Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm thường quy được thực hiện tại các cơ sở y tế. Hiểu về quy trình xét nghiệm và biên độ dao động của các thông số cơ bản, người bệnh cũng có thể nắm bắt được tình hình sức khỏe của bản thân.
Nước tiểu là một sản phẩm chất thải của thận. Nồng độ tế bào và các chất trong nước tiểu phản ánh tình trạng sinh bệnh lý ở nhiều cơ quan khác nhau và tình trạng toàn cơ thể. Xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu là một xét nghiệm thường quy chỉ định cho bệnh nhân đến khám lâm sàng, làm bilan chuẩn bị mổ và bệnh nhân nhập viện. Xét nghiệm được thực hiện trên mẫu nước tiểu của bệnh nhân và dựa vào các thông số xét nghiệm để bác sĩ có thể chẩn đoán, phát hiện sớm bệnh lý từ đó theo dõi và điều trị các bệnh lý hiệu quả. Hiểu về quy trình xét nghiệm và biên độ dao động của các thông số cơ bản, bệnh nhân cũng có thể nắm bắt được tình hình sức khỏe của bản thân. Tuy nhiên, xét nghiệm nước tiểu thường được thực hiện cùng với các xét nghiệm khác (như xét nghiệm máu, xét nghiệm phân) kết hợp với kết quả thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm đánh giá hình thái, chức năng khác giúp các bác sĩ dễ dàng chẩn đoán, theo dõi và tiên lượng bệnh. Nhìn chung, xét nghiệm nước tiểu được đánh giá là một phương pháp xét nghiệm nhanh, đơn giản, rẻ tiền nhưng lại có thể cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng.
Trước khi làm xét nghiệm nước tiểu
Để có được kết quả chính xác và phản ánh đúng nhất tình trạng sức khỏe của bản thân, trước khi tiến hành xét nghiệm nước tiểu cần lưu ý những điều sau:
– Nên làm xét nghiệm nước tiểu vào buổi sáng sớm, lấy nước tiểu giữa dòng.
– Trước khi làm xét nghiệm nước tiểu cần vệ sinh bộ phận sinh dục thật sạch bằng nước sạch, không được dùng chất tẩy rửa có tính kiềm hoặc acid.
– Không sử dụng thực phẩm làm thay đổi tính chất của nước tiểu như: rượu, bia, dâu tây, củ cải đường, quả mâm xôi hoặc đại hoàng…
– Không nên tập thể dục quá mức trước khi làm xét nghiệm.
– Báo với bác sĩ nếu bạn đang có kinh nguyệt hoặc gần bắt đầu thời kỳ kinh nguyệt.
– Không nên dùng bất cứ loại thuốc gì kể cả thực phẩm bổ sung chức năng.
Ý nghĩa của các thông số kết quả xét nghiệm nước tiểu
Bình thường, trừ tỷ trọng và pH nước tiểu có giá trị cụ thể, các chất bất thường trong nước tiểu là những chất có nồng độ rất thấp trong nước tiểu, bằng các xét nghiệm thông thường không phát hiện được (âm tính – negative). Khi phát hiện được (dương tính – positive), chúng được gọi là những chất bất thường trong nước tiểu, có ý nghĩa lâm sàng.
– Tỷ trọng/Specific gravity (SG): Thể hiện tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu, bệnh lý gan, tiểu đường, tiêu chảy mất nước, ói mửa, suy tim xung huyết hoặc tổn thương tại thận như: viêm thận cấp, suy thận mạn, viêm cầu thận, viêm đài bể thận. Chỉ số bình thường: 1,005 -1,030.
– Nitrite (Nit): Thể hiện nhiễm khuẩn thận, nhiễm khuẩn nước tiểu, viêm nội tâm mạc, nhiễm khuẩn nước tiểu không triệu chứng, bình thường: âm tính.
– Leukocytes (Leu – Bạch cầu): Chỉ ra tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn thận. Bình thường: âm tính. Chỉ số cho phép: <10 Leu/µL.
– pH: Đánh giá tình trạng toan kiềm của nước tiểu. Ở người bình thường, pH nước tiểu trung bình là 7. Tình trạng quá toan hay quá kiềm dễ hình thành sỏi tiết niệu. pH cũng bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn. Người ăn chay thường có pH kiềm, thường gặp trong nhiễm trùng tiểu, nước tiểu kiềm dễ làm các gốc phosphate kết tủa. Sự kết tủa này cùng với NH3 và Mg tạo thành sỏi struvite gây cảng quang. Ngược lại, người ăn nhiều thịt động vật thường có pH axít (pH axít dễ làm axít uric kết tủa tạo sỏi và loại sỏi này không cản quang). pH nước tiểu tăng trong nhiễm khuẩn thận, suy thận mạn, hẹp môn vị, nôn mửa. pH nước tiểu giảm trong nhiễm ceton do đái đường, tiêu chảy mất nước. Chỉ số bình thường: 4,6 – 8,0.
