Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm
Bài viết Toner có tác dụng gì? Cách lựa chọn toner phù hợp với từng loại da được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
CÁC ĐIỂM CHỐT
– Toner không phải là nước hoa hồng nhưng nước hoa hồng là 1 loại toner.
– Trước đây toner có giá trị cao khi cân bằng pH, làm sạch sâu. Nhưng giờ chúng ta có sữa rửa mặt tốt nên vai trò của toner không còn quá quan trọng.
– Mục đích của toner dựa theo thành phần trong đó, hiện tại có thể coi toner như một dạng thuốc bôi.
1. TONER LÀ GÌ?
Toner là sản phẩm chăm sóc da dạng lỏng: có thể ở dạng dịch trong suốt, dịch có độ nhớt trong suốt và dạng sữa. Trước đây toner sử dụng để cân bằng lại pH sau khi sử dụng xà phòng rửa mặt (có tính chất bazơ). Ngày nay toner được sử dụng để cung cấp nhiều lợi ích dựa vào thành phần đi kèm theo nó như dưỡng ẩm, làm mềm, sáng da… Tuy nhiên, những tác dụng ở trên khó có thể so sánh với các sản phẩm dưỡng ẩm, sáng da khác. Một trong những lợi thế và được dùng nhiều nhất hiện nay của toner là làm se khít lỗ chân lông và giảm tiết bã nhờn. Thêm vào đó, với những bạn có làn da dầu, không muốn sử dụng kem dưỡng ẩm vì gây cảm giác nhờn thì toner dưỡng ẩm là 1 lựa chọn tốt.
Toner và nước hoa hồng hay được hiểu nhầm là cùng 1 tên nhưng nước hoa hồng chỉ là 1 loại toner có thành phần là nước hoa hồng. Toner được sử dụng ngay sau bước rửa mặt giúp cân bằng pH, giúp sạch sâu hơn.
2. THÀNH PHẦN CỦA TONER
Chủ yếu là nước, rượu, chất dưỡng ẩm, chất làm dày tạo màng… Dựa theo thành phần có rượu hay không có rượu, toner chia thành: alcohol-free và alcohol-base.
Rượu hay được dùng là ethanol, rượu này không dùng trong trường hợp da bị kích ứng hoặc khô. Thường được dùng với type da thường, da hỗn hợp, da dầu hay da có xu hướng mụn. Nó có tác dụng làm se khít lỗ chân lông, loại bỏ dầu, làm chất bảo quản khi dùng ở nồng độ > 20%. Ngoài ra, có thể dùng rượu isopropanol, tuy nhiên rượu này có mùi nặng.
Chất dưỡng ẩm trong toner: hay dùng 1,3-butyl glycol; hydrolyzed collagen; amino acids; PCA-Na; saccharides… Chất dưỡng ẩm cũng tạo cảm giác khi sử dụng: glycerin cho cảm giác ẩm mạnh; 1,3-butylene glycol gây cảm giác nhẹ; saccharides như trehalose, raffinose, mannitol cho cảm giác nhẹ và khô:
- Dưỡng ẩm theo cơ chế hút nước hay dùng nhất là glycerin và sorbitol tuy nhiên, chất này gây cảm giác dính. Ngược lại, sodium polycarboxylic acid (PCA) ít gây dính hơn. Có thể thêm các chất như propylene glycol, butylene glycol, polyethylene glycol và ethoxylated glycerin như methyl gluceth-10 hay methyl gluceth-20 để tạo tác dụng mượt, gây cảm giác ít dính hơn.
- Dưỡng ẩm theo cơ chế phục hồi hàng rào bảo vệ như dimethicone copolyol, dầu tự nhiên có tác dụng tạo độ ẩm và làm dịu da. Những chất này không tan trong nước nên cần thêm chất hòa tan như ethoxylates và propoxylates như PEG-40 hydrogenated castor oil, PPG-5-ceteth-20, hoặc polysorbate 20. Khi dùng dạng này phải lắc trước khi sử dụng để trộn đều các chất.
Chất làm dày được thêm vào để tăng độ nhớt, hình thành lớp màng giúp cảm giác ẩm khi sử dụng. Các chất hay được thêm vào: xanthan gum, polyacrylic acid như carbomer và hoạt chất của cellulose như methylcellulose, hydroxypropyl cellulose, hydroxyethyl cellulose.
