Lựa chọn sản phẩm rửa mặt, tẩy trang phù hợp với từng loại da

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Cách lựa chọn sản phẩm rửa mặt, tẩy trang

Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm

Bài viết Lựa chọn sản phẩm rửa mặt, tẩy trang phù hợp với từng loại da được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. VÀI NÉT VỀ RỬA MẶT, TẨY TRANG

Rửa mặt là bước đầu tiên và quan trọng nhất trong quy trình chăm sóc da. Rửa mặt giúp loại bỏ bã nhờn, chất bẩn, sản phẩm trang điểm.

Thành phần của rửa mặt: gồm các chất bề mặt (đây là thành phần chính nên sẽ có phần riêng dưới đây), các thành phần dưỡng ẩm, trị mụn, chống lão hóa… giúp tăng cường điều trị một số bệnh ở da. Trước đây, trong sữa rửa mặt chứa xà phòng có độ pH cao không thích hợp với làn da. Hiện nay, các loại rửa mặt không còn chứa xà phòng nữa nên độ pH có tính chất acid phù hợp với da hơn.

Rửa mặt bằng sữa rửa mặt nên tiến hành 2 lần/ngày vào lúc mới ngủ dậy và buổi tối. Trong nghiên cứu của Choi và cộng sự so sánh 3 nhóm: rửa mặt ngày 1 lần, 2 lần và 4 lần/ngày cho thấy nhóm rửa mặt ngày 1 lần càng làm bệnh trứng cá tăng lên, nhóm 4 lần/ngày trứng cá không thay đổi, trong khi nhóm dùng 2 lần/ngày cho hiệu quả giảm mụn trứng cá.

Tẩy trang là 1 bước trước khi rửa mặt, dùng để loại bỏ những chất trang điểm, đặc biệt là trang điểm chống nước. Một số tẩy trang dạng dầu, dạng sữa, cold cream… có tác dụng kép vừa tẩy trang vừa rửa mặt. Sau bước tẩy trang, chúng ta có thể cần hoặc không rửa lại mặt tuỳ thuộc vào từng loại tẩy trang, type da. Nếu không trang điểm thì với loại rửa mặt đủ tốt bạn không cần sử dụng tẩy trang.

2. CHẤT BỀ MẶT (SURFACTANTS)

Là chất có 2 nhóm ưa nước và ưa dầu trên cùng 1 phân tử. Hầu hết nhóm ưa dầu là chuỗi alkyl 12-22 carbon. Ở hình ảnh bên cạnh đầu ưa nước có hình tròn, đầu ưa dầu có hình que. Đầu ưa nước sẽ quay vào nước trong khi ưa dầu sẽ chụm lại với nhau.

Hình ảnh chất bề mặt
Hình ảnh chất bề mặt

Khi chất bề mặt tiếp xúc với nước và không khí đầu ưa nước (đầu tròn trên hình) quay vào trong nước, đuôi kị nước quay vào không khí. Khi nồng độ của chất bề mặt đã bão hòa, một số phân tử chất bề mặt tự do sẽ vào trong nước, để tránh tiếp xúc với nước chúng liên kết với nhau thành phân tử lớn gọi là micelles với đầu ưa nước quay ra ngoài, đuôi kị nước chụm vào với nhau. Chính phân tử chất bề mặt tự do là thủ phạm gây viêm da tiếp xúc kích ứng do gắn với protein bề mặt làm biến tính protein, hòa tan lớp lipid giữa các tế bào ở da.

Có 4 nhóm chất bề mặt: điện tích âm (anionic), điện tích dương (cationic), không mang điện (nonionic) và lưỡng tính (amphoteric) dựa vào tình trạng ion hóa của đầu ưa nước.

2.1. Chất bề mặt tích điện âm (anionic surfactants)

Chất bề mặt tích điện âm do đầu ưa nước của nó chứa các acid tích điện âm. Nhóm này có tác dụng rửa mạnh nhất nhưng cũng gây kích ứng nhiều nhất. Chất điển hình là sodium lauryl sulfate (SLS).

Đầu ưa nước gồm sulfuric acid, sulfonic acid, phosphate, carboxylic acid surfactants. Theo thứ tự về độ mạnh của sự ion hóa nhóm sulfuric acid mạnh nhất, đồng thời nhóm này cũng có tính chất tạo bọt cao và gây kích ứng da nhiều nhất.

