Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cảm hoặc cúm đúng cách ngay tại nhà

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cảm hoặc cúm đúng cách ngay tại nhà

Nhathuocngocanh.com – Cảm lạnh hay cảm cúm do vi-rút xâm nhập vào mũi, họng hoặc xoang và gây viêm màng nhầy ở người lớn và trẻ em dẫn đến bệnh. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn nên dễ bị nhiễm cúm hơn. Không giống như các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn có thể được kiểm soát bằng thuốc kháng sinh, cảm cúm hiện chưa có thuốc đặc hiệu trị. Do không có cách chữa trị vi-rút cúm rất dễ lây lan nên ba mẹ cần lưu ý. Chính vì vậy trong bài viết này, Nhà Thuốc Ngọc Anh sẽ giúp bố mẹ biết cách chăm sóc trẻ bị cảm hoặc cúm.

Các triệu chứng của bệnh cúm và bệnh cảm lạnh là gì?

Bố mẹ có thể nhầm lẫn bệnh cúm với bệnh cảm lạnh do thời tiết thay đổi với nhau, do hai bệnh này thường có triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên bố mẹ cần lưu ý với bệnh cúm thì triệu chứng của bệnh thường ở mức độ nghiêm trọng hơn so với cảm lạnh. Vậy các triệu chứng của bệnh cúm và các triệu chứng của bệnh cảm lạnh ở trẻ em là gì?

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị cúm

Bệnh cúm ở trẻ em là một bệnh đường hô hấp gây ra bởi virus cúm A, B hoặc C (nhưng hiếm gặp hơn). Bệnh này thường hay xảy ra vào hàng năm và thường gặp vào mùa đông xuân. So với người lớn thì trẻ em là đối tượng dễ bị cúm hơn và nếu như nhiễm bệnh thì thời gian bệnh cũng dài hơn. Sau khi bị lây nhiễm 1-2 ngày thì trẻ nhỏ có thể xuất hiện các biểu hiện sau đây, bố mẹ có thể theo dõi để nhận biết xem con mình có bị cúm hay không:

  • Biểu hiện của trẻ bị cúm thường xuất hiện các triệu chứng đột ngột và có thể bao gồm đau họng, ho và sốt, đau họng, đau cơ, đau khớp và mệt mỏi, mất ngủ, chúng sẽ thường quấy khóc.
  • Trẻ có thể bị nghẹt mũi, sổ mũi. Mẹ quan sát dịch mũi của trẻ có thể không có màu hoặc có thể dịch mũi có màu xanh hoặc màu vàng.
  • Trẻ nhỏ có thể không phải lúc nào cũng bị sốt nhưng nếu sốt thì sẽ bị sốt trên 38 độ C và có thể cảm thấy đau bụng, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Làm thế nào để nhận biết trẻ bị cúm A hay cúm B
Làm thế nào để nhận biết trẻ bị cúm A hay cúm B

Trong các nhóm virus gây bệnh thì hai loại virus A, B được báo cáo là loại gây dịch cúm hàng năm. Loại cúm A là loại thường phổ biến hơn và đây là loại cúm có diễn biến rất phức tạp. Nếu như không được điều trị đúng cách kịp thời thì sẽ dẫn đến nhiều biến chứng cho trẻ nhỏ. Các triệu chứng cúm B ở trẻ cũng tương tự như cúm A. Còn loại cúm C thì ít gây nghiêm trọng hơn. Vậy cúm A và cúm B khác nhau như thế nào?

