Bệnh Aphtose: Nguyên nhân, điều trị, phòng ngừa

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Bệnh Aphtose

nhathuocngocanh.comBệnh Aphtose gây ra các vết loét hình tròn hay hình bầu dục ở miệng gây cảm giác đau đớn, khó chịu. Vậy bệnh Aphtose hình thành do đâu và cách điều trị, phòng ngừa ra sao. Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh để biết chi tiết.

Bệnh Aphtose là gì?

Bệnh Aphtose còn được gọi với tên khác là bệnh nhiệt miệng, bệnh áp – tơ miệng, bệnh loét áp – tơ. Bệnh gây tổn thương viêm loét ở niêm mạc miệng là phổ biến nhất. Ngoài ra, bệnh còn gây viêm loét ở bộ phận sinh dục.

Những vết loét thường là hình bầu dục hoặc hình tròn có kích thước từ 3 đến 5mm, ở trung tâm có dịch tiết kết dính màu vàng, một vành ban đỏ ngoại vi. Có những bệnh nhân bị tổn thương thường xuyên nhưng vẫn có những bệnh nhân ít khi ghi nhận tổn thương và không thường xuyên.

Aphtose không phải là bệnh lây truyền nhưng lại rất dễ tái phát lại. Theo thống kế có tới 20% đến 40% số người bị bệnh Aphtose ít nhất một lần trong đời.

Bệnh Aphtose thường gặp chủ yếu ở độ tuổi thanh thiếu niên, ở người lớn tuổi thì ít gặp hơn. Những người có điều kiện kinh tế cao và người da trắng sẽ dễ bị mắc bệnh Aphtose hơn người bình thường.

Bệnh Aphtose ở trẻ nhỏ

Bệnh Aphtose thường gặp ở trẻ nhỏ gây ra tình trạng biếng ăn, chảy nước bọt do bị đau miệng. Vết loét thường xuất hiện đơn độc hay từng đám ở môi, má, dưới lưỡi hoặc nướu.

Nguyên nhân gây ra bệnh Aphtose ở trẻ chủ yếu là do vệ sinh răng miệng không đúng cách, trẻ tự cắn nhầm niêm mạc lưỡi hoặc trong má, do thức ăn quá cứng, chải răng và nướu quá mạnh. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác gây bệnh Aphtose như bị bỏng niêm mạc gây lở loét, thiếu dinh dưỡng, rối loạn hệ thống miễn dịch, bị stress và cũng có thể do trẻ sử dụng thuốc nên bị khô miệng,…

Bệnh Aphtose không gây nguy hiểm cho trẻ nhưng lại khiến miệng trẻ đau, khó ăn uống, lười ăn và quấy khóc, không bú có thể dẫn đến suy dinh dưỡng. Bệnh sẽ khỏi sau khoảng 1 đến 2 tuần. Trong thời gian này trẻ thường xuyên sử dụng thuốc súc miệng sẽ giảm được triệu chứng đau và vết loét nhanh lành.

Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, thức ăn có chứa nhiều khoáng chất, vitamin, dùng bàn chải mềm và uống nhiều nước, nước chanh, nước cam. Bên cạnh đó tránh cho trẻ ăn đồ ăn cay, nóng, mặn, chua.

Nếu trẻ xuất hiện vết loét kéo dài hơn 3 tuần và to hơn bất thường thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để xác định đúng nguyên nhân để có phương pháp điều trị kịp thời tránh gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ.

Để làm giảm nguy cơ các vết loét xuất hiện hãy vệ sinh kỹ răng miệng cho bé bằng bàn chải mềm và kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất và thường xuyên đi khám định kỳ răng miệng.

Vết loét ở miệng của bệnh nhân mắc Aphtose
Vết loét ở miệng của bệnh nhân mắc Aphtose

Nguyên nhân gây bệnh Aphtose

Yếu tố di truyền

Trong bệnh Aphtose yếu tố di truyền đóng vai trò khá quan trọng. Theo thống kê có khoảng 40% số người bị bệnh có tiền sử trong gia đình mắc bệnh Aphtose. Những người này nếu bị sẽ ở mức độ nặng hơn và khởi phát bệnh sớm hơn. Ở người bị bệnh Aphtose tần suất của các kháng nguyên HLA loại A11, A2, B12 và DR2 tăng dần. Có mối liên quan giữa người bệnh với các kháng nguyên HLA. Mối liên quan thay đổi theo nguồn gốc chủng tộc và dân tộc.

