Dầu gội: Định nghĩa, phân loại, thành phần và một số nghiên cứu

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

ngoccanhblognt 66

Bài viết sau đây, nhà thuốc Ngọc Anh xin trình bày về dầu gội: Định nghĩa, phân loại, thành phần và một số nghiên cứu.

Định nghĩa

Dầu gội là các chế phẩm ở dạng lỏng nhớt được dùng để chăm sóc tóc và làm sạch tóc. Ngoài ra, một phần nhỏ dầu gội được bào chế dưới dạng bánh giống như xà phòng.

Ưu nhược điểm

Ưu điểm

Dầu gội có khả năng loại bỏ các chất bẩn trên tóc như mồ hôi, chất nhờn, TB chết, mỹ phẩm tồn dư, chất ô nhiễm từ môi trường…

Chúng có khả năng loại sạch gàu trên da đầu.

Dầu gội ngăn ngừa hoặc giảm hư tổn, làm tăng độ mượt óng và chắc khỏe cho tóc.

Nhược điểm

Một số thành phần của dầu gội có khả năng gây kích ứng da đầu như các chất thơm; chất bảo quản như triclosan, benzophenone, các paraben; các chất tẩy rửa (chất diện hoạt anion)…

Dầu gội có khả năng kích ứng niêm mạc mắt, đặc biệt là các chất diện hoạt anion như Natri lauryl sulfate…

Các chất diện hoạt mạnh có trong công thức dầu gội có khả năng thấm qua lớp sừng, gây tổn hại chúng, hòa tan các lipid thiết yếu của da đầu. Dầu gội còn làm sợi tóc khô, xơ và tích điện…

Cấu tạo của tóc

Tóc có cấu trúc dạng sợi và cấu tạo bởi 2 thành phần chính là 70% keratin và 30 % nước, chất béo, hydrat carbon, vitamin và các khoáng chất.

Tóc cấu tạo gồm 3 lớp:

Lớp biểu bì (kutin): bao gồm các lớp vảy keratin xếp chồng lên nhau kiểu mái ngói. Lớp này trong mờ và cho phép ánh sáng truyền qua. Lớp này có chức năng bảo vệ lớp vỏ bên trong, tạo độ sáng bóng cho tóc. Lớp biểu bì được bao phủ bởi một lớp dầu, chúng có khả năng chống thấm nước và giữ ẩm cho tóc. Lớp cutin bị tổn thương sẽ làm tóc hư tổn, giòn và dễ gãy.

Lớp vỏ (cortex): nằm bên trong lớp biểu bì, là lớp dày nhất trong 3 lớp. Lớp này bao gồm các tế bào kéo dài, dẹt chứa nhiều sợi keratin và cốt sulfur protein dạng vô định hình. Trong lớp vỏ có các khoảng trống, bên trong có chứa không khí đan xen giữa các tế bào. Màu sắc của tóc được quy định bởi hợp chất melanin hợp thành ở trong tóc. Lớp này quyết định độ chắc khỏe của tóc.

Lớp tủy (medulla): đây là lớp trong cùng của tóc, có vai trò như bộ xương, nâng đỡ cho lớp vỏ. Chúng có cấu trúc liên tục hoặc gián đoạn hoặc không có.

ngoccanhblognt 61
Cấu tạo của tóc

Chu kỳ phát triển của tóc kéo dài từ 2 đến 6 năm, trải qua 3 phase:

Phase 1: tóc mọc mới, phát triển, quá trình này kéo dài nhiều năm.

Phase 2: tóc ngừng phát triển. Giai đoạn này kéo dài 2-3 tuần. Giai đoạn này tóc tế bào tóc ngừng phát triển, nang tóc co lại, tách khỏi tế bào nhú, matrix bị đẩy dần lên bề mặt da và ngừng tạo melanin.

Phase 3: rụng tóc, tạo điều kiện cần thiết cho tóc mới mọc. Quá trình này kéo dài từ 2-3 tháng.

Phân loại

Dầu gội dùng cho tóc thường: được cấu tạo chủ yếu là chất diện hoạt ion hóa natri hoặc amoni lauryl sulfat và một phần nhỏ các chất giữ ẩm. Chế phẩm này có khả năng làm sạch rất tốt.