 

Điểm khác nhau Cúm A Cúm B
Nguồn gốc Có thể thấy ở người, động vật Có thể thấy ở người.
Phân loại Cúm A được chia thành 18 kiểu, sự phân loại này là dựa vào sự phối hợp ở trên bề mặt virus hemagglutinin(H) và neuraminidase (N). Thường thấy phổ biến là cúm A H1N1 và cúm A H3N2. Vi-rút cúm B được phân loại thành hai dòng: B/Yamagata và B/Victoria
Tỷ lệ mắc bệnh Khoảng 75% của tất cả các trường hợp cúm. Khoảng 25% của tất cả các trường hợp cúm.
Phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn ở trẻ em
Triệu chứng Đều là các triệu chứng của bệnh cúm như:

  • Sổ mũi
  • Đau họng
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Ho
  • Nhức đầu
  • Mệt mỏi
  • Khó chịu ở ngực
Đều là các triệu chứng của bệnh cúm như:

  • Sổ mũi
  • Đau họng
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nhức mỏi cơ thể
  • Ho
  • Nhức đầu
  • Mệt mỏi
  • Khó chịu ở ngực

Dấu hiệu nhận biết cảm lạnh ở trẻ em

Cảm lạnh ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus gây nên, các nghiên cứu cho thấy có hơn 200 loại vi rút có thể gây bệnh cảm lạnh nhưng người ta thấy rằng loại virus rhinovirus là thủ phạm chính gây bệnh này. Đây là loại bệnh được đánh giá là phổ biến thường gặp ở trẻ em.

Sau khi trẻ nhỏ tiếp xúc với virus gây cảm lạnh thì các triệu chứng sẽ bắt đầu biểu hiện trong vòng 1-3 ngày. Nhìn chung trẻ bị cảm lạnh sẽ thường được bắt đầu bằng dấu hiệu đau họng, sổ mũi và trẻ bị ho. Tình trạng đau họng xảy ra là do chất nhầy tích tụ. Tình trạng này có thể giảm đi, tiếp đến nước mũi sẽ được hình thành và chảy từ mũi xuống họng. Khi cảm lạnh chuyển sang mức độ nặng hơn thì trẻ sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng như: chảy nước mắt, mũi, bị hắt xì hơi, đau họng, ho, trẻ bị mệt mỏi quấy khóc, đôi khi cũng có thể thấy trẻ bị sốt.

Các triệu chứng của cảm lạnh sẽ thường kéo dài trong khoảng thời gian 1 tuần và có thể sẽ khác nhau đối với từng đứa trẻ. Cụ thể:

  • Với trẻ sơ sinh mà bị cảm lạnh thì chúng có thể thường có các triệu chứng như: bị sốt, nghẹt mũi, khó ngủ, đôi khi có thể xảy ra nôn mửa và tiêu chảy.
  • Với trẻ lớn hơn bị cảm lạnh thì có thể có các dấu hiệu sau: đau họng, cổ họng sẽ ngứa ngáy, khó chịu, bị sổ mũi, hắt xì, nghẹt mũi (nước mũi đặc lại và chuyển sang màu vàng hoặc xanh), chảy nước mắt, nhức đầu, đau cơ, đau nhức người, sốt nhẹ.
Khi trẻ bị cảm hoặc cúm sẽ có các biểu hiện gì?
Khi trẻ bị cảm hoặc cúm sẽ có các biểu hiện gì?

Phân biệt bệnh cúm ở trẻ với bệnh cảm

Cảm cúm và cảm lạnh thông thường do các loại vi-rút riêng biệt gây ra và có những tác động khác nhau đến sức khoẻ ở trẻ. Một điểm khác biệt lớn là cảm lạnh có xu hướng kéo dài trong nhiều ngày, trong khi cúm có thể kéo dài hàng tuần. Các triệu chứng mà cúm gây ra sẽ nghiêm trọng và dẫn đến biến chứng nguy hiểm hơn so với bệnh cảm lạnh. So với vi-rút cảm lạnh, vi-rút cúm tấn công nhanh hơn và khiến người bị bệnh cảm thấy mệt mỏi hơn. Trẻ em bị cảm lạnh vẫn có thể vui chơi và sinh hoạt các thói quen hàng ngày. Tuy nhiên, trẻ bị cúm thường nằm trên giường do sốt, ho và đau nhức cơ thể. Bố mẹ hãy phân biệt đúng để biết cách chăm sóc trẻ bị cảm hoặc cúm cho đúng cách.

