Kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Bài này nhà thuốc Ngọc Anh xin giới thiệu đến bạn đọc các kháng sinh dự phòng trong phẫu thuật.

Giới thiệu

Kháng sinh dự phòng phẫu thuật là kháng sinh sử dụng trước khi phẫu thuật/thủ thuật nhằm ngăn ngừa nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật.

Mục đích

  • Dự phòng nhiễm khuẩn tại vị trí phẫu thuật
  • Dự phòng biến chứng và tử vong liên quan tới nhiễm khuẩn vết mổ
  • Giảm thời gian và chi phí nằm viện

Kháng sinh dự phòng (KSDP) chỉ là một trong số các biện pháp để hạn chế nhiễm khuẩn bệnh viện. Để đạt hiệu quả cao, cần tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; nâng cao ý thức phòng chống nhiễm khuẩn của nhân viên y tế trước, trong và sau phẫu thuật.

Phân loại phẫu thuật trong sử dụng KSDP

Nhóm I: Phẫu thuật sạch

  • Mổ không có nhiễm trùng, không viêm, không mở các phần của cơ thể đã có viêm nhiễm hoặc có thể gây ra viêm hoặc nhiễm trùng như hệ hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục.
  • Vết mổ được đóng sau khi phẫu thuật, các ống dẫn lưu kín.

Nhóm II: Phẫu thuật sạch nhiễm

  • Mổ đường hô hấp, tiêu hóa, sinh dục hoặc niệu đao trong điều kiện tốt và không có các nguồn viêm nhiễm bất thường.
  • Phẫu thuật đường mật, ruột thừa, âm đạo và hầu họng nếu không có dấu hiệu của nhiễm khuẩn và không có sai sót về kỹ thuật vô trùng.

Nhóm III: Phẫu thuật nhiễm

  • Vết thương hở, vào viện sớm.
  • Các phẫu thuật sạch mắc phải lỗi vô trùng lớn hoặc có bị thủng ra đường tiêu hóa.
  • Phẫu thuật có viêm cấp tính, không mưng mủ.

Nhóm IV: Phẫu thuật bẩn

  • Vết thương cũ còn sót mô hoặc hoại tử.
  • Vết thương có nhiễm trùng sẵn hoặc thủng nội tạng có thể gây nhiễm trùng hậu phẫu.
  • Phẫu thuật trong đó các vi khuẩn gây nhiễm trùng hậu phẫu đã có sẵn từ trước khi phẫu thuật.

Quy trình bào chế thuốc nang

Lựa chọn kháng sinh dự phòng

Áp dụng KSDP cho các phẫu thuật SẠCH và SẠCH NHIỄM. Phẫu thuật nhiễm và bẩn cần chuyển sang kháng sinh điều trị và không được đề cập tới trong hướng dẫn này.

Tiêu chí lựa chọn KSDP

  • Kháng sinh phải có phổ tác dụng bao phủ được các chủng vi khuẩn thường gặp nhất tại vị trí phẫu thuật. Ngoài vi hệ thông thường cần xem xét mức độ nhạy cảm của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy nhiên, tránh lựa chọn kháng sinh có phổ quá rộng để hạn chế nguy cơ gia tăng các chủng vi khuần đa kháng.
  • Cân nhắc các yếu tố của người bệnh có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ bao gồm: đã có nhiễm khuẩn từ trước, dùng kháng sinh trong vòng 90 ngày trước phẫu thuật, có mang vi khuẩn đề kháng kháng sinh (ví dụ: tụ cầu vàng kháng methicillin – MRSA hoặc vi khuẩn Gram âm kháng thuốc…), đã nằm viện kéo dài hoặc có sẵn vật liệu nhân tạo.
  • Kháng sinh phải có hiệu quả, độ an toàn cao và tiết kiệm chi phí: nên ưu tiên lựa chọn nhóm kháng sinh cephalosporin.

Các trường hợp lựa chọn vancomycin

Vancomycin kém hiệu quả hơn so với cefazolin trong dự phòng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật gây ra bởi tụ cầu vàng nhạy methicillin (MSSA). Do đó, chỉ nên sử dụng vancomycin trong các trường hợp:

  • Người bệnh dị ứng với penicillin/cephalosporin
  • Có nguy cơ cao nhiễm khuẩn vết mổ do MRSA: có tiền sử nhiễm khuẩn do MRSA hoặc được xác định có vi khuẩn cư trú là MRSA bằng test sàng lọc (cấy mẫu bệnh phẩm dịch tỵ hầu), người bệnh có nghi ngờ nhiễm MRSA, người bệnh phải phẫu thuật lại trong các trường hợp phẫu thuật thay van tim nhân tạo, thay khớp hoặc phẫu thuật mạch máu.
  • Các phẫu thuật có kèm nguy cơ nhiễm khuẩn do vi khuẩn Gram âm, phải kết hợp vancomycin với kháng sinh khác phù hợp (ví dụ: cefazolin, gentamicin, ciprofloxacin).

