Các nhóm thuốc chống dị ứng: Phân loại, cách dùng và tác dụng phụ

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Thuốc chống dị ứng

Bài viết này nhà thuốc Ngọc Anh xin chia sẻ về các nhóm thuốc chống dị ứng phân loại và cách dùng.

Đại cương về dị ứng

Dị ứng là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch của cơ thể với các tác nhân lạ (chất gây dị ứng) thường vô hại ở hầu hết mọi người, chẳng hạn như phấn hóa hoặc một số loại thực phẩm. Trong nhiều trường hợp, các triệu chứng khá nhẹ và không cần phải điều trị, nhưng đôi khi chúng cũng khá phiền toái và có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống của người bệnh.

Các chất gây dị ứng phổ biến là phấn hoa, mạt bụi nhà, lông động vật nuôi, nọc độc của côn trùng, thức ăn, một số loại thuốc, hóa chất…

Phản ứng dị ứng thường xảy ra nhất trên da, đường hô hấp và màng nhầy. Các triệu chứng thường bắt đầu ngay sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, nhưng cũng có thể mất vài giờ hoặc vài ngày để chúng xuất hiện.

Một số triệu chứng điển hình của dị ứng bao gồm chảy nước mũi, ho, hắt hơi, chảy nước mắt, một số vấn đề hô hấp, ngứa, phát ban da, sưng niêm mạc, co thắt cơ trơn tiêu hóa gây đau bụng… Trong trường hợp nghiêm trọng gọi là phản ứng phản vệ (hay sốc phản vệ), bệnh nhân có khó thở, tím tái, mạch nhanh, huyết áp tụt và có thể tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời.

Phản ứng dị ứng thường xảy ra ở những vùng cơ thể tiếp xúc trực tiếp với chất gây dị ứng. Ví dụ: thức ăn có thể gây ngứa và sưng tấy trong miệng và trên lưỡi, bộ phận đầu tiên của cơ thể mà phấn hoa tiếp xúc là đường hô hấp trên, dẫn đến chảy nước mũi và hắt hơi.

Dị ứng thường có xu hướng di truyền. Tuy nhiên việc một người có thực sự bị dị ứng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, ví dụ như môi trường. Môi trường không khí bị ô nhiễm và thường xuyên có khói thuốc lá là điều kiện thuận lợi cho bệnh hen phế quản.

Trong dị ứng, hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với các protein lạ tương tự như với các vi sinh vật gây bệnh. Hệ miễn dịch tạo ra kháng thể IgE để chống lại những chất này.

Những kháng thể này được tạo ra khi cơ thể lần đầu tiên tiếp xúc với chất gây dị ứng, sau đó chúng gắn vào một số loại tế bào. Quá trình này được gọi là “sensitization”. Nếu lần sau cơ thể tiếp xúc lại với chất gây dị ứng, các tế bào này sẽ giải phóng các chất trung gian hóa học, bao gồm cả histamine. Những chất này sau đó dẫn đến các phản ứng dị ứng như hắt hơi, ho và phát ban trên da.

Dị ứng thường bắt đầu từ khi còn bé hoặc bước vào tuổi dậy thì và thường duy trì vĩnh viễn. Tuy nhiên, một số bệnh dị ứng sẽ thuyên giảm khi đến tuổi trưởng thành. Ví dụ: dị ứng với một số thực phẩm nhất định (ví dụ: sữa hoặc trứng gà) có thể biến mất theo thời gian – nhưng dị ứng đậu phộng thường kéo dài vĩnh viễn. Vì vậy tình trạng dị ứng có thuyên giảm được hay không còn tùy thuộc vào tác nhân gây ra nó.

Các triệu chứng dị ứng ban đầu thường nhẹ và sau đó trở nên nặng dần theo thời gian. Nếu một người bị sốt cỏ khô (viêm mũi dị ứng) trong nhiều năm, chất dị ứng có thể “di chuyển xuống” đường hô hấp dưới (phổi), gây ra hen phế quản. Dị ứng cũng có thể làm tăng khả năng phát triển eczema (bệnh chàm).

Những người bị dị ứng với phấn hoa cũng có thể bị dị ứng với một số loại thực phẩm. Đây được gọi là “phản ứng chéo”. Nó xảy ra do các chất gây dị ứng khác nhau có các protein tương tự nhau và hệ miễn dịch của người bệnh phản ứng với cả hai chất này.

