Rong kinh là gì, có nguy hiểm không? Cách phòng tránh cho nữ giới

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Rong kinh là gì, có nguy hiểm không? Cách phòng tránh cho nữ giới

Nhiều chị em hiện nay hay gặp phải tình trạng rong kinh rong huyết. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu đúng về tình trạng bất thường này. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh sẽ giúp các chị em hiểu rõ hơn về tình trạng này, nguyên nhân dẫn đến rong kinh cũng như các cách điều trị, phòng bệnh. Mời các bạn cùng tham khảo nhé.

1, Rong kinh là gì?

Theo sinh lý bình thường, một chu kỳ kinh của phụ nữ sẽ kéo dài trung bình từ 28 cho đến 32 ngày, sau đó là thời gian hành kinh kéo dài từ 3 đến 5 ngày. Mỗi lần có kinh nguyệt, lượng máu kinh thường sẽ có màu đỏ sẫm và không đông.

Rong kinh là hiện tượng bất thường trong sinh lý khi mà thời gian hành kinh kéo dài hơn 1 tuần, lượng máu kinh ra nhiều, lượng máu kinh vượt quá 80ml, máu kinh có hiện tượng đông và vón cục. Rong kinh có thể kéo dài lâu hơn 15 ngày hoặc bộ phận sinh dục ngoài bị ra huyết khi mà không phải trong thời kỳ kinh nguyệt. Những hiện tượng này khi kéo dài được gọi chung là tình trạng rong kinh – rong huyết.

Ở mỗi người khác nhau sẽ có thể có các dấu hiệu rong kinh đặc trưng riêng. Tuy nhiên nhìn chung thì các biểu hiện của tình trạng rong kinh bao gồm các đặc điểm sau:

  • Chu kỳ kinh kéo dài bình thường nhưng thời gian hành kinh lại thường kéo dài trên 7 ngày.
  • Lượng kinh nguyệt ra nhiều, chị em phải thay băng liên tục, đặc biệt là vào ban đêm khi đang ngủ.
  • Máu kinh có hiện tượng đông thành từng cục lẫn với máu không đông, có màu đen sậm, mùi tanh hôi,…
  • Đau tức vùng bụng dưới, đôi khi còn chướng bụng, cảm giác đau buốt.
  • Luôn cảm thấy toàn thân mệt mỏi, da tái sạm hơn bình thường, hay chóng mệt và phải thở dốc, có hiện tượng thiếu máu như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, da, niêm mạc nhợt nhạt.

Rong kinh kéo dài ở nhiều chu kỳ kinh liên tiếp thì có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Vì vậy, chị em phụ nữ khi bị rong kinh hoặc nghi ngờ rong kinh cần phải đi khám sớm tại các cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ chuyên khoa tiến hành thăm khám, tìm nguyên nhân và đưa ra phương hướng điều trị kịp thời tránh tình trạng bệnh lý nguy hiểm tiến triển kéo dài sẽ khó điều trị và có thể gây nhiều biến chứng hơn.

2, Nguyên nhân gây ra hiện tượng rong kinh là gì?

Nói về nguyên nhân nói chung thì người ta thấy có nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau dẫn tới hiện tượng rong kinh. Tuy nhiên để đơn giản hóa cho việc chẩn đoán, phân loại và xử trí thì người ta chí thành 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra hiện tượng rong kinh là rong kinh do nguyên nhân thực thể và rong kinh do nguyên nhân cơ năng.

Rong kinh do nguyên nhân cơ năng:

  • Rong kinh cơ năng đa số thường xảy ra và gặp nhiều ở những đối tượng là phụ nữ trong thời kỳ đầu của quá trình dậy thì, phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh hoặc những chị em phụ nữ sau khi sinh đẻ. Đây là 3 thời điểm mà kinh nguyệt của người phụ nữ trở nên không ổn định nhất, chu kỳ kinh nguyệt sẽ có thời gian dài ngắn thất thường, dễ dẫn đến tình trạng rong kinh. Những đối tượng là phụ nữ hay sử dụng các loại thuốc phá thai hoặc uống nhiều thuốc tránh thai khẩn cấp cũng là nguyên nhân hay gặp dẫn tới hiện tượng rong kinh.
  • Phụ nữ bị béo phì, thừa cân, người thường xuyên hút thuốc lá hay bị mắc các bệnh lý mạn tính toàn thân như đái tháo đường, viêm gan mạn, rối loạn tình trạng đông cầm máu, các bệnh lý tim mạch và bệnh thận mạn… cũng sẽ có nguy cơ bị rong kinh cao hơn so với người bình thường.