Bảng dưới đây sẽ giúp bố mẹ phân biệt các triệu chứng của cúm và cảm lạnh:

Triệu chứng cảm lạnh ở trẻ Triệu chứng bệnh cúm ở trẻ
Sốt thấp hoặc có trường hợp trẻ không bị sốt Sốt cao
Có thể bị đau đầu Hầu hết các trường hợp đều bị nhức đầu
Nghẹt mũi, sổ mũi Không bị nghẹt mũi, sổ mũi. Nếu có thì cũng ít xảy ra.
Hắt xì Một vài trường hợp gặp hắt xì
Ho nhẹ, ho khan Ho và thường trở nặng
Đau nhức cơ thể ở mức độ nhẹ Đau nhức, mệt mỏi có thể kéo dài hàng tuần
Đau họng Có thể xảy ra đau họng nhưng một vài trường hợp.

==>> Xem thêm bài viết: Nhiễm cúm: Nguyên nhân, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị theo BMJ

Cách chăm sóc khi trẻ bị cảm lạnh

Hầu hết các bệnh cảm lạnh thông thường ở trẻ mẹ có thể nhận biết thông qua các triệu chứng biểu hiện trên con. Nhiều bố mẹ vẫn còn lúng túng không biết khi trẻ bị cảm lạnh cần làm gì? Bố mẹ có thể tham khảo một số cách dưới đây để chăm sóc trẻ bị cảm lạnh tại nhà như sau:

Cách điều trị cảm lạnh thông thường ở trẻ như thế nào?

Hầu hết trẻ em bị nhiễm cảm lạnh sẽ tự khỏi bệnh. Do thuốc kháng sinh không có tác dụng chống lại nhiễm virus nên trường hợp này không thể sử dụng thuốc kháng sinh. Vậy bé bị cảm lạnh sổ mũi phải làm sao? Cách chăm sóc trẻ bị cảm lạnh tốt nhất là điều trị tập trung vào việc giúp giảm bớt các triệu chứng xuất hiện ở trẻ cho đến khi hết bệnh. Một vài cách sau mẹ có thể bỏ túi để giúp con nhanh hết bệnh:

Khi trẻ bị cảm lạnh có nên uống thuốc không?
Khi trẻ bị cảm lạnh có nên uống thuốc không?
  • Hãy cho con của bạn uống thật nhiều nước. Ngoài ra có thể cho con uống thêm dung dịch điện giải, nước táo hay nước cam. Việc bổ sung nước đầy đủ cho trẻ sẽ giúp ngăn ngừa mất mất nước.
  • Hãy cho trẻ nghỉ ngơi nhiều nếu như trẻ bị mệt.
  • Nếu như trẻ bị nghẹt mũi thì có thể giảm nghẹt mũi bằng cách dùng nước muối xịt mũi. Nước muối sinh lý bạn có thể dễ dàng mua ngoài tiệm thuốc tây và chúng an toàn cho trẻ em. Hoặc bố mẹ có thể hút mũi để cho trẻ cảm thấy dễ thở hơn.
  • Trẻ bị cảm lạnh uống thuốc gì? Dùng thuốc dành cho trẻ em để điều trị các triệu chứng xảy ra. Với cho trẻ dưới 4 tuổi thì lưu ý không cho uống thuốc ho và cảm lạnh. Đối với trẻ em từ 4 đến 6 tuổi có thể sử dụng những loại thuốc không kê đơn. Không cho trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở xuống dùng ibuprofen. Nên nhớ rằng không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc kê đơn nào mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Nếu như con bạn bị ho thì nên cho trẻ sử dụng các loại siro có thành phần từ thảo dược an toàn lành tính hoặc sử dụng các mẹo dân gian mà từ xưa ông bà ta đã làm như: cho trẻ dùng chanh đào ngâm mật ong, hoa hồng bạch hấp cách thủy, hoặc bố mẹ thực hiện massage gan bàn chân của con mình bằng dầu nóng… Các mẹ cần lưu ý không dùng mật ong cho trẻ sơ sinh.
  • Nếu trong gia đình có ai sử dụng thuốc lá thì cần chú ý giữ trẻ tránh xa khói thuốc lá. Khói thuốc sẽ làm tình trạng kích ứng ở mũi và họng nặng hơn.
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương trong phòng của con bạn vào ban đêm để giúp mũi trẻ không bị khô và dễ thở hơn.

