Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

nhathuocngocanh.com – Ở tuổi dậy có rất nhiều dấu hiệu bất thường về hiện tượng kinh nguyệt, điển hình là hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Bài viết sau đây hãy cùng nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu những thông tin về hiện tượng này và cách phòng chống nhé!

Kinh nguyệt không đều là gì?

Kinh nguyệt không đều hay còn gọi là rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng rất hay gặp ở tuổi dậy thì. Đầu tiên chúng ta cần hiểu kinh nguyệt là gì? Kinh nguyệt là hiện tượng bong niêm mạc tử cung dẫn đến chảy máu ra ngoài âm đạo. Một trong những dấu hiệu của tuổi dậy thì ở các bạn gái chính là hiện tượng kinh nguyệt. Người con gái bước vào tuổi dậy thì sẽ có kỳ kinh nguyệt đầu tiên từ 11 tuổi đến 18 tuổi. Kinh nguyệt không đều là khi kinh nguyệt của bạn không theo một chu kỳ nhất định, kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn hoặc có thể không xuất hiện – vô kinh.

Nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì:

Nội tiết tố, hệ thống trục vùng dưới đồi-tuyến yên-buồng trứng chưa ổn định

Các hormon sinh dục nữ có xu hướng tăng cao ở tuổi dậy thì để phát triển cơ quan sinh dục, tăng khả năng mang thai của phụ nữ và hình thành những đặc điểm khi có kinh nguyệt. Hệ trục vùng dưới đồi-tuyến yên-buồng trứng có chức năng trực tiếp chi phối kinh nguyệt. Cơ chế của sự chi phối này là vùng dưới đồi sẽ giải phóng hormone Gn-RH kích thích sản sinh hormone LH và FSH ở tuyến yên giúp tăng kích thước nang noãn, giải phóng noãn. Sau khi giải phóng noãn được 14 ngày sẽ hình thành chu kỳ rụng trứng và kinh nguyệt xuất hiện. Vì thế khi cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện và các hormone sinh dục bị rối loạn sẽ khiến kinh nguyệt không đều.

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là gì?
Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là gì?

Rối loạn ăn uống, chế độ ăn uống không lành mạnh

Với bạn gái có chế độ ăn kiêng quá mức, ăn uống không điều độ, bỏ bữa hoặc thường xuyên ăn thức ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn…. sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều đến các hormone trong cơ thể. Thực tế đã có nghiên cứu về việc các vận động viên nữ múa ba lê, trượt băng nghệ thuật ở trình độ cao có tỷ lệ vô kinh cao( 16% đến 47%) do chế độ ăn uống không đáp ứng được nhu cầu năng lượng tập luyện, hoạt động của cơ thể. Việc không bổ sung đủ các dưỡng chất như acid béo, sắt, omega 3… sẽ ảnh hưởng đến các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt như rụng trứng, hành kinh… Đặc biệt hơn là việc thiếu những dưỡng chất cần thiết sẽ gây thiếu hụt hormone estrogen và làm kỳ kinh nguyệt bị rối loạn.

Thần kinh căng thẳng quá mức, mệt mỏi, stress

Các bạn gái trong độ tuổi dậy thì thường bị rối loạn cảm xúc, không kiềm chế được cảm xúc, thần kinh thường xuyên bị căng thẳng, hành vi tiêu cực. Những vấn đề này đều ảnh hưởng đến kỳ kinh nguyệt. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định kỳ kinh nguyệt đều hay không, đến sớm hay muộn. Khi bị stress hormone adrenaline và cortisol sẽ tăng cao làm ảnh hưởng đến các hormone sinh dục bằng cách kìm hãm giải phóng chúng. Điều này dẫn đến kỳ kinh nguyệt sẽ không đều nếu không kiểm soát kịp thời những vấn đề trên.