Dầu gội dùng cho tóc dầu: dầu gội này thường chứa các chất diện hoạt mạnh thuộc dẫn chất của lauryl sulfat. Sử dụng các chất diện hoạt mạnh để hòa tan các chất nhầy và lipid bám trên tóc và da đầu của người có tóc dầu. Trong thành phần của loại dầu gội này cũng không chứa hoặc chứa một tỉ lệ nhỏ các chất giữ ẩm, vì thường các chất giữ ẩm là các chất dầu và tóc dầu thì khả năng giữ ẩm của nó cũng khá tốt rồi.

Dầu gội dùng cho tóc khô: trong công thức sử dụng tỉ lệ lớn các chất giữ ẩm tốt, có khả năng lan rộng và bao phủ được toàn bộ bề mặt sợi tóc và cải thiện tình trạng thô, sơ của tóc. Ngoài ra, chất diện hoạt thuộc dẫn chất sulfosuccinate cũng được thêm vào công thức, chúng làm sạch nhẹ nhàng cho tóc và da đầu, ít kích ứng, đồng thời giảm tích điện cho tóc.

ngoccanhblognt 66
Đầu gội dùng cho tóc khô

Dầu gội dùng hàng ngày: trong thành phần có chứa các thành phần làm sạch nhẹ nhàng cho tóc, tránh gây khô hoặc đọng quá nhiều dầu trên tóc.

Dầu gội có tác dụng làm sạch sâu: trong thành phần có các chất diện hoạt mạnh như trong các dầu gội cho tóc dầu. Chúng thường được sử dụng để làm sạch sau các quá trình trang điểm cho tóc. Dầu gội này chỉ sử dụng 1 lần trong tuần.

Dầu gội cho trẻ em: trong thành phần thường sử dụng các chất diện hoạt lưỡng tính như các betaine. Chất diện hoạt này có khả năng tạo bọt và ổn định bọt tốt, khả năng kích ứng và độ độc thấp hơn các chất diện hoạt anion. Chúng thường được kết hợp với các chất diện hoạt không ion hóa thuốc nhóm polyethoxylated glycolipid tổng hợp và poly ethoxylated monoglyceride tổng hợp để không gây cay mắt và tăng khả năng làm sạch, giảm lượng sử dụng. Dầu gội này có khả năng làm sạch nhẹ và không gây kích ứng nên phù hợp hơn với trẻ em- đối tượng có da đầu và niêm mạc nhạy cảm. Trẻ em cũng rất hiếu động có thể nuốt bọt khi tắm hoặc gội đầu. Dầu gội cho trẻ em cần có pH khoảng 7, ít gây kích và cay mắt.

Dầu gội dùng cho tóc nhuộm: trong thành phần có chứa các chất diện hoạt cation. Các chất diện hoạt này có tính acid nên sẽ trung hòa các chất kiềm có trong thành phần thuốc nhuộm tóc. Chúng còn làm trương nở và hồi phục cho lớp cutin.

Dầu gội y tế: trong thành phần thường chứa các chất có khả năng tẩy sạch và bong tróc như kẽm pyrithione, ketoconazol, acid salicylic, selenium sulfite… Chúng có khả năng làm sạch gàu và giảm ngứa.

Dầu gội khô: trong thành phần có chứa các chất rắn như tinh bột, silica, magie stearate, kaolin, talc. Các thành phần này có khả năng hấp phụ dầu tốt, loại bỏ các lớp nhầy trên da đầu người dùng. Loại dầu gội này thường được dùng cho những người không có thời gian gội đầu.

Dầu gội trị gàu: trong thành phần có các chất có khả năng chống nấm như nhóm imidazol: ketoconazol, miconazol; kẽm pyrithione, Piroctone olamin (PTO) và selennium sulfit, dẫn chất salicylat …. Có chứa dịch chiết thảo dược có tác dụng trị gàu như dịch chiết các cây Nyctanthes arbortristis, Hibiscus rosa, Azadirachta indica, Cinnamomum camphora, curcuma Longa …

Dầu gội từ thiên nhiên: trong thành phần có chứa dịch chiết hoặc các loại dầu từ dược liệu như lô hội, nhân sâm, rau má… Vì có nguồn gốc tự nhiên, nên dầu gội này rất dịu với da, ít gây kích ứng.

Dầu gội bổ sung vitamin: phổ biến là các vitamin E, B, C…

Thành phần

Các chất diện hoạt: hay dùng chất diện hoạt anion, cation, lưỡng tính và không gây ion hóa.

Chất diện hoạt anion hóa: hay dùng các chất có nhóm sulfat như Natri lauryl sulfat, Natri laureth sulfat , Natri lauroyl sarcosinat, Natri dioctyl sulfosuccinat. Các chất diện hoạt này có khả năng làm sạch và tạo bọt rất tốt.

