Hội chứng Mallory Weiss là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Hội chứng Mallory Weiss

Nhathuocngocanh.comHội chứng Mallory Weiss (còn được biết đến là hội chứng loét dạ dày thực quản) là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng xuất huyết cấp tính ở người bệnh. Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, Nhà thuốc Ngọc Anh sẽ cung cấp một số thông tin hữu ích về hội chứng này: Hội chứng Mallory Weiss là gì?, Nguyên nhân gây nên hội chứng,..

Hội chứng Mallory Weiss
Hội chứng Mallory Weiss

1, Hội chứng Mallory Weiss là gì?

Hội chứng Mallory Weiss còn được gọi là hội chứng loét đường tiêu hoá trên (dạ dày – thực quản). Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết cấp tính đường tiêu hoá.

Vào năm 1833, bác sĩ Albers đã lần đầu tiên báo cáo về tình trạng loét thực quản dưới. Tuy nhiên, phải tới năm 1929, Kenneth Mallory và Soma Weiss – hai nhà khoa học lừng lẫy đến từ Mỹ – mới đưa ra những mô tả chính xác nhất về hội chứng loét đường tiêu hoá trên. Do đó, nó được đặt tên là hội chứng Mallory Weiss hoặc là vết rách Mallory Weiss.

Trong hội chứng này, bệnh nhân có một vết rách không thâm nhập ở lớp niêm mạc của thực quản, đoạn nối giữa thực quản và dạ dày. Vết rách còn có thể kéo dài xuống đến đoạn trên của dạ dày – đoạn gần với thực quản hoặc kéo dài lên tới đoạn dưới của thực quản – đoạn sát với dạ dày.

Vết rách Mallory Weiss thường xảy ra ở những bệnh nhân nhịn ăn hoặc nôn mửa nhiều lần sau khi uống rượu. Hội chứng này có thể gây nên xuất huyết nghiêm trọng ở đường tiêu hoá của người bệnh.

Hội chứng Mallory Weiss được chẩn đoán bằng cách nội soi bệnh nhân bằng đường miệng hoặc trực tràng. Chiều dài trung bình của vết rách Mallory Weiss là từ 2 đến 4cm và thường chỉ là những vết rách đơn độc ở thành thực quản.

Người mắc hội chứng Mallory Weiss không lây nhiễm bệnh cho người khác và có thể tự khỏi bệnh trong khoảng 10 ngày. Hiếm gặp trường hợp tái phát bệnh. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân có thể có nguy cơ thiếu máu cục bộ do bị bị mất khá nhiều máu nên cần phải truyền máu bổ sung.

Tại Hoa Kỳ, hội chứng Mallory Weiss chiếm khoảng dưới 5% nguyên nhân gây chảy máu cấp tính ở trẻ em và từ 1 đến 15% ở người lớn. Hội chứng này có thể xuất hiện mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, giới tính. Độ tuổi mắc bệnh cao nhất là 40 đến 60 tuổi nhưng thường hay gặp ở độ tuổi từ 40 tới 50. Nguy cơ mắc của nam giới cao hơn nữ giới, thường là với tỉ lệ 4:1. Bởi nam giới thường có thói quen sử dụng rượu bia và những đồ uống có cồn.

2, Nguyên nhân gây nên hội chứng

Những vết rách của hội chứng Mallory Weiss là được gây ra bởi một lực co thắt mạnh ví dụ như sự co thắt thực quản mạnh xảy ra trong khi người bệnh nôn ói. Vì vậy, hội chứng thường xảy ra ở những người hay nôn ói.

