Vitamin C bôi: Cấu trúc, tác dụng, tác dụng phụ

Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm

Bài viết Vitamin C bôi: Cấu trúc, tác dụng, tác dụng phụ được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

CÁC ĐIỂM CHỐT

– L-Ascorbic acid (LAA) là dạng hoạt động của vitamin C đường bôi. LAA thấm vào da tốt khi ở pH 3.5, nồng độ 8-20%. Dạng serum hay được sử dụng.

– LAA rất dễ bị oxy hóa nên cần bảo quản lạnh, thêm các chất chống oxy hóa như vitamin E, ferulic acid…

– LAA có nhiều tác dụng: chống oxy hóa, tăng tổng hợp collagen, làm sáng da, chống viêm.

– Dẫn xuất của vitamin C gồm nhiều chất khác nhau, thường tồn tại ở pH trung tính nên ít kích ứng hơn, thích hợp cho da nhạy cảm. Dẫn xuất vitamin C có độ ổn định cao hơn LAA về mặt cấu trúc nên khó bị oxy hóa.

– Vitamin C và dẫn xuất muốn thấm vào da tốt hơn nên dùng kết hợp với siêu âm, điện di…

– Các tác dụng phụ của vitamin C: kích ứng; ố vàng da, quần áo; phát ban…

– Tin đồn vitamin C gây bùng phát trứng cá là chưa có cơ sở khoa học, ngược lại vitamin C có thể có tác dụng trong điều trị bệnh trứng cá do tính chất chống oxy hóa, chống viêm.

– Vitamin C hoàn toàn có thể dùng được ban ngày do thuốc làm tăng khả năng bảo vệ da dưới ánh nắng. Khi kết hợp vitamin C và niacinamide chúng ta cần chú ý.

1. CẤU TRÚC VITAMIN C

Khi hiểu được cấu trúc của thuốc thì chúng ta sẽ hiểu được kĩ hơn về dược động học, độ bền… của thuốc.

Cấu trúc của L-Ascorbic acid và dehydro-L-ascorbic acid
Cấu trúc của L-Ascorbic acid và dehydro-L-ascorbic acid

L-Ascorbic acid (ảnh bên trái) bản chất là acid hữu cơ có 6 carbon. Vì có carbon số 2 và số 3 không no nên rất dễ bị oxy hóa thành dạng khử là dehydro-L-ascorbic acid có màu vàng (ảnh bên phải). Chính vì vậy, vitamin C không bền vững, dễ bị hỏng nếu không bảo quản kĩ.

Vì bản chất là acid hữu cơ nên LAA rất dễ tan trong nước và ưa nước nên khó qua được màng lipid kép của tế bào:

  • Trong nghiên cứu của Sheldon chỉ ra rằng muốn LAA qua được da nó phải thỏa mãn các điều kiện sau: pH tối ưu là 3.5 (vì ở trong môi trường acid nên khi sử dụng có cảm giác châm chích), nồng độ phải đủ: thường > 8%, thấm qua da tốt nhất là 20%. Với nồng độ cao hơn không những làm giảm khả năng thấm qua da của LAA mà còn tăng nguy cơ kích ứng. Khi thoả mãn điều kiện trên khả năng LAA thấm vào da tăng gấp 20 lần. Vì tồn tại ở pH thấp nên vitamin C thường được bôi trước các chất khác trong quy trình chăm sóc da để tuân thủ đúng theo nguyên tắc: sản phẩm có pH thấp bôi trước.
  • Thời gian bão hòa LAA ở tổ chức trong nghiên cứu của Sheldon là 3 ngày (tức là sau 3 ngày dù có bôi tiếp thì nồng độ LAA trong tổ chức cũng không tăng thêm), thời gian bán thải là 4 ngày. Vì những điều trên khi bôi vitamin C trong 3 ngày liên tiếp chúng ta có thể dừng vài hôm sau đó bôi lại cũng có tác dụng.
  • Để giúp vitamin C thấm vào da tốt hơn thì dạng trình bày serum hay được dùng nhất. Khi sử dụng dưới dạng serum thì vitamin C ở dạng có hoạt tính là LAA, còn ở dạng trình bày khác nó ở dạng không hoạt tính, khi vào da cần chuyển thành LAA mới có tác dụng. Trong thực tế vitamin C bôi có các dạng trình bày khác nữa ngoài dạng serum như cream, miếng dán…

Vitamin C rất dễ bị oxy hóa, khi bị oxy hóa nó sẽ chuyển sang màu vàng – nâu. Có nhiều yếu tố tham gia vào quá trình oxy hóa của LAA: độ pH cao, nhiệt độ cao, sự xuất hiện của oxy trong dung dịch (ví dụ khi chúng ta mở nắp sản phẩm), sự xuất hiện của các ion kim loại. Vì thế để giảm quá trình oxy hóa của LAA, các nhà sản xuất thường để dung dịch ở pH thấp, đóng gói không cho oxy xâm nhập, hạn chế nước, thêm chất chống oxy hóa khác như vitamin E, ferulic acid. Trong nghiên cứu của Fu-Hsiung Lin và cộng sự sử dụng công thức 0.5% ferulic acid, 15% LAA, 1% a-tocopherol (vitamin E) giúp cải thiện độ ổn định của LAA và làm tăng gấp đôi khả năng bảo vệ da khỏi ánh nắng. Thông thường khi serum vitamin C được mở ra thì chỉ dùng được khoảng 3 tháng.

