Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm
Bài viết Hướng dẫn lựa chọn sản phẩm tẩy tế bào chết được trích trong chương 2 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
CÁC ĐIỂM CHỐT
– Tẩy tế bào chết là một dạng lột da rất nhẹ, gồm 2 nhóm: tẩy tế bào chết vật lý và hóa học.
– Tẩy tế bào chết vật lý chia thành 2 nhóm: bằng tay với các hạt nhỏ hay chất ma sát bề mặt và bằng máy (máy rửa mặt).
– Tẩy tế bào chết hóa học gồm các chất tiêu sừng và enzyme. Các loại tẩy tế bào chết hay dùng: nhóm AHA đại diện là glycolic acid, BHA, salicylic và PHA.
– Tẩy tế bào chết thường được dùng sau bước rửa mặt, tuần 1-2 lần tuỳ loại. Tuy nhiên, một số loại tẩy tế bào chết nhẹ có thể dùng hằng ngày.
1. VÀI NÉT VỀ TẨY TẾ BÀO CHẾT
Bình thường, các tế bào da sẽ già cỗi và thoái hóa dần theo thời gian. Các tế bào lão hóa này sẽ bị đẩy dần lên và cuối cùng tạo thành lớp sừng bao phủ lớp trên cùng của bề mặt da sau đó bong ra. Thông thường chu trình này kéo dài khoảng 28 ngày. Lớp sừng này còn được gọi là lớp tế bào chết làm cho da trở nên xù xì, thô ráp, không đều màu, đồng thời nó có thể gây ra tình trạng bít tắc ở lỗ chân lông gây ra mụn nhân và mụn viêm.
Quá trình tẩy tế bào chết có tác dụng loại bỏ sớm lớp tế bào sừng già cỗi trước khi nó được bong ra theo tự nhiên giúp làn da mịn màng, tươi trẻ và hạn chế bít tắc lỗ chân lông, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các dưỡng chất thấm vào da tốt hơn.
Chúng ta cần phân biệt giữa tẩy tế bào chết và lột da (peel): cả hai đều có mục đích là loại bỏ các tế bào da ra khỏi bề mặt da sớm hơn theo chu trình tự nhiên. Tuy nhiên, 2 quá trình này có điểm khác nhau là:
- Tẩy tế bào chết: thực chất là 1 quá trình lột da rất nông, chỉ loại bỏ được một lớp sừng trên cùng của lớp thượng bì.
- Quá trình lột da tùy vào mức độ được chia làm 3 loại lột nông (gây ảnh hưởng toàn bộ lớp thượng bì), lột trung bình (ảnh hưởng tới các tế bào thượng bì và một phần trung bì nông) và lột sâu (gây ảnh hưởng tới lớp trung bì sâu).
2. THÀNH PHẦN CỦA TẨY TẾ BÀO CHẾT
Thành phần chính là chất tẩy tế bào chết như AHA, BHA…, bên cạnh đó còn có các thành phần khác gồm dung môi, chất nhũ hóa, chất làm ẩm, chất bảo quản, chất tạo mùi… Tẩy tế bào chết có 2 cơ chế chính: tẩy tế bào chết vật lý và hóa học.
2.1. Chất tẩy tế bào chết vật lý
Bản chất của tẩy tế bào chết vật lý là dùng các hạt nhỏ với kích thước và độ xù xì khác nhau, chúng có tác dụng loại bỏ tế bào chết thông qua tác động chà xát các hạt này trên bề mặt da. Các chất tẩy tế bào chết vật lý hay được sử dụng bao gồm: hạt muối, đường, nhựa, hạt jojoba, vỏ của các loại hạt…
a. Tẩy tế bào chết vật lý bằng tay
Khăn vi sợi (microfiber cloths) là loại khăn là bằng sợi nhân tạo thường là polyester và polyamide có kích thước < 10 micromet. Một số trường hợp chất liệu này được dùng trong găng tẩy tế bào chết. Khăn rửa mặt dựa vào cách thiết kế của khăn chia thành cách dệt đóng hay mở (open or closed weave):
- Với khăn open-weave có các lỗ 2-3 mm ở giữa các sợi, điều này làm giảm tiếp xúc của khăn với da mặt, chính vì thế có tác dụng chà xát, bong ít hơn, thích hợp hơn với da khô, nhạy cảm.
