Mặt nạ: Thành phần, tác dụng, cách sử dụng hiệu quả

Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm

Bài viết Mặt nạ: Thành phần, tác dụng, cách sử dụng hiệu quả được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

CÁC ĐIỂM CHỐT

– Mặt nạ có thể được dùng như một chất làm sạch, tẩy tế bào chết, dưỡng ẩm hoặc biện pháp tăng cường hấp thu các chất vào trong da.

– Mặt nạ không quá cần thiết nhưng vì những lợi ích đặc trưng của nó mà hiện nay vẫn được sử dụng rộng rãi. Tác dụng của mặt nạ dựa vào thành phần có trong đó.

– Mặt nạ chia thành mặt nạ tấm với vai trò chủ yếu là cung cấp dưỡng ẩm, làm dịu da; mặt nạ rửa và mặt nạ lột chủ yếu để làm sạch, tẩy tế bào chết.

– Mặt nạ tấm dùng ngay sau bước làm sạch như rửa mặt, toner hoặc có thể sau bước serum để tăng cường hấp thu dưỡng chất. Mặt nạ lưu trên da 15-20 phút, tuần dùng 2-3 lần hoặc hơn tuỳ nhu cầu.

– Mặt nạ rửa và mặt nạ lột sử dụng ngay sau bước rửa mặt hay tẩy trang để làm sạch sâu hơn, tẩy tế bào chết, hỗ trợ điều trị trứng cá, lão hóa da. Loại này dùng tuần 1-2 lần để tránh ảnh hưởng tới da.

– Các loại mặt nạ tự chế ở nhà bản chất là mặt nạ rửa và mặt nạ lột, tùy thành phần có thể có các tác dụng khác nhau: dưỡng ẩm, hỗ trợ điều trị trứng cá, lão hóa da…

1. ĐỊNH NGHĨA

Mặt nạ là một sản phẩm thiết kế đặc biệt cho việc chăm sóc da, trong đó các hoạt chất được đưa vào trong mặt nạ, đắp lên mặt khoảng 15-20 phút rồi được loại bỏ ra khỏi da. Tác dụng chính của mặt nạ là dưỡng ẩm ngoài ra, tùy thuộc vào thành phần các chất có trong đó mà mặt nạ có thể có thêm một số tác dụng khác như làm sạch, tẩy tế bào chết…

Do thời gian lưu trên mặt không lâu nên các tác dụng này cũng chỉ có ở mức hạn chế. Như chúng ta biết, các tác dụng trên của mặt nạ có thể thay thế bằng một số phương pháp khác đơn giản hơn như sữa rửa mặt cho mục đích làm sạch mặt, kem dưỡng ẩm để giữ ẩm. Tuy nhiên, mặt nạ vẫn được sử dụng rộng rãi trong chăm sóc da bởi một số lợi thế nhất định: tạo cảm giác dễ chịu, giải toả stress khi dùng.

2. TÁC DỤNG CỦA MẶT NẠ

Tùy vào thành phần các chất chứa ở bên trong mà mặt nạ có thể có một số tác dụng nhất định:

  • Dưỡng ẩm do trong mặt nạ có chứa các chất giữ ẩm.
  • Làm sạch: trong thành phần của mặt nạ có các chất làm sạch như chất bề mặt, chất tẩy tế bào chết. Một số mặt nạ lột có chất hấp thu bụi bẩn, bã nhờn, sau khi lột ra có thể kéo theo lớp bụi bẩn này. Tuy nhiên, tác dụng lột của mặt nạ rất hạn chế không mạnh như các chế phẩm tẩy da chết.
  • Giải căng thẳng: buổi tối đắp mặt nạ lạnh tạo cảm giác dễ chịu, khoan khoái cho người dùng.
  • Điều trị: các thuốc có tác dụng điều trị có thể bổ sung vào trong mặt nạ để hỗ trợ điều trị một số bệnh như trứng cá, rám má…

3. THÀNH PHẦN CỦA MẶT NẠ

Các chất dưỡng ẩm có trong mặt nạ có thể là chất hút ẩm (glycerin, propylene glycol…), chất phục hồi hàng rào bảo vệ da như ceramide hoặc chất khóa ẩm như các loại chất béo có nguồn gốc từ động vật, thực vật hoặc dầu khoáng (các chất này có tác dụng tạo thành lớp màng trên da làm hạn chế sự thoát hơi nước của da).

Các chất thường dùng trong mặt nạ
Các chất thường dùng trong mặt nạ

Các thành phần trong mặt nạ:

Vitamin:

  • Vitamin C dưới dạng LAA hoặc các dẫn xuất vitamin C như ascorbyl palmitate, ascorbyl tetra isopalmitate và magie ascorbyl phosphate… có tính ổn định tốt hơn so với LAA. Tác dụng phụ hay gặp của vitamin C là gây kích ứng da, có thể gây vàng da, bẩn áo quần và bạc tóc. Tuy nhiên, tỉ lệ kích ứng da do vitamin C rất thấp.
  • Vitamin A: sự lão hóa da dẫn đến đứt gãy collagenelastin. Vitamin A làm tăng tổng hợp collagen, giảm nồng độ collagenase đồng thời điều hòa biệt hóa của tế bào sừng.
  • Vitamin E có 8 loại (α-, β-, γ-, σ-tocopherols và các tocoferon). Trong đó nồng độ γ-tocopherol cao nhất ở trong da. Vitamin E cũng được xem là 1 chất chống oxy hóa, giảm viêm.
  • Vitamin B3 (niacinamide) có tác dụng chống viêm, tăng tổng hợp lipid gian bào, đồng thời có tác dụng làm sáng da do ức chế vận chuyển melanin từ tế bào hắc tố sang tế bào sừng.