Công thức chuẩn 0.5% ferulic acid, 15% LAA, 1% vitamin E trong vitamin C-16.5 của Goodndoc giúp chống oxy hóa tốt.
Công thức chuẩn 0.5% ferulic acid, 15% LAA, 1% vitamin E trong vitamin C-16.5 của Goodndoc giúp chống oxy hóa tốt.

Thiết kế dụng cụ chứa serum vitamin C của mỗi hãng có những ưu và nhược điểm riêng:

  • Khi vitamin C được chứa trong 1 lọ thuốc bôi lớn, do cần lấy thuốc mỗi ngày để bôi nên oxy, nước dễ xâm nhập vào làm lọ thuốc dễ bị oxy hóa, khi đã bị oxy hóa chúng ta phải bỏ cả lọ thuốc gây lãng phí. Tuy nhiên, cách thiết kế này tiện dùng, đỡ nhiều chi phí.
  • Nếu vitamin C chứa trong ống nhỏ (ví dụ trong sản phẩm của Martiderm, Vichy…) thì bạn chỉ sử dụng lọ này trong vài ngày nên giả sử có bị oxy hóa chúng ta bỏ ống này đi cũng sẽ đỡ lãng phí. Dạng này mỗi khi dùng phải bẻ ống thuốc, tốn chi phí thiết kế nhiều ống thuốc.
Red spot white serum của Ciracle chứa LAA 15%, α-arbutin 2%, niacinamide, các chiết xuất thực vật chống trứng cá. Sản phẩm thích hợp thâm mụn trứng cá.
Red spot white serum của Ciracle chứa LAA 15%, α-arbutin 2%, niacinamide, các chiết xuất thực vật chống trứng cá. Sản phẩm thích hợp thâm mụn trứng cá.

LAA là chuẩn vàng trong các dẫn xuất của vitamin C, có khả năng bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, giúp tăng sản sinh collagen, giảm tổng hợp melanin nên có tác dụng làm sáng da.

Tip

  • Vitamin C dễ bị hỏng nên cần bảo vệ trong tủ lạnh và các điều kiện đặc biệt.
  • LAA nồng độ > 8% – ≤ 20% thấm qua da tốt, trong đó nồng độ 20% là chuẩn vàng trong điều trị.
  • Bôi có cảm giác châm chích, nhất là ở nồng độ cao, nhiều khi gây viêm da tiếp xúc kích ứng.
Serum vitamin C 15% của Paula’s Choice chứa cả vitamin E, ferulic acid. Điểm nhấn là peptide có tác dụng trong điều trị lão hóa da.
Serum vitamin C 15% của Paula’s Choice chứa cả vitamin E, ferulic acid. Điểm nhấn là peptide có tác dụng trong điều trị lão hóa da.
MartiDerm Platinum Photo Age HA+ chứa LAA 15% + 3% proteoglycans thế hệ 3 + HA dành cho da lão hóa. Thiết kế dạng ống nhỏ tránh được sự oxy hóa cả lọ lớn.
MartiDerm Platinum Photo Age HA+ chứa LAA 15% + 3% proteoglycans thế hệ 3 + HA dành cho da lão hóa. Thiết kế dạng ống nhỏ tránh được sự oxy hóa cả lọ lớn.

2. TÁC DỤNG CỦA VITAMIN C

Vitamin C là 1 chất có tính chống oxy hóa mạnh, vì vậy có tác dụng điều trị lão hóa da, giảm tác hại của ánh sáng lên da (giảm nguy cơ bị bỏng nắng, giảm nguy cơ ung thư da). Tác dụng này là do vitamin C trung hoà reactive oxygen species (ROS) được sinh ra khi da tiếp xúc với ánh nắng.

Vitamin C cũng có tác dụng tăng cường tổng hợp collagen, giảm giáng hóa collagen, vì vậy nó có tác dụng làm giảm các nếp nhăn nhỏ, mảnh.

Làm sáng da: vitamin C tương tác với đồng trong men tyrosinase nên ức chế hoạt động của men này, vì vậy có tác dụng làm sáng  da. Tuy nhiên, hiệu quả làm sáng da cũng hạn chế, để tăng hiệu quả thì vitamin C thường phối hợp với các thuốc khác như đậu tương, cam thảo

Vitamin C còn có tác dụng chống viêm: ức chế hình thành TNF-a, IL-1, IL-6, vì vậy có khả năng hỗ trợ điều trị trứng cá, nhanh lành thương.

Vì các điều trên nên vitamin C là một trong những chất quan trọng giúp giảm tác hại của ánh nắng, làm sáng da, điều trị và dự phòng lão hóa da. Trong quy trình chăm sóc da lão hóa có thể coi vitamin C là một trong những bước nền tảng.

3. CÁC DẪN XUẤT CỦA VITAMIN C

Do vitamin C không ổn định về mặt cấu trúc, có thể gây kích ứng nên các nhà sản xuất điều chế ra các dẫn xuất của vitamin C để làm tăng tính ổn định, giảm cảm giác châm chích khi dùng. Tuy nhiên, những sản phẩm này khá đắt và tác dụng có bằng LAA hay không thì cũng có ít bằng chứng khoa học chứng minh.

3.1. Ascorbyl 2-phosphates

Gồm sodium ascorbyl phosphate (SAP) và magnesium ascorbyl phosphate (MAP).