Chấn thương cơ học

Các yếu tố cơ học như răng sắc nhọn, tiêm tê, các can thiệp nha khoa, bàn chải đánh răng thô ráp gây ra các sang chấn niêm mạc miệng gây ra các vết loét.

Thuốc lá

Đã có nghiên cứu cho thấy mối liên quan âm tính giữa Aphtose với việc hít hoặc hút khói thuốc. Vì thuốc là có thể tạo ra hàng rào bảo vệ giúp ngăn cản vi trùng xâm nhập và các chấn thương, làm tăng quá trình sừng hóa niêm mạc. Nicotin làm giảm sản xuất các yếu tố hoại tử u và interleukin 6, interleukin 1, tác động lên vùng dưới đồi kích thích sản xuất các steroid thượng thận. Chính vì vậy, bệnh nhân bị Aphtose ngưng sử dụng thuốc lá được khuyến cáo dùng liệu pháp thay thế Nicotin.

Các loại thuốc

Sự phát triển của bệnh Aphtose có liên quan đến một số loại thuốc như Phenobarbital, muối vàng, thuốc ức chế men chuyển Captopril, Phenindion, Nicorandil, dung dịch Hypochloride. Ngoài ra, có một số loại thuốc chống viêm không steroid gây loét miệng giống bệnh Aphtose như Diclofenac, Axit propionic, Piroxicam.

Thay đổi nội tiết

Hiện nay vẫn đang tranh cãi về mối liên hệ giữa sự thay đổi nội tiết ở phụ nữ với bệnh Aphtose. Bệnh Aphtose thường xảy ra trong pha hoàng thể của chu kỳ kinh nguyệt hoặc trong giai đoạn bắt đầu kinh nguyệt.

Thiếu máu

Những người bị bệnh Aphtose thì sự thiếu hụt các yếu tố tạo máu như vitamin B12, sắt, Axit folic cao gấp 2 lần so với nhóm chứng. Vì vậy, đã có giả thiết đặt ra mối liên quan giữa bệnh Aphtose và thiếu máu. Những vẫn có những ý kiến khác cho rằng khi bị bệnh Aphtose chế độ ăn uống kém dẫn đến thiếu máu.

Căng thẳng

Yếu tố căn nguyên của bệnh Aphtose là sự căng thẳng tinh thần. Nó gián tiếp làm tăng nguy cơ cắn má, cắn môi gây nên bệnh Aphtose. Đã có nghiên cứu cho rằng có mỗi liên quan giữa độ nặng của bệnh. Aphtose với mức độ căng thẳng. Do đó, căng thẳng tâm lý là yếu tố căn nguyên ở những người đã có sẵn cơ địa bị Aphtose.

Aphtose và Helicobacter pylori

Helicobacter pylori được coi là yếu tố tham gia vào cơ chế bệnh sinh của bệnh Aphtose. Nhưng vai trò của nó chưa được rõ ràng bởi chỉ thấy vi khuẩn này xuất hiện ở các mảng bám răng.

Aphtose và liên cầu

Liên cầu ở miệng được coi là vi sinh vật liên quan trực tiếp đến bệnh sinh của bệnh Aphtose. Ngoài việc đóng vai trò là kháng nguyên và kích thích cơ thể sản xuất kháng thể thì còn là nguyên nhân hình thành các vết loét. Những kháng thể có liên cầu sản xuất phản ứng chéo với niêm mạc miệng.

Virus

Có một số loại virus tham gia vào cơ chế bệnh sinh của Aphtose như Epstein-bar virus, Cytomegalovirus ở người.

Bệnh Aphtose ở trẻ em
Bệnh Aphtose ở trẻ em

Triệu chứng bệnh Aphtose

Tổn thương ban đầu của bệnh là các vết loét hình bầu dục hoặc hình tròn xung quanh có viền đỏ, mềm, rất đau nhưng không có hạch. Chúng có thể xuất hiện bất kỳ một vị trí nào trong khoang miệng nhưng ít khi ở vùng môi ngoài, vòm cứng và lợi. Vết loét ngày càng to lên nhưng trong thời gian từ 7 ngày đến 10 ngày sẽ lành lại và đặc biệt rất hay tái phát.

