Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ và cách tăng chất lượng sữa mẹ

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhathuocngocanh.com – Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho bé vì nó hoàn toàn phù hợp với đường tiêu hoá của bé. Nó dễ tiêu hóa và chứa đúng lượng chất dinh dưỡng thiết yếu và các yếu tố khác góp phần vào sức khỏe miễn dịch và sự phát triển của trẻ. Mỗi nhóm dưỡng chất từ ​​sữa mẹ đều có những lợi ích cụ thể đối với sức khỏe. Cả mẹ và bé đều được hưởng lợi từ việc cho con bú. Chính vì vậy, trong bài viết này, Nhà Thuốc Ngọc Anh xin gửi đến bạn đọc những thông tin về sữa mẹ, dinh dưỡng và hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ đúng cách.

Sữa mẹ được tạo ra như thế nào?

Khi mang thai, bầu ngực của người mẹ bắt đầu phát triển và hoàn thiện, sẵn sàng để tạo sữa. Các mô tạo sữa phát triển nhanh chóng trong suốt giai đoạn mang thai, người mẹ có thể nhận thấy ngực của mình trở nên tròn trịa và mềm mại hơn. Sau khi bạn sinh con, hormone thai kỳ giảm xuống, sau đó giúp hormone tiết sữa, prolactin, được giải phóng. Prolactin gửi tín hiệu cho ngực tạo sữa. Hormone và việc bé bú đều khiến ngực người mẹ tiết ra sữa. Con bú càng nhiều, bạn càng tạo ra nhiều sữa . Khi em bé của bạn bú, một loại hormone khác là oxytocin, làm co bóp các cơ quanh nang. Nó giải phóng sữa vào ống dẫn sữa của bạn, di chuyển tới núm vú và chảy vào miệng trẻ.

Thành phần dinh dưỡng trong sữa mẹ

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ bao gồm 87% nước, 1% protein, 4% lipid và 7% carbohydrate (bao gồm 1 đến 2,4% oligosacarit). Ngoài ra trong sữa mẹ cũng chứa nhiều khoáng chất (Canxi, Phốt pho, Magiê, Kali, Natri,…) và nhiều loại vitamin. So với sữa bò, sữa mẹ chứa ít protein hơn (3,5% trong sữa bò), và đặc biệt là tỷ lệ casein (trên tổng protein) thấp hơn, tối đa 50% (trong sữa bò 80%). Không có β-lactoglobulin; một số protein nhỏ có nhiều hơn trong sữa mẹ (lysozyme, lactoferrin,…) và điều này cũng tương tự đối với phần nitơ phi protein (urê, axit amin tự do, bao gồm taurine). Do đó, hàm lượng protein trong sữa mẹ thấp, có lẽ là thấp nhất trong số tất cả các loại sữa của động vật có vú.

Một điểm đặc biệt khác của sữa mẹ là tỷ lệ axit béo không bão hòa đa chuỗi dài (APGI-LC) cao nhất, ω6 (chẳng hạn như axit arachidonic) và ω3 (chẳng hạn như axit eicosapentaenoic và docosahexaenoic [DHA]), có nguồn gốc từ các axit béo thiết yếu: axit linoleic và α-linolenic. Những axit béo này rất quan trọng cho sự phát triển trí não của trẻ sơ sinh. So với sữa bò, sữa mẹ còn chứa nhiều cholesterol hơn, đây là tiền chất của hormone và cũng tham gia vào quá trình phát triển trí não. Sữa cũng chứa các enzym bao gồm Lipase kích thích muối mật (BSSL), cho phép tiêu hóa lipid tốt hơn và sử dụng tốt hơn chất béo trung tính (95% tổng lượng lipid), và có lẽ là LC-PUFA, cholesterol và vitamin tan trong chất béo.

Giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ
Giá trị dinh dưỡng của sữa mẹ

Lợi ích của sữa mẹ

Từ lâu, chúng ta đã biết rằng việc cho con bú sữa mẹ rất có lợi và quan trọng đối với sức khỏe của cả mẹ và bé; sở dĩ điều này quan trọng bởi nhiều lý do. Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đã được công nhận, sữa mẹ giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ sơ sinh trong những tuần đầu đời. Người mẹ cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hoặc càng lâu thì rủi ro về sức khỏe của của cả hai càng thấp.

Cụ thể lợi ích của việc bú sữa mẹ ở trẻ là:

  • Có tác dụng bảo vệ cao đối với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, với nguy cơ tử vong giảm 12% so với trẻ không bú mẹ.
  • Giảm nhiễm trùng đường hô hấp và đường tiêu hóa trong những tuần đầu đời của trẻ sơ sinh, có thể liên quan đến thành phần của sữa non (sữa non trong 3 ngày đầu đời) và sữa mẹ giúp bảo vệ miễn dịch cho trẻ.
Tại sao sữa mẹ lại có lợi cho trẻ sơ sinh?
Tại sao sữa mẹ lại có lợi cho trẻ sơ sinh?

Đối với em bé, không được bú mẹ (hoặc bú mẹ trong thời gian ngắn hơn), làm tăng nguy cơ:

  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp.
  • Nhiễm trùng tai
  • SIDS hay còn gọi là hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
  • Viêm ruột hoại tử ở trẻ sinh non.
  • Nhiễm trùng huyết ở trẻ sinh non.
  • Bệnh bạch cầu.
  • Sai khớp cắn răng.
  • Thừa cân và béo phì.
  • Chỉ số thông minh thấp hơn.

