Nhathuocngocanh.com – Cứt trâu ở da đầu hay còn được biết đến với tên khác là viêm da tiết bã là 1 bệnh lý ngoài da thường gặp ở trẻ sơ sinh 0 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi, tuy nhiên cũng có những trường hợp kéo dài lâu hơn. Vũng da bị nhiễm bệnh thường là những vùng da có tuyến bã nhờn hoạt động mạnh như da đầu, cổ và sau tai. Bệnh thường không có diễn biến phức tạp nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và gây khó chịu cho bé. Vậy cứt trâu trên đầu trẻ là gì? và làm thế nào để điều trị dứt điểm? Bài viết dưới đây Nhà Thuốc Ngọc Anh sẽ giúp bạn đọc giải đáp những vấn đề trên.
Cứt trâu ở trẻ em là gì?
Khi có những đám vảy trắng hoặc sẫm màu xuất hiện trên da đầu, dân gian hay gọi là “cứt trâu”. Tuy bắt đầu xuất hiện ở vùng da đầu nhưng sau đó có thể thấy ở cả những vùng khác trên cơ thể như mặt hay vùng tã lót, và khi đó, bác sĩ nhi gọi đó là viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh (vì xảy ra ở những vùng có nhiều tuyến bã nhất).
Cứt trâu trên da đầu trẻ thực tế là biểu hiện của tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh. Viêm da tiết bã là một tình trạng da không nhiễm trùng rất thường gặp ở trẻ nhũ nhi, thường xuất hiện trong những tuần đầu và dần dần biến mất trong một vài tuần hoặc vài tháng. Không giống như chàm hoặc viêm da tiếp xúc, tình trạng này hiếm khi gây khó chịu hoặc ngứa.
Nguyên nhân của hiện tượng “cứt trâu” ở trẻ nhỏ
Hiện nay nguyên nhân gây ra hiện tượng cứt trâu ở trẻ nhỏ vẫn chưa được biết rõ, tuy nhiên một số nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng từ Hormone của người mẹ, nấm men hoặc không dung nạp với sữa gây ra.
Ảnh hưởng bởi sự thay đổi Hormone của mẹ trong thời kỳ mang thai
Khi còn trong bụng mẹ, thai nhi chủ yếu lấy chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ, dưới sự điều hòa của hàng loạt các loại Hormone cho đến tận khi chào đời. Những Hormone có nhiệm vụ điều chỉnh cơ thể mẹ để phù hợp với việc mang thai, tăng dẫn máu đến tử cung, đặc biệt cần thiết cho quá trình hình thành và phát triển của thai nhi. Tuy nhiên những loại Hormone có thể làm tăng hoạt động sản xuất dầu trong hệ thống tuyến dầu và nang lông, từ đó gây ra tình trạng viêm da tiết bã. Đối với trẻ sơ sinh thì vùng đầu và các vùng da mềm có nhiều nếp gấp như da đầu, nách, bẹn cổ, chân mày, vùng sau tai là những vùng tập trung nhiều tuyến tiết dầu nhất, do đó tình trạng viêm da tiết bã thường tập biểu hiện ra ở những vùng này.
Viêm da tiết bã gây ra do các loại nấm men
Khi các tuyến bã nhờn hoạt động mạnh sẽ tạo thành một môi trường có độ ẩm cao, thích hợp cho nấm men Malassezia phát triển.
Malassezia là một loại nấm men phổ biến gây bệnh ngoài da ở người, phổ biến nhất là gàu và viêm da tiết bã. Nó cũng là nguyên nhân chính gây ra lang ben. Malassezia cần chất béo để phát triển nên loại nấm này thường tập trung ở những vùng da có nhiều tuyến bã nhờn. Khi nấm Malassezia phát triển nhanh kết hợp với vi khuẩn có sẵn trên da đầu gây ra tình trạng viêm da tiết bã.
Viêm da tiết bã gây ra do không dung nạp với sữa
Một số trẻ gặp trường hợp hiếm gặp không dung nạp gluten trong sữa hoặc các chế phẩm từ sữa có thể gây ra tình trạng kích ứng da hoặc viêm da tiết bã.
Tiền sử gia đình
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra được mối tương quan giữa tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh với tiền sử gia đình. Theo đó những bệnh nhân nhi có bố mẹ, người thân trong gia đình có tiền sử bị các bệnh dị ứng ngoài da sẽ có nguy cơ cao bị viêm da tiết bã hơn.