Collagen là protein quan trọng của trung bì và nồng độ của nó giảm dần theo lứa tuổi. Collagen được sử dụng nhiều trong các loại mặt nạ dưới dạng peptide, tuy nhiên tác dụng của nó vẫn còn hạn chế do khả năng xâm nhập hạn chế qua lớp thượng bì thấp. Khả năng thấm qua da của collagen phụ thuộc nhiều yếu tố: kích thước phân tử, độ ổn định, độ hòa tan, hằng số phân ly, số nhóm liên kết .. tính toàn vẹn, độ dày, diện tích của da và thời gian áp dụng mặt nạ. Các phân tử có kích thước lớn và có nhiều liên kết hydro thì càng khó thấm qua da.

Các yếu tố tăng trưởng: do tính thấm thấp nên các yếu tố tăng trưởng rất khó thấm qua da, người ta thường sử dụng dưới dạng liposome để đưa chúng vào da hoặc sử dụng công nghệ tải nạp protein (protein transduction domain). Hiện nay trên thị trường có 2 chất: yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGF) và yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi (FGF) được sử dụng rộng rãi. Sau khi xâm nhập qua lớp sừng chúng sẽ gắn lên các tế bào thượng bì và có tác dụng sinh học.

Coenzyme Q: coenzyme Q10 (CoQ10) hoặc ubiquinone là chất mang điện tử quan trọng nhất trong hô hấp tế bào. CoQ10 có hiệu quả trong điều trị da tổn thương và lão hóa da. CoQ10 hiệu quả hơn khi có mặt các yếu tố khác như vitamin (vitamin A, C, D, B6) và các acid amin như arginine, cysteine, methionine, glutathione và carnitine. CoQ10 kết hợp với ethanol cho phép các chất dễ dàng thấm qua da.

Mặt nạ tấm của Oh! Oh! chứa 3 loại HA, ceramide, pentavitin, glycerin có khả năng dưỡng ẩm tốt, ngoài ra còn có các thành phần chống oxy hóa như CoQ10, syn-coll, chất chống viêm glycyrrhizate, chất chống lão hóa adenosine, peptides…
Mặt nạ tấm của Oh! Oh! chứa 3 loại HA, ceramide, pentavitin, glycerin có khả năng dưỡng ẩm tốt, ngoài ra còn có các thành phần chống oxy hóa như CoQ10, syn-coll, chất chống viêm glycyrrhizate, chất chống lão hóa adenosine, peptides…

Các chất làm trắng: các chất làm trắng có thể được bổ sung vào trong mặt nạ bao gồm: vitamin C, E và B3, BHA, AHA, hydroquinone, azelaic acid, kojic acid, retinoids. Các hãng mỹ phẩm thường thích sử dụng các vitamin hoặc các chất làm trắng có nguồn gốc thiên nhiên như đất sét, nấm galactomyces…

Thành phần thảo dược:

  • Tinh chất gạo đỏ chứa nhiều chất chống oxy hóa như tocopherol, tocotrienols và gamma oryzanol. Các mặt nạ có cám gạo đỏ chứa các thành phần này có tác dụng tốt, đặc biệt là mặt nạ gelatin.
  • Tinh chất trà xanh: trà xanh có tính chống oxy hóa mạnh hơn vitamin C và vitamin E đồng thời còn có tác dụng chống viêm, kháng khuẩn, chống ung thư.

Khoáng chất: đất sét, oxit kẽm, lưu huỳnh vàng, đồng và bạc là những khoáng chất có thể được sử dụng trong mặt nạ. Lưu huỳnh được biết đến trong da liễu với đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và tiêu sừng. Đất sét có tác dụng làm sạch, dưỡng ẩm. Nano bạc, vàng, đồng, kẽm có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm.

Các chất tẩy tế bào chết: hay sử dụng nhất là AHA và BHA, trong đó tác dụng phụ của AHA nhiều hơn BHA bao gồm: đỏ da, bong vảy, châm chích, rối loạn sắc tố…

4. PHÂN LOẠI MẶT NẠ

Trên thị trường hiện nay có 3 loại mặt nạ chính là mặt nạ tấm, mặt nạ lột và mặt nạ rửa.

4.1. Mặt nạ tấm (sheet mask)

Mặt nạ tấm là loại mặt nạ phổ biến nhất hiện nay. Thành phần của mặt nạ tấm bao gồm một khung mặt nạ trên đó được tẩm các chất khác nhau tạo thành 1 tấm liên tục. Sau khi đắp trên mặt một thời gian, tấm này trở nên khô và có thể loại bỏ ra khỏi mặt bằng cách lột nhẹ nhàng.