Ngoài ra có xuất hiện một số triệu chứng khác như sưng hạch bạch huyết, sốt.

Nên hỏi ý kiến của bác sĩ khi xuất hiện triệu chứng như:

  • Loét định kỳ khi cái cũ chưa lành cái mới đã phát triển.
  • Vết loét lớn bất thường, đau mở rộng.
  • Vết loét dai dẳng kéo dài trên 3 tuần, khó khăn khi ăn uống, đau mà không thể kiểm soát với các biện pháp tự chăm sóc.
  • Có các viêm loét đau miệng kèm sốt cao.

Bệnh Aphtose có nguy hiểm không?

Bệnh Aphtose được thiết lập theo thời gian, số lượng và mức độ của các đợt bùng phát:

Thể nhẹ: Chiếm tới 70 đến 85% tổng số trường hợp của bệnh nên rất phổ biến. Biểu hiện của bệnh thể nhẹ là xuất hiện những tổn thương hình bầu dục hoặc hình tròn được bao quanh bởi một quầng hồn ban và phủ một lớp màng giả màu trắng xám.Mỗi đợt RAS thường xuất hiện 1 đến 5 vết loét có kích thước đường kính dưới 1cm. Các đợt vết loét này lành trong vòng từ 4 đến 14 ngày và không để lại sẹo.

Thể nặng: Chiếm 10% tổng số trường hợp và là biểu hiện nghiêm trọng nhất của bệnh. Các vết loét có xu hướng xuất hiện trên môi, hầu và vòm miệng mềm với kích thước trên 1cm. Để chữa lành các vết loét mất khoảng 6 tuần và có để lại sẹo.

Viêm loét đau miệng Herpetiform: Loại viêm loét này phát triển sau này trong cuộc sống chiếm 1 đến 10% tổng số trường hợp,đường kính không lớn khoảng 3mm hoặc ⅛ inch, cạnh không đều, thường xảy ra các cụm từ 10 đến 100 vết loét, chữa lành trong khoảng 1 đến 2 tuần và không để lại sẹo.

Triệu chứng của bệnh Aphtose
Triệu chứng của bệnh Aphtose

Các biện pháp chẩn đoán bệnh Aphtose

Chẩn đoán chính xác bệnh Aphtose cần quan sát hình dạng vết loét và hỏi kỹ bệnh sử. Đa số các trường hợp chẩn đoán bệnh Aphtose không cần phải làm xét nghiệm. Nhưng nếu bệnh diễn tiến nặng, không chẩn đoán chắc chắn kèm với các triệu chứng khác cần làm sinh thiết ổ loét và xét nghiệm máu.

  • Cần loại trừ được các khả năng loét do chấn thương, loét do nhiễm nấm hoặc herpes. Nếu vết loét lâu lành thì đó cũng là dấu hiệu của một bệnh ác tính.
  • Bệnh Aphtose có thể gặp ở bệnh nhân viêm loét đại tràng, bệnh nhân nhiễm HIV và một số bệnh lý khác.

Điều trị bệnh Aphtose

Bệnh Aphtose tuy không thể điều trị khỏi hẳn nhưng có thể giúp kéo dài thời gian không bị bệnh cũng như làm giảm khả năng tái phát, làm giảm các triệu chứng. Vì vậy, bệnh nhân có thể sử dụng một số thuốc để điều trị bệnh Aphtose sau đây:

  • Nitrate bạc: Hiệu quả của thuốc đã có kết quả từ những cuộc nghiên cứu ngẫu nhiên, vì vậy bạn có thể yên tâm sử dụng. Bôi trực tiếp thuốc lên vết loét bị tổn thương. Ngay sau khi bôi vết loét sẽ giảm đau và làm lành các tổn thương chỉ sau 3 đến 5 ngày. Khi bôi thuốc sẽ có cảm giác nóng miệng nhưng hết đau hoàn toàn sai vài giờ nên rất hài lòng.
  • Debacterol có tác dụng tương tự với Nitrat bạc nhưng đó là sự phối hợp của sulfuric acid và phức hợp phenol sulfonate. Thuốc phát huy tác dụng bằng cách đốt các vết loét bằng hóa chất. Ngay sau khi bôi vết loét sẽ giảm đau và làm lành các tổn thương chỉ sau 3 đến 5 ngày. Debacterol là thuốc kê đơn nên chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ hoặc nha sĩ. Mỗi ngày chỉ được bôi thuốc 1 lần.

