Peel nông là gì, chỉ định, chống chỉ định và các bước tiến hành peel

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Peel nông

Tập sách: Quy trình kỹ thuật trong da liễu thẩm mỹ, Jeffrey S.Dover Murad Alam. Quyển: Thay da bằng hóa chất, Suzan Obagi MD. Phần 2: Peel nông.

Để tải file pdf đầy đủ chương 3 Peel nông là gì, chỉ định, chống chỉ định và các bước tiến hành peel của tác giả Claudia Borelli, Sabrina Fischer vui lòng click Tại đây.

GIỚI THIỆU

Peel da hóa học được phân loại theo mức độ tổn thương của chúng đối với da như lột nhẹ / rất nông, nhẹ/nông, trung bình hoặc sâu. Chúng cũng có thể được phân loại theo cơ chế hoạt động như peel ăn mòn, peel chuyển hóa hoặc gây độc. Các hoạt chất này phá hủy có kiểm soát một phần hoặc toàn bộ lớp biểu bì, đôi khi là cả một phần lớp trung bì. Sau khi lớp da bị lột bỏ, quá trình tân tạo lớp da mới được bắt đầu.

=> Đọc thêm: Peel da bằng hóa chất: Cơ chế hoạt động và phân loại các hoạt chất peel.

Peel rất nông (BẢNG 4.1) là hoạt chất peel chỉ tác động lên lớp sừng. Còn peel nông là khi hoạt chất peel xâm nhập qua lớp biểu bì và dẫn đến hoại tử gần như toàn bộ lớp biểu bì xuống đến mức của lớp hạt hoặc lớp đáy. Peel nông có vai trò làm giảm sự kết dính của các tế bào sừng, đồng thời tăng cường sự hình thành collagen ở lớp trung bì. Bằng cách này, chúng cải thiện độ căng bóng và độ sáng của da.

BẢNG 4.1: Các hoạt chất peel rất nông
BẢNG 4.1: Các hoạt chất peel rất nông

Peel nông thường được sử dụng để điều trị các rối loạn sắc tố như đồi mồi, nám và tăng sắc tố, trứng cá đỏ sẩn, bọc mủ, sẹo mụn nông và da bị tổn thương do ánh sáng. Ngoài ra, peel nông còn giúp cải thiện tone màu da. Hoạt chất hóa học và lớp tổ chức đích sẽ được lựa chọn tùy theo mức độ nặng của nếp nhăn, độ chảy xệ/lỏng lẻo và thời gian downtime (hồi phục) mà BN mong muốn. Như vậy, để tối ưu tính thẩm mỹ trên khuôn mặt, có thể kết hợp peel với các loại kem trẻ hóa da tại chỗ và chất làm đầy da. Peel nông nên được thực hiện nhiều lần trong một liệu trình để đạt được sự cải thiện thẩm mỹ tốt nhất có thể và để ngăn ngừa sự tái phát của các tổn thương da.

=> Đọc thêm: Lựa Chọn Loại Peel Phù Hợp Cho Mỗi Bệnh Nhân.

Schurer và Wiest chia khả năng xâm nhập của hoạt chất peel thành 5 mức độ (Hình 4.1): peel rất nông (chỉ lớp sừng) (mức A), peel nông (tới lớp giữa thượng bì) (mức B) (BẢNG 4.2 ), peel trung bình nông (hoạt chất ngay trên lớp màng đáy) (mức C), tới mức này mới lột được hết lớp thượng bì (còn 2 mức độ nữa).(1-5)

Hình. 4.1: Phân loại độ sâu của hoạt chất peel theo năm cấp độ theo Schürer và Wiest. A. rất nông, B. nông, C. trung bình, D. và E. sâu (Từ Rubin MGS, Nanna Y, Wiest LG, Gout U 2014 Hướng dẫn minh họa về peel da bằng hóa chất: Khái niệm cơ bản, Thực hành, Công dụng (Phương pháp thẩm mỹ để trẻ hóa da). London, Tinh hoa)
Hình. 4.1: Phân loại độ sâu của hoạt chất peel theo năm cấp độ theo Schürer và Wiest. A. rất nông, B. nông, C. trung bình, D. và E. sâu (Từ Rubin MGS, Nanna Y, Wiest LG, Gout U 2014 Hướng dẫn minh họa về peel da bằng hóa chất: Khái niệm cơ bản, Thực hành, Công dụng (Phương pháp thẩm mỹ để trẻ hóa da). London, Tinh hoa)
BẢNG 4.2: Các hoạt chất peel nông
BẢNG 4.2: Các hoạt chất peel nông

Peel rất nông có thể chỉ định mỗi 1-2 tuần/lần, còn peel nông thì 2-4 tuần/lần. Peel với tần suất cao làm tăng khả năng xuất hiện biến chứng, đặc biệt là ban đỏ kéo dài, tăng sắc tố sau viêm, nhiễm trùng và sẹo. Do tính đơn giản, tỷ lệ gặp biến chứng thấp, chi phí vừa phải và các hóa chất đều sẵn có, peel da bằng hóa chất vẫn đóng một vai trò quan trọng trong điều trị rối loạn sắc tố và tổn thương do ánh sáng, mặc dù đã có nhiều kỹ thuật hiện đại hơn như laser. (4,6,7)

=> Xem thêm: Kỹ thuật Peel trung bình và TCA Blue Peel trong peel da bằng hóa chất.