Các chất được sử dụng với các mục đích khác nhau:
- Chiết xuất thực vật: polyphenolic bioflavinoid có trong chiết xuất của trà xanh, lá hương thảo, việt quất, dâu tây, mâm xôi, rượu đỏ, nho, cây thông đỏ có tác dụng chống oxy hóa, chống viêm làm cho da dịu hơn, giảm cảm giác châm chích và giảm đỏ. Chiết xuất của honey, mallow, soy, aloe, lavender, green tea, algae, licorice, candeia tree có tác dụng làm dịu da và dưỡng ẩm.
- Chất tannin có trong chiết xuất thực vật của cây phỉ (witch hazel), cây xô thơm (sage), cây ổi… có tác dụng làm se khít, giảm tiết bã nhờn. Trong nghiên cứu của Pongsakornpaisan dùng toner có chứa 6% chiết xuất từ ổi sau 4 tuần thấy giảm tiết bã nhờn 21.43 ± 21%.
- Toner chứa chiết xuất lên men để chống lão hóa như Saccharomyces barley seed ferment extract, Lactococcus ferment và hydrolyzed yeast extract.
- Chất chống oxy hóa như alpha lipoic acid, vitamin A, C, E và dẫn xuất như tocopheryl acetate, superoxide dismutase. Khi thêm vitamin A, E (dầu phân cực lớn) cần phối hợp thêm chất bề mặt không ion hóa như PEG-7 glyceryl cocoate và PEG-60 castor oil mới có thể hòa tan được.
- Chất làm mượt, dịu da như allantoin, panthenol (ví dụ trong sản phẩm toner Oh! Oh! ở trên).
- Chất có tác dụng làm bong vảy và tạo pH acid như AHAs gồm glycolic, lactic, malic, citric có thể được thêm vào với nồng độ thấp. Những chất này có thể gây kích ứng, vì thế khi sử dụng cần thêm vào các chất chống viêm. PHAs có thể thay thế AHAs vì ít gây kích ứng hơn. Salicylic acid có thể được thêm vào để hỗ trợ điều trị trứng cá.
- Thành phần có tác dụng làm trắng da: chiết xuất từ cam thảo, dâu tằm, bearberry, vitamin C như magnesium ascorbyl phosphate 3% và ascorbyl glucoside 2%.
- Nước hoa hồng (rose water): có tác dụng giảm viêm, giảm đỏ, dịu da, chống oxy hóa… Nước hoa hồng thường được sử dụng đơn độc như 1 loại toner hoặc kết hợp với các thành phần khác.
3. LỰA CHỌN TONER THEO TỪNG LOẠI DA
Với da khô và da nhạy cảm cần dùng loại toner không có rượu (alcohol-free). Với loại da khô cần thêm các thành phần dưỡng ẩm như glycerin và Với type da kích ứng, nhạy cảm thường có thêm chất dưỡng ẩm và các chất chống kích ứng như allantoin, guaiazulene, chiết xuất trà xanh hoặc cam thảo…
Da thường và da hỗn hợp có thể dùng toner có nồng độ thấp rượu ethanol, dưỡng ẩm, các chất tùy vào mục đích sử dụng.
Da dầu cần chất làm se khít và loại bỏ dầu thừa. Thường dùng nồng độ rượu ethanol cao 20-50%. Chất làm se khít chứa tannin, hoặc chất làm se khít tự nhiên như chiết xuất của cây phỉ, rosemary, chanh, bưởi, hạt dẻ ngựa (horse chestnut), cây tầm ma châm chích (stinging nettle). Chất bong vảy như AHA, BHA, PHA thường được sử dụng. Chất làm bong vảy tự nhiên như glycolic có thể tìm thấy trong chiết xuất đường mía, lactic acid trong sữa, salicylic acid trong chiết xuất vỏ cây liễu (willow bark extracts). Sản phẩm Avène cleanance mat mattifying toner có chứa cồn 10% ngoài ra, có thêm thành phần bột hút bã thừa silica, salicylic thích hợp cho da dầu, trứng cá.
Với da có xu hướng mụn: thường dùng nồng độ rượu cao, salicylic và chất diệt khuẩn tự nhiên như cinnamon, neem, tea tree oil.
