Đậu nành và bột yến mạch trong dược thẩm mỹ có tốt cho da không?

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Đậu nành và bột yến mạch trong dược thẩm mỹ có tốt không?

Nhà thuốc Ngọc Anh – Chương 13: Đậu lành và bột yến mạch trong dược thẩm mỹ

Tác giả: Jason Emer’ and Heidi A. Waldorf

Nguồn: Dược mỹ phẩm và ứng dụng trong thẩm mỹ

Bác sĩ: PATRICIA K.FARRIS

Giới thiệu

Với mong muốn bảo vệ, duy trì và cải thiện chất lượng và vẻ ngoài của da kết hợp với những lo ngại về ảnh hưởng lâu dài của các hóa chất tổng hợp đã làm dấy lên mối quan tâm đến các liệu pháp thoa “tự nhiên” để thay thế. Bột yến mạch và đầu nành là hai trong số các loại thực vật được sử dụng rộng rãi và hiệu quả nhất trong da liễu. Các thành phần tự nhiên này đã nhận được sự chú ý ngày càng cao với vô số các bài báo y khoa chứng minh đặc tính chống nắng, chống viêm, và tác dụng chống lão hóa của nó khi được sử dụng đường uống và bôi tại chỗ. Trong chương này, bột yến mạch và đậu nành sẽ được thảo luận về cơ chế hoạt động và ứng dụng lâm sàng với vai trò là một thành phần trong dược mỹ phẩm.

Keo yến mạch

Giới thiệu và lịch sử

Avena sativa hay yến mạch thông thường là một loại hạt ngũ cốc và là thành viên của họ cỏ Gramineae. Yến mạch thông thường chứa beta-glucan, được coi là một chất xơ hòa tan tốt cho tim. Các liệu pháp sử dụng tại chỗ lấy từ hạt yến mạch tách vỏ để nghiền thành bột rất mịn và đun sôi tạo chiết xuất dạng keo dễ phân tán trong nước. Bột yến mạch được sử dụng lâu đời trong dân gian từ những năm 2000 trước Công nguyên ở Ai Cập và bán đảo Ả Rập. Những mô tả ban đầu về bột yến mạch như làm dịu, chống ngứa và làm sạch trước đây đã được chứng minh bởi nghiên cứu khoa học cho thấy tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và kháng dị ứng. Bột yến mạch có mặt trên thị trường vào năm 1945 cho nhiều tình trạng da khác nhau đặc biệt là các tình trạng phát ban ngứa và bỏng.

Năm 1989, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận giá trị của keo yến mạch như một loại chất không kê đơn có tác dụng bảo vệ da an toàn và hiệu quả. Năm 2003, FDA đã xếp bột yến mạch là một chất an toàn và hiệu quả trong bảng thuốc bảo vệ da sử dụng không kê đơn (21 CFR Phần 347). Keo yến mạch là bột có được từ việc xay và chế biến yến mạch nguyên hạt và được mô tả như là một thành phần bảo vệ da, “cung cấp khả năng bảo vệ da tạm thời và giảm kích ứng da nhẹ do cây sôi độc, cây thường xuân độc, cây sơn độc và côn trùng cắn”. Một loạt các sản phẩm từ keo yến mạch bao gồm xà phòng, sữa tắm, gel cạo râu và kem dưỡng ẩm có sẵn và là một lựa chọn không phải dược phẩm phổ biến để điều trị da khô, da bị viêm hoặc nhạy cảm, vì chúng ổn định về mặt thẩm mỹ và không gây kích ứng. Sản phẩm chứa yến mạch có thể giúp giảm nhu cầu sử dụng thuốc thoa tại chỗ như corticosteroid hoặc chất ức chế calcineurin cho tình trạng da viêm hay dị ứng.

