Nấm da đầu là một bệnh lý da liễu thường gặp do khả năng dễ lây lan. Bệnh gây cho người bị những cơn ngứa ngáy khó chịu, khiến da đầu xuất hiện những vảy, mụn, và rụng tóc…. khiến người bệnh gặp khó khăn, bất tiện trong sinh hoạt. Để giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh (nhathuocngocanh.com) sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản về bệnh nấm da đầu.
1, Nấm da đầu là bệnh gì?
Nấm da đầu được hiểu là tình trạng nhiễm trùng da đầu do nấm sợi, vi khuẩn nấm gàu xâm nhập vào tóc gây ra. Chúng khiến cho da đầu bạn ngứa ngáy, khó chịu, khiến cho tóc rụng hàng loạt gây hói đầu, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng với các biểu hiện như viêm loét, chảy mủ, mùi khó chịu tại vị trí tổn thương.
Nấm da đầu có tính lây lan, bệnh có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, không phân biệt nam nữ, và xuất hiện nhiều ở trẻ dưới 10 tuổi. Bệnh nấm da nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến cho tình trạng bệnh dai dẳng và nặng hơn.
2, Nguyên nhân gây bệnh
Có nhiều nguyên nhân và các yếu tố khác nhau dẫn đến tình trạng nấm da đầu. Dưới đây là một số tác nhân chính thường gặp ở Việt Nam:
2.1. Nấm da đầu do chủng nấm Trichophyton
Đặc điểm của thể bệnh này là những nốt sần đỏ rải rác trên da đầu cùng với các mảng vảy tròn. Tại những vị trí này, tóc trở nên cứng và dễ gãy, có thể tạo thành những mảng hói tạm thời. Ngoài vùng da đầu, người bệnh có thể bị nấm ở những vị trí như mông, móng, bẹn, …
2.2. Nguyên nhân do chủng nấm Microsporum
Chủ yếu gặp ở trẻ từ 1 đến 2 tuổi, tóc gãy gần sát gốc, tạo thành những đốm màu xám, đường kính đốm lên đến vài centimet.
2.3. Do nấm Kerion de celse
Nấm Kerion de celse gây ra tình trạng áp xe nang lông, làm xuất hiện các ổ mủ, lõm sâu, chứa mủ dịch vàng, khi vỡ gây mùi hôi khó chịu. Người bị nhiễm nấm Kerion de celse dễ gặp tình trạng nhiễm trùng khi vỡ các ổ mủ ở nang lông.
3, Những yếu tố làm tăng nguy cơ bị nấm da đầu
Bên cạnh những nguyên nhân do nấm kể trên, còn có rất nhiều các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh.
3.1. Lây nhiễm từ người bị bệnh
Khi bạn vô tình tiếp xúc trực tiếp với người bị nấm qua những vật dụng cá nhân như mũ, nón, khăn lau đầu, lược chải tóc, quần áo, … sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
3.2. Lây nhiễm từ vật nuôi
Khi vật nuôi nhà bạn có hiện tượng rụng lông thành từng mảng trên da, những vùng da bị lỗ có màu đỏ và lấm tấm những chấm đen, hay thường xuyên cắn và đưa chân gãi ngứa thì nguy cơ cao vật nuôi nhà bạn bị nhiễm nấm hay bệnh lý nào đó về da. Trong tình huống này, nếu bạn tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên ôm ấp vuốt ve thì nguy cơ cao sẽ bị lây bệnh.
3.3. Vệ sinh da đầu không sạch sẽ
Tuyến bã nhờn được tiết trên da đầu là lớp màng tự nhiên giúp bảo vệ tóc chắc khỏe. Tuy nhiên nếu bạn lâu ngày không gội đầu sẽ tạo điều kiện cho bụi bẩn và dầu nhờn tích tụ trên da, là môi trường thuận lợi cho nấm và vi khuẩn phát triển gây nên bệnh. Cộng thêm việc chà xát, gãi ngứa liên tục sẽ khiến cho da đầu bị xước, tăng nguy cơ bị viêm nhiễm, tạo mủ.
3.4. Để tóc ướt trong một thời gian dài
Một số thói quen không tốt cho da đầu và cho sức khỏe cơ thể như để tóc ẩm trong thời gian dài, đi ngủ khi tóc còn ướt, ủ tóc sau gội quá lâu…cũng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm sinh sôi và phát triển. Khi thói quen để tóc ẩm diễn ra thường xuyên, khiến cho lỗ chân lông của bạn mở to, làm cho chân tóc trở nên yếu, dễ gãy, và sau khi khô sẽ tiết dầu nhiều hơn.