Quá trình nôn là một quá trình rất mạnh mẽ và khắc nghiệt đối với đường tiêu hoá. Niêm mạc ống tiêu hóa trong quá trình nôn phải chịu rất nhiều áp lực để có thể đẩy thức ăn ngược lên. Nhờ sự co thắt theo các hướng khác nhau của thành ống tiêu hoá, thức ăn từ ruột non được đưa lên dạ dày, vào thực quản rồi tới hầu họng và vòm miệng. Vì vậy, các vết rách có thể xảy ra khi:

  • Áp lực trong ổ bụng tăng một cách đột ngột khi người bệnh nôn ói. Trong khi đó, một phần của dạ dày lại nằm trong khoang ngực có áp suất thấp. Sự chênh lệch áp suất này dễ dàng gây nên một vết rách.
  • Ống tiêu hoá có những phần ít đàn hồi như phần cuối của thực quản do đó nó không đủ co giãn để chống lại áp lực khi nôn.
  • Tâm vị (phần trên của dạ dày) bị gấp vào phần cuối thực quản bởi lực đẩy khi nôn.

Ngoài ra, hội chứng Mallory Weiss còn xảy ra trên những đối tượng:

  • Thường xuyên nôn ói.
  • Nghiện rượu bia.
  • Mắc rối loạn ăn uống – chứng cuồng ăn bulimia.
  • Thường xuyên la hét hoặc sử dụng họng khiến thực quản lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng.
  • Thường xuyên bị ho, ho khan hoặc nấc cụt kéo dài.
  • Đã từng phải tiếp nhận hồi sức tim phổi (CPR).
  • Bị tăng áp lực nội sọ.
  • Mắc các bệnh về gan và đường mật.
  • Mắc viêm loét dạ dày thực quản.
  • Mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD).
  • Từng bị chấn thương vùng ngực hoặc ổ bụng.
  • Phụ nữ mang thai những tháng đầu với triệu chứng nôn nghén trầm trọng.
  • Thường xuyên uống thuốc gây ảnh hưởng đến quá trình đông máu như warfarin hoặc aspirin

Tuy nhiên, khoảng 25% số lượng bệnh nhân mắc hội chứng Mallory Weiss không hề xuất hiện những nguy cơ nêu trên. Khi thực hiện các thủ thuật xâm lấn như siêu âm tim qua thực quản (TEE) hoặc nội soi đường tiêu hóa trên, vết rách này có thể xảy ra như một biến chứng. Mặc dù vậy nhưng tỉ lệ biến chứng có thể phát triển thành hội chứng Mallory Weiss như vậy là rất nhỏ, chỉ khoảng từ 0.07% đến 0.49%.

Nguyên nhân hội chứng Mallory Weiss
Nguyên nhân hội chứng Mallory Weiss

3, Triệu chứng của hội chứng Mallory Weiss

Do các vết rách đi sâu xuống dưới lớp niêm mạc, chạm tới các động mạch và tĩnh mạch nên hội chứng Mallory Weiss được nhận biết bởi triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa: nôn ra máu và đi ngoài ra phân màu đen.

Trong đó, nôn ra máu là triệu chứng hay gặp nhất. Ở những lần nôn đầu tiên, có thể chất nôn chưa xuất hiện máu, nhưng sau đó máu dần dần xuất hiện với lượng máu thay đổi. Ban đầu là những chất nhầy có vệt màu đỏ máu, sau đó là những mảng chảy máu lớn màu đỏ. Máu trong chất nôn không bị trộn lẫn bởi các acid và enzyme dạ dày nên sẽ có màu đỏ tươi.

Những lần nôn đầu thường không phải là do hội chứng Mallory Weiss gây ra mà có thể là nguyên nhân đã gây nên hội chứng.

Triệu chứng hay gặp tiếp theo là đi ngoài phân đen. Phân màu đen là do có lẫn một lượng máu nhỏ. Nếu máu chảy nhiều đi cùng với việc tăng cao nhu động ruột, máu sẽ xuống ống tiêu hoá và đại tràng nhanh hơn, khiến phân có màu đỏ tươi.

Ngoài ra, người bệnh mắc hội chứng Mallory Weiss cũng có thể gặp một số triệu chứng dưới đây:

  • Khó tiêu khi ăn uống.
  • Đau vùng xương ức.
  • Đau bụng, đau vùng thượng vị.
  • Sốc vì mất máu.
  • Tụt huyết áp.
  • Tăng nhịp tim.
  • Mất nước, da nhăn nheo.
  • Ngất.
  • Đau đầu, chóng mặt.