Cơ chế hoạt động Bột yến mạch phát huy tác dụng tích cực cho da do sự kết hợp của thuộc tính kháng viêm, chống oxy hóa, kháng dị ứng, bảo vệ hàng rào da, cũng như sửa chữa, làm sạch và chống nhiễm trùng (Bảng 13.1). Keo yến mạch hiện nay gồm các thành phần của yến mạch nguyên hạt như polysaccharid, protein, lipid, saponin, enzym, flavonoid, vitamin và một nhóm polyphenol được gọi là avenanthramides. Polysaccharid, chiếm thành phần lớn nhất (65-85%), và các enzym chống oxy hóa như saponin, vitamin, flavonoid và chất ức chế tổng hợp prostaglandin, có hoạt tính điều hòa miễn dịch. Các đặc tính kháng viêm là do ức chế axit arachidonic, men phospholipase A2 và con đường yếu tố hoại tử khối u (TNF)-a. Polysaccharides cũng tạo thành dạng keo sệt tan trong nước, để lại một lớp màng bảo vệ vật lý trên da làm chậm mất nước, giúp sửa chữa và duy trì hàng rào bảo vệ da.

Thành phần protein (10-18%) hoạt động như một chất nhũ hóa làm tăng cường chức năng hàng rào và độ ẩm da khi kết hợp với polysaccharid. Những đặc tính này làm cho keo yến mạch có tác dụng chống ngứa rất mạnh. Protein trong yến mạch cũng có khả năng đệm cho cả axit và bazơ để hỗ trợ và sửa chữa hàng rào bảo vệ da sau khi tiếp xúc với các hóa chất như a-hydroxyaxit, chất hoạt động bề mặt, chất tẩy trắng, hoặc các tác động môi trường khác. Lipid (3-9%) giúp giảm mất nước qua biểu bì (TEWL), thúc đẩy tăng cường phục hồi hàng rào bảo vệ da, cũng như hấp thụ và hòa tan các mảnh vụn trong nước, hấp thụ bụi bẩn, dầu và chất tiết bã nhờn đồng thời với saponin. Chất xơ (5%) và beta-glucans (5%) chịu trách nhiệm việc bảo vệ hàng rào da và chức năng giữ nước của keo yến mạch.

Bảng 13.1 Các thành phần và cơ chế của bột yến mạch.

Thành phần Cơ chế
Polysaccharides Duy trì và sửa chữa hàng rào; chống ngứa, dưỡng ẩm
Proteins Duy trì và sửa chữa hàng rào; chống ngứa, dưỡng ẩm
Lipids Duy trì và sửa chữa hàng rào; chống ngứa, dưỡng ẩm, làm sạch
Fiber Duy trì và sửa chữa hàng rào; chống ngứa, dưỡng ẩm
Beta-glucans Duy trì và sửa chữa hàng rào; chống ngứa, dưỡng ẩm
Saponins Chống oxy hóa; điều hòa miễn dịch, làm sạch
Vitamins Chống oxy hóa; điều hòa miễn dịch
Flavonoids Chống oxy hóa; điều hòa miễn dịch
Polyphenols (Avenanthramides) Chống oxy hóa, điều hòa miễn dịch, kháng viêm, kháng histamine; hấp thụ tia cực tím

Các thành phần trong yến mạch được cho là có tầm quan trọng trong điều trị nhất là các hợp chất phenol – chẳng hạn như avenanthraimide cũng như các vitamin A, B, E; tất cả đều được biết là có tác dụng chống oxy hóa và kháng viêm mạnh. Avenanthramides đã được chứng minh là có tác dụng kháng viêm mạnh thông qua việc ức chế thoái giáng kappa B (IKB), giảm phosphoryl hóa p65, hoạt động gen của yếu tố hạt nhân kappa B (NF-KB) và ức chế giải phóng cytokine tiền viêm. Tế bào sừng được điều trị bằng avenanthramides cho thấy có sự ức chế hoạt động NF-KB do TNF-a gây ra và kết quả là giảm interleukin-8 (IL-8). IL-8 là một cytokine tiển viêm tăng lên ở da bị viêm và là một yếu tố hóa học mạnh có thể gây ra sự di chuyển của bạch cầu trung tính. Avenathramides cũng đã cho thấy khả năng ức chế giải phóng histamine phụ thuộc vào liều lượng.