Khi nào cần đưa con đi bác sĩ?

Thông thường con bị cảm lạnh thì bố mẹ có thể tự điều trị tại nhà nhưng bố mẹ cần lưu một số trường hợp phải đưa con mình đi khám ngay. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị cảm lạnh mà có các biểu hiện như hắt xì hơi, chảy nước mũi,.. thì bố mẹ nên đưa con đến bác sĩ sớm để được tư vấn phương án điều trị cho phù hợp nhằm tránh bệnh tiến triển sang nặng hơn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Đối với những trẻ trên 3 tháng tuổi bị cảm lạnh thì bố mẹ có thể đưa bé đi khám hoặc không. Nhưng với các trường hợp thấy con mình có các triệu chứng sau đây thì nên đến gặp bác sĩ:

  • Trẻ bị sốt cao > 38,5 độ C, quan sát trên người con thấy phát ban.
  • Môi trẻ nhợt da, da thì xanh xao.
  • Trẻ đi tiểu ít hơn bình thường điều này có thể là dấu hiệu con của bạn đang bị mất nước.
  • Thấy con bạn thở gấp, thở khó khăn, thở rút thấy lõm ngực.
  • Con bạn thường xuyên bị nôn, ọc sữa khi bú.
  • Có xảy ra tiêu chảy.
  • Tình trạng ho dai dẳng, kéo dài. Thấy đờm có lẫn máu hoặc có màu xanh.
  • Quan sát mắt thấy mắt trẻ bị đỏ hoặc mắt trẻ tiết dịch màu xanh, màu vàng.
  • Con bạn thường xuyên quấy khóc, khó chịu không rõ nguyên nhân do đâu.
  • Sau khi điều trị cho con thấy tình trạng cảm lạnh ở con đã thuyên giảm nhưng sau đó lại tái trở lại ở mức độ nặng hơn.

Phòng ngừa cảm lạnh ở trẻ em?

Các bậc phụ huynh có thể tham khảo một số lưu ý sau để có thể giúp ngăn ngừa cảm lạnh xảy ra ở trẻ nhỏ:

  • Giữ con tránh xa những người bị cảm lạnh.
  • Dạy con rửa tay thường xuyên. Yêu cầu con rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, chơi với động vật hoặc sau khi ho hoặc hắt hơi.
  • Hãy luôn mang theo gel rửa tay chứa cồn để phòng khi không có nước và xà phòng thì có thể dùng gel để rửa tay cho con. Lưu ý gel phải có ít nhất 60% cồn.
  • Luôn nhắc trẻ không đưa tay lên mắt, mũi, miệng.
  • Đảm bảo đồ chơi và khu vực chơi được làm sạch đúng cách, đặc biệt nếu có nhiều trẻ chơi cùng nhau.

==>> Xem thêm bài viết: Thận trọng khi sử dụng thuốc điều trị ho và cảm lạnh cho trẻ em

Cách chăm sóc khi trẻ bị cúm

Nếu như biết cách chăm sóc thì bố mẹ có thể dễ dàng giúp trẻ hết bị cúm ngay tại nhà mà không cần đưa con mình tới viện. Sau đây là số cách chăm sóc trẻ bị cảm cúm mà chúng tôi tổng hợp lại, bố mẹ có thể áp dụng để điều trị cho con khi cần:

Khi trẻ bị cảm cúm thì bố mẹ cần làm gì?
Khi trẻ bị cảm cúm thì bố mẹ cần làm gì?