Liều dùng và độ dài của kháng sinh dự phòng

Liều dùng

  • Liều dùng được tính theo chức năng gan, thận bình thường. Ở bệnh nhân có suy giảm chức năng gan thận, không cần hiệu chỉnh liều nếu chỉ dùng 1 liều duy nhất. Trường hợp kéo dài thời gian dự phòng kháng sinh, nên hiệu chỉnh các liều tiếp theo phù hợp với chức năng gan thận của bệnh nhân.
  • Liều trẻ em tính theo mg/kg cân nặng nhưng không quá liều tối đa dành cho người lớn.
  • Ở bệnh nhân béo phì, cần chú ý điều chỉnh liều do dược động học của thuốc có thể thay đổi.
  • Hướng dẫn liều dùng KSDP (xem bên dưới)

Độ dài của kháng sinh dự phòng

  • Một liều kháng sinh duy nhất thường là đủ đối với hầu hết các loại phẫu thuật. Không nên dùng KSDP quá 24 giờ đối với hầu hết các loại phẫu thuật. Với một số phẫu thuật đặc biệt (gồm phẫu thuật tim mạch, ghép gan, phẫu thuật ung thư xương), KSDP có thể kéo dài hơn nhưng thường không quá 48 giờ. Nếu có dấu hiệu nhiễm trùng sau phẫu thuật, áp dụng kháng sinh điều trị.
  • Nếu phẫu thuật kéo dài hơn 2 lần thời gian bán thải của thuốc hoặc bệnh nhân mất máu nhiều (trên 1,5 lít), cần sử dụng thêm 1 liều kháng sinh (liều giống ban đầu). Khoảng cách dùng thêm kháng sinh được tính từ lần sử dụng kháng sinh trước đó.
  • Sử dụng KSDP kéo dài làm tăng nguy cơ gặp tác dụng không mong muốn, đặc biệt là nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc hoặc Clostridium difficile.

Thời điểm sử dụng KSDP trước phẫu thuật

ngoccanhblognta 83

  • Thời điểm phải phù hợp để kháng sinh đạt được nồng độ trong mô cao nhất tại thời điểm rạch da.
  • Kháng sinh phải được dùng xong trước khi rạch da và không quá 60 phút trước khi rạch da.
  • Kháng sinh β-lactam có thời gian sử dụng tối ưu nhất là trong vòng 15 – 30 phút trước khi rạch da.
  • Vancomycin và ciprofloxacin, levofloxacin cần được truyền tĩnh mạch chậm để hạn chế tác dụng không mong muốn, do đó nên bắt đầu dùng trong vòng 2 giờ trước khi rạch da.
  • Trường hợp bệnh nhân đang sử dụng kháng sinh trước phẫu thuật, nếu kháng sinh đó có phổ tác dụng trên các chủng vi khuẩn thường gây nhiễm khuẩn vết mổ thì không cần bổ sung/ thay đổi kháng sinh dự phòng khác nhưng cần điều chỉnh thời điểm dùng kháng sinh cho phù hợp, có thể sử dụng thêm 1 liều kháng sinh trong vòng 60 phút trước khi rạch da.