Thoa tại chỗ của công thức 3% avenathramide cho thấy giảm nhẹ tình trạng viêm theo kiểu phụ thuộc vào liều lượng trên chuột có tăng nhạy cảm với tiếp xúc (do oxazolone), viêm thần kinh (do resiniferatoxin) và giảm dị nguyên gây ngứa (hợp chất 48/80)- làm giảm gãi. Ở nồng độ cao, tác dụng chống viêm của avenanthramides có thể đạt đến tác dụng của thuốc bôi hydrocortisone 1%. Hơn nữa, hoạt tính chống oxy hóa, chống độc của chúng có thể so sánh với axit ascorbic và có thể có lợi ích về mặt sinh lý.

Rối loạn chức năng hàng rào bảo vệ da góp phần vào nhiều bệnh, chẳng hạn như như viêm da cơ địa và bệnh trứng cá đỏ, trầm trọng hơn theo tuổi tác và tổn thương do ánh sáng. Keo yến mạch đã được chứng minh là hoạt động như một chất làm mềm, cấp ẩm và khóa ẩm để giảm trực tiếp TEWL. Những lợi ích này là do tinh bột và các thành phần lipid. Sử dụng chiết xuất bột yến mạch (Avena rhealba) đối với da được điều trị bằng natri laurel sulfat làm giảm kích ứng so với tá dược, minh họa tác dụng chống viêm của yến mạch và cho thấy tiềm năng có lợi cho hàng rào bảo vệ da.

Chiết xuất bột yến mạch cũng có đặc tính kháng virus, có thể là do chất ức chế ảnh hưởng đến sự hình thành eicosanoid, sản phẩm chuyển hoá của cytosolic phospholipase A2 và axit arachidonic trong tế bào sừng của con người. Một nghiên cứu trên 6 trẻ em bị u mềm lấy được điều trị bằng kem chứa kẽm oxit có kèm chiết xuất bột yến mạch (Avena rhealba) 1 lần/ngày cho thấy những cải thiện đáng kể sau 4 tuần điều trị. Hơn nữa, chiết xuất hạt yến mạch khi áp dụng cho bánh mì lúa mạch đen được chứng minh là có mức độ hoạt động chống nấm cao, ngăn ngừa sự hình thành các khuẩn lạc Penicillium roqueforti và được đề nghị dùng trong bảo quản thực phẩm.

Hình 13.1 (a) Bệnh nhân mắc bệnh rosacea u hạt nặng không muốn bắt đầu điều trịbằng đường uống; (b) Những cải thiện về mặt lâm sàng được nhìn thấy sớm nhất là hai tuần khi sử dụng chế phẩm bột yến mạch dạng keo tại chỗ
Hình 13.1 (a) Bệnh nhân mắc bệnh rosacea u hạt nặng không muốn bắt đầu điều trịbằng đường uống; (b) Những cải thiện về mặt lâm sàng được nhìn thấy sớm nhất là hai tuần khi sử dụng chế phẩm bột yến mạch dạng keo tại chỗ

Các nghiên cứu ban đầu đã báo cáo lợi ích của keo yến mạch trong việc quản lý bệnh da ở bệnh nhi và bệnh nhân cao tuổi, những người nên được dùng những sản phẩm có tính an toàn cao. Keo yến mạch được coi là chất bổ trợ trong điều trị viêm da cơ địa và có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm việc sử dụng corticosteroid và chất ức chế calcineurin tại chỗ.