PEEL NÔNG: HÓA CHẤT VÀ CÔNG THỨC HÓA HỌC

AHA

Axit alpha-hydroxy (AHA) là một nhóm axit hữu cơ. Chúng thường được gọi là axit trái cây, bao gồm axit glycolic từ đường mía, axit citric từ trái cây họ cam quýt và axit malic từ táo. AHA được sử dụng để tẩy da chết là loại axit tổng hợp. Các AHA bổ sung cũng bao gồm axit lactic và axit mandelic. Axit lactic làm giảm sự gắn kết của tế bào sừng, làm lớp sừng mỏng dần đi sau mỗi lần peel. Các axit này giúp dưỡng ẩm và làm sáng da, cải thiện sẹo mụn bằng cách cải thiện cấu trúc da và ‘hình dáng’ của các vết sẹo. (8,9)

Axit Mandelic có khả năng thâm nhập vào da chậm do kích thước phân tử lớn. Vì vậy, nó được coi là chất peel nông tương đối an toàn. Ở nồng độ 20% đến 50%, nó có tác dụng làm trẻ hóa và làm sáng da. (9)

AHA được coi là tác nhân tiêu sừng vì chúng gây ra hiện tượng tróc da lớp nông bằng cách phá vỡ liên kết giữa các tế bào sừng ở các lớp sừng và một số lớp hạt. Từ đó, chúng giúp làm giảm độ dày lớp biểu bì. Hiệu quả này kéo dài tới tận 14 ngày sau điều trị. Tuy nhiên, việc sử dụng lotion AHA tại chỗ hàng ngày lại làm tăng độ dày lớp biểu bì do chúng kích thích sự gia tăng lắng đọng collagen và glycosaminoglycans. Như vậy, AHA phù hợp đểđiều trị cho những bệnh nhân có làn da rất nhạy cảm, da mỏng, da giãn mạch nông, hoặc tổn thương do ánh nắng mặt trời mức độ vừa phải. (8-11)

BHA

Cả axit salicylic (SA) và axit beta-lipohydroxy (LHA – cũng là dẫn xuất của SA), đều có đặc tính kháng khuẩn, chống viêm, kháng nấm và giảm hình thành nhân mụn. Do có chuỗi chất béo dài hơn, LHA ưa dầu hơn SA và có cơ chế hoạt động tập trung vào một số mô đích, đồng thời tác dụng tiêu sừng và phân giải mụn trứng cá cũng rõ rệt hơn. LHA thâm nhập tốt vào nang bã nhờn và qua được lớp biểu bì, nhưng về khả năng xâm nhập thì không bằng axit glycolic và SA. Nó có tác dụng tập trung vào các nang bã nhờn và biểu bì, đặc biệt hiệu quả đối với các lớp sừng bề mặt. Đối với hoạt chất này, sau peel không cần trung hòa. (3,4,8)

=> Tham khảo: Kỹ thuật TCA Peel vùng cổ, ngực, cánh tay và bàn tay.

Axit retinoic

Axit retinoic (RAs) (all-trans retinal và acid retinoic) thường được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với AHA hoặc các thành phần khác. RA bào mỏng lớp sừng, đồng thời làm chúng liên kết chặt chẽ hơn. Ngoài ra, nhờ tác động tăng sinh collagen, chúng giúp làm dày lớp thượng bì. RA có thể cải thiện chứng rối loạn sắc tố bằng cách ‘tái phân bố’ các phân tử melanin ở lớp thượng bì. Hơn nữa, RAs bảo tồn lượng tế bào sừng không điển hình, từ đó giúp cải thiện hoặc điều trị hoàn toàn tình trạng dày sừng quang hóa. Bằng cách tăng sản xuất collagen và tách nhánh mao mạch ở lớp hạ bì, RAs cải thiện kết cấu da và rối loạn sắc tố bề mặt, làm cho làn da trở nên hồng hào hơn. Tác dụng không mong muốn của RAs thường gặp là tình trạng tăng nhạy cảm với ánh sáng. Do đó, nên tránh tuyệt đối việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong quá trình điều trị. (8)

AHAs chủ yếu tác động trên lớp hạt, còn RA chủ yếu trên lớp sừng. Cả AHA và RA đều thúc đẩy tái tạo da từ chu kỳ 28 ngày xuống còn 10 đến 12 ngày.