Chất bề mặt tích điện âm với đầu ưa nước gồm các nhóm acid tích điện âm và đầu kị nước là hydrocarbon (R), nhóm phụ (POE) và phân tử ion như Na, K…
Chất bề mặt tích điện âm với đầu ưa nước gồm các nhóm acid tích điện âm và đầu kị nước là hydrocarbon (R), nhóm phụ (POE) và phân tử ion như Na, K…

Đầu ưa mỡ: thường được sản xuất từ dầu dừa và dầu cọ. 2 loại này có lượng carbon thấp C12 với tên gọi là lauryl và cocoyl, chúng có tính ái nước mạnh hơn so với chất có số nguyên tử C cao nên có tính chất tạo bọt, tẩy rửa cao. Một số chất ít gặp hơn là myristyl (C14), cetyl (C16), stearyl (C18), oleyl lipophilic (C18). Nhóm alkyl dài hơn C16-18 khả năng ái nước thấp hơn, có xu hướng ái dầu vì thế nhóm cetyl (C16), stearyl (C18) thích hợp để tạo chất nhũ hóa (ví dụ cetyl alcohol). Những chất C16-18 khi sử dụng ở da cho cảm giác nhờn hơn lauryl.

Nhóm phụ: cải thiện đặc tính của chất bề mặt như thêm POE, CON(CH₃) C₂H₄ hoặc amino Ví dụ khi thêm POE vào SLS sẽ tạo thành sodium laureth sulfate (SLES) chất này có tác dụng tẩy rửa yếu và ít gây kích ứng hơn so với SLS, vì vậy được sử dụng nhiều trong các sản phẩm làm sạch để thay thế SLS. Các bạn chú ý: SLES ít kích ứng hơn SLS.

Cấu trúc khác nhau giữa SLS và SLES làm cho SLES yếu  hơn,  ít  kích  ứng  hơn SLS.
Cấu trúc khác nhau giữa SLS và SLES làm cho SLES yếu  hơn,  ít  kích  ứng  hơn SLS.

Phân tử ion: hay gặp nhất là muối của natri (sodium salts), sau đó là potassium, ammonium triethanolamine.

2.2.  Chất bề mặt tích điện dương (cationic surfactants)

Chất này có cấu trúc là muối amoni của các nhóm alkyl. Các nhóm R thường gặp nhất: CH₃ (metyl), còn lại là lauryl, cocoyl, myristyl (C14), cetyl (C16), stearyl (C18), oleyl lipophilic (C18). Nhóm X thường là clo, chloride.

Hay gặp lauryl trimethyl ammonium chloride, cetyl trimethyl ammonium chloride, steartrimonium chloride.

Cấu trúc phân tử của chất bề mặt tích điện dương là muối amoni của nhóm alkyl. Ở đây đầu ưa nước là nhóm N⁺ nên nó tích điện dương.
Cấu trúc phân tử của chất bề mặt tích điện dương là muối amoni của nhóm alkyl. Ở đây đầu ưa nước là nhóm N⁺ nên nó tích điện dương.

Đặc tính: nhũ hóa mạnh, chống nhiễm khuẩn, làm cho tóc mềm mượt hơn. Vì thế chất này hay được sử dụng trong sản phẩm dầu gội, dầu xả.

Nhóm này gây kích ứng có thể tương đương với chất bề mặt tích điện âm, nhưng gây độc tế bào cao hơn. Vì vậy, khi gội đầu không nên xả bọt ở dầu gội đầu xuống mặt làm cho da dễ bị khô, kích ứng hơn. Chất bề mặt tích điện dương như cetrimonium bromide thường nhẹ, được sử dụng trong nước tẩy trang.

2.3. Chất bề mặt lưỡng tính (amphoteric surfactants)

Các chất bề mặt lưỡng tính thường là amino acids. Nó tồn tại dưới dạng anion hoặc cation hoặc cả 2 tùy thuộc vào độ pH của dung dịch. Nhóm này gây kích ứng ở mức độ trung bình. Một số trường hợp viêm da tiếp xúc dị ứng với cocamidopropyl betaine.

Chất này thường phối hợp với anionic surfactants để giảm tính kích ứng, tăng cảm giác dễ chịu khi sử dụng. Ngoài ra, nó còn tăng độ nhớt và tạo bọt.

Thường gặp là alkyl betaines như cocamidopropyl betaine (hay gặp nhất), lauryl dimethyl betaine, amide betaines như lauric amide propyl betaine, sulfobetaines như laurate amide propyl hydroxy sulfobetaine.

2.4. Chất bề mặt không ion (nonionic surfactants)

Là những chất không mang điện. Nhóm này có tính tẩy rửa và tạo bọt thấp nhất, ít gây kích ứng. Nhóm ưa mỡ thường là C12-C18 sử dụng với mục đích nhũ hóa. Nhóm ưa nước thường là glycerin, polyethylene, ít gặp hơn là sorbitan, sorbitol, glucose.

