Tìm hiểu về quy trình bào chế Siro Loratadin

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Quy trình bào chế Siro Loratadin

Nhathuocngocanh.com – Siro Loratadin là một loại thuốc chữa dị ứng được nhiều người sử dụng hiện nay, với chất lượng và hiệu quả đáng kinh ngạc. Hãy cùng bài viết của chúng tôi tìm hiểu về sản phẩm này cũng như cách bào chế Siro Loratadin ((Sách giáo trình Bào chế và sinh dược học tập 1 – Bộ môn Bào chế – Trường Đại học Dược Hà Nội)) 

Bào chế Siro Loratadin như thế nào?
Bào chế Siro Loratadin như thế nào?

Thông tin về sản phẩm Siro Loratadin

Siro Loratadin là sản phẩm thuốc có tác dụng điều trị dị ứng, mề đay, mẩn ngứa được bày bán phổ biến trên thị trường.

Thành chính của Siro Loratadin gồm hoạt chất Loratadin với hàm lượng 5mg cho chai 60 mL. Ngoài ra còn được bổ sung một số loại tá dược vừa đủ như Glycerin, Natri saccharin, chất bảo quản, chất tạo hương, nước tinh khiết.

Thuốc Siro Loratadin được chỉ định trong một số các trường hợp như:

  • Bệnh nhân có các triệu chứng liên quan đến dị ứng như mẩn ngứa, nổi mề đay, hồng ban đa dạng.
  • Bệnh nhân gặp tình trạng viêm mũi dị ứng, viêm dị ứng kết mạc.
  • Đối tượng bị dị ứng mạn tính ở da.

Cách dùng Siro Loratadin: Sản phẩm được bào chế dạng siro, thích hợp sử dụng đường uống. Có thể uống thuốc trực tiếp hoặc pha loãng cùng với nước. Chú ý, không pha loãng thuốc cùng nước trái cây hay nước ngọt, sữa để tránh các tương tác giữa thuốc và thức ăn. Sử dụng thuốc liên tục và đều đặn theo đúng liều lượng hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Liều dùng Siro Loratadin:

  • Liều dùng cho người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Mỗi ngày sử dụng 1 lần, mỗi lần uống 10 mL thuốc.
  • Liều dùng cho trẻ em từ 6 cho đến 12 tuổi: Mỗi ngày sử dụng 1 lần, mỗi lần uống 10 mL thuốc.
  • Liều dùng cho trẻ em từ 2 cho đến 5 tuổi: Mỗi ngày sử dụng 1 lần, mỗi lần uống 5 mL thuốc.
  • Liều dùng cho bệnh nhân gặp tình trạng suy giảm chức năng gan, suy giảm chức năng thận: Điều chỉnh liều phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.

Chống chỉ định:

  • Không sử dụng Siro Loratadin cho người có tiền sử mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Chống chỉ định sử dụng Siro Loratadin cho trẻ em dưới 2 tuổi.
Thông tin về sản phẩm Siro Loratadin
Thông tin về sản phẩm Siro Loratadin

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Siro Loratadin:

  • Thận trọng khi sử dụng Siro Loratadin cho bệnh nhân suy giảm chức năng gan.
  • Uống Siro Loratadin thường bị khô miệng, cần bổ sung nước thường xuyên, đặc biệt là ở bệnh nhân người cao tuổi. Vệ sinh răng miệng sau khi sử dụng thuốc để tránh bị sâu răng.
  • Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng cho phụ nữ đang trong thai kỳ và đang cho con bú.
  • Để xa tầm tay trẻ nhỏ.
  • Kiểm tra kỹ hạn sử dụng trước khi dùng.
  • Bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo, thoáng mát, nhiệt độ không quá 30 độ C. Tránh để thuốc ở nơi ẩm mốc do dễ bị nấm mốc. Tránh để thuốc ở nơi tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Siro Loratadin:

  • Tác dụng không mong muốn thường gặp: Đau đầu, khô miệng.
  • Tác dụng không mong muốn ít gặp: Hoa mắt, chóng mặt, hắt hơi, khô mũi, viêm kết mạc.
  • Tác dụng không mong muốn hiếm gặp: Tim đập nhanh, loạn nhịp tim, hồi hộp, trầm cảm, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn chức năng gan, mề đay.
  • Đa phần các tác dụng phụ liệt kê trên xuất hiện ở mức độ ít nghiêm trọng, biến mất sau khi ngưng sử dụng thuốc mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng trên trở nên mất kiểm soát thì bệnh nhân nên tới cơ sở y tế gần nhất để được khắc phục kịp thời.