- Khăn closed weave không có các lỗ này, mức độ chà xát nhiều hơn, lấy được nhiều bã nhờn hơn, thích hợp với da dầu. Với khăn closed weave có 2 mặt, 1 mặt chứa thêm chất bề mặt để tăng hiệu quả, mặt sau mềm hơn để lau lại, mặt này có thể thêm chất dưỡng ẩm hoặc sản phẩm điều trị khác như chất chống lão hóa.
Chà mặt với hạt nhỏ (micro-bead facial scrubs): là dạng tẩy tế bào chết có chứa các hạt nhỏ nhựa (plastic). Tuy nhiên, các hạt chất dẻo này gây ảnh hưởng tới môi trường (động vật trong nước ăn vào gây ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa của chúng) nên hiện nay nhiều nước không còn dùng nữa. Khi đọc báo bạn sẽ thấy các dòng tít “sản phẩm tẩy tế bào chết không chứa hạt vi nhựa hay microbead”.
Vỏ hạt hạnh nhân hoặc nhân hạt mơ đã được nghiền nát (crushed apricot kernels or almond shells): trên thị trường có nhiều loại tẩy tế bào chết cho cơ thể dùng loại này, có thể là trong sản phẩm có sẵn hoặc bột vỏ 2 loại trên tự chế với các loại dầu khác.
Tẩy tế bào chết từ đường: có 2 loại đường là đường trắng và đường nâu. Đường trắng có kích thước lớn dễ gây tổn thương da nên ít được dùng tẩy tế bào chết trên mặt, thay vì đó sử dụng để tẩy tế bào chết ở thân mình. Đường nâu có kích thước nhỏ hơn, thích hợp tẩy tế bào chết ở mặt. Để an toàn thì chúng ta nên dùng đường nâu:
- Đường phối hợp với dầu: có thể chọn các loại dầu như dầu dừa, dầu jojoba, dầu Ô liu, dầu hạnh nhân… lấy 1/2 bát đường + 1/2 bát dầu có thể thêm vài giọt dầu thiết yếu trộn đều lên. Lượng đường và dầu thay đổi theo diện tích muốn tẩy tế bào chết.
- Đường phối hợp với mật ong: giúp vừa tẩy tế bào chết vừa dưỡng ẩm, chống viêm. Lấy 1/2 bát đường nâu + 1/4 bát dầu dừa + 2 thìa mật Có thể thêm dầu dừa nếu hỗn dịch quá vụn.
- Đường phối hợp với nước chanh: khoảng 1/2 bát đường + nước chanh sao cho tạo thành hỗn dịch sền sệt.
- Đường phối hợp với trà xanh: cho 2 túi trà xanh vào 1/2 bát nước nóng sau đó để nguội. Lấy 1 bát đường nâu thêm khoảng 1/4 bát dầu dừa trộn đều sau đó cho nước trà xanh đã nguội vào. Nếu hỗn hợp quá vụn thì thêm dầu dừa, nếu ướt quá thêm đường. Sau khi đạt được hỗn dịch mong muốn bắt đầu tẩy tế bào chết.
Tẩy tế bào chết bằng muối: nên dùng muối biển xay vì muối hột có thể gây tổn thương da. Với những người da nhạy cảm chú ý khi sử dụng:
- 1/2 bát muối biển xay + 1/2 bát dầu muốn dùng + vài giọt dầu chủ yếu để tạo mùi mong muốn.
- Có thể dùng muối biển + mật ong hoặc sữa tươi với cùng 1 lượng để tạo thành hỗn dịch sền sệt để tẩy tế bào chết.
Tẩy tế bào chết bằng bã cà phê: lấy 1/2 bát bã cà phê với 2 thìa nước nóng, trộn đều. Sau đó thêm khoảng 1 thìa dầu dừa ấm vào trộn đều. Có thể thêm bã cà phê hoặc dầu dừa để đạt được hỗn dịch mong muốn. Hiện tại, phương pháp tẩy tế bào chết từ cà phê rất được ưa chuộng trên hội những người bị lichen amyloid.
