Đau bụng kinh là gì? Một số cách làm giảm cơn đau khi đến kỳ kinh nguyệt

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Đau bụng kinh là gì? Một số cách làm giảm cơn đau khi đến kỳ kinh nguyệt

Đau bụng kinh là một tình trạng rất hay gặp của rất nhiều chị em phụ nữ mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Tùy vào cơ thể của mỗi người mà mức độ đau bụng sẽ ít nhiều khác nhau. Có người xuất hiện cơn đau bụng chỉ thoáng qua, nhưng một số người khác lại phải chịu cảm giác đau đớn, khó chịu suốt cả ngày dài. Vậy tình trạng đau bụng kinh là do đâu? Có những cách nào để làm giảm đau bụng trong thời kỳ có kinh nguyệt? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh sẽ giúp bạn tìm hiểu một vài thông tin về tình trạng này nhé.

1, Đau bụng kinh là gì? Đau bụng kinh biểu hiện như thế nào?

Đau bụng kinh là tình trạng đau được gây nên do hệ thống cơ tử cung co bóp mỗi khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng đau có thể xuất hiện trước khi đến kỳ kinh và kéo dài từ 1 cho đến 3 ngày kể từ khi chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu xuất hiện.

Tùy vào cơ địa mỗi người mà mức độ đau sẽ có biểu hiện khác nhau. Có người không cảm thấy đau hoặc cơn đau chỉ thoáng qua, không để lại triệu chứng hay khó chịu gì. Nhưng có những trường hợp lại đau đớn quằn quại ở vùng bụng dưới, đau liên tục, dồn dập khiến cho cả người đau nhức, mệt mỏi, đi kèm với đó là các triệu chứng đau mỏi vùng thắt lưng, bụng có cảm giác đầy hơi và mót rặn, muốn đi đại tiện. Có nhiều trường hợp cơn đau sẽ khiến cho bạn ngất đi hoặc xuất hiện các triệu chứng nặng kèm theo như tiêu chảy, buồn nôn và nôn.

Trong vòng 24 giờ đầu tính từ lúc bắt đầu hành kinh là lúc chị em có thể bị đau nhất, sau đó cơn đau sẽ giảm dần khi bước sang ngày thứ 2 và thứ 3 rồi sau đó hết hẳn.

2, Phân loại đau bụng kinh

Đau bụng kinh được chia làm 2 loại chính là: Đau bụng kinh nguyên phát và đau bụng kinh thứ phát.

Đau bụng kinh nguyên phát hay còn gọi là đau bụng kinh vô căn

Loại đau này thường gặp ở những đối tượng là người trẻ tuổi, mới có kinh nguyệt, chưa lập gia đình và chưa có con, đa số đều là những người phụ nữ dưới 25 tuổi. Người bệnh không có các bệnh lý gì về cơ quan sinh dục, các cơn đau xuất hiện là do cơ tử cung co bóp để tạo lực đẩy niêm mạc tử cung đang bong ra bên ngoài. Cơn đau có thể xuất hiện trước khi hành kinh 1 ngày, và kéo dài 2 đến 3 ngày. Sau khi hết kinh người bệnh sẽ trở lại bình thường và không còn cảm giác đau nữa.

Đau bụng kinh nguyên phát thường xuất hiện sau 1 đến 2 năm hành kinh, và tình trạng này sẽ giảm hoặc mất hẳn sau khi họ kết hôn và sinh con hoặc khi tình trạng kinh nguyệt ổn định.

Đau bụng kinh thứ phát

Trong trường hợp này, các cơ quan sinh dục của người bệnh có nhiều sự thay đổi, người bệnh có thể bị mắc một số bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung, cổ tử cung hẹp, dính khoang tử cung,… Đau bụng kinh thứ phát thường xuất hiện sớm và có thể kéo dài đến khi đã hết thời gian hành kinh. Và thỉnh thoảng cũng sẽ có xuất hiện các cơn đau không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt.

Trên thực tế rất khó để phân biệt được hai loại đau bụng hành kinh này. Nhiều người giai đoạn ban đầu gặp tình trạng đau bụng là do nguyên phát, nhưng sau đó có thể chuyển thành đau bụng thứ phát khi cơ thể xuất hiện bệnh lý nào đó. Tuy nhiên việc phân loại 2 dạng này là rất cần thiết vì sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong việc chẩn đoán và điều trị đúng cách cho bệnh nhân.

3, Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh

Nguyên nhân gây ra đau bụng kinh

Tình trạng đau bụng kinh có thể xảy ra do một số nguyên nhân nhân được kể dưới đây:

  • Do thay đổi nội tiết tố, tăng tiết yếu tố Prostaglandin

Vào giai đoạn cuối của mỗi chu kỳ kinh, khi trứng không được tinh trùng thụ tinh, thành phần của các nội tiết tố trong cơ thể sẽ có sự thay đổi, các tế bào nội mạc tử cung sẽ tăng tiết thành phần prostaglandin. Nồng độ Prostaglandin trong máu tăng cao sẽ kích thích cơ tử cung tăng cường co thắt. Khi cơ tử cung co thắt sẽ gây siết mạnh các mạch máu vùng tử cung, gây ra tình trạng thiếu oxy nuôi dưỡng và khi đó lớp nội mạc tử cung sẽ bị hoại tử và bong tróc, đẩy ra bên ngoài.

Dưới tác dụng của yếu tố prostaglandin, cơ tử cung vẫn tiếp tục thực hiện co bóp để tống hết lượng máu và niêm mạc tử cung ra bên ngoài. Chính hoạt động này đã kích thích tử cung gây nên tình trạng đau bụng kinh, khiến cho bệnh nhân cảm thấy đau quặn bụng dưới, đau vùng thắt lưng và phía trên đùi. Ngoài đau bụng, thành phần prostaglandin tăng còn khiến cho cơ thể trở nên mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn,…

  • Tử cung co bóp mạnh:

Dưới tác dụng của Prostaglandin, tử cung tăng co bóp để đẩy niêm mạc bong ra bên ngoài. Ở tử cung, động mạch tử cung, mạch máu có nhiều tế bào cảm thụ, ghi nhận cảm giác đau gửi về não, khiến cho các bạn cảm nhận được cơn đau. Mỗi người sẽ có ngưỡng chịu đau khác nhau, vì vậy mà mức độ đau của mỗi người cũng sẽ biểu hiện khác nhau.

Với những người bị đau bụng kinh thứ phát, ngoài nguyên nhân kể trên, cơ chế đau còn phụ thuộc theo từng bệnh lý khác nhau.

  • Do các bệnh lý như:

U xơ tử cung có thể sẽ chèn ép và làm tăng áp lực bên trong buồng tử cung, tăng gây đau.

Hẹp cổ tử cung sẽ làm cản trở, tắc nghẽn và làm chậm dòng chảy của kinh nguyệt, gây ứ đọng máu và niêm mạc tử cung lại bên trong buồng tử cung và dẫn tới tăng áp lực tử cung. Trong đó yếu tố hàng đầu gây đau là lạc nội mạc tử cung. Khi đó các niêm mạc tử cung xuất hiện ở cả buồng trứng, ống dẫn trứng, các vị trí khác ngoài khu vực lòng tử cung. Khi đến chu kỳ kinh, chúng vẫn sẽ phát triển và gây nên tình trạng sưng viêm, chảy máu tại vị trí đó. Hệ quả của lạc nội mạc tử cung chính là gây nên những cơn đau dữ dội khi hành kinh.

4, Các yếu tố ảnh hưởng đến đau bụng kinh

Ngoài những nguyên nhân kể trên thì còn có rất nhiều các yếu tố khác cũng có thể làm tăng nguy cơ gây đau bụng kinh, cụ thể như sau:

Đau bụng kinh nguyên phát:

  • Tuổi thấy kinh lần đầu sớm hay muộn: Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng ở những người có kinh lần đầu sớm thì tỷ lệ bị đau bụng kinh càng cao, mức độ đau cũng nặng hơn so với những người có kinh muộn.
  • Hôn nhân và sinh con: Cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu thực tế nào chứng minh cho quan điểm này. Nhưng nhiều người vẫn nhận thấy rằng sau khi kết hôn và sinh con, mức độ đau bụng kinh ở phụ nữ có xu hướng giảm dần và có khi mất hẳn mà không cần điều trị gì cả.
  • Khi cơ thể mệt mỏi, stress kéo dài: Khi cơ thể thường xuyên bị mệt mỏi trong một thời gian dài, chế độ sinh hoạt và chế độ ăn bị thay đổi, không khoa học cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đau bụng kinh, ngoài ra mệt mỏi, stress kéo dài còn có thể làm rối loạn các chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo, máu kinh có thể ra ít hoặc nhiều một cách bất thường.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến đau bụng kinh