Hơn nữa, bên cạnh những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ, người ta cũng thấy được những lợi ích đối với người mẹ khi cho con bú, kể cả về lâu dài như sau:

  • Giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng.
  • Giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, với tác động mạnh mẽ đến thời gian cho con bú.

Đối với mẹ, việc không cho con bú hoặc cho con bú trong thời gian ngắn hơn sẽ làm tăng nguy cơ:

  • Ung thư vú.
  • Bệnh ung thư buồng trứng.
  • Bệnh tiểu đường loại 2 và huyết áp cao.
  • Bệnh tim và đột quỵ.

Các loại sữa mẹ

Sữa mẹ ở giai đoạn nào đi chăng nữa đều quan trọng trong việc nuôi dưỡng em bé. Có ba giai đoạn của sữa mẹ:

Giai đoạn 1: Sữa non

Đây là sữa đặc đầu tiên mà ngực người mẹ tạo ra khi mang thai và ngay sau khi sinh. Các bà mẹ và bác sĩ có thể thấy loại sữa này có màu màu trắng đục, màu vàng, màu vàng cam, màu vàng nhạt, màu kép khi lại có màu trong suốt. Sữa non của mẹ rất có giá trị đối với em bé. Sữa non rất giàu chất dinh dưỡng và có kháng thể bảo vệ bé khỏi các bệnh nhiễm trùng. Sữa non còn giúp hệ tiêu hóa của bé phát triển và hoạt động tốt.

Giai đoạn 2: Sữa chuyển tiếp

Sữa chuyển tiếp đến khi sữa mẹ trưởng thành dần dần thay thế sữa non. Bạn sẽ tạo sữa chuyển tiếp từ 2-5 ngày sau khi sinh cho đến tối đa 2 tuần sau khi sinh. Bạn có thể nhận thấy rằng ngực của bạn trở nên căng hơn và ấm hơn và sữa của bạn dần dần chuyển sang màu trắng xanh. Trong thời gian này, sữa mẹ của bạn thay đổi để đáp ứng nhu cầu của bé.

Giai đoạn 3: Sữa trưởng thành

Khoảng 10-15 ngày sau khi sinh, bạn bắt đầu tạo sữa trưởng thành. Giống như mỗi giai đoạn của sữa mẹ, nó có tất cả các chất dinh dưỡng mà bé cần. Lượng chất béo trong sữa trưởng thành thay đổi khi bạn cho bé bú. Hãy để bé bú hết bầu vú đầu tiên của bạn trước khi chuyển sang bầu vú bên kia trong khi bú. Điều này sẽ giúp em bé của bạn nhận được hỗn hợp các chất dinh dưỡng phù hợp trong mỗi lần bú.

Ngoài ra còn có hai loại sữa mà người ta hay nhắc đến là sữa đầu bữa và sữa cuối bữa. Sữa đầu và sữa cuối không phải là các loại sữa khác nhau. Chúng chỉ là những thuật ngữ đề cập đến việc chúng ta đang xem sữa khi bắt đầu hay kết thúc cữ bú. Sữa đầu bữa nghĩa là loại sữa được tiết ra vào lúc bắt đầu mẹ cho trẻ bú; sữa cuối là sữa cuối cữ bú là loại sữa được tiết ra vào cuối cữ bú. Loại sữa cuối bữa có hàm lượng chất béo cao hơn sữa lúc bắt đầu cữ bú.

Sữa mẹ ở từng giai đoạn sẽ có sự khác nhau như thế nào?
Sữa mẹ ở từng giai đoạn sẽ có sự khác nhau như thế nào?

Nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào là đúng cách?

Dưới đây là một số nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ mà các bậc phụ huynh có thể bỏ túi để có thể đảm bảo mình đang cho con bú đúng cách, giúp bố mẹ nuôi trẻ khỏe mạnh:

  • Nên cho con của bạn bú càng sớm càng tốt. Bạn có thể cho con bú ngay sau sinh trong vòng khoảng 1 giờ đầu. Việc cho con bú sẽ giúp mẹ kích thích tiết sữa. Sữa non, được sản xuất trong vòng 5 ngày sau khi sinh, cũng chứa nhiều tế bào miễn dịch (đại thực bào và tế bào lympho) rất có lợi cho sức khỏe của trẻ.
  • Nhiều mẹ phân vân không biết liệu có nên cho trẻ bú đêm nhiều lần, trẻ sơ sinh mà đòi bú liên tục thì có nên cho con bú không? Câu trả lời là có, bất kể khi nào con của bạn muốn bú dù đó là đêm hay ngày.
  • Nên cho con của bạn bú mẹ trong vòng 6 tháng đầu, trong khoảng thời gian này bạn không cần cho con mình ăn thêm bất kỳ loại đồ ăn đồ uống nào khác.
  • Hãy cho con của bạn bú đủ cả hai bên vú. Khi nào trẻ bú hết một bên vú này thì hãy chuyển sang bên còn lại. Bởi điều này sẽ đảm bảo con của bạn được bú cả sữa đầu và sữa cuối của mẹ.
  • Thời gian bú trẻ sơ sinh? Trẻ bú mẹ bao nhiêu phút là đủ? Nên cho con của bạn bú trung bình mỗi bữa bú là từ 15-20 phút.
  • Cho trẻ con bú sữa mẹ trong thời gian bao lâu? Chưa có khuyến nghị về thời gian cho con bú bao lâu thì cai sữa nên người mẹ cho con của mình bú đến một khoảng thời gian nhất định mà mẹ cảm thấy bé đã sẵn sàng rời xa nguồn sữa. Tốt nhất nên cho trẻ bú đến 2 tuổi rồi cai hoặc có thể lâu hơn. Điều này tùy thuộc điều kiện và hoàn cảnh của mỗi mẹ.
  • Nếu như người mẹ bị bệnh hoặc trẻ bị ốm không thể tự bú được thì người mẹ có thể vắt sữa rồi cho con sử dụng bằng thìa.