Mặt nạ tấm thường được thiết kế cho mục đích dưỡng da, vì vậy nó phù hợp cho những người da khô, da thường hoặc da hỗn hợp. Mặt nạ dạng này không phù hợp với người da dầu, da có xu hướng mụn vì nó làm tăng vi khuẩn ở trên bề mặt Có thể thêm các thành phần để làm dịu da, giảm đỏ như dipotassium glycyrrhizate để làm giảm viêm, giảm đỏ sau làm các thủ thuật như peel, laser…

Mặt nạ tấm được thiết kế ôm gọn khuôn mặt và đắp trên da khoảng 15-20 phút rồi bỏ ra. Chúng ta không được đắp quá lâu vì có thể làm hơi nước thoát ra hết, mặt nạ sẽ bị khô do đó sẽ hút lại nước và dưỡng chất từ trong da. Sau khi lột mặt nạ chúng ta massage nhẹ nhàng để giúp dưỡng chất vào da được tốt hơn. Sau dùng mặt nạ mọi người có thể sử dụng tiếp các bước tiếp theo như dưỡng ẩm…

Ngoài thành phần chính là các chất dưỡng ẩm, vitamin, chất làm trắng, chiết xuất từ thực vật… các chất làm se khít lỗ chân lông có thể được bổ sung vào. Sau khi đắp xong mặt nạ sẽ đem lại cảm giác mềm ẩm và căng.

Dựa vào nguyên liệu của khung mặt nạ, người ta phân chia mặt nạ tấm thành:

  • Mặt nạ sợi cotton không dệt: được làm từ các sợi cotton, có đặc điểm sợi hơi thô nên mặt nạ thường dày, khó ôm khít và khó dính sát vào khuôn mặt. Hơn nữa, quá trình thoát hơi nước nhanh nên khi sử dụng mặt nạ nhanh khô. Ưu điểm là loại mặt nạ này rất rẻ tiền.
  • Mặt nạ bột giấy: cũng được làm từ các sợi nhưng mảnh hơn nên mặt nạ này mỏng hơn nhưng vẫn có nhược điểm giống mặt nạ cotton là bề mặt không đồng nhất nên độ bám dính thấp và quá trình thoát hơi nước
  • Mặt nạ hydrogel: khung mặt nạ hydrogel được hình thành từ các chất polymer nơi mà nước được hấp thu vào trong khung Khung có thể là gelatin, carboxymethylcellulose, polyvinyl alcohol (PVA) hoặc polyvinyl acetate (PVAc). Đặc điểm của loại mặt này khá mỏng, bề mặt đồng nhất, nên khi đắp dính chặt vào da. Do có nhiều nước nên sau khi đắp lên da có cảm giác mát lạnh tức thì và gần như không bị khô trong quá trình dùng. Tuy nhiên, do được làm dựa trên khung gelatin nên nó không được dai như mặt nạ cotton và mặt nạ bột giấy nên dễ bị rách trong quá trình sử dụng. Loại mặt nạ này thiết kế cho những người bị da nhạy cảm. Mặt nạ hydrogel có thể thêm các chất chống viêm, chống oxy hóa, chống nhiễm khuẩn như trong lá Neem. Trong một vài thử nghiệm trên bệnh nhân trứng cá, mặt nạ có chất chiết xuất từ lá Neem có tác dụng điều trị trứng cá.
  • Mặt nạ bio cellulose: được tạo ra từ loại sợi siêu mỏng và nhỏ khoảng 20 nm (mỏng hơn 1000 lần so với đường kính sợi tóc trung bình). Loại này được tạo ra từ vi khuẩn có khả năng chuyển hóa đường glucose thành cellulose. Ưu điểm của loại mặt nạ bio cellulose: các sợi cực mảnh nhưng lại rất dai và bền; nó rất mỏng, trong suốt, dính chặt vào da, quá trình thoát hơi nước rất thấp cho nên gần như không bị khô trong quá trình sử dụng; loại này nguồn gốc tự nhiên nên thân thiện với da. Nhưng mặt nạ bio cellulose rất đắt tiền do để thu hoạch được loại sợi này phải mất khoảng 10 ngày. Trong nghiên cứu của Perugini Paola khi đánh giá hiệu quả của các loại mặt nạ bio cellulose chống lão hóa, tẩy tế bào chết thấy rằng sau 1-2 tháng đã có tác dụng.

Một số loại mặt nạ tấm đặc biệt:

  • Mặt nạ ampoule: đi kèm mặt nạ là 1 ống chứa dưỡng chất, xoa dưỡng chất trước sau đó đắp mặt nạ lên để tăng cường thẩm thấu của dưỡng chất.
  • Mặt nạ kim loại foil mask (bạc, vàng…): lớp ngoài của mặt nạ được phủ 1 lớp giấy bạc giúp hạn chế thoát hơi nước, tinh chất của mặt nạ. Loại mặt nạ này tạo môi trường ấm giúp hoạt chất thấm vào da tốt hơn.
  • Mặt nạ sủi bọt: ngoài thành phần như mặt nạ thông thường, mặt nạ sủi bọt được bổ sung thêm oxy được nén ở áp suất cao, khi đắp lên da các phân tử oxy này sẽ thoát ra tạo thành bọt. Hiệu quả thực sự của bọt oxy cũng không rõ nhưng có ý kiến cho rằng lớp bọt này có khả năng thấm sâu xuống nang lông sau đó thoát ra kéo theo bụi bẩn. Mặt khác, nó tạo ra môi trường không thuận lợi cho vi khuẩn C. acnes. Loại mặt nạ này thường làm từ than củi nên nó thường có màu đen, khi đắp xong nên rửa lại bằng nước thường.
Mặt nạ bạc.
Mặt nạ bạc.
Sau khi đắp mặt nạ sủi bọt oxy.
Sau khi đắp mặt nạ sủi bọt oxy.