Những yếu tố liên quan đến đau bụng kinh thứ phát

  • Nạo phá thai nhiều lần: Khi nạo phá thai nhiều lần sẽ làm cho tổ chức niêm mạc tử cung bị bào mòn, điều này rất dễ dẫn đến tình trạng viêm dính nội mạc tử cung gây đau bụng mỗi khi tử cung co thắt.
  • Các phương pháp tránh thai không an toàn: Đặt vòng tránh thai cũng làm tăng mức độ đau bụng khi hành kinh vì sự kích thích, cọ sát của dụng cụ vào thành tử cung khi tử cung co thắt. Ngược lại, việc uống các loại thuốc tránh thai có thành phần progesteron lại giúp làm giãn cơ tử cung, từ đó làm giảm nhẹ triệu chứng đau bụng kinh.
  • Quan hệ tình dục không an toàn: Việc này sẽ làm gia tăng nguy cơ bị viêm nhiễm vùng tiểu khung, các bệnh viêm nhiễm phụ khoa và từ đó dẫn đến tăng nguy cơ bị đau bụng kinh thứ phát.

5, Đau bụng kinh có nguy hiểm không?

Đau bụng kinh là một hiện tượng khá phổ biến và thường xuyên gặp ở chị em phụ nữ. Tùy vào cơ thể mỗi người mà mức độ đau sẽ khác nhau. Phần lớn đau bụng kinh là do nguyên phát, do hoạt động co bóp của tử cung gây ra. Vì vậy nếu các bạn thấy mình có các triệu chứng đau bụng dưới của mình xuất hiện thường xuyên và liên quan đến chu kỳ kinh thì không cần quá lo lắng. Đây giống như là một quá trình sinh lý bình thường của cơ thể. Nếu tình trạng đau không quá nghiêm trọng thì các bạn có thể dùng các cách giảm đau tại nhà. các bạn có thể uống nước gừng, chườm nước ấm lên vùng bụng,… để giảm đau.

Tuy nhiên nếu cơn đau bụng kinh của các bạn xuất hiện và kéo dài quá thời gian hành kinh, mỗi lần đau đều đau dữ dội khiến bạn không thể chịu được thì có thể đây là những dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa nào đó. Và nếu tình trạng đau này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và có thể gây vô sinh nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy nếu cảm thấy cơn đau của mình có nguy cơ bất thường thì các bạn nên đi khám sớm để được can thiệp điều trị kịp thời nhé.

6, Khi nào cần đến gặp bác sĩ? Đau bụng kinh được điều trị như thế nào?

Nếu tình trạng đau bụng kinh của bạn kéo dài, mức độ đau nhiều, cộng thêm các triệu chứng khác như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh, cường kinh… thì bạn cần đến các bệnh viện phụ khoa để được thăm khám cẩn thận.

Sau khi thăm khám, nếu phát hiện thấy các bạn có dấu hiệu bệnh lý bất thường, các bạn sẽ được các bác sĩ điều trị theo phác đồ của từng bệnh cụ thể. Trong trường hợp bạn đau bụng kinh là do nguyên nhân nguyên phát thì việc điều trị cũng đơn giản hơn, các bạn sẽ được điều trị giảm đau, điều chỉnh cân bằng lại các nội tiết tố trong cơ thể.

Những thuốc có thể được chỉ định điều trị tình trạng đau bụng kinh như:

  • Thuốc giảm đau chống viêm không có steroid (NSAIDs): Những thuốc thuộc nhóm này có khả năng làm giảm đau và ức chế tổng hợp yếu tố prostaglandin, từ đó làm giảm co thắt cơ tử cung, làm giảm lượng máu kinh. Có thể sử dụng thuốc trước khi bắt đầu hành kinh khoảng 1 ngày và kéo dài 1 đến 2 ngày sau đó. Các thuốc có thể sử dụng làIibuprofen, Mobic, Ketoprofen, Meloxicam… Tuy nhiên những thuốc này cũng có tác dụng phụ đáng chú ý là có thể gây ảnh hưởng lên hệ tiêu hóa, không nên sử dụng các thuốc chống viêm không steroid cho những người có tiền sử về dạ dày.
  • Những người bị đau bụng kinh ở mức độ nhẹ có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau thông thường, như Paracetamol. Thuốc không có khả năng ức chế prostaglandin nhưng cũng có tác dụng giúp giảm đau hiệu quả.
  • Thuốc có Progestin: Thuốc này có khả năng làm giãn hệ thống các cơ tử cung, giảm sự co bóp nên cũng có tác dụng giúp giảm đau hiệu quả. Bên cạnh đó Progestin còn làm giảm tổng hợp prostaglandin. Tuy nhiên đây là thuốc nội tiết nên cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Có thể làm giảm cơn đau bụng kinh bằng cách uống thuốc