Viêm da tiết bã hay cứt trâu có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ và gây ra những khó chịu nhất định cho bé, bệnh không có khả năng lây nhiễm chéo và không gây rụng tóc vĩnh viễn. Viêm da tiết bã thể tự khỏi mà không cần thiết phải can thiệp điều trị, tuy nhiên các bậc phụ huynh cũng có thể lưu ý đến việc vệ sinh cho bé, sử dụng dầu gội có thuốc hoặc các sản phẩm làm mềm khác nhằm loại bỏ các triệu chứng và ngăn bệnh bùng phát.
== > Bạn đọc có thể xem thêm bài viết khác của nhà thuốc: DA NHẠY CẢM: SINH LÝ BỆNH VÀ CÁCH KIỂM SOÁT
Các triệu chứng viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh
Biểu hiện bệnh ở trẻ sơ sinh thường rất dễ nhận biết, đặc trưng là các mảng da nhờn phủ vảy trắng đôi khi có màu vàng, bong tróc, hoặc đóng vảy cứng ở da đầu của bé, đặc biệt là đỉnh đầu. Dân gian ta hay gọi đó là “cứt trâu”, tình trạng này sẽ dần cải thiện và hết hẳn khi trẻ lớn lên nếu được chăm sóc và vệ sinh kỹ lưỡng. Ngoài vùng da đầu, các vảy trắng còn có thể xuất hiện ở mặt, hai bên mũi, lông mày, tai, mí mắt, ngực, nách, vùng bẹn,… những vùng có nếp gấp và tập trung nhiều tuyến dầu. Viêm da tiết bã ở mặt trẻ sơ sinh thường sẽ gây đỏ, phát ban, ngứa và có vảy trắng loang lổ.
Bệnh thường khởi phát sớm, khi trẻ được khoảng 2 đến 10 tuần tuổi và có thể kéo dài đến khi trẻ 3 tháng tuổi thậm chí là 1 năm tuổi. Bệnh không có biện pháp phòng ngừa, tuy nhiên thường không có diễn biến phức tạp, đáp ứng tốt với phác đồ điều trị. Các triệu chứng của bệnh thường có xu hướng tăng lên vào thời điểm giao mùa.
Một số trường hợp có thể có hiện tượng phát ban hình vòng, đi kèm với đó là tình trạng viêm đỏ và ngứa.
Ở một số trẻ có tình trạng bội nhiễm nấm và vi khuẩn khiến cho lớp vảy cứng và da bị tổn thương, gây sưng đỏ và mưng mủ. Trong trường hợp này bạn cần đưa bé đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị và có cho mình những lời khuyên y khoa đúng đắn nhất.
Khi nào thì cần đi thăm khám bác sĩ
Cần đưa bé đi đến cơ sở y tế để thăm khám nếu như mẹ thấy bé có các biểu hiện sau đây:
- Tình trạng viêm da tiết bã của bé có biểu hiện trở nặng, sưng, mưng mủ khiến bé ngứa, khó chịu quấy khóc.
- Tình trạng viêm da tiết bã của bé có dấu hiệu bị bội nhiễm.
- Nhiễm bệnh trên vùng da rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính thẩm mĩ.
- Khi đã tiến hành các bước vệ sinh và chăm sóc da những các triệu chứng vẫn tồn tại không có dấu hiệu thuyên giảm.
== > Bạn có thể xem thêm bài viết: Nhiễm trùng sơ sinh: kháng sinh trong phòng ngừa và điều trị
Điều trị “cứt trâu” như thế nào?
Mặc dù tình trạng “cứt trâu” không nguy hiểm, nhưng có thể ảnh hưởng đến tính thẩm mĩ. Để điều trị bệnh dứt điểm và có tiên lượng tốt thì các bậc phụ huynh cần điều trị càng sớm càng tốt.
Do bệnh không chỉ xuất hiện ở vùng da đầu, mà còn ở nhiều vùng da mềm có nhiều nếp gấp do đó cha mẹ cần có biện pháp điều trị riêng cho từng vùng da bị bệnh. Vậy cách chữa viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh là gì? phần dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Điều trị “cứt trâu” ở vùng da đầu
Loại bỏ các vảy cứng trên đầu bé: Được xem là một biện pháp đơn giản, dễ thực hiện tuy nhiên nếu không làm nhẹ nhàng và đúng cách có thể tạo thành những tổn thương trên da đầu bé.
Cách thực hiện:
- Các mảng vảy cứng thường bám rất chắc trên da đầu, do đó cần phải dùng dầu khoáng hoặc các loại dầu gội chuyên dụng để làm mềm (khoảng và giờ) trước khi tiến hành.
- Làm lỏng các mảng vảy bằng khăn mềm và bàn chải tóc chuyên dụng, chải nhẹ nhàng và hàng ngày để loại bỏ dần.