Hướng dẫn lựa chọn KSDP theo loại phẫu thuật

Chấn thương chỉnh hình

Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam Thời gian dự phòng
Các phẫu thuật sạch, bao gồm cả phẫu thuật tứ chi không sử dụng vật liệu nhân tạo Không dự phòng hoặc Cefazolin Không dự phòng hoặc clindamycin Liều duy nhất
Phẫu thuật nội soi khớp gối Cefazolin, Cefuroxime Vancomycin Không quá 24 giờ
Phẫu thuật có sử dụng phương tiện kết hợp xương Cefazolin, Cefuroxime Vancomycin Không quá 24 g
Phẫu thuật cột sống Cefazolin, Cefuroxime Vancomycin Không quá 24 giờ
Phẫu thuật gãy khớp háng Cefazolin, Cefuroxime Vancomycin Không quá 24 giờ
Phẫu thuật thay khớp toàn bộ Cefazolin, Cefuroxime Vancomycin Không quá 24 giờ
Cắt cụt chi dưới không do nhiễm khuẩn Cefazolin, nếu có thiếu máu cục bộ: bổ sung metronidazole hoặc thay bằng cefoxitin Vancomycin + gentamicin. Nếu có thiếu máu cục bộ: bổ sung metronidazole Không quá 24 giờ
Phẫu thuật ung thư xương Cefazolin + gentamicin Nếu sử dụng vancomycin thay cho cefazolin, cân nhắc thay thế gentamicin bằng ceftriaxone ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận Vancomycin + gentamicin Thông thường: không quá 24 giờ Có yếu tố nguy cơ tăng nhiễm khuẩn (đã hóa trị/xạ trị trước phẫu thuật, suy giảm miễn dịch, phẫu thuật vùng háng, khung chậu, thắt lưng, cột sống): 3-5 ngày.

Phẫu thuật tiết niệu

  • Để lựa chọn KSDP phù hợp, cần xem xét các vấn đề: phương pháp phẫu thuật (nội soi/mổ mở, có/không sửa đường tiết niệu), có/không đi vào đường tiêu hóa, có/không sử dụng vật liệu nhân tạo và các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn của người bệnh (suy giảm miễn dịch, tắc nghẽn đường niệu, sỏi đường niệu, có ống thông bên trong đường niệu). Cân nhắc cấy nước tiểu trước phẫu thuật để lựa chọn kháng sinh phù hợp.
  • Với các bệnh nhân có nguy cơ cao viêm nội tâm mạc (van tim nhân tạo, bệnh tim bẩm sinh, tiền sử viêm nội tâm mạc, thấp tim) cần xem xét sử dụng thêm kháng sinh có tác dụng trên các chủng cầu khuẩn ruột enterococci (ampicillin ± sulbactam hoặc vancomycin).
Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam
– Phẫu thuật sạch không vào đường tiết niệu (cắt thận đơn giản, cắt tinh hoàn, thắt ống dẫn tinh, phẫu thuật giãn tĩnh mạch tinh…).
– Nội soi bàng quang/niệu quản chẩn đoán.
-Tán sỏi ngoài cơ thể
– Không dùng hoặc cefazolin, cefuroxime
– Có cấy ghép vật liệu nhân tạo: cefazolin/ cefuroxime ± gentamicin/ ciprofloxacin, hoặc amoxicillin/ampicillin + ức chế β lactamase
– Clindamycin/ vancomycin
– Có cấy ghép vật liệu nhân tạo: Clindamycin/ vancomycin ± gentamicin/ ciprofloxacin
Phẫu thuật sạch nhiễm (nội soi tán sỏi bàng quang/ niệu quản; nội soi niệu quản ngược dòng tán sỏi thận đơn giản; nội soi tán sỏi thận qua da đơn giản; cắt u bàng quang qua niệu đạo (TURBT); cắt tuyến tiền liệt qua niệu đạo (TURP); cắt xơ hẹp niệu đạo…) – Cefazolin, cefuroxim, ceftriaxone hoặc
Amoxicillin/ampicillin + ức chế β lactamase
hoặc
Ciprofloxacin
– Có cấy ghép vật liệu nhân tạo: cefazolin/ cefuroxime/ ceftriaxone ± gentamicin/ ciprofloxacin, hoặc amoxicillin/ampicillin + ức chế β lactamase
– Clindamycin/ vancomycin ± ciprofloxacin/ gentamicin
Phẫu thuật sạch nhiễm (đi qua đường tiêu hóa) – Cefazolin/ cefuroxime/ ceftriaxone
– Nếu qua đại trực tràng: Cefazolin/ cefuroxime/ ceftriaxone + metronidazole hoặc cefoxitin
– Ciprofloxacin/ gentamicin
– Nếu qua đại trực tràng : Ciprofloxacin/ gentamicin + metronidazole/ clindamycin
Đặt dụng cụ đường niệu dưới có nguy cơ nhiễm khuẩn, bao gồm sinh thiết tuyến tiền liệt qua trực tràng – Ciprofloxacin
hoặc
– Trimethoprim + sulfamethoxazole
hoặc
– Cefazolin
Gentamicin ± clindamycin