7, Một số cách giảm đau bụng kinh tại nhà

Đau bụng kinh gây bất tiện cho cuộc sống và công việc của người bị đau. Nhiều chị em gặp phải cơ đau dữ dội không thể làm bất kỳ việc gì và thường tìm đến cách làm giảm đau bụng kinh ngay lập tức. Hiểu được tâm lý này, chúng tôi xin đưa ra một số biện pháp giảm đau an toàn, hiệu quả dưới đây:

Chườm ấm bụng

Chườm ấm là biện pháp giúp làm giảm tình trạng đau bụng kinh hiệu quả và đơn giản nhất được các chuyên gia khuyến cáo.

Thường thì nhiệt độ lạnh là nguyên nhân làm cho cơn đau bụng trầm trọng hơn và co thắt tử cung mạnh hơn. Ngoài ra còn khiến khí huyết lưu thông kém. Nếu để cho cơ thể gặp lạnh, nhất là chị em làm việc trong văn phòng, có thể khiến bụng đau nặng hơn và ảnh hưởng đến các cơ quan sinh sản.

Trước hoặc trong chu kỳ kinh, chị em nên sử dụng túi chườm ấm, miếng dán hoặc không có điều kiện có thể dùng chai nước nóng và áp lên vùng bụng dưới. Bên cạnh đó trong thời gian trước và trong hành kinh nên tắm nước nóng để tăng lưu thông máu, giảm co thắt gây đau.

Mát xa bụng dưới

Khi cơn đau bụng kinh xuất hiện, bạn không có dụng cụ chườm ấm bên cạnh thì có thể sử dụng các thao tác massage nhẹ nhàng với hai tay. Xoa tròn đều liên tục xung quanh vùng bụng dưới có thể khiến cơ bụng giãn ra và làm giảm cơn co thắt tử cung. Từ đó cơn đau bụng cũng sẽ giảm dần.

Uống trà gừng ấm

Gừng vốn có tính ấm và được dùng nhiều trong y học cổ truyền. Nó có thể làm ấm cho cơ thể và tăng cường lưu thông khí huyết. Nếu chị em bị đau bụng, có thể lấy 1 củ gừng tươi giã ra đắp lên vùng bụng. Hoặc nếu có trà gừng thì pha với nước ấm và uống ngay. Tuy nhiên chị em nào mà có bệnh dạ dày thì không nên dùng trà gừng mà chỉ nên đắp gừng tươi.

Uống trà gừng ấm giúp giảm đau bụng kinh
Uống trà gừng ấm giúp giảm đau bụng kinh

Đi ngủ sớm và ngủ đủ giấc

Thời gian hành kinh là thời gian mà hormon của cơ thể chị em phụ nữ rối loạn và bất thường. Điều này đòi hỏi cơ thể nghỉ ngơi và sinh hoạt lành mạnh, nhất là đi ngủ sớm để sinh lý ổn định hơn.

Tư thế nằm giúp giảm đau bụng kinh hiệu quả nhất là tư thế bào thai. Khi ngủ nên co người lại giống bào thai thể cơ bụng được giãn ra, ngoài ra, tư thế này còn góp phần điều hòa khí huyết, hormone.

Ăn uống lành mạnh

Ngoài điều chỉnh nhịp sinh học, việc ăn uống cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng đau bụng kinh. Có chế độ ăn uống hợp lý sẽ giúp bạn giảm các cơn khó chịu và giảm đau bụng kinh hiệu quả. Bổ sung các loại sản phẩm hoặc thực phẩm có chứa vitamin E, B1, B6, acid béo, kẽm hay Magie,…có thể tăng cường đề kháng đồng thời giúp giảm căng cơ tử cung.

Trong thời kỳ hành kinh, hạn chế dùng các sản phẩm có tính lạnh, ăn uống thanh đạm, nhiều chất xơ và ít mỡ. Hạn chế dùng các đồ uống có tính kích thích như cà phê, rượu, bia sẽ ngăn ngừa được nguy cơ kinh nguyệt bất thường. Nên uống nhiều nước ấm, nước ép từ trái cây và rau củ để bổ sung vitamin cho cơ thể.