Nhóm này thường  là  ester  và  ete  như  monoglyceride  esters  của  acid béo như glyceryl myristate; polyglycerol esters của acid béo như polyglyceryl-n myristate; sorbitans như sorbitan laurate…

2.5. Tác dụng phụ và cách làm giảm kích ứng của chất bề mặt

Chất bề mặt gây kích ứng, khô da đặc biệt là chất bề mặt tích điện âm như sodium lauryl sulfate (SLS) nên có các sản phẩm ghi free-SLS để nhấn mạnh rằng sản phẩm ít gây kích ứng. Một số trường hợp dùng chất bề mặt quá mạnh để rửa mặt có thể gây tình trạng trứng cá do chất tẩy rửa. Có các cách sau đây để giảm tác dụng phụ của chất bề mặt trong các sản phẩm:

  • Sử dụng chất bề mặt nhẹ: như trình bày ở trên chất bề mặt không ion nhẹ và ít gây kích ứng  nhất  nên  thường  dùng  trong  sản  phẩm rửa ở trẻ em, người bị kích ứng và sữa rửa mặt. Những chất bề mặt anion nhẹ như ethoxylated alkyl sulfates, sulfosuccinate esters, sarcosinates, fatty acid-protein condensate, alkyl phosphate ester, alkyl glutamate, taurates cũng được sử dụng. Chất bề mặt cation nhẹ như salts of alkyl amine, quaternized alkyl polyglycosides hay được dùng. Chất bề mặt lưỡng tính thường được sử dụng phối hợp với các chất bề mặt khác.
  • Kết hợp các chất bề mặt với nhau.
  • Thêm phân tử polymers hoặc proteins/peptides: khi thêm các phân tử này vào, các phân tử chất bề mặt đơn độc sẽ gắn với nhau sau đó gắn với micelles, vì thế làm giảm kích ứng.
  • Thêm chất có tính chất giống lipid của da gồm ethoxylated mono-, di-, triglycerides, fatty alcohols, ethoxylated fatty alcohols, fatty acid esters, lanolin derivatives, silicone và dẫn xuất.
  • Thêm chất chống viêm, thường là essential oils, flavonoids, a-bisabolol. Thêm chất chống oxy hóa như vitamin E, vitamin C, thiols, polyphenols, flavonoids. Chất chống cảm giác châm chích như strontium salts hay chất chống kích ứng như zinc salts hay kẽm oxide cũng thường được dùng phối hợp để giảm tác dụng phụ của chất bề mặt.

3. TẨY TRANG (MAKEUP REMOVERS)

Tẩy trang là sản phẩm để làm sạch những chất trang điểm, kem chống nắng, dầu thừa, bụi bẩn… Nó cũng có tác dụng như 1 loại sữa rửa mặt trên các đối tượng đặc biệt như những người da khô, da nhạy cảm hay da lão hóa. Tuỳ loại tẩy trang mà có các thành phần khác nhau.

Có 2 loại chính:

  • Tẩy trang dạng nước hay micellar water dựa vào cơ chế dùng chất bề mặt nhẹ để loại bỏ chất bẩn và chất trang điểm.
  • Tẩy trang không phải dạng nước dùng cơ chế “dầu tan trong dầu” để loại bỏ các chất có tính chất dầu như bã nhờn, mỹ phẩm chống nước…

3.1. Cold cream cleansers

Thành phần: chứa nước, sáp ong, dầu khoáng có tác dụng hòa tan. Những thành phần này chủ yếu cung cấp dưỡng ẩm theo cơ chế băng bịt. Ngoài ra, còn chứa borax, ceresin, carbomer làm cho kem dày hơn. Sản phẩm ví dụ: kem lạnh của POND’S.

Cách dùng: bôi kem lạnh lên mặt vào vùng cần tẩy trang sau đó massage đều trong vòng khoảng 30 giây. Sau đó có thể loại bỏ kem này bằng tay, khăn hoặc rửa mặt. Sau bước này chúng ta có thể chuyển luôn sang bước toner, serum hoặc dưỡng ẩm.

Ưu điểm: cold cream có tác dụng rất tốt để rửa mặt và tẩy trang dành cho da khô, da nhạy cảm vì khi rửa đi nó để lại 1 lớp ẩm trên da. Với da dầu, da xu hướng mụn không nên dùng. Kem lạnh cũng có thể tẩy trang những mỹ phẩm chống nước.

3.2. Tẩy trang dạng sữa (cleansing milk)

Thành phần: chứa nước, dầu có trọng lượng phân tử thấp như dầu Ô liu, dầu hướng dương, jojoba oil, sesame seed oil, dưỡng ẩm như glycerin. Dầu được nhũ hóa trong nước tạo lên dạng sữa. Chú ý là dầu Ô liu có thể gây mụn nhân.

Cách dùng: giống cold cream.

Ưu điểm: giống với cold cream, tuy nhiên với người có làn da quá nhạy cảm và khô thì ưu tiên dùng cold cream hơn. Hay sử dụng tẩy trang vùng mắt vì ít gây kích ứng.