Phẫu thuật thẩm mỹ

Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam
Phẫu thuật sạch, đơn giản, không sử dụng vật liệu độn Không dự phòng hoặc cefazolin Không dự phòng hoặc clindamycin
Phẫu thuật sạch nhiễm, phẫu thuật phức tạp có sử dụng vật liệu độn, phẫu thuật tạo hình phức tạp Amoxicillin/ampicillin + ức chế β lactamase hoặc cefazolin/ cefuroxime ± metronidazole – Clindamycin/ vancomycin
– Xem xét bổ sung gentamicin hoặc ciprofloxacin nếu nghi ngờ có vi khuẩn Gram âm

Phẫu thuật tiêu hóa

Các bệnh nhân có nguy cơ cao viêm nội tâm mạc (van tim nhân tạo, bệnh tim bẩm sinh, tiền sử viêm nội tâm mạc, thấp tim) được tiến hành nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) hoặc chọc dò dưới hướng dẫn siêu âm – nội soi, phẫu thuật ổ bụng có chỉ định kháng sinh dự phòng, cần bổ sung kháng sinh có tác dụng trên các cầu khuẩn ruột enterococci (ampicillin ± sulbactam hoặc vancomycin) .

Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam
Phẫu thuật nội soi sạch Không dùng hoặc cefazolin Không dùng hoặc clindamycin
Phẫu thuật thoát vị Cefazolin, Cefuroxime Vancomycin
Phẫu thuật ruột non không tắc nghẽn Cefazolin, Cefuroxime Vancomycin + gentamicin/ ciprofloxacin
Phẫu thuật ruột non tắc nghẽn Cefazolin/ cefuroxime + metronidazole hoặc cefoxitin Metronidazole + gentamicin/ ciprofloxacin
– Phẫu thuật đại – trực tràng
– Mổ mở cắt túi mật
– Nội soi cắt túi mật có nguy cơ cao: bệnh nhân đái tháo đường, > 70 tuổi, vàng da, sỏi ống mật chủ, viêm túi mật cấp, túi mật mất chức năng
– Phẫu thuật cắt ruột thừa không biến chứng (ruột thừa còn nguyên vẹn, không có điểm hoại tử, không viêm phúc mạc, áp xe)
Metronidazole + cefazolin/ cefuroxime/ ceftriaxone hoặc cefoxitin hoặc amoxicillin/ ampicillin + ức chế β lactamase hoặc cefoperazon/sulbactam Metronidazole + gentamicin/ ciprofloxacin
Phẫu thuật trĩ Không dùng hoặc metronidazole ± cefazolin/ cefuroxime hoặc cefoperazon/sulbactam Không dùng hoặc metronidazole ± gentamicin/ ciprofloxacin
Phẫu thuật đường tiêu hóa trên (thực quản – dạ dày – tá tràng)
Thông thường Cefazolin Vancomycin + gentamicin/ ciprofloxacin
– PT tạo hình lớn (cắt tạo hình thực quản, cắt khối tá – tụy) Áp dụng kháng sinh điều trị

Phẫu thuật tai mũi họng

Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam
Cắt tuyến giáp Không dự phòng hoặc cefazolin Không dự phòng hoặc clindamycin
Phẫu thuật sạch, có cấy ghép vật liệu nhân tạo (không bao gồm đặt ống tai) Cefazolin/ cefuroxime hoặc amoxicillin/ampicillin + ức chế β lactamase Clindamycin hoặc vancomycin
Phẫu thuật đi qua bề mặt niêm mạc Amoxicillin/ampicillin + ức chế β lactamase Clindamycin hoặc levofloxacin + metronidazole
Phẫu thuật bẩn, có biến chứng Áp dụng kháng sinh điều trị
thuốc kháng sinh
Hình ảnh: thuốc kháng sinh

Phẫu thuật tim mạch

Các bệnh nhân phẫu thuật tim mạch có thể được thực hiện test sàng lọc MRSA trước phẫu thuật để lựa chọn kháng sinh dự phòng phẫu thuật phù hợp theo nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ do MRSA

Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam
Phẫu thuật tim mở bao gồm CABG, thay van tim, đặt dụng cụ hỗ trợ thất VAD Cefazolin hoặc cefuroxime Vancomycin ± gentamicin
Cấy ghép hoặc thay thế máy tạo nhịp vĩnh viễn, máy khử rung hoặc các thiết bị tim mạch khác Cefazolin hoặc cefuroxime Vancomycin ± gentamicin
Phẫu thuật mạch máu vùng chi trên và mạch cảnh có ghép vật liệu nhân tạo, phẫu thuật động mạch chủ bụng, phẫu thuật mạch chi dưới Cefazolin hoặc cefuroxime Vancomycin ± gentamicin
Phẫu thuật lồng ngực Cefazolin hoặc cefuroxime Vancomycin ± gentamicin

