Tổng quan về bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Tổng quan về bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng:

Loét dạ dày – tá tràng là một căn bệnh phổ biến ở nước ta cũng như trên thế giới. Theo ước tính, có khoảng 11 – 15% dân số ở nước ta gặp phải căn bệnh này với tỷ lệ mắc suốt đời là khoảng 11 – 14% ở nam giới và 8 – 11% ở nữ giới. Mặc dù đây không phải là một bệnh lý quá nghiêm trọng, tuy nhiên nó có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng đời sống của bệnh nhân. Vì vậy, hãy cùng Nhà Thuốc Ngọc Anh tìm hiểu những thông tin cần thiết về viêm loét dạ dày – tá tràng trong bài viết sau đây.

Định nghĩa loét dạ dày – tá tràng

Loét dạ dày – tá tràng (Peptic ulcer) là một bệnh mạn tính và diễn biến có tính chu kỳ với những tổn thương là các ổ loét ở niêm mạc dạ dày – tá tràng, xảy ra khi lớp niêm mạc của dạ dày hoặc tá tràng bị bào mòn và các lớp bên dưới thành dạ dày hoặc thành ruột bị lộ ra. Thông thường, vết loét ở tá tràng chiếm 95% và ở dạ dày chiếm 60%, trong đó vết loét ở bờ cong nhỏ của dạ dày chiếm 25% các trường hợp.

Thông thường, vết loét ở tá tràng chiếm 95% và ở dạ dày chiếm 60%
Thông thường, vết loét ở tá tràng chiếm 95% và ở dạ dày chiếm 60%

Các triệu chứng lâm sàng điển hình của loét dạ dày – tá tràng được chia làm hai thể:

Thể điển hình:

  • Đau vùng thượng vị (âm ỉ, quặn hoặc bỏng rát).
  • Cơn đau có tính chu kỳ (đau khi đói, đau sau khi ăn vài giờ), đau khi ăn chua, cay hoặc khi stress.
  • Ợ chua, ợ hơi, đầy bụng.
  • Nôn, nôn ra máu, tiểu ra máu (biến chứng).

Thể không điển hình:

  • Tiến triển thầm lặng, không có triệu chứng đau.
  • Biểu hiện đột ngột bởi một biến chứng (thường là xuất huyết).

Các biến chứng của loét dạ dày – tá tràng bao gồm xuất huyết tiêu hóa, thủng ổ loét, hẹp môn vị và ung thư hóa. Ngoài ra, các biểu hiện lâm sàng của các biến chứng cũng có thể được phân loại như sau:

  • Xuất huyết tiêu hóa: Đi cầu phân đen đơn thuần hoặc kèm nôn ra máu, đi cầu ra máu đỏ tươi nếu xuất huyết ồ ạt.
  • Thủng ổ loét: Đau đột ngột, đau dữ dội như dao đâm vào vùng thượng vị, nôn mửa, bụng cứng như gỗ.
  • Hẹp môn vị: Đầy bụng sau ăn, nôn nhiều, sau khi nôn giảm cảm giác đầy bụng rõ rệt, về sau có thể nôn ra thức ăn cũ.

Dấu hiệu nhận biết loét dạ dày – tá tràng

Đau vùng bụng trên rốn (hay đau vùng thượng vị)

Đây là một trong những dấu hiệu chính giúp nhận biết bệnh viêm loét dạ dày. Nếu vết loét ở tá tràng, cơn đau thường sẽ khởi phát vào lúc đói hoặc sau khi ăn khoảng 2 – 3 giờ, có thể đau vào lúc nửa đêm về sáng và lan ra sau lưng. Mặt khác, cơn đau có thể âm ỉ, đau tức bụng hoặc đau quặn từng cơn.

Đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn hoặc nôn

Các triệu chứng như đầy bụng, buồn nôn cũng là những dấu hiệu thường gặp của bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng. Nguyên nhân là do dạ dày đã bị tổn thương, kéo theo hoạt động tiêu hóa chậm lại, khiến cho bệnh nhân có cảm giác chướng bụng, đầy hơi.

Mất ngủ, ngủ không ngon giấc

Mất ngủ hay thường xuyên bị gián đoạn giấc ngủ do bụng bị đầy hơi, nặng bụng, cảm giác khó tiêu hay do đau lúc bụng đói vào thời điểm nửa về đêm sáng.

Ợ hơi, ợ chua hoặc nóng rát thượng vị

Đa số bệnh nhân bị viêm loét dạ dày – tá tràng thường có các triệu chứng này. Đây là những dấu hiệu rất hay gặp phải trong thời kỳ đầu.

