Hiện nay, áp lực công việc và cuộc sống ngày càng tăng cao khiến cho những căn bệnh tưởng chừng như chỉ xuất hiện ở người cao tuổi, lại ngày càng gia tăng ở người trẻ mà trong đó run tay là một hội chứng gây ra nhiều rắc rối trong cuộc sống. Vậy run tay là gì? Run tay ở người trẻ gây ra hệ lụy gì? Hướng điều trị như thế nào? Hãy cùng Nhà Thuốc Ngọc Anh tìm hiểu những thông tin về bệnh run tay mà đặc biệt ở người trẻ tuổi ngay trong bài viết sau đây nhé.
Hiện tượng run là gì?
Hiện tượng run là hiện tượng xuất hiện những cơn co thắt cơ bắp liên tục, nhịp nhàng, có tần số và không thể kiểm soát. Tình trạng run có thể xảy ra ở một số vị trí cố định trên cơ thể như chân, mắt, tay, hàm,.. hoặc có thể khiến các bộ phận của cơ thể run theo diện rộng như một bên mình. Run ở tay là biểu hiện phổ biến nhất. Trong một số trường hợp, run không chủ đích có thể hoàn toàn bình thường và không gây hại, tuy nhiên chúng làm ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động trong cuộc sống và chúng cũng có thể báo hiệu một tình trạng bệnh lý đang tiềm ẩn.
Hội chứng run tay ở người trẻ tuổi
Bệnh run tay là triệu chứng trước đây thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, ngày nay, chứng bệnh này ngày càng trẻ hóa do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng gây ảnh hưởng lớn đến các công việc đơn giản thường ngày với tần số cao, chẳng hạn như cầm, nắm ly nước hay đôi đũa, buộc dây giày, gõ bàn phím,….đều gặp khó khăn.
Việc điều trị chứng run tay ở người trẻ tuổi một cách triệt để là điều rất quan trọng. Bởi ở độ tuổi này là độ tuổi phát triển, năng động và sáng tạo trong học tập, công việc và cuộc sống. Việc mắc chứng run tay sẽ làm kìm hãm và ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày ở độ tuổi này. Do đó, việc phân loại nguyên nhân bệnh run tay ở người trẻ một cách rõ ràng, rành mạch sẽ giúp xác định hướng điều trị hiệu quả và an toàn hơn cho người bệnh.
Triệu chứng run tay ở người trẻ có nguy hiểm không ?
Những người trẻ tuổi (bao gồm cả học sinh, thanh thiếu niên) than phiền lại rằng họ bị run tay khi viết, run khi hồi hộp, khi tập trung làm một việc, run khi đứng trước đám đông hoặc ngay cả khi chỉ có người nhìn thôi là tay cũng đã run lẩy bẩy… Tình trạng run này thường gặp khi:
Làm việc nhiều và liên tục trước máy vi tính với thói quen di chuyển “chuột” trên mặt bàn ở khoảng cách quá hẹp khiến cánh tay bị hạn chế phạm vi hoạt động trong thời gian dài dẫn đến co cứng tay từ đó khởi phát cơ run.
Thường xuyên nổi giận, buồn chán trong sinh hoạt và cả trong nghề nghiệp khiến người bệnh thường phản ứng thái quá cũng có lúc trầm lặng. Ngủ không đủ giấc, hay ngủ không sâu giấc vì khi đi ngủ vẫn còn lo lắng cho công việc còn dở dang vào giấc ngủ. Những biểu hiện trên làm cơ thể suy nhược ảnh hưởng đến tâm lý, sinh lý của người bệnh, do đó làm khởi phát cơ run.
Phần lớn trường hợp run tay ở người trẻ không đáng lo ngại bởi chúng chỉ xuất hiện và biến mất trong thời gian ngắn và đó là phản ứng sinh lý bình thường của cơ thể (run tay sinh lý).
Run tay chỉ đáng lo lắng nếu như cơn run xuất hiện với tần số ngày càng nhiều, điều đó khiến bạn không thể điều khiển được đôi tay của mình để làm việc, trường hợp này được gọi là run tay do bệnh lý.
