Vi hệ ở da: Cấu trúc, vai trò và các biện pháp can thiệp

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm

Bài viết Vi hệ ở da: Cấu trúc, vai trò và các biện pháp can thiệp được trích trong chương 1 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

CÁC ĐIỂM CHỐT

– Vi khuẩn chiếm đa số trong vi hệ bình thường ở da, trong đó giới chính là Actinobacteria.

– Vi hệ bình thường có các chức năng: bảo vệ cơ thể khỏi các vi sinh vật gây hại, tác động tới hệ miễn dịch tự nhiên cũng như thu được của cơ thể.

– Khi rối loạn vi hệ ở da sẽ sinh ra các bệnh lý khác nhau: viêm da cơ địa, trứng cá, trứng cá đỏ…

– Trục da – ruột ảnh hưởng lẫn nhau do có nhiều sự tương đồng, bệnh lý ở da và ruột có mối liên quan tới nhau.

– Probiotics là “vi sinh vật sống khi đưa một lượng cần thiết đầy đủ vào cơ thể đem lại hiệu quả có lợi cho cơ thể”. Probiotics có thể được bổ sung qua đường bôi hoặc đường uống.

Prebiotics và postbiotics hay được sử dụng ở dạng bôi để can thiệp vào vi hệ, giúp điều trị các bệnh trứng cá, viêm da cơ địa…

1. CẤU TRÚC VI HỆ BÌNH THƯỜNG CỦA DA

Da là cơ quan lớn nhất của cơ thể và là hàng rào vật lý ngăn cản sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh vào trong cơ thể. Đặc điểm môi trường của da là nghèo dinh dưỡng, khá khô và có tính acid, điều kiện này được xem là khá khắc nghiệt cho sự tồn tại của vi sinh vật. Tuy nhiên, trên da vẫn có hệ vi sinh vật rất phong phú.

Da là nơi cư trú của hàng triệu vi khuẩn, nấm và virus cấu tạo nên vi hệ trên. Vi hệ này có vai trò trong việc bảo vệ chống lại các mầm bệnh xâm nhập, “giáo dục” hệ thống miễn dịch của chúng ta.

Thành phần vi hệ gồm eukaryotes (10%), viruses (30%) và vi khuẩn (60%):

– Vi khuẩn trong vi hệ da chứa tổng lượng khoảng 1010, trong đó có 4 giới (phylum) chính Actinobacteria (36-51%), Firmicutes (24-34%), Proteobacteria (6-11%), Bacteroidetes (6-9%). Actinobacteria đại diện cho giới chứa các vi khuẩn Gram âm có chứa nhiều G và C trong DNA (trong đó Propionibacterium, Corynebacterium, Cutibacterium… là các chi hay gặp nhất). Thành phần và % mỗi loại vi khuẩn ở da phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nhiệt độ, pH, tiếp xúc với tia cực tím, độ ẩm, lượng bã nhờn trên da:

  • Vùng da mỡ: chủ yếu là chi Propionibacterium, tiếp đó là chi Staphylococcus và chi Corynebacterium.
  • Vùng da ẩm như vùng kẽ: chủ yếu Staphylococcus và Corynebacterium.
  • Vùng da khô như lòng bàn tay bàn chân: chủ yếu là Betaproteobacteria.

– Micro-eukaryotes trên da chủ yếu là nấm, trong đó nấm Malassezia chiếm cao nhất (80%), sau đó đến Penicillium. Không giống như vi khuẩn, thành phần của các loại nấm khá tương tự nhau ở các vùng khác nhau của cơ thể. Trong đó, các loài Malassezia chiếm ưu thế ở thân mình, cánh tay; còn ở chân chủ yếu là Malassezia spp., Aspergillus spp., Cryptococcus spp., Rhodotorula spp., Epicoccum spp.

– Virus: ngược lại với vi khuẩn và nấm, sự phân bố của virus trong vi hệ da là đặc trưng cho từng cá thể chứ không liên quan đến vị trí giải phẫu. β, γ human papillomaviruses và Molluscum contagiosum virus là đại diện các loại virus hay gặp nhất trong vi hệ ở da.

Phân bố của vi khuẩn ở da phụ thuộc vào vị trí trên cơ thể: nơi khô, ẩm, vùng nang lông
Phân bố của vi khuẩn ở da phụ thuộc vào vị trí trên cơ thể: nơi khô, ẩm, vùng nang lông

Sự phân bố, rối loạn vi hệ ở da phụ thuộc vào yếu tố bên ngoài và bên trong:

  • Yếu tố bên ngoài: ví dụ tia cực tím làm giảm số lượng vi khuẩn ở vi hệ, uống quá nhiều rượu, thiếu vitamin, pH da, nhiệt độ, vị trí trên cơ thể (sẽ có môi trường khác nhau nên sự phân bố vi hệ khác nhau)… sẽ làm thay đổi vi hệ trên da.
  • Yếu tố bên trong: sự bài tiết quá nhiều chất nhờn thuận lợi cho sự phát triển của acnes, từ đó xuất hiện trứng cá.