Giảm cân hoặc tăng cân quá mức

  • Giảm cân quá mức: Việc giảm cân quá mức khiến cơ thể thiếu nhiều dưỡng chất cần thiết. Cùng với đó sẽ là sự suy giảm của hormone estrogen làm rối loạn hoạt động của tuyến yên và vùng dưới đồi gây tình trạng kinh nguyệt không đều.
  • Tăng cân quá mức: Việc tăng cân quá mức sẽ gây tình trạng thừa cân béo phì làm tăng sản sinh hormone estrogen. Việc tăng sản sinh estrogen cũng gây tình trạng kinh nguyệt không đều như việc suy giảm estrogen.

Nếu 2 tình trạng trên không được kiểm soát kịp thời sẽ rất có khả năng gây tình trạng vô kinh ở nữ giới.

Căng thẳng, stress dẫn đến kinh nguyệt không đều
Căng thẳng, stress dẫn đến kinh nguyệt không đều

Mắc buồng trứng đa nang

Buồng trứng có nhiều nang noãn nhưng không nang nào phát triển hoàn thiện được gây tình trạng không rụng trứng dẫn đến kinh nguyệt muộn. Đây là bệnh lý nguy hiểm. Nếu không phát hiện sớm có thể gây vô sinh. Nếu chị em thấy các dấu hiệu như chu kỳ kinh nguyệt dài, xuất hiện nhiều mụn trứng cá trên cơ thể, chân tay nhiều lông… thì hãy đến ngay bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

Ngủ không đủ giấc

Khi ngủ không đủ giấc, ngủ quá muộn sẽ gây tình trạng rối loạn nội tiết tố. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng gây kinh nguyệt không đều. Bạn nên đi ngủ trước 10h tối để cân bằng nội tiết tố của mình cũng như cải thiện sức khỏe.

Do tác dụng phụ của thuốc

Một trong những dấu hiệu của tuổi dậy thì là xuất hiện mụn trên mặt hoặc lưng. Việc dùng thuốc điều trị mụn cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt. Hoặc các loại thuốc chống đông máu, thuốc động kinh, aspirin, ibuprofen, thuốc chống trầm cảm… cũng ảnh hưởng tới chu kỳ kinh nguyệt.

Rối loạn tuyến giáp

Suy giảm hormone ở tuyến giáp do tuyến giáp hoạt động kém sẽ gây tình trạng đa kinh, rong kinh. Trái lại, nếu hormone này tăng đột ngột do tuyến giáp hoạt động quá mức sẽ gây tình trạng thiểu kinh hoặc vô kinh.

Sử dụng thuốc tránh thai

Việc sử dụng thuốc tránh thai khẩn cấp, thuốc tránh thai hàng ngày gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt bằng cách kích thích trứng chín và rụng dẫn đến có kinh nguyệt sớm.

Mắc bệnh lý phụ khoa

Các bạn nữ mắc một trong các bệnh lý sau có thể có kinh nguyệt sớm hơn bình thường: viêm âm đạo, u xơ tử cung, viêm cổ tử cung

Nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều
Nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều

Dấu hiệu nhận biết kinh nguyệt không đều

Một kỳ kinh nguyệt bình thường kéo dài từ 4 ngày đến 1 tuần và sẽ lặp lại trong vòng 28 ngày đến 30 ngày. Máu kinh ở người phụ nữ khỏe mạnh có màu đỏ tươi, không bị đông, mùi nồng nhưng không tanh. Bạn có thể nhận biết kinh nguyệt không đều qua các dấu hiệu sau đây:

  • Chu kỳ kinh nguyệt dài hơn 35 ngày gọi là kinh thưa.
  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 21 ngày gọi là kinh mau.
  • Nếu thời gian hành kinh trên 7 ngày gọi là rong kinh.
  • Thời gian hành kinh dưới 3 ngày.
  • Lượng máu kinh ra rất ít.
  • Lượng máu kinh ra nhiều hơn 60ml trong cả kỳ kinh, đây là lượng nhiều hơn mức bình thường.
  • Lượng máu kinh ra rất nhiều, cụ thể là nhiều hơn 150ml trong cả kỳ kinh gây mệt mỏi, choáng váng, có thể gây ngất xỉu gọi là băng kinh.
  • Đang không trong kỳ kinh nhưng vẫn bị ra máu gọi là rong huyết.
  • Máu kinh có màu sắc không bình thường, máu có màu đen bị lẫn các cục máu đông, máu lúc nhiều, lúc ít.
  • Bạn gái đã trên 18 tuổi nhưng vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt gọi là vô kinh nguyên phát.
  • Quá 3 tháng mà chưa hành kinh nếu trước đó kinh nguyệt rất đều hoặc quá 6 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh nguyệt không đều gọi là vô kinh thứ phát.
  • Trong thời kỳ có kinh đau bụng dữ dội, mệt mỏi, đau lưng… ảnh hưởng đến sinh hoạt gọi là thống kinh.
  • Xảy ra kinh nguyệt quá sớm đối với những bé gái dưới 10 tuổi.
  • Máu kinh vẫn có nhưng vì màng trinh kín hoặc cổ tử cung bị dính nên không thấy máu kinh chảy ra ngoài gọi là bế kinh.