4, Chẩn đoán của hội chứng

Nhìn chung, vết rách Mallory Weiss không gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của người mắc. Hội chứng này có thể tự khỏi mà không cần phải điều trị. Triệu chứng chảy máu cũng sẽ giảm và ngưng hẳn trong vòng từ 24 tới 48 giờ. Tuy nhiên, theo các báo cáo, vẫn tồn tại một số trường hợp người bệnh bị xuất huyết nặng dẫn tới sốc vì mất máu và có nguy cơ tử vong. Do vậy, ngay từ ban đầu khi tiếp xúc với bệnh nhân, các bác sĩ cần có những xử trí chính xác giúp ổn định các triệu chứng và hướng điều trị phù hợp cho hội chứng Mallory Weiss.

Hỏi bệnh

  • Trước khi xác định hướng điều trị, các các sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh để chẩn đoán nguyên nhân cũng như mức độ của hội chứng.
  • Ngay khi người bệnh có triệu chứng xuất hiện những đợt nôn ra máu liên tiếp, nhất là đối với những bệnh nhân nôn nhiều sau khi uống rượu, có thể nghĩ đến hội chứng Mallory Weiss. Mặc dù vậy ta vẫn cần phải biết rằng có khoảng 30% số bệnh nhân bắt đầu triệu chứng tăng áp lực ổ bụng không đi kèm với nôn ói.
  • Phụ nữ có thai cũng hay mắc hội chứng này nhưng thường không có khả năng xuất huyết nặng do họ hay bị mất nước và có huyết áp khá thấp. Đặc biệt là những bệnh nhân có tiền sử rối loạn đông máu hoặc tăng áp lực tĩnh mạch cửa thường có nguy cơ xuất huyết nặng, có khả năng tử vong do sốc mất máu.

Chẩn đoán phân biệt

Những nguyên nhân dưới đây có thể gây ra những triệu chứng tương tự, dễ nhầm lẫn với hội chứng Mallory Weiss:

  • Viêm dạ dày – thực quản.
  • Thủng thực quản (còn gọi là hội chứng Boerhaave)
  • Loét dạ dày – tá tràng.
  • Giãn tĩnh mạch thực quản.
  • Dị dạng động tĩnh mạch.

Ngoài ra, còn tồn tại rất nhiều những nguyên nhân khác có thể dẫn đến những triệu chứng nôn và đi ngoài ra máu. Vì vậy, các bác sĩ cần tìm hiểu và xem xét một cách kĩ càng để đưa ra được chẩn đoán chính xác nhất.

Nội soi thực quản – dạ dày (EGD)

Để có thể chắc chắn rằng người bệnh đã mắc hội chứng Mallory Weiss, bác sĩ sẽ thực hiện nội soi lên dạ dày và thực quản. Nội soi đường tiêu hoá trên phải được thực hiện sau khi bệnh nhân đã được cấp cứu và đang trong tình trạng khá ổn định. Nhờ đó, bác sĩ không chỉ có thể xác định được nguyên nhân gây xuất huyết ống tiêu hoá ở người bệnh mà còn đánh giá được mức độ xuất huyết đường tiêu hoá. Qua việc nội soi, những chỗ rách tại niêm mạc vùng tiếp giáp giữa dạ dày và thực quản được cũng như những vùng lân cân được phát hiện. Nhờ nội soi đường tiêu hoá, ta thấy được các nguyên nhân khác gây nên xuất huyết đường tiêu hoá trên. Ở gần 40% bệnh nhân mắc hội chứng Mallory Weiss, nguyên nhân gây nên xuất huyết là do các bệnh viêm dạ dày, các bệnh loét đường tiêu hoá hay bệnh giãn tĩnh mạch thực quản hoặc các dị tật về động mạch và tĩnh mạch.

Ống nội soi tiêu hoá là một ống dài và mềm với máy quay phim và đèn ở một đầu ống. Để nội soi, các bác sĩ sẽ đưa ống vào cơ thể bệnh nhân qua đường miệng – thực quản hoặc đường trực tràng từ đó có thể quan sát toàn bộ hình ảnh đường tiêu hoá.

