. Furosemide là lợi tiểu quai. Chúng đều gây tăng đào thải Canxi dẫn tới hình thành sỏi nhiều hơn.

Đáp án B: Tăng lượng muối hấp thu sẽ làm giảm tái hấp thu canxi tái hấp thu và do đó giảm sự tái hấp thu canxi thu động. Khuyến cáo cho lượng Na hàng ngày là 100mEq/L.

Đáp án D: Canxi gắn với oxalat tại ruột tạo nên canxi oxalate không thể hấp thu, giảm lượng canxi dẫn tới tăng hấp thu oxalat tại ruột và sau đó đào thải qua nước tiểu và gắn vs canxi tạo sỏi. Tăng cung cấp Canxi (không phải từ thức ăn) cũng làm tăng nguy cơ hình thành sỏi.

Tổng kết: Tính toán để dự phòng hình thành sỏi canxi bao gồm các cách: tăng lượng dịch hấp thụ, giảm muối ăn vào, giảm Protein, duy trì lượng canxi hấp thụ ở mức vừa và dùng lợi tiểu thiazide để làm giảm lượng Ca đào thải.

Câu 4

Nam 50 tuổi tới khoa cấp cứu do đau quặn đột ngột, dữ dội ở mạn sườn phải. Anh ta đã nhập viện 2 lần với các triệu chứng tương tự. Trong cả hai lần, bệnh nhân được điều trị bảo tồn (conservatively) rồi cho về nhà. Anh ta không có vấn đề sức khỏe nào khác và không có bị nhiễm khuẩn niệu. Anh ta thường ăn đồ nấu sẵn từ của hàng địa phương và uống soda trong mỗi bữa ăn. Bệnh nhân không sử dụng rượu, thuốc là và chất cấm. Sinh hiệu bình thường. Bệnh nhân được truyền dịch tĩnh mạch và thuốc giảm đau. Cận lâm sàng: Hemoglobin 14.5 g/dL, bạch cầu 13.000 (không có BC đoạn), Tiểu cầu 300.000/mm3, BUN 16 mg/dL, Creatinine 0.8 mg/dL. CT scan ổ bụng không cản quang thấy hình ảnh sỏi canxi. Phân tích nước tiểu thấy máu và tinh thể canxi oxalate ở mức độ vừa. Lời khuyên nào là hợp lý nhất để dự phòng sự hình thành sỏi trong tương lai?

  1. Bổ sung canxi
  2. Giảm sử dụng Canxi
  3. Giảm sử dụng Kali
  4. Tăng ăn các protein có nguồn gốc động vật
  5. Sử dụng vitamin C liều cao
  6. Chế độ ăn nhiều fructose
  7. Giới hạn lượng sử dụng Natri
  8. Chế độ ăn giảm chất béo.

Đáp án đúng là G Loại sỏi thận thường thấy nhất là sỏi canxi. Tăng lượng Natri hấp thụ sẽ kích thích bài xuất Ca (tăng Ca niệu -hypercalciuria) và giảm lượng Na hấp thu sẽ kích thích Na và Ca tăng tái hấp thu thông qua hiệu quả của gradient nồng độ tại vùng tủy. Tái hấp thu Na và Ca cùng
nhau bằng cơ chế cảm thụ nồng độ Ca tại đoạn dày ở nhánh lên quai Henle. Do đó, bệnh nhân có sỏi canxi nên được khuyên hạn chế lượng na hấp thu. Nếu bệnh nhân tiếp tục tiến triển sỏi thận thì nồng độ Na niệu có thể được kiểm tra để theo dõi đưa ra chế độ ăn hạn chế Na hợp lý.

Đáp án A và F: Tăng hấp thu Ca (>2g/ngày) và tăng sử dụng Fructose có thể làm tệ hơn sự tăng Ca niệu và tích tụ canxi oxalate tại thận. Thiazide làm giảm bài tiết Ca tại thận và có thể được sử dụng để ngăn cản sự hình thành sỏi do tăng canxi niệu tái phát.

Đáp án B và E: Canxi gắn với oxalat để hình thành nên Canxi oxalat không hấp thu được tại ống tiêu hóa. Nếu hạn chế canxi có thể tăng tái hấp thu oxalat dẫn tới tăng oxxalat niệu và hình thành nên sỏi canxi. Tăng vitamin C cũng làm tăng oxalat niệu. Bệnh nhân nên được khuyên giới hạn các thức ăn chứa oxalat (Socola, trà và đậu phộng).

Đáp án D Chế độ ăn giàu đạm động vật có liên quan với tăng nguy cơ sỏi niệu quản ở nam. Tăng acid dẫn tới tăng chuyển hóa protein tại thận làm lắng đọng muối canxi

Đáp án C: Chế độ ăn nhiều K giảm bài tiết Canxi theo nước tiểu. Thức ăn nhiều K kích thích thận bài tiết citrate hình thành nên canxi citrate và do đó ngăn cản hình thành sỏi.

Đáp án H: Bệnh nhân có hội chứng kém hấp thu (bệnh Crohn, xơ nang) tăng tỷ lệ acid béo được tạo thành từ muốíi với Ca. Giảm Ca có thể gắn với oxalte dẫn tới tăng oxalat niệu. Bệnh nhân này thì không có triệu chứng mắc các bệnh kém hấp thu.

Tổng kết: Các chế độ ăn khuyên dùng ở bệnh nhân có sỏi canxi là: Tăng uống nước, giảm sử dụng Na, Sử dụng Ca bình thường.