Tác hại của kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có tác hại gì không? Đây hẳn là câu hỏi mà rất nhiều bạn gái ở độ tuổi dậy thì và các phụ huynh thắc mắc. Để trả lời cho câu hỏi này nhà thuốc Ngọc Anh xin đưa ra một số tác hại mà việc kinh nguyệt không đều gây ra:

  • Gây thiếu máu từ nhẹ đến nặng: Lượng máu khi hành kinh ra nhiều hoặc rất nhiều khiến cơ thể bị thiếu máu dẫn đến tình trạng chóng mặt, mệt mỏi hoặc nặng hơn là ngất xỉu. Đã có nhiều trường hợp vì thiếu máu quá nặng mà tim và não bộ bị nguy hại ảnh hưởng đến tính mạng.
  • Ảnh hưởng tới khả năng sinh con: một trong những nguyên nhân gây tình trạng kinh nguyệt không đều là do mắc bệnh phụ khoa. Nếu không đi khám và chữa trị kịp thời thì rất có thể bị ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nặng hơn có thể bị vô sinh.
  • Nhan sắc đi xuống: Người có kinh nguyệt không đều thường có nước da xanh xao, xuất hiện nhiều nốt mụn quanh cằm, miệng và lưng. Điều này làm cho chị em tự ti, stress, nội tiết tố nữ mất cân bằng. Hệ lụy là nhan nhắc đi xuống.
  • Làm khó xác định ngày rụng trứng.
  • Tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh. Vi khuẩn ngược dòng xâm nhập vào âm đạo gây viêm nhiễm âm đạo và xâm nhập buồng tử cung đi đến vòi trứng gây viêm phần phụ. Từ đó gây vô sinh, khó có con ở phụ nữ.
Tác hại của kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Tác hại của kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Các phương pháp chữa trị kinh nguyệt không đều tuổi dậy thì

Chữa kinh nguyệt không đều bằng cách tập yoga mỗi ngày

Tập yoga mỗi ngày giúp ích rất nhiều cho sức khỏe cũng như vóc dáng của bạn. Đã có nghiên cứu thực tế với 126 người tập yoga mỗi ngày 35 phút đến 40 phút, với tần suất 5 ngày/1 tuần trong 6 tháng giúp giảm nồng độ hormone gây ra chứng kinh nguyệt không đều. Nghiên cứu này đã chứng minh được yoga là một phương pháp hỗ trợ rất hiệu quả trong việc chữa kinh nguyệt không đều.

Tập yoga cũng giúp bạn giảm các thiểu các triệu chứng khi đến kỳ kinh nguyệt như đau bụng dữ dội, đau lưng hoặc các cảm xúc lo lắng, trầm cảm, khó chịu. Phụ nữ bị đau bụng kinh nguyên phát khi tập yoga cũng được cải thiện đáng kể các triệu chứng. Vì thế, nếu bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt thì hãy tìm đến yoga.  Hãy dành ra 30 phút mỗi ngày để tập yoga giúp thư giãn, giải tỏa căng thẳng, stress, điều hòa nội tiết tố, đưa kinh nguyệt trở về trạng thái bình thường.