Vết rách Mallory Weiss là một vết rách ở niêm mạc có chiều dài khoảng từ 2 đến 3 cm và chiều rộng vài mm.

Triệu chứng của hội chứng Mallory Weiss
Triệu chứng của hội chứng Mallory Weiss

Các xét nghiệm cận lâm sàng

Ngoài ra, để xác định chính xác lượng hồng cầu đã bị thiếu hụt do mất máu ở bệnh nhân các bác sĩ còn phải làm xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC), đếm số lượng hồng cầu (RBC), xét nghiệm tỉ lệ thể tích hồng cầu trong thể tích máu toàn phần (HCT), định thời gian máu chảy, định thời gian máu đông..

Ngoài ra, các xét nghiệm cận lâm sàng cũng cần bao gồm các xét nghiệm đo các chức năng của thận như đo chỉ số ure máu (BUN) và creatinin trong máu từ đó tìm ra tiền sử suy thận ở bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chưa từng mắc các bệnh thận mãn tính trước đó, việc tìm ra suy thận rất có thể là do tăng ure huyết trước thận.

Việc chẩn đoán chứng thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim cũng rất cần thiết. Các bác sĩ có thể tìm ra những triệu chứng này bằng cách thực hiện điện tâm đồ tại giường (ECG) hoặc đo men tim.

5, Điều trị hội chứng Mallory Weiss

Người mắc hội chứng Mallory Weiss không lây nhiễm bệnh cho người khác và có thể tự khỏi bệnh trong một vài ngày, rất hiếm gặp trường hợp tái phát bệnh. Nếu bệnh nhân không có tiền sử tăng áp lực tĩnh mạch cửa hoặc giãn tĩnh mạch thực quản thì hầu hết sẽ ngừng xuất huyết trong 1 đến 2 ngày. Đối với người bình thường, máu đã tự cầm khi nội soi. Nếu nội soi xong mà máu vẫn chưa cầm, ta có thể áp dụng kẹp clip vùng chảy máu qua nội soi. Trong trường hợp thất bại, ta có thể điều trị bằng thuốc theo hướng nội mạch. Gần như không có trường hợp nào cần phải điều trị ngoại khoa cho hội chứng Mallory Weiss.

Bệnh nhân nhập viện với tình trạng xuất huyết nhiều cần bắt đầu được hồi sức ngay lập tức tại thời điểm nhập viện. Đầu tiên, các bác sĩ sẽ đánh giá mức độ xuất huyết bằng cách kiểm tra đường thở, nhịp thở và tuần hoàn của bệnh nhân theo phác đồ ABC cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Truyền tĩnh mạch cùng với việc bù dịch là những việc làm quan trọng và có thể cứu sống những bệnh nhân xuất huyết nặng. Bệnh nhân có dấu hiệu sốc hoặc xuất huyết quá nhiều hoặc nồng độ hemoglobin trong máu (RBC) dưới 8gm/dl sẽ được chỉ định truyền hồng cầu bổ sung. Đặc biệt trước khi rửa dạ dày ở những bệnh nhân nghi ngờ mắc đồng thời giãn tĩnh mạch thực quản, giảm áp lực qua đường mũi – dạ dày bằng ống thông mũi – dạ dày sẽ được thực hiện.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là loại bỏ được những nguy cơ sẽ làm bệnh thêm trầm trọng. Thuốc và chế độ ăn uống sẽ giúp bệnh nhân thực hiện điều này.

Thuốc

Không có thuốc đặc hiệu để điều trị cho vết rách Mallory Weiss nhưng ta có thể sử dụng những thuốc dưới đây để cải thiện những triệu chứng ở bệnh nhân.

  • Thuốc chống nôn để giảm thiểu triệu chứng buồn nôn và nôn: ví dụ như các thuốc kháng histamin H1 cyclizine, diphenhydramine, dimenhydrinate, meclizine…
  • Các loại thuốc ức chế tiết acid như thuốc chẹn Histamin H2 (phổ biến có thể kể đến như cimetidin, ranitidin, famotidin,…) hay các thuốc ức chế bơm proton (PPI) (ví dụ như omeprazol, lansoprazol, pantoprazol,…) giúp giảm acid trong dạ dày.