Tập các bài tập nhẹ nhàng

Mặc dù tập thể dục là điều mà thời gian hành kinh chị em không muốn làm nhưng điều này có thể giảm đau. Chỉ cần không tập quá gắng sức với các bài tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng giúp giãn cơ giảm đau. Ngoài ra tập thể dục còn giúp giải phóng ra một chất giảm đau tự nhiên là endorphin.

Bấm huyệt để giảm đau bụng kinh

Cách bấm huyệt cũng khá hiệu quả trong việc giảm đau bụng kinh. Trong Đông y có đề cập mất điều hòa hai mạch Xung và Nhâm dẫn đến hư nhược, lưu thông khí huyết kém. Xoa bóp và bấm huyệt có thể hỗ trợ giãn cơ, điều hòa lại cân bằng mạch Nhâm và Xung. Ngoài ra còn kích thích sản sinh chất giảm đau tự nhiên endorphin.

Bấm huyệt để giảm đau bụng kinh
Bấm huyệt để giảm đau bụng kinh

Bấm các huyệt sau có thể giảm đau bụng kinh:

  • Huyệt Tam Nhãn.
  • Huyệt Thái Xung.
  • Huyệt Thập Thất Chùy Hạ.
  • Huyệt Tử Cung.
  • Huyệt Huyết Hải.

Ngoài ra bạn có thể thử thêm mẹo vuốt môi trên hết đau bụng kinh.

Sử dụng thuốc giảm đau bụng kinh

Thuốc giảm đau là cách chữa đau bụng kinh dữ dội và các biện pháp thông thường phía trên không đạt hiệu quả. Thuốc giảm đau nên dùng là các thuốc không kê đơn như Ibuprofen hoặc là Aspirin. Đây là những thuốc có thể giảm viêm và đau bụng kinh hiệu quả. Tuy nhiên thuốc giảm đau bụng kinh không có hiệu quả ngay lập tức mà cần phải có thời gian cho thuốc tác dụng.

8, Dự phòng đau bụng kinh như thế nào?

Dưới đây là một số lưu ý giúp các bạn phòng tránh được tình trạng đau bụng khi đến ngày đèn đỏ:

  • Vào những ngày đèn đỏ bạn không nên làm việc quá sức, tránh các vận động mạnh, giữ cho tâm trạng luôn trong trạng thái thoải mái, giảm căng thẳng, stress.
  • Không ăn các loại đồ ăn có tính lạnh, không tắm nước lạnh, luôn giữ ấm bụng và giữ ấm cơ thể vào những ngày trời lạnh. Khi cơ thể bị lạnh, sẽ gây co cơ, khi ấy mức độ đau bụng sẽ càng tăng.
  • Giữ vệ sinh cơ thể và bộ phận sinh dục thật sạch sẽ trong thời gian hành kinh. Không nên sinh hoạt vợ chồng trong thời gian này
  • Tránh nạo phá thai nhiều lần, việc này làm thành niêm mạc tử cung bị mỏng, dẫn đến dính niêm mạc tử cung, và có thể dẫn đến phát sinh nhiều bệnh phụ khó khác. Không quan hệ tình dục bừa bãi, việc này sẽ làm tăng nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa, viêm tiểu khung… gây ra đau bụng kinh thứ phát.
  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh, uống đủ nước mỗi ngày để tăng cường điều hòa máu. Không sử dụng các chất kích thích như rượu bia, và phê. Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường, đồ ăn nhanh, mỡ động vật. Do tiêu thụ nhiều đường sẽ làm cơ thể tăng bị viêm, tăng đau khi đến kỳ kinh. Acid Arachidonic trong mỡ động vật khiến cơ thể tăng tiết prostaglandin gây co bóp tử cung mạnh, đau nặng hơn.
  • Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo cho cơ thể có những giấc ngủ ngon, ngủ đủ giấc, tránh thức khuya. Việc thường xuyên bị mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc sẽ khiến cho các bạn dễ nổi cáu, mệt mỏi hơn trong những ngày đèn đỏ.