Phẫu thuật sản khoa – IVF

Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam
Mổ đẻ (chưa chuyển dạ, chưa vỡ ối) Cefazolin Vancomycin + gentamicin
Mổ đẻ (đang chuyển dạ hoặc ối vỡ) Cefazolin + azithromycin* Vancomycin + gentamicin + azithromycin*
Cắt tử cung Cefazolin +/- metronidazole Hoặc cefoxitin Hoặc amoxicillin/ampicillin + ức chế β lactamase Vancomycin + gentamicin +/- metronidazole
Nạo hút thai, các thủ thuật sản phụ khoa khác Doxycyclin 200mg uống 1 giờ trước thủ thuật hoặc azithromycin 500mg uống/truyền TM 1 giờ trước thủ thuật

*: truyền azithromycin ngay khi có quyết định chuyển mổ

Xem thêm tại đây: Chiến lược không sử dụng Opioid trong quản lí đau mạn tính

Phẫu thuật ghép tạng

Ghép thận

Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam
Người nhận hoặc người cho Cefazolin Clindamycin + ciprofloxacin

Ghép gan

Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam Thời gian dự phòng
Người nhận Piperacillin/ tazobactam Vancomycin + gentamicin/ ciprofloxacin Trong vòng 5 ngày**
Người cho Cefazolin hoặc ampicillin/sulbactam Vancomycin + gentamicin Trong vòng 24 giờ**

*Các bệnh nhân ghép gan cần được thực hiện test sàng lọc MRSA trước phẫu thuật để lựa chọn kháng sinh dự phòng phẫu thuật phù hợp theo nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ do MRSA

**Trừ trường hợp nghi ngờ/chẩn đoán nhiễm khuẩn hoặc cấy dịch mật sau phẫu thuật phát hiện vi khuẩn, sử dụng kháng sinh điều trị

Phẫu thuật/ thủ thuật ghép tế bào gốc

Loại phẫu thuật/ thủ thuật Kháng sinh lựa chọn Thời gian dự phòng
Thu thập tế bào gốc từ tủy xương/ mô mỡ để nuôi cấy, không truyền tươi trong ngày Không dùng kháng sinh
Thu thập tế bào gốc từ tủy xương/ mô mỡ để truyền tươi trong ngày Ceftriaxone hoặc Vancomycin (trường hợp dị ứng với β-lactam) Trước khi thu thập
Truyền tế bào gốc tươi vào dịch não tủy (điều trị các bệnh lý thần kinh như: bại não, tự kỷ, rối loạn cơ tròn) Ceftriaxone hoặc Vancomycin (trường hợp dị ứng với β-lactam) Trước khi thu thập và dùng tiếp kháng sinh đến 48 giờ (tính từ liều đầu tiên)
Truyền tế bào gốc nuôi cấy vào dịch não tủy (điều trị các bệnh lý thần kinh như: bại não, tự kỷ, rối loạn cơ tròn) Ceftriaxone hoặc Vancomycin (trường hợp dị ứng với β-lactam)
  • Ceftriaxone: Kết thúc truyền liều đầu trước khi truyền Tế bào gốc tối thiểu 4 giờ và dùng tiếp kháng sinh đến 48 giờ
  • Vancomycin: Kết thúc truyền liều đầu trước khi truyền Tế bào gốc tối thiểu 1 giờ và dùng tiếp kháng sinh đến 48 giờ
Truyền tế bào gốc vào động mạch/ tĩnh mạch (điều trị đái tháo đường, xơ gan, suy giảm sinh lực, trẻ hóa…) Không dùng kháng sinh
Phẫu thuật Xiao có truyền tế bào gốc vào dịch não tủy Ceftriaxone hoặc Vancomycin (trường hợp dị ứng với β-lactam) Ceftriaxone: Kết thúc truyền liều đầu trước khi truyền Tế bào gốc tối thiểu 4 giờ và dùng tiếp kháng sinh đến 48 giờ Vancomycin: Kết thúc truyền liều đầu trước khi truyền Tế bào gốc tối thiểu 1 giờ và dùng tiếp kháng sinh đến 48 giờ

Liều ceftriaxone:

  • Trẻ em < 40kg: 100mg/ kg/ ngày chia 1-2 lần/ngày. Tối đa 2g/ lần.
  • Người lớn và trẻ em ≥ 40kg: 2g mỗi 12 giờ