Rong kinh do nguyên nhân thực thể:

  • Là tình trạng rong kinh xuất phát bởi các nguyên nhân do tổn thương thực thể tại tử cung hay phần phụ hai bên. Nói cụ thể hơn chính là tình trạng rong kinh là những triệu chứng thực thể của một số bệnh lý liên quan đến chức năng sinh dục, sinh sản của cơ thể như: u xơ tử cung, u nang buồng trứng, polyp buồng tử cung, hội chứng buồng trứng đa nang, hay bệnh lý ác tính như ung thư cổ tử cung, ung thư nội mạc lòng tử cung, lạc nội mạc tử cung,…
  • Ngoài ra, một số loại thuốc tránh thai hiện nay (đặc biệt là các loại thuốc tránh thai khẩn cấp) cũng có thể gây ra hiện tượng rong kinh. Một lần dùng thuốc tránh thai có thể gây ảnh hưởng rong kinh trong nhiều chu kỳ kinh tiếp theo.
Nguyên nhân gây ra hiện tượng rong kinh là gì?

3, Hiện tượng rong kinh có nguy hiểm không?

Về mặt sinh lý, rong kinh không phải là một tình trạng cấp cứu. Do đó không quá ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ. Tuy nhiên nếu tình trạng rong kinh kéo dài và nhiều thì có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến cơ thể. Khi đó tình trạng rong kinh có thể gây ra khá nhiều ảnh hưởng tiêu cực như:

  • Tình trạng rong kinh kéo dài sẽ làm cho nhiều chị em bị mất máu nhiều, dẫn đến tình trạng bệnh lý thiếu máu với các triệu chứng điển hình hay gặp như mệt mỏi, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, da, niêm mạc nhợt nhạt, xanh xao,…
  • Tình trạng rong kinh gây chảy máu kéo dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại vi khuẩn xâm nhập vào bên trong đường sinh dục, gây ra tình trạng viêm nhiễm lan tỏa khu vực bộ phận sinh dục. Các loại vi khuẩn có thể di chuyển ngược dòng từ âm hộ vào âm đạo, vào buồng tử cung và thậm chí có thể di chuyển lên đến vòi trứng gây ra hiện tượng viêm nhiễm hai phần phụ hay nặng hơn có thể gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản, gây vô sinh sau này.
  • Rong kinh cũng sẽ gây ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của chị em, khiến cho chị em phụ nữ luôn có cảm giác khó chịu hay thậm chí là sợ hãi khi đến kỳ kinh nguyệt. Hiện tượng rong kinh ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và tâm lý phụ nữ là một trạng thái rất phổ biến và gặp ở hầu hết các chị em. Rong kinh khiến lượng máu kinh ra nhiều và phải thay băng vệ sinh liên tục sẽ làm cho chị em bị mất tự tin, mặc cảm, ảnh hưởng tới cuộc sống.
  • Trong một số trường hợp khác, rong kinh còn là triệu chứng của một số bệnh lý về phụ khoa như u xơ tử cung, polyp tử cung, viêm nội mạc tử cung, buồng trứng đa nang,… Các bệnh lý này nếu không được điều trị sớm thì sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng khó lường, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người phụ nữ.
  • Nhiều chị em khi bị rong kinh thường có thói quen tự ý mua thuốc tại các hiệu thuốc ngoài bệnh viện để tự điều trị tại nhà. Việc làm này không những làm giảm hiệu quả điều trị mà còn có thể gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của chị em. Tình trạng rong kinh ở mỗi người sẽ có thể biểu hiện không giống nhau, các nguyên nhân gây bệnh cũng có thể khác nhau. Việc điều trị bệnh và sử dụng thuốc phải phụ thuộc vào việc thăm khám, xác định chính xác nguyên nhân. Chị em nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị sớm, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị theo cảm tính hay theo lời khuyên của người khác.