  • Vì vị trí OH của carbon thứ 2 liên kết với muối phosphate → AA khó bị oxy hóa → bền vững hơn, thời gian sử dụng (shelf-life) cao: của MAP là 7 tháng so với khoảng 3 tháng của LAA. Vì muối có tính chất trung tính nên nó ổn định ở pH 7, phù hợp với da nhạy cảm.
  • Bản chất muối này không có tính chất chống oxy hóa, vì thế khi vào da nó phải được chuyển hóa thành LAA thì mới có tác dụng. Kobayashi đã chứng minh được rằng MAP có thể chuyển hóa thành LAA trong môi trường serum. Ngược lại trong nghiên cứu của Sheldon, MAP không làm tăng nồng độ LAA trong da lợn. Nồng độ của SAP trong mỹ phẩm thông thường khoảng 3-5% trong khi đó MAP khoảng 10%.
Cấu trúc của MAP khi carbon ở vị trí số 2 liên kết với muối phosphate nên MAP bền vững hơn LAA về mặt cấu trúc.
Cấu trúc của MAP khi carbon ở vị trí số 2 liên kết với muối phosphate nên MAP bền vững hơn LAA về mặt cấu trúc.

Sự thấm qua da của MAP là một vấn đề lớn: bản chất của MAP là muối nên có 2 cực âm, dương, vì thế để qua được lớp lipid kép của màng tế bào rất khó khăn. Một vài nghiên cứu chỉ ra rằng MAP bôi đơn thuần khó thấm qua thượng bì. Vì vậy, muốn MAP có tác dụng nó cần phải dùng cùng các phương pháp dẫn thuốc qua da như lăn kim, siêu âm, điện di… Trong một số nghiên cứu chỉ ra khi phối hợp giữa MAP và laser, lăn kim thì khả năng thấm qua thượng bì của MAP tăng lên nhiều lần. Về phương diện tăng sản sinh collagen MAP có tác dụng tương đương LAA.

Một sản phẩm vitamin C serum hit hot thị trường gần đây đó là serum vitamin C của Balance với thành phần là 3% Stay-C® 50 (tên thương mại của SAP) và 6% Illumiscin là hỗn hợp chất chứa ascorbyl 2-glucoside, kẽm PCA và Loại vitamin C của Balance khá rẻ nên bị làm giả nhiều.

Tip

  • MAP, SAP bền vững hơn so với LAA.
  • MAP, SAP ưu tiên dùng cho da nhạy cảm
  • Khó thấm qua da nên cần phối hợp: điện di, điện chuyển, lăn kim…

3.2. Ascorbyl 6-palmitate (AA-Pal) và ascorbic 2-phosphate 6-palmitate (APPS)

Nhóm OH vị trí carbon số 6 bị thay bởi acid béo palmitic, vì thế bản thân chế phẩm này cũng dễ bị oxy hóa như LAA. Tuy nhiên, do nó là ester của rượu với acid béo nên khả năng thấm qua màng lipid kép của tế bào tăng lên, vì thế có thể thấm qua da được dễ dàng.

Dẫn xuất chứa cả acid palmitic và magnesium phosphates phối hợp với LAA đó là APPS chứa đầy đủ ưu điểm của 2 chế phẩm trên. Tuy nhiên, giống như MAP khả năng thấm qua da cũng còn hạn chế.

Sau khi vào da các chất này có chuyển hóa thành LAA hay không vẫn là vấn đề chưa được chứng minh rõ ràng. Trong nghiên cứu của Sheldon, AA-Pal không làm tăng nồng độ LAA trong da lợn.

Cấu trúc ascorbyl 6-palmitate (AA-Pal).
Cấu trúc ascorbyl 6-palmitate (AA-Pal).
Cấu trúc ascorbic 2-phosphate 6-palmitate (APPS) khi H ở vị trí carbon số 2 và số 6 thay thế bởi phosphate và palmitate nên khả năng bền vững cao hơn so với LAA.
Cấu trúc ascorbic 2-phosphate 6-palmitate (APPS) khi H ở vị trí carbon số 2 và số 6 thay thế bởi phosphate và palmitate nên khả năng bền vững cao hơn so với LAA.

Trên vấn đề tăng sinh collagen AA-Pal có tác dụng tương đương LAA. Vậy có nên dùng AA-Pal từ dữ liệu trên?

Biểu đồ thể hiện nồng độ vitamin C ở da lợn sau bôi thuốc 24 giờ: MAP và AA-Pal không làm tăng nồng độ LAA ở tổ chức.
Biểu đồ thể hiện nồng độ vitamin C ở da lợn sau bôi thuốc 24 giờ: MAP và AA-Pal không làm tăng nồng độ LAA ở tổ chức.

3.3. Ascorbyl 2-glucoside (AA-2G)

Nhìn vào cấu trúc ta thấy AA-2G có tính ổn định cao. Chất này tan được trong nước nên dễ dàng tạo sản phẩm dưới dạng dung dịch, serum. Vì pH phù hợp là 5.5-7 nên ít gây châm chích, thích hợp với da nhạy cảm. Trong mỹ phẩm AA-2G thường dùng với nồng độ 2-6%.

Ascorbyl 2-glucoside (AA-2G).
Ascorbyl 2-glucoside (AA-2G).

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, AA-2G có khả năng thấm qua da và có hiệu quả như LAA, tuy nhiên sự chuyển hóa thành LAA trong tổ chức chưa được chứng minh.