Chất diện hoạt cation hóa: chất diện hoạt này tương tác với các chất diện hoạt anion và khả năng làm sạch kém hơn. Nhóm này hay được sử dụng trong các dầu gội dùng cho tóc nhuộm màu.

ngoccanhblognt 65
Dầu gọi dành cho tóc nhuộm

Chất diện hoạt lưỡng tính: nhóm này tương hợp với các chất nhóm diện hoạt khác, không gây kích ứng mắt, có khả năng tạo bọt vừa phải, tạo thể chất đặc nhớt cho chế phẩm (chúng thường kết hợp với các chất diện hoạt anion, khi kết hợp chúng làm thay đổi cấu trúc micell của chất diện hoạt anion, làm các micell trở nên xẹp hơn và dễ dàng bám dính vào nhau). Các chất diện hoạt lưỡng tính hay được sử dụng như cocoamidopropyl betain, các alkylamido acid…

Chất diện hoạt không ion hóa: nhóm này có ưu điểm là an toàn, ít gây kích ứng so với các nhóm ở trên. Chúng thường kết hợp với các chất diện hoạt ion hóa và các chất đồng diện hoạt. Đồng thời chúng cũng sử dụng để hòa tan các dầu thơm. Các chất diện hay được được sử dụng nhất là cocoamidopropylamin oxid và polyglucosid như lauryl glucosid.

Các chất làm trơn tóc như glycol disterat, silicon. Chúng tạo một màng xơ nước trên tóc, tạo cảm giác trơn bóng.

Các chất ổn định bọt: thường sử dụng các chất lưỡng tính dẫn xuất của DEA: Lauramid DAE, Cocamide DEA, Linoleamide DEA và Oleamid DEA…

Các chất làm đặc: thường sử dụng các muối hoặc các polyme. Các polyme trương nở và làm tăng độ nhớt đặc cho chế phẩm; còn các muối thêm vào hệ sẽ làm thay đổi điện tích bề mặt của các micell, giảm tích điện của bề mặt này và các micell dễ dàng bám vào nhau và tăng độ nhớt. Các chất làm đặc hay được sử dụng như Natri Clorid, Ammoni chlorid, gôm, dẫn chất cellulose, PVA, acrylat đồng polyme, các dẫn xuất của cellulose cũng hay được sử dụng như HMC, HEC, HPMC

Các chất bảo quản: hay sử dụng các dẫn xuất của muối amoni bậc 4 như quaterium 15, Methylisothiazolinon(MIT– 0,001%), paraben,benzalkoniumchlorid…

Dung môi, các chất thơm: có thể sử dụng các dung môi đồng tan với nước để tăng độ tan của một số thành phần khó tan như PG, Glycerin; các chất thơm thường là tinh dầu.

Các chất điều chỉnh pH: các chất này giúp pH của chế phẩm gần với pH của da đầu, do đó giảm kích ứng thông thường pH của các sản phẩm dầu gội thường được chỉnh về pH 5.5. Chất hay được sử dụng nhất là acid citric, ngoài điều chỉnh pH, nó còn ức chất sự phát triển của vi sinh vật, giữ ẩm làm tóc trơn bóng (do có 3 nhóm -COOH liên tiếp nhau).

Các chất giữ ẩm làm mềm và óng ả cho tóc: khả năng giữ ẩm của các chất này, giúp cho sợi tóc không bị khô, các lớp vảy trên lớp cutin sẽ xếp liền vào nhau, làm tóc óng ả hơn.

Các chất tạo phức chelat: hay sử dụng là acid citric. Các chất này có tác dụng làm mềm nước cứng, tạo phức với các ion kim loại trong nước sinh hoạt, và ngăn cản chúng tạo tủa với các chất diện hoạt có trên tóc (như natri lauryl sulfat), tránh cảm giác xơ rối, khó chịu cho người dùng khi có các vết đóng cặn trên tóc.

Các thành phần có hoạt tính: như các dịch chiết dược liệu như cỏ tranh, bồ kết, hương nhu, cỏ mần trầu… hoặc các vitamin (hay dùng nhất là vitamin B5).

Nước: tạo môi trường hòa tan, trương nở hay phân tán cho các thành phần khác.