4, Khi bị rong kinh phải làm thế nào?

Việc điều trị tình trạng rong kinh được tìm hiểu rất rộng. Việc điều trị và xử trí tình trạng rong kinh cần phải phụ thuộc vào từng đối tượng bệnh nhân cụ thể. Mỗi người với mức đọ rong kinh khác nhau, nguyên nhân gây rong kinh khác nhau sẽ có hướng điều trị hoàn toàn khác nhau.

Tuy nhiên để cải thiện được các triệu chứng của tình trạng rong kinh thì khi bị rong kinh, chị em phụ nữ nên thực hiện theo một số hướng dẫn dưới đây:

  • Nằm nghỉ ngơi tại giường nếu bị rong kinh ra máu quá nhiều vì khi đó chị em sẽ luôn bị mệt mỏi nhiều.
  • Giữ và nâng cao sức khỏe của bản thân bằng cách ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thức ăn giàu năng lượng, chế độ nghỉ ngơi điều độ, luyện tập thể dục thể thao thường xuyên, tránh để cho cơ thể gặp phải tình trạng căng thẳng, mệt mỏi kéo dài.
  • Duy trì chế độ ăn uống hợp lý với ít thịt và chất béo, bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vi chất magie, kẽm, sắt, vitamin B1, B6 và vitamin E. Chị em phụ nữ cũng nên kiêng các chất kích thích như cà phê, rượu và một số loại gia vị có tính cay trong suốt thời gian có kinh nguyệt
  • Ăn bổ sung thêm rau ngải cứu vào bữa ăn hằng ngày. Cách này cũng khá hiệu quả vì theo y học cổ truyền, lá ngải cứu có tác dụng điều hòa kinh nguyệt, giảm tình trạng đau bụng khi có kinh, giảm lượng máu độc chảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt.
  • Chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ 3 tháng 1 lần để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán sớm tình trạng rong kinh nếu có, xác định rõ nguyên nhân chính xác và đưa ra phương án điều trị phù hợp với cơ địa và tình trạng bệnh nặng, nhẹ của từng người, tránh để tình trạng này kéo dài gây ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như khả năng sinh sản sau này.
  • Nếu tình trạng rong kinh do nguyên nhân là các bệnh lý phụ khoa gây ra thì cần phải can thiệp điều trị triệt để các bệnh lý đó thì mới có thể cải thiện được tình trạng rong kinh cho bệnh nhân.

5, Chế độ ăn uống cho người bị rong kinh

Đối với bệnh nhân bị rong kinh thì chế độ ăn có ảnh hưởng rất nhiều tới tình trạng của bệnh nhân. Do đó nữ giới cũng cần chú ý đến thực đơn vào những ngày “bà dì” ghé thăm.

Các loại thực phẩm cần bổ sung khi bị rong kinh

Cần bổ sung một số loại thực phẩm cho bệnh nhân rong kinh như:

  • Các loại thực phẩm có chứa nhiều sắt:

Tình trạng rong kinh thường đặc trưng với triệu chứng ra nhiều máu, vì vậy mà những chị em phụ nữ bị rong kinh kéo dài hay gặp phải tình trạng thiếu máu và suy nhược cơ thể. Tình trạng thiếu máu là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến các biểu hiện mệt mỏi, thở dốc, chóng mặt trong giai đoạn chị em bị rong kinh. Do đó, các chị em luôn cần phải bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu sắt để giúp hỗ trợ và thúc đẩy quá trình sản xuất các tế bào máu, hồng cầu, từ đó mới có thể cải thiện được tình trạng thiếu máu do nguyên nhân bị rong kinh. Sắt là một vi chất rất phổ biến và có thể được tìm thấy nhiều trong một số loại thực phẩm như: Trứng, gan của các loài động vật, gia cầm, các loại thịt đỏ và thịt trắng, hay trong một số loại hải sản như tôm, cua, hàu, mực…, các loại rau có màu xanh cũng chứa nhiều sắt.