Sensibio Lait Cleansing Milk của Bioderma dành cho da nhạy cảm.Tẩy trang dạng sữa của SVR physiopure lait.
Sensibio Lait Cleansing Milk của Bioderma dành cho da nhạy cảm.Tẩy trang dạng sữa của SVR physiopure lait.

3.3. Cleansing balms

Thành phần: dầu thực vật như dầu Ô liu, dầu jojoba… sáp ong, shea butter, petroleum vì thế dạng này dày và đặc hơn. Cleansing balms thường được bảo quản trong hộp, lọ. Ở nhiệt độ thường thì chúng đặc còn khi tiếp xúc với nước ấm hoặc bàn tay, da mặt (ấm hơn nhiệt độ thường) chúng trở thành dạng dịch.

Cleansing balms
Cleansing balms

Cách dùng: bước 1 lấy lượng vừa đủ ra, sau đó dùng các ngón tay xoa đều để chúng trở lên loãng hơn. Bước 2 đưa sản phẩm lên mặt, massage đều. Cuối cùng lau lại bằng khăn mặt (sản phẩm trên thường đi kèm với vải muslin như là 1 chiếc khăn mặt). Cleansing balms không cần rửa lại bằng nước.

Ưu, nhược điểm: loại tẩy trang này phù hợp với da khô, da nhạy cảm. Với trường hợp da dầu sau khi dùng cleansing balms cần phải rửa tiếp bằng sữa rửa mặt cho da dầu. Hiệu quả cao trong tẩy trang sản phẩm mỹ phẩm chống nước (waterproof).

3.4. Tẩy trang dạng dầu (cleansing oils)

Thành phần: chứa lượng dầu lớn hơn dạng sữa. Thường chứa liquid paraffin, vegetable oils (như mineral oil, castor oil, jojoba oil, dầu Ô liu), esters, liquid higher alcohol và chất bề mặt không ion hóa. Loại này có thể tồn tại ở dạng đặc, hồ, lỏng. Đây là sản phẩm khó điều chế nhất vì khó đồng nhất các chất dầu với nhau.

Cách dùng: bàn tay và mặt cần phải khô. Bước 1: dùng khoảng 2-3 nhát xịt (pump) ra bàn tay khô. Bước 2: dùng 2 bàn tay xoa đều dầu tẩy trang (bước này các blogger gọi là bước nhũ hóa). Bước 3: đưa dầu tẩy trang lên mặt và massage đều. Bước 4: rửa lại bằng nước. Bước 5: dùng khăn mặt để lau lại.

Sản phẩm gợi ý của hãng Ciracle: absolute deep cleansing oil chứa thành phần chủ đạo là dầu trà xanh (Camellia Sinensis Seed Oil), dầu khoáng mineral oil, vitamin E và một số thành phần dưỡng ẩm khác. Dầu tẩy trang này thiết kế dành được cho type da trứng cá.

Tẩy trang absolute deep cleansing oil
Tẩy trang absolute deep cleansing oil

Ưu điểm:

  • Loại này thường dùng để tẩy trang mỹ phẩm, kem chống nắng chống nước ở mặt và mí mắt (rất khó rửa bằng sữa rửa mặt thông thường). Với các loại mỹ phẩm và chống nắng không chống nước, sữa rửa mặt thông thường có thể rửa sạch hoàn toàn được. Trong 1 khảo sát của Wei Chen khi so sánh các loại rửa mặt và tẩy trang để loại bỏ kem chống nắng thấy rằng, với chống nắng không thấm nước các loại trên đều có tác dụng. Ngược lại, với kem chống nắng chống nước cần dùng rửa mặt dạng dầu mới loại bỏ hết được. Cũng trong nghiên cứu này thì rửa mặt dạng dầu ít kích ứng, ít châm chích hơn loại rửa mặt thông thường. Từ đây thấy rằng quan niệm khi dùng chống nắng bắt buộc phải dùng tẩy trang chuyên dụng là không đúng, chúng ta có thể loại bỏ kem chống nắng không thấm nước bằng loại tẩy trang và rửa mặt thông thường. Chỉ có chống nắng chống nước mới cần loại bỏ bằng dầu tẩy trang, cold cream, milk cleansing hoặc nước tẩy trang.
  • Tẩy trang dạng dầu thích hợp cho da khô và rất khô, nếu dùng cho da dầu cần rửa lại bằng sữa rửa mặt có chất bề mặt để làm sạch sâu hơn. Dầu Ô liu có thể gây mụn nhân vì thế cần chú ý với những người bị trứng cá. Với da nhạy cảm cũng cần lưu ý vì dầu tẩy trang có chứa chất bề mặt có thể gây kích ứng (mặc dù chất bề mặt ở đây là nhẹ).