Điểm chốt

  • Mặt nạ tấm thích hợp với da khô, da nhạy cảm, sau can thiệp thủ thuật như laser, lăn kim, lột… Trước khi dùng nên để mặt nạ trong tủ lạnh sẽ tăng tác dụng.
  • Trước khi sử dụng cần rửa mặt sạch.
  • Để tăng cường hấp thu serum nên dùng serum trước mặt nạ tấm. Nếu serum quá đặc có thể sử dụng serum sau bước mặt nạ.
  • Để mặt nạ 15-20 phút, sau đó lột ra → massage nhẹ để thấm dưỡng chất vào
  • Không rửa lại mặt sau dùng mặt nạ tấm mà chuyển sang luôn bước dưỡng ẩm hay kem mắt…

4.2. Mặt nạ rửa (rinse-off mask)

Giống như tên gọi của nó, mặt nạ rửa là loại mặt nạ sau khi đắp lên da thì sẽ được rửa sạch bằng nước hoặc sữa rửa mặt.

Mặt nạ bùn (mud masks) là loại mặt nạ rửa hay được sử dụng, chúng có tác dụng làm sạch sâu hơn, tẩy tế bào chết. Loại này có tác dụng trong da dầu, trứng cá, lão hóa da. Trong mặt nạ bùn thì đất sét hay được sử dụng nhất. Các loại mặt nạ tự chế dưới đây thuộc mặt nạ rửa.

Mặt nạ đất sét cũng có nhiều loại dựa vào các thành phần chất khoáng có trong đất sét:

  • Đất sét xanh lá cây của Pháp: còn có tên gọi khác là đất sét illite chứa nhiều sắt oxide vì thế tạo thành màu xanh lá cây. Loại đất sét này hấp thụ dầu, chất bẩn nhiều. Khi dùng có thể có cảm giác châm chích. Loại này thích hợp hơn cho da dầu.
  • Bentonite clay là 1 loại đất sét chứa thành phần nhôm, magie và silic, một lượng nhỏ chì… được tìm thấy ở tro núi lửa. Nó có tên gọi khác là đất sét Montmorillonite vì được tìm thấy ở vùng này của Pháp. Bentonite có thể có màu trắng vàng, đỏ, nâu, đen. Loại đất sét bình thường ở dạng bột trộn với nước tạo thành mặt nạ bùn, nó cũng có tác dụng hấp thụ dầu, các chất bẩn giúp làm sạch Đất sét này có tác dụng giảm viêm, giảm đỏ, giúp lành vết thương, hấp thụ ánh sáng vì thế có thể dùng trong sản phẩm chống nắng. Ngoài ra, nó còn được pha vào nước để uống, thải độc các vùng da khác trên cơ thể. Loại này phù hợp với da dầu vì khả năng hấp thụ dầu rất lớn. Đây là một trong những loại đất sét tạo mặt nạ tại nhà hay dùng nhất.
  • Đất sét Rhassoul: tên Rhassoul đến từ tiếng Ả Rập có nghĩa là để rửa. Loại này có màu nâu do chứa nhiều Magie, không chứa chì (khác với mặt nạ bentonite), được tìm thấy ở núi Atlas của Morocco nên còn có tên gọi khác là đất sét của người Morocco. Loại này ít kích ứng hơn so với bentonite nên có thể dùng được cho da nhạy cảm.
  • Đất sét Fuller’s Earth: loại này có thành phần giống đất sét bentonite. Màu của nó thường là màu vàng. Tên gọi của loại đất sét này bắt nguồn từ tác dụng của nó là hút bẩn, hút dầu từ len. Người thợ làm len còn có tên gọi khác là “fuller” dùng loại đất sét này cho vào len giúp len sạch hơn. Nó còn có tên gọi khác là bùn từ Multan do nguồn gốc ban đầu ở thành phố Multan của Pakistan. Tác dụng của loại đất sét này cũng khá giống bentonite, tuy nhiên nó có thể có tác dụng làm sáng nhiều hơn nên ưu tiên dùng trong trường hợp bệnh nhân bị tăng sắc tố. Đất sét Fuller’s Earth có thể được trộn lẫn với nước hoặc mật ong, nước dừa, nước hoa hồng, sữa hạnh nhân (almond milk) để tạo mặt nạ tại nhà.
Đất sét xanh lá cây của Pháp.
Đất sét xanh lá cây của Pháp.
Đất sét Rhassoul màu nâu.
Đất sét Rhassoul màu nâu.
  • Đất sét kaolin trắng: loại này hấp thụ dầu ít hơn có thể phù hợp với da nhạy cảm, da khô… Hiện tại trên thị trường có nhiều loại mặt nạ đất sét có sẵn chứa
  • Đất sét kaolin hồng: loại này hấp thụ dầu nhiều nhưng lại không gây đỏ da, kích ứng, vì vậy phù hợp với da dầu, trứng cá, da nhạy cảm.
  • Các loại đất sét kaolin khác: đất sét đỏ chứa nhiều sắt oxide, có tác dụng cân bằng, làm sạch; đất sét kaolin vàng, nâu…
Đất sét kaolin trắng.
Đất sét kaolin trắng.
Đất sét Fuller’s Earth màu vàng.
Đất sét Fuller’s Earth màu vàng.