Đá bọt (pumice stone): đá bọt được hình thành khi dung nham núi lửa trộn với nước. Loại đá này dùng để tẩy tế bào chết, có thể có 2 đầu: 1 đầu thô ráp để tẩy tế bào chết ở chân tay và 1 đầu nhẵn hơn thích hợp tẩy tế bào chết ở mặt và nách. Khi dùng phải ngâm đá bọt trong nước ấm vài phút. Cũng có một số hãng dùng các hạt đá bọt siêu nhỏ để tẩy tế bào chết cho da nhạy cảm:
- Với tổn thương dày sừng, chai chân, hạt cơm ở tay chân cần ngâm tổn thương này với nước ấm trong khoảng 5-10 phút, sau đó lau khô bằng khăn → lấy đá bọt trong nước ấm ra bắt đầu massage theo hình tròn khoảng 2-3 phút sao cho lấy tối đa phần da dày. Nếu thấy đau cần dừng ngay lập tức. Sau khi tẩy da chết xong cần bôi dưỡng ẩm, đá bọt cần được dùng bàn chải để chải và rửa đi hoặc đun với nước sôi trong vài phút. Có thể lặp lại các bước này hằng ngày để loại bỏ tổn thương dày sừng, chai chân.
- Với tẩy da chết ở mặt và nách nên dùng đầu nhẵn, lặp lại các bước ở trên nhưng với vùng này tẩy tế bào chết mỗi chỗ khoảng 15 giây. Sau khi tẩy tế bào chết xong rửa lại bằng nước ấm và dùng dưỡng ẩm ngay sau đó. Tuần nên dùng 1 lần.
Tẩy tế bào chết bằng miếng bọt biển: ví dụ trên thị trường có bọt tẩy tế bào chết của Konjac gồm có các màu: màu xanh lá có thêm trà xanh dùng cho da dầu, thiên dầu; màu đỏ có thêm đất sét đỏ phù hợp da lão hóa, tăng sắc tố; màu đen chứa than hoạt tính có khả năng hút dầu thích hợp da dầu mụn; màu trắng dùng cho da nhạy cảm, da em bé; màu hồng dùng cho các loại da.
Tẩy tế bào chết bằng bàn chải: bàn chải có nhiều chất liệu khác nhau, một trong những chất liệu thịnh hành hiện tại là silicone vì mềm mại, thích hợp cho da mặt. Với tẩy tế bào chết ở thân mình bàn chải thường kèm theo cán dài hỗ trợ.
b. Tẩy tế bào chết vật lý bằng máy
Máy rửa mặt. Xem tại Lựa chọn sản phẩm rửa mặt, tẩy trang phù hợp với từng loại da
2.2. Tẩy tế bào chết hóa học
Chất tẩy tế bào chết bao gồm các chất có tác dụng phân hủy keratin (chất tiêu sừng) hoặc là các enzyme có tác dụng phân hủy protein.
- Cấu trúc của AHA gồm nhóm OH ở vị trí Cα (carbon gần nhóm COOH nhất): GA, lactic acid, mandelic acid.
- Cấu trúc BHA gồm OH ở vị trí Cβ: salicylic acid (tuy nhiên, salicylic acid về bản chất không phải BHA).
- Cấu trúc PHA: nhiều OH, trong đó ít nhất có 1 OH ở vị trí Cα: điển hình là
- Polyhydroxy bionic acids (PHBAs): giống PHA nhưng thêm chuỗi đường glucose: ví dụ điển hình lactobionic acid.
- Acid có tính chất như cả AHA và BHA: OH ở cả vị trí α hay β: malic, citric acid.
a. AHA (α-hydroxy acids)
Là nhóm acid mà OH ở vị trí Cα gồm: glycolic acid (GA), lactic acid, mandelic acid… Trong số này GA hay được sử dụng nhất. Các loại acid trên tan trong nước nên khó thấm vào nang lông hoặc trong trường hợp da dầu (vì vậy ít có vai trò trong bệnh trứng cá). AHA có nhiều trong các loại hoa quả: GA có trong mía đường, malic acid trong táo, tartaric có trong nho, citric acid trong chanh và lactic acid trong sữa Vì có nguồn gốc từ thực vật nên AHA còn có tên gọi là acid hoa quả hay acid tự nhiên.