3.5. Micellar water cleansers hay cleansing waters, tẩy trang dạng nước

Thành phần: nó có tên gọi là micellar water cleansers vì thành phần chủ yếu là nước và chất bề mặt rất nhẹ. Chất bề mặt này tạo thành micelle (có 2 đầu ưa nước và đầu kị nước) hòa tan vào trong nước. Đầu kị nước sẽ gắn với chất bẩn ở da → hòa tan trong nước sau đó được rửa đi. Có nhiều chất bề mặt nhẹ như cetrimonium bromide (chất bề mặt điện tích dương), polsorbate 20, amphoteric surfactants như disodium cocoamphodiacetate.

Phân tử micelle với đầu ưa nước hình tròn quay ra ngoài nước, đầu ưa dầu hình que (màu vàng) chụm đầu trốn vào trong.
Phân tử micelle với đầu ưa nước hình tròn quay ra ngoài nước, đầu ưa dầu hình que (màu vàng) chụm đầu trốn vào trong.

Đây là một trong những loại tẩy trang hay được sử dụng nhất hiện nay vì tính tiện dụng.

Cách dùng: sản phẩm này được đưa vào bông tẩy trang, chà xát để loại bỏ chất bẩn ở mặt, bạn có thể không cần rửa lại bằng nước. Nếu lười hoặc không có bông tẩy trang bạn có thể đưa nước tẩy trang vào tay sau đó xoa lên mặt rồi rửa lại bằng nước. Bác sĩ Tâm thích rửa lại bằng nước sau dùng nước tẩy trang vì micellar water chứa chất bề mặt, nếu không rửa đi có thể làm da dễ bị kích ứng, khô hơn.

Ưu, nhược điểm: sản phẩm này có tác dụng tốt để tẩy trang mỹ phẩm tan trong nước, với mỹ phẩm chống nước thì tác dụng kém hơn. Thích hợp với da khô và da nhạy cảm (tuy nhiên, cũng cần chú ý chất bề mặt dù nhẹ có thể làm da nhạy cảm tồi tệ hơn). Với da dầu thì khả năng rửa sạch dầu hạn chế vì chất bề mặt trong sản phẩm này rất nhẹ.

3 loại tẩy trang của Bioderma
3 loại tẩy trang của Bioderma

Sensibio H2O micellar water dành cho da nhạy cảm,  da  thường.  Chất  bề mặt ở đây là PEG-6 capric glycerides.

Hydrabio H2O micellar water dành cho da nhạy cảm, da khô. Ngoài ra có thêm glycerin có tác dụng dưỡng ẩm.

Sébium H2O micellar water dành cho da dầu, thêm các thành phần như kẽm gluconat, đồng.

Chúng ta biết nhiều về tẩy trang dạng  nước chứa phân tử miclle. Tuy  nhiên, một số hãng như SVR có công thức khá độc đáo đó là sự kết hợp giữa công nghệ tạo micelle và dầu trong cùng một sản phẩm. SVR topialyse cleansing oil chứa dầu bông, omega-3, 6, 9, niacinamide, prebiotic và chất bề mặt nhẹ như Coco-Betaine, Sodium C14-16 Olefin Sulfonate, PEG-7 Glyceryl Cocoate. Xét về cách dùng thì sản phẩm này thuộc tẩy trang dạng dầu. Đây là một trong những sản phẩm làm sạch phù hợp với những người bị da khô, viêm da cơ địa. Tuy nhiên, với những người da dầu, da trứng cá cần cân nhắc khi dùng bởi vì có thể gây mụn nhân.

4. SỮA RỬA MẶT

4.1. Rửa mặt dạng bánh

Thường chứa xà phòng alkyl carboxylate và syndet acyl isethionate. Ngoài ra, có thể thêm các chất khác nữa như glycerin, chất chống nhiễm khuẩn, BPO, glycolic acid… Dạng rửa mặt này phù hợp với da dầu mụn.

Ví dụ: bánh xà phòng Atids chứa sulfur 10%, salicylic acid 2% để dùng rửa mặt, tắm trong điều trị bệnh trứng cá.

Xà phòng tắm, rửa mặt dạng bánh Atids.
Xà phòng tắm, rửa mặt dạng bánh Atids.

4.2. Rửa mặt dạng lỏng tạo bọt

Thành phần: chứa các chất bề mặt mạnh, vì vậy không nên dùng cho da khô, da nhạy cảm. Sữa rửa mặt có bọt thường trình bày dưới dạng gel.

Cách dùng: để tạo bọt cần cho ít nước vào sữa rửa mặt, lấy tay chà xát lên nhau nhẹ nhàng sau đó đưa lên mặt để rửa, cuối cùng rửa lại bằng nước.