Thông thường, ngăn ngừa dị ứng khá khó. Hen phế quản dị ứng ít phổ biến hơn ở những trẻ em được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 4-6 tháng đầu đời. Tuy nhiên, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng điều này không tạo ra sự khác biệt nào với các dạng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm mũi dị ứng. Những người không hút thuốc và trẻ em lớn lên trong môi trường không khói thuốc cũng ít bị dị ứng hơn.

Ảnh. Cách dị ứng phát triển.

Về cơ bản, điều trị dị ứng cần tuân theo những yêu cầu sau:

  • Tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng: Có những tác nhân khá dễ phòng tránh như thực phẩm hoặc chất hóa học. Nhưng phấn hoa thì hầu như không thể phòng tránh. Những người bị dị ứng với mạt bụi nhà có thể áp dụng một số biện pháp phòng ngừa như lau dọn nhà cửa thường xuyên và loại bỏ các “bẫy bụi”.
  • Sử dụng thuốc: Thuốc kháng histamine H1 hoặc Glucocorticoid thường được sử dụng, đặc biệt là đối với viêm mũi dị ứng và viêm kết mạc dị ứng. Các loại thuốc này có sẵn ở nhiều dạng đường dùng khác nhau, bao gồm viên nén, thuốc xịt mũi và thuốc tiêm. Kem dưỡng da hoặc kem chứa Glucocorticoid có thể được sử dụng để điều trị các phản ứng dị ứng trên da.
  • Liệu pháp miễn dịch đặc hiệu (giải mẫn cảm): Nguyên tắc hoạt động của phương pháp này giống như vaccin. Người bệnh sẽ được tiếp xúc với một lượng nhỏ chất gây dị ứng thường xuyên. Thông thường phải mất từ 3-5 năm để hoàn thành liệu pháp. Phương pháp này chủ yếu được sử dụng để điều trị dị ứng với phấn hoa (sốt cỏ khô), mạt bụi nhà và nọc độc của côn trùng.
  • Không có bằng chứng cho thấy các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược, vi lượng đồng căn và châm cứu có hiệu quả trong điều trị dị ứng.

Các nhóm thuốc chống dị ứng

Thuốc kháng histamine H1

Phân loại

Các thuốc kháng histamine H1 được phân loại thành 2 thế hệ khác nhau. Các thuốc cũ hơn như Diphenhydramine thuộc thế hệ thứ nhất, có tác dụng an thần cao và ức chế thụ thể thần kinh thực vật đáng kể. Một phân nhóm mới hơn của các thuốc thế hệ thứ nhất có ít tác dụng an thần hơn và có tác dụng trên thần kinh thực vật kém hơn nhiều. Chlorpheniramine và Cyclizine có thể được coi là các thuốc đầu tiên. Các thuốc kháng histamine H1 thế hệ thứ hai, với các đại diện là Cetirizine, Fexofenadine và Loratadine, kém tan trong lipid hơn nhiều so với các thuốc thế hệ thứ nhất và đã làm giảm đáng kể các tác dụng an thần và trên thần kinh thực vật. Tất cả các thuốc histamine H1 đều có thể uống được. Một số được khuyến khích sử dụng tại chỗ ở mắt hoặc mũi. Hầu hết được chuyển hóa nhiều ở gan. Thời gian bán hủy của các thuốc kháng histamine H1 cũ thay đổi từ 4-12 giờ. Các thuốc thế hệ thứ hai có thời gian bán hủy từ 12–24 giờ.

Cơ chế tác dụng

Thuốc kháng histamine H1 là thuốc đối kháng cạnh tranh hoặc chủ vận ngược tại thụ thể H1 của histamine. Những loại thuốc này không ảnh hưởng đến việc giải phóng histamine từ các vị trí lưu trữ. Chúng có hiệu quả hơn nếu được sử dụng trước khi quá trình giải phóng histamine xảy ra.