Chien-Yu Hsiao so sánh về độ thấm của AA-2G so với 1 dẫn xuất của vitamin C khác đó là 3-O-ethyl ascorbic acid (EAC) thấy rằng, độ thấm của AA-2G kém khoảng 2-3 lần so với EAC (chất có tính chất ưa lipid nên thấm tốt qua màng tế bào). Trong nghiên cứu này tác giả dùng laser erbium: YAG và laser CO₂ kết hợp với 2 dẫn xuất trên.

Hiệu quả trên tăng sinh collagen của AA-2G thấp hơn hoặc bằng so với LAA, MAP trên một số nghiên cứu. AA-2G ức chế sản xuất melanin cao hơn MAP trong nghiên cứu của Kumano, đây là nghiên cứu so sánh tác dụng làm trắng hiếm hoi của các chế phẩm vitamin C.

Tip

  • AA-2G ổn định cao.
  • Ít kích ứng, dùng cho da nhạy cảm.
  • Tác dụng làm trắng cao.

3.4. 3-O-ethyl ascorbic acid (EAC)

OH ở carbon số 3 được thay bởi rượu etylic tạo thành ete nên tan trong lipid tốt → thấm qua da nhanh hơn. Thay thế OH ở vị trí này ít làm ảnh hưởng tới tính bền vững của vitamin C. EAC không cần chuyển hóa thành LAA cũng có thể tác động trực tiếp trên da.

Tính ổn định của EAC chưa được báo cáo cụ thể mặc dù trên lý thuyết là ổn định hơn so với LAA. Một vài báo cáo có nhắc đến EAC là một trong những nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng.

Trong sản phẩm The perfect C chứa EAC 20% và các sản phẩm chống lão hóa da khác như peptide, HA thích hợp cho da lão hóa.

Cấu trúc của 3-O-ethyl ascorbic acid (EAC) tạo thành sản phẩm ete nên thấm qua da tốt, tạo tác dụng trực tiếp trên da mà không cần chuyển qua LAA.
Cấu trúc của 3-O-ethyl ascorbic acid (EAC) tạo thành sản phẩm ete nên thấm qua da tốt, tạo tác dụng trực tiếp trên da mà không cần chuyển qua LAA.
Serum vitamin C của Ciracle chứa 19% LAA, 1% EAC. Ngoài ra, còn chứa thêm niacinamide, adenosin, panthenol. Thích hợp da lão hóa.
Serum vitamin C của Ciracle chứa 19% LAA, 1% EAC. Ngoài ra, còn chứa thêm niacinamide, adenosin, panthenol. Thích hợp da lão hóa.
Sản phẩm The perfect C chứa EAC 20% và palmitoyl tripeptide-38, HA, ferulic acid (tăng cường khả năng bền vững của EAC).
Sản phẩm The perfect C chứa EAC 20% và palmitoyl tripeptide-38, HA, ferulic acid (tăng cường khả năng bền vững của EAC).

3.5. Tetra-isopalmitoyl ascorbate (IPAA)

4 vị trí OH bị thay thế bởi isopalmitic acid tạo thành ester. IPAA này bền vững với shelf-life khoảng 6-12 tháng. Ở Nhật Bản, chế phẩm này được cấp phép sử dụng gần như thuốc (quasi drugs). IPAA bền vững ở pH < 5 nên ít châm chích hơn LAA, thích hợp cho làn da nhạy cảm.

Cấu trúc tetra-isopalmitoyl ascorbate (IPAA) rất cồng kềnh do toàn bộ nhóm OH đã bị thay thế bởi isopalmitic acid
Cấu trúc tetra-isopalmitoyl ascorbate (IPAA) rất cồng kềnh do toàn bộ nhóm OH đã bị thay thế bởi isopalmitic acid

IPAA có thể chuyển thành LAA khi vào cơ thể (84% theo Ochiai), tuy nhiên khả năng thấm qua da vẫn còn hạn chế. Trong một nghiên cứu chỉ ra rằng, dẫn xuất này thấm vào da gấp chỉ 4 lần so với dạng hấp thụ kém qua da là MAP.

Hydracid C20 cream chứa IPAA 20% + HA và các thành phần dưỡng ẩm khác.
Hydracid C20 cream chứa IPAA 20% + HA và các thành phần dưỡng ẩm khác.

IPAA giúp tăng sinh collagen gấp 2 lần so với LAA ở cùng nồng độ.

Trên thị trường có sản phẩm của The Ordinary với IPAA 20% dạng solution kết hợp với vitamin C. Dòng sản phẩm vitamin C của SVR hydracid C20 cream chứa IPAA 20%.

3.6. Các dạng dẫn xuất vitamin C mới

Bis-glyceryl ascorbate (BGA): hoạt chất này được các tác giả Nhật Bản nghiên cứu, trong cấu trúc phân tử có 2 nhóm glyceryl thay thế H ở carbon số 2 và số 3 tạo thành phân tử ete (giống EAC) nên ổn định và thấm vào da tốt hơn. Ngoài ra, chất này có tính chất dưỡng ẩm tốt nên tăng cường tác dụng của vitamin Ngoài vai trò như LAA có thể BGA có tác dụng dự phòng phản ứng lòng bàn tay bàn chân sau sử dụng thuốc ung thư.

