nhathuocngocanh.com – chỉ số SpO2 là một trong các chỉ số sinh tồn quan trọng của cơ thể. Trong thời gian gần đây, chỉ SpO2 được nhắc đến nhiều trong việc cấp cứu bệnh nhân nhiễm Covid-19. Vậy chỉ số SpO2 có ý nghĩa như thế nào? Hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh để tìm hiểu tổng quan chỉ số SpO2 nhé.
Chỉ số spO2 là gì?
SpO2 là tên viết tắt của Saturation of peripheral oxygen, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là độ bão hòa oxy máu ngoại vi.
Hemoglobin là một thành phần quan trọng của tế bào máu. Nó có khả năng liên kết với phân tử oxy tạo thành HbO2, từ đso máu có thể đưa oxy đi nuôi dưỡng các cơ quan. Hiện tượng bão hòa oxy trong máu xảy ra khi đủ 4 phân tử oxy gắn với Hemoglobin và no được gọi tắt là SpO2. Chỉ số SpO2 thể hiện tỷ lệ số hemoglobin gắn với oxy trên tổng số hemoglobin có trong máu. Điều này có nghĩa nếu tất cả số hemoglobin có trong máu đều liên kết với oxy thì chỉ số SpO2 bằng 100%.
Chỉ số SpO2 được coi là một trong các dấu hiệu sinh tồn của cơ thể. Khi bị thiếu oxy hầu hết các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là não, gan, tim sẽ nhanh chóng gặp phải các tác động tiêu cực. Do đó, cần phải theo dõi chỉ số SpO2 thường xuyên để kịp thời xử lý, tránh xảy ra các tình trạng nguy hiểm.
Rối loạn máu, các vấn đề về tuần hoàn và các vấn đề về phổi có thể khiến cơ thể bạn không thể hấp thụ hoặc vận chuyển đủ oxy. Đổi lại, điều đó có thể làm giảm mức độ bão hòa oxy trong máu của bạn.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số SpO2
Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến độ bão hòa oxy của bạn bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp (cảm lạnh, cúm, COVID-19), vì chúng có thể ảnh hưởng đến hô hấp của bạn. Do đó không cung cấp đủ oxy, khiến cho lượng oxy gắn với hemoglobin giảm.
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) : một nhóm bệnh phổi mãn tính gây khó thở.
- Hen suyễn : một bệnh mãn tính khiến đường thở bị thu hẹp.
- Tràn khí màng phổi: Khi mắc bệnh lý này bạn sẽ bị xẹp một phần hoặc toàn bộ phổi làm giảm khả năng cung cấp oxy.
- Thiếu máu : thiếu các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
- Thuyên tắc phổi : khi cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch phổi.
- Dị tật tim bẩm sinh : một tình trạng cấu trúc tim có ngay từ khi mới sinh.
Chỉ số SpO2 bao nhiêu là bình thường?
Chỉ số SpO2 được biểu thị bằng đơn vị %. Nếu chỉ số SpO2 là 98% có nghĩa là hồng cầu được tạo ra bởi 98% hemoglobin oxy hóa và 2% không oxy hóa hemoglobin. Giá trị SpO2 ở người bình thường sẽ dao động từ 95 – 100%.
Giá trị chỉ số SpO2 dưới 95% là dấu hiệu cảnh báo mức bão hòa oxy kém hay còn được gọi là thiếu oxy trong máu. Khi gặp phải tình trạng này các cơ quan trong cơ thể sẽ bị suy giảm chức năng và không thể hoạt động được một cách bình thường. Thang đo tiêu chuẩn chỉ số SpO2 ở người bình thường như sau:
- Với mức SpO2 từ 97-100% được đánh giá là chỉ số oxy trong máu tốt.
- Giá trị chỉ số SpO2 từ 94-96%: Chỉ số bão hòa oxy máu ở mức trung bình, cần theo dõi, tìm hiểu nguyên nhân và cân nhắc việc sử dụng oxy.
- Giá trị SpO2 từ 90-93%: Chỉ số bão hòa oxy trong máu thấp cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để điều trị sớm.