3.5. Mắc một số bệnh lý về da
Những người bị mắc một số bệnh như viêm da, á sừng, bệnh vảy nến cũng là tăng nguy cơ bị nấm da đầu.
4, Những đối tượng dễ bị bệnh nấm da đầu
- Do đặc điểm dễ lây lan khi tiếp xúc và phát triển tốt ở những nơi ẩm ướt nên những người thường xuyên làm việc nặng dễ đổ mồ hôi như công nhân, thợ xây, … và những người thường xuyên sống trong môi trường tập thể như sinh viên, bộ đội, công an, … sẽ có nguy cơ cao bị bệnh.
- Những người có nuôi chó, mèo, hay thường xuyên phải tiếp xúc với vật nuôi như bác sĩ thú y cũng có nguy cơ cao bị bệnh.
5, Nấm da đầu biểu hiện như thế nào?
Tùy vào thể trạng và cơ địa mỗi người, nấm da đầu sẽ có biểu hiện cụ thể khác nhau. Nhìn chung, người bị nấm da đầu sẽ trải qua 3 giai đoạn sau:
5.1. Giai đoạn 1: Da đầu bắt đầu ngứa và có nhiều vảy nhỏ, người bệnh bắt đầu rụng tóc
Khi vi khuẩn, nấm bắt đầu xuất hiện, chúng sẽ kích thích da đầu tiết ra các chất nhờn, kết hợp cùng với các tế bào chết trên da tạo thành gàu. Vì vậy trong giai đoạn khởi phát, người bệnh sẽ có cảm giác ngứa và xuất hiện nhiều gàu, kể cả sau khi vừa gội sạch đầu. Kèm theo đó, tóc bắt đầu rụng nhiều ở những vùng da đầu bị ngứa.
5.2. Giai đoạn 2: Người bệnh ngứa tăng và xuất hiện mụn trên da đầu
Chất nhờn và gàu xuất hiện ngày càng nhiều làm tăng cảm giác ngứa ngáy, bứt rứt, khó chịu cho người bệnh. Người bệnh sẽ liên tục gãi với cường độ mạnh, và vô tình khiến cho da đầu bị đỏ, chảy máu và xuất hiện những vảy máu bám trên da đầu.
Trong một số trường hợp, những nốt mụn nhỏ, sẩn đỏ li ti xuất hiện ở nang lông và lan rộng trên da, khiến cho tình trạng rụng tóc ngày càng tăng và kéo dài. Khi mụn xuất hiện trong giai đoạn này cho thấy dấu hiệu nặng và báo hiệu nguy cơ viêm nhiễm có thể xảy ra.
5.3. Giai đoạn 3: Tóc rụng nhiều
Khoảng 20 ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh, người bệnh bắt đầu có hiện tượng rụng tóc nhiều. Khi tóc rụng nhiều cho thấy bệnh đã chuyển nặng, tóc có thể rụng tự nhiên hoặc rụng khi gội đầu và chải tóc. Tóc rụng nhiều sẽ tạo nên những mảng hói tạm thời trên da đầu với kích thước to nhỏ khác nhau.
Trong những trường hợp nặng, người bệnh có thể kèm hiện tượng viêm da, lở loét làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và gây khó khăn trong việc điều trị.
Nếu không phát hiện và điều trị bệnh kịp thời, nấm da đầu có thể khiến cho vùng da đầu của bạn bị viêm nhiễm, nổi mụn, chảy máu và nặng hơi và rơi vào tình trạng tóc rụng vĩnh viễn.
6, Chẩn đoán bệnh nấm da đầu như thế nào?
Nấm da đầu được chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng như: ngứa da đầu, nhiều vảy gàu, tóc rụng nhiều thành mảng, những nốt mụn trên da. Các yếu tố dịch tễ giúp định hướng chẩn đoán như: thói quen sinh hoạt, tính chất công việc, đặc điểm môi trường sống và tiền sử bị bệnh của những người xung quanh.