Những loại thuốc này được cấp theo đơn của bác sĩ và chỉ được sử dụng khi các loại thuốc thông thường dưới đây chưa làm giảm các triệu chứng:

  • Amlexanox: Còn được gọi là Aphthasol, mỗi ngày bôi 4 lần trước lúc đi ngủ và sau khi ăn. Hiện nay chưa có nhiều bằng chứng về tác dụng của thuốc có khả năng làm giảm đau nhanh chóng và làm lành vết loét.
  • Kem bôi có chứa Triamcinolone Acetonide: Mỗi ngày dùng 3 lần trước khi đi ngủ và sau các bữa ăn chính.
  • Dung dịch Tetracycline ( Nor-tet, Achromycin, Sumycin, Panmycin, Tetracap) có thể làm giảm đau và làm lành vết loét khi sử dụng để súc miệng. Nhưng thuốc không có tác dụng ngăn ngừa bệnh tái phát. Thuốc có thể tạo điều kiện cho nấm phát triển, gây kích ứng nên không dùng thuốc quá 5 ngày trong đợt điều trị.
  • Dung dịch Sucralfate: Đây là loại dung dịch thường được dùng trong điều trị loét tiêu hóa. Ngâm một viên thuốc vào ½ muỗng cà phê nước tương đương với 5-10 ml. Sau đó bôi dung dịch vào vết loét để cho thuốc ngấm một lúc rồi nhổ ra. Tương tự như thế mỗi ngày bệnh nhân nên thực hiện 4 lần. Nhưng hiện nay có ít nghiên cứu về việc điều trị bệnh Aphtose sử dụng Sucralfate.
  • Gel Lidocaine: Bôi gel 2% Lidocaine vào vết loét 4 lần một ngày. Sau khi bôi không được nuốt và để tránh độc tính không nên bôi quá 4 lần trong một ngày.
  • Nếu người bệnh bị thiếu hụt sắt, vitamin B12, acid folic thì có thể bổ sung. Để tình trạng được cải thiện cần bổ sung trong thời gian vài tháng. Việc dùng thêm sẽ không mang lại hiệu quả nếu cơ thể bệnh nhân không thiếu các chất trên.
  • Dung dịch súc miệng sát khuẩn Chlorhexidine (Eludril, Cyteal) giúp nhanh lành vết loét.
  • Corticosteroid: Bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi ích và tác hại để xem xét sử dụng corticosteroid cho những trường hợp thật nặng. Tác dụng phụ của thuốc gây ra: suy giảm miễn dịch, tăng cân, tăng tiết acid gây loét dạ dày, xương giòn dễ gãy.
  • Thalidomide: bác sĩ có thể xem xét sử dụng Thalidomide cho những trường hợp nặng. Vì thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được chấp thuận sử dụng cho những bệnh nhân bị HIV dương tính.
  • Ngoài ra còn có một số thuốc có tiềm năng điều trị khác như: Các thuốc được sử dụng nhiều trong thử nghiệm pentoxifylline (Trental), Colchicine, Cimetidine (tagamet), Clofazimine, Interferon, các tác nhân đối kháng TNF-a, Levamisole (Ergamisol), Infliximab (Remicade), Dapsone, Etanercept (Enbrel). Nhưng đây là một số loại thuốc đắt tiền nhưng không mang lại hiệu quả cao mà còn gây ra nhiều tác dụng phụ.

Các bước tiếp theo: Những người lần đầu cần đi khám để chẩn đoán chính xác và loại trừ được các bệnh khác nguy hiểm nhưng có dầu hiệu giống bệnh Aphtose. Những bệnh nhân thường xuyên bị tái phát cần phối hợp và trao đổi với bác sĩ để tránh đi tái khám không gây bất tiện đau đớn mà vẫn đảm bảo.