2. VAI TRÒ CỦA VI HỆ Ở DA

2.1. Bảo vệ chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh

Ở trạng thái bình thường, khi vi hệ da ở trạng thái cân bằng nó được xem như một tấm khiên bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Sự cân bằng của vi hệ phụ thuộc vào các yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Sự mất cân bằng của vi hệ có liên quan đến một số bệnh lý da:

  • Viêm da cơ địa là một trong những bệnh có liên quan nhiều tới rối loạn vi hệ ở da trong đó có sự gia tăng của tụ cầu vàng Staphylococcus aureus và Cutibacterium acnes. Mỗi lần viêm da cơ địa tái phát thì trước đó sự hiện diện của 2 loại vi khuẩn này tăng lên.
  • Trứng cá đỏ được coi là bệnh có liên quan tới Demodex, ký sinh trùng này liên quan chặt chẽ tới các loại vi khuẩn như Corynebacterium kroppenstedtii subsp. demodicis, Bacillus oleronius và Bacillus cereus. Rối loạn vi hệ, sự sụt giảm của acnes cũng được cho là có sự liên quan tới bệnh trứng cá đỏ.
  • Bệnh vảy nến cũng có thể liên quan tới sự rối loạn vi hệ trên da với sự sụt giảm Cutibacterium cũng như rối loạn của Corynebacterium, Staphylococcus.

Bệnh trứng cá từ xưa đến nay được cho là có sự liên quan tới C. acnes, tuy nhiên, chúng ta biết rằng C. acnes cũng thuộc thành phần vi hệ của da, trước đây người ta cho rằng trong bệnh trứng cá vi khuẩn này tăng lên. Nhưng vài nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng: lượng C. acnes của những người bị trứng cá không tăng hơn so với người thường. Thay vì đó, sự rối loạn trong các dưới type của C. acnes mới là yếu tố quan trọng trong bệnh trứng cá. Hiện tại chúng ta biết 6 dưới type của C. acnes: IA1, IA2, IB, IC, II (defendens), III (elongatum). Trong bệnh trứng cá dưới type IA1 tăng lên, làm mất sự đa dạng của 6 dưới type C. acnes.

Ở người thường, sự đa dạng về các dưới type của C. acnes rõ. Khi bị trứng cá sự đa dạng này mất, dưới type IA1 tăng lên
Ở người thường, sự đa dạng về các dưới type của C. acnes rõ. Khi bị trứng cá sự đa dạng này mất, dưới type IA1 tăng lên

C. acnes và S. epidermis đóng vai trò quan trọng trong việc ức chế hoạt động của vi khuẩn gây hại khác như S. pyogenes, S. aureus. Thêm vào đó, C. acnes cũng có vai trò làm giảm quần thể tụ cầu vàng kháng lại methicillin phát triển.

Vậy làm thế nào để hai vi khuẩn trên làm được điều này: thứ nhất, C. acnes sinh ra chất kháng khuẩn là các acid béo từ bã nhờn từ đó làm giảm sự sinh trưởng và phát triển của các vi khuẩn khác, đồng thời làm gia tăng sự phát triển của Malassezia. Thứ hai, tụ cầu da S. epidermis sinh ra human host antimicrobial peptide (AMPs) để làm giảm số lượng của các vi khuẩn khác.

2.2. Tác động lên hệ miễn dịch của cơ thể

Vi hệ không chỉ là hàng rào vật lý chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh mà nó còn được xem là hàng rào miễn dịch của cơ thể. Điều này đạt được là nhờ sự tương tác của các sinh vật trong vi hệ lên hệ miễn dịch của da: vi hệ tác động vào các tế bào miễn dịch tự nhiên của cơ thể để sản sinh ra AMPs, ngăn ngừa sự xuất hiện của các chất gây viêm sản sinh từ các tế bào miễn dịch thu được của cơ thể (đặc biệt là IL-8).

Các yếu tố ảnh hưởng tới vi hệ ở da như thuốc, chấn thương, lối sống, tiếp xúc ánh sáng, tuổi tác… sẽ tác động tới hệ miễn dịch điều hoà sản xuất AMPs, từ đó ức chế vi khuẩn có hại.
Các yếu tố ảnh hưởng tới vi hệ ở da như thuốc, chấn thương, lối sống, tiếp xúc ánh sáng, tuổi tác… sẽ tác động tới hệ miễn dịch điều hoà sản xuất AMPs, từ đó ức chế vi khuẩn có hại.
Vi hệ tác động tới hệ miễn dịch tự nhiên ở da → sản xuất AMPs. Ngoài ra, nó còn tác động vào các tế bào miễn dịch thu được, giảm sản xuất chất trung gian gây viêm.
Vi hệ tác động tới hệ miễn dịch tự nhiên ở da → sản xuất AMPs. Ngoài ra, nó còn tác động vào các tế bào miễn dịch thu được, giảm sản xuất chất trung gian gây viêm.

Một trong những AMPs đó là β-defensins không chỉ có tác dụng kháng khuẩn mà còn có tác dụng kích thích tế bào đáy hình thành nên các tế bào thượng bì giúp tái tạo thượng bì nhanh hơn, vì vậy, vi hệ còn tham gia vào quá trình lành thương của cơ thể.