- Bàn chải cần di chuyển theo 1 hướng nhất định, tập trung chủ yếu vào vùng da bị bệnh, cần chải đều và hạn chế chải đi chải lại 1 vùng da đầu.
- Nhẹ nhàng chải qua tóc để loại bỏ các mảng vảy bị dính vào tóc.
Dưỡng ẩm da đầu của bé:
- Dưỡng ẩm cho da đầu của bé chính là biện pháp được nhiều mẹ sử dụng nhất. Các chất dưỡng ẩm thường là các loại dầu thực vật có độ an toàn cao cho trẻ sơ sinh như dầu dừa, dầu jojoba,…
- Thoa một lượng vừa đủ trên da đầu của bé, để yên trong khoảng 15 phút, đợi đến khi các mảng vảy cứng mềm ra thì biến hành loại bỏ.
- Gội đầu lại với nước hoặc dầu gội chuyên dụng để loại bỏ hết lượng dầu thừa trên tóc.
- Do mỗi trẻ lại phù hợp với 1 loại dưỡng ẩm khác nhau nên cần phải dùng thử với 1 lượng nhỏ trước, nếu không có hiện tượng kích ứng thì mới sử dụng trên diện rộng.
- Không nên sử dụng các chế phẩm có dạng mỡ hoặc sáp có tính giữ ẩm cao, vì nếu không loại bỏ được triệt để, những thành phần trong sáp hoặc mỡ dưỡng ẩm có thể làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn (đặc biệt là vùng mềm ở phía sau đầu, hoặc thóp).
Cách trị cứt trâu bằng các bài thuốc dân gian
Một số loại thảo dược có tác dụng tốt trong việc điều trị viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh, đây là phương pháp dễ làm, dễ thực hiện và có độ an toàn cao, ít khi gây ra tình trạng kích ứng như những chế phẩm hóa dược. Các dược liệu như bồ kết, chanh tươi, chè xanh không chỉ có tác dụng kháng khuẩn, mà còn giúp làm lớp sừng cứng trẻ nên mềm và dễ loại bỏ hơn.
Sử dụng chanh tươi:
- Lấy 1 quả chanh tươi vắt lấy nước rồi pha loãng với khoảng 2 lít nước ấm.
- Lấy một chiếc khăn xô sạch, mềm, thầm ướt khăn rồi nhẹ nhàng xoa lên đầu bé.
- Massage nhẹ nhàng da đầu của bé để nước chanh đã được hòa loãng thấm nhanh hơn, đợi khoảng 5 phút.
- Gội lại với nước sạch. Khi các mảng vảy đã có dấu hiệu mềm ra thì tiến hành lấy khăn hoặc lược chuyên dụng loại bỏ chúng khỏi da đầu.
- Khi tóc của bé khô sẽ có nhiều mảng bám có dấu hiệu bong ra, khi đó mẹ cần dùng lược loại bỏ chúng khỏi tóc bé.
- Lưu ý: Không được dùng chanh tươi xoa trực tiếp lên da đầu bé, do trong chanh chứa 1 lượng lớn Acid có thể tạo thành tổn thương trên da đầu của bé.
Sử dụng trà xanh để loại bỏ cứt trâu:
Trong trà xanh không chỉ giàu Tanin, Vitamin C mà còn rất giàu các chất chống oxy hóa. Nước trà xanh tươi có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn, loại bỏ bã nhờn và dầu thừa trên da, đồng thời kháng khuẩn và làm săn xe miệng vết thương.
- Sử dụng 1 ít là trà xanh rồi đun lấy nước.
- Khi nước sôi, cần đợi từ 15 đến 20 phút để cho các dưỡng chất trong trà xanh phai hết ra nước.
- Thử nhiệt độ của nước, nếu thấy đã nguội bớt, khi sờ chỉ thấy ấm thì dùng lấy khăn xô sạch, mềm thấm nước chè xanh rồi xoa lên tóc của bé.
- Massage cho bé nhẹ nhàng khoảng 1 phút, đợi 5 phút để cho các dưỡng chất thấm sâu vào da bé.
- Khi thấy các mảng vảy cứng đã có dầu hiệu bong ra thì tiến hành loại bỏ, sau đó gội đầu lại cho bé với nước sạch một lần nữa.
Sử dụng bồ kết:
Thành phần chính tạo nên tác dụng của bồ kết là Saponin, hoạt chất có tính chất tương tự như những chất nhũ hóa và hoạt động bề mặt, giúp loại bỏ dầu thừa trên tóc, lấy đi bụi bẩn và mảng bám trên tóc. Ngoài ra bồ kết còn chứa nhiều hoạt chất có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp nuôi dưỡng tóc và ngăn ngừa rụng tóc. Dưới đây là cách sử dụng bồ kết để loại bỏ cứt trâu:
- Dùng 1 đến 2 quả bồ kết, đem nướng thơm do bồ kết rất dễ cháy nên mẹ cần đặc biệt chú ý.