GA có cấu trúc phân tử nhỏ nhất trong các loại AHA nên dễ thấm, thấm nhanh vào da, vì vậy cho hiệu quả nhanh.
Mandelic acid có cấu trúc gần giống glycolic acid nên có tên gọi khác là phenyl glycolic acid. Chất này có cấu trúc phân tử lớn nên thấm chậm vào da. Acid này ít gây châm chích và bỏng rát so với các AHA có cấu trúc phân tử nhỏ khác, vì vậy thích hợp với da nhạy cảm và thường được phối hợp với thuốc khác để làm thuốc bôi và lột (hay phối hợp với salicylic). Chế phẩm bôi, tẩy tế bào chết của mandelic acid trên thị trường thường là 5%.
Tác dụng tẩy tế bào chết của AHA: các tế bào da cần phân tử Calci để kết dính với nhau, AHA tạo phức với Calci, vì vậy làm giảm lượng Calci ở tế bào thượng bì làm các tế bào này không kết dính với nhau được và bong ra.
AHA còn là 1 chất dưỡng ẩm do nó có khả năng hút nước. Khi dùng ở nồng độ thấp nó có tác dụng dưỡng ẩm, tẩy tế bào chết nhẹ, giúp làm da sáng, mềm hơn, giảm nếp nhăn. AHA có tác dụng dưỡng ẩm kéo dài (vài ngày sau bôi), khác với các chất dưỡng ẩm thông thường chỉ kéo dài vài giờ. Ở nồng độ cao hơn AHA có tác dụng tẩy tế bào chết và lột.
Các tác dụng khác của AHA, điển hình nhất là GA: làm tăng tổng hợp collagen, giảm giáng hóa phân tử này. GA làm tăng chu trình tế bào thượng bì, gây tăng đổi mới tế bào, tác dụng làm sáng da do ức chế men Vì các điều trên GA có tác dụng tốt trong lão hóa da, rám má, tăng sắc tố sau viêm… khác với BHA tác dụng chủ yếu lên trứng cá.
Dựa vào nồng độ ta phân loại AHA thành 3 nhóm: nồng độ thấp < 10% có thể dùng hằng ngày như chất dưỡng ẩm, chống lão hóa. Nồng độ trung bình 10-50%, dùng tuần 1-2 lần như 1 chất tẩy tế bào chết, thường dùng trên da một thời gian ngắn sau đó rửa đi. Nồng độ cao 50-70% dùng như 1 chất lột nhẹ – trung bình. Khi ở pH càng thấp AHA có tác dụng càng mạnh.
AHA có thể gây kích ứng da, vì vậy các tác giả khuyến cáo trong mỹ phẩm nồng độ GA tối đa 10%, pH ≥ 3.5. Khi dùng nồng độ cao hơn cần sự hướng dẫn của bác sĩ.
Để tránh tác dụng phụ có thể sử dụng AHA theo cách sau:
- Dùng nồng độ thấp 3-4% hằng ngày vào buổi tối, sau vài ngày không có kích ứng tăng lên 2 lần/ngày trong vài tuần, sau đó tăng lên nồng độ cao hơn. Với những người da nhạy cảm bôi tối cách ngày vài ngày sau đó tăng lên 1-2 lần/ngày.
- Khi dùng phối hợp với retinoids có thể tăng tỉ lệ kích ứng. Có thể chuyển dùng AHA buổi sáng, retinoids buổi tối (nhưng cần chống nắng kĩ vì AHA bắt nắng nhiều). Sự phối hợp 2 thuốc trên làm tăng hiệu quả chống lão hóa.