Câu 5

Bệnh nhân nam 65 tuổi đến khoa cấp cứu do đau mạn sườn phải cấp. Cơn đau khởi phát 1 giờ trước và bệnh nhân có nôn 2 lần. Cơn đau có đạt 10 điểm trên thang đo 0-10, có co cứng , tăng lên rồi giảm đi. Bệnh nhân trước đây chưa từng có cơn đau như vậy. Bệnh nhân có đôi khi đi tiểu ra cát trong nước tiểu. Tiền sử bệnh lý điển hình có béo phì, tăng lipid huyết, tăng huyết áp, gout và hội chứng sợ không gian kín. Bệnh nhân không sử dụng thuốc lá, rượu hay chất cấm. Không sốt, ấn đau nhẹ ở vùng hông. Phân tích nước tiểu thấy có đái máu và pH 5. Siêu âm bụng thấy ứ nước thận phải và giãn niệu quản đoạn gần. Nguyên nhân nào sau đây nhiều khả năng nhất gây ra triệu chứng hiện tại ở bệnh nhân này?

  1. Giảm tái hấp thu mô kẽ oxalate
  2. Tăng giải phóng calcium từ xương.
  3. Tăng bài tiết calcium và phospho vào nước tiểu
  4. Sự hiện diện của vi khuẩn phân giải urea
  5. Tăng nồng độ acid uric trong nước tiểu

Bệnh nhân này có cơn đau quặn hố thắt lưng (đau quặn thận), tiểu máu, và ứ nước thận, phù hợp với sỏi niệu quản cấp. Nước tiểu có tính acid và tiền sử bị gout, triệu chứng của bệnh nhân này nhiều khả năng do sỏi acid uric. Bài tiết lượng lớn acid uric nước tiểu trong bệnh cảnh có pH nước tiểu thấp có thể gây tăng bão hoà nước tiểu và hình thành tinh thể acid uric. Sỏi này thấu quang và thường không nhìn thấy trên siêu âm nhưng có thể thấy trên CT. Siêu âm có giá trị trong phát hiện sỏi lớn nhưng ít nhạy cảm cho sỏi nhỏ ở niệu quản, mặc dù dựa trên vị trí soi và sự kéo dài của tắc nghẽn, dãn niệu quản hoặc ứ nước thận có thể xuất hiện. Bệnh nhân thường có sạn trong nước tiểu (cát), nhưng đây không phải là triệu chứng đặc hiệu.

Yếu tố nguy cơ cho sỏi uric bao gồm gút, béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá, tiêu chảy mạn (do mất HCO3 đường ruột và acid hóa nước tiểu bù trừ), và gia tăng tổng hợp acid uric hệ thống (rối loạn tăng sinh tủy, bệnh thiếu máu tan máu). Kiềm hoá nước tiểu với kali citrate hoặc kali bicarbonate làm tan sỏi hiệu quả, và các biện pháp can thiệp để làm tan sỏi (tán sỏi nội soi niệu quản) thường không cần thiết.

Ý A: Giảm tái hấp thu chất béo (Bệnh Crohn) dẫn đến gia tăng gắn calci vào chất béo trong lòng ruột, mà gây giảm calci tự do để hình thành phức hợp oxalat không tan, làm tăng hấp thu oxalate đường ruột. Đào thải lượng lớn oxalate ở thận dẫn đến sỏi oxalat calci ở thận. Tuy nhiên, giảm hấp thu oxalate không tăng nguy cơ.

Ý B và C: Tăng giải phóng calci và phospho từ xương trong cường cận giáp trạng có thể gia tăng nguy cơ sỏi calcium oxalate hoặc sỏi calci phosphate. Mặc dù, tái hấp thu ống thận calci gia tăng, lượng calci nước tiểu thực tế bài tiết cũng gia tăng do khối lượng cần lọc lớn. Tuy nhiên, bệnh nhân này không có triệu chứng khác của cường cận giáp trạng (mệt mỏi, đau xương), và nước tiểu toan hóa của bệnh nhân kèm yếu tố nguy cơ (gout, béo phì) gợi ý sỏi uric acid

Ý D: Thuỷ phân nước tiểu cho ammonia, làm kiềm hoá nước tiểu và thuận tiện sự lắng động tinh thể amnoni magie phosphate (tinh thể struvite); nhiễm trùng đường niệu trên nhiều lần co vi khuẩn bài tiết urease (proteus, klebsiella) có thể gây sỏi struvite. Vì lượng lớn ure trong nước tiểu, những sỏi này có thể phát triển nhanh chóng và lấp đầy thành đài bể thận (sỏi san hô). Bệnh nhân này có nước tiểu toan hóa và sỏi nhỏ làm không có khả năng mắc sỏi struvite.

Mục tiêu học tập: Bài tiết lượng lớn acid uric Irong nước tiểu kèm pH nước tiểu thấp có thể dẫn tới tăng nồng độ bão trong nước tiểu và hình thành sỏi uric acid. Yếu tố nguy cơ bao gồm béo phì, gout, hội chứng chuyển hoá, đái tháo đường, tiêu chảy mạn (do sự acid hóa nước tiểu), và gia tăng acid uric hệ thống. Kiềm hoá nước tiểu với kali citrate phân giải sỏi hiệu quả.

Tài liệu tham khảo

Tác giả Mayo Clinic Staff, Kidney stones, Mayo Clinic, đăng 05 tháng 05 năm 2020. Truy cập ngày 30 tháng 11 năm 2021.

One thought on “Sỏi thận: Khái niệm, nguyên nhân, cách điều trị

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here