9, Một số câu hỏi thường gặp

9.1. Đau bụng kinh nên ăn và không nên ăn gì?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những loại thực phẩm sau đây có thể giúp cải thiện tình trạng đau bụng trong những ngày bà dì ghé thăm của bạn:

  • Hải sản: Các loại hải sản như tôm, cua, các loại cá, đặc biệt là cá hồi, hàu… nên được bổ sung vào chế độ ăn mỗi ngày. Vì trong hải sản có chứa rất nhiều vitamin D, B6 và các axit béo Omega. Những chất này có tác dụng giúp là hạn chế các cơn co bóp tử cung và giúp cho cơ thể hấp thụ canxi một cách tốt hơn.
  • Trứng: Các Vitamin B6, D, E và protein có trong thành phần của trứng gần gũi với cơ thể con người, giúp mang lại tác dụng làm giảm đau bụng kinh một cách hiệu quả
  • Ngoài ra các loại đậu cũng giúp các bạn bổ sung thêm các chất khoáng như sắt, magie để bổ sung cho lượng máu đã mất.
  • Lượng chất xơ trong đậu cũng sẽ giúp các bạn tiêu hóa thức ăn dễ dàng hơn, từ đó giúp làm giảm áp lực bên trong ổ bụng.
  • các bạn cũng có thể uống trà gừng mật ong thêm vài giọt nước cốt chanh để giúp làm ấm cơ thể, điều hòa khí huyết, điều hòa kinh nguyệt.

Tóm lại vào những ngày đèn đỏ, bạn cần bổ sung cho cơ thể những thực phẩm giàu canxi và sắt, ngoài ra cũng cần thêm các vitamin E, B6, D.. Và uổng đủ lượng nước mỗi ngày.

Các thực phẩm cần tránh vào những ngày hành kinh có thể kể đến như đồ chua, đồ cay nóng, đồ ăn lạnh như kem, đá, những thức ăn nhanh có nhiều dầu mỡ. Các bạn cũng nên hạn chế ăn quá nhiều muối trong những ngày này. Không sử dụng các chất có tác dụng kích thích thần kinh như cafe, rượu bia, thuốc lá, đồ có gas,…

Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì?
Đau bụng kinh nên ăn gì và không nên ăn gì?

9.2. Đau bụng kinh nên uống thuốc gì?

Nếu triệu chứng đau bụng của bạn ở mức nhẹ, bạn có thể không cần uống thuốc và sử dụng các biện pháp giảm đau như chườm ấm, massage, thay đổi tư thế nằm. Trong trường hợp cơn đau mạnh hơn thì bạn có thể sử dụng các thuốc giảm đau giãn cơ thuộc nhóm NSAIDs như Mobic, Meloxicam, Ibuprofen…Nếu tình trạng đau không giảm có thể kết hợp thêm cả paracetamol, và thuốc chống co thắt.

Lưu ý nếu bạn có ý định sử dụng thuốc nội tiết hoặc thuốc tránh thai để điều trị giảm đau thì cần có sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng. Vì ngoài mang lại tác dụng giảm đau thì thuốc có thể gây cho bạn nhiều tác dụng không mong muốn.

9.3. Đau bụng kinh sau bao lâu thì hết?

Thông thường trước khi có kinh khoảng 1 ngày bạn sẽ thấy các cơn đau bắt đầu xuất hiện. Ban đầu chỉ là hơi đau, sau đó mức độ đau sẽ tăng lên. Khi bắt đầu xuất hiện máu kinh khoảng 12 đến 24 giờ, cơn đau bắt đầu lên đến đỉnh điểm. Bạn sẽ cảm thấy đau dữ dội, đau liên tục khiến bạn không muốn làm gì. Khi bước sang ngày thứ 2 và thứ 3 cơn đau sẽ giảm dần và hết hẳn. Trên cùng một người mức độ đau của mỗi chu kỳ kinh có thể khác nhau. Theo các chuyên gia, đau bụng càng nhiều thì số lượng máu mất ở chu kỳ đó càng lớn.

9.4. Đau bụng kinh có thể gây vô sinh không?

Đây là câu hỏi và băn khoăn của rất nhiều người. Đau bụng kinh thông thường chỉ là dấu hiệu của việc co bóp để tống các niêm mạc tử cung ra ngoài. Các mức độ đau có thể khác nhau nhưng nhìn chung không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.

Tuy nhiên nếu đau bụng kinh là dấu hiệu của bệnh lý và bất thường trong cấu trúc sản khoa như lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, viêm vùng chậu… Trong trường hợp này bạn nếu bạn không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, có khả năng dẫn đến vô sinh.

Trên đây là một số thông tin và lời khuyên cho bạn về tình trạng đau bụng thường gặp mỗi kỳ kinh đến. Hy vọng qua bài viết này bạn có thể hiểu hơn về hiện tượng này, và tìm ra được giải pháp, cách phòng tránh tốt nhất cho bản thân mình.

Bệnh huyết trắng: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị

Tài liệu tham khảo

Tác giả: Jenna Fletcher, Is thick, white discharge normal?, Medical News Today, đăng ngày 20 tháng 7 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.

 

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here