Sữa rửa mặt dạng lỏng tạo bọt
Sữa rửa mặt dạng lỏng tạo bọt

Ưu, nhược điểm: loại bỏ được chất nhờn, bã thừa và bụi bẩn rất tốt, thích hợp cho da dầu, da mụn. Tuy nhiên, khi dùng loại rửa mặt này da mặt khá khô, căng, châm chích, bong tróc, đặc biệt vào mùa đông.

Ví dụ 1: sữa rửa mặt tạo bọt của hãng Zymogen anti-sebum cleansing foam chứa chất bề mặt lưỡng tính như cocamidopropyl betaine; chất bề mặt tích điện dương như polyquaternium; chất bề mặt không ion hoá như glycol distearate, glyceryl stearate, PEG-100 stearate… và các thành phần từ quá trình lên men rau má, đu đủ… Dù dùng các chất bề mặt không quá mạnh nhưng kết hợp các chất bề mặt với nhau tạo cho sản phẩm có độ tạo bọt nhất định, giảm tác dụng phụ.

Ví dụ 2: sữa rửa mặt chứa tinh dầu chàm trà của Ciracle chứa các chất  bề mặt tích điện âm như Sodium Laureth Sulfate (SLES), Disodium Laureth Sulfosuccinate phối hợp với chất bề mặt lưỡng tính Cocamidopropyl Tính chất làm sạch của sữa rửa mặt này tăng lên do có sự xuất hiện các chất bề mặt tích điện âm. Ngoài ra, một trong những điểm nổi bật của sản phẩm đó là tinh dầu chàm trà nên thích hợp với da trứng cá.

Zymogen anti-sebum cleansing foam.
Zymogen anti-sebum cleansing foam.
Sữa rửa mặt teatree wash của Ciracle.
Sữa rửa mặt teatree wash của Ciracle.

4.3. Sữa rửa mặt không tạo bọt

Thành phần: chứa nước,  glycerin,  cetyl  alcohol,  stearyl  alcohol  để  tạo màng dưỡng ẩm trên da, lượng nhỏ chất bề mặt anion như sodium lauryl sulfate hoặc các chất bề mặt yếu khác.

Cách dùng: loại này áp dụng trên cả da khô và da được làm ẩm bằng nước. Chúng ta chà xát nhẹ nhàng, sau đó rửa đi bằng nước. Khi được loại bỏ, nó tạo một lớp màng dưỡng ẩm mỏng trên da, vì vậy tạo cảm giác dễ chịu, không căng và rát như sữa rửa mặt có bọt.

Ưu, nhược điểm: thích hợp cho da khô, da nhạy cảm, da lão hóa. Với da dầu mụn thì khả năng rửa kém hơn.

Sản phẩm trên thị trường: Cetaphil gentle skin cleanser đơn giản chỉ chứa 8 thành phần như cetyl alcohol, propylene glycol để tăng cường độ ẩm cho da, một lượng nhỏ chất bề mặt SLS (chú ý SLS được dùng ở đây với lượng nhỏ nên khả năng tạo bọt và kích ứng là rất thấp).

4.4. Cleansing cloths (khăn rửa mặt)

Sản phẩm này chứa các thành phần làm sạch cho vào trong 1 chiếc khăn. Chỉ dùng được 1 lần nên xét về giá đắt hơn các loại khác. Cách dùng đơn giản.

Có 2 loại khăn: loại tạo bọt cần làm ẩm trước bằng nước sau đó rửa và loại thứ 2 là khăn ẩm có thể sử dụng luôn và không cần rửa sạch lại bằng nước. Loại khăn ẩm ít gây kích ứng với da vì không hoặc có rất ít chất bề mặt, có thể thêm các thành phần hoạt động vào khăn rửa mặt như benzoyl peroxide để tăng hiệu quả trong điều trị trứng cá.

5. THIẾT BỊ HỖ TRỢ RỬA MẶT

Có 2 công cụ chính: cơ học và không cơ học.

Thiết bị hỗ trợ không cơ học như miếng silicone rửa mặt (silicone cleansing pads), bàn chải có lông, miếng bọt tự nhiên hoặc plastic Trong đó miếng silicone rửa mặt hay được sử dụng nhất. Với thiết bị này, chúng ta bôi sữa rửa mặt lên mặt trước hoặc bôi sữa rửa mặt lên miếng silicone, sau đó sử dụng miếng rửa mặt silicone chà xát lên mặt. Với miếng silicone này bạn có thể tái sử dụng lại nhiều lần.

Miếng rửa mặt silicone.
Miếng rửa mặt silicone.