Ngoài ra, ợ nóng rát vùng thượng vị thường xuất hiện ở bệnh nhân có trào ngược dạ dày thực quản hơn.

Rối loạn tiêu hóa

Một dấu hiệu nhận biết của viêm loét dạ dày – tá tràng nữa đó là tiêu chảy hoặc táo bón. Do hoạt động tiêu hóa không ổn định nên người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng thường bị sút cân. Nhưng ngược lại, vì triệu chứng đau thường xảy ra lúc bụng đói nên bệnh nhân có xu hướng ăn nhiều hơn và cũng có thể tăng cân nhanh.

Tuy nhiên, các triệu chứng kể trên chỉ mang tính chất gợi ý chứ không mang tính chẩn đoán một cách chính xác. Do đó bệnh nhân nên đến bệnh viện để được tiến hành các thủ thuật chuyên khoa, xét nghiệm kiểm tra và đặc biệt nội soi dạ dày – tá tràng. Phương thức nội soi sẽ giúp nhận biết được chính xác vị trí, mức độ tổn thương cũng như có nhiễm vi khuẩn HP hay không. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra chỉ định và phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất cho người bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.

Nguyên nhân gây loét dạ dày – tá tràng

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng viêm loét dạ dày – tá tràng, nhưng xét theo căn nguyên của bệnh thì có thể hiểu là do sự mất cân bằng giữa các yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày và các yếu tố tấn công, trong đó:

Yếu tố bảo vệ:

  • Chất nhầy (tạo lớp màng bảo vệ niêm mạc).
  • Tế bào biểu mô niêm mạc (tái tạo nhanh, tiết NaHCO3 trung hòa acid dịch vị).
  • Prostaglandin (ức chế tiết acid dịch vị).
  • Sự tưới máu của hệ mao mạch dạ dày – tá tràng.

Yếu tố tấn công:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).
  • Acid dịch vị (HCl), pepsin.
  • Thuốc (corticoid, aspirin, NSAIDs)

Ngoài ra còn có các yếu tố nguy cơ khác gây loét dạ dày – tá tràng như thuốc lá, stress, các bệnh lý khác (xơ gan, u tụy, cường vỏ thượng thận) và gen (nhóm máu O có nguy cơ cao hơn).

nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là 1 trong 2 nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày - tá tràng.
nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là 1 trong 2 nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày – tá tràng.

Tuy nhiên, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và sử dụng các thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm (NSAIDs) là 2 nguyên nhân chính gây ra viêm loét dạ dày – tá tràng.

Đối với HP, đây là một loại vi khuẩn có khả năng sản sinh ra một số loại enzyme như urease, lipaseprotease làm phá hủy lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc. Đồng thời, quá trình xâm nhập vào niêm mạc của HP và thể hiện độc lực làm giải phóng yếu tố hoạt hóa tiểu cầu, các chất tiền viêm, các chất superoxide, interleukin 1 và TNF… cũng làm phá hủy lớp màng nhầy.

Đối với NSAIDs, do có bản chất là acid (đặc biệt là aspirin) nên có khả năng gây tổn thương niêm mạc dạ dày – tá tràng. Ngoài ra, các thuốc NSAID còn ức chế sự sinh tổng hợp của prostaglandin, làm giảm khả năng ức chế bài tiết dịch vị, dẫn đến giảm yếu tố bảo vệ dạ dày.

Chẩn đoán loét dạ dày – tá tràng

Việc chẩn đoán loét dạ dày – tá tràng cần kết hợp giữa các biểu hiện trên lâm sàng và kết quả xét nghiệm cận lâm sàng để xác định nguyên nhân gây bệnh để có phương án điều trị thích hợp, trong đó:

Biểu hiện lâm sàng:

  • Đau vùng thượng vị (cảm giác nóng bỏng, giảm sau khi ăn, đau sau khi ăn 2 – 3 giờ, đau về đêm, đau lan ra sau lưng).
  • Nôn hoặc buồn nôn.
  • Đau ngực (thường không có triệu chứng).
  • Chán ăn, gầy, sụt cân.