Các tư thế cho trẻ bú đúng cách

Với những người làm mẹ lần đầu thì việc cho con bú chắc hẳn sẽ có nhiều bỡ ngỡ và không biết nên cho con bú như thế nào là đúng cách, giúp trẻ không bị sặc sữa khi bú. Dưới đây chúng tôi sẽ hướng dẫn một số tư thế cho bé bú đúng cách:

Tư thế ôm nôi

Đây là tư thế có thể nói là khiến cả mẹ và bé cảm thấy thoải mái khi con bú. Tư thế bế này rất phổ biến vì nó dễ dàng và thoải mái đối với nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh. Bình thường trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc ngậm ti mẹ. Nhưng với cách bú này sẽ giúp giữ hướng miệng bé đến vú của mẹ dễ dàng hơn.

Kỹ thuật của tư thế này như sau: Đối với vú bên phải, hãy bế em bé bằng cánh tay phải của bạn. Cho trẻ nằm nghiêng bên trái trong lòng mẹ, đối mặt ngang với núm vú. Đầu của bé sẽ tựa trên cánh tay phải của bạn, lưng của bé nằm dọc theo cánh tay và lòng bàn tay của bạn. Xoay bụng của bé về phía bụng của bạn. Tay trái của bạn có thể tự do đỡ ngực nếu cần. Bên cạnh đó mẹ có thể sử dụng gối đặt ở dưới tay, điều này có thể giúp giảm áp lực lên cánh tay và khuỷu tay của bạn. Đặt gối sau lưng cũng có thể giúp bảo vệ lưng của bạn. Cho bú xong vú phải lại đảo sang vú trái, cho con bú bên nào trước cũng được.

Tư thế ôm nôi
Tư thế ôm nôi

Tư thế nằm nghiêng

Tư thế nằm nghiêng được nhiều bà mẹ lựa chọn khi cho con bú bởi tư thế này sẽ giúp trẻ ti được nhiều sữa nhất và người mẹ cũng cảm thấy thư giãn, thoải mái khi cho con bú. Tuy nhiên cũng chính điều này khiến nhiều lúc cả mẹ và con ngủ quên. Tình trạng này có thể khiến mẹ quên không rút ti ra khỏi miệng của con mình dẫn tới ti mẹ đè lên mũi của con dẫn đến trẻ bị ngạt thở. Vì thế khi cho con bú mẹ cần cẩn thận để đảm bảo an toàn cho con.

Cách cho trẻ nằm bú đúng cách như sau: Bạn và bé nằm nghiêng quay mặt vào nhau. Ngực của bé phải đối diện với ngực của bạn và miệng của bé phải ngang với núm vú của bạn. Kéo bé lại gần. Ở tư thế này, bạn có thể dùng cẳng tay đỡ lưng bé. Sử dụng gối đặt sau lưng người mẹ để hỗ trợ làm giảm áp lực.

Tư thế bú kiểu nằm nghiêng
Tư thế bú kiểu nằm nghiêng

Tư thế cho bú kiểu ôm bóng bầu dục

Tư thế này thường được những bà mẹ sinh mổ, đang cho bú cặp song sinh, sinh non, những bà mẹ có bộ ngực kích thước lớn, núm vú của bạn phẳng hoặc thụt vào trong. Tư thế này có thể giúp trẻ sơ sinh tránh bị trào ngược.

Cách cho trẻ bú mẹ ở tư thế kiểu ôm bóng bầu dục như sau: Nếu cho trẻ cho con bú ở bên vú bên phải, giữ em bé của bạn ngang bằng, hướng lên trên, ở bên phải của bạn. Đặt đầu của bé gần núm vú bên phải của bạn và đỡ lưng và chân của bé dưới cánh tay phải của bạn. Nhẹ nhàng giữ phần đầu của bé bằng lòng bàn tay phải của bạn. Để một chiếc gối dưới cánh tay phải của bạn, điều này có thể giúp nâng đỡ trọng lượng của em bé. Để bảo vệ lưng của bạn, tránh cúi xuống em bé của bạn, thay vào đó hãy kéo em bé lên sát đối với bạn. Bên kia cũng tương tự như vậy.

Tư thế ôm bóng bầu dục thích hợp với những bà mẹ sinh mổ
Tư thế ôm bóng bầu dục thích hợp với những bà mẹ sinh mổ

Tư thế cho bú ngả lưng

Dựa lưng vào một chiếc gối, với mặt trước của em bé áp vào bạn. Một số bà mẹ thấy rằng tư thế ngồi tương đối thẳng có tác dụng tốt. Những một vài trường hợp khác lại thích ngả người ra sau để họ nằm gần như bằng phẳng. Khi bạn ngả người về phía sau như vậy, cơ thể bạn sẽ ôm lấy em bé nên hai tay bạn được tự do, mẹ có thể dùng tay để hỗ trợ em bé khi cần. Đặt má của bé gần vú của bạn. Một số bà mẹ thấy hữu ích khi sử dụng một tay để đặt vú gần con.