Phân loại run
Phân loại run theo hoàn cảnh xuất hiện
Run tĩnh trạng (Resting tremors)
- Loại run này có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi hoặc một phần cơ thể được thả lỏng hoàn toàn. Biểu hiện run này thường diễn ra kín đáo và thường biến mất hoàn toàn khi cơ thể vận động.
- Có tần số từ 3- 6 chu kỳ/giây (Hz).
Run động trạng (Action tremors)
- Được nhận thấy rõ nhất là khi vận động.
- Loại run này có thể có sự thay đổi mức độ, chúng thường xảy ra ở nhiều tần số rất khác nhau tuy nhiên tần số luôn < 13 Hz.
Phân loại theo hoạt động của run
Run “động” (Kinetic tremors)
- Thường có biên độ thấp, xuất hiện ở giai đoạn cuối của một hành động hướng tới một mục tiêu nào đó.
Run tư thế (Intention tremors)
- Thường xảy ra khi một bộ phận của cơ thể như tay hoặc chân được duy trì ở một vị trí nhất định trong một khoảng thời gian lâu (ví dụ như duỗi thẳng tay trong 1 khoảng thời gian )
- Tần số thường từ 5 đến 8 Hz.
- Loại run này có thể thay đổi theo vị trí hoặc tư thế, chính nhờ điều này giúp chỉ ra được nguồn gốc của run.
Run có chủ ý ( (Postural tremor)
- Thường xuất hiện khi hoạt động chủ ý hướng tới một mục tiêu nào đó, ví dụ như việc có ý định duỗi chân hay có tương tác với chân thì chân sẽ run càng nhiều
- Loại run này thường có biên độ cao nhưng tần số thấp.
- Tần số thường từ 3-10 Hz
- Cơn run sẽ càng tiến triển nặng hơn khi đã đạt được đích
- Run cũng có thể được phức hợp nhiều loại run trên.
Ngoài ra run còn được phân loại theo:
- Sinh lý
- Bệnh lý nguyên phát:run vô căn (essential tremor) , run Parkinson)
- Thứ phát sau khi mắc một bệnh lý nào đó (ví dụ như đột quỵ)
Nguyên nhân dẫn đến chứng run tay ở người trẻ tuổi
Nguyên nhân gây ra bệnh run tay ở người trẻ thường được chi làm 2 nhóm là run sinh lý và run bệnh lý
Run sinh lý
Tình trạng sức khỏe
Thường xuất hiện khi người bệnh gặp các trạng thái stress như căng thẳng, lo lắng khi đứng trước đám đông, thuyết trình, những hành động cần sự chính xác như ký tên, viết bài…Tình trạng run này thường thuyên giảm khi điều chỉnh được tâm lý. Ngoài run tay, người bệnh có thể thấy hồi hộp, tim đập nhanh kéo đến các vị trí run khác như run chân, run mắt…
Ngoài ra, tình trạng run này thường đến do mệt mỏi, thiếu ngủ, thiếu vận động, ngồi lâu, gõ máy tính thường xuyên.
Bên cạnh đó, đối với một số người sử dụng các chất kích thích (bia, rượu, ma túy) hoặc các chất ức chế thần kinh (thuốc an thần, thuốc ngủ) đangtrong giai đoạn cai thường sẽ dễ dẫn đến tình trạng run.
Do dùng thuốc
Một số loại thuốc khi dùng cũng có tác dụng phụ gây run tay. Điển hình như:
- Một số loại thuốc dùng trong điều trị hen suyễn
- Các thuốc điều trị tâm thần như thuốc chống trầm cảm và thuốc ổn định tâm trạng như thuốc chống động kinh (Depakene) và (Depakote).
- Các thuốc dùng trong điều trị loạn nhịp tim (Procainamide)
- Các thuốc điều trị ung thư (Thalidomide)
- Các thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (Cyclosporine)
- Các thuốc corticosteroide
- Các thuốc kháng sinh hoặc kháng virus
Run bệnh lý
Run vô căn
Run vô căn xảy ra thường là do di truyền. Người bệnh thường bị run tay khi bắt đầu làm một hành động bình thường như cầm bút viết, cầm đũa, nắm lan can, ly nước…, có thể kèm theo run giọng nói, lưỡi, nói lắp, run thân người nhưng ít khi bắt gặp run ở chân.