Mặt nạ bùn biển chết: có nghiên cứu nhỏ đánh giá hiệu quả của bùn biển chết trên bệnh trứng cá, nên bùn biển chết có thể hữu ích trong điều trị bệnh này. Trong bùn biển chết có thể có một số kim loại như nickel và chrôm nên những người bị viêm da tiếp xúc với các kim loại này nên tránh sử dụng mặt nạ bùn biển chết. Mặt nạ này an toàn khi sử dụng lâu dài trong nghiên cứu mới đây của Hamed.

Các loại mặt nạ ở trên có thể ở dạng gel, lotion, cream với thành phần cũng đa dạng. Thường đối với mặt nạ rửa ngoài tác dụng dưỡng ẩm còn có tác dụng làm sạch, hút bã nhờn như kẽm oxide, talc,… các chất có tác dụng bong vảy như AHA, .. các thành phần này rất phù hợp cho da dầu, trứng cá.

Các hỗn hợp này có thể đã được trộn sẵn và đóng gói nhưng cũng có trường hợp mặt nạ được sản xuất dưới dạng bột, khi sử dụng chúng ta trộn một lượng nhất định bột với nước hoặc các dung dịch khác rồi đắp lên mặt.

Sau khi đắp lên mặt khoảng 15-30 phút các bạn cần rửa sạch mặt bằng nước ấm, trong một số trường hợp cần thiết có thể bôi thêm dưỡng ẩm.

Điểm chốt

  • Mặt nạ rửa đắp lên mặt 15-30 phút.
  • Sau đó phải rửa đi bằng nước.
  • Mặt nạ bùn là 1 dạng mặt nạ rửa.
  • Tác dụng chủ yếu lên da dầu, trứng cá.

4.3. Mặt nạ lột (peel-out mask)

Mặt nạ lột là loại mặt nạ sau khi bôi lên da một thời gian nó sẽ dần khô lại và tạo lại thành 1 màng dai mà chúng ta có thể loại bỏ bằng cách lột ra khỏi mặt. Mặt nạ lột có thể được cấu tạo từ polyvinyl alcohol (PVA) hoặc polyvinyl acetate (PVAc) để tạo nên hình dáng của mặt nạ:

  • Để tạo được khung mặt nạ, sau khi bôi lên mặt thường thêm chất làm khô như cồn. Nồng độ cồn càng cao thì thời gian khô mặt nạ để tạo thành khung mặt nạ càng
  • Mặt nạ lột có chứa nhiều thành phần trong đó, ứng với mỗi thành phần sẽ có tác dụng khác nhau như táo có khả năng chống oxy hóa, cây óc chó có tác dụng dưỡng ẩm, vỏ cam làm se khít, dưa chuột tạo cảm giác dịu, củ cải đường để chống trứng cá…
  • Loại mặt nạ này có tác dụng loại bỏ tế bào chết, bụi bẩn tốt nhưng lại thường gây khô da nhiều hơn 2 loại trên nên cần kết hợp với bôi kem dưỡng ẩm sau khi đắp. Mặt nạ lột phù hợp cho những người da nhờn, mụn đầu đen. Đối với những làn da khô hoặc da nhạy cảm nên cân nhắc sử dụng.

Mặt nạ sáp (wax mask): có nhiều loại sáp như sáp ong (beeswax), sáp paraffine. Loại này được quết vào da bằng 1 bàn chải mềm. Sau đó nó tạo thành 1 màng bọc, cuối cùng tháo ra khỏi mặt sau 15-20 phút đắp. Nó có tác dụng dưỡng ẩm tốt nên thích hợp cho người da khô. Để tránh hiện tượng mặt nạ sáp dính vào lông trên mặt gây ra đau khi lột, chúng ta có thể dùng một miếng gạc phủ lên mặt trước khi tạo mặt nạ. Cách làm mặt nạ sáp ong tại nhà:

Mặt nạ sáp ong.
Mặt nạ sáp ong.
  • Bước 1: đun cách thuỷ 2 thìa sáp ong.
  • Bước 2: trộn lẫn với khoảng 1/3 bát gel lô hội, 1/4 bát nước, 1 thìa mật ong, 3 thìa dầu dừa hoặc dầu Ô liu… Sau đó dùng máy xay trộn lẫn trong khoảng 30 giây.
  • Bước 3: nhỏ thêm một vài giọt dầu chủ yếu hoặc hương liệu. Bảo quản mặt nạ trong 1 cái lọ có nắp và để ở nơi khô thoáng.

5. CÁC BƯỚC KHI SỬ DỤNG MẶT NẠ

Bước 1: rửa sạch mặt.

Bước 2: đắp mặt nạ lên mặt và đợi khoảng 15-30 phút theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Bước 3: lột mặt nạ ra khỏi mặt:

  • Đối với mặt nạ tấm nên massage đều sau khi tháo mặt nạ, không rửa lại bằng nước vì sẽ trôi hết dưỡng chất.
  • Với mặt nạ rửa thì rửa lại bằng nước ấm sau đó tiến hành các bước tiếp theo như dùng serum dịu da và bôi kem dưỡng ẩm.

6. TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN

Nếu lưu mặt nạ trên mặt lâu quá có thể tăng tình trạng khô

Phản ứng dị ứng và kích ứng đối với các thành phần của mặt nạ cũng như các chất bảo quản, các chất tạo khung của mặt nạ tấm.

Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn: tác dụng phụ này đặc biệt cần lưu ý đối với da trứng cá sử dụng mặt nạ tấm để dưỡng ẩm.