Rửa mặt với sự hỗ trợ cơ học, trong đó thiết bị rửa mặt hỗ trợ bằng âm thanh hay sử dụng nhất (sonic cleansing). Có 3 loại trên thị trường: bàn chải bằng nylon dao động (oscillating nylon brushes), bàn chải bằng nylon xoay (rotating nylon brushes) và thiết bị không có bàn chải bằng nylon mà thay bằng sợi silicone…

  • Bàn chải bằng nylon dao động có nhiều bằng chứng khoa học trong hỗ trợ điều trị lão hóa da, trứng cá, viêm da dầu nhất. Thiết bị này dùng dao động âm thanh, làm cho các sợi nylon di chuyển theo hướng song song nhau, chính dao động song song này làm biến dạng nút sừng ở nang lông, làm giảm lực liên kết giữa nút sừng nang lông và thành của nang lông từ đó giải phóng nút sừng nang lông. Ngoài ra, sự dao động song song này cũng kích thích sản sinh collagen và các protein khác tương tự như cơ chế massage hằng ngày. Thiết bị này được ví vừa là máy rửa mặt, vừa là máy massage mặt.
Nút sừng nang lông ở trạng thái bình thường (bên trái) và nút sừng bị biến dạng khi dùng máy rửa mặt dao động song song.
Nút sừng nang lông ở trạng thái bình thường (bên trái) và nút sừng bị biến dạng khi dùng máy rửa mặt dao động song song.
  • Một trong những cha đẻ của máy rửa mặt bàn chải nylon dao động là máy rửa mặt .Trong nghiên cứu trên 20 bệnh nhân lão hóa da thấy rằng, việc dùng máy rửa mặt này phối hợp với thuốc bôi chống lão hóa cho hiệu quả tốt hơn dùng thuốc bôi đơn thuần, trong nghiên cứu này tần số âm thanh sử dụng hiệu quả cao là 75 Hz. Nghiên cứu của hãng thấy rằng hiệu quả rửa mặt bằng máy tăng gấp 6 lần so với dùng tay, khi dùng rửa mặt bằng máy ít làm mất nước ở da hơn so với bằng tay. Nhược điểm của máy này là sau 3 tháng cần phải thay đầu bàn chải.
Hình ảnh máy rửa mặt Clarisonic với bàn chải bằng nylon, dao động âm thanh theo chiều song song.
Hình ảnh máy rửa mặt Clarisonic với bàn chải bằng nylon, dao động âm thanh theo chiều song song.
  • Các thiết bị rửa mặt âm thanh khác như bàn chải xoay (thay vì dao động song song chuyển sang dạng xoay), loại này ít có bằng chứng lâm sàng hơn, mặc dù một vài hãng nói rằng hiệu quả tương đương dạng dao động song song. Loại máy rửa mặt âm thanh dùng silicone thay vì dùng bàn chải hiện tại cũng đang được ưa chuộng vì mềm mại,  không phải thay bàn chải (khác với 2 loại ở trên  phải thay đầu bàn chải sau mỗi 3 tháng). Hiện tại bác sĩ Tâm đang sử dụng máy rửa mặt âm thanh dùng silicone cũng khá ổn, sạch sâu hơn mà không bị đỏ do chà xát.
  • Cách dùng máy rửa mặt: tốt nhất nên bỏ 1 ít sữa rửa mặt vào phần bàn chải, tiếp đến cho 1 ít nước vào để tạo bọt. Sau đó khởi động bàn chải rồi xoay nhẹ theo hình vòng tròn. Chú ý tập trung vào các vùng nhiều dầu.

6. LỰA CHỌN RỬA MẶT, TẨY TRANG PHÙ HỢP VỚI TỪNG LOẠI DA

6.1. Với da khô, nhạy cảm, da lão hóa

Cold cream, tẩy trang dạng sữa, dạng dầu, dạng balm, nước tẩy trang (micellar water), rửa mặt không tạo bọt.

6.2. Với da dầu mụn

Rửa mặt tạo bọt, rửa mặt dạng bánh. Dạng trình bày này khá khô da và có thể gây châm chích, chính vì vậy, bạn cần dùng dưỡng ẩm sau rửa mặt để làm dịu da. Với da dầu mụn thì rửa mặt có chứa salicylic được khuyến cáo dùng.

Các chế phẩm trên thị trường:

Dòng sữa rửa mặt da dầu mụn của Avène.
Dòng sữa rửa mặt da dầu mụn của Avène.
Sữa rửa mặt Acniover dành cho da dầu mụn của Martiderm.
Sữa rửa mặt Acniover dành cho da dầu mụn của Martiderm.

6.3. Rửa mặt da tăng sắc tố

Có thể thêm thành phần làm trắng. Tuy nhiên, hiệu quả làm trắng của các loại sữa rửa mặt trên cũng cần được xem xét vì chúng chỉ lưu lại được trên da trong thời gian ngắn.