Với quần thể rộng hơn cũng có thể được hưởng lợi, khi một nghiên cứu lâm sàng gần đây kiểm tra lợi ích của chế độ chăm sóc da gồm kem dưỡng ẩm và sữa tắm có chứa avenanthramides đã cho thấy sự cải thiện trong tất cả các kết quả (mức độ nghiêm trọng của bệnh chàm, ngứa, ban đỏ và bong vảy). Matheson và các đồng nghiệp báo cáo rằng parafin lỏng với keo yến mạch 5% làm giảm đáng kể ngứa và nhu cầu sử dụng thuốc kháng histamine trong việc điều trị bệnh nhân bị bỏng, so sánh với việc dùng parafin đơn thuần. Trong một nghiên cứu khác ở người trưởng thành, lotion dưỡng da chứa keo yến mạch đã được chứng minh là có hiệu quả để kiểm soát sự phát triển của phát ban mụn trứng cá liên quan đến việc sử dụng chất đối kháng thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì (EGFR) và chất ức chế tyrosine-kinase (TKI) (cetuximab, erlotinib, panitumumab và sorafenib) để điều trị các khối u rắn. Keo yến mạch tại chỗ có thể giúp ích trong điều trị hội chứng tay chân, một tác dụng phụ thường gặp và gây giới hạn liều của liệu pháp TKI.

Các rối loạn như tăng sắc tố sau viêm (PIH) thường gặp nhiều hơn ở những bệnh nhân da màu và cần xem xét điều trị đặc biệt. Trong một nghiên cứu gần đây về việc sử dụng một loại kem dưỡng ẩm có chứa keo yến mạch để điều trị da khô, sạm ở những đối tượng da loại IV – VI Fitzpatrick cho thấy cải thiện độ ẩm và độ sáng của da trong một ngày áp dụng. Nghiên cứu này cho thấy rằng keo yến mạch có thể gián tiếp ngăn ngừa tăng sắc tố sau viêm bằng cách giảm viêm.

Nhìn chung, keo yến mạch có tác dụng chống viêm, chống kích ứng, chống oxy hóa và điều hòa miễn dịch. Những đặc tính này làm cho bột yến mạch là một lựa chọn hữu ích cho tình trạng ngứa và dị ứng, cũng như những người có hàng rào bảo vệ da bị tổn thương như bệnh chàm và trứng cá đỏ.

Đậu nành

Giới thiệu và lịch sử

Đậu nành (Glycine max L.), một thành viên của họ đậu Fabaceae và có nguồn gốc từ Đông Nam Á, mọc cao từ 1-5 feet với các chùm từ ba đến năm quả, mỗi quả chứa từ hai đến bốn hạt đậu. Nó đã được sử dụng trong y học dân tộc Trung Quốc hàng nghìn năm. Trồng đậu nành quy mô lớn bắt đầu ở Mỹ trong thế chiến thứ hai. Hiện tại, Mỹ sản xuất hầu hết 40% nguồn cung đậu nành của thế giới.

Đậu nành có các thành phần chính và phụ, mỗi thành phần có vai trò khác nhau rong chăm sóc da (Bảng 13.2). Phospholipid (45-60%), tinh chất béo (30 35%) và một số thành phần phụ bao gồm isoflavone, protease ức chế trypsin (STIs) và chất ức chế Bowman-Birk (BBIs) có khả năng giảm viêm và có thể làm giảm sắc tố da. Phytosterol giúp phục hồi chức năng hàng rào và bổ sung độ ẩm. Vitamin E là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ da khỏi môi trường các yếu tố gây stress như các gốc tự do. Ngoài ra, đậu nành đã được chứng minh trong phòng thí nghiệm có khả năng kích thích tổng hợp collagen và phục hồi elastin của da, được cho là do sự hiện diện của isoflavone (genistein và daidzein).

Sự kết hợp đa dạng của các thành phần trong đậu nành cho thấy rất nhiều tiềm năng điều trị bao gồm giảm sắc tố, tăng cường độ đàn hồi của da, chậm quá trình mọc lông, kiểm soát sản xuất dầu, dưỡng ẩm và cải thiện hàng rào bảo vệ da. Đậu nành cũng có thể cải thiện các dấu hiệu lão hoá da do ánh sáng và ngăn ngừa ung thư da thông qua estrogen và các chất chuyển hóa của nó bằng tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ.

Bảng 13.2 Các thành phần và cơ chế của đậu nành.