RAs và axit glycolic tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân bố melanin trên khắp lớp biểu bì. Tác dụng làm sáng da này có thể được sử dụng như một liệu pháp điều trị hoặc giúp giảm PIH (Hình. 4.2). Ngoài peel, cũng có thể sử dụng các sản phẩm bôi ngoài da có tác dụng làm sáng da như hydroquinone, axit Kojic hoặc ức chế tyrosinase khác. Chúng đều có tác dụng ức chế tyrosinase, ngăn chặn việc chuyển đổi tyrosine thành L-dopa, dẫn tới giảm sản xuất melanin ở da và làm giảm nguy cơ tăng sắc tố. Điều trị bổ trợ với các sản phẩm làm sáng da nên được bắt đầu từ khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần trước khi peel, tiếp tục trong khi peel và sau khi peel khoảng 2 đến 3 tháng. Tình trạng tăng sắc tố càng rõ rệt và sắc tố càng sẫm màu, thì việc điều trị bổ trợ càng nên bắt đầu sớm (xem Chương 3). (8)

Hình. 4.2 Bệnh nhân nam bị chứng tăng sắc tố (loại da sẫm màu) đãđược điều trị bằng peel nông 5 lần với glycolic và axit salicylic (20%) mỗi 2 tuần/lần kết hợp với công thức hydroquinone 2,5% (A) Trước khi điều trị. B, Hai tuần sau khi điều trị
Hình. 4.2 Bệnh nhân nam bị chứng tăng sắc tố (loại da sẫm màu) đã được điều trị bằng peel nông 5 lần với glycolic và axit salicylic (20%) mỗi 2 tuần/lần kết hợp với công thức hydroquinone 2,5% (A) Trước khi điều trị. (B) Hai tuần sau khi điều trị

Peel hỗn hợp axit Salicylic-Mandelic

Peel bằng hỗn hợp SA và MA, với hàm lượng 20% SA và 10% axit mandelic, có hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá và sẹo mụn. Một nghiên cứu của Sarkar và cộng sự cho thấy rằng peel bằng hỗn hợp salicylic- mandelic dung nạp tốt hơn peel riêng lẻ, do đó, chúng được sử dụng nhiều hơn axit glycolic trong điều trị nám da ở quần thể người Ấn Độ (35%). (9-12)

Pyruvic Acid

Axit pyruvic thuộc nhóm a-ketoacid. Axit pyruvic cũng có hiệu quả trong việc điều trị sẹo mụn trứng cá vì chúng có khả năng tiêu sừng, kháng khuẩn, kiềm dầu và khả năng tạo collagen. Chúng thường được sử dụng với nồng độ từ 40% đến 70% và gây bong lớp vảy da trong quá trình điều trị. Nó có thể gây ra cảm giác đau nhói và bỏng rát thoáng qua. (11,13)

=> Xem thêm: Công thức Peel Phenol-dầu Croton là gì? Quy trình thực hiện peel.

CHỈ ĐỊNH

Chỉ định peel lớp da nông:

  • Da sần sùi, lỗ chân lông to (Hình. 4.3).
  • Mụn đầu trắng/đầu đen, mụn trứng cá (Hình. 4.4), mụn trứng cá xước.
  • Mụn trứng cá đỏ sẩn, tụ mủ.
  • Dày sừng nang lông (Hình. 4.5), gồm cả dày sừng phần lông mày.
  • Da bị tổn thương do ánh sáng hoặc da lão hóa do ánh sáng.
  • Dày sừng quang hóa.
  • Rối loạn sắc tố da gồm: tàn nhang, lentigines simplex, senile lentigines, dày sừng tiết bã phẳng, nám (Hình 4.6), và PIH.
  • Cải thiện thẩm mỹ làn da. (1-5,9,10,15)
Hình. 4.3 A, Bệnh nhân đã được peel da bằng hóa chất lớp nông 4lần bằng glycolic và axit salicylic (20%) (2 tuần/lần) để giúp cải thiện kết cấu da. B, Hai tuần sau khi điều trị.
Hình. 4.3: A, Bệnh nhân đã được peel da bằng hóa chất lớp nông 4 lần bằng glycolic và axit salicylic (20%) (2 tuần/lần) để giúp cải thiện kết cấu da. B, Hai tuần sau khi điều trị
Hình. 4.4 A, Bệnh nhân bị mụn sẩn, mụn mủ. B, Sau bốn lần peelrất nông bằng axit glycolic và salicylic (20%) cứ 2 tuần một lần.
Hình. 4.4: A, Bệnh nhân bị mụn sẩn, mụn mủ. B, Sau bốn lần peel rất nông bằng axit glycolic và salicylic (20%) cứ 2 tuần một lần
Hình. 4.5 A, Một bệnh nhân bị dày sừng nang lông. B, Hình thành vảy sau peel. C, Sau khi biểu mô hóa
Hình. 4.5: A, Một bệnh nhân bị dày sừng nang lông. B, Hình thành vảy sau peel. C, Sau khi biểu mô hóa
Hình. 4.6 A, Bệnh nhân bị nám (loại da sậm màu) đã được peelbằng hóa chất lớp sát bề mặt 4 lần với glycolic và axit salicylic (20%) mỗi 2 tuần kết hợp với công thức hydroquinone 2,5%: trước khi điều trị. B, 8 tuần sau lần lột da bằng hóa chất cuối cùng (chế độ chăm sóc liên tục tại nhà với công thức làm giảm sắc tố và AHA).
Hình. 4.6: A, Bệnh nhân bị nám (loại da sậm màu) đã được peel bằng hóa chất lớp sát bề mặt 4 lần với glycolic và axit salicylic (20%) mỗi 2 tuần kết hợp với công thức hydroquinone 2,5%: trước khi điều trị. B, 8 tuần sau lần lột da bằng hóa chất cuối cùng (chế độ chăm sóc liên tục tại nhà với công thức làm giảm sắc tố và AHA).