Sau khi thăm khám lâm sàng, để chẩn đoán chắc chắn và tìm nguyên nhân, các bác sĩ có thể tiến hành lấy vảy da, hoặc một vài mẫu tóc ngắt từ vị trí biểu hiện bệnh và soi dưới kính hiển vi, để xác định sự xuất hiện của nấm. Nếu xét nghiệm cho kết quả âm tính mà bác sĩ vẫn nghi ngờ nguyên nhân bệnh là do nấm thì có thể gửi một mẫu khác đến phòng thí nghiệm để làm các xét nghiệm khác.
7, Điều trị nấm da đầu như thế nào?
Bệnh nấm da đầu nên được phát hiện và điều trị càng sớm càng tốt, việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian và hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Hiện có nhiều phương pháp khác nhau để giúp điều trị triệt để bệnh nấm da đầu.
7.1. Sử dụng thuốc bôi diệt nấm
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại thuốc chống nấm được bán dưới dạng thuốc bôi hoặc thuốc uống. Hoạt chất chủ yếu trong những thuốc này là Ketoconazol, , Miconazol, Clotrimazol, Fluconazole, … Những hoạt chất này có khả năng kháng nấm phổ rộng thuộc nhóm chống nấm azol. Chúng ngăn cản sự tổng hợp lipid của màng tế bào nấm, từ đó làm thay đổi tính thấm màng tế bào, ức chế sự phát triển của nấm.
Ưu điểm:
- Thuốc bôi ngoài da sẽ giúp tiêu diệt và ức chế sự phát triển mầm bệnh từ ngoài cơ thể.
- Đơn giản, dễ thực hiện.
- Rất ít tác dụng phụ, phù hợp với mọi đối tượng.
Nhược điểm:
- Thuốc bôi thường khó tiếp cận các tế bào nấm nằm ở chân tóc vì vậy không có tác dụng điều trị triệt để, bệnh dễ tái phát trong những trường hợp nặng khi dùng đơn độc thuốc bôi.
- Cần có người hỗ trợ bệnh nhân bôi thuốc, tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Cách bôi: Ngày bôi 2-3 lần, buổi tối bôi sau khi tắm. Bôi liên tục trong vòng 1 tháng, ngay cả khi tình trạng nấm da đầu đã giảm để tiêu diệt triệt để tế bào nấm trên da.
Thuốc bôi ngoài da được chỉ định trong những trường hợp nhẹ, khi da đầu chưa bị nhiễm nấm nhiều. Người bệnh có thể dễ dàng tìm mua trên thị trường dưới dạng các biệt dược như Ketoconazole 2%, Nizoral, Kedermfa, …
7.2. Sử dụng thuốc uống
Trong trường hợp bị nhiễm nấm nặng mà thuốc bôi không hiệu quả, hoặc xuất hiện tình trạng nhiễm trùng da đầu thì bạn nên kết hợp thêm thuốc uống chống nấm.
Ưu điểm của thuốc uống sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị và tiêu diệt tận gốc các tế bào nấm trên cơ thể, ngăn chặn tình trạng tái phát. Nhược điểm là người dùng có thể gặp các tác dụng không mong muốn với thuốc.
Các loại thuốc hiện nay hay được sử dụng như: Terbinafine HCL, Griseofulvin.
- Griseofulvin:
Thành phần chính là Griseofulvin, là một kháng sinh kháng nấm, có tác dụng tốt với các loài Trichophyton, Microsporum. Griseofulvin sẽ cản trở sự nhân đôi của ADN và ức chế sự phân bào ở kì giữa của nấm.
Thuốc có thể dùng được cho cả trẻ em và người lớn, tuy nhiên cần chú ý các tác dụng phụ có thể gặp như mẫn cảm với thuốc, nổi mày đay, nhức đầu, buồn nôn,…Thời gian sử dụng thuốc kéo dài từ 8 đến 10 tuần.
- Terbinafine HCL:
Terbinafine HCL là chất có khả năng chống nấm phổ rộng, thuốc có tác dụng diệt nấm và ức chế sự phát triển của tế bào nấm tùy theo nồng độ sử dụng. Terbinafine tác dụng tốt trên các loại nấm như Trichophyton, Microsporum, nấm sợi Aspergillus, …
Thời gian sử dụng thuốc kéo dài từ 4 đến 6 tuần và có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như nổi ban, mày đay, sổ mũi, tiêu chảy, buồn nôn, …
Chú ý khi cân nhắc sử dụng thuốc uống, bạn nên tìm đến bác sĩ, hoặc dược sĩ để được tư vấn, kê đơn và uống thuốc đúng cách, tránh tình trạng bỏ dở thuốc giữa chừng, làm tăng khả năng tái phát và gây khó khăn trong những lần điều trị sau.