Khi tập yoga, bạn không nên tập quá sức của mình, lắng nghe cơ thể của bạn, tập vừa đủ. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên đến trung tâm có giáo viên hướng dẫn tập đủ và đúng cách. Nếu bạn không có thời gian tới phòng tập thì bạn có thể xem các video hướng dẫn trên youtube và tập theo.

Tập yoga chữa kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì
Tập yoga chữa kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Mẹo nhỏ dùng cây ích mẫu trị kinh nguyệt không đều

Cây ích mẫu hay còn gọi là ích mẫu thảo chứa các hoạt chất quý như flavonoit, saponin, tanin, ancaloit. Ích mẫu thảo được biết đến là vị thuốc nam không thể thiếu với chị em vì nó có công dụng điều trị tắc kinh, kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ra nhiều, đau bụng kinh dữ dội.

Để điều trị các chứng rối loạn kinh nguyệt, chị em nên lấy 10g đến 12g sắc lấy nước uống liên tục trong 10 ngày. Sau 10 ngày chị em sẽ thấy cải thiện rõ rệt trong kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng các món ăn kết hợp với ích mẫu như:

  • Cháo ích mẫu: nguyên liệu có 100g gạo tẻ, 10ml nước ép ích mẫu, 40ml nước ép ngó sen, 40ml nước ép sinh địa, 4ml nước ép gừng tươi. Lấy gạo nấu thành cháo, khi cháo chín thì cho các loại nước ép như trên vào. Khuấy đều, nếu bạn thích ngọt có thể cho thêm đường hoặc mật ong để dùng.
  • Chè ích mẫu đại táo: nguyên liệu có 20g gừng tươi, 60g đường, 30 quả đại táo, 30g ích mẫu. Nấu những nguyên liệu này lên dùng để uống thay nước. Uống liên tục 5 ngày đến 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt.
  • Chè ích mẫu: nguyên liệu có 12g mần tưới, 30g ích mẫu. Sắc những nguyên liệu này lên, thêm một chút đường. Uống liên tục trong 5 ngày đến 7 ngày, mỗi ngày uống 1 lần.
  • Đậu đen hầm ích mẫu: nguyên liệu có 30g đường đỏ, 30g đậu đen, 30g ích mẫu. Nếu đến khi thấy đậu đen đã chín thì vớt bỏ bã cho 30ml rượu vào khuấy đều rồi uống.

Loại bỏ kinh nguyệt không đều với ngải cứu

Ngải cứu được mọi người biết đến nhiều là thực phẩm chế biến món ăn. Nhưng ít ai biết đến nó có công dụng khắc phục tình trạng kinh nguyệt không đều hiệu quả. Trong ngải cứu có các chất sterol có thể chữa chứng đau nhức phong thấp, trị viêm khớp, chữa rong kinh, bế kinh, đau bụng kinh và giúp kinh nguyệt ổn định. Ngoài ra, ngải cứu còn cải thiện tình trạng tắc kinh nhờ tính ấm nóng giúp đả thông kinh mạch.

Cách sử dụng ngải cứu như sau:

  • Cách 1: Nguyên liệu có ngải cứu khô, cánh hoa hồng, cá trê đã làm ngâm trong bia ướp với bột đậu đen. Nấu những nguyên liệu ngày cùng với khoảng 600ml nước thật nhừ trong khoảng 1 tiếng . Nấu xong chia làm 3 bữa để ăn sáng, trưa, tối. Dùng liên tục 3 lần/ 1 tuần để đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Cách 2: Nguyên liệu có 1 nắm ngải cứu tươi, rửa sạch, đun với khoảng 500ml nước, đun nhỏ lửa tầm 10 phút. Lấy nước uống ngày 3 lần. Uống trước khoảng 7 ngày đến 10 ngày trước kỳ kinh nguyệt để cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
  • Cách 3: Dùng ngải cứu như một loại rau trong bữa ăn.
Chữa kinh nguyệt không đều với ngải cứu
Chữa kinh nguyệt không đều với ngải cứu

Điều hòa kinh nguyệt bằng giấm táo

Giấm táo là được mệnh danh là vị thuốc thần chữa kinh nguyệt không đều tại nhà. Đã có chứng minh về việc sử dụng mỗi ngày khoảng 15ml giấm táo giúp điều hòa kinh nguyệt và điều trị hội chứng buồng trứng đa nang. Không những thế sử dụng giấm táo còn giúp cải thiện vóc dáng, giảm lượng đường trong máu rất hiệu quả.