Viêm da tiếp xúc kích ứng do dùng mặt nạ rửa đất sét.
Viêm da tiếp xúc kích ứng do dùng mặt nạ rửa đất sét.

7. CÁCH TẠO MẶT NẠ Ở NHÀ

7.1. Nguyên liệu và tác dụng của các loại mặt nạ

Đất sét: với đất sét rhassoul thường dùng 2 muỗng ăn súp (tablespoon) nước ấm pha với 1 muỗng ăn súp đất sét. Thông thường 1 tablespoon là đủ để tạo 1 chiếc mặt nạ. Tốt nhất dùng thìa bằng gỗ trộn đều đất sét với nước trong 1 cái bát bằng gỗ.

Yến mạch: yến mạch chứa chất chống oxy hóa, chất chống viêm có tác dụng giảm ngứa, giảm kích ứng da. Ngoài ra, nó còn có tác dụng hấp thụ dầu nên phù hợp với da bị trứng cá.

Các loại hoa quả:

  • Táo: chứa chất chống oxy hóa, AHA là malic acid để tẩy tế bào chết. Táo cũng giúp giảm bã nhờn và vết bẩn.
  • Chanh, bưởi: có tác dụng se khít, làm sáng da, bong vảy nhẹ vì chứa citric acid (5-6%) là 1 dạng của AHA và Citric acid khác với vitamin C nên tính chất và hiệu quả hoàn toàn khác. Chú ý rằng khi dùng nước chanh để làm mặt nạ, bạn có nguy cơ bắt nắng nhiều hơn nên dễ bị viêm da tiếp xúc thực vật tăng sắc tố. Vì vậy, khi dùng mặt nạ chứa chanh bạn cần tránh nắng tốt.
  • Các thành phần tự nhiên khác chứa AHA: đu đủ thường được xay, dứa ép lấy nước để làm mặt nạ, cà chua cắt lát chứa AHA có thể được đắp lên mặt để tẩy tế bào chết, sữa chua chứa nhiều acid lactic cũng là 1 AHA, thường được trộn vào với các thành phần khác để tẩy tế bào chết, điều trị trứng cá. Nhược điểm AHA là có thể gây tăng bắt nắng hơn, kích ứng, chính vì thế bạn nên dùng vào buổi tối và phải chống nắng tốt vào buổi sáng hôm
  • Dưa chuột: quả và hạt dưa chuột hiệu quả tốt trong việc giảm nhăn, giảm triệu chứng bỏng nắng. Thịt dưa chuột chứa vitamin C, caffeic acid làm dịu và giảm sưng. Ngoài ra, thịt dưa chuột cũng chứa acid lactic có tác dụng lột nhẹ, dùng trong các bệnh như dày sừng da dầu, dày sừng nang lông, hạt cơm… Trong chiết xuất của dưa chuột có chứa các chất chống lão hóa như anti-hyaluronidase, anti-elastase và các chất có tác dụng ức chế enzyme tyrosinase, vì vậy sẽ hiệu quả tốt trong lão hóa da.
  • Chuối: chứa nhiều các vitamin như B3, B6, B12, C, E và các chất chống oxy hóa như nhóm phenolic, carotenoid trong đó có lutein. Vì vậy, chuối sẽ hỗ trợ trong việc chống lão hoá, điều trị bệnh trứng cá. Không chỉ thịt chuối mà vỏ chuối cũng có tác dụng này.
  • Đu đủ: chứa chất chống oxy hóa như lycopene có tác dụng trong da lão hóa. Ngoài ra, trong đu đủ có chứa enzyme là papain và chymopapain có tác dụng giảm viêm, làm bong sừng, vì vậy có hiệu quả trong trứng cá và tẩy tế bào chết. Tuy nhiên, cần chú ý tác dụng phụ gây dị ứng của đu đủ.

Rau củ:

  • Nghệ: bột nghệ hay được sử dụng trong chăm sóc da và trong các bệnh lý như ung thư, bệnh tim mạch… Thành phần của nghệ chứa chất curcumin thường dùng để chống viêm, chống nhiễm khuẩn, chống oxy hóa. Bột nghệ có thể được dùng cả đường uống và đường bôi. Trong vài nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ nghệ có thể làm giảm trứng cá, lão hóa da, chống ngứa (nên có thể có tác dụng giảm ngứa trong bệnh viêm da cơ địa).
  • Chiết xuất từ nghệ khá an toàn, tuy nhiên vẫn xuất hiện các ca viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng.
  • Lô hội: trong lô hội bao gồm các polysaccarit, enzyme, vitamin (B2, B6, C, E), khoáng chất (selen, mangan), các amino acid như proline và acid salicylic. Tinh chất lô hội có nhiều tính chất dược lý như chống oxy hóa (có tác dụng chống lão hóa), kháng khuẩn (có tác dụng trong trứng cá), dưỡng ẩm, điều hòa miễn dịch, liền vết thương. Tuy nhiên, tinh chất lô hội cũng có thể gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng. Mặt nạ chứa lô hội có tác dụng dưỡng ẩm, dịu da, hỗ trợ điều trị trứng cá, chống lão hóa.
  • Cám gạo đỏ (red rice bran) chứa các thành phần chống oxy hóa như tocopherol, tocotrienols, gamma-oryzanol. Chiết xuất từ cám gạo đỏ có bằng chứng khoa học trong mặt nạ lột. Dùng mặt nạ có chứa cám gạo đỏ có tác dụng tốt trong điều trị và ngăn ngừa da lão hóa.
  • Trà xanh: có chứa các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E; Ngoài ra, còn có tác dụng chống viêm, chống nhiễm khuẩn, chống trứng cá. Hay dùng bột trà xanh hoặc tinh dầu trà xanh để làm mặt nạ.
  • Cần tây: chứa 1 lượng lớn vitamin (C, A, B, E, K, beta carotene) và khoáng chất (magie, sắt, phốt pho, mangan, natri, kali, lưu huỳnh, canxi). So với chanh, cần tây chứa nhiều citric acid và vitamin C hơn. Cần tây có tác dụng kiểm soát dầu tốt: trong 1 nghiên cứu dùng bột cần tây 4% trong mặt nạ có tác dụng kiểm soát dầu. Lá cần tây hay được sử dụng để làm mặt nạ tại nhà.