Tư thế ngả lưng
Tư thế ngả lưng

==>> Xem thêm bài viết sau: Chuyên gia giải đáp: Sự thật sữa mẹ nhiễm covid có thể chuyển màu xanh?

Những vấn đề người mẹ có thể gặp phải trong quá trình cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ là một hành trình với những thăng trầm khác nhau đối với người mẹ. Người mẹ có thể gặp một số khó khăn sau khi cho con bú mẹ:

Sữa mẹ về ít

Nhiều mẹ bị lo lắng do sữa mẹ không về hoặc không đủ sữa. Nhưng đừng quá lo lắng hãy thử các biện pháp giúp sữa mẹ nhiều. Ngực của người mẹ phải được kích thích thường xuyên trong những giờ, ngày và tuần đầu tiên sau khi sinh để sữa mẹ về.

Dưới đây là một số mẹo giúp bạn tạo ra nhiều sữa hơn:

  • Cho con bú thường xuyên, ít nhất hai đến ba giờ một lần.
  • Trong những tuần đầu tiên, em bé của bạn sẽ ăn từ 8 đến 12 lần trong 24 giờ. Vắt sữa bằng tay là một trong những cách tốt nhất để tăng sản lượng sữa.
  • Nên cho con bú cả hai vú trong mỗi lần cho ăn. Thỉnh thoảng bé chỉ bú một bên vú cũng không sao, nhưng nếu điều này xảy ra thường xuyên, nguồn sữa của bạn sẽ giảm.
  • Tránh bình sữa và núm vú giả trong những tuần đầu tiên.

Căng sữa (vú sưng cứng và đau)

Ngực của người mẹ có thể to hơn, nặng hơn và hơi mềm khi ngực căng sữa là điều bình thường. Tình trạng căng tức ngực bình thường này sẽ dần biến mất sau vài ngày khi cơ thể điều chỉnh theo nhu cầu bú của em bé. Tuy nhiên, căng sữa có thể dẫn đến tắc ống dẫn sữa hoặc nhiễm trùng vú, vì vậy điều quan trọng là phải cố gắng ngăn ngừa trước khi điều này xảy ra.

Viêm vú và nhiễm nấm

Viêm vú là một bệnh nhiễm trùng vú thường do nhiễm vi khuẩn từ núm vú bị tổn thương. Vú của bà mẹ có thể đột nhiên trở nên cứng, đỏ, ấm hoặc đau. Tuy nhiên, các vệt đỏ, sốt hoặc các triệu chứng giống cúm là những dấu hiệu muộn.

Bệnh tưa miệng, một bệnh nhiễm nấm , là một vấn đề phổ biến khác ở các bà mẹ và trẻ sơ sinh đang cho con bú. Đây là một bệnh nhiễm trùng do sự phát triển quá mức của nấm men. Nó có thể khiến núm vú bị đau, đau nhức ở ngực và có những đốm trắng ở bên trong má, lưỡi hoặc nướu của bé.

Núm vú bị đau

Khi mẹ mới bắt đầu cho con bú, núm vú có thể nhạy cảm, nhưng không gây đau như những gì bạn đã nghe, việc cho con bú không bao giờ gây đau đớn. Việc cho con bú sẽ trở nên thoải mái khi bạn đã tìm thấy một số tư thế phù hợp. Hãy thử thay đổi tư thế mỗi khi bạn cho con bú để tạo áp lực lên một phần khác của vú.

Núm vú bị thụt vào trong

Cũng giống như rốn của chúng ta, núm vú của phụ nữ có đủ hình dạng và kích cỡ. Nếu núm vú của bạn thụt vào trong, đôi đó có thể khiến việc cho con bú trở nên khó khăn hơn, nhưng vẫn có những biện pháp khắc phục. Nếu bạn lo lắng rằng em bé của bạn không bú tốt do hình dạng hoặc kích thước núm vú, hãy nói chuyện với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Họ có thể hướng dẫn bạn các bước để giúp bạn và con bạn được tốt hơn.

Bé đầy hơi hoặc quấy khóc sau khi bú

Nếu bạn nhận thấy con mình đầy hơi, đầy hơi hoặc quấy khóc sau khi bú, có thể trẻ đang nuốt hoặc hớp nhiều không khí và có thể không ngậm bú đúng cách.
Thức ăn của mẹ ảnh hưởng đến chất lượng sữa như thế nào?
Nhiều mẹ vẫn truyền nhau kinh nghiệm rằng việc mẹ ăn đồ ăn linh tinh sẽ khiến cho việc con bú mẹ bị tiêu chảy hay nếu như mẹ ăn đồ ăn cay nóng thì sẽ khiến cho sữa mẹ nóng dẫn đến con bị chậm tăng cân,… Hiển nhiên là những thức ăn mà người mẹ ăn chứa những chất gì thì những chất đó sẽ vào được sữa mẹ. Thời gian để các chất trong thức ăn mà người mẹ đã ăn đi vào sữa mẹ trung bình 4-6 giờ nhưng cũng có những chất có thể vào sữa mẹ trong vòng một giờ sau khi ăn hoặc cũng có thể muộn hơn là 24 giờ. Vậy thức ăn ảnh hưởng đến từng thành phần trong sữa mẹ như thế nào?