Thành phần Cơ chế
Phospholipids Kháng viêm, chống oxy hóa, dưỡng ẩm; duy trì và sửa chữa hàng rào
Essential fatty oils Káng viêm, chống oxy hóa, dưỡng ẩm; duy trì và sửa chữa hàng rào
Isoflavones Kháng viêm, chống oxy hóa; kích thích collagen; hấp thụ tia cực tím
Proteases  Phytosterols Giảm sắc tố, giảm lông

Duy trì và sửa chữa hàng rào, giảm sắc tố, hiệu ứng phytoestrgentic

Vitamins Kháng viêm, chống oxy hóa

Cơ chế hoạt động

Tác dụng chống oxy hóa

Sự hình thành gốc tự do được cho là một thành phần chính trong quá trình lão hoá da do ánh sáng. Các hợp chất có hoạt tính cao này có thể hoạt động như chất khơi mào và / hoặc chất xúc tiến, gây tổn thương DNA, kích hoạt các chất sinh ung thư và thay đổi hệ thống phòng thủ chống oxy hóa tế bào. Các chất chuyển hóa chính của đậu nành, isoflavone (genistein và diadzein), đã được xác định ở cả động vật và người là tác dụng như phytoestrogen – các hợp chất thực vật có hiệu quả như estrogen yếu với cơ chế hoạt động gấp bốn lần để chống lại quá trình oxy hóa.

Isoflavones ức chế các chủng oxy phản ứng gây ung thư, gây tổn thương DNA và biểu hiện tiền ung. Đặc biệt, genistein đã được chứng minh là ức chế quá trình khởi phát và thúc đẩy sinh ung thư da ở chuột và ban đỏ do tia cực tím B (UVB) gây ra ở người. Một nghiên cứu đã xác nhận tác dụng bảo vệ chống ánh nắng của genistein thoa trong phòng thí nghiệm đối với làn da tiếp xúc với UVB và PUVA. Các nghiên cứu này đã chứng minh rằng chiết xuất đậu nành không biến tính giảm sự hình thành tymine dimer do tia UV gây ra và có thể đóng vai trò như một tác nhân hóa học chống lại sự hình thành ung thư do ánh sáng.

Tác dụng phytoestrogen

Những thay đổi trong thời kỳ mãn kinh trên da bao gồm mất collagen và giảm độ dày lớp bì có thể đo lường được. Estrogen thoa có thể đảo ngược những thay đổi này vì nồng độ thụ thể estrogen có nhiều nhất ở lớp hạt của da. Isoflavone đậu nành đã được nghiên cứu về khả năng kích thích collagen và tăng mức glucosaminoglycans, đặc biệt là hyaluronic axit (HA) ở da lão hóa. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh rằng genistein có thể tăng biểu hiện của gen collagen COL1A2 trong nguyên bào sợi người và sản xuất collagen mới trong khi diadzein thì không. Isoflavones tinh khiết kích thích tổng hợp collagen ở mức độ thấp hơn so với đậu nành nguyên hạt, gợi ý rằng các hợp chất khác ngoài isoflavone có thể cần thiết cho tác dụng kích thích collagen. Trong 12 tuần, thử nghiệm lâm sàng mù đôi ngẫu nhiên, một phức hợp đậu nành đã cho thấy tác dụng kích thích tổng hợp collagen in vitro, sửa chữa elastin, cải thiện độ săn chắc và giảm sự lỏng lẻo của da mặt.

Tăng sắc tố

Phytosterol và các chất ức chế protease serine, STI và BBI, đã được chứng minh là can thiệp vào việc chuyển các melanosome tới tế bào sừng bằng cách ức chế thuận nghịch con đường thụ thể kích hoạt protease-2 (PAR-2). Các nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh điều hoà việc hoạt hóa PAR-2 bằng chất ức chế protease serine có trong chiết xuất đậu nành có thể làm giảm sự vận chuyển và phân phối melanosome để có tác dụng làm sáng da phụ thuộc vào liều. Do đó, đậu nành có thể là một biện pháp an toàn hơn về mặt lâm sàng, mặc dù nó có thể ít hiệu quả hơn để thay thế cho hydroquinone ở những bệnh nhân không thể dung nạp hợp chất này.