3. TRỤC VI HỆ DA – RUỘT ẢNH HƯỞNG LẪN NHAU

Sự rối loạn cân bằng vi hệ ở ruột có thể liên quan tới bệnh trứng cá, trứng cá đỏ, viêm da cơ địa và một số bệnh da khác do da – ruột có các điểm tương đồng:

  • Đầu tiên da và ruột có cùng cấu trúc là các tế bào biểu mô. Để bảo vệ cơ thể, da có lớp sừng là keratin, trong khi niêm mạc tiêu hóa có cấu trúc có chức năng giống keratin là lớp glycoprotein. Thêm vào đó, pH của da có tính chất acid 5.4-5.9 trong khi pH của đường tiêu hóa cũng có tính acid.
  • Yếu tố bảo vệ ở da và ruột tương đồng nhau khi đều có antimicrobial peptides (AMPs), phagocytes và tế bào lympho bẩm sinh.
  • Ruột và da có tỉ lệ đổi mới tế bào rất nhanh, tương đồng nhau. Trong bệnh inflammatory bowel disease (IBD), vảy nến đều có tỉ lệ đổi mới tế bào nhanh bất thường.
  • Ruột là nơi rất nhiều tuyến nội tiết tiết ra các hormon, thêm vào đó, một vài chất giống hormon tiết ra bởi vi sinh vật ở ruột có thể vào tuần hoàn và ảnh hưởng tới da.

Sự liên quan giữa da và ruột:

  • Chế độ ăn, môi trường ảnh hưởng tới bệnh lý ở da, ruột. Ví dụ, chế độ ăn phương Tây ảnh hưởng tới sự xuất hiện các bệnh viêm qua trung gian miễn dịch như bệnh vảy nến, viêm da cơ địa, viêm khớp dạng thấp. Chế độ ăn giàu mỡ gây giảm AMPs từ đó gây rối loạn vi hệ ở ruột (giảm Firmicutes, Bacteroidetes) từ đó gây bệnh. Bệnh Coeliac liên quan tới nhạy cảm với gluten cũng liên quan tới tổn thương ở da. Bệnh Duhring-Brocq có thể giảm nhiều hoặc hết nếu như chúng ta có chế độ ăn không có gluten trong thời gian dài. Bệnh viêm da cơ địa liên quan tới dị ứng thức ăn.
  • Việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời làm tăng tổng hợp vitamin D3, từ đó ảnh hưởng tới sự đa dạng của các vi khuẩn α, β trong vi hệ ở ruột.
  • Rối loạn vi hệ ở ruột thường liên quan tới bệnh của da: 7-11% bệnh nhân IBD bị vảy nến. Bệnh trứng cá vi hệ ở ruột giảm Firmicutes. Viêm da cơ địa vi hệ ở ruột tăng Faecalibacterium prausnitzii, Clostridium, Escherichia trong khi giảm Akkermansia, Bacteroidetes, Bifidobacterium. Việc bổ sung các probiotics này có thể có tác dụng trong bệnh viêm da cơ địa và trứng cá.

4. CÁC KHÁI NIỆM

Probiotics là “vi sinh vật sống khi đưa một lượng cần thiết đầy đủ vào cơ thể đem lại hiệu quả có lợi cho cơ thể”. Các vi khuẩn thường là lactobacilli, bifidobacterium và enterococci phù hợp với vi hệ ở ruột.

Prebiotics là các loại carbohydrate nuôi dưỡng probiotics, giúp các vi khuẩn này phát triển. Loại hay gặp nhất là oligosaccharides.

Postbiotics: là sản phẩm của probiotics trong quá trình lên Nói dễ hiểu nó là những “chất thải” của probiotics trong quá trình chúng ăn prebiotics. Nó bao gồm các acid hữu cơ, enzyme, chất kháng khuẩn…

Liều lượng probiotics tính bằng colony forming units (cfu): liều dưới 10⁷ cfu/ngày ít hoặc không mang lại được các cải thiện trên lâm sàng. Liều probiotics (phụ thuộc vào phương pháp xử lý và cách thức sử dụng) được sử dụng nhiều nhất trong các nghiên cứu là 10⁸-1010 cfu/ngày.

5. BIỆN PHÁP CAN THIỆP THÔNG QUA VI HỆ CỦA DA

Có các cách như bôi probiotics, prebiotics, postbiotics hoặc uống probiotics. Việc bôi probiotics hạn chế vì không biết chính xác lượng vi khuẩn đưa vào và tỉ lệ sống của vi khuẩn là bao nhiêu. Hiện nay bôi prebiotics, postbiotics hay được sử dụng nhất vì dễ bào chế và đóng gói:

  • Postbiotics đã có những nghiên cứu có tác dụng chống lại tia UV, tăng sắc tố và tụ cầu vàng. Ngoài ra, postbiotics còn giúp tăng cường khả năng sống của probiotics.
  • Aquaphilus dolomiae là vi khuẩn có trong nước khoáng Avène, qua quá trình chiết tách lấy postbiotics để đưa vào sản phẩm để điều trị viêm da cơ địa. Trong nghiên cứu của hãng, chất này có tác dụng ức chế 65% marker gây viêm là IL-18, giảm ngứa qua ức chế PAR-2 và kích thích tế bào miễn dịch bẩm sinh để sinh defensin chống lại sự hoạt động của S. aures.
Xeracalm của Avène có chứa postbiotics của vi khuẩn Aquaphilus dolomiae ngoài ra, còn có Cer-omega và một số chất có dưỡng ẩm khác như glycerin, dầu khoáng, capric triglyceride, dầu hoa anh thảo… thích hợp cho viêm da cơ địa.
Xeracalm của Avène có chứa postbiotics của vi khuẩn Aquaphilus dolomiae ngoài ra, còn có Cer-omega và một số chất có dưỡng ẩm khác như glycerin, dầu khoáng, capric triglyceride, dầu hoa anh thảo… thích hợp cho viêm da cơ địa.