Cấu trúc BGA: 2 nhóm glyceryl thay thế H ở vị trí C số 2, 3.
Cấu trúc BGA: 2 nhóm glyceryl thay thế H ở vị trí C số 2, 3.

Isostearyl-L-ascorbic acid (ISAA): cũng là hoạt chất được người Nhật phát triển. Trong nghiên cứu trên 25 bệnh nhân tăng sắc tố và đỏ da sau trứng cá bôi ISAA 2% ngày 2 lần trong 3 tháng thấy 28% giảm tăng sắc tố sau viêm, 48% giảm đỏ da sau viêm.

3.7. Tổng hợp lại những ưu và nhược điểm của LAA và dẫn xuất trên bộ sản phẩm của hãng TO

Texture Dạng trình bày Độ mạnh Châm chích Hấp thu Giá
Vitamin C Suspension 23% + HA spheres 2%
Serum nặng Hỗn dịch Rất cao Cao 10-20 giây Rẻ
Vitamin C Suspension 30% in silicone
Serum nặng, bôi xong cảm giác mượt Hỗn dịch Rất cao Cao 10-20 giây Rẻ
Ascorbic Acid 8% + alpha arbutin 2%
Dạng dầu nhẹ Solution Trung bình Trung bình 10-20 giây Rẻ
Ascorbyl glucoside solution 12%
Serum nhẹ Solution Cao Thấp 1-5 giây Cao
Magnesium ascorbyl phosphate 10%
Kem nhẹ Kem Trung bình Rất thấp 5-10 giây Cao
Ascorbyl tetraisopalmitate solution 20% trong vitamin F
Dầu nhẹ Solution Cao Rất thấp 1-5 giây Cao
Ethylated ascorbic acid 15% solution
Dầu nhẹ Solution Cao Rất thấp 10-20 giây Cao

4. TÁC DỤNG PHỤ CỦA VITAMIN C BÔI

Đôi khi dùng vitamin C gây cảm giác châm chích, đỏ da, khô da đặc biệt ở vùng quanh mắt. Tác dụng phụ này giảm đi khi dùng dưỡng ẩm sau đó. Chế phẩm MAP và SAP được đánh giá ít gây tác dụng phụ nên thích hợp cho da nhạy cảm. Viêm da tiếp xúc dị ứng có thể gặp ở EAC.

Khi vitamin C bị oxy hóa sẽ tạo màu vàng – nâu, khi bôi có thể làm vàng da, vàng quần áo, làm trắng lông tóc. Tác dụng phụ này có thể thấy sau vài ngày hoặc vài tuần dùng vitamin C. Chúng ta thường hay thắc mắc rằng tại sao sau khi dùng vitamin C xong da lại vàng nâu hơn. Điều này được giải thích như sau: khi mở tube hay ống vitamin C sẽ tiếp xúc với không khí, nước, nếu bạn để ở nơi nóng hoặc có ánh sáng mặt trời làm LAA dễ bị oxy hóa. Chính vì vậy, khi dùng các sản phẩm này chúng ta bảo quản trong tủ lạnh, bỏ đi khi thấy chúng chuyển sang màu vàng nâu. Các bạn chọn dẫn xuất của vitamin C như MAP, IPAA hoặc vitamin C kết hợp với các chất chống oxy hóa khác như vitamin E và ferulic acid để hạn chế tình trạng trên. Cuối cùng, nếu vẫn không giải quyết được tác dụng phụ trên thì bạn nên bôi vitamin C vào buổi tối. Một điều nữa, khi dùng tay bôi mà không rửa lại kĩ thì bàn tay có khả năng bị vàng – nâu hơn.

Màu sắc của serum vitamin C theo khuyến cáo của hãng Obagi: khi ở level 5 trở lên đã bị oxy hóa, không nên dùng (chú ý các hãng khác không áp dụng màu sắc này).
Màu sắc của serum vitamin C theo khuyến cáo của hãng Obagi: khi ở level 5 trở lên đã bị oxy hóa, không nên dùng (chú ý các hãng khác không áp dụng màu sắc này).

Đôi khi vitamin C gây mày đay, hồng ban đa dạng nhưng rất hiếm gặp.

5. CÁC TIN ĐỒN VỀ VIỆC DÙNG VITAMIN C

5.1. Vitamin C gây bùng phát trứng cá

Một số tin đồn cho rằng dùng vitamin C có thể gây trứng cá. Thực tế thì ngược lại, vitamin C có tính chất chống oxy hóa mạnh nên có tác dụng hỗ trợ điều trị trứng cá. Điều này được giải thích như sau: bệnh nhân da dầu, mụn thường có nồng độ squalene cao hơn người thường (xin tham khảo bài da dầu và cách chăm sóc). Dưới tác động của ánh sáng mặt trời squalene sẽ chuyển thành dạng khác có thể gây độc, gây mụn nhân trứng cá. Chính vì vậy, các chất chống oxy hóa như vitamin C sẽ làm giảm tác động này của ánh sáng mặt trời, do đó có vai trò hỗ trợ trong điều trị bệnh trứng cá.

Heather Woolery-Lloyd và cộng sự nghiên cứu trên 50 bệnh nhân trứng cá chia thành 2 nhóm dùng sodium L-ascorbyl-2-phosphate (SAP) 5% dạng lotion và giả dược trong 12 tuần. Kết quả nhóm dùng SAP 5% có tác dụng giảm mụn hơn so với giả dược trong khi tác dụng phụ là như nhau giữa 2 nhóm: với 71% đối tượng tham gia nghiên cứu thấy rằng mức độ trứng cá giảm. SAP có tác dụng giảm cả mụn viêm và mụn nhân trứng cá.