CHUẨN BỊ BỆNH NHÂN

Nên dùng kem lót hoặc chuẩn bị da ít nhất từ 2 đến 4 tuần trước khi lột. Sắc tố càng rõ rệt và nước da càng sẫm màu, thì thời gian dùng kem lót hoặc chuẩn bị da càng phải bắt đầu sớm.

Chuẩn bị da càng kỹ thì thời gian lành thương càng ngắn, hoạt chất peel xâm nhập vào lớp da đích càng đều, giảm nguy cơ tác dụng phụ có thể xảy ra, tăng cường sự tuân thủ trong và sau điều trị của bệnh nhân cũng như giúp phát hiện được ngay nếu BN không dung nạp hóa chất. Ngoài ra, việc sử dụng kem chống nắng phổ rộng (SPF 50+) hàng ngày và tránh nắng là rất quan trọng cho việc điều trị.

Bệnh nhân nên được dặn không thực hiện bất kỳ liệu pháp tẩy, chà da, wax hoặc nhổ lông, hoặc xoa bóp trong khu vực điều trị trong suốt thời gian thực hiện peel da bằng hóa chất.

Liệu pháp kháng vi-rút dự phòng được khuyến cáo cho những bệnh nhân dễ bị nhiễm HPV, ví dụ với acyclovir 200 mg bốn lần mỗi ngày (400 mg thì 2 lần) hoặc valacyclovir 500 mg một hoặc hai lần mỗi ngày, bắt đầu 1 ngày trước khi peel và sử dụng trong 5 đến 14 ngày, cho đến khi hoàn tất quá trình tái tạo biểu mô. Peel càng sâu càng phải sử dụng lâu.

=> Đọc thêm: Kỹ thuật Peel sâu là gì? Các bước tiến hành và chuẩn bị peel sâu.

KỸ THUẬT PEEL

Peel SA

Trước khi bắt đầu peel da bằng hóa chất, bệnh nhân bắt buộc phải được chuẩn bị da trước đó và chống nắng nghiêm ngặt / tránh nắng hàng ngày. Cần có phiếu theo dõi ghi chính xác về liều lượng dung dịch peel, thời gian và tình trạng của da được điều trị sau mỗi lần peel, cũng như mẫu đơn đồng ý peel da bằng hóa chất.

Sau khi loại trừ các bệnh nhiễm trùng do vi rút, nấm hoặc vi khuẩn đang hoạt động, mặt của BN sẽ được làm sạch bằng nước và xà phòng nhẹ. Vấn khăn đầu.

Bệnh nhân nằm ngửa, đầu nâng cao 30-45 độ và nhắm mắt. Ở một số vùng như rãnh mũi má, khóe mắt ngoài, khóe miệng và cằm; lớp sừng thường mỏng, khô và nhạy cảm hơn. Do đó, axit có thể được hấp thụ nhanh hơn. Những khu vực nhạy cảm này cần được bảo vệ bằng các loại gel để giảm tốc độ thấm của hoạt chất peel khi được áp vào da.

Ngoài ra, mắt nên được che bằng miếng gạc ẩm kích thước 2 inch x 2 inch. Sau đó, da được làm sạch bằng miếng gạc cotton dài 2 inch x 2 inch tẩm cồn và tẩy dầu bằng axeton.

Hoạt chất peel sau khi được lấy ra, sẽ đổ vào cốc thủy tinh hoặc cốc chuyên dụng. Dung dịch hoặc kem trung hòa nên được cho vào cốc thủy tinh và đặt bên cạnh một ống tiêm chứa đầy nước muối hoặc nước để rửa mắt trong trường hợp mắt vô tình tiếp xúc với dung dịch peel.

Điều quan trọng là phải kiểm tra nhãn của chai để đảm bảo rằng loại axit chuẩn bị dùng có đúng loại và liều lượng hay không. Dung dịch trung hòa cũng phải sẵn sàng, và tất cả nên được kiểm tra trước khi bắt đầu quy trình. Để tránh dung dịch peel vào mắt, không bao giờ được để lọ dung dịch đã mở hoặc tấm khăn đã tẩm hóa chất lên trước vùng mặt / mắt của bệnh nhân.

Chất peel được thoa đều và nhanh lên mặt bằng bàn chải, dụng cụ có đầu chứa bông hoặc gạc.

Bắt đầu thoa từ trán, tới thái dương và má phải, mũi, thái dương và má trái, cằm. Nếu cần điều trị mí mắt trên/dưới hoặc vùng quanh miệng, chúng sẽ được điều trị sau cùng. Lúc này, cần vẽ ranh giới các vùng với vùng đã và chưa điều trị để tránh đặt hóa chất lan sang bên chưa điều trị.

Việc phủ lớp SA lên trên bề mặt da sẽ dẫn đến tình trạng kết tinh, và hình thành nên hiện tượng “giả sương trắng”. Đối với loại hoạt chất này, có thể phải phủ 3 lớp lên trên bề mặt để tạo lớp giả sương trắng đồng đều. Sau 3 đến 5 phút, rửa sạch hóa chất bằng nước khi cảm giác bỏng rát đã thuyên giảm. Bệnh nhân được yêu cầu tiếp tục rửa mặt bằng nước lạnh cho đến khi hết cảm giác nóng rát. Mặt sau đó được thấm khô bằng gạc. Nên tránh chà xát da.