Hàm lượng protein
Chế độ ăn của mẹ thường không ảnh hưởng đến số lượng hoặc chất lượng protein của sữa, ngay cả khi mẹ ăn những đồ không chứa nhiều dưỡng chất.

Hàm lượng chất béo
Tỷ lệ chất béo trong chế độ ăn của mẹ có ảnh hưởng nhỏ đến số lượng acid béo trong sữa mẹ; tuy nhiên, loại chất béo mà người mẹ ăn vào có ảnh hưởng đến thành phần acid béo trong sữa. Ví dụ, mẹ tiêu thụ các acid béo omega-3 chuỗi dài không no (n-3 LCPUFA), bao gồm acid docosahexaenoic) (DHA), sẽ ảnh hưởng đến nồng độ các acid béo này trong sữa mẹ. Sự liên quan của n-3 PUFA đến sự phát triển não của trẻ đã được đưa ra, nhưng chưa được xác nhận bởi hầu hầu hết các nghiên cứu lâm sàng.

Các sự thay đổi khác về hàm lượng acid béo của sữa mẹ có thể ít mối liên quan lâm sàng. Ví dụ, những bà mẹ có chế độ ăn ít chất béo sản xuất ra sữa mẹ với phần acid béo chuỗi vừa cao hơn 1 chút so với bà mẹ có chế độ ăn nhiều chất béo.
Tiêu thụ chất béo và dầu đã hydro hóa 1 phần cũng ảnh hưởng đến thành phần acid béo trong sữa. Ví dụ, nồng độ acid linoleic cao hơn trong sữa của những bà mẹ ăn chay so với nhóm chứng không ăn chay. Tuy nhiên, chế độ ăn không ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol và phospholipid trong sữa mẹ.
==>> Xem thêm bài viết: Acid béo không no (LCPUFAs) cho trẻ đẻ non và trẻ đủ tháng (phần 1)

Các vitamin tan trong dầu
Nồng độ các vitamin tan trong dầu ở sữa bị giảm ở các bà mẹ thiếu vitamin và tăng sau khi được bổ sung. Cụ thể:
Hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ là rất thấp. Vì vậy, tất cả trẻ nhũ nhi cần được bổ sung vitamin D để ngăn ngừa còi xương, Điều này đặc biệt quan trọng đối với những bè mẹ thiếu vitamin D. Một cách có thể bổ sung vitamin D là dùng vitamin D liều cao vừa phải ở những bà mẹ cho con bú (4000-6400 UI/ngày, gấp khoảng 10 lần liều khuyến cáo), sẽ làm tăng hàm lượng vitamin D trong sữa mẹ đến mức đáp ứng được nhu cầu của trẻ. Khuyến cáo không sử dụng liều cao hơn do ergocalciferol 2500 mcg (100000 UI/ngày, tức là gấp >150 lần liều khuyến cáo) dẫn đến nồng độ ngộ độc trong sữa.
Nồng độ vitamin K trong sữa mẹ khác nhau giữa các mẹ có chế độ ăn khác nhau nhưng nhìn chung là thấp. Vì vậy, trẻ nhũ nhi có nguy cơ chảy máu do thiếu vitamin K, có thể được phòng ngừa bằng cách tiêm vitamin K thường quy ngay sau sinh.
Hàm lượng vitamin A trong sữa mẹ cũng thay đổi theo chế độ ăn của người mẹ.
Các vitamin tan trong nước
Nồng độ các vitamin tan trong nước của sữa mẹ cũng phụ thuộc vào chế độ ăn của mẹ và giảm đi khi chế độ ăn của mẹ thiếu vitamin. Ví dụ: Hàm lượng vitamin B12 trong sữa cũng giảm khi thiếu thường xảy ra ở người ăn chay, bà mẹ suy dinh dưỡng, bà mẹ có thiếu máu ác tính tiềm ẩn, và những người đã trải qua phẫu thuật cắt dạ dày. Đã có những báo cáo ca bệnh về sự chậm phát triển không hồi phục của những trẻ bú mẹ hoàn toàn có mẹ thiếu B12.

Hàm lượng chất khoáng
Nồng độ của hầu hết các chất vô cơ trong sữa mẹ không phụ thuộc vào chế độ ăn của bà mẹ. Nồng độ canxi, photpho, và magie trong sữa không phụ thuộc vào nồng độ trong huyết thanh của mẹ và không chịu ảnh hưởng đáng kể bởi sự khác biệt trong chế độ ăn. Sắt, đồng và kẽm trong sữa mẹ cũng không phụ thuộc vào tình trạng dinh dưỡng của mẹ.

Tuy nhiên, nồng độ selen trong sữa có tương quan với nồng độ trong huyết thanh bà mẹ, chịu ảnh hưởng của chế độ ăn. Nồng độ iod trong sữa mẹ cũng phụ thuộc vào chế độ ăn.

Chế độ ăn uống của mẹ ảnh hưởng đến sữa mẹ như thế nào?
Sữa mẹ được biết là thay đổi và thích nghi dựa trên nhu cầu của em bé. Thành phần có thể thay đổi do tuổi của em bé và tùy thuộc vào thời điểm em bé được sinh ra trong thời kỳ mang thai. Ngoài ra, nhiệt độ có thể ảnh hưởng đến thành phần của sữa mẹ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất lượng chế độ ăn uống của người mẹ có thể ảnh hưởng đến thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ ở một mức độ nào đó. Một chế độ ăn uống dinh dưỡng và cân bằng sẽ cung cấp đủ năng lượng cho người mẹ để hỗ trợ việc cho con bú hiệu quả mà không làm cạn kiệt nguồn dự trữ dinh dưỡng của người mẹ. Vậy những loại thực phẩm nào là nên dùng và không nên dùng để đảm bảo chất lượng sữa mẹ tốt.