- Vò bồ kết với nước ấm, hoặc hãm với nước sôi trong khoảng 15 phút.
- Thử nhiệt độ của nước, khi cảm thấy ấm thì dùng khăn sạch thấm dung dịch lên những vùng da bị cứt trâu. Nếu tình trạng của bé nặng mẹ có thể dùng bồ kết giã nhỏ, cho thêm 1 chút nước rồi thoa trực tiếp lên đầu bé.
- Đợi khoảng 10 phút, sau đó dùng khăn hoặc lược loại bỏ cứt trâu. Gội sạch lại với nước rồi lau khô tóc cho bé.
Vệ sinh tóc hằng ngày bằng các loại dầu gội chuyên dụng cho trẻ em:
Vệ sinh tóc hàng ngày cho trẻ chính là biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện tình trạng viêm da tiết bã ở trẻ em. Dầu gội trị viêm da tiết bã trẻ sơ sinh thường có chứa Kẽm, Selenium sulfide, Ketoconazole 1%,… hoặc có chứa thảo dược.
Các bước tiến hành:
- Làm ướt đầu bé bằng nước ấm, lấy 1 lượng dầu gội vừa đủ rồi xoa đều lên tóc bé. Massage nhẹ nhàng, tập trung chủ yếu vào những vùng da bị bệnh, dùng bàn chải chuyên dụng để loại bỏ cứt trâu.
- Xả nhiều lần lại với nước sạch để loại bỏ dầu gội bám trên tóc và da đầu bé, chỉ nên gội đầu cho bé 2 đến 3 lần 1 tuần kết hợp với việc loại bỏ mảng vảy cứng cơ học.
- Khi gội cần đặc biệt chú ý, tránh để cho dầu gội dây vào mắt của bé.
Trong những trường hợp nặng, khi tình trạng bệnh không tiến triển thì cần đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ tư vấn về phác đồ điều trị bệnh.
Bác sĩ cũng có thể kê đơn những loại kem hoặc lotion chứa Cortisone (kem chứa 1% Hydrocortisone) để điều trị bệnh. Và khi tình trạng đã cải thiện, bạn có thể ngăn ngừa tình trạng tái phát bằng cách tiếp tục sử dụng các loại dầu gội chuyên dụng. Những thuốc điều trị có chứa Corticoid, kháng sinh, kháng nấm cần được dùng khi có chỉ định từ bác sĩ.
Điều trị viêm da tiết bã ở những vùng da mềm có nhiều nếp gấp
Tình trạng viêm da tiết bã ở các vùng da khác ở trẻ sơ sinh thường có biểu hiện nhẹ, không có diễn biến phức tạp, trong trường hợp này bác sĩ có thể kê đơn cho bạn sử dụng 1 số thuốc sau:
- Các loại kem chứa Cortisone hoạt lực thấp như Hydrocortisone hàm lượng 1% hay 2,5%.
- Desonide với hàm lượng 0.05%.
- Đôi khi bội nhiễm nấm có thể xảy ra ở các vùng da bị ảnh hưởng (hay gặp ở vùng nếp gấp hơn là da đầu). Vùng da sẽ có các biểu hiện mẩn đỏ, ngứa khi đó bác sĩ có thể kê đơn cho bạn những loại kem chống nấm có chứa thành phần Ketoconazole để điều trị tại chỗ.
- Các loại dầu gội, thuốc bôi có chứa Acid salicylic không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh vì nó có thể dễ dàng hấp thụ qua da và tạo ra tác dụng không mong muốn trên toàn thân.
Cứt trâu là tình trạng thường gặp hầu hết các trẻ. Tình trạng viêm da tiết bã của bé chỉ tập trung ở vùng da đầu, nếu như không có những diễn biến phức tạp thì các mẹ hoàn toàn có thể điều trị tại nhà cho trẻ. Tình trạng này sẽ thuyên giảm dần và không để lại sẹo trên da. Hy vọng rằng qua bài viết này các mẹ đã có một cái nhìn tổng quát về bệnh viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh hay còn gọi ở cứt trâu ở trẻ, cũng như có thể biết cách xử trí khi con mình gặp tình trạng này, hãy lựa chọn cho con của bạn những phương án điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo
1. Seborrheic dermatitis, tác giả chuyên gia Drug.com, đăng ngày 27 tháng 9 năm 2022, truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2023.
2. Medications for Seborrheic Dermatitis, tác giả chuyên gia Drug.com, truy cập ngày 3 tháng 2 năm 2023.