Peel bằng tretinoin được gọi là peel vàng. Chúng được giữ lại trên mặt BN từ 4 đến 5 giờ, sau đó mới được rửa sạch.

Peel rất nông có thể áp dụng mỗi 1-2 tuần/lần, còn peel nông là 2-4 tuần/lần. (2,4,8)

Acid glycolic peel

Axit glycolic là loại AHA được sử dụng để peel phổ biến nhất. AHA không độc hại, an toàn cho cơ thể, được bệnh nhân dung nạp tốt và các biến chứng thường nhẹ, có thể kiểm soát được. Ở nồng độ thấp (5% đến 15%), axit glycolic có thể được sử dụng để chăm sóc da hàng ngày. Nồng độ từ 20% đến 70% được sử dụng để thực hiện peel da bằng hóa chất. Nồng độ dung dịch càng cao và thời gian tiếp xúc càng lâu thì độ thâm nhập của hoạt chất càng sâu.

Khi sử dụng axit glycolic, hoạt chất này phải được trung hòa sau một thời gian nhất định, thường từ 3 đến 5 phút. Khi đã đạt đến độ xâm nhập mong muốn hoặc đạt đến thời gian bôi thuốc đã định trước, các chất lột tẩy AHA phải được trung hòa.

Nếu xuất hiện ban đỏ hoặc da bong ngay tại thời điểm đó, thường xuất hiện dưới dạng các mảng màu trắng xám ở tầng biểu bì (còn gọi là “sương trắng”), hoạt chất peel phải được vô hiệu hóa ngay lập tức bất kể thời điểm. Để trung hòa, sử dụng dung dịch natri bicacbonat 10% đến 15% hoặc kem dưỡng da trung hòa, sau đó rửa sạch bằng nước. Axit này cũng có thể được trung hòa bằng cách rửa mặt bằng nước đơn thuần. Cần phải cẩn thận để đảm bảo rằng axit đã được trung hòa hoàn toàn.

Các dung dịch axit glycolic, vì có pH thấp nên dễ gây ra tình trạng ban đỏ, kích ứng, châm chích, đau rát và bệnh nhân cũng ít dung nạp hơn. Chúng cũng không thấm đều vào da. Do đó, khuyến nghị sử dụng các dung dịch peel khác có giá trị pH cao hơn.

Hoạt chất peel xâm nhập dần vào da khi được áp lên, da đầu tiên sẽ chuyển sang màu hồng, sau đó màu đỏ, biểu hiện tổn thương chủ yếu trong lớp thượng bì. Sự xuất hiện của sương trắng là dấu hiệu nhận biết da tổn thương ở mức thượng bì. Sau điều trị có thể thoa lên một lớp kem làm mềm. Có thể lặp lại cách peel da bằng axit glycolic trong khoảng thời gian từ 2 đến 4 tuần cho đến khi đạt được kết quả mong muốn. Những loại peel này đặc biệt thích hợp để điều trị chứng tăng sắc tố da, nếp nhăn nhỏ và da lão hóa do ánh nắng mặt trời (Hình. 4.7). Chúng cũng có thể được áp dụng trên các vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời khác (ngoài mặt) như mu bàn tay, cổ và ngực, nhưng lớp peel ở các vùng này phải tương đối mỏng để tránh tạo sẹo.

Các sắc tố sẫm màu và nếp nhăn mức độ trung bình, nếu chỉ điều trị bằng glycolic acid thì không có hiệu quả.

Hình. 4.7 A–C, Bệnh nhân có da không đều màu và nám trước khi điều trị D, Ngay sau peel da hóa chất (lần thứ ba)với glycolic và axit salicylic (20%) 2 tuần một lần kết hợp với 2,5% hydroquinone. E – F, Ngay sau khi peel. G – I (xem trang tiếp theo), Sau tám lần peel da bằng glycolic và axit salicylic (20%) sau mỗi 2 tuần kết hợp với công thức 2,5% hydroquinone.
Hình. 4.7 A–C, Bệnh nhân có da không đều màu và nám trước khi điều trị D, Ngay sau peel da hóa chất (lần thứ ba) với glycolic và axit salicylic (20%) 2 tuần một lần kết hợp với 2,5% hydroquinone. E – F, Ngay sau khi peel. G – I (xem trang tiếp theo), Sau tám lần peel da bằng glycolic và axit salicylic (20%) sau mỗi 2 tuần kết hợp với công thức 2,5% hydroquinone.
Hình. 4.7, (tiếp)
Hình. 4.7, (tiếp)

Dung dịch Jessner

Dung dịch Jessner bao gồm các thành phần sau: SA 14 g, axit lactic (85%) 14g và resorcinol 14 g pha với etanol để tạo thành hỗn dịch thể tích 100ml. Chúng thường được sử dụng để peel nông hoặc chuẩn bị da trước peel TCA. Độ sâu hoạt chất peel phụ thuộc vào số lượng lớp dung dịch J được áp dụng.