Mẹ nên ăn gì để sữa mát, nhiều sữa, giúp con tăng cân tốt
Mẹ nên ăn gì để sữa mát, nhiều sữa, giúp con tăng cân tốt
Cho con bú nên ăn gì?
Trong khi cho con bú, mục tiêu chính của mẹ là ăn uống đầy đủ và đa dạng để chăm sóc sức khỏe và phục hồi sức khỏe sau khi sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng nhu cầu năng lượng và do đó, điều quan trọng là phải đáp ứng nhu cầu này bằng cách ăn uống đầy đủ và đều đặn. Chế độ ăn uống nên đem lại các chất dinh dưỡng để việc cho con bú không làm cạn kiệt nguồn dự trữ chất dinh dưỡng.

Ăn rau ngót
Rau ngót là loại rau được nhiều người biết đến là có tác dụng rất tốt cho mẹ sau sinh, đây là loại rau lợi sữa, thường được nhiều người lựa chọn cho vào thực đơn dinh dưỡng cho mẹ bầu sau sinh. Trong loại rau này có rất nhiều dưỡng chất cần thiết giúp cơ thể người mẹ tăng tiết sữa và sữa sẽ về đều hơn, cụ thể như: các loại vitamin A, C, chất xơ, sắt, protein,…

Ngoài ra, theo nghiên cứu thì các loại rau có màu xanh đậm sẽ chứa nhiều loại vitamin, các chất chống oxy hoá nên sau sinh các mẹ ăn rất tốt cho tim mạch. Những loại rau lá xanh đậm bao gồm rau bina (rau chân vịt), cải cầu vồng, cải xanh,..

Thịt nạc
Nhiều mẹ băn khoăn không biết nên ăn gì để con bú tăng cân? Thì có thể lưu ý lựa chọn bổ sung thịt nạc vào trong mỗi bữa ăn, trong thị rất giàu protein và các loại vitamin. Việc bổ sung thịt nạc sẽ giúp các mẹ phục hồi sức khoẻ sau sinh, bổ máu và kích thích cơ thể sản xuất sữa. Nên chọn các loại thịt lợn, thịt bò, thịt gà để ăn.

Măng tây
Trong măng tây có chứa các thành phần như: chất xơ, vitamin A, vitamin C, vitamin K, acid folic,… Những thành phần này có công dụng giúp kích thích các hormone tiết sữa, giúp sữa mẹ tiết ra dồi dào, tăng cường được sự phát triển cho trẻ cả về thể chất và trí tuệ.

Khoai lang
Khoai lang có tác dụng lợi sữa, giúp cơ thể mẹ tăng sản xuất sữa. Việc mẹ ăn khoai lang không chỉ tốt cho con bú mẹ vì giúp cho trẻ bú mẹ có hệ tiêu hoá tốt. Mặt khác cũng rất tốt cho mẹ bỉm trong việc lấy lại vóc dáng sau sinh do trong khoai lang không chứa chất béo và cholesterol.

Rau củ quả
Các mẹ lựa chọn những loại rau củ quả như cà rốt, củ cải, các loại quả cam, quýt,.. rất tốt sau sinh. Ví dụ như cam, loại quả này giúp bổ sung vitamin C, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Việt quất có chứa số lượng lớn vitamin và khoáng chất, cung cấp một lượng carbohydrate lành mạnh cho cơ thể người mẹ.

Yến mạch
Yến mạch được biết là tốt cho tuyến sữa, trong yến mạch chứa hàm lượng chất xơ cao nên việc mẹ ăn yến mạch sẽ giúp tăng cường chất lượng sữa, con bú mẹ sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, giúp trẻ tăng cân nhanh.

Các loại sữa
Mẹ sau sinh ăn ít, ăn không ngon miệng thì uống sữa ấm mỗi ngày được cho là biện pháp tốt giúp mẹ lợi sữa sau sinh. Trong sữa chứa giàu vitamin B, D, canxi sẽ cung cấp các dưỡng chất thêm cho người mẹ.

Móng giò
Trong móng giò có nhiều chất béo, protein, lipid,.. Mặc dù chưa có nghiên cứu cho thấy chắc chắn rằng việc ăn móng giò sẽ giúp tăng lượng sữa mẹ. Tuy nhiên móng giò lại là món ăn dân gian giúp lợi sữa mà ông bà xa xưa thường sử dụng cho bà mẹ sau sinh. Các mẹ cần chú ý việc ăn quá nhiều móng giò có thể khiến sữa mẹ đặc hơn.

Đu đủ
Đu đủ xanh hoặc đu đủ sống là loại quả dễ ăn, giúp lợi sữa, trong quả này có chứa nhiều dưỡng chất như protein, chất béo, vitamin A, các vitamin nhóm B, vitamin C,… Việc ăn đu đủ xanh sẽ làm tăng sản xuất hormone điều chỉnh sản xuất sữa – oxytocin.