Vì cấu trúc của chúng gần giống với cấu trúc của thuốc chẹn muscarinic và thuốc chẹn thụ thể α, nhiều thuốc thế hệ thứ nhất là chất đối kháng dược lý mạnh tại các thụ thể thần kinh thực vật này. Một số ít cũng đối kháng các thụ thể serotonin. Như đã lưu ý, hầu hết các thuốc thuộc thế hệ thứ nhất cũ hơn đều có tác dụng an thần, và một số (không phải tất cả) thuốc thế hệ đầu tiên có tác dụng chống say tàu xe. Nhiều thuốc kháng histamine H1 là thuốc gây tê cục bộ mạnh. Thuốc kháng histamine H1 có tác dụng không đáng kể tại các thụ thể H2.

Sử dụng lâm sàng

Thuốc kháng histamine H1 được ứng dụng chính trong các trường hợp dị ứng thuộc loại tức thời (do các kháng nguyên tác động lên các tế bào mast nhạy cảm với kháng thể IgE gây ra). Những tình trạng này bao gồm sốt cỏ khô và mày đay.

Diphenhydramine, Dimenhydrinate, Cyclizine, Meclizine và Promethazine được sử dụng làm thuốc chống say tàu xe. Diphenhydramine cũng được sử dụng để chống nôn do hóa trị liệu điều trị ung thư. Doxylamine kết hợp với Pyridoxine được sử dụng để ngăn ngừa ốm nghén trong thai kỳ.

Các tác dụng bất lợi của thuốc kháng histamine H1 thế hệ đầu tiên đôi khi được khai thác trong điều trị (ví dụ: sử dụng làm thuốc gây ngủ trong các loại thuốc hỗ trợ giấc ngủ không kê đơn).

Tác dụng không mong muốn và tương tác thuốc

Tác dụng phụ an thần là phổ biến, đặc biệt là với Diphenhydramine và Promethazine. Những loại thuốc này không nên được sử dụng trước khi vận hành máy móc. Các thuốc này ít phổ biến hơn thế hệ thứ hai, vốn ít vào thần kinh trung ương. Tác dụng kháng muscarinic như khô miệng và mờ mắt xảy ra với một số loại thuốc thế hệ đầu tiên ở một số bệnh nhân. Phong tỏa α-adrenoceptor thường gặp đáng kể với các dẫn xuất phenothiazin như Promethazin, có thể gây hạ huyết áp tư thế đứng.

Tương tác thuốc xảy ra giữa thuốc kháng histamine cũ và các thuốc khác có tác dụng an thần (ví dụ: benzodiazepine và rượu). Thuốc ức chế chuyển hóa ở gan có thể dẫn đến nồng độ của một số loại thuốc kháng histamine H1 dùng đồng thời cao nguy hiểm. Ví dụ: thuốc kháng nấm azole và một số thuốc ức chế CYP3A4 khác cản trở sự chuyển hóa của Astemizole và Terfenadine, 2 loại thuốc thế hệ thứ hai đã bị thu hồi khỏi thị trường Hoa Kỳ vì nồng độ cao trong huyết tương của một trong hai loại thuốc kháng histamine H1 này có thể gây rối loạn nhịp tim chết người.

Một số biệt dược phổ biến tại Việt Nam: Dimedrol (Diphenhydramine), Phenergan (Promethazine), Clarityne (Loratadine), Xyzal (Levocetirizine), Telfor (Fexofenadine).

Các Glucocorticoid

Cơ chế tác dụng

Glucocorticoid xâm nhập vào tế bào và liên kết với các thụ thể nội bào để vận chuyển Glucocorticoid vào nhân. Phức hợp thụ thể-Glucocorticoid làm thay đổi biểu hiện gen bằng cách liên kết với các yếu tố đáp ứng Glucocorticoid (GREs). Các đáp ứng cụ thể của mô với thuốc được thực hiện nhờ sự hiện diện trong mỗi mô các chất điều hòa protein khác nhau giúp kiểm soát sự tương tác giữa phức hợp hormone-thụ thể và các yếu tố đáp ứng DNA cụ thể.