Các biện pháp bổ sung probiotics vào da:

  • Ghép probiotics sống vào da: ưu điểm là ghép trực tiếp vi khuẩn vào nhưng tỉ lệ vi khuẩn sống được khi ghép da là một vấn đề bởi vì môi trường khác nhau: trước khi được ghép chúng được sống trong môi trường nuôi cấy giàu đường, khi ghép vào da chuyển sang môi trường giàu chất béo. Vì vậy, khi ghép probiotics sống vào da ít có khả năng tương thích, gây kích ứng, gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch.
  • Đưa vi khuẩn bị bất hoạt bởi nhiệt nhưng các enzyme và chất tiết của vi khuẩn vẫn vào da (một dạng postbiotics).
  • Đưa vi khuẩn bị phá huỷ, tế bào bị ly giải nhưng enzyme vẫn còn hoạt động (một dạng postbiotics) vào da.
  • Enzyme tinh khiết của vi khuẩn được thêm vào.
  • Sản phẩm của quá trình lên men: chất chống oxy hóa, amino acids, lipids và hoặc vitamins được thêm vào da.
  • Cung cấp dưỡng chất cho probiotics phát triển (prebiotics). Khi cung cấp prebiotics chính xác sẽ tăng cường phát triển vi khuẩn mà chúng ta mong muốn. Ưu điểm của phương pháp là ít gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch nên ít tác dụng phụ. Tuy nhiên, hiệu quả của phương pháp này không cao vì tác động gián tiếp, có thể kích thích những vi khuẩn khác phát triển.

5.1. Trong bệnh trứng cá

Cutibacterium acnes là một trong 4 cơ chế bệnh sinh trong trứng cá. Trước khi tên gọi hiện tại ra đời, acnes có các tên gọi khác nhau:

  • Đầu tiên, nó được đặt tên là Bacillus acnes, sau đó chuyển sang Corynebacterium acnes bởi vì có hình dạng giống với trực khuẩn bạch hầu. Về sau, vì có khả năng sinh propionic acid từ chuyển hóa yếm khí dầu nên nó được phân loại trong chi Propionibacterium.
  • Khi phân tích gen biểu hiện 16S rRNA thấy vi khuẩn này khác so với chi Propionibacterium, từ đó người ta phân ra một chi mới Chi này có nhiều loài như C. acnes, C. avidum, C. granulosum. Dựa theo cấu trúc vách tế bào, C. acnes được chia thành các dưới loài I, II, III trong đó dưới loài I chia thành IA1, IA2, IB, IC. Nếu dựa theo phân tích gen 16S rRNA C. acnes có thể chia thành ribotypes (RTs) như RT4, RT5, RT8 thấy trong bệnh trứng cá, trong khi RT2, RT6 thấy ở da khỏe mạnh. Một số quan điểm cho rằng việc phân chi Propionibacterium thành một chi mới Cutibacterium không thay đổi việc điều trị mà lại gây ảnh hưởng nhiều tới việc đào tạo, chỉnh sửa danh pháp… và đặc biệt, dễ nhầm Cutibacterium acnes thành Corynebacterium acnes (cũng viết tắt là C. acnes) như lúc ban đầu.

Trước đây chúng ta nhầm tưởng rằng acnes tăng trong da bệnh nhân trứng cá. Hiện tại người ta thấy rằng sự mất đa dạng của dưới type C. acnes với sự tăng của IA1 so với dưới type khác mới là nguyên nhân chính gây trứng cá. Sự mất đa dạng của dưới type C. acnes làm hoạt hóa hệ miễn dịch tự nhiên của cơ thể, kích thích quá trình viêm như sau:

  • Trong 1 thử nghiệm người ta ủ da chỉ với acnes dưới type IA1 thấy rằng các chất gây viêm như IL-6, IL-8, IL-10, IL-17 tăng lên so với việc ủ da với cả IA1 + II + III. Khi bổ sung các dưới type để đa dạng lại C. acnes phản ứng viêm giảm.
  • Khi dùng extracellular vesicles là một sản phẩm của acnes tác động vào da chuột thấy xuất hiện các triệu chứng giống bệnh trứng cá.
Mô hình minh hoạ cách C. acnes tác động vào hệ miễn dịch tự nhiên:
Mô hình minh họa cách C. acnes tác động vào hệ miễn dịch tự nhiên

C. acnes sinh ra các chất như proteases, lipoproteins, lipases sau đó những chất này được nhận biết bởi các receptors trên các tế bào ở thượng bì như PAR-2, TLR-2, 4… từ đó kích hoạt con đường truyền tin thứ 2 như NF-κB sản sinh ra các chất gây viêm như IL-6, IL-8… những chất này kích hoạt hệ thống miễn dịch thu được sinh các chất viêm như IL-17, INF-γ gây ra trứng cá mụn viêm.