Dùng AHA (cụ thể là GA) làm da nhạy cảm với ánh nắng hơn nên dễ gây bỏng nắng trong một vài thử nghiệm. Tuy nhiên, tác dụng này trở về bình thường khi ngừng sử dụng trong vòng 1 tuần. Vì vậy, AHA thường được dùng vào buổi tối (vừa giảm tác dụng phụ, vừa phù hợp với chu kì tế bào da: các tế bào đổi mới vào buổi tối mà AHA tác động vào sự đổi mới của các tế bào nên phù hợp với chu kì này nếu bôi AHA vào ban đêm). Nếu cần bôi vào buổi sáng chúng ta nên chống nắng thật tốt. Ngay cả khi bôi thuốc vào buổi tối bạn cũng nên chống nắng đầy đủ. Thực tế có nhiều loại dưỡng ẩm trên thị trường dùng GA với nồng độ thấp, chính vì vậy, chúng ta cần để ý xem trong dưỡng ẩm này có GA không để có biện pháp chống nắng phù hợp.
b. BHA (β-hydroxy acids)
Là nhóm acid mà có OH ở vị trí Cβ: salicylic acid, β-hydroxybutanoic acid, tropic acid, trong đó SA thường được sử dụng nhất. Khác với AHA tan trong nước thì nhóm BHA đặc biệt là SA tan trong mỡ.
Kligman ban đầu mô tả SA như là BHA, tuy nhiên các tác giả về sau như Yu và Van Scott… cho rằng SA nằm ở nhóm BHA là không đúng về mặt hóa học bởi vì nhóm OH của SA nằm ở carbon của nhân thơm nên nó có tính chất là acid hơn là có tính chất của rượu ở BHA thông thường. Thêm vào đó, SA tan trong dầu nhiều, trong khi các BHA khác thường tan trong nước và đặc biệt SA có tính chất chống nắng tốt. Tuy nhiên, về mặt tính chất vì có vài điểm giống nhau giữa các BHA nên SA vẫn được coi thuộc nhóm này.
SA có tác dụng chính là bạt sừng, bong vảy da. Ngoài ra, chất này còn có tác dụng chống nhiễm khuẩn, chống nấm. Thêm vào đó, salicylic tan trong dầu nên thấm sâu vào nang lông, da dầu, vì vậy ưu tiên sử dụng trong trứng cá. Trong mỹ phẩm salicylic được khuyến cáo dùng ở nồng độ < 3%. SA hiện tại được bào chế dưới dạng dung dịch và dạng mỡ bởi vì nó không tương thích với dạng cream. Trong thực hành chúng ta thấy có mỡ salicylic ở các nồng độ 5%, 10%, 30% để điều trị hạt cơm trong khi dạng dung dịch hay được dùng ở nồng độ thấp trong mỹ phẩm (2%) và trong dung dịch lột 20-30%:
- SA và dẫn xuất có tính chất hấp thụ ánh nắng nên có tác dụng chống lại ánh nắng mặt trời. Thực tế trong nhóm hoạt chất chống nắng hóa học có nhóm salicylic. Vì hai điều trên, quan niệm trước đây cho rằng dùng SA làm tăng bắt nắng là hoàn toàn sai lầm. Thực tế khi điều trị các bệnh da bằng tia cực tím người ta khuyến cáo không dùng SA trước khi chiếu vì có thể làm giảm tác dụng của tia cực tím trên da.
- Tác dụng phụ của SA như châm chích, kích ứng ít gặp. Một trong những tác dụng phụ nguy hiểm của SA đó là salicylism khi mà SA được hấp thụ quá nhiều vào trong máu gây triệu chứng thần kinh, hôn mê và có thể tử Tác dụng phụ này có thể gặp ở bệnh nhân đỏ da toàn thân (thường là đỏ da toàn thân do vảy nến), vì vậy trong thực hành không nên bôi SA quá 50% diện tích cơ thể. Một số trường hợp SA thấm vào máu quá nhiều có thể gây hạ đường huyết.
- SA được phân loại C thai kì, dùng cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ.