Thêm vào đó, vitamin C còn có tác dụng giảm thâm, chính vì thế việc kết luận rằng vitamin C không được dùng trong bệnh trứng cá và làm bùng phát trứng cá là chưa có cơ sở khoa học.

5.2. Vitamin C nên dùng vào buổi tối?

Lập luận này được đưa ra: khi bôi vitamin C vào ban ngày rất dễ bị oxy hóa bởi ánh nắng. Đây cũng là một lập luận có sơ sở vì vitamin C không bền vững dưới ánh nắng. Không vấn đề gì khi bạn dùng vitamin C vào buổi tối.

Tuy nhiên, các lập luận sau khiến bạn muốn sử dụng vitamin C vào ban ngày:

  • Đầu tiên, khi vitamin C bôi trên da, nó sẽ thấm vào da nhanh nên ảnh hưởng của mặt trời lên vitamin C là rất ít.
  • Thứ 2, khi 1 phản ứng oxy hóa xảy ra nó cần thời gian dài chút nên việc tiếp xúc với ánh sáng trong thời gian ngắn khó đủ để phá huỷ vitamin
  • Tiếp theo, vô cùng quan trọng đó là vitamin C có tác dụng làm giảm nguy cơ bỏng nắng, giảm tác động của ánh nắng lên da, vậy chúng ta dùng vitamin C vào buổi sáng sẽ tranh thủ được tác dụng này.
  • Thêm vào đó, các nghiên cứu trên thế giới thường sử dụng vitamin C vào ban ngày. Một điều nữa nếu chúng ta phối hợp với retinoids hay AHA, BHA cùng với vitamin C vào buổi tối để điều trị lão hóa da thì sẽ tăng nguy cơ kích ứng của thuốc.
  • Cuối cùng chúng ta vẫn dùng chống nắng như 1 bước quan trọng của chăm sóc da nên sẽ làm giảm tác dụng của ánh nắng lên vitamin C. Vì các điều trên mà bác sĩ Tâm khuyến cáo các bạn dùng vitamin C vào buổi sáng thay vì buổi tối.

Tip

  • Vitamin C serum bôi ngày 1 lần vào buổi sáng.
  • Nếu da bạn trở nên vàng – nâu sau khi bôi nên chuyển sang dẫn xuất vitamin C, hoặc chuyển sang dùng tối.
  • Sử dụng vitamin C sau bước làm sạch và trước dưỡng ẩm và chống nắng.

5.3. Phối hợp vitamin C với các chất khác

Khi phối hợp vitamin C với AHAs, citric acid các chất này sẽ làm mất tính ổn định của nhau, làm tăng tính kích ứng, vì vậy nên dùng các hoạt chất này vào các thời điểm khác nhau. Vitamin C cũng bị benzoyl peroxide oxi hóa, vì vậy sử dụng 2 chất trên đồng thời cũng không được khuyến cáo. Việc bôi vitamin C và retinoids cùng lúc cũng làm tăng kích ứng của nhau.

Cũng may mắn là các chất kể trên thường được sử dụng vào buổi tối, trong khi vitamin C được dùng vào ban ngày nên có thể tránh được sự tương tác thuốc với nhau. Nếu các bạn muốn phối hợp các thuốc trên với nhau trong cùng một buổi cần phải đợi một thời gian thuốc trước thấm hết vào da sau đó mới bôi hoạt chất còn lại. Sự kết hợp này nên áp dụng ở người có type da khoẻ ít bị kích ứng, dị ứng với các loại mỹ phẩm.

Phối hợp vitamin C với niacinamide: năm 1960 có 1 thử nghiệm về độ không tương thích giữa niacinamide và vitamin Vì thế hiện nay có nhiều thông tin cho rằng không nên phối hợp 2 loại trên với nhau vì sẽ làm giảm tác dụng của nhau. Tuy nhiên, thử nghiệm đó dùng 2 hoạt chất với độ ổn định không cao nên dễ tương tác lẫn nhau. Hiện tại trong các sản phẩm dược mỹ phẩm có các chất phối hợp làm tăng độ ổn định của 2 chất nên chúng ta hoàn toàn có thể phối hợp được 2 hoạt chất này với nhau trong cùng một sản phẩm. Tuy nhiên, vitamin C tồn tại ở dạng acid để thấm vào da nhanh hơn trong khi niacinamide ở dạng trung tính nên dùng gần nhau có thể làm giảm độ hấp thu vitamin C vào da. Chính vì vậy, tốt nhất chúng ta dùng 1 sản phẩm trước sau đó đợi thuốc thấm hết vào trong da mới dùng sản phẩm tiếp theo. Nếu bạn muốn kết hợp 2 loại với nhau một cách an toàn, khoa học thì chọn dẫn xuất của vitamin C như SAP, MAP, ascorbyl 2-glucoside hay IPAA (tồn tại dưới dạng pH trung tính và hơi acid, ổn định).

5.4. Tôi nghe nói vitamin C có thể làm trắng da ở những người có làn da bình thường?

Vitamin C có tác dụng ức chế hoạt động của tyrosinase trên đối tượng bị tăng sắc tố, vì vậy làm sáng Vậy trên người có làn da bình thường có thể chọn vitamin C để làm sáng da được hay không?