7.3. Sử dụng thuốc Selsun
Ngoài việc sử dụng thuốc đặc trị nấm, bạn cần kết hợp sử dụng thêm thuốc Selenium sulfide có tác dụng kiềm chế sự tăng trưởng của biểu bì. Từ đó làm giảm tiết dầu và giảm gàu trên da đầu, giúp giảm ngứa, hạn chế môi trường phát triển của nấm, giúp tăng hiệu quả của thuốc bôi ngoài da.
Hiện nay trên thị trường đang bán chai dung dịch Selsun 120ml 2.5%, mỗi 100 ml dung dịch Selsun có chứa 2.5g Selenium sulfide cùng tá dược khác.
Cách sử dụng rất đơn giản, bạn cần lắc đều thuốc trước khi dùng, sau đó sử dụng thay thế cho dầu gội đầu. Sau khi thoa đều lên da đầu, để thuốc trong khoảng 2 đến 3 phút sau đó xả sạch da đầu, sau khi gội đầu nên rửa sạch tay. Bạn có thể sử dụng thuốc 2 lần trong 2 tuần đầu tiên, sau đó giảm dần số lần sử dụng qua mỗi tuần.
Chú ý những người đang bị viêm nhiễm và có vết thương trầy xước không nên sử dụng thuốc, và trong quá trình sử dụng nếu có dấu hiệu dị ứng nên ngưng sử dụng. Trong quá trình gội đầu cần tránh cho thuốc tiếp xúc với vùng nhạy cảm như mắt và vết thương hở.
7.4. Các phương pháp thiên nhiên
Ngoài việc sử dụng các thuốc đặc trị để điều trị bệnh, bạn có thể kết hợp thêm một số phương pháp thiên nhiên đơn giản có thể thực hiện tại nhà để giúp hỗ trợ cho việc điều trị. Dưới đây là một số cách dân gian mà bạn có thể tham khảo:
7.4.1. Sử dụng chanh
Trong chanh có chứa nhiều acid và các vitamin, đặc biệt là vitamin C, những chất này sẽ giúp cho việc loại bỏ các tế bào chết trên da, giúp tái tạo và phục hồi tổn thương trên da đầu.
Cách thực hiện:
- Sử dụng hai quả chanh, vắt lấy nước cốt.
- Hòa lẫn nước cốt chanh với nước sau đó bôi lên chân tóc và massage nhẹ trong khoảng 5 phút để dưỡng chất thấm sâu vào da đầu và chân tóc.
- Ủ tóc trong vòng 15 phút.
- Gội sạch bằng nước sau đó sử dụng dầu gội để gội lại lần nữa.
Chú ý không sử dụng chanh cho những vùng da bị xước và đang lên da non để tránh gây xót và kích ứng phần da nhạy cảm. Thực hiện cách này đều đặn mỗi tuần sẽ thấy tình trạng của bạn cải thiện nhanh chóng.
7.4.2. Dùng muối trị nấm da đầu
Muối được biết đến với khả năng sát khuẩn, chống viêm, giúp đẩy nhanh quá trình lành thương. Bạn có thể sử dụng muối để ủ tóc, vừa giúp làm sạch da đầu, ngăn chặn sự phát triển của nấm và vi khuẩn, đồng thời giảm tình trạng tiết dầu trên da đầu.
Cách thực hiện:
- Chuẩn bị khoảng 1 lít nước, 1 quả chanh và 2 thìa muối.
- Pha hai thìa muối, nước cốt chanh vào lít nước đã chuẩn bị.
- Dùng nước vừa pha làm ướt tóc nhiều lần, sau đó ủ trong 10 phút.
- Sau 10 phút gội lại đầu bằng nước sạch, cuối cùng dùng dầu gội gội đầu như bình thường.
Chỉ sau lần đầu thực hiện bạn sẽ thấy hiệu quả giảm dầu nhờn mà cách này mang lại, sau khoảng 2 đến 3 lần thực hiện sẽ thấy tình trạng da đầu cải thiện.
7.4.3. Dùng bia để chữa nấm da đầu
Trong bia có chứa nhiều protein, các vitamin B, và Maltose, sẽ giúp tăng dưỡng chất cho vùng chân tóc, giúp tóc chắc khỏe, nhờ đó làm giảm tình trạng nấm ngứa của bệnh.