Các tiêu chuẩn của dầu gội

  • Dịu với tóc và da đầu, không gây khô và tổn hại.
  • Có màu và mùi dễ chịu, tự nhiên.
  • Hiệu quả kéo dài.
  • Dễ thấm trên tóc và cần dễ rửa trôi.
  • Cải thiện độ bóng, mượt cho tóc, dễ chải.
  • An toàn, không gây kích ứng mắt và dị ứng.
  • Dầu gội làm sạch chất nhờn, bẩn trên tóc và gàu, lưu giữ các thành phần có tác dụng trên tóc và da đầu.
  • Có hiệu quả làm sạch gàu.
  • Tạo bọt nhanh, ổn định.
  • Có pH phù hợp (thường acid yếu) phù hợp với acid của da đầu.
  • Ổn định lâu dài về mặt vật lý, hóa học và sinh học.
  • Dầu gội cần an toàn với da và niêm mạc người sử dụng.
  • Có các tính chất lưu biến thích hợp.
  • Ngăn ngừa hoặc giảm hư tổn cho tóc.
  • Một vài nghiên cứu về dầu gội.

Một số nghiên cứu về dầu gội

ngoccanhblognt 63
Dầu gội đầu

Tên nghiên cứu: pH của dầu gội ảnh hưởng đến tóc như thế nào.

Các tác giả: Maria Fernanda Reis Gavazzoni Dias 1, Andréia Munck de Almeida 1, Patricia Makino Rezende Cecato 1, Andre Ricardo Adriano 1, Janine Pichler

Mục đích nghiên cứu: các bác sĩ da liễu thông thường chỉ định dầu gội cho các trường hợp rụng tóc và rối loạn da đầu. việc chỉ định các sản phẩm chăm sóc tóc được quan tâm về khả năng cải thiện mật độ chắc khỏe cho tóc, trong khi đó các sản phẩm không kê đơn được quan tâm về khả năng ngăn phá hủy tóc. Một lượng nhỏ kiến thức được giảng dạy trong các trường y về các mỹ phẩm chăm sóc tóc. Đồng thời các chế phẩm kê đơn thông thường được sử dụng để điều trị rụng tóc và thường không quan tâm đến sức khỏe của sợi tóc.

Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu: bài báo này chúng tôi thực hiện việc hồi cứu lại các nghiên cứu vừa rồi về mô hình ảnh hưởng của các dầu gội có pH thay đổi liên quan đến sức khỏe của thân tóc và phân tích pH của 123 nhãn hàng dầu gội quốc tế.

Kết quả: tất cả các dầu gội đầu với giá trị pH giao động từ 3.5- 9.0. Có 38.21% trong 123 chế phẩm có giá pH nhỏ hơn 5.5 và 61.78% có giá trị pH lớn hơn 5.5. 26 dầu gội trị gàu được phân tích. Khoảng 19.23 % có giá trị pH nhỏ hơn 5.5 và 80.77 % có giá trị pH lớn hơn 5.5. Nhóm dầu gội da liễu (n=19) với 42.1 % có pH nhỏ hơn 5.5 và 57.9% pH lớn hơn 5.5. Giữa các sản phẩm thương mại (96), 34.37% có pH nhỏ hơn 5.5 và 65.63% có pH lớn hơn 5.5. 15 sản phẩm chuyên dụng được sử dụng trong các cửa hàng chăm sóc tóc được phân tích.  75% các sản phẩm có pH nhỏ hơn 5,5 và 25 % có pH lớn hơn 5.5. 100 % các sản phẩm dầu gội cho trẻ em có pH lớn hơn 5.5.

Kết luận: giá trị pH kiềm có thể tăng tích điện dương trên bề mặt sợi tóc, do đó làm tăng ma sát giữa các sợi tóc. Điều này có thể dẫn đến gãy tóc và tổn thương lớp biểu bì. Với giá trị pH thấp hơn của dầu gội có thể là nguyên nhân làm tóc ít xoăn hơn do việc tại ít điện tích âm hơn trên bề mặt sợi tóc. Chỉ 38% các hãng dầu gội nổi tiếng có giá trị pH dưới 5.0. Dầu gội cho trẻ em có giá trị pH khoảng 7.0 do khả năng làm kích ứng niêm mạc mắt nếu pH quá thấp hoặc quá cao. Không có một giá trị tiêu chuẩn nào cho giá trị pH cuối cùng. Các tác giả tin rằng nó quan trọng thể hiện giá trị pH trên nhãn của các sản phẩm dầu gội. Nhưng trong các nghiên cứu được cần thiết để thiết lập khoảng giá trị pH tốt nhất cho cả trong các trường hợp rụng tóc hay chăm sóc sức khỏe cho tóc.