Vết loét ở lưỡi
Vết loét ở lưỡi

Bệnh pháp phòng tránh bệnh Aphtose

Bạn có thể tham khảo một số biện pháp phòng tránh bệnh Aphtose sau đây:

  • Thường xuyên súc miệng bằng nước muối, baking soda và nhổ hỗn hợp ra sau khi súc miệng để tiêu diệt các vi khuẩn bám trong khoang miệng.
  • Có thể thử qua sản phẩm có chứa chất gây tê như Orajel, Anbesol.
  • Cho các vết loét tan từ từ bên cạnh vết loét hoặc áp nước đá vào vết loét đau.
  • Sử dụng bàn chải mềm, đánh răng nhẹ nhàng và sử dụng các loại kem đánh răng không có tác nhân tạo bọt.
  • Không nhai và nói chuyện cùng một lúc vì có thể cắn vào niêm mạc miệng gây tổn thương hình thành các vết loét.
  • Tránh để bản thân bị stress, căng thẳng quá lâu.
  • Vệ sinh răng miệng mỗi ngày.
  • Để giảm đau và chữa lành vết thương có thể thoa lượng nhỏ sữa magie mỗi ngày vài lần.
  • Nên sửa chữa lại các bề mặt răng không đều để tránh gây tổn thương niêm mạc miệng.
  • Ở trước giai đoạn có kinh, các yếu tố nội tiết có thể sẽ kích hoạt bùng phát đợt viêm loét. Vì vậy, sử dụng thuốc tránh thai có thể giúp ích.

Các câu hỏi liên quan đến bệnh Aphtose

Bị bệnh Aphtose nên ăn gì?

Bệnh Aphtose sẽ gây đau ở niêm mạc miệng dẫn đến quá trình ăn uống trở nên khó khăn. Cũng chính vì thế bệnh nhân cần có chế độ ăn uống hợp lý để giảm thiểu đau đớn và sau khi lành vết loét sẽ hạn chế được tình trạng tái phát. Bạn có thể tham khảo một số chế độ ăn dưới đây:

  • Bệnh nhân nên tránh sử dụng các thực phẩm có nguy cơ gây kích ứng niêm mạc miệng như: khoai tây chiên, các loại hạt, bánh quy, thức ăn mặn, các loại gia vị, trái cây có tính acid như bưởi, cam, dứa. Hãy tránh những loại thực phẩm bị dị ứng hay nhạy cảm.
  • Để tránh thiếu hụt dinh dưỡng bạn nên lựa chọn những thực phẩm lành mạnh như rau, trái cây, ngũ cốc. Bạn nên thường xuyên ăn sữa chua vì trong sữa chua có chứa các vi khuẩn có lợi giúp tránh đau miệng và viêm loét.
  • Hạn chế ăn những đồ ăn cay nóng, các chất kích thích.
Thuốc Apsol điều trị bệnh Aphtose
Thuốc Apsol điều trị bệnh Aphtose

Tiên lượng

  • Phần lớn những bệnh nhân bị bệnh Aphtose không bị ảnh hưởng gì nhiều đến sức khỏe mà chỉ gây đau và khó chịu ở vùng miệng. Và thời gian đợt loét chỉ kéo dài 1 đến 2 tuần và các đợt bùng phát cũng cách xa nhau.
  • Những bệnh nhân lớn tuổi thường thường ít xảy ra bệnh Aphtose hơn và không tái phát.

Bệnh Aphtose nhanh lành nhưng cũng rất dễ tái phát. Vì vậy, bạn nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh Aphtose hợp lý. Ngoài ra, bạn nên đảm bảo chế độ ăn uống lành mạnh để giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc bệnh Aphtose.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cần thiết về bệnh Aphtose mà Nhà thuốc Ngọc Anh gửi tới các bạn độc giả. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần giải đáp hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Xem thêm:

6 cách chữa viêm lợi chảy máu chân răng hiệu quả nhất

Tài liệu tham khảo

Tác giả: Crispian Scully, Stephen Porter, Oral mucosal disease: recurrent aphthous stomatitis, đăng ngày 9 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 29/12/2021.

Tác giả: Walter HC Burgdorf, MD, The Treatment of Chronic Recurrent Oral Aphthous Ulcers, National Institutes of Health, đăng 03 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 29 tháng 11 năm 2021.

1 thoughts on “Bệnh Aphtose: Nguyên nhân, điều trị, phòng ngừa

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here