Móng giò hầm đu đủ được cho là món ăn giúp mẹ nhiều sữa
Móng giò hầm đu đủ được cho là món ăn giúp mẹ nhiều sữa
Gạo lứt
Gạo lứt rang có chứa nhiều dưỡng chất giúp cơ thể kích thích hormone làm tăng tiết sữa sau sinh. Mặt khác mẹ sử dụng gạo lứt còn giúp da đẹp và nhanh lấy lại vóc dáng sau sinh mà không lo ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Cá hồi
Cá hồi hoặc các loại cá có dầu khác: Cá có dầu chứa nhiều protein và DHA (một phần của axit béo Omega 3), cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của hệ thần kinh của bé. Cá có dầu cũng chứa nhiều vitamin D, rất cần thiết cho xương, khả năng học tập, trí nhớ và tâm trạng khỏe mạnh. Nên ăn hai phần dầu cá mỗi tuần.

Nên uống nhiều nước
Như đã biết thì thành phần chiếm nhiều nhất trong sữa là nước, vì vậy mà việc mẹ uống nhiều nước sẽ rất tốt cho việc sản xuất đủ sữa cho trẻ. Hãy nhớ sử dụng trung bình mỗi ngày từ 2-3L.

Mẹ đang cho con bú không nên ăn uống gì?
Khi bạn đang tập trung vào những đồ ăn giúp tăng chất lượng sữa mẹ, bạn cũng nên lưu ý xem xét những loại thực phẩm bạn nên tránh có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng sữa mẹ.

Một số thành phần xấu trong thực phẩm cũng được biết là sau khi mẹ sử dụng sẽ được chuyển sang sữa mẹ. Một phần lượng caffein bạn nạp vào có thể chuyển vào sữa mẹ và khiến em bé bồn chồn, mất ngủ. Vì vậy khi cho con bú mẹ cần tránh những loại đồ uống sau:

Trà/cà phê chứa caffein.
Đồ uống có ga.
Nước tăng lực.
Rượu bia: Rượu cũng được biết là chuyển qua sữa mẹ. Gan của em bé chưa phát triển đủ để xử lý rượu như người lớn, vì vậy rượu qua sữa mẹ có thể gây hại cho sức khỏe của em bé. Hàm lượng cồn trong sữa mẹ cũng giống như nồng độ cồn trong máu của người mẹ và rượu rời khỏi sữa mẹ với cùng tốc độ khi nó rời khỏi hệ tuần hoàn. Nồng độ cồn trong sữa mẹ cao nhất từ ​​30 đến 60 phút sau khi uống. Điều này có nghĩa là nếu bạn uống rượu, bạn nên tránh cho con bú sau vài tiếng. Tốt nhất nên tránh sử dụng do việc nếu bạn vừa mới uống rượu mà con đói đòi bú thì sẽ không thể cho con bú được.
Những đồ uống nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ?
Những đồ uống nào có thể ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ?
Một số trẻ cảm thấy quấy khóc và đầy hơi sau khi bạn ăn một số loại thức ăn. Điều đấy có thể cho thấy rằng bạn tránh những thực phẩm đó trong một thời gian. Bên cạnh đấy có những loại đồ ăn mà mẹ cần điều kiêng kỵ khi cho con bú để tránh ảnh hưởng đến cả mẹ và con. Dưới đây là danh sách những gì không nên ăn khi cho con bú mà mẹ cần lưu ý, cụ thể:

Cá chứa nhiều thủy ngân
Nếu bạn ăn cá hoặc bất kỳ loại thực phẩm nào khác có hàm lượng thủy ngân cao, thì chất này sẽ xuất hiện trong sữa mẹ. Khi sữa mẹ có hàm lượng thủy ngân cao, nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển thần kinh của bé. Bạn nên ăn cá, kể cả cá ngừ đóng hộp trong tầm kiểm soát và không tiêu thụ quá hai lần một tuần. Tốt nhất là tránh hoàn toàn cá có hàm lượng thủy ngân cao.

Bạc hà
Khi dùng quá nhiều các loại thảo mộc bạc hà, chúng có thể làm giảm sản xuất sữa mẹ. Do đó nếu ăn thì mẹ nên chú ý ăn ít, tốt nhất không nên ăn khi bé đang ở giai đoạn cần nhiều sữa hơn bình thường. Chính vì lý do này mà để ngừng tiết sữa, nhiều bà mẹ thường uống trà bạc hà để cai sữa.

Tỏi
Mùi tỏi có thể ảnh hưởng đến mùi sữa mẹ. Một số em bé có thể không thích mùi này dẫn đến em bé khó chịu khi bú, nhăn mặt khi bú mẹ, quấy khóc và bú mẹ ít. Đó có thể là lý do con bú mẹ không tăng cân.

Lá lốt
Trong danh sách những loại thực phẩm gây mất sữa mẹ thì lá lốt được xếp hàng đầu. Các mẹ nên tránh những món ăn như canh nấu với lá lốt, măng, lá đinh lăng,…

Rau mùi tây
Loại rau mùi tây nếu mẹ ăn quá nhiều sẽ có thể khiến cho cơ thể bạn giảm tiết sữa. Việc ăn vài lá không sao nhưng lưu ý không được ăn quá nhiều.

Rau cần tây
Một số mẹ thích ăn loại rau này hoặc lựa chọn ăn do đọc được công dụng loại rau này có thể giúp giảm cân. Nên tránh ăn rau cần tây trực tiếp hoặc các món ăn chứa rau này trong thời gian cho con bú do loại rau này khiến cho mẹ có thể mất sữa.