Tụ cầu da epidermidis có liên hệ qua lại với C. acnes: S. epidermidis kích thích quá trình lên men glycerol từ đó sinh ra succinic acid, chất này sẽ ức chế hoạt động của C. acnes. Thêm vào đó, tụ cầu da ngăn chặn quá trình kích thích của C. acnes vào tế bào sừng để sản sinh ra chất gây viêm là IL-6 và TNF-α. Ngược lại, C. acnes ức chế hoạt động của S. epidermidis bằng cách giữ môi trường da ở pH acid…

Malassezia gần đây cũng được đề cập tới những trường hợp trứng cá kháng trị. Tuy nhiên, cơ chế chính xác vẫn chưa được xác định.

Sự thay đổi của hệ vi sinh đường ruột có ảnh hưởng đến cơ chế bệnh sinh của trứng cá, thông qua trục ruột – Trong trứng cá giảm Firmicutes và tăng Bacteroides ở ruột, chính vì vậy chúng ta có thể bổ sung probiotics để điều hoà lại sự rối loạn này:

  • Nghiên cứu 45 nữ trứng cá nhẹ, trung bình chia thành 3 nhóm: kết hợp Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus delbrueckii bulgaricus và B. bifidum; nhóm dùng minocycline đơn thuần và nhóm phối hợp 2 phương pháp cho thấy có hiệu quả của probiotics tương tự minocycline, giảm 67% tổn thương sau 12 tuần trong khi ít tác dụng phụ. Kết hợp probiotics uống và minocyclin cho hiệu quả tốt hơn.
  • Một nghiên cứu khác dùng lactoferrin là 1 loại đạm whey trộn với sữa lên men chứa bulgaricus và S. thermophilus trong 12 tuần thấy giảm 30% tổn thương viêm so với nhóm dùng probiotics đơn thuần. Mức độ tiết dầu cũng giảm ít nhất 50% ở bệnh nhân uống probiotics. Một thử nghiệm gần đây sử dụng L. rhamnosus SP1 trong 12 tuần có giảm mức độ mụn lưng có ý nghĩa so với nhóm giả dược.
Viên Acniover của Marti Derm chứa prebiotics và các probiotics như L. acidophilus, L. gasseri, L. casei, L. plantarum, L. lactis, B. coagulans, uống ngày 1 viên.
Viên Acniover của Marti Derm chứa prebiotics và các probiotics như L. acidophilus, L. gasseri, L. casei, L. plantarum, L. lactis, B. coagulans, uống ngày 1 viên.

Vậy việc bôi probiotics, prebiotics, postbiotics… có giúp làm giảm trứng cá và dự phòng bệnh trứng cá hay không? Đây là câu hỏi các nhà khoa học đang tìm câu trả lời:

  • Một nghiên cứu mới pha IIb/III chứng minh rằng: bôi Nitrosomonas eutropha 2 lần/ngày trong 12 tuần giảm 2 điểm về bảng IGA trong trứng cá so với nhóm chứng, giảm các tổn thương viêm. Tuy nhiên, vì đây là vi khuẩn ngoại lai nên khi dừng, tổn thương tái phát.
Pravotin chứa lactoferrin + sữa lên men có L. bulgaricus và S. thermophilus.
Pravotin chứa lactoferrin + sữa lên men có L. bulgaricus và S. thermophilus.
  • S. epidermidis có trong vi hệ bình thường có thể ức chế C. acnes. Một thử nghiệm dùng gel tụ cầu da bôi 2 lần/tuần làm thay đổi hệ vi sinh vật của da và tăng cường thêm hệ sinh vật. Vì vậy, dùng S. epidermidis phù hợp hơn so với các loài ngoại lai như N. eutropha ở trên.
  • Ghép tụ cầu da ở vùng khác vào vùng mặt: trong nghiên cứu dùng tụ cầu da bôi 2 lần/tuần làm tăng khả năng giữ nước của vùng mặt, giảm pH của da từ 5.5 xuống 5.
  • Một trong những hướng mới trong điều trị bệnh trứng cá đó là việc sử dụng virus có khả năng thực bào những dưới type acnes có hại (IA1) mà giữ lại những cá thể C. acnes có lợi, từ đó kiểm soát bệnh trứng cá tốt hơn.
  • AMPs như đã trình bày ở trên là một trong những chất kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn có hại có thể là một trong những chất kháng sinh đường bôi được sử dụng trong điều trị trứng cá trong tương lai.

5.2. Viêm da cơ địa

Trong viêm da cơ địa, rối loạn chức năng của hàng rào da và rối loạn điều hoà miễn dịch tại chỗ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Trong bệnh này, có sự tăng số lượng tụ cầu vàng, giảm các vi khuẩn cư trú khác. Một nghiên cứu gần đây cho thấy giảm sự đa dạng hệ vi sinh vật trong viêm da cơ địa, mức độ giảm này có liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh: giai đoạn nặng thấy tỉ lệ tụ cầu vàng cao, trong những trường hợp nhẹ hơn thấy chủ yếu là tụ cầu da. Hệ vi khuẩn đường ruột cũng có liên quan đến viêm da cơ địa, ở những trẻ mắc viêm da cơ địa có liên quan đến IgE cũng giảm sự đa dạng trong hệ vi khuẩn đường ruột và có tỉ lệ bifidobacteria thấp hơn. Sự di chuyển sớm Escherichia coli vào ruột trong 2 tháng đầu đời liên quan tới giảm tỉ lệ bị viêm da cơ địa.