Đối với peel rất nông (mức A), có thể phủ lên da từ 1-3 lớp. Trên mặt da lúc này có thể xuất hiện ban đỏ nhẹ, hoặc một lớp phấn trắng. Lớp phấn trắng này là do SA kết tủa trên da và có thể dễ dàng lau đi. Không có tình trạng đông tụ (sương trắng) như peel nông. Trong 1 đến 2 ngày, da có thể bị bong tróc nhẹ.

Đối với peel nông (cấp độ B), cần phủ lên da từ 4 đến 10 lớp. Trên mặt da lúc này có thể xuất hiện ban đỏ và đốm sương trắng. Trong 15 đến 30 phút, BN sẽ có cảm giác bỏng rát, châm chích từ mức độ nhẹ tới trung bình. Khoảng 1 đến 3 ngày sau, da hơi chuyển sang màu nâu đỏ và có cảm giác rất căng. Sau 2 đến 4 ngày tiếp theo có hiện tượng tróc vảy, nhưng hiếm khi bong da thành lớp.

Nếu phủ càng nhiều lớp dung dịch, hoạt chất càng thấm sâu, và được biểu hiện trên lâm sàng bởi tình trạng sương trắng và da bong lâu hơn, kéo dài từ 8 đến 10 ngày. Ngoài ra, độ sâu không chỉ phụ thuộc vào số lượng lớp dung dịch được sử dụng, mà còn phụ thuộc vào việc chuẩn bị trước hoặc sử dụng kem lót trước đó, độ dày của lớp sừng và độ nhạy cảm của da. Do đó, thời gian và số lớp áp trên da có thể khác nhau chút ở mỗi bệnh nhân. Nên để dung dịch trên da từ 4 đến 6 phút để đánh giá hết tác dụng của dung dịch trên da.

Trong giai đoạn hồi phục, nên áp dụng routine điều trị có dưỡng ẩm nhẹ để bù lại cảm giác căng và giống như đang đeo mặt nạ trên da. Trong trường hợp bị châm chích dai dẳng hoặc nhạy cảm liên tục, có thể dùng steroid tại chỗ. Bệnh nhân đã có thể trang điểm ngay trong giai đoạn hồi phục. Và chỉ có thể sử dụng toner, hóa chất peel, tẩy tế bào chết, mặt nạ hoặc RAs cho da mặt ít nhất 48 giờ sau khi da đã hồi lại sau peel.

Ưu điểm của dung dịch Jessner là tác dụng tại lớp da tương đối nông, hiếm khi đi sâu hơn mong đợi, an toàn và ít tác dụng phụ. Do lượng resorcinol và SA thấp, khả năng gây độc chỉ xuất hiện khi điều trị trên diện rộng, chẳng hạn như điều trị đồng thời mặt, ngực, cánh tay và cẳng chân. (8)

Peel TCA

Peel bằng TCA với nồng độ từ 10% đến 25% là peel tại lớp thượng bì. Còn với nồng độ từ 30% đến 40%, hoạt chất có thể ‘chạm’ tới lớp nhú bì. Peel TCA thường được sử dụng như một phương pháp peel da trung bình để điều trị các rối loạn sắc tố và các nếp nhăn ‘chuẩn bị’ hình thành trên khuôn mặt hơn là peel nông.

Nên tránh phủ nhiều lớp trên da hoặc phủ chồng lên nhau giữa các vùng dẫn tới peel sâu. Nên điều trị cả vùng lông mày và ngoài đường chân tóc và đường viền hàm một chút. Tình trạng bong tróc rất nhẹ, biểu hiện bởi ban đỏ, các mảng sương trắng ‘nhẹ’ (sương có đốm), chúng sẽ lành lại sau 2 đến 4 ngày sau bong da. Lớp peel TCA thường ‘đi’ xuyên qua toàn bộ bề mặt tương đối đồng đều. Sau khi xuất hiện ban đỏ và sương trắng, sẽ lành trong vòng 5 ngày (Hình. 4.8 và 4.9). TCA có thể được rửa sạch bằng nước lạnh và chất tẩy rửa nhẹ nhàng. (2,4,8)

Hình. 4.8 A–C, Bệnh nhân trước khi điều trị. D, Peel bằng axit tricloaxetic 20%, bắt đầu có sương trắng. E, Ngay saukhi điều trị. F – G, Sau 1 tháng. H – I, Sau 2 tháng. (Tiến sĩ Luitgard Wiest.)
Hình. 4.8 A–C, Bệnh nhân trước khi điều trị. D, Peel bằng axit tricloaxetic 20%, bắt đầu có sương trắng. E, Ngay sau khi điều trị. F – G, Sau 1 tháng. H – I, Sau 2 tháng. (Tiến sĩ Luitgard Wiest.)
Hình. 4.9 A, Bệnh nhân trước khi điều trị. B, Đánh dấu khu vực cần điều trị. C, Bắt đầu băng axit trichloroacetic(TCA) (15% TCA), xuất hiện sương trắng. D, Sương trắng xuất hiện đều khắp vùng điều trị. E, Ba ngày sau khi peel da bằng hóa chất. F, Bảy ngày sau khi peel da bằng hóa chất. (Tiến sĩ Luitgard Wiest.)
Hình. 4.9 A, Bệnh nhân trước khi điều trị. B, Đánh dấu khu vực cần điều trị. C, Bắt đầu băng axit trichloroacetic (TCA) (15% TCA), xuất hiện sương trắng. D, Sương trắng xuất hiện đều khắp vùng điều trị. E, Ba ngày sau khi peel da bằng hóa chất. F, Bảy ngày sau khi peel da bằng hóa chất. (Tiến sĩ Luitgard Wiest.)