Cách sử dụng giấm táo như sau: Dùng 15ml tương đương với 3 thìa cà phê, pha với nước ấm hoặc một chút mật ong để dễ uống hơn. Ngày uống 1 lần, sử dụng liên tục trước chu kỳ kinh nguyệt 10 ngày để đem lại hiệu quả tốt nhất.

Giảm tình trạng kinh nguyệt không đều với tinh bột nghệ

Tinh bột nghệ được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc Đông y nhờ công dụng chữa kinh nguyệt không đều siêu hiệu quả của nó. Nhờ có hoạt chất cucurmin có tính oxi hóa giúp giảm các triệu chứng tiền kinh nguyệt, ổn định nội tiết tố, giảm khả năng mắc rong kinh, chậm kinh hoặc mất kinh. Ngoài ra tinh bột nghệ còn giúp đả thông máu, từ đó chữa tắc kinh một cách hiệu quả.

Cách sử dụng tinh bột nghệ như sau:

  • Cách 1: Nguyên liệu có 100ml nước ấm dưới 50 độ, 1 thìa cà phê mật ong, 2 thìa cà phê tinh bột nghệ. Cho các nguyên liệu này vào cốc, khuấy đều rồi uống. Duy trì uống như thế 1 đến 2 tháng, mỗi ngày một cốc trước hoặc sau ăn 30 phút sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt hiệu quả.
  • Cách 2: Nguyên liệu có ích mẫu, ngải cứu, vài lát nghệ đã thái mỏng. Cho những nguyên liệu đã chuẩn bị vào nồi đất với 100ml nước, đun lửa nhỏ cho đến khi nước cạn còn một cốc nhỏ rồi để nguội uống trước hoặc sau ăn 2 tiếng.
Chữa kinh nguyệt không đều bằng tinh bột nghệ
Chữa kinh nguyệt không đều bằng tinh bột nghệ

Cách phòng tránh kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Khám bệnh, tầm soát các bệnh viêm nhiễm phụ khoa

Theo khuyến cáo của các bác sĩ phụ khoa, phụ nữ nên đi khám bệnh, tầm soát các bệnh viêm nhiễm phụ khoa 6 tháng 1 lần. Đặc biệt là khi bạn có các triệu như đã nêu trên về chứng kinh nguyệt không đều đồng nghĩa với việc cơ thể bạn đang có vấn đề về tâm sinh lý, nội tiết hoặc các bệnh lý khác. Nếu bạn đã dùng tất cả các phương pháp chữa kinh nguyệt tại nhà nhưng không thấy kinh nguyệt được điều hòa thì bạn nên đến phòng khám phụ khoa ngay. Vì tình trạng rối loạn kinh nguyệt kéo dài gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và cuộc sống của bạn. Nhờ việc thăm khám phụ khoa bạn có thể phát hiện được tình trạng viêm nhiễm, các bất thường về sức khỏe của bản thân hoặc có mắc buồng trứng đa nang sớm. Từ đó có phương pháp chữa trị kịp thời, không để bệnh nặng tiến triển xấu hơn.

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đúng cách

Một trong những nguyên nhân gây ra chứng kinh nguyệt không đều chính là vì chế độ ăn uống thất thường và nghỉ ngơi không đầy đủ. Nguyên nhân hàng đầu chính là thói quen thức khuya của các bạn trẻ ngày nay. Thói quen này gây ảnh hưởng đến sức khỏe và gây rối rối loạn nội tiết tố nữ. Thức khuya khiến cơ thể thiếu sức sống, ảnh hưởng tới chu kỳ rụng trứng, từ đó làm kinh nguyệt không đều. Bạn gái đang trong độ tuổi dậy thì nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày. Học hành căng thẳng, làm việc lao lực sẽ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Cùng với thời gian làm việc và học tập hãy nghỉ ngơi đầy đủ. Một giấc ngủ ngon và sâu giúp bạn giảm được các triệu chứng khi tới kỳ kinh nguyệt như đau lưng, đau bụng, tức ngực hay đau đầu.

Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp điều hòa kinh nguyệt và sức khỏe ổn định. Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh cay nóng. Trong độ tuổi dậy thì bạn không nên sử dụng chất kích thích như cà phê, bia, rượu. Vì chúng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển về chiều cao cũng như thể chất của bạn. Thay vào đó, trong khẩu phần ăn của bạn hãy bổ sung các thực phẩm có chất xơ, vitamin A, vitamin B, omega 3, khoáng chất cần thiết…Từ đó sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và một chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.

Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học
Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi khoa học

Tăng cường tập thể dục thường xuyên

Tạo cho bản thân thói quen tập thể dục hàng ngày vào mỗi buổi sáng và buổi chiều sẽ giúp bạn có một cơ thể khỏe mạnh và ổn định nội tiết tố nữ. Ở lứa tuổi dậy thì, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tăng sức đề kháng, tăng trưởng chiều cao, tăng cường lưu thông máu và cân bằng nội tiết tố trong cơ thể. Tuy nhiên, bạn không được ép bản thân tập luyện quá sức, điều này sẽ gây phản tác dụng. Bạn hãy tập những bài tập nhẹ nhàng như hít thở đều và sâu, bài tập thể dục 7 động tác, chạy bộ cự ly ngắn…để giúp bản thân chống lại chứng rối loạn kinh nguyệt.

Vệ sinh vùng kín sạch sẽ

Lứa tuổi dậy thì là lứa tuổi vẫn còn rất bỡ ngỡ trong việc vệ sinh vùng kín. Việc vệ sinh vùng kín ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và là một trong những yếu tố quyết định việc có bị mắc các bệnh phụ khoa hay không. Đặc biệt, chu kỳ kinh nguyệt là thời điểm mà vùng kín rất dễ bị các vi khuẩn và nấm mốc xâm nhập. Vào những ngày đèn đỏ, bạn gái cần vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ. Việc vệ sinh vùng kín sạch sẽ có những tác dụng sau:

  • Đem lại tự tin, sự thoải mái cho bạn gái, loại bỏ mùi hôi khó chịu từ vùng kín.
  • Giúp bảo vệ, cấp ẩm cho bộ phận sinh dục, từ đó tránh nhiễm bệnh cho vùng kín.
  • Giúp se khít vùng kín, mềm mại vùng da quanh vùng kín một cách hiệu quả.
  • Giảm nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa nguy hiểm do kỳ đèn đỏ không vệ sinh vùng kín sạch sẽ.

Tuy nhiên khi vệ sinh vùng kín bạn cần lưu ý những điều sau đây để tránh phản tác dụng:

  • Không sử dụng xà bông để rửa vùng kín vào những ngày đèn đỏ. Thay vào đó hãy sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ có chiết xuất từ thiên nhiên, dược liệu, không chất hóa học. Nên rửa vùng kín nhẹ nhàng với nước ấm.
  • Không được để băng vệ sinh quá 3 đến 4 tiếng. Nên thay bằng đúng thời gian và thực hiện thay băng một cách nhẹ nhàng.
  • Nên tắm bằng vòi hoa sen, không nên ngâm mình trong bồn tắm quá lâu trong thời kỳ kinh nguyệt vì việc ngâm nước sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào vùng kín gây ra các căn bệnh phụ khoa.
  • Thay quần chip thường xuyên để đảm bảo vùng kín được thông thoáng, sạch sẽ.
  • Không được dùng băng vệ sinh kém chất lượng, hãy sử dụng băng vệ sinh của các nhãn hàng uy tín.
  • Trước mỗi lần thay băng vệ sinh hãy vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khoảng 4 đến 5 lần/ 1 ngày.

Một số câu hỏi thường gặp khi bị rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có sao không?