Trong bệnh viêm da cơ địa tụ cầu vàng phát triển có thể là do antimicrobial peptides (AMPs) thiếu hụt. Một trong những vi khuẩn như S. epidermidis và S. hominis trong vi hệ có thể sản sinh ra AMPs sẽ làm giảm tụ cầu vàng. Khi dùng các vi khuẩn này của chính cơ thể bệnh nhân (vùng da không bị viêm da cơ địa), nhân bản lên sau đó ghép lại cho chính bệnh nhân sẽ làm giảm lượng tụ cầu vàng.

Nitrosomonas eutropha là 1 loại vi khuẩn ngoại lai cũng được áp dụng trong viêm da cơ địa và trứng cá đỏ.

Các loại probiotics như Lactobacillus casei, Lactobacillus paracasei, Lactobacillus rhamnosus, Lactobacillus salivarius, Lactobacillus fermentum, Bifidobacterium animalis, Bifidobacterium longum, Bifidobacterium breve… và các loại hỗn hợp, với liều 1-10 tỉ cfu/ngày đã chứng minh được tác dụng trong bệnh viêm da cơ địa. Thời gian dùng ít nhất 2 tháng.

Probiotics đặc biệt tác dụng ở trẻ viêm da cơ địa kèm theo dị ứng thức ăn. Thuốc an toàn cho phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ sơ sinh.

Viên uống Latopic 1 viên chứa 1 tỷ cfu chứa 50% Lactobacillus casei, 25% Lactobacillus rhamnosus ŁOCK 0908, 25% Lactobacillus rhamnosus: ngày uống 1-2 viên.
Viên uống Latopic 1 viên chứa 1 tỷ cfu chứa 50% Lactobacillus casei, 25% Lactobacillus rhamnosus ŁOCK 0908, 25% Lactobacillus rhamnosus: ngày uống 1-2 viên.

Uống probiotics trong lúc có thai, cho con bú, cho bé uống probiotics sớm ngay sau sinh làm giảm nguy cơ viêm da cơ địa cho em bé.

5.3. Vảy nến

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng: rối loạn hệ vi sinh vật ở da có thể kích hoạt con đường Th17 trong vảy nến. Vài thử nghiệm chứng minh có sự khác biệt về hệ sinh vật ở vùng da có tổn thương vảy nến (giảm đa dạng hơn) so với vùng da lành. Tổn thương vảy nến hay gặp Actinobacteria, ngược lại ít gặp Staphylococcus aureus và Streptococcus pyogenes hơn so với da lành.

Cho đến nay, dữ liệu về hiệu quả của probiotics ở vảy nến còn nhiều hạn chế. Một nghiên cứu dùng Bifidobacterium infantis trong 8 tuần ở bệnh nhân vảy nến làm giảm có ý nghĩa nồng độ CRP, TNF-alpha, nhưng không có sự khác biệt về lâm sàng. Tuy nhiên, ở mô hình vảy nến ở chuột, dùng Lactobacillus pentosus GMNL-77 đường uống làm giảm TNF-alpha, IL-23, IL-17, giảm tổn thương dát đỏ bong vảy.

5.4. Hướng mới trong kiểm soát mùi cơ thể

Mùi cơ thể là do vi khuẩn tiết ra các chất có mùi khó chịu. Một trong những biện pháp được áp dụng đó là dùng tụ cầu da ghép vào vùng hôi nách có thể cải thiện được tình trạng này.

5.5. Viêm da dầu

Viêm da dầu được coi là biểu hiện của sự đáp ứng viêm da với acid béo tự do sản xuất bởi nấm Malassezia. Nồng độ Malassezia không liên quan đến mức độ nặng của bệnh nhưng khi giảm số lượng nấm, bệnh viêm da dầu giảm. Giảm độ đa dạng vi khuẩn cũng có liên quan đến độ nặng của bệnh.

Các nhà khoa học bắt đầu đánh giá hiệu quả của probiotics trong viêm da dầu. Dùng filiformis bôi tại chỗ làm giảm ngứa đỏ, vảy ở một nghiên cứu mù đôi trên 60 bệnh nhân. Vitreoscilla filiformis làm tăng sản xuất IL-10 bởi tế bào gai và tăng hoạt động của T điều hoà. Bệnh nhân uống L. paracasei cũng làm giảm gàu, đỏ da. Tương tự với Vitreoscilla, L. paracasei kích thích sản xuất IL-10 qua yếu tố phát triển trung gian – beta, dẫn đến các giả thuyết về dùng probiotics uống và bôi trong viêm da dầu.

5.6. Lành thương

Phản ứng viêm kéo dài và rối loạn hệ vi sinh ở da làm chậm lành thương. Probiotics có thể có tác động tích cực lên quá trình lành thương do điều hoà các phản ứng viêm, ức chế các vi khuẩn có hại.