Run vô căn thường có xu hướng tiến triển nặng dần theo thời gian và có thể dẫn tới các bệnh lý liên quan. Do đó người bệnh bị run vô căn điều trị tích cực ngay khi được chẩn đoán.
Rối loạn chức năng do bị tổn thương não
Chứng run tay ở người trẻ cũng có thể xuất phát từ các tổn thương não, di chứng để lại của các viêm não hoặc sốt cao gây co giật ngày bé, hoặc sau khi bị các tổn thương do chấn thương đột quỵ, bệnh đa xơ cứng, các rối loạn thoái hóa di truyền, Parkinson, chấn thương sọ não,….
Các bệnh lý này làm ảnh hưởng đến chức năng của não bộ do đó mà hệ thống thần kinh vận động cũng bị ảnh hưởng và gây ra các chứng run tay, chậm vận động, yếu cơ bắp.
Rối loạn trương lực cơ: Chứng loạn trương lực cơ là một rối loạn vận động, trong đó các cơn co thắt cơ không tự chủ gây ra các cử động và tư thế lặp đi lặp lại, không tự chủ. Run thường xảy ra ở những người bị loạn trương lực cơ là rung giật và không đều, thường xuyên và giống như sóng, hoặc hỗn hợp.
Các nguyên nhân khác
Ngoài ra, run tay ở người trẻ tuổi còn có thể là dấu hiệu của các bệnh cường giáp, bệnh liên quan đến tiểu não… Lạm dụng các chất kích thích như cồn, caffeine, thuốc lá… trong thời gian dài hoặc chế độ ăn thiếu magie, vitamin B12, vitamin B6, vitamin D cũng gây ra các hiện tượng run tay.
Một số cách điều trị chứng run tay ở người trẻ tuổi
Điều trị nhóm run sinh lý
Thường các triệu chứng run trong nhóm này không cần điều trị, trừ khi các triệu chứng của nó ngày càng tăng và gây cản trở nhiều đến công việc, dẫn đến khó chịu.
Điều trị không dùng thuốc
Được khuyến cáo dùng để điều trị hơn. Thay đổi lối sống và thường xuyên sinh hoạt lành mạnh không chỉ giúp bạn điều trị run tay ở người trẻ mà còn giúp duy trì được sức khỏe về lâu dài.
- Hạn chế sử dụng các chất kích thích: hạn chế các đồ uống có chứa caffeine hoặc cồn như rượu, bia, cà phê….. Ngoài ra, thuốc là cũng là một nguyên nhân gây rũ tay, cần bỏ thuốc lá và tránh xa khói thuốc.
- Ăn uống khoa học, lành mạnh: Việc bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể cũng góp phần làm tăng hiệu quả điều trị run tay. Nhất là cần bổ sung thêm magie, vitamin B6 và vitamin D.
- Giảm bớt căng thẳng, stress: Yếu tố tâm lý làm ảnh hưởng rất nhiều đến mức độ và tần số run tay. Càng lo lắng, càng tìm cách điều chỉnh tâm trạng và tìm cách kiềm chế cơn run thì vô tính lại càng làm tăng cường độ run hơn. Hãy giảm tải bớt công việc và dành thời gian cho các sở thích của bản thân nhiều hơn.
- Thường xuyên vận động nhẹ nhàng: Các bài tập dưỡng sinh, yoga, ngồi thiền nhẹ nhàng giúp tăng lưu thông máu lên não, thư giãn tinh thần và điều hòa nhịp thở. Điều này giúp phòng ngừa và hạn chế đáng kể các triệu chứng run tay ở người trẻ tuổi.
Thực hiện lối sống lành mạnh là liều thuốc an toàn và hiệu quả giúp giảm run tay chân ở người trẻ một cách tự nhiên. Tuy nhiên, khi nguyên nhân gây run tay là do các bệnh, bạn vẫn cần điều trị bằng thuốc.