Cũng giống như sắt thì vitamin B6 và vitamin C cũng là một thành phần có vai trò rất quan trọng để tân tạo các tế bào hồng cầu mới, nhằm cải thiện lại lượng máu đã bị mất đi do tình trạng rong kinh kéo dài. Vitamin C còn giúp làm tăng sức bền thành mạch và tăng khả năng hấp thu sắt của cơ thể, từ đó làm giảm lượng máu chảy, cải thiện tình trạng thiếu máu của bệnh nhân. Vitamin B6 có nhiều trong các loại thực phẩm sau: Gan lợn, bò và các loại gia cầm, các phần thịt của gia cầm, các loại hạt ngũ cốc, các loại hạt khô và đậu, cá hồi, gạo nguyên cám, một số loại hoa quả như chuối, cà chua,…

Vitamin C có nhiều trong các loại thực phẩm như: Các loại hoa quả có vị chua như ổi, cà chua, kiwi, cam, quýt, bưởi, dâu tây, đu đủ,… các loại rau như súp lơ, bắp cải xanh, rau mùi tây,…

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều Magie:

Magie là là một yếu tố khoáng chất phổ biến trong cơ thể con người, chúng  giúp hỗ trợ làm giảm chảy máu trong thời kỳ hành kinh. Hơn nữa, bổ sung đủ vi chất magie sẽ giúp cho chị em phụ nữ cải thiện được tình trạng căng thẳng, mất ngủ, rối loạn về nhịp tim hay hạ huyết áp. Nếu như bị thiếu yếu tố magie, chị em có thể sẽ phải đối mặt với tình trạng tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim  hay gặp phải các triệu chứng tiền kinh nguyệt như đau bụng, căng tức ngực,… ,một cách trầm trọng.

Magie có nhiều trong thành phần của một số loại thực phẩm như: Các loại hạt (hạt vừng, hạt dưa hấu, hạt hướng dương, hạt điều, hạt bí,…), một số loại cá biển như cá thu, cá mòi, cá hồi…, rong biển, quả bơ, đậu phụ, đậu tương,…

  • Các loại thực phẩm giàu yếu tố Omega 3:

Omega 3 là một loại axit amin rất lành mạnh (chất béo không bão hòa) và tốt cho sự phát triển của cơ thể. Chất này có mặt trong nhiều loại cá nước lạnh. Omega 3 giúp phục hồi các tổn thương của cơ thể, cân bằng các nội tiết tố và cải thiện tình trạng bất thường về tim mạch.

Omega 3 được tìm thấy nhiều trong các loại cá biển như cá hồi, cá ngừ, cá thu, cá mòi, cá trích, cá cơm, trứng cá muối… hay các loại hạt như hạt lanh, hạt chia, hạt óc chó,…

Một số thực phẩm giàu Omega 3 nên bổ sung khi bị rong kinh

Nữ giới bị rong kinh phải làm sao?
  • Các loại đồ uống tốt:

Chị em phụ nữ khi bị rong kinh thường sẽ gặp phải nhiều khó chịu như đau tức nặng vùng bụng dưới, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, mất ngủ, rối loạn cảm xúc,… Để hỗ trợ cải thiện những triệu chứng này, chị em có thể dung thêm một số loại trà có nguồn gốc thiên nhiên như là:

  • Trà gừng: Uống trà gừng khi đang có kinh nguyệt sẽ mang lại tác dụng giúp làm giảm lượng máu kinh một cách hiệu quả. Mặc dù vậy nhưng các bạn cũng không nên uống quá nhiều vì có thể phản tác dụng do trong củ gừng có chứa các thành phần có tác dụng làm loãng máu, làm lượng máu nhiều hơn.
  • Trà quế: Quế chắc hẳn là một loại gia vị quen thuộc của mọi gia đình, đây cũng là một phương thuốc dân gian dùng để điều hòa khí huyết, cầm máu, giảm đau bụng kinh cho chị em phụ nữ. Trong bột quế có chứa nhiều thành phần có tác dụng giúp điều chỉnh lượng insulin trong cơ thể và từ đó giúp cho kinh nguyệt đều hơn. Để cải thiện tình trạng rong kinh, các bạn có thể dùng 1 thìa bột quế pha vào một cốc nước lạnh để uống mỗi ngày. Hãy lưu ý rằng trà quế không nên sử dụng cho những người có cơ địa nóng trong người.
  • Trà hoa cúc: Trà hoa cúc có tính thanh mát giúp thanh nhiệt giải độc, cải thiện giấc ngủ. Chị em phụ nữ có thể uống loại trà này vào những ngày có kinh nguyệt để vơi bớt cảm giác khó chịu.