Dẫn xuất của salicylic là β-lipohydroxy acid (βLHA) thấm nhanh và sâu vào da, nang lông hơn các loại AHA hay BHA khác ngay cả khi dùng với nồng độ thấp. Thực tế mỹ phẩm hiện tại βLHA thường ở nồng độ ≤ 2%. Hãng La Roche-Posay có thương hiệu effaclar để điều trị mụn chứa βLHA. Một trong những điểm khác biệt lớn của SA và dẫn xuất so với AHA là nó có tác dụng chống lại tia cực tím, vì vậy chúng ta nên bôi vào ban ngày (thường SA được khuyến cáo bôi ngày 2 lần sáng và tối).
c. Chất lai giữa AHA và BHA
Acid có tính chất lai giữa AHA và BHA đó là malic và citric acid vì nhóm OH nằm cả ở vị trí Cα và Cβ.
Malic và citric acid có pK lý tưởng ở 3-4, vì vậy có tác dụng tốt trong việc giữ và cân bằng pH da ở khoảng acid. Việc sử dụng 2 chất này trong chăm sóc da còn hạn chế, chúng chủ yếu dùng trong các sản phẩm kết hợp với các AHA và BHA khác để tăng hiệu quả.
d. PHA (polyhydroxy acids) và polyhydroxy bionic acids (PHBAs)
Là acid chứa nhiều nhóm OH, trong đó ít nhất có 1 OH ở vị trí Cα: điển hình là Polyhydroxy bionic acids (PHBAs): giống PHA nhưng thêm chuỗi đường glucose, chất điển hình là lactobionic acid. Cơ chế giống AHA là tạo phức với Calci.
Nhóm này là thế hệ mới của AHA nhưng ít kích ứng hơn do kích thước phân tử lớn, hấp thụ vào da chậm hơn. Ngoài ra, nhóm trên còn có tác dụng dưỡng ẩm tốt, quét các gốc tự do nên có tác dụng trong lão hóa da. Một trong những điểm khác biệt của gluconolactone so với GA đó là chất này chống lại tia UV, vì vậy chúng ta có thể dùng vào ban ngày. Một trong những hãng sử dụng nhiều PHA cho các sản phẩm của mình đó là SVR.
e. Tẩy tế bào chết bằng enzyme
Enzyme có tác dụng phân hủy protein từ đó có tác dụng làm li tách các tế bào chết và loại bỏ ra khỏi bề mặt Các enzyme thường được chiết xuất từ các loại quả như dứa, đu đủ, bí ngô… Ngoài ra, còn có protease được tiết ra từ vi khuẩn Bacillus subtilis. Loại tẩy tế bào chết này phù hợp với da nhạy cảm, những người không dung nạp với tẩy tế bào chết hóa học.
Trên thị trường có các sản phẩm tẩy tế bào chết từ nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên, bác sĩ Tâm sẽ hướng dẫn mọi người cách tạo tẩy tế bào chết bằng enzyme ở dưới đây.
Điểm chốt
- GA dùng ở nồng độ < 10%, pH ≥ 3.5. Tác dụng tốt trong lão hóa da, rám má. GA gây tăng nguy cơ bỏng nắng: dùng buổi tối, chống nắng tốt hôm
- SA thường dùng nồng độ < 3%. Tác dụng tốt trong trứng cá. SA chống lại tác hại của ánh nắng: dùng ban ngày tốt hơn.
- PHA có cơ chế giống AHA, là thế hệ mới của AHA và ít kích ứng hơn.
- Gluconolactone là 1 loại PHA chống lại tác dụng của ánh nắng, có thể dùng được trong ngày.
- Tẩy tế bào chết enzyme phù hợp với da trứng cá, nhạy cảm.
f. So sánh tẩy tế bào chết cơ học và hóa học
Một sản phẩm tẩy tế bào chết có thể chỉ chứa đơn thuần một trong số các chất tẩy tế bào chết trên hoặc là kết hợp với nhau.