Bắp cải
Nếu mẹ đã ăn bông cải xanh vào bữa tối ngày hôm trước, thì bạn không nên ngạc nhiên khi con bạn gặp vấn đề về đầy hơi vào ngày hôm sau. Các loại thực phẩm mẹ cần tránh khi đang cho con bú như hành tây, bắp cải, súp lơ và dưa chuột,…

Thực phẩm cay nóng, mùi hăng
Khi đang cho con bú các mẹ nên lưu ý không nên sử dụng những loại thực phẩm cay nóng, có mùi hăng. Do những loại này có thể khiến sữa mẹ có mùi khó chịu, có thể làm trẻ bỏ bú. Nếu ăn quá nhiều còn có thể khiến cho trẻ bị đầy bụng, đi ngoài.

Mẹ ăn đồ cay nóng có thể khiến cho trẻ bị tiêu chảy
Mẹ ăn đồ cay nóng có thể khiến cho trẻ bị tiêu chảy
Socola
Sô cô la rất giàu theobromine và khi ăn vào sẽ có tác dụng tương tự như tác dụng của caffein. Mặc dù mọi người thích ăn sôcôla, nhưng mẹ nên cắt giảm số lượng khi cho con bú. Nếu bạn ăn socola sau đó cho con bú mà thấy con khó chịu, khác với bình thường thì nên lưu ý tránh sử dụng.

Thức ăn tái sống
Mẹ cần chú ý không sử dụng những đồ ăn chưa chín như sashimi chẳng hạn, do điều này có thể khiến cho trẻ bú mẹ bị rối loạn tiêu hoá.

Quả cam, quýt, bưởi
Trái cây họ cam quýt là nguồn cung cấp Vitamin C tuyệt vời, nhưng loại này có thể gây kích ứng dạ dày của trẻ do các thành phần có tính axit của chúng. Vì đường tiêu hóa của trẻ chưa trưởng thành nên trẻ không thể xử lý các thành phần axit này, dẫn đến quấy khóc, hăm tã, trớ,… Tuy nhiên, các mẹ không cần phải loại bỏ hoàn toàn trái cây họ cam quýt khỏi chế độ ăn uống của mình. Ăn một quả bưởi hoặc cam mỗi ngày là tốt. Nhưng nếu quyết định cắt bỏ chúng hoàn toàn, thì bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin C khác như dứa, đu đủ và xoài.

Mẹ đang cho con bú không nên ăn quá nhiều cam quýt trong một bữa ăn
Mẹ đang cho con bú không nên ăn quá nhiều cam quýt trong một bữa ăn
Các câu hỏi thường gặp khi lựa chọn đồ ăn cho mẹ đang cho con bú
Đang cho con bú có nên ăn trái cây không? Nên ăn quả gì và không nên ăn trái cây gì?
Khi hỏi ý kiến bác sĩ đều nhận được câu trả lời là mẹ sau sinh có thể sử dụng các loại trái cây, việc ăn trái cây sẽ góp phần bổ sung thêm dưỡng chất cho mẹ. Nhưng các mẹ phải lưu ý lựa chọn trái cây phù hợp để ăn vì có những loại quả sau khi mẹ ăn có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hoá do hệ tiêu hoá của trẻ nhỏ đang còn yếu. Các mẹ có thể ăn mỗi ngày một lượng vừa phải, ăn ít một rồi tăng dần, chú ý không nên ăn quá nhiều trong một bữa ăn.

Ăn chay liệu có gây ảnh hưởng đến sữa mẹ không?
Mặc dù đồ ăn chay cũng có nhiều dưỡng chất nhưng mẹ cũng không nên ăn liên tục hãy linh hoạt bổ sung thêm các loại thực phẩm khác giúp bữa ăn thêm phong phú. Thường thì các món ăn chay hay thiếu vitamin B12 do nó chỉ có nhiều trong thịt mà đồ ăn chay thì lại không có thịt. Việc thiếu đi loại vitamin này có thể khiến cho cơ thể mẹ bị suy nhược, chất lượng sữa giảm, làm chậm sự phát triển của trẻ.

Khi đang cho con bú có nên giảm cân không?
Các mẹ có thể giảm cân trong quá trình cho con bú nhưng việc giảm cân nên từ từ, không nên nóng vội mà ép cân quá mức. Mẹ có thể lựa chọn những loại thực phẩm vừa có tác dụng giúp kiểm soát cân nặng mà vẫn đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa cho con.

Mẹ sinh đôi thì nên bổ sung dinh dưỡng khi nuôi con bằng sữa mẹ như thế nào?
Khi bạn sinh đôi thì cơ thể sẽ cần phải sản xuất sữa nhiều hơn nhiều lần đối với các bà mẹ khác. Vì thế mà nhu cầu dinh dưỡng cũng sẽ khác. Mẹ cần cố gắng ăn nhiều hơn để cơ thể có nhiều dưỡng chất giúp kích thích lượng sữa tiết ra nhiều hơn. Các mẹ cố gắng uống nhiều nước và ăn thêm nhiều các bữa ăn hơn.

Tài liệu tham khảo

Tác giả: Nicholas J Andreas, Beate Kampmann, Kirsty Mehring Le-Doare,Human breast milk: A review on its composition and bioactivity, Pubmed. Truy cập ngày 27 tháng 2 năm 2023.

2 thoughts on “Hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ và cách tăng chất lượng sữa mẹ

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here