Giảm phát triển lông

Đậu nành đã được sử dụng trong các loại kem dưỡng da tại chỗ hứa hẹn làm giảm tần suất cạo râu. Các protein lớn trong đậu nành làm mịn, mềm da có lẽ bằng cách hoạt động như chất cấp ẩm và giảm TEWL. Hơn nữa, BBIs cũng ức chế ornithine decarboxylase, một loại enzyme liên quan đến sự phát triển của lông. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh sự giảm sự xuất hiện và kết cấu của lông mặt, lông chân và giảm kích ứng do cạo râu.

Chỉ định và lợi ích lâm sàng

Các nghiên cứu lâm sàng đã xác nhận hiệu quả của các sản phẩm đậu nành thoa đối với điều trị tăng sắc tố và lão hoá da do ánh sáng. Trong 12 tuần, nghiên cứu mù đôi có đối chứng với giả dược trên 68 bệnh nhân một loại dưỡng ẩm đậu nành hoạt tính chứa các STI, BB1, vitamin, axit béo cho thấy sự cải thiện vượt trội về tông màu da mặt, sắc tố, đốm nâu, các nếp nhăn cũng như kết cấu và vẻ ngoài tổng thể. Các nghiên cứu lâm sàng cũng đã chứng minh cải thiện rối loạn sắc tố bao gồm cả tăng sắc tố sau viêm với việc sử dụng dưỡng ẩm đậu nành hàng ngày và công thức chiết xuất đậu nành nguyên hạt phối hợp với axit salicylic và retinal.

Tác dụng của phytosterol trong đậu nành trong việc sửa chữa hàng rào bảo vệ da đã được đánh giá ở bệnh nhân đỏ da do methyl nicotinate (MN). MN gây ra đỏ da được theo dõi bằng phép đo quang phổ. Ba ngày sau khi tháo băng, các vị trí được xử lý bằng công thức có chứa phytosterol đậu nành cho thấy sự phục hồi đáng kể hàng rào bảo vệ da.

Tác dụng phụ

Mặc dù có một số lo ngại rằng tiêu thụ phytoestrogen qua ăn uống chẳng hạn như đậu nành có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tử cung, nhưng số liệu dịch tễ học không cho thấy đều này. Ngược lại, ăn đậu nành dường như có tác dụng bảo vệ chống lại ung thư vú và tuyến tiền liệt có thể là do đặc tính chống oxy hóa của nó. Ngoài ra, mặc dù các nghiên cứu đã chứng minh rằng đậu nành xâm nhập qua lớp sừng đến các lớp biểu bì và hạ bì, không có bằng chứng cho thấy rằng các sản phẩm đậu nành bôi tại chỗ gây ra bất kỳ tác dụng phụ toàn thân nào.

Kết luận

Các thành phần tự nhiên trong dược mỹ phẩm hiện nay cung cấp nhiều lựa chọn để điều trị cho các tình trạng da. Điều quan trọng là bác sĩ da liễu phải biết những thành phần chứa trong sản phẩm để đánh giá tốt nhất khả năng của nó để hỗ trợ trong liệu pháp y khoa, các tác hại tiềm ẩn hoặc tương tác với thuốc theo toa. Ví dụ, liệu dược mỹ phẩm có chứa đậu nành nguyên hạt, isoflavones genistein và daidzein, hoặc chất ức chế protease đậu nành ở dạng không biến tính, sẽ xác định khả năng làm giảm sắc tố và / hoặc tác dụng chống lão hóa của đậu nành. Hơn nữa, thành phần avenanthramide có vẻ là cần thiết cho tác động chống oxy hóa và chống viêm của keo yến mạch. Các nghiên cứu trong tương lại là cần thiết để xác định cả về sinh học lẫn hiệu quả lâm sàng của các thành phần tự nhiên trong dược mỹ phẩm để hướng dẫn tốt nhất các khuyến nghị điều trị thích hợp.

Xem thêm: Niacinamide: Một loại vitamin bôi tại chỗ với nhiều lợi ích cho da

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here