Liều vancomycin:

  • Liều đầu: liều 30mg/kg
  • Liều tiếp theo được chỉnh theo chức năng thận

Phẫu thuật/ thủ thuật khác

Loại phẫu thuật Kháng sinh lựa chọn Dị ứng β-lactam Thời gian dự phòng
Can thiệp mạch qua da Không sử dụng kháng sinh Không sử dụng kháng sinh Không sử dụng kháng sinh
Đặt catheter tĩnh mạch trung tâm Không sử dụng kháng sinh Không sử dụng kháng sinh Không sử dụng kháng sinh
Đặt buồng tiêm (portacath) Cefazolin/ Cefuroxime Clindamycin 1 liều duy nhất

Liều kháng sinh dự phòng

Kháng sinh Đường dùng Người lớn Trẻ em Thời gian nhắc lại trong mổ Liều 24 giờ
Ampicillin Tiêm TMC 2g 50mg/kg 2 giờ 1g mỗi 6 giờ
Ampicilin/ Sulbactam Tiêm TMC 3g 50mg/kg ampicillin 2 giờ 1.5g mỗi 6 giờ
Amoxicillin/ Clavulanat Tiêm TMC 2,4g 50mg/kg amoxicillin 2-3 giờ 1.2g mỗi 8 giờ
Amoxicilliln/ sulbactam Tiêm TMC 3g 50mg/kg amoxicillin 2-3 giờ 1.5g mỗi 8 giờ
Azithromycin Uống/ Truyền TM 1 giờ 500mg N/A Không 500mg mỗi 24 giờ
Cefazolin Tiêm TMC 2g (3g nếu > 120kg) 30mg/kg (tối đa 1g) 3-4 giờ 1g mỗi 8 giờ
Cefoxitin Tiêm TMC 2g 40mg/kg 2 giờ 2g mỗi 6 giờ
Cefoperazone + sulbactam Tiêm TMC 1g+1g 50mg/kg cefoperazone 4 giờ 1g+1g mỗi 12 giờ
Ceftriaxone Tiêm TMC 2g 50 – 75mg/kg Không 2g mỗi 24 giờ
Cefuroxime Tiêm TMC 1.5 g 50mg/kg 4 giờ 1.5g mỗi 8 giờ
Ciprofloxacin Truyền TM 1 giờ 400mg 10mg/kg 8 giờ 400mg mỗi 12 giờ
Clindamycin Truyền TM 30 phút 900mg 10mg/kg 6 giờ 900mg mỗi 8 giờ
Doxycyclin Uống 200mg N/A N/A N/A
Gentamicin Truyền TM 30 phút 5mg/kg hoặc 2mg/kg nếu thời gian cần dự phòng < 6h 2.5mg/kg Không 5mg/kg mỗi 24 giờ
Levofloxacin Truyền TM 1 giờ 500mg 10mg/kg Không 500mg mỗi 24 giờ
Metronidazole Truyền TM 30 phút 500mg 15mg/kg (tối đa 500mg) 12 giờ 500mg mỗi 8 giờ
Vancomycin Truyền TM tốc độ không quá 600mg/giờ 15mg/kg (max 2g) 15mg/kg 12 giờ 15mg/kg mỗi 12 giờ
Piperacillin/ Tazobactam Truyền TM 30 phút 4.5g 100mg/kg piperacillin (tối đa 4 g) 4 giờ 4.5g mỗi 6 giờ

Tài liệu tham khảo

  1. Hướng dẫn sử dụng kháng sinh – Bộ Y tế (2015)
  2. Australian Therapeutic Guidelines –– Antibiotic: Surgical prophylaxis. Truy cập online 9/2021
  3. Clinical practice guidelines for antimicrobial prophylaxis in surgery, Am J Health-Syst Pharm. 2013; 70:195-283
  4. Global guidelines for the prevention of surgical site infection. WHO 2016.
  5. Scottish Intercollegiate Guidelines Network (SIGN 104). Antibiotic prophylaxis in surgery, 4/2014.
  6. Uptodate: Drug information. Truy cập online 09/2021
  7. Antibiotic Prophylaxis for Gynecologic Procedures prior to and during the Utilization of Assisted Reproductive Technologies: A systematic review, Journal of Pathegens, Volume 2/2016
  8. Hướng dẫn sử dụng kháng sinh trong dự phòng phẫu thuật tại bệnh viện Vinmec
Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here