Ít có dữ liệu khoa học về vấn đề này. Tuy nhiên, trong 1 nghiên cứu của Kameyama trên 25 đối tượng có làn da bình thường khi dùng MAP 10% sau 3 tháng thấy có 3/25 người có hiệu quả làm sáng da hơn trong khi có 2 người da sạm hơn.

Kết luận: hiệu quả làm sáng da của vitamin C là có nhưng không cao như những sản phẩm khác, vì vậy nó thường phối hợp với các chất làm sáng da khác để tăng cường tác dụng. Tác dụng làm trắng sáng ở người bình thường chưa đủ cơ sở dữ liệu để kết luận.

6. CÁC CÁCH ĐƯA LAA VÀ CÁC DẪN XUẤT VÀO TRONG DA

Thường để thuốc thấm vào trong da phải đủ 2 tính chất: phân tử nhỏ hơn 500 Daltons và không ưa nước. Vitamin C trọng lượng phân tử thấp nhưng lại ưa nước nên khả năng thấm vào da hạn chế.

Với chất có trọng lượng phân tử cao hoặc ưa nước cần phải có các biện pháp đưa nó vào da: dẫn thuốc bằng hóa học và dẫn thuốc bằng vật lý gồm: điện di ion (dùng hiệu điện thế thấp, dòng điện liên tục), điện chuyển ion (electroporation) (dùng dòng điện có hiệu điện thế cao, dòng điện xung), dùng laser, lăn kim, tiêm trong da, siêu âm dẫn thuốc bằng sóng siêu âm tần số thấp hoặc cao.

6.1. Điện di ion

Điện di có 2 cực (-) và (+), 1 cực sẽ gắn vào lưng bệnh nhân, 1 cực tiếp xúc với vùng da cần điều trị. Nếu thuốc mang điện tích âm thì cực của vùng da cần điều trị cũng phải mang điện tích âm để 2 cực cùng điện tích đẩy nhau thuốc vào cơ thể dễ hơn. LAA mang điện tích âm, vì thế dùng cực âm để đẩy thuốc vào da.

Trong nghiên cứu của Xu và cộng sự sử dụng serum LAA 23.8% ngày 1 lần trong 2 tuần cộng với điện di ion. Sau 2 tuần, 16/20 bệnh nhân giảm 2-3 điểm lão hóa da ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm đỏ, giảm nếp nhăn mảnh, làm sáng da.

Trong nghiên cứu của Chang-Hun Huh sử dụng MAP phối hợp với điện di để điều trị bệnh rám má: sau 12 tuần điểm tăng sắc tố của nhóm điện di MAP giảm so với nhóm điện di giả dược. Tác dụng phụ hay gặp là châm chích do điện (21%). Trong nghiên cứu này tác giả dùng dòng điện 5 mA trong 6 phút.

6.2. Siêu âm dẫn thuốc

Siêu âm có tác dụng tạo hiệu ứng bóng khí ở màng tế bào, làm tăng tính thấm màng tế bào nên thuốc thấm vào da được tốt hơn. Các thông số cần chú ý khi dùng siêu âm là: tần số, cường độ và thời gian siêu âm.

Geoffrey điều trị 6 bệnh nhân lão hóa da bằng LAA phối hợp với siêu âm dẫn thuốc tần số thấp 20 kHz 1 tháng 1 lần cho thấy sau 3-5 tháng nhóm phối hợp với siêu âm hiệu quả cao hơn nhóm không dùng siêu âm.

Trong nghiên cứu khác của Yu-Tsung trên 23 bệnh nhân rám má, tăng sắc tố sử dụng laser Nd-YAG phối hợp LAA 20% ngay sau laser + siêu âm 1 MHz, cường độ 1.2 W/cm², thời gian là 12 phút. Sau 5 lần sử dụng 21/23 bệnh nhân đạt hiệu quả từ tốt trở lên, chỉ có 1 bệnh nhân xuất hiện tăng sắc tố sau laser (mất đi sau 1 tháng dùng HQ).

Một nghiên cứu khác của tác giả Zhou cũng dùng tần số 1 MHz, cường độ 0.5 W/cm² + LAA 20% cũng cho hiệu quả tốt.

Từ các nghiên cứu trên chỉ ra rằng sử dụng siêu âm tần số khoảng 1 MHz, cường độ 5-1.5 W/cm², thời gian khoảng 10 phút cho hiệu quả cao khi phối hợp với vitamin C.

6.3. Tiêm mesotherapy, kim nhỏ, máy hỗ trợ tiêm qua da

Vitamin C có thể tiêm trong da để tăng khả năng thấm vào da. Mặc dù LAA được sử dụng để tiêm mesotherapy nhiều nhưng hiện tại chỉ có 1 nghiên cứu phối hợp giữa peel salicylic acid với LAA tiêm trong da để điều trị rám má.

Microneedles sử dụng kim có kích thước rất nhỏ và ngắn để đưa thuốc vào trong da. Kĩ thuật này ít xâm lấn, ít đau hơn phương pháp dùng kim thông thường.

Nghiên cứu của Kim trên 24 bệnh nhân Hàn Quốc chia 2 nhóm thành 2 nửa mặt sử dụng kim hòa tan chứa chất dẫn + thuốc LAA ở một bên mặt và kim hòa tan chứa chất dẫn + retinyl retinoate ở mặt bên còn lại. Cả 2 nhóm đều làm giảm nếp nhăn chân chim sau 12 tuần.