Cách điều trị cúm ở trẻ

Giảm triệu chứng sốt

Sốt là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang chống lại nhiễm trùng hoặc bệnh tật khác. Trẻ bị sốt nếu nhiệt độ cơ thể từ 38°C trở lên. Sờ trán hoặc cổ không phải là cách đáng tin cậy để kiểm tra xem có bị sốt hay không. Cách tốt nhất hãy dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ của trẻ nhỏ xem con mình có bị sốt không. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cách an toàn nhất để đo nhiệt độ là ở giữa nách. Đo nhiệt độ bằng miệng là không an toàn vì trẻ nhỏ có thể cắn và làm vỡ nhiệt kế. Ngoài ra, việc đọc có thể sai vì khó có thể giữ nhiệt kế dưới lưỡi của trẻ. Đo nhiệt độ ở trực tràng cũng được nhưng điều này có thể gây nguy hiểm và khó chịu cho trẻ.

Nếu như con bị sốt thì bố mẹ có thể tham khảo một số cách sau để giúp con hạ sốt:

  • Khi trẻ bị sốt thì cho trẻ mặc quần áo nhẹ. Nhưng lưu ý đừng cởi quần áo của con bạn vì có thể khiến trẻ bị lạnh và bắt đầu rét run. Điều này có thể tạo ra nhiều nhiệt hơn trong cơ thể, khiến nhiệt độ tăng trở lại.
  • Cho trẻ uống nhiều nước như nước lọc, nước táo ép, nước điện giải. Nếu con bạn đang bú mẹ, hãy cho trẻ bú nhiều hơn.
  • Dùng thuốc để hạ sốt: Nếu con bạn bị sốt và rất khó chịu, hãy cho trẻ dùng acetaminophen hoặc ibuprofen. Phải hỏi bác sĩ trước khi dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi, và đi khám ngay nếu con bạn dưới 3 tháng và bị sốt. Với trẻ trên 2 tuổi, kiểm tra trên nhãn để biết được lượng thuốc cần uống. Nếu bạn biết cân nặng của con bạn, hãy sử dụng liều theo cân nặng. Nếu bạn không biết cân nặng của con bạn, hãy tính liều dựa theo tuổi. Ibuprofen được chấp thuận sử dụng cho trẻ từ 6 tháng trở lên; tuy nhiên, không bao giờ được dùng cho trẻ mất nước hoặc nôn nhiều.
  • Không cho bất kỳ ai dưới 18 tuổi sử dụng axit acetylsalicylic, còn được gọi là ASA, (ví dụ: Aspirin®) vì nó có thể dẫn đến tổn thương não và gan (Hội chứng Reye).

Giảm triệu chứng chảy nước mũi

Sử dụng nước muối nhỏ mũi (1-2 giọt cho mỗi bên mũi) hoặc xịt (1-2 nhát xịt cho mỗi bên mũi). Với trẻ nhũ nhi, thì sử dụng bóng cao su để hút sau khi nhỏ hoặc xịt. Khi sử dụng bóng hút, hãy nhớ bóp bóng, nhẹ nhàng đặt đầu của bóng vào 1 lỗ mũi, sau đó từ từ thả bóng ra. Cách này sẽ giúp hút chất nhầy khỏi mũi và giúp bé dễ thở hơn. Bạn sẽ thấy cách này thực hiện tốt nhất khi con bạn dưới 6 tháng. Khi em bé lớn hơn, bé sẽ chống đối lại, khiến khó hút chất nhầy, nhưng nhỏ nước muối vẫn có hiệu quả.

Cách giảm nghẹt mũi ở trẻ bị cúm
Cách giảm nghẹt mũi ở trẻ bị cúm

Giảm triệu chứng ho

Mật ong

  • Không dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi – điều này không an toàn.
  • Trẻ từ 1-5 tuổi: Dùng 1/2 thìa cà phê mật ong.
  • Trẻ từ 6-11 tuổi: Dùng 1 thìa cà phê mật ong
  • Trẻ từ 12 tuổi trở lên: Dùng 2 thìa cà phê mật ong.
  • Nếu dùng mật ong vào giờ đi ngủ, hãy đảm bảo con bạn sẽ được đánh răng sau đó.