Tác dụng trên mô và cơ quan

  • Chuyển hóa: Glucocorticoid kích thích quá trình tân tạo đường. Kết quả là glucose trong máu tăng lên, protein trong cơ bị dị hóa và kích thích bài tiết insulin. Cả quá trình phân giải mỡ và tân tạo mỡ đều được kích thích, với sự gia tăng lắng đọng chất béo ở một số vùng nhất định (ví dụ: mặt, vai và lưng).
  • Dị hóa: Glucocorticoid gây dị hóa protein trong cơ. Ngoài ra, mô bạch huyết, mô liên kết, mỡ và da sẽ bị dị hóa dưới ảnh hưởng của nồng độ cao các steroid này. Tác động dị hóa trên xương có thể dẫn đến loãng xương. Trẻ em chậm phát triển.
  • Ức chế miễn dịch: Glucocorticoid ức chế các chức năng miễn dịch qua trung gian tế bào, đặc biệt là những chức năng phụ thuộc vào tế bào lympho. Những thuốc này gây độc hệ bạch huyết và do đó rất quan trọng trong điều trị ung thư huyết học. Thuốc không can thiệp vào sự phát triển của miễn dịch thu được bình thường nhưng làm chậm phản ứng đào thải ở bệnh nhân cấy ghép nội tạng.
  • Chống viêm: Glucocorticoid có tác dụng ức chế đáng kể nhiều quá trình viêm. Những loại thuốc này làm tăng bạch cầu trung tính và giảm bạch cầu lympho, bạch cầu ái toan, bạch cầu ái kiềm và bạch cầu đơn nhân. Sự di chuyển của bạch cầu cũng bị ức chế. Các cơ chế sinh hóa đằng sau những hiệu ứng tế bào này bao gồm tổng hợp chất ức chế phospholipase A2, giảm mRNA cho cyclooxygenase 2 (COX-2), giảm interleukin-2 (IL-2) và IL-3, giảm yếu tố hoạt hóa tiểu cầu (PAF), một cytokine gây viêm.
  • Tác dụng khác: Chống dị ứng (đây là tác dụng chúng ta hướng đến trong bài viết này), kích thích thần kinh trung ương, chống trầm cảm, kích thích tiết acid dạ dày, phát triển phổi của thai nhi.
Ảnh. Cơ chế tác dụng của Glucocorticoid

Sử dụng lâm sàng trong điều trị dị ứng

Các Glucocorticoid có thể được dùng theo nhiều đường khác nhau. Ưu tiên đường dùng tại chỗ nếu có thể. Glucocorticoid được chỉ định cho một số trường hợp liên quan tới dị ứng sau:

  • Viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng (thuốc nhỏ mũi, nhỏ mắt).
  • Ngứa, mày đay, phát ban da (thuốc bôi).
  • Hen phế quản (thuốc bột hít, thuốc uống).
  • Phản ứng phản vệ (thuốc tiêm tĩnh mạch).

Tác dụng không mong muốn

Điều trị ngắn hạn (< 2 tuần) được dung nạp tốt. Các đợt điều trị dài hơn có thể gây ra độc tính nghiêm trọng. Hầu hết các tác dụng bất lợi của Glucocorticoid có thể dự đoán được từ các tác dụng đã được mô tả. Chúng bao gồm các tác dụng trên chuyển hóa (ức chế tăng trưởng, đái tháo đường, mất cơ, loãng xương), giữ muối nước, giảm khả năng lành vết thương và rối loạn tâm thần. Các phương pháp để giảm thiểu những độc tính này bao gồm ưu tiên sử dụng đường tại chỗ, liệu pháp cách ngày (giảm ức chế tuyến yên) và giảm liều dần ngay sau khi đạt được đáp ứng điều trị. Để tránh suy thượng thận ở những bệnh nhân đã điều trị dài ngày, có thể cần phải sử dụng thêm “liều stress” trong thời gian bệnh nặng hoặc trước phẫu thuật lớn. Bệnh nhân đang ngừng Glucocorticoid sau khi sử dụng dài ngày nên giảm liều dần trong thời gian vài tháng để cho phép chức năng tuyến thượng thận phục hồi về bình thường.

Một số biệt dược nổi tiếng tại Việt Nam: Medrol, Solu-Medrol, Depo-Medrol (Methylprednisolone), Tadaxan (Dexamethasone), Medskin beta (Betamethasone).

Tài liệu tham khảo

Allergies: Overview(https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK447112/). InformedHealth.org [Internet]. Last Update: April 23, 2020.

Katzung, B. G., Kruidering-Hall, M., & Trevor, A. J. (2019). Katzung & Trevor’s pharmacology: Examination & board review (Twelfth edition). New York: McGraw-Hill Education.

Xem thêm:

Ngộ độc thuốc kháng Histamin

1 thoughts on “Các nhóm thuốc chống dị ứng: Phân loại, cách dùng và tác dụng phụ

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here