CHĂM SÓC SAU PEEL

Mục tiêu của routine chăm sóc da sau peel là giảm tối đa nguy cơ gặp phải tác dụng phụ và biến chứng, đồng thời đạt được trạng thái tái tạo da sớm. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với những bệnh nhân da sẫm màu, những người có nguy cơ tăng sắc tố da sau viêm.

Sau khi peel da bằng hóa chất thường sẽ xuất hiện ban đỏ, phù nề nhẹ và bong vảy. Những rối loạn này thường kéo dài từ 1 đến 3 ngày đối với peel nông. Sau 3 đến 5 ngày, biểu bì sẽ được tái tạo hoàn toàn.

Có thể sử dụng xà phòng nhẹ hoặc chất làm sạch không xà phòng nhẹ để rửa mặt. Trong trường hợp đóng vảy, nên sử dụng liệu pháp kháng khuẩn tại chỗ để tránh bội nhiễm vi khuẩn. Bệnh nhân phải được hướng dẫn rõ ràng cho giai đoạn sau peel. Để làm dịu da, có thể dùng gạc lạnh áp lên bề mặt da. Bệnh nhân nên được hướng dẫn cách sử dụng kem chống nắng phổ rộng (SPF 50+) hàng ngày và tránh nắng tối đa, ngoài ra chỉ sử dụng kem dưỡng ẩm nhẹ cho đến khi da lành hẳn. Bệnh nhân được hướng dẫn để tránh tác động, mát xa, hoặc làm trầy xước da, đặc biệt là các vùng được điều trị. Họ phải hạn chế tập luyện thể thao hoặc các hoạt động ra mồ hôi trong suốt quá trình treatment. Không cần kê giảm đau với peel nông.

Ngoài ra, bệnh nhân cần được thông báo về các dấu hiệu cảnh báo sớm xuất hiện biến chứng như ban đỏ nặng và kéo dài, phù nề, cảm giác bỏng rát, đóng vảy, tăng sắc tố, hoặc hình thành mụn mủ hoặc mụn nước. Ngoài việc điều trị theo dõi sau peel chặt chẽ, bệnh nhân cần được hướng dẫn báo cáo ngay lập tức bất kỳ dấu hiệu sớm nào của biến chứng để bắt đầu điều trị ở giai đoạn sớm. Bệnh nhân nên được cung cấp một số điện thoại liên lạc cho những trường hợp khẩn cấp.

CHỐNG CHỈ ĐỊNH

Chống chỉ định

Chống chỉ định tuyệt đối của peel nông bao gồm nhiễm trùng do vi khuẩn, vi rút hoặc nấm đang hoạt động; vết thương hở; thai kỳ; và cho con bú.

Chống chỉ định tương đối: BN đang sử dụng thuốc làm tăng nhạy cảm da với anh sáng hoặc đang có viêm da. Bệnh nhân có kỳ vọng không thực tế và bệnh nhân không tuân thủ, ví dụ như bệnh nhân không tuân thủ các biện pháp bảo vệ, tránh nắng nghiêm ngặt hoặc không chuẩn bị da trước và chăm sóc da sau điều trị cũng sẽ thuộc nhóm chống chỉ định tương đối. (2,9)

Biến chứng

Peel nông khá an toàn và ít tác dụng phụ cũng như biến chứng hơn các loại peel sâu hơn (BẢNG 4.3). (3)

BẢNG 4.3: Biến chứng
BẢNG 4.3: Biến chứng

CÁC TIP TRONG THỰC HÀNH

Cách tốt nhất để tránh biến chứng là xác định những bệnh nhân có nguy cơ để sử dụng các loại peel nông hơn hoặc thậm chí không chỉ định nếu nguy cơ cao. Peel càng sâu và da BN càng sẫm thì nguy cơ biến chứng càng cao. Ngoài ra, những người có tiền sử tăng sắc tố da, sẹo phì đại hoặc sẹo lồi, tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời, làm việc ngoài trời (ví dụ, nông dân), tiền sử nhạy cảm với ánh sáng hoặc bệnh nhân đang dùng thuốc tăng nhạy cảm ánh sáng, bệnh nhân đã được điều trị bằng isotretinoin trong 1 đến 2 tháng qua, bệnh nhân có da rất nhạy cảm hoặc viêm da dị ứng hoặc không thể sử dụng thuốc chống nắng hoặc hydroquinone, những bệnh nhân có da khô và màu da hơi đỏ, bệnh nhân bị nhiễm trùng herpes tái phát và bệnh nhân không hợp tác hoặc bệnh nhân không tuân thủ và có mong muốn phi thực tế. (2,3,8)