Một số công thức dầu gội

Dầu gội của cho trẻ em của hãng johnson

Thành phần:

  • Decyl Glucoside
  • Cocoglycerides
  • Natri coco-Sulfate
  • Coco-glucoside
  • Glyceryl oleat
  • Polyglyceryl-10 laurat
  • Glycerin
  • Gôm xanthan
  • Natri benzoat
  • Cetyl hydroxy ethyl cellulose
  • Chất thơm
  • Acid citric
  • Natri hydroxid
  • Nước
ngoccanhblognt 64
Dầu gội cho trẻ em hãng Johnson

Phân tích thành phần:

Trong công thức có sử dụng các thành phần tự nhiên từ dầu dừa như Cocoglycerid, Natri coco-Sulfat, Coco-glucosid. Các thành phần này nguồn gốc tự nhiên nên an toàn và ít gây kích ứng cho trẻ. Cocoglycerid là chất béo nên có khả năng làm mềm, giữ ẩm cho tóc. Natri coco-Sulfat, Coco-glucosid là 2 chất hoạt động bề mặt có nguồn gốc tự nhiên để hình thành nhũ tương.

Glyceryl oleat: trong pha dầu, nó có tác dụng nhũ hóa tạo nhũ tương và giữ ẩm làm mềm cho tóc. Chất này là một thành phần của da, do đó dịu với da và ít kích ứng

Glycerin: có tác dụng giữ ẩm, làm tóc mềm mượt óng ả, ngoài ra nó còn làm tăng độ tan của Natri benzoate, và giảm nguy cơ mất nước của gel.

Gôm xanthan và Cetyl hydroxy ethyl cellulose có khả năng tạo gel, làm đặc và điều chỉnh thể chất cho chế phẩm.

Natri benzoat: là chất bảo quản. Trong công thức có tá dược tạo gel là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật như nấm và vi khuẩn phát triển. Do đó cần chất bảo quản để hạn chế sự phát triển vi sinh vật và giúp chế phẩm đạt yêu cầu về giới hạn nhiễm khuẩn.

Decyl Glucosid: là chất hoạt động bề mặt không ion hóa, có tác dụng giảm sức căng bề mặt của 2 pha nước và dầu để hình thành nhũ tương. Chất này không ion hóa nên cũng ít kích ứng cho da hay niêm mạc trẻ.

Chất thơm: tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm và tạo thoải mái cho người sử dụng.

Acid citric: có khả năng sát khuẩn, điều chỉnh pH và giữ ẩm. Ngoài ra, nó còn hạn chế tạo kết tủa của các ion trong nước cứng với chất diện hoạt trong thành phần.

Natri hydroxyd điều chỉnh pH cho chế phẩm, kết hợp với acid citric để tạo hệ đệm, ổn định pH. Điều chỉnh pH gần với pH sinh lý của da đầu trẻ do đó hạn chế kích ứng.

Polyglyceryl-10 laurat: là chất diện hoạt ainon có khả năng tạo bọt và làm sạch tốt, bán tổng hợp từ tự nhiên nên ít kích ứng.

Dầu gội đa chức năng

Nước tinh khiết

  • Hydroxy ethyl cellulose
  • Natri lauryl ether Sulfat
  • Cocoamido propyl betain
  • Lauramid DEA
  • Peptein 2000 (collagen hydrolysates)
  • Propylene Glycol
  • Diazolidinyl Urea
  • Methylparaben và Propylparaben
  • Chất thơm
  • Chất màu

Dầu gội trứng

  • ngoccanhblognt 67
    Dầu gội trứng

    Dung dịch natri laurylsulfat 30%

  • Coconut diethanolamin
  • Glycerol stearat
  • Chất bảo quản:
  • Nipagin
  • Formaldehyd
  • Natri benzoat
  • Acid phosphoric vđ để có pH 7,5-8,0
  • Natri clorid
  • Màu vàng
  • Lòng đỏ trứng (hoặc bột trứng)
  • Chất thơm, nước tinh khiết vđ

 

Tài liệu tham khảo

  1. Slide bài giảng học phần “mỹ phẩm”-  PGS.TS Vũ Thị Thu Giang
  2. Link: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25210332/
  3. Tài liệu thực tập mỹ phẩm- trường đại học Dược Hà Nội

Xem thêm: Dầu xả: Các loại dầu xả? Các thành phần và kỹ thuật bào chế

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here