Lactobacillus plantarum, fermentum bôi tại chỗ làm giảm phản ứng viêm và thúc đẩy lành thương nhanh hơn. Một vài nghiên cứu trên người chứng minh rằng những probiotics này cũng có lợi cho các vết loét mạn tính. L. plantarum làm giảm lượng vi khuẩn, giúp lành vết loét do đái tháo đường và không phải do đái tháo đường thông qua điều hoà IL-8, đại thực bào, nguyên bào sợi. Tương tự, probiotics đường uống chứa Lactobacillus cũng có hiệu quả trong điều trị loét mạn tính do đái tháo đường.

Có nhiều nghiên cứu chứng minh vai trò của probiotics ở bệnh nhân bỏng trong việc lành thương đồng thời có tác dụng phòng, điều trị nhiễm khuẩn thứ phát. Probiotics bôi chứa plantarum làm giảm nhiễm trùng Pseudomonas aeruginosa trên mô hình chuột bị bỏng. Ở người, dùng L. plantarum trong bỏng độ 2, 3 có tác dụng như bạc sulfadiazine trong việc giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, giảm số lượng vi khuẩn, đồng thời kích thích mô hạt, lành thương tốt hơn.

5.7. Da nhạy cảm

Cơ chế của probiotics trong da nhạy cảm được giải thích qua cơ chế giảm khử hạt tế bào mast, giãn mạch, phù nề, giải phóng TNF-alpha, từ đó làm giảm triệu chứng trong da nhạy cảm.

Nghiên cứu năm 2009 của Audrey Guéniche trên 66 bệnh nhân nữ có da nhạy cảm sau khi đánh giá bằng test acid lactic, chia thành 2 nhóm: 33 bệnh nhân được dùng kem có chứa Bifidobacterium longum ap 10% và 33 bệnh nhân dùng giả dược. Kết quả cho thấy giảm triệu chứng có ý nghĩa sau 29 ngày ở nhóm bệnh nhân dùng Bifidobacterium longum ap 10%.

Một trong những hướng nghiên cứu mới về probiotic fractions (dùng probiotics bất hoạt trong môi trường lên men) để làm giảm viêm, giảm đỏ:

  • Vitreoscilla filiformis là một vi khuẩn được tìm thấy ở môi trường nước khoáng. Vi khuẩn này được hãng La Roche-Posay nghiên cứu từ lâu. Khi trộn với nước khoáng của hãng thì hiệu quả của nó tăng lên. Lợi khuẩn này có tác dụng tăng cường hoạt động của superoxide dismutase 2 nên có tính chất chống oxy hóa, chống lão hóa nhờ bảo vệ cơ thể khỏi oxidative stress nội sinh và ngoại sinh. Ngoài ra, Vitreoscilla filiformis còn kích thích chất kháng khuẩn nội sinh là β defensins có tính chất chống nhiễm khuẩn và có vai trò trong chống lão hóa (chi tiết xem bài peptides và yếu tố tăng trưởng). Một điều thú vị nữa vi khuẩn này có tác dụng là giảm IL-8 là một trong những chất trung gian gây viêm.
  • Lactobacillus pentosus cũng được nghiên cứu có tác dụng tương tự Vitreoscilla filiformis. Trong một thử nghiệm trên 8 người da trắng dùng cream chứa 2% Lactobacillus pentosus thấy rằng: thuốc bôi làm giảm mất nước qua thượng bì, giảm viêm thông qua giảm IL-8. Kết quả này gợi ý Lactobacillus pentosus có hiệu quả trên đối tượng da nhạy cảm.
Mineral 89 của Vichy chứa Vitreoscilla filiformis, ngoài ra còn chứa HA, niacinamide 4%, một số dưỡng ẩm khác
Mineral 89 của Vichy chứa Vitreoscilla filiformis, ngoài ra còn chứa HA, niacinamide 4%, một số dưỡng ẩm khác
Sơ đồ hiệu cơ chế hiệu quả của Lactobacillus pentosus 2% trong sản phẩm Biotilys: có tác dụng giảm mất nước qua thượng bì, chống viêm.
Sơ đồ hiệu cơ chế hiệu quả của Lactobacillus pentosus 2% trong sản phẩm Biotilys: có tác dụng giảm mất nước qua thượng bì, chống viêm.

5.8. Ung thư da

Rối loạn hệ vi sinh vật ở da có thể gây ra hiện tượng tăng sinh, từ đó tạo u. Có sự liên quan giữa nhiễm aureus và mức độ nặng của u lympho T ở da, thông qua vai trò của siêu kháng nguyên tụ cầu vàng trong việc tạo u.

Ngược lại, hệ vi sinh vật khoẻ mạnh có thể giảm tạo u do điều hoà hệ miễn dịch, kiểm soát phản ứng viêm. Lactobacilli đường uống có thể làm giảm tác hại của tia cực tím lên da, giảm nguy cơ ung thư.

6. TÍNH AN TOÀN CỦA PROBIOTICS

Probiotics chủng Lactobacillus và Bifidobacteria đã được chứng minh là có tính an toàn cao trên lâm sàng. Cho tới nay, có trên 70 thử nghiệm lâm sàng đánh giá tính an toàn của sữa hay thức ăn có bổ sung các chủng vi khuẩn này trên hơn 4000 trẻ (cả đủ tháng và non tháng) cho thấy không có tác dụng phụ nào được ghi nhận. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thực phẩm và nông nghiệp (FAO) công bố rằng: “Mối liên quan được ghi nhận giữa các nhiễm trùng hệ thống và các probiotics đã được chứng minh rất ít, chủ yếu xảy ra trên các bệnh nhân có các vấn đề y tế tiềm tàng”.