Với da lão hóa thêm salicylic, glycolic acid, loại da này thường sử dụng nồng độ cồn thấp hoặc không có cồn.
4. CÁCH DÙNG VÀ ĐỘ AN TOÀN CỦA TONER
Toner dùng 2 lần/ngày sau bước rửa mặt hoặc tẩy tế bào chết. Sau khi sử dụng toner không cần rửa lại bằng nước. Thông thường chúng ta được khuyên cho toner vào bông tẩy trang sau đó lau lên mặt, cách làm này có ưu điểm có thể làm sạch sâu thêm sau bước rửa mặt, nhưng nếu các bạn dùng toner với mục đích dưỡng ẩm thì có thể dùng tay để tránh mất toner vào bông tẩy trang.
Tôi có thể dùng toner để thay dưỡng ẩm hằng ngày được không? Với da dầu mụn bạn không muốn sử dụng dưỡng ẩm vì có thể gây bóng nhờn thì toner dưới dạng dưỡng ẩm phù hợp với bạn. Tuy nhiên, nếu da khô thì toner ở dạng dưỡng ẩm có thể cung cấp không đủ độ ẩm cho da.
Lựa chọn toner theo từng loại da.
Như đã biết ở trên nếu chúng ta có sữa rửa mặt, dưỡng ẩm, chất chống lão hóa tốt thì toner dùng cũng không có quá nhiều lợi ích. Một số quan điểm ủng hộ việc dùng toner cho rằng sử dụng toner sẽ là bước chuẩn bị tốt cho các bước tiếp theo, giúp hoạt chất thấm sâu vào da nhiều hơn. Có thể điều này đúng một phần khi thành phần toner có chứa cồn (như là 1 chất dẫn thuốc qua da), tuy nhiên, mỗi thuốc bôi đều có các cách thức khác để dẫn thuốc qua thượng bì tốt nên quan điểm này không được ủng hộ. Hơn nữa, dùng rượu nguy cơ kích ứng da tăng lên.
5. TÁC DỤNG PHỤ CỦA TONER
Tác dụng phụ hay gặp là viêm da tiếp xúc kích ứng, dị ứng:
- Rượu dễ gây kích ứng ở nồng độ cao.
- Một số chất thêm vào toner có thể gây viêm da tiếp xúc kích ứng như salicylic, glycolic acid…
- Nước cây phỉ nồng độ cao có thể gây cảm giác châm chích.
Hydrolyzed proteins có thể gây mùi (không dùng quá nhiều). Isopropanol có thể gây mùi khó chịu. Vì vậy, một số loại toner có thể có thêm nước hoa để giảm bớt mùi khó chịu này.
6. THAM KHẢO MỘT VÀI CÁCH TẠO TONER Ở NHÀ
Các loại toner dưới đây vì không có chất bảo quản nên bỏ vào tủ lạnh lưu được 2-3 ngày.
Như đã biết ở trên nước cây phỉ có tác dụng thu gọn lỗ chân lông tốt. Các công thức chứa nước cây phỉ dưới đây phù hợp với da dầu, mụn, lỗ chân lông Chú ý chọn nước cây phỉ không có cồn. Các bạn có thể tự mua chiết xuất cây phỉ về bôi trực tiếp lên mặt như 1 loại toner hoặc thêm các thành phần sau:
- 3 thìa chiết xuất cây phỉ + 2 thìa lô hội + vài giọt dầu chủ yếu (essential oil) mình yêu thích.
- 2 thìa nước cây phỉ + 3 giọt lô hội.
- 1 thìa chiết xuất cây phỉ + 1/2 thìa dầu vitamin E + 3 giọt dầu lavender.
- 1 thìa chiết xuất cây phỉ + 1 thìa nước hoa hồng + 1 thìa nước chanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Draelos Cosmeceuticals: What’s Real, What’s Not. Dermatol Clin. 2019;37(1):107-115. doi:10.1016/j.det.2018.07.001.
2. Pongsakornpaisan P, Lourith N, Kanlayavattanakul M. Anti-sebum efficacy of guava toner: A split-face, randomized, single-blind placebo-controlled study. J Cosmet Dermatol. 2019;18(6):1737-1741. doi:10.1111/jocd.12943.
3. https://www.healthline.com/health/beauty-skin-care/diy-toner#does-it-work.