Thành phần khác:

  • Trứng: lòng trắng (tên tiếng Anh mỹ miều là albumen) giúp hấp thu dầu thừa, lòng đỏ để dưỡng ẩm da.
  • Mật ong có chứa fructose, glucose, acid amin, nước, canxi, sắt, kẽm, kali, phốt pho, magie, selen, crom, mangan, protein, các enzyme và vitamin như vitamin B2, B4, B5, B6, B11, vitamin C là những yếu tố cần thiết để sản xuất hồng cầu. Mật ong được sử dụng rộng rãi nhờ tác dụng chống oxy hóa, nhiễm trùng, viêm, Nồng độ thường dùng là 1-10%, cũng có thể lên đến 70%.
  • Nước hoa hồng: là chất chống viêm, dịu tổn thương kích ứng. Nó cũng tạo mùi dễ chịu. Thích hợp cho da nhạy cảm.
  • Baking soda hay muối nở: có tác dụng tẩy tế bào chết, hấp thụ dầu.
  • Giấm: có tính acid và kháng khuẩn, cân bằng pH của da. Có thể dùng giấm chưng cất trắng hoặc giấm táo, giấm rượu vang trắng.
Dầu Thành phần Tác dụng
Dầu Ô liu – Chủ yếu là oleic acid.– Các chất chống oxy hóa, chống viêm: nhóm phenolic, carotenoid… – Có thể làm tổn hại hàng rào bảo vệ da, tăng mất nước.– Lành vết thương, chống lão hóa, giảm nguy cơ ung thư da…
Dầu dừa – Acid béo lauric acid (49%), myristic acid, palmitic acid.– Monolaurin chống nhiễm khuẩn. – Vai trò như chất dưỡng ẩm, chống tia cực tím. Có thể gây mụn nhân trứng cá.
Dầu hạt hoa hướng dương – Oleic và linoleic acids. – Khác với dầu Ô liu, dầu này chứa nhiều linoleic hơn nên có tác dụng dưỡng ẩm.
Dầu hạt nho – Chủ yếu các chất chống oxy hóa, chống viêm như nhóm phenolic, resveratrol, vitamin E.– Ít linoleic acid. – Lành thương, chống nhiễm khuẩn.– Chống lão hóa.
Dầu đậu tương Phytosterols.– Anthocyanin. – Giảm mất nước qua da.– Làm sáng da.

– Chống tia cực tím.

Dầu quả bơ – Linoleic acid (6.1-22.9%), linolenic acid, oleic acid. – Lành thương.– Mềm da.
Dầu jojoba – Sáp ong ester. – Dưỡng ẩm, chống viêm: viêm da cơ địa, trứng cá, lão hóa.
Dầu quả hạnh nhân – Giúp dưỡng ẩm, giảm rạn da, dự phòng rạn da mới. – Chống lão hóa.
Bơ hạt mỡ – Triglycerides. – Chống viêm, chống oxy hóa.– Dưỡng ẩm.

7.2. Các công thức mặt nạ tại nhà

a. Mặt nạ từ yến mạch

Mặt nạ yến mạch mật ong: nấu 1/2 chén (bát) yến mạch, sau đó cho 2 muỗng ăn súp mật ong vào yến mạch nóng. Đợi yến mạch nguội rồi đắp lên mặt. Loại này có tác dụng dưỡng ẩm.

Mặt nạ dưỡng ẩm khác: 2 tablespoon yến mạch + 1 tablespoon mật ong + 1 tablespoon chanh.

Mặt nạ dưỡng hoặc da lão hóa: nấu 1/2 chén (bát) yến mạch + 1 quả trứng + 1 tablespoon dầu quả hạnh nhân + 1/2 quả chuối nhuyễn + 1 tablespoon mật ong.

Mặt nạ táo yến mạch để tẩy tế bào chết (dùng cho tất cả các loại da): trộn 2 tablespoon yến mạch với 2 tablespoon sốt táo + 1 tablespoon mật ong + vài giọt nước hoa hồng.

Mặt nạ yến mạch cho da dầu: nấu 1/2 chén (bát) yến mạch để nguội + 1 quả trứng + 1 tablespoon chanh + 1/2 quả táo nhuyễn.

Mặt nạ yến mạch cho da xu hướng trứng cá: 2 tablespoon yến mạch + 1 thìa cafe baking soda + nước vừa đủ để tạo được mặt nạ.

b. Mặt nạ từ dưa chuột

Mặt nạ giúp trẻ hóa: xay nửa quả dưa chuột với máy xay để tạo hỗn dịch. Sau đó lọc lấy phần nước. Đắp phần nước lên mặt đã được rửa sạch, để khoảng 15 phút sau đó rửa lại với nước.