Trẻ sơ sinh có thể bị các bệnh nhiễm trùng từ các chủng vi khuẩn cư trú trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, Bifidobacteria là chủng vi khuẩn chiếm ưu thế nhất (đặc biệt ở trẻ bú mẹ) trong hệ vi sinh đường ruột của trẻ, cho đến nay chưa có bằng chứng nào về khả năng gây bệnh của Bifidobacteria được thông báo. Bifidobacteria cũng có mặt trong nhiều loại thức ăn đặc biệt là sữa chua được sử dụng trong khẩu phần ăn của trẻ khi trẻ đã cai sữa và không ghi nhận thấy trường hợp bệnh lý nào có liên quan đến nhiễm khuẩn huyết. Bifidobacteria được bổ sung trong sữa công thức và được sử dụng trên 15 năm trên toàn thế giới, đồng thời không có trường hợp bệnh lý hay tác dụng phụ nào được báo cáo.

Các nghiên cứu hiện có đưa ra khuyến cáo sử dụng Bifidobacteria đặc biệt là lactis là probiotics duy nhất có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ sinh non. Lactobacillus đặc biệt là LGG là một probiotics có tính an toàn cao, thích hợp để sử dụng cho trẻ nhỏ, trẻ lớn và người lớn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PROBIOTICS, TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà Bộ môn Nhi – Đại học Y Hà Nội

2. Yu et al, (2019). Changing our microbiome: probiotics in dermatology. British Journal of Dermatology.

3. Iman Salem et al, (2018). The Gut Microbiome as a Major Regulator of the Gut-Skin Frontiers in Microbiology. July 2018 | Volume 9 | Article 1459.

4. Mia Maguire et al, 2017. The role of microbiota, and probiotics and prebiotics in skin health. Arch Dermatol Res.

5. Audrey Gue ́niche (2009). Bifidobacterium longum lysate, a new ingredient for reactive skin, 2009 John Wiley & Sons A/S, Experimental Dermatology, 19, e1-e8.

6. Callewaert C, Knödlseder N, Karoglan A, Güell M, Paetzold Skin microbiome transplan- tation and manipulation: Current state of the art. Comput Struct Biotechnol J. 2021;19:624- 631. doi:10.1016/j.csbj.2021.01.00.

7. Lin Li et Systematic review and meta-analysis on the use of probiotic supplementation in pregnant mother, breastfeeding mother and infant for the prevention of atopic dermatitis in children. American Journal of Clinical Dermatology (2019) 20:367–377.

8. Tan-Lim CSC el al. Comparative effectiveness of probiotic strains for the treatment of pediatric atopic dermatitis: A systematic review and network meta-analysis. Pediatr Allergy Immunol. 2020 Jun 10.

9. Martin, H., Laborel-Préneron, E., Fraysse, F., Nguyen, , Schmitt, A.-M., Redoulès, D., & Davrinche, C. (2016). Aquaphilus dolomiaeextract counteracts the effects of cutaneousS. aureussecretome isolated from atopic children on CD4+T cell activation. Pharmaceutical Biology, 54(11), 2782-2785. doi:10.3109/13880209.2016.1173069.

10. Mayslich C, Grange PA, Dupin N. Cutibacterium acnes as an Opportunistic Pathogen: An Update of Its Virulence-Associated Microorganisms. 2021;9(2):303. doi:10.3390/ microorganisms9020303.

11. Alexeyev, O. A., Dekio, I., Layton, A. M., Li, H., Hughes, H., Morris, T.,… Patrick, S. (2018). Why we continue to use the name Propionibacterium acnes . British Journal of Dermatology. doi:10.1111/bjd.17085.

12. Kim J, Ko Y, Park YK et al. Dietary effect of lactoferrin-enriched fermented milk on skin surface lipid and clinical improvement of acne vulgaris. Nutrition 2010; 26:902-9.

13. De Pessemier B, Grine L, Debaere M, Maes A, Paetzold B, Callewaert Gut-SkinAxis: Current Knowledge of the Interrelationship between Microbial Dysbiosis and Skin Conditions. Microorganisms. 2021;9(2):353. doi:10.3390/microorganisms9020353.

14. Dréno B, Dagnelie MA, Khammari A, Corvec S. The Skin Microbiome: A New Actor in Inflammatory Acne. Am J Clin Dermatol. 2020;21(Suppl 1):18-24. doi:10.1007/s40257- 020-00531-1.

15. Rachida et al. Probiotic Fractions, a New Solution to Improve Skin Health by Strengthening Barrier Function, Enhancing Skin Hydration and Preventing Inflammation. SOFW; September 2014

16. Mahe YF, Perez M-J, Tacheau C, et A new Vitreoscilla filiformis extract grown on spa water-enriched medium activates endogenous cutaneous antioxidant and antimicrobial de- fenses through a potential Toll-like receptor 2/protein kinase C, zeta transduction pathway. Clin Cosmet Investig Dermatol. 2013;6:191-196. doi:10.2147/CCID.S47324.

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here