Thuốc ho dạng dung dịch hoặc viên: Xem xét sử dụng thuốc ho cho trẻ từ 4 tuổi trở lên. Không sử dụng thuốc ho cho trẻ nhỏ hơn 4 tuổi vì trẻ có thể nghẹn. Cũng không được cho con bạn dùng nhiều thuốc ho hơn chỉ dẫn trên nhãn.

Các thuốc ho và thuốc cảm không cần kê đơn (OTC): Thuốc ho và thuốc cảm không cần kê đơn (OTC) không được dùng cho trẻ nhũ nhi và trẻ dưới 4 tuổi vì nguy cơ các tác dụng phụ đe dọa tính mạng. Một số nghiên cứu cho thấy các thuốc ho và thuốc cảm không hiệu quả với trẻ dưới 6 tuổi và có thể có các tác dụng phụ nghiêm trọng tiềm ẩn. Nhiều thuốc cảm có chứa acetaminophen. Nếu bạn cho trẻ dùng những thuốc này cùng với 1 loại thuốc hạ sốt có acetaminophen, con bạn sẽ bị dùng liều gấp đôi.

Nếu được kê kháng sinh: Hãy đảm bảo trẻ được dùng thuốc đúng thời gian và đúng liều, ngay cả khi trẻ đã cảm thấy tốt hơn. Nếu điều trị kháng sinh bị dừng lại quá sớm, nhiễm khuẩn có thể nặng nề hơn hoặc lan khắp cơ thể. Hãy cho con đến bác sĩ nếu trẻ không cảm thấy khá hơn khi điều trị. Nếu kháng sinh ở dạng chất lỏng, hãy hỏi bác sĩ của con bạn về liều (mL) dựa theo tuổi và cân nặng của con bạn. Luôn sử dụng các dụng cụ để đo đúng liều (bơm tiêm, cốc hoặc thìa).

Bổ sung chất dinh dưỡng

Khi trẻ bị cúm có thể khiến cho cơ thể trở nên mệt mỏi, trẻ có thể bị chán ăn, ăn ít. Vì vậy mẹ cần nên bổ sung thêm cho trẻ đầy đủ các dưỡng chất để giúp con khoẻ mạnh, nhanh chóng phục hồi. Với trẻ sơ sinh bị cúm thì việc mẹ cho trẻ bú nhiều lần trong ngày sẽ là cách tốt để giúp cung cấp dưỡng chất. Mẹ cần xây dựng thực đơn dinh dưỡng, ăn nhiều món bổ dưỡng để có thể đem lại nguồn sữa giàu dinh dưỡng cho con.

Trẻ bị cúm vẫn nên bú mẹ đầy đủ
Trẻ bị cúm vẫn nên bú mẹ đầy đủ

Khi nào cần đưa con đi bác sĩ?

Bố mẹ cần chú ý theo dõi trẻ bị cúm cẩn thận, nếu như trẻ có các biểu hiện sau đây thì cần đưa con đến gặp bác sĩ ngay:

  • Thấy con liên tục bị sốt cao, sốt trên 39 độ, cho con sử dụng thuốc hạ sốt nhưng con vẫn không hạ sốt.
  • Trẻ có hiện tượng co giât.
  • Trẻ mệt mỏi, người li bì, ăn uống kém, bỏ ăn hoặc không bú mẹ, thường xuyên bị nôn trớ, chân tay trẻ lạnh.
  • Thấy trẻ khó thở, thở khó khăn, thở nhanh hơn bình thường.

Hướng dẫn biện pháp phòng ngừa cúm ở trẻ em

Mặc dù cho đến hiện tại chưa có loại vắc xin nào có thể phòng ngừa được tất cả các chủng cúm nhưng bố mẹ có thể tham khảo một số cách sau đây để ngăn ngừa bệnh cúm cho trẻ như sau:

  • Vacxin cúm: Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên cần tiêm phòng cúm mỗi năm. Trẻ dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để tiêm vacxin cúm. Để bảo vệ trẻ, hãy đảm bảo những người xung quanh trẻ được tiêm vacxin cúm.
  • Nến tránh cho con chơi chung đồ chơi hay đến gần tiếp xúc với những người đang hoặc có dấu hiệu bị cúm.
  • Nên nhắc con rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sau mỗi lần ho, hắt hơi hay chơi những đồ chơi công cộng. Sau khi ho và hắt hơi không được đưa tay lên mũi, miệng.
  • Trong chế độ ăn của trẻ nên bổ sung nhiều rau xanh và hoa quả.

