Viên sủi là gì? Những lưu ý khi sử dụng thuốc dạng viên sủi

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhathuocngocanh.comViên sủi là một dạng bào chế thường được sử dụng phổ biến trong các công thức bào chế chứa hoạt chất không kê đơn như paracetamol, vitamin, khoáng chất, giảm đau, hạ sốt,… Vậy viên sủi là gì? Ưu nhược điểm của dạng bào chế này? Lưu ý khi sử dụng? Hãy cùng bài viết của Nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu về dạng bào chế này.

Viên sủi là gì?

Viên sủi là gì?

Viên sủi có hình dáng giống với viên nén nhưng thường có kích thước to hơn. Khi sử dụng, hòa tan với một lượng nước thích hợp, đợi đến khi viên hết sủi bọt hoàn toàn mới bắt đầu sử dụng. Hiện nay, nhiều loại thuốc khác nhau đã được bào chế dưới dạng viên sủi như:

  • Viên sủi chứa các loại vitamin hoặc khoáng chất, thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hỗ trợ sức đề kháng và cải thiện hệ thống miễn dịch của cơ thể.
  • Viên sủi chứa paracetamol, nhóm thuốc hạ sốt giảm đau,… thường được sử dụng khi bệnh nhân gặp các triệu chứng cảm cúm thông thường, hoặc các cơn sốt nhẹ tự điều trị tại nhà.

Thành phần của viên này gồm có dược chất chính, kết hợp với các tá dược là muối kiềm và acid hữu cơ. Khi hòa tan trong nước, tá dược phản ứng với nhau, giải phóng khí carbonic đồng thời giải phóng dược chất khỏi viên.

Ưu điểm, nhược điểm của thuốc dạng viên sủi

Ưu điểm

Một số ưu điểm của dạng viên sủi so với các dạng bào chế khác như:

  • Có khả năng chuyển từ dạng rắn sang dạng lỏng trước khi sử dụng.
  • Phù hợp cho những đối tượng/ bệnh nhân mắc chứng khó nuốt như người cao tuổi, trẻ nhỏ. Nhiều người gặp vấn đề khi nuốt viên nén hoặc viên nang rắn. Thuốc viên sủi bọt là một lựa chọn thay thế tốt cho đối tượng này.
  • Có thể kết hợp các tá dược tạo hương, tạo vị, khi hòa tan dạng dung dịch sẽ hấp dẫn trẻ nhỏ hơn, giúp trẻ nhỏ dễ dàng uống thuốc hơn.
  • Hấp thụ tốt hơn và nhanh hơn: Trong nước, soda và nước hoa quả, viên sủi tạo ra một dung dịch có vị dễ chịu. Điều này là do axit trái cây hữu cơ có trong viên nén. Trong viên nén thông thường, các hợp chất tan chậm trong dạ dày, thường làm chậm hoặc giảm hấp thu. Với viên sủi bọt hòa tan trong chất lỏng, các thành phần được hấp thụ nhanh chóng, hoàn toàn và đồng nhất.
  • Viên sủi đã được hòa tan hoàn toàn trước khi sử dụng, các dược chất tồn tại dạng phân tử, giúp hấp thu nhanh hơn, tác dụng nhanh, cải thiện sinh khả dụng của một số thuốc đối với bệnh nhân.
  • Hạn chế gây kích ứng trên niêm mạc dạ dày do thuốc đã được pha loãng cùng nước trước khi sử dụng.

Xem thêm: Viên nang là gì? Các tiêu chuẩn kiểm nghiệm viên nang

Nhược điểm

Tuy nhiên, dạng viên sủi hiện còn tồn tại một số các nhược điểm sau:

  • Thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân gặp tình trạng huyết áp cao. Trong thành phần tá dược của viên sủi có chứa hàm lượng lớn muối kiềm (có thể là Sodium carbonat hoặc Sodium bicarbonate), gây giải phóng khí CO2 khi hòa tan trong nước. Quá trình giải phóng khí này có thể gây tăng huyết áp cho bệnh nhân. Tình trạng tăng huyết áp thường gặp ở bệnh nhân người cao tuổi, lưu ý khi sử dụng viên sủi cho nhóm đối tượng này.
  • Hạn chế sử dụng dạng viên sủi cho bệnh nhân kiêng muối.
  • Ưu điểm của viên sủi là tạo dung dịch dễ uống khi hòa tan. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nhược điểm của dạng sủi. Dung dịch dễ uống như nước giải khát khiến nhiều người lạm dụng, dùng quá nhiều có thể gây các tác dụng phụ.
  • Điều kiện bảo quản quy định chặt chẽ, tránh ẩm. Nếu không được bảo quản tốt, viên sủi có thể bị hút ẩm, làm giảm chất lượng và tác dụng của sản phẩm.
Lưu ý khi sử dụng viên sủi

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc dạng viên sủi

Một số điểm cần lưu ý khi sử dụng sản phẩm viên sủi để đạt được hiệu quả tốt nhất bao gồm:

  • Hướng dẫn cách sử dụng viên sủi: Sử dụng 1 viên sủi (hoặc với liều lượng phù hợp theo hướng dẫn) hòa tan hoàn toàn cùng với nước lọc. Đợi viên hòa tan hoàn toàn và không còn giải phóng khí carbonic mới bắt đầu sử dụng.
  • Tuyệt đối không bẻ nhỏ hoặc nghiền nát viên sủi rồi sử dụng trực tiếp.
  • Các viên sủi thành phần có chứa calci hoặc vitamin C không nên uống vào buổi tối có thể gây mất ngủ. Không nên sử dụng quá 1.000 mg vitamin C mỗi ngày.
  • Bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát. Tránh để sản phẩm tiếp xúc với không khí ẩm. Đậy nắp kín sau khi sử dụng.
  • Khi viên sủi có dấu hiệu bị nhiễm ẩm, không nên tiếp tục sử dụng mà cần vứt bỏ tại nơi quy định (nếu có).
  • Không lạm dụng thuốc trong quá trình sử dụng, có thể khiến cơ thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như táo bón, buồn nôn, nôn, đau nhức xương, tăng nồng độ calci trong máu (khi sử dụng nhiều viên sủi chứa calci). Viên sủi có chứa thành phần hạ sốt giảm đau cần sử dụng liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế tác dụng không mong muốn trên gan.
  • Thận trọng khi sử dụng viên sủi cho một số đối tượng như:
    • Bệnh nhân gặp tình trạng cao huyết áp.
    • Đối tượng bị sỏi thận, cần hạn chế sử dụng muối trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày.
    • Người gặp tình trạng calci máu cao, sỏi thận, cặn sỏi trong nước tiểu.
    • Phụ nữ đang trong thai kỳ và đang cho con bú.

Bài viết đã cung cấp những thông tin cơ bản liên quan đến dạng bào chế viên sủi. Viên sủi là dạng bào chế xuất hiện nhiều trên thị trường hiện nay. Mong rằng qua bài viết này giúp độc giả hiểu rõ hơn và cách sử dụng đúng hơn khi lựa chọn các sản phẩm dạng viên sủi.

Xem thêm: Ưu điểm của việc sử dụng thuốc đạn

Nguồn tham khảo: 5 Benefits Of Effervescent Vs Regular Tablets, Heathylife, truy cập ngày 4/5/2023.

1 thoughts on “Viên sủi là gì? Những lưu ý khi sử dụng thuốc dạng viên sủi

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here