Một số loại thực phẩm nên tránh sử dụng khi bị rong kinh

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều đường:

Hầu hết chị em phụ nữ luôn có xu hướng thèm các loại đồ ăn có vị ngọt trong thời gian có kinh nguyệt. Đôi khi họ còn cảm thấy ăn đồ ngọt giúp giảm đi cảm giác đau bụng. Thực tế thì đồ ngọt không hẳn là những loại thực phẩm lành mạnh cho sức khỏe thời kỳ có kinh nguyệt của các bạn, ngược lại đồ ngọt còn có thể làm tăng lượng đường trong máu, không những làm cho tình trạng rong kinh kéo dài hơn mà còn làm cho các bạn cảm thấy khó chịu bởi cảm giác buồn nôn, mệt mỏi.

  • Các loại thực phẩm chứa nhiều muối hay dầu mỡ:

các loại thực phẩm có hàm lượng muối và các loại chất béo cao sẽ có thể làm cho các biểu hiện của tình trạng rong kinh trở nên nặng nề hơn. Nguyên nhân chính là do muối và chất béo có thể gây ra tình trạng ứ nước trong tế bào và từ đó làm cho chị em phụ nữ thường xuyên gặp phải tình trạng căng chướng bụng, đầy hơi, và biểu hiện đau bụng kinh với mức độ dữ dội hơn.

Tóm lại, chị em hãy hạn chế sử dụng những món ăn quá mặn hay các món ăn chiên rán vì chúng không hề tốt cho kỳ kinh nguyệt nói riêng cũng như sức khỏe của chị em nói chung.

  • Các loại đồ ăn lạnh gây lạnh bụng:

Trong thời kỳ mà các bạn đang bị rong kinh, nếu chị em ăn nhiều các loại thực phẩm lạnh sẽ làm cho dòng máu bị kích thích và thay đổi nhiều hơn về nhiệt độ. Khi đó máu kinh sẽ lưu thông không tốt và dẫn đến tình trạng đau bụng kinh dữ dội hơn. Một vài loại đồ ăn lạnh mà các chị em phụ nữ nên tránh sử dụng vào những ngày rong kinh đó là quả bí đao, mướp, rong biển, lê, táo,…

Không nên ăn kem, đồ lạnh trong kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là khi bị rong kinh

Không nên ăn kem, đồ lạnh trong kỳ kinh nguyệt, đặc biệt là khi bị rong kinh
  • Các loại đồ uống nên tránh khi bị rong kinh:

Cùng với các loại đồ ăn kể trên thì cũng có một số loại đồ uống cũng có tác động tiêu cực nếu các bạn sử dụng khi đang bị rong kinh. Đó là một số loại đồ uống dưới đây:

  • Các loại đồ uống có chứa caffeine:

Các loại trà, cà phê, nước tăng lực, nước có gas,… là những dạng nước uống điển hình mà thành phần có rất nhiều chất caffeine. Caffeine có khả năng làm giảm mức hấp thu yếu tố vi chất sắt trong cơ thể từ 50 đến 60%. Yếu tố Photpho trong các loại nước ngọt có gas cũng có ảnh hưởng tương tự như vậy. Các loại nước đó đều gây cản trở khiến cho cơ thể khó khăn trong việc hấp thu các nguyên tố sắt từ các loại thực phẩm khác.