Đây chắc hẳn là câu hỏi của rất nhiều bạn gái trong độ tuổi dậy thì và các phụ huynh. Trong 1 đến 2 năm đầu ở tuổi dậy thì sau khi có kinh nguyệt, do nội tiết tố, hệ thống trục vùng dưới đồi- tuyến yên- buồng trứng chưa ổn định khiến chu kỳ kinh nguyệt của bạn gái không đều. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ không kéo dài lâu. Nếu bạn nữ không gặp bất kỳ tình trạng sinh lý, bệnh lý bất thường nào thì tình trạng này sẽ dần ổn định khi bạn nữ bước vào độ tuổi trưởng thành. Chính vì thế, bạn không cần quá lo lắng. Tuy hiên, nếu bạn gái mất kinh trong quá 3 tháng thì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn gái đang mắc phải các căn bệnh phụ khoa có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này.

Chu kỳ kinh nguyệt tính như thế nào?
Chu kỳ kinh nguyệt tính như thế nào?

Cần làm gì khi phát hiện kinh nguyệt không đều?

Khi bạn phát hiện ra các dấu hiệu về việc kinh nguyệt của bạn không đều thì bạn cần chữa trị ngay. Bạn có thể tham khảo một số cách chữa trị kinh nguyệt tại nhà như: tập yoga mỗi ngày, dùng cây ích mẫu, dùng rau ngải cứu, uống giấm táo hoặc tinh bột nghệ. Ngoài ra bạn cần phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đúng cách, tăng cường tập thể dục thường xuyên và vệ sinh vùng kín sạch sẽ. Nếu bạn đã dùng các cách chữa trị kinh nguyệt không đều này nhưng không thấy tình trạng được cải thiện thì hãy đến ngay phòng khám phụ khoa để thăm khám ngay vì có thể bạn đang mắc một trong những căn bệnh phụ khoa khiến cho kinh nguyệt của bạn không đều.

Trễ kinh 1 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?

Vòng kinh của một người bình thường là 28 ngày đến 30 người. Tuy nhiên, ở lứa tuổi dậy thì, lần có kinh thứ hai có thể là 35 ngày đến 40 ngày hoặc có thể trễ hơn. Vì thế các bậc phụ huynh và các bạn gái không cần quá lo lắng về việc bị trễ kinh 1 tháng ở tuổi dậy thì. Bởi vì ở lứa tuổi này, các hormone nội tiết tố, hệ thống trục vùng dưới đồi- tuyến yên- buồng trứng chưa ổn định sẽ khiến kinh nguyệt của các bạn nữ đến sớm hoặc đến muộn hơn khoảng thời gian bình thường.

13 tuổi chưa có kinh nguyệt có bình thường không?

Theo như thông tin mà nhà thuốc đưa ra, độ tuổi để các bạn nữ có kinh nguyệt lần đầu tiên là 11 tuổi đến 18 tuổi. Độ tuổi 13 tuổi vẫn nằm trong khoảng này nên bạn không cần quá lo lắng khi chưa thấy kỳ kinh nguyệt lần đầu tiên. Tuy nhiên nếu trước 11 tuổi đã có kinh nguyệt hoặc sau 18 tuổi mà chưa xuất hiện kinh nguyệt thì bạn nên đi đến phòng khám phụ khoa để thăm khám ngay. Vì đây là dấu hiệu cho thấy bạn đang bị rối loạn kinh nguyệt hoặc mắc bệnh phụ khoa.

Làm thế nào để giảm đau bụng kinh ở tuổi dậy thì?

Đau bụng kinh hẳn là mối lo của rất nhiều bạn nữ khi đến ngày đèn đỏ. Đau bụng kinh là khi bị đau bụng dưới hoặc đau ở vùng thắt lưng. Để giảm thiểu chứng đau bụng kinh bạn nên vệ sinh vùng kín thật sạch sẽ, có một tinh thần thật thoải mái, không được quá áp lực khi chuẩn bị tới kỳ kinh nguyệt. Hoặc bạn cũng có thể bổ sung một số thực phẩm giúp giảm đau bụng kinh như: dứa, hạt bí đỏ, đậu đỏ, đậu tương, đậu xanh, rau ngải cứu, gừng… Bạn nên tập luyện thể dục thường xuyên, xây dựng một lối sống lành mạnh cũng giúp giảm đau bụng kinh rất hiệu quả.