Peel AHAs phù hợp để chuẩn bị da cho những BN có làn da rất nhạy cảm, da hơi đỏ, giãn mao mạch hoặc những bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài. Peel bằng glycolic acid cũng có tác dụng bảo vệ da đối với các vùng da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời khác như cổ, mu bàn tay và ngực nhưng hiện đang được ưa chuộng nhất trong điều trị nám. Chúng giúp cải thiện tình trạng tăng sắc tố rải rác và điều trị nếp nhăn nhỏ. Peel axit glycolic cũng được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá, tăng sắc tố da sau mụn, sẹo mụn nông, bệnh trứng cá đỏ dạng sẩn, bệnh viêm da tiết bã và dày sừng quang hóa, dày sừng nang lông, và một số mụn cóc kháng trị. AHA làm tăng độ nhạy với tia cực tím (UV), còn LHA thì ngược lại. (3,8,16-18)

Peel bằng BHA, đặc biệt là SA hoặc LHA, rất tốt trong điều trị mụn trứng cá vì đặc tính ưa dầu và hiệu ứng ly giải nhân mụn mạnh mẽ. Kessler và cộng sự đã công bố kết quả rằng cả axit glycolic và SA đều có hiệu quả tương tự nhau, nhưng SA peel có hiệu quả tốt hơn sau 2 tháng điều trị (nghiên cứu có làm mù đánh giá viên cũng như làm mù về số lượng tổn thương mụn) và ít tác dụng phụ hơn. Peel SA cũng có hiệu quả trong việc điều trị các chứng rối loạn sắc tố như nám da và tăng sắc tố sau viêm, da nhờn, kết cấu da thô ráp và tổn thương da do ánh sáng mức độ nhẹ, nhưng ít hiệu quả hơn ở những bệnh nhân bị tổn thương da do ánh sáng mức độ nặng hơn.

Peel bằng hỗn hợp axit salicylic-mandelic, với nồng độ 20% SA và 10% axit mandelic, được chứng minh hiệu quả trong việc điều trị mụn trứng cá và sẹo mụn và do khả năng dung nạp tốt nên khá được ưa chuộng trong điều trị bệnh nhân Ấn Độ bị nám da, so với peel bằng axit glycolic (35%). (3,8,11,12,19-21)

Peel RAs bằng thường được sử dụng kết hợp với AHAs, đặc biệt ở những bệnh nhân có làn da nhờn và dày. AHA hoạt động chủ yếu trên lớp hạt, trong khi RA chủ yếu hoạt động trên lớp sừng. LHA và RA đều có tác dụng cải thiện kết cấu bề mặt. (3,8)

Dung dịch Jessner là sản phẩm lý tưởng cho những bệnh nhân bị rối loạn sắc tố vì chúng tạo ra một lớp peel khá đồng đều (từ đó lớp da bong cũng thành một mảng). Dung dịch Jessner cũng được sử dụng trong điều trị sẹo mụn trứng cá mức độ nhẹ, thường peel kết hợp với TCA. Nhược điểm của dung dịch Jessner là thường xuất hiện các ban đỏ và đổi màu, và không dễ dàng che phủ khi trang điểm. (3,8)

Peel bằng RA rất thích hợp để điều trị cho bệnh nhân bị nám và tăng sắc tố sau viêm.

Peel bằng TCA chủ yếu được sử dụng để điều trị rối loạn sắc tố và các nếp nhăn trên khuôn mặt, nhưng thường chỉ định cho lớp da trung bình. (3,8)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Drake LA, Dinehart SM, Goltz RW, et al. Guidelines of care for chemical peeling. Guidelines/Outcomes Com- mittee: American Academy of dermatology. J Am Acad Dermatol. 1995;33(3):497-503.
  2. Khunger N. Standard guidelines of care for chemical peels. Indian J Dermatol Venereol Leprol. 2008;74(sup- pl):S5-S12.
  3. Rendon MI, Berson DS, Cohen JL, Roberts WE, Starker I, Wang B. Evidence and considerations in the application of chemical peels in skin disorders and aesthetic resurfac- ing. J Clin Aesthet Dermatol. 2010;3(7):32-43.
  4. Rubin MGS, Nanna Y. / Wiest, Luitgard G. / Gout, Uliana. Illustrated Guide to Chemical Peels: Basics, Prac- tice, Uses (Aesthetic Methods for Skin Rejuvenation). 1st ed. London; Chicago: Quintessence Publishing/KVM; 2014:280.
  5. Wiest LG, Habig J. [Chemical peel treatments in derma- tology]. 2015;66(10):744-747.
  6. Baumann L. Cosmetic Dermatology: Principles and Practice. 2nd ed. United States: McGraw-Hill Education / Medical; 2009.
  7. Rullan P, Karam AM. Chemical peels for darker skin types. FacialPlast Surg Clin North Am. 2010;18(1):111-131.
  8. Clark E, Scerri L. Superficial and medium-depth chemi- cal peels. Clin Dermatol. 2008;26(2):209-218.
  9. Kontochristopoulos G, Platsidaki E. Chemical peels in active acne and acne scars. Clin Dermatol. 2017;35(2):179-182.
Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here