– Ery/Blood (Bld) – Hồng cầu: Dấu hiệu cho thấy có nhiễm trùng đường tiểu, sỏi thận, viêm thận cấp, xuất huyết từ bàng quang hoặc bướu thận. Bình thường: âm tính. Chỉ số cho phép: <5 Ery/µL.
– Glucose (Glu): Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường, bệnh lý ống thận, viêm tụy. Trong bệnh Đái tháo đường thường xuất hiện đường trong nước tiểu nhưng không dùng để chẩn đoán. Bình thường: âm tính hoặc có thể có ở phụ nữ mang thai. Chỉ số cho phép: <1,7 mmol/L.
– Protein (Pro): Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở thận viêm thận cấp, bệnh thận do đái tháo đường, viêm cầu thận, hội chứng suy tim xung huyết, hội chứng thận hư, bệnh thận đa nang, viêm đài bể thận, bệnh lý ống thận… Bình thường: âm tính. Chỉ số cho phép: <0,15 g/L.
– Thể Cetonic (Ket): Dấu hiệu hay gặp ở bệnh nhân tiểu đường không kiểm soát, nhiễm ceton do đái tháo đường, tiêu chảy mất nước, nôn mửa, nghiện rượu, nhịn ăn trong thời gian dài. Bình thường: Âm tính hoặc đôi khi có ở mức độ thấp đối với phụ nữ mang thai. Chỉ số cho phép: <0,5 mmol/L.
– Urobilinogen (UBG): Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở gan hay túi mật. Urobilinogen là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của bilirubin. Nó cũng được thải ra ngoài cơ thể theo phân, chỉ có một lượng nhỏ urobilinogen có trong nước tiểu. Urobilinogen có trong nước tiểu vượt quá ngưỡng cho phép có thể là dấu hiệu của bệnh về gan (xơ gan, viêm gan) làm dòng chảy của dịch mật từ túi mật bị nghẽn. Bình thường: âm tính. Chỉ số cho phép: <17 mmol/L.
– Billirubin (Bil): Dấu hiệu cho thấy có bệnh lý ở gan hay túi mật. Bilirubin là sản phẩm được tạo thành từ sự thoái hóa của hồng cầu. Nó đi ra khỏi cơ thể qua phân. Billirubin bình thường không có trong nước tiểu. Nếu như billirubin xuất hiện trong nước tiểu nghĩa là gan đang bị tổn thương hoặc dòng chảy của mật từ túi mật bị nghẽn. Bình thường: âm tính. Chỉ số cho phép: <3.4 mmol/L. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm nước tiểu phải được so sánh và kết hợp với các biểu hiện lâm sàng, vì vậy người bệnh nên đọc kết quả cùng bác sĩ để được chẩn đoán chính xác nhất tình trạng sức khỏe.
Những yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm
Để có kết quả xét nghiệm chính xác nhất bạn nên nghe theo lời khuyên, chỉ dẫn của Bác sĩ lâm sàng hoặc cán bộ làm việc trong khoa Xét nghiệm (cần lưu ý dải thông số tham chiếu của các thiết bị xét nghiệm thuộc các hãng khác nhau đôi khi khác nhau).
– Thời gian: Nước tiểu cần được phân tích trong vòng 2 giờ, nếu không thể đưa ngay được bệnh phẩm nước tiểu tới phòng xét nghiệm, phải bảo quản tạm thời bệnh phẩm trong tủ lạnh 4-8°C.
– Chế độ ăn, sinh hoạt, dùng thuốc ảnh hưởng tới kết quả vì vậy cần cung cấp các thông tin này cho Bác sĩ hoặc nhân viên khoa Xét nghiệm.
BẢNG CHỈ SỐ BÌNH THƯỜNG THEO MÁY NHÓM NƯỚC TIỂU
Bảng chỉ số bình thường theo máy nhóm nước tiểu là giá trị tham chiếu của từng hệ thống máy theo hãng. Hiện tại, Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang thực hiện xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu trên hai hệ thống máy của hai hãng khác nhau nên không thể tránh khỏi giá trị tham chiếu của từng hãng khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay Khoa Xét nghiệm có cài đặt giá trị tham chiếu của Khoa, dựa trên số liệu cỡ mẫu thực tiễn chạy và các điều kiện thực tế mà Khoa đã xây dựng được.
Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu Bảng chỉ số bình thường theo máy nhóm nước tiểu để quý đồng nghiệp và khách hàng có thể tham khảo thêm đồng thời có thể đóng góp ý kiến cho Khoa Xét nghiệm hoàn thiện hơn nữa trong công tác phục vụ lâm sàng.
Lời khuyên cho cộng đồng
Cần định kỳ xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu để theo dõi sức khỏe và có thêm biện pháp xét nghiệm chuyên sâu hơn nữa giúp cho chẩn đoán và can thiệp kịp thời khi có triệu chứng bất thường.
Hiện tại, xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu đang được thực hiện thường quy tại Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với 03 hệ thống máy nước tiểu tự động hoàn toàn, thế hệ mới nhất sản xuất tại Mỹ và Châu Âu.