Để giảm đau bụng kinh ngay bạn có thể dùng phương pháp chườm nóng vùng bụng, massage bụng nhẹ nhàng, đặc biệt là phải làm ấm cơ thể. Một số thuốc chữa đau bụng của Tây y như thuốc nội tiết tố, thuốc chống co thắt, thuốc ức chế prostaglandin, thuốc nội tiết tố, thuốc chống co thắt.

Kinh nguyệt kéo dài 15 ngày bị bệnh gì?

Ở người bình thường, kinh nguyệt sẽ kéo dài từ 3 ngày đến 1 tuần. Kinh nguyệt kéo dài 15 ngày tức là nằm ngoài khoảng bình thường. Kinh nguyệt kéo dài khiến lượng máu kinh mất đi nhiều dẫn đến cơ thể mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, nặng hơn có thể ngất xỉu. Kinh nguyệt kéo dài 15 ngày tức là bạn đang bị rong kinh. Điều này khiến việc vệ sinh vùng kín khó khăn hơn tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập phần phụ gây viêm nhiễm và gây ra các bệnh phụ khoa nguy hiểm như buồng trứng đa nang, u xơ tử cung,… Khi phát hiện ra kinh nguyệt kéo dài hơn 7 ngày, bạn nên đến phòng khám phụ khoa thăm khám để biết được tình trạng của cơ thể và chữa trị bệnh kịp thời.

Lưu ý cần thiết khi phát hiện kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Khi phát hiện kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì, trước tiên bạn nữ và các phụ huynh cần bình tĩnh và xem xét lại lối sống trong mấy tháng gần đây. Để yên tâm hơn, bạn nên đi khám ở các bệnh viện hoặc phòng khám phụ khoa uy tín để biết được tình trạng cơ thể của mình.

Khi phát hiện chứng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì bạn cần lưu ý sau:

  • Khi chu kỳ kinh nguyệt không đều trong 1 đến 2 năm từ khi bắt đầu có kinh thì không nên quá lo lắng vì đây là hiện tượng bình thường ở lứa tuổi dậy thì. Sau khoảng thời gian này kinh nguyệt sẽ ổn định. Tuy nhiên nếu hoàn toàn không có kinh trong 3 tháng thì nên đi khám bác sĩ để biết được tình trạng của cơ thể.
  • Các mẹ nên hướng dẫn các con cụ thể về cách vệ sinh sạch sẽ vùng kín khi đến kỳ kinh nguyệt và cách sử dụng băng vệ sinh đúng cách.
  • Các bậc phụ huynh cần nói cho trẻ biết khi có kinh nguyệt tức là đã có khả năng có thai khi quan hệ tình dục. Cùng với nó là hướng dẫn cách phòng tránh thai an toàn.
  • Cần xây dựng một lối sống lành mạnh để có được kinh nguyệt đều đặn và cơ thể khỏe mạnh.
  • Bổ sung đầy đủ dưỡng chất, các loại vitamin và uống nhiều nước để giảm triệu chứng đau bụng, đau thắt lưng của kỳ kinh nguyệt.
  • Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý mà bất kỳ người con gái nào cũng phải trải qua. Khi có kinh nguyệt bạn nữ sẽ cảm thấy khó chịu, stress, đau bụng, đau thắt lưng…

Trên đây là tất cả những thông tin về chứng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì nhà thuốc Ngọc Anh đưa tới độc giả. Những thông tin của bài viết mang tính chất tham khảo cho mọi người khi cần thêm thông tin. Nhà thuốc mong những thông tin này có ích với bạn. Cảm ơn và hãy theo dõi nhà thuốc để cập nhập những thông tin mới nhất.

Xem thêm:

Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 

Bệnh huyết trắng: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị

Tài liệu tham khảo

Tác giả: nhân viên của Mayo Clinic Staff, Menstrual cycle: What’s normal, what’s not, Mayo Clinic, đăng ngày 29 tháng 04 năm 2021. Truy cập ngày 06 tháng 12 năm 2021))

1 thoughts on “Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here