Đặc điểm | Tẩy tế bào chết vật lý | Tẩy tế bào chết hóa học |
Cơ chế | Dựa trên lực chà xát trực tiếp lên bề mặt da | Làm li tách các tế bào thông qua tiêu sừng hoặc tiêu protein |
Hiệu quả | Hiệu quả thấy ngay | Hiệu quả chậm hơn |
Tác dụng phụ | Do tác động lực nên dễ gây kích ứng và gây bùng phát trứng cá | Ít gây kích ứng và ít gây bùng phát trứng cá |
Tần suất sử dụng | 2-3 lần/tuần | 1-3 lần/tuần, đôi khi dùng hằng ngày với nồng độ thấp |
Loại da phù hợp | Cho các loại da khô và da ít kích ứng, ít trứng cá | Cho các loại da dễ kích ứng và da bị trứng cá |
g. Tẩy tế bào chết bằng thành phần tự nhiên
Tẩy tế bào chết từ thành phần tự nhiên rẻ tiền, khá an toàn, giúp giảm các triệu chứng của lão hóa da, trứng cá, làm da sáng hơn… Bác sĩ Tâm liệt kê ra đây các thành phần, còn cách làm cụ thể mọi người tham khảo bài mặt nạ.
- Đu đủ: có chứa papain và chymopapain là 2 enzyme có tác dụng làm bong sừng, chống viêm. Ngoài ra, nó còn có chứa lycopene là 1 chất chống oxy hóa.
- Nước dứa: chứa bromelain là 1 loại enzyme tẩy tế bào chết, chống viêm.
- Dưa chuột: có chứa acid lactic là 1 chất có tác dụng tẩy tế bào chết nhẹ. Ngoài ra, trong chiết xuất của dưa chuột có chứa các chất chống lão hóa như anti-hyaluronidase, anti-elastase và các chất có tác dụng ức chế enzyme tyrosinase, vì vậy có tác dụng tốt trong lão hóa da.
- Cà chua: chứa AHA và flavonoids, pectin là 2 chất có tính chống oxy hóa mạnh.
- Các thành phần tự nhiên khác: trà xanh, mướp, chiết xuất của tảo Ahnfeltia concinna, vỏ quả mơ, dầu chanh (lấy từ vỏ quả chanh), bột hạt quả tầm xuân, việt quất, đậu vàng (mung dal), chiết xuất hạt bưởi đắng (grapefruit)…
Tip: những lưu ý khi dùng tẩy tế bào chết tự nhiên
- Nên test thử trước khi dùng.
- Không nên chà xát vì có thể làm da lỏng lẻo hơn, dễ hình thành nếp nhăn, thay vào đó vỗ hoặc chấm nhẹ sản phẩm khi dùng và khi rửa.
- Không nên sử dụng nước nóng, mà dùng nước ấm hoặc nước lạnh để rửa.
- Nên hạn chế tẩy tế bào chết quanh mắt vì dễ gây kích ứng.
- Sau tẩy tế bào chết, cần dùng dưỡng ẩm. Nên tẩy tế bào chết vào buổi tối.
h. Cách sử dụng tẩy tế bào chết
- Bước 1: rửa sạch mặt bằng sữa rửa mặt.
- Bước 2: xoa sản phẩm tẩy tế bào chết lên mặt và mát xa nhẹ nhàng. Đối với tẩy tế bào chết vật lý bước này quan trọng và thường kéo dài hơn tẩy tế bào chết hóa học. Với tẩy tế bào chết hóa học, thời gian massage tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
- Bước 3: rửa mặt lại bằng nước. Sau đó đến các bước tiếp theo của quy trình chăm sóc da.
- Dùng sản phẩm 1-2 lần/tuần, không nên sử dụng tẩy tế bào chết quá thường xuyên vì sẽ gây tổn thương hàng rào bảo vệ da, gây khô da. Một số loại tẩy tế bào chết với nồng độ chất tẩy tế bào chết thấp có thể được dùng hằng ngày, tuy nhiên cần chú ý tác dụng phụ.
i. Tác dụng phụ của tẩy tế bào chết và cách xử trí
Vì tẩy tế bào chết là 1 quá trình lột rất nông nên có thể có các tác dụng phụ của lột nhưng với mức độ ít hơn. Các tác dụng phụ và cách xử trí được đề cập dưới đây:
- Phù nề: có thể dùng kháng histamin hoặc kháng histamin phối hợp với corticoid uống.
- Đau và châm chích: đắp nước lạnh sau tẩy tế bào chết. Sau đó dùng dưỡng ẩm + corticoid bôi sẽ giảm triệu chứng Cần chống nắng tốt để tránh bị thâm da sau đó. Khi gặp tác dụng phụ này chúng ta không nên bôi retinoids hoặc GA sau đó, mà đợi khoảng 3 ngày sau mới bôi lại.