6.4. Tẩy trang mỹ phẩm, chống nắng chống nước

Dùng cold cream, rửa mặt dạng sữa, dạng dầu, dạng balm. Trong đó rửa mặt dạng dầu được cho là hiệu quả nhất.

Hiện nay, mọi người ưa chuộng dùng tẩy trang dạng nước hơn bởi vì tính tiện lợi và hiệu quả.

7. TÁC DỤNG PHỤ CỦA RỬA MẶT, TẨY TRANG

Khô da, mất nước: thường do chất bề mặt trong khi ít gặp trong sản phẩm không có chứa các chất này. Để hạn chế tác dụng phụ trên các nhà sản xuất cho thêm chất dưỡng ẩm, sử dụng các loại chất bề mặt nhẹ, phối hợp các loại chất bề mặt với nhau hoặc sử dụng chất bề mặt với nồng độ thấp. Sau bước rửa mặt chúng ta cần tiến hành các bước tiếp theo như serum cấp ẩm, dưỡng ẩm để làm dịu da.

Đỏ da, châm chích: do chất bề mặt và do các chất cho vào trong sản phẩm rửa mặt như BPO, salicylic, AHA

Viêm da tiếp xúc dị ứng: một số chất bề mặt, chất bảo quản…

Trứng cá do chất tẩy rửa: nếu dùng chất tẩy rửa mạnh hoặc rửa mặt quá nhiều lần/ngày có thể gây ra trứng cá, gọi là trứng cá do chất tẩy rửa.

8. VÀI CÂU HỎI MỌI NGƯỜI HAY HỎI

  • Em có cần tẩy trang không?

Bác sĩ trả lời: khi dùng chống nắng chống nước, trang điểm thì bước tẩy trang vô cùng quan trọng. Khi không dùng các sản phẩm này thì rửa mặt bằng sữa rửa mặt là đủ. Các bạn biết rửa mặt hay tẩy trang đều có thể có chứa chất bề mặt, nếu lạm dụng thì không tốt cho da.

  • Em nghe nói nên tẩy trang cả vào buổi sáng và buổi tối sau đó đến bước rửa mặt vì như vậy làm da sạch hơn?

Bác sĩ trả lời: trước tiên chúng ta cần hiểu chức năng của tẩy trang là “tẩy trang điểm”. Vì vậy, nếu trước đó bạn không trang điểm thì khi ngủ dậy buổi sáng chúng ta không cần phải tẩy trang. Tương tự như vậy, nếu ban ngày bạn không trang điểm, không dùng chống nắng chống nước thì buổi tối bạn cũng không cần dùng tẩy trang.

Tuy nhiên, nếu như da quá dầu, bạn muốn da mình sạch hơn thì có thể dùng thêm tẩy trang vào buổi sáng và/hoặc buổi tối.

  • Tẩy trang có thể thay thế sữa rửa mặt được không?

Bác sĩ trả lời: bạn biết rằng cơ chế của 2 loại trên là như nhau, vì vậy chúng ta có thể dùng tẩy trang thay cho rửa mặt được. Ngược lại, rửa mặt khó có thể thay thế được tẩy trang vì những tính chất đặc thù của tẩy trang.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chen W, He M, Xie L, Li L. The optimal cleansing method for the removal of sunscreen: Water, cleanser or cleansing oil? J Cosmet 2020;19(1):180-184. doi:10.1111/jocd.12995

2. Conforti C, Giuffrida R, Fadda S, et al. Topical dermocosmetics and acne vulgaris. Dermatol Ther. 2021;34(1):e14436. doi:10.1111/dth.14436.

3. Gold M, Ablon G, Andriessen A, Goldberg D, Hooper D, Mandy Facial cleansing with a sonic brush-A review of the literature and current recommendations. J Cosmet Dermatol. 2019;18(3):686-691. doi:10.1111/jocd.12906.

4. Akridge RE, Pilcher KA. Development of sonic technology for the daily cleansing of the skin. J Cosmet Dermatol. 2006;5(2):181-183. doi:10.1111/j.1473-2165.2006.00248.x

5. Choi JM, Lew VK, Kimball AB. A single-blinded, randomized, controlled clinical trial evaluating the effect of face washing on acne vulgaris. Pediatr

6. Stringer T, Nagler A, Orlow SJ, Oza VS. Clinical evidence for washing and cleansers in acne vulgaris: a systematic review. J Dermatolog Treat. 2018;29(7):688-693. doi:10.1080/095 46634.2018.1442552.

7. Aiello LM, Vergilio MM, Monteiro E Silva SA, Anselmo T, Leonardi GR. Skin effect of facial cleansing combined with an electric sonic device. J Cosmet Dermatol. Published on- line February 22, 2021. doi:10.1111/jocd.14017.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here