Một số câu hỏi liên quan đến bệnh cảm hoặc bệnh cúm ở trẻ

Khi trẻ em bị cúm hoặc cảm lạnh có được tắm không?

Nhiều ba mẹ thắc mắc khi trẻ bị cúm hoặc bị cảm lạnh thì có nên tắm cho con không? Nhiều người cho rằng nếu như con đang gặp cảm lạnh hoặc cúm mà tắm sẽ khiến cho tình trạng bệnh chuyển sang nặng hơn, điều này là không chính xác. Bố mẹ vẫn có thể tắm cho con nếu như tắm đúng cách. Việc tắm rửa sẽ giúp cho trẻ thấy thoải mái, dễ chịu hơn, không tắm sẽ khiến trẻ càng thêm khó chịu. Nên sử dụng nước ấm và lựa chọn phòng kín gió để tắm cho trẻ và chú ý là tắm thật nhanh cho con chứ không nên tắm lâu. Ở miền Bắc vào mùa đông thường sẽ lạnh nên khi tắm cho bé còn nhỏ, bố mẹ có thể sử dụng thêm đèn sưởi. Khi tắm xong nên lau khô người trẻ bằng khăn mềm.

Trẻ bị cảm cúm nên tắm nhanh, tắm bằng nước ấm
Trẻ bị cảm cúm nên tắm nhanh, tắm bằng nước ấm

Bố mẹ chăm sóc trẻ bị cúm có cần thực hiện bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào không?

Câu trả lời là có. Nếu như con bạn bị cúm thì người chăm chăm trẻ cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau đây để tránh bị lây bệnh:

  • Rửa tay sau khi tiếp xúc với trẻ bị bệnh.
  • Rửa tay của bạn và tay của trẻ sau khi lau mũi.
  • Rửa tay sau khi ho, hắt hơi hoặc lau mũi.
  • Rửa tay sau khi chạm vào đồ vật mà trẻ bị cúm cầm vào.
  • Làm sạch các bề mặt (chẳng hạn như đồ chơi, vòi trong phòng tắm và tay nắm cửa) bằng chất tẩy rửa gia dụng, đặc biệt là sau khi đứa trẻ bị bệnh đã chạm vào chúng.
  • Chăm sóc bản thân và gia đình bằng cách duy trì một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh, năng vận động, tránh khói thuốc lá và các chất độc hại khác, đồng thời nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc.

Trẻ bị cảm lạnh có bị biến chứng gì không?

Các biến chứng có thể có của cảm lạnh thông thường ở trẻ là gì? Mặc dù cảm lạnh dễ khỏi nhưng nếu như bố mẹ chủ quan để bệnh của con trở nặng thì trẻ có thể gặp một số biến chứng như sau:

  • Nhiễm trùng tai.
  • Viêm xoang.
  • Viêm phổi.
  • Nhiễm trùng cổ họng.

Không kể con bị cúm hay bị cảm lạnh, chỉ cần con mình gặp vấn đề về sức khoẻ cũng khiến bố mẹ không an tâm. Việc nhận biết được con bị cảm cúm hay cảm lạnh lại càng quan trọng bởi nếu như nhận biết bệnh không đúng sẽ điều trị không đúng cách. Hy vọng qua bài viết sẽ giúp bố mẹ hiểu được triệu chứng của từng bệnh mà xác định đúng được con mình đang gặp tình trạng nào mà xác định được cách chăm sóc trẻ bị cảm hoặc cúm.

Tài liệu tham khảo

Tác giả: By Rachel Nall, MSN, CRNA, Quick Tips for Treating Kids with a Cold or Flu, Healthline, đăng ngày 22 tháng 10 năm 2012. Truy cập ngày 24 tháng 2 năm 2023.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here