Cận lâm sàng:

  • Xét nghiệm tìm HP, bao gồm test xâm lấn dựa trên nội soi (test urease nhanh, mô bệnh học, nuôi cấy) và test không xâm lấn (test thở urease, kháng thể kháng HP, tìm HP trong phân).
  • Nội soi. Đây là phương pháp chẩn đoán xác định, chính xác nhất để phát hiện tổn thương đường tiêu hóa, loét dạ dày – tá tràng. Độ nhạy phụ thuộc vào vị trí ổ loét và kinh nghiệm của nhân viên nội soi. Hơn nữa, phương pháp này còn giúp phân biệt được loét dạ dày – tá tràng với ung thư dạ dày, đồng thời cũng theo dõi được tiến triển của ung thư dạ dày.
  • Chụp dạ dày sau khi uống thuốc cản quang. Đây là một phương pháp gián tiếp có độ tin cậy không cao và dễ bỏ sót những tổn thương nhỏ không tìm thấy được trên phim. Do đó, phương pháp này hiện nay chỉ được dùng trong trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện nội soi.

Điều trị loét dạ dày – tá tràng

Mục tiêu chung của việc điều trị loét dạ dày – tá tràng là làm giảm đau do loét, làm lành vết loét, ngăn ngừa tái phát, giảm biến chứng do loét và diệt trừ vi khuẩn HP (nếu có). Cụ thể, phương pháp điều trị được chia thành 2 loại chính, bao gồm liệu pháp hỗ trợ không dùng thuốc và liệu pháp dùng thuốc:

Liệu pháp hỗ trợ không dùng thuốc

Chế độ ăn uống, vệ sinh: Tránh dùng NSAIDs, aspirin.

Ngừng hoặc giảm hút thuốc lá (< 10 điếu/ngày).

Tránh ăn chua, cay, mặn và sử dụng các chất kích thích như cafe, rượu, bia…

Lối sống: Tránh căng thẳng (stress) tâm lý, áp lực công việc.

Điều trị loét dạ dày - tá tràng
Điều trị loét dạ dày – tá tràng

Điều trị dùng thuốc

Phác đồ điều trị loét dạ dày – tá tràng phụ thuộc nguyên nhân gây loét (do NSAIDs hoặc HP), tình trạng loét (mới hoặc tái phát) và các biến chứng do loét. Trong đó, các nhóm thuốc điều trị loét dạ dày – tá tràng có thể chia thành 4 nhóm chính bao gồm:

Thuốc kháng acid

Toàn thân: Sodium bicarbonate và Sodium citrate.

Tại chỗ: Magnesium hydroxide, aluminum hydroxide gel…

Thuốc giảm tiết acid

Thuốc kháng histamin H2: Cimetidine, ranitidine, famotidine, nizatidine và roxatidine.

Thuốc ức chế bơm proton: Omeprazole, esomeprazole, pantoprazole, rabeprazole, lansoprazoledexlansoprazole.

Thuốc kháng cholinergic: Pirenzepine, oxyphenonium, propantheline…

Prostaglandin analogue: Misoprostol.

Thuốc diệt H.Pylori

Gồm các kháng sinh Amoxicillin, clarithromycin, metronidazole, tinidazole và tetracycline…

Thuốc bảo vệ ổ loét

Các thuốc bảo vệ vết loét như Sucralfate, keo Bismuth subcitrate.

Đọc thêm bài viết Các nhóm Thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng

Tài liệu tham khảo

  1. Tạ Long (2003), Bệnh lý dạ dày tá tràng và vi khuẩn Helicobacter pylori, NXB Y học, tr 61-90.
  2. Đào Văn Long (2014), Bài tiết acid dịch vị và bệnh lí liên quan, NXB Y học,tr 22-89.
  3. Gabriel Garcia(2000), Gastrointestinal disorders.Melmon anh Morrellis Clinical Pharmacology, fourth edition, Mc Graw Hill, 309-312.
  4. Hướng dẫn điều trị Helicobacter pylori – ACG 2017.
  5. Sachs G, Shin JM (2004), The basis of differentiation of PPIs , Drug To day(Barc), 40 Suppl A: 9-14.
  6. Bulletin of Pharmacovigilance, No.4-2014,” Sử dụng hợp lý, an toàn thước ức chế bơm proton”.
  7. Philip O.Anderson, James E.Knoben et William G.Troutman, “Gastrointestinal Drugs”, Handbook of Clinical, 10th, 542.
  8. Pediatric & Neonatal Dosage Handbook 20th – Lexicomp 2013
  9. M.Robinson, “Review article: the pharmacodynamic and, pharmacokinetics of proton pump inhibitors-overview and clinical implications”, Aliment Pharmacol Ther 2004; 20(Suppl. 6): 1-10.
Ngày viết: UTC+7 - Tuyên bố từ chối trách nhiệm Báo cáo nội dung không chính xác
Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here