Máy Myjet hỗ trợ đưa thuốc vào trong da nhưng lại giảm đau hơn rất nhiều so với cách đưa thuốc vào da qua đường tiêm. Máy này cũng hỗ trợ đưa vitamin C vào da hiệu quả, ít đau.

6.4. Phối hợp với laser, peel, lăn kim

Như đã trình bày ở trên, khi dùng laser và peel hoàn toàn có thể sử dụng vitamin C sau đó để làm tăng hiệu quả và hạn chế tác dụng phụ của 2 phương pháp trên.

Thông thường sẽ dùng vitamin C sau khi tiến hành thủ thuật laser và peel. Có thể kết hợp thêm cả điện di hoặc siêu âm dẫn thuốc để làm tăng hiệu quả.

Vitamin C cũng có thể bôi trước, sau đó tiến hành lăn kim: trong nghiên cứu của Agata và cộng sự tiến hành lăn kim trên 17 bệnh nhân bị lão hóa da bằng LAA 20% (dùng 540 kim lăn có độ sâu 0.5mm, lăn 4 lần, mỗi lần cách nhau 10 ngày). Sau 4 lần điều trị cải thiện các biểu hiện của lão hóa da như nhăn, độ mất nước, độ đỏ, độ đàn hồi, cảm giác châm chích, độ sáng da khoảng 60-80%.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Al-Niaimi F, Chiang NYZ. Topical Vitamin C and the Skin: Mechanisms of Action and Clinical Applications. J Clin Aesthet Dermatol. 2017;10(7):14-17.

2. Telang Vitamin C in dermatology. Indian Dermatol Online J. 2013;4(2):143-146. doi:10.4103/2229-5178.110593.
Lee WR, Shen SC, Kuo-Hsien W et al. Lasers and microdermabrasion enhance and control topical delivery of vitamin C. J Invest Dermatol 2003; 121: 1118-25.

3. Hsiao CY, Huang CH, Hu S et Skin pretreatment with lasers promotes the transdermal delivery of vitamin C derivatives. Lasers Med Sci 2011; 26: 369-76.

4.Xu et al. Split-face study of topical 23.8% L-ascorbic acid serum in treating photo-aged skin. J Drugs Dermatol. 2012 Jan;11(1):51-6.

5. Chen Y-T, Chang C-C, Hsu C-R, Shen J-H, Shih C-J, Lin B-S. Combined vitamin C sonophoresis and neodymium-doped yttrium aluminum garnet (NdYAG) laser for facial hyperpigmentation: An outcome observation study in Asian patients. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2016;82(5):587. doi:10.4103/0378-6323.182806.

6. Woolery-Lloyd H, Baumann L, Ikeno H. Sodium L-ascorbyl-2-phosphate 5% lotion for the treatment of acne vulgaris: a randomized, double-blind, controlled trial. J Cosmet Dermatol. 2010;9(1):22-27. doi:10.1111/j.1473-2165.2010.00480.x.

7. Yamamoto K, Ioroi T, Harada K, Nishiyama S, Nishigori C, Yano Safety and Efficacy of Bis-Glyceryl Ascorbate (Amitose DGA) to Prevent Hand-Foot Skin Reaction in Patients With Renal Cell Carcinoma Receiving Sunitinib Therapy: Protocol for a Phase I/II, Uncontrolled, Single-Arm, Open-Label Trial. JMIR Res Protoc. 2019;8(8):e14636. doi:10.2196/14636.

8. Kurokawa, I. , Watanabe, M. and Hayashibe, K. (2020) Effect of a Cosmetic Use with 2% Isostearyl-L-Ascorbic Acid Gel for Postinflammatory Hyperpigmentation and Postinflammatory Erythema in Acne Vulgaris. Journal of Cosmetics, Dermatological Sciences and Applications, 10, 28-32.

9.Zhao H, Li M, Zhang X, Li L, Yan Y, Wang Comparing the efficacy of Myjet-assisted tranexamic acid and vitamin C in treating melasma: A split-face controlled trial. J Cosmet Dermatol. 2020;19(1):47-54. doi:10.1111/jocd.13112.

10.Hakozaki T, Takiwaki H, Miyamoto K, Sato Y, Arase Ultrasound enhanced skin-light- ening effect of vitamin C and niacinamide. Skin Res Technol. 2006;12(2):105-113. doi:10.1111/ j.0909-752X.2006.00186.x.

11. Kameyama et al (1996). Inhibitory effect of magnesium l-ascorbyl-2-phosphate (VC-PMG) on melanogenesis in vitro and in vivo. Journal of the American Academy of Dermatology, 34(1), 29–33. doi:10.1016/s0190-9622(96)90830-0.

1 thoughts on “Vitamin C bôi: Cấu trúc, tác dụng, tác dụng phụ

  1. Mỹ Duyên says:

    Xin chào dược sĩ Nguyễn Hậu!
    Cám ơn dược sĩ vì bài viết rất hay và chứa đựng nhiều kiến thức! Tôi là một bác sĩ da liễu. Tôi rất muốn kết bạn và có vài câu hỏi muốn hỏi thêm dược sĩ về phân loại của vitamin C! Hy vọng nhận được phản hồi của dược sĩ! Xin cảm ơn và chúc dược sĩ nhiều sức khỏe!

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here