Mặc dù những loại đồ uống chứa cafein sẽ có thể khiến cho các bạn tỉnh táo hơn, hưng phấn hơn trong một khoảng thời gian nhất định nào đó, nhưng nếu sử dụng chúng quá nhiều thì chúng lại cũng có thể phản tác dụng và gây ra cảm giác bồn chồn, căng thẳng và kích thích co bóp tử cung làm tồi tệ hơn tình trạng đau bụng trong kỳ kinh nguyệt hay rong kinh.

  • Rượu, bia:

Rượu bia là những loại đồ uống không được khuyến khích sử dụng ngay cả khi chúng ta không có bất cứ vấn đề gì về sức khỏe. Trong giai đoạn chị em bị rong kinh, mất máu nhiều thì rượu bia sẽ càng dễ gây kích thích hơn. Khi sử dụng rượu bia thì các chất có trong chúng sẽ có thể làm cho chị em trở nên mệt mỏi hơn, từ đó có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ và các yếu tố nội tiết trong cơ thể.

6, Các câu hỏi thường gặp

6.1. Rong kinh có phải là một thời kỳ rụng trứng không?

Tùy vào nguyên nhân gây rong kinh mà người ta mới có thể xác định được là rong kinh đó có kèm theo rụng trứng hay không hay chỉ là rong kinh triệu chứng.

Rong kinh kéo dài sau kỳ kinh nguyệt như chu kỳ bình thường thì thường sẽ là rong kinh có rụng trứng trước đó. Còn rong kinh do các bệnh lý sản phụ khoa như u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung,… thì sẽ không liên quan đến quy trình rụng trứng, thường là không có rụng trứng kèm theo.

6.2. Rong kinh có mùi hôi có nguy hiểm không?

Rong kinh có mùi hôi có nguy hiểm không?

Bình thường rong kinh sẽ có máu như kinh nguyệt thông thường, không có mùi hôi, chỉ có mùi tanh. Tuy nhiên nếu gặp phải tình trạng máu kinh khi rong kinh có mùi hôi thì các chị em nên lưu ý và nghĩ tới nguy cơ viêm nhiễm, nhiễm khuẩn vùng cơ quan sinh dục. Tình trạng viêm nhiễm xảy ra thường sẽ tạo nên các tổn thương phối hợp khiến cho máu kinh trở nên bất thường, có thể nhiều hơn, lẫn với mủ, khí hư và có mùi hôi bất thường. Khi đó tốt nhất các chị em nên đến khám các bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và xử trí sớm, tránh các biến chứng nguy hiểm sau này.

6.3. Rong kinh ra máu nhiều hay ít?

Tình trạng lượng máu khi bị rong kinh hoàn toàn phụ thuộc vào yếu tố cơ kinh nguyệt của từng đối tượng và nguyên nhân gây rong kinh. Nhiều khi lượng máu rong kinh nhiều chưa chắc hẳn đã là nguy hiểm. Ngược lại nhiều trường hợp rong kinh chỉ ra ít máu nhưng dai dẳng lại có thể tiềm ẩn nguy cơ bệnh lý ác tính, nguy hiểm hơn.

6.4. Rong kinh sau sinh có nguy hiểm không?

Phụ nữ sau sinh là những đối tượng hay gặp tình trạng rong kinh. Đa số các trường hợp rong kinh sau sinh đều là do tình trạng rối loạn nội tiết tố trong cơ thể gây ra. Chỉ cần vài tháng sau sinh khi mà lượng hormone trong cơ thể ổn định trở lại thì tình trạng rong kinh ở chị em sẽ cải thiện dần. Tuy nhiên vẫn có một số ít trường hợp tình trạng rong kinh sau sinh nặng thì chị em nên đến khám bác sĩ để có thể kiểm tra toàn diện xem có bất thường gì không.

Trên đây là một số thông tin về tình trạng rong kinh ở chị em phụ nữ. Hy vọng những thông tin này sẽ thực sự hữu ích cho chị em, có thể giúp chị em hiểu hơn về vấn đề này. Từ đó có các cách điều trị và phòng bệnh phù hợp. Xin cảm ơn các bạn đã quan tâm!

Tài liệu tham khảo: Menorrhagia: Causes, Symptoms, When to Seek Help, Healthline, truy cập ngày 22/9/2021.

Xem thêm tại đây:

Bệnh huyết trắng: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here