Điều trị dùng thuốc
Các thuốc an thần như benzodiazepine dùng đường uống (ví dụ, diazepam, lorazepam, oxazepam) có thể có hiệu quả cho các bệnh nhân run kèm theo lo âu mạn tính, tuy nhiên nên tránh lạm dụng thuốc và tránh dùng liên tục.
Propranolol và các thuốc chẹn beta khác thì thường có hiệu quả hơn đối với các triệu chứng run cấp tính do lo âu.
Sử dụng thuốc chống động kinh Primidon để chữa tình trạng run nhẹ hoặc phối hợp thêm Propranolol để điều trị chứng run nặng.
Điều trị nhóm run bệnh lý
Run vô căn
Dùng thuốc Propranolol hoặc các thuốc chẹn beta khác thường có hiệu quả, có thể phối hợp cùng với Primidon.
Đối với một số bệnh nhân, dùng một lượng nhỏ rượu có thể có hiệu quả điều trị, tuy nhiên chúng không được khuyến khích sử dụng vì có thể làm tăng nguy cơ lạm dụng.
Các thuốc được chỉ định điều trị tiếp theo là Topiramate và Gabapentin. Có thể dùng kèm theo Benzodiazepine nếu các thuốc khác không có hiệu quả kiểm soát .
Run do bị tổn thương não
Trong trường hợp run do nhóm này gần như không có thuốc điều trị có hiệu quả
Vật lý trị liệu được cho là có khả năng làm giảm ảnh hưởng của run tay trong trường hợp này.
Run do bệnh Parkinson
Tiến hành điều trị theo phác đồ điều trị bệnh Parkinson.
Levodopa thường là phương pháp điều trị được lựa chọn đầu tiên cho hầu hết các loại run do Parkinson.
Các thuốc chẹn cholinergic có thể được sử dụng trong một số trường hợp nhất định, nhưng tác dụng phụ của chúng có thể nhiều hơn lợi ích.
Một số loại thuốc khác như thuốc chủ vận dopamine (như ropinirol, pramipexole), thuốc ức chế MAO loại B ( rasagiline, selegiline), catechol O-metyltransferase (COMT) ( tolcapone, entacapone).
Run do loạn trương lực cơ
Có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật thần kinh chức năng.
Mặc dù các kỹ thuật điều trị bây giờ đã rất phổ biến, tuy nhiên chỉ nên sử dụng sau khi điều trị thất bại tại nội khoa tối ưu và chỉ nên dùng ở những bệnh nhân không bị rối loạn tâm thần.
Ngoài ra, ngày nay run tay ở người trẻ hiện nay còn có thể được điều trị bằng các thảo dược đông Y
Trong Đông y, Thiên ma và Câu đằng là hai loại thảo dược được nhiều nghiên cứu rất nhiều và đã được chứng mà là có khả năng làm giảm triệu chứng run tay.
Các thảo dược này có tác dụng an thần, tăng cường chức năng não bộ và giúp ổn định thần kinh. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả giúp làm giảm các triệu chứng run tay ở người trẻ tuổi thay vì điều trị bằng thuốc tây Y
Tuy nhiên, khi cơ thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu run tay, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và có phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Tóm lại, Chứng run tay ở người trẻ tuổi là một rối loạn vận động thường gặp, đôi khi chỉ gặp thoáng qua cũng có thể tồn tại kéo dài. Nguyên nhân của chúng thường đa dạng, tuy nhiên nếu biết cách điều chỉnh lối sống hoặc dùng các thuốc điều trị hợp lý thì chứng run tay ở người trẻ cũng được cải thiện đáng kể, giúp người bệnh tự tin và thoải mái hơn trong cuộc sống.
Tài liệu tham khảo
- MSD Manual, Tremor, truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2022.
- Bhidayasiri, R. (2005). Differential diagnosis of common tremor syndromes. Postgraduate medical journal, 81(962), 756-762.
- Medicalnewstoday, Why are my hands shaking? Causes, is it normal, and remedies, truy cập ngày 25 tháng 5 năm 2022.