Có một số loại thuốc có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của mất máu như thuốc chống đông máu (heparin hoặc warfarin), thuốc chống kết tập tiểu cầu (aspirin). Bệnh nhân cần ngưng sử dụng những loại thuốc này ngay lập tực. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đang điều trị một loại bệnh mạn tính nào và bắt buộc phải sử dụng các loại thuốc đó thì cần phải có bác sĩ giám sát chặt chẽ.

Điều trị hội chứng Mallory Weiss
Điều trị hội chứng Mallory Weiss

Chế độ ăn uống

  • Bệnh nhân cần thực hiện nguyên tắc ăn chậm và nhai kỹ để ngăn ngừa bệnh tái phát cũng như cải thiện tình trạng bệnh.
  • Người mắc hội chứng Mallory Weiss cần ăn đầy đủ dinh dưỡng, tập trung bổ sung các thức ăn chứa nhiều sắt để cơ thể tổng hợp lại lượng máu đã mất.
  • Bệnh nhân không nên ăn những thực phẩm khó tiêu hoặc những đồ ăn chứa nhiều chất béo no.
  • Người bệnh nên uống nhiều nước lọc và đặc biệt là không nên uống rượu bia, những đồ uống có cồn hoặc sử dụng chất kích thích trong khi đang sử dụng thuốc điều trị hội chứng Mallory Weiss.
  • Bệnh nhân cần ăn thức ăn dễ tiêu hóa, chứa nhiều chất xơ.
  • Nếu người bệnh mắc hội chứng Mallory Weiss có theo viêm dạ dày thì nên bổ sung thêm chế độ ăn như của người bệnh viêm dạ dày là hạn chế cay, chua, nóng,…

Tuy nhiên, nội soi chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa thường yêu cầu người bệnh phải nhịn ăn. Người bệnh khi đã mất một lượng máu đáng kể cần phải nhịn ăn cho đến khi có sự hướng dẫn đến từ các bác sĩ. Truyền tĩnh mạch cùng với việc bù dịch là những việc làm quan trọng và có thể cứu sống những bệnh nhân xuất huyết nặng. Bệnh nhân có dấu hiệu sốc hoặc xuất huyết quá nhiều hoặc nồng độ hemoglobin trong máu (RBC) dưới 8gm/dl sẽ được chỉ định truyền hồng cầu bổ sung.

Xem thêm: Bệnh Still là gì? Phân loại, Nguyên nhân, Cách điều trị 

Phẫu thuật

Trong hội chứng Mallory Weiss, ngoại khoa thường ít được can thiệp vì vết thương có khả năng tự lành trong vòng 10 ngày, xuất huyết cũng tự hết trong 24 tới 48 giờ. Nếu các vết rách vẫn tiếp tục chảy máu kéo dài và không thể liền lại, các bác sĩ sẽ thực hiện một số phương pháp như sau: liệu pháp xơ hóa, phương pháp đốt điện hoặc YAG laser. Chỉ tiến hành may vết rách khi các phương pháp nội soi cũng như những liệu pháp cầm máu không đem lại những kết quả khả quan.

Hội chứng Mallory Weiss nói chung có thể tự lành hoàn toàn trong vòng 48 đến 72 giờ. Khoảng 90% các trường hợp mắc chỉ cần xử trí thận trọng khi bệnh nhân bị xuất huyết. Khả năng tái phát vết rách Mallory Weiss là rất hiếm và khó xảy ra. Hiện nay, tỷ lệ tử vong do hội chứng Mallory Weiss đã giảm rất nhiều nhờ những tiến bộ trong y tế về xử trí sốc mất máu và xuất huyết cấp tính.

Link tham khảo:

Mallory-Weiss Syndrome, PubMed, truy cập ngày 4/6/2023.

1 thoughts on “Hội chứng Mallory Weiss là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here