Mặt nạ dưa chuột với lô hội: thích hợp với da khô. Giống với cách trên nhưng thêm 2 tablespoon gel lô hội.

Mặt nạ dưa chuột + bột yến mạch + mật ong: thích hợp với da trứng cá hoặc xu hướng trứng cá. Làm giống như trên nhưng thêm 1 tablespoon bột yến mạch + 1 tablespoon mật ong.

c. Cách làm mặt nạ bơ

Dưỡng da chuyên sâu dành cho người type da khô, lão hóa (chú ý khi dùng cho da mụn). Thành phần: 1 tablespoon dầu dừa đặc, 1/2 quả bơ chín được gọt vỏ, 1 tablespoon mật ong, 1 tablespoon nước được trộn trong 1 cái bát.

d. Mặt nạ từ nghệ: với mỗi thành phần khoảng 1 tablespoon

Da trứng cá: bột nghệ với mật ong, nước ấm.

Da tăng sắc tố, lão hóa: bột nghệ với sữa chua,

Da kích ứng: bột nghệ với gel lô hội.

e. Mặt nạ cần tây

Mặt nạ dành cho trứng cá, làm sáng da: 1 nắm cần tây cắt thân lấy lá cắt nhỏ, thêm 1 tablespoon nước chanh, 2 tablespoon mật ong. Đắp hỗn hợp này lên da khoảng 15 phút sau đó rửa đi.

Mặt nạ cần tây chống lão hóa, giảm quầng thâm mắt: 1 nhúm lá cần tây + 1 tablespoon mỗi loại sau: nước chanh, nước cam, sữa chua. Tất cả đưa vào trong máy xay sinh tố xay tạo thành sản phẩm nhuyễn rồi đắp lên mặt. Để hỗn dịch trên ở trên mặt, dưới mắt khoảng 15-20 phút sau đó rửa đi.

f. Mặt nạ có thành phần tinh dầu trà xanh: chủ yếu dùng trong trứng cá

Mặt nạ mật ong + trà xanh: 1 tablespoon mật ong + 2 giọt tinh dầu trà

Mặt nạ mật ong với trà xanh, dầu dừa: 2 tablespoon mật ong + 2 giọt tinh dầu trà xanh + 2 giọt dầu dừa.

Mặt nạ đất sét: 1 tablespoon đất sét + 1 tablespoon mật ong + 3-5 giọt trà

Mặt nạ trà xanh + yến mạch: 1 tablespoon yến mạch + 2 tablespoon mật ong + 1/2 tablespoon nước chanh + 4 giọt dầu trà xanh. Mặt nạ này thiết kế cho da mụn, sáng da.

g. Mặt nạ cà chua

Cà chua + chanh: lấy 1 quả cà chua chín nghiền nhỏ sau đó thêm 2 thìa nước chanh. Mặt nạ này có tác dụng làm sáng da.

Cà chua + dưa chuột + yến mạch: dành cho da dầu, thu gọn lỗ chân lông, da lão hóa. Cách pha: 1 thìa nước ép cà chua + 1 thìa nước dưa chuột + thìa yến mạch.

1. Mohammad Ali Nilforoushzadeh , Mohammad Amir Amirkhani, et al (2018). Skin Care and Rejuvenation by Cosmeceutical Facial Mask. J Cosmet Dermatol 17 (5), 693-702.

2. Avi Shai, Howard I. Facial Cleansing Masks. Hand book of cosmetic skin care, second edition, p 43-45.

3. Velasco M, Vieira R, Fernandes A, et al. Short-term clinical of peel-off facial mask moisturizers. Int J Cosmet Sci. 2014;36 (4):355–360.

4. Moosavi M. Bentonite Clay as a Natural Remedy: A Brief Review. Iran J Public Health. 2017;46(9):1176-1183.

5. Ma’or Z, Halicz L, Portugal-Cohen M, et al. Safety evaluation of traces of nickel and chrome in cosmetics: The case of Dead Sea mud. Regul Toxicol Pharmacol. 2015;73(3): 797-801. doi:10.1016/j.yrtph.2015.10.016

6. Hamed S, Almalty A-M, Alkhatib HS. The cutaneous effects of long-term use of Dead Sea mud on healthy skin: a 4-week study. Int J Dermatol. 2021;60(3):332-339. doi:10.1111/ ijd.15304.

7. Sahasrabuddhe S. Parsley leaf extract as an oil controller inpeel off mask. Int J Pharm Chem Bio Sci. 2015;5(4):770-774.

8. Mukherjee PK, Nema NK, Maity N, Sarkar BK. Phytochemical and therapeutic potential of cucumber. Fitoterapia. 2013;84:227-236. doi:10.1016/j.fitote.2012.10.003.

9. Vaughn AR, Branum A, Sivamani RK. Effects of Turmeric (Curcuma longa) on Skin Health: A Systematic Review of the Clinical Evidence. Phytother Res. 2016;30(8):1243-1264. doi:10.1002/ptr.5640.

10. https://www.healthline.com.

11. Perugini P, Bleve M, Redondi R, Cortinovis F, Colpani A. In vivo evaluation of the effectiveness of biocellulose facial masks as active delivery systems to skin. J Cosmet Dermatol. 2020;19(3):725-735. doi:10.1111/jocd.13051.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here