Trên thị trường hiện nay thuốc Siro Loratadin được bán với mức giá khoảng 20.000 đ/chai. Mức giá này có thể thay đổi tùy thuộc các địa điểm khu vực khác nhau.

Xem thêm: Siro đơn là gì? Phương pháp điều chế siro đơn và phối hợp dược chất

Công thức bào chế Siro Loratadin

Công thức cho 1 chai 60 mL:

  • Loratadin với hàm lượng 60mg. Loratadin có công thức hóa học là C22H23ClN2O2. Đây là một chất có độ tan kém, thuộc nhóm thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2, có tác dụng trong điều trị các tình trạng liên quan đến dị ứng.
  • Glycerin, Propylen Glycol với hàm lượng lần lượt là 3g và 9.6g. Hai chất này có tác dụng cải thiện độ tan của dược chất, ổn định thể chất, ít gây kích ứng khi sử dụng sản phẩm. Loratadin là hoạt chất tan kém trong nước, cần sử dụng hỗn hợp đồng dung môi Glycerin và Propylen Glycol để cải thiện độ tan trong siro. Từ đó tăng độ đồng đều hàm lượng cho sản phẩm siro.
  • Natri saccharin với hàm lượng 30mg. Tá dược này còn có tên khác là Sodium saccharin. Natri saccharin là một chất tạo ngọt mạnh, được sử dụng phổ biến với vai trò tá dược điều vị (tạo vị ngọt). Saccharin là chất có độ ngọt gấp 300-400 lần sucrose, thường được sử dụng trong sản xuất bánh kẹo, đồ uống hay thuốc.
  • Acid citric khan với hàm lượng 150mg. Acid citric khan có tác dụng điều vị, tạo ra vị chua cho sản phẩm. Ngoài ra, Acid citric khi tan còn tạo muối Citrat có tác dụng điều chỉnh pH giúp hoạt chất ổn định hơn.
  • Nipazil, Nipazol với hàm lượng 108mg và 12mg. Nipazil, Nipazol thuộc nhóm chất bảo quản, ức chế sự xâm nhập và phát triển của các loại vi khuẩn trong chế phẩm.
  • Đường trắng với hàm lượng 36g.
  • Tá dược tạo hương với hàm lượng 0.03 mL.
  • Nước tinh khiết vừa đủ 60 mL.

Quy trình bào chế Siro Loratadin

Cân

Cân nguyên liệu đủ để sản xuất theo thứ tự, ghi lại khối lượng từng thành phần của công thức. 

Quy trình bào chế Siro Loratadin
Quy trình bào chế Siro Loratadin

Quy trình pha chế

Cho nước tinh khiết vào tank gia nhiệt, đun nóng nước tới khoảng 90 đến 100 độ C, sau đó thêm Nipazil và Nipasol vào, hòa tan hoàn toàn (hòa tan khoảng 5 đến 10 phút).

Thêm đường vào, khuấy đều cho đến khi hòa tan hoàn toàn (khoảng 15 cho đến 20 phút).

Hòa tan Natri saccharin trong nước tinh khiết nóng khoảng 90 đến 100 độ C, khuấy đều, sau đó lọc rồi tiếp tục khuấy cho đến khi đồng nhất.

Để hỗn hợp nguội khoảng 40 đến 50 độ C, sau đó hòa tan Acid citric vào hỗn hợp.

Gia nhiệt cho Propylen Glycol đến khoảng 65 độ C, sau đó thêm dược chất chính Loratadin vào, hòa tan hoàn toàn, thêm Glycerin vào dung dịch chứa dược chất, khuấy đều cho đến khi thu được hỗn hợp đồng nhất.

Thêm tá dược tạo hương vào, thêm nước điều chỉnh thể tích cho sản phẩm.

Tiếp tục khuấy đều để thu được dung dịch đồng nhất. Kiểm tra bán thành phẩm dịch pha chế, nếu đạt yêu cầu chuyển sang đóng chai thành phẩm.

Bài viết phần nào đã giúp độc giả hiểu rõ hơn về cách bào chế dạng thuốc Siro Loratadin. Để mua được sản phẩm chính hãng, độc giả nên chọn mua tại các cơ sở thuốc uy tín.

Tài liệu tham khảo

Dược điển Việt Nam V.

Xem thêm: Tìm hiểu quy trình bào chế thuốc phun mù Methyl Salicylate

1 thoughts on “Tìm hiểu về quy trình bào chế Siro Loratadin

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here