Cách thực hiện:
- Đổ bia vào thau sau đó để qua đêm để làm giảm men bia và cacbon có hại.
- Gội đầu bằng nước sạch, sau đó dùng bia đã để qua đêm dội lại nhiều lần lên tóc và da đầu.
- Massage da đầu trong khoảng 5 phút, sau đó ủ tóc trong khoảng 20 đến 25 phút.
- Khi ủ xong rửa lại bằng nước sạch và gội đầu lại một lần nữa bằng dầu gội.
Chú ý chỉ nên thực hiện cách này 2 tuần một lần để tránh tình trạng quá tải dưỡng chất cho tóc, có thể gây ra tác dụng ngược lại, khiến tóc yếu và dễ gãy rụng hơn.
8, Bệnh nấm da đầu có phải là vảy nến da đầu không?
Nấm da đầu và vảy nến da đầu thường xuyên bị nhầm lẫn là một bệnh vì những triệu chứng lâm sàng khá giống nhau. Tuy nhiên thực chất đây là hai bệnh có căn nguyên hoàn toàn khác nhau, việc chẩn đoán nhầm giữa hai bệnh này sẽ khiến cho việc điều trị không đạt được kết quả và tình trạng bệnh có thể trở nên nặng hơn. Dưới đây là một số điểm khác nhau trên lâm sàng giúp bạn phân biệt hai nấm da đầu và vảy nến da đầu:
8.1. Nấm da đầu
- Vùng da bị bệnh nổi bật là những vảy gàu trắng, có thể có những mụn mủ.
- Vảy gàu bết dính.
- Tóc rụng nhiều, có khi tạo thành mảng lớn.
- Da đầu ngứa dữ dội.
- Nguyên nhân gây bệnh là do nấm- tác nhân bên ngoài cơ thể, có thể điều trị dứt điểm.
8.2. Vảy nến da đầu
- Vùng da bệnh có nền ban đỏ, trên là những vảy trắng, không có mụn nước, mụn mủ.
- Vảy da khô và dễ bong tróc.
- Không có hiện tượng rụng tóc tại những vị trí tổn thương.
- Da đầu có cảm giác khô rát.
- Căn nguyên gây bệnh là do rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể, vì vậy không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
9, Phòng bệnh nấm da đầu
Nấm da đầu là căn bệnh phổ biến, phiền toái và rất dễ gặp phải, vì vậy để ngăn ngừa bệnh hiệu quả, bạn cần chú ý những điều sau:
- Luôn để cho da đầu được thông thoáng, hạn chế quấn khăn, đội mũ, trùm đầu, đặc biệt là khi tóc đang còn ẩm.
- Nên tắm gội thường xuyên, đặc biệt là sau khi hoạt động thể thao, lao động nặng khiến cơ thể đổ nhiều mồ hôi.
- Không nên sử dụng chung các vật dụng như khăn tắm, mũ, gối, lược, … với người đang bị bệnh.
- Chú ý theo dõi sức khỏe thú cưng của bạn, nếu chúng có biểu hiện nhiễm nấm như rụng lông, ngứa, … cần đưa chúng đến phòng khám thú y ngay và hạn chế ôm ấp, ngủ cùng vật nuôi.
- Duy trì chế độ ăn lành mạnh, hạn chế những thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường, …
Như vậy bài viết trên đây đã cung cấp cho bạn một số thông tin cơ bản về bệnh nấm da đầu. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu hơn về bệnh, cách nhận biết và điều trị để có thể phát hiện sớm và tìm đến bác sĩ kịp thời.
Tài liệu tham khảo
- Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, truy cập ngày 2/1/2024.
Xem thêm:
Gàu – nguyên nhân và cách phòng ngừa
Tài liệu tham khảo: Epidemiological and clinical aspects of Trichophyton mentagrophytes/Trichophyton interdigitale infections in the Zurich area: a retrospective study using genotyping, PubMed, truy cập ngày 27/12/2021
Những thông tin về bệnh Nấm da đầu mà Nhà thuốc Ngọc Anh cung cấp rất cần thiết và hữu ích.
Da đầu mình rất nhiều gàu nhưng mình để ý toàn tảng tảng liệu có phải là nấm da đầu không?
Có thể bạn đang bị nấm da đầu, vì gàu thành mảng lớn là một trong những dấu hiệu thường gặp của tình trạng này. Bạn nên đi khám da liễu để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.