Triệu chứng này có thể giảm dần theo thời gian giống như retinoids, vì vậy có thể ban đầu nên dùng vài tuần 1 lần, sau đó để da dung nạp dần chúng ta tăng tần suất sử dụng lên.
- Dị ứng: tẩy tế bào chết bằng resorcinol có thể gây phản ứng dị ứng (mày đay), TCA có thể gây mày đay cholinergic. Dùng kháng histamin để giải quyết tình trạng trên.
- Viêm nang lông, trứng cá sau tẩy tế bào chết: dùng kháng sinh minocycline 100 mg 2 lần/ngày hoặc doxycyclin 100 mg 2 viên/ngày trong 1-2 tuần.
- Nhiễm herpes sau tẩy tế bào chết: những người có tiền sử herpes trước đó có thể xuất hiện herpes lan tỏa sau dùng tẩy tế bào chết hoặc lột da (hay gặp hơn). Điều trị acyclovir 400 mg 3 lần/ngày trong 5-7 ngày. Có thể dự phòng acyclovir 400mg 3 lần/ngày trước khi tẩy tế bào chết 2-3 ngày, tiếp tục sau đó 1-2 tuần.
- Tăng sắc tố sau viêm: hay gặp ở người type da tối màu, dùng thuốc tránh thai, tránh nắng không tốt sau tẩy tế bào chết. Có thể dự phòng bằng cách:
- Bôi thuốc như hydroquinone 2-4%, tretinoin 0.05% trước khi tẩy tế bào chết hoặc peel ít nhất 2 tuần.
- Dừng các thuốc bôi này trước làm thủ thuật 3 ngày với hydroquinone và 1 tuần với tretinoin. Nếu bị tăng sắc tố có thể dùng HQ 2-4% bôi ngày 2 lần trong vài tuần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nilani Packianathan. Skin Care with Herbal Exfoliants. Functional Plant Science and Biotechnology ©2011 Global Science
2. Saint-Léger, D., Lévêque, -L., & Verschoore, M. (2007). The use of hydroxy acids on the skin: characteristics of C8-lipohydroxy acid. Journal of Cosmetic Dermatology, 6(1), 59–65. doi:10.1111/j.1473-2165.2007.00296.
3. Costa, I. M. C., Damasceno, P. S., Costa, M. C., & Gomes, K. G. P. (2017). Review in peeling complications. Journal of Cosmetic Dermatology, 16(3), 319–326. doi:10.1111/ jocd.12329.
4. Sarkar, R., Garg, , Bansal, S., Sethi, S., & Gupta, C. (2016). Comparative Evaluation of Efficacy and Tolerability of Glycolic Acid, Salicylic Mandelic Acid, and Phytic Acid Combination Peels in Melasma. Dermatologic Surgery, 42(3), 384–391. doi:10.1097/ dss.0000000000000642.
5. Kornhauser A, Wei R-R, Yamaguchi Y, et al. The effects of topically applied glycolic acid and salicylic acid on ultraviolet radiation-induced erythema, DNA damage and sun- burn cell formation in human skin. Journal of Dermatological Science. 2009;55 (1):10-17. doi:10.1016/j.jdermsci.2009.03.011.
6. Kaidbey et al. Topical glycolic acid enhances photodamage by ultraviolet light: Glycolic acid enhances photodamage. Photodermatology, Photoimmunology & Photomedicine. 2003;19(1):21-27. doi: 10.1034/j.1600-0781.2003.00013.x.
7. Lin MD, FRCPC, A. N., & Nakatsui MD, (1998). Salicylic acid revisited. International Journal of Dermatology, 37(5), 335–342. doi:10.1046/j.1365-4362.1998.00452.
8. Arif T. Salicylic acid as a peeling agent: a comprehensive review. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2015;8:455-461. doi:10.2147/CCID.S84765.
9. Kornhauser A, Coelho SG, Hearing VJ. Applications of hydroxy acids: classification, mechanisms, and Clin Cosmet Investig Dermatol. 2010;3:135-142. doi:10.2147/ CCID.S9042.