- Giá trị SpO2 dưới 90% được đánh giá là suy hô hấp nặng, cần phải cấp cứu.
Thang đo chỉ số SpO2 ở trẻ sơ sinh và trẻ em giống như ở người lớn. Tức là mức an toàn từ 95-100%, khi dưới 90% cần báo cáo cho bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.
Ý nghĩa của chỉ số SpO2 đối với sức khỏe
Chỉ số SpO2 có ý nghĩa quan trọng trong các trường hợp sau:
Trong hồi sức cấp cứu
SpO2 được coi là chỉ số sống còn cơ bản của bệnh nhân hồi sức cấp cứu. Thông qua chỉ số SpO2 trên máy đo mà bác sĩ có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Từ đó, sẽ có phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân, đặc biệt là các bệnh nhân đang phải sử dụng máy thở hoặc thở oxy.
SpO2 có ý nghĩa trong phát hiện ngộ độc khí CO
CO là một loại khí độc, có nhiều trong khí đốt than. Nó có khả năng thay thế khi O2 gắn vào Hemoglobin làm giảm HbO2 có trong máu. Điều này làm giảm độ bão hòa oxy trong máu. Khi có nguy cơ nhiễm độc CO2 người bệnh sẽ được đo chỉ số SpO2 để chẩn đoán chính xác có bị nhiễm độc CO hay không?
Hỗ trợ điều trị các bệnh lý hô hấp
Những bệnh nhân có chỉ số SpO2 dưới 94% được đánh giá là thiếu oxy trong máu và cần được thở máy (nếu người bệnh không thể tự thở) hoặc thở oxy. Với những người làm việc trong điều kiện bí khí, sau khi ra môi trường thoáng khí sẽ được bổ sung oxy và được điều chỉnh lượng oxy cho bệnh nhân thở cho đến khi SpO2 ở mức ổn định 97-100%. Để làm được điều này thì máy đo chỉ số SpO2 có vai trò rất lớn.
Chỉ số SpO2 tham gia chẩn đoán mức độ nguy hiểm của bệnh Covid-19
Đối với điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 việc đo chỉ số SpO2 có ý nghĩa rất lớn trong việc cấp cứu kịp thời khi bệnh nhân trở nặng nhưng chưa có dấu hiệu tím tái. Với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 có chỉ số SpO2 ở mức quá thấp cần được theo dõi kỹ lưỡng cả về các dấu hiệu lâm sàng để được cấp cứu kịp thời.
Các bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xếp vào mức độ nhẹ sẽ có các biểu hiện:
- Chỉ số SpO2 > 96%.
- Các biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, mệt mỏi, đau đầu, mất vị giác, khứu giác…
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 mức độ trung bình có biểu hiện:
- Chỉ số SpO2 94-96%.
- Các biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ.
- Kèm theo khó thở, thở gấp 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ, mạch nhanh hoặc chậm, nhịp tim nhanh, không có dấu hiệu suy hô hấp nặng.
Biểu hiện của bệnh nhân nhiễm Covid-19 mức độ nặng:
- Chỉ số SpO2 < 94%.
- Nhịp thở nhanh trên 25 nhịp/phút, khó thở.
- Nhịp tim nhanh hoặc chậm, huyết áp bình thường hoặc tăng, mệt mỏi.
Với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở mức độ nặng nếu đã được hỗ trợ thở oxy lưu lượng 5-10 L/phút nhưng SpO2 không trên 94% thì bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp cao hơn và cần có biện pháp can thiệp sâu hơn.
Các triệu chứng thường gặp của giảm chỉ số SpO2
Khi chỉ số SpO2 thấp sẽ xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó. Những dấu hiệu và triệu chứng này bao gồm:
- Nhức đầu (nhẹ đến nặng).
- Hụt hơi
- Chóng mặt
- Ho khan.
- Thở khò khè (thở kèm theo tiếng rít hoặc ran rít trong lồng ngực).
- Hoang mang, bồn chồn, lo lắng.
- Tim đập loạn nhịp, đau ngực.
- Tím tái (màu hơi xanh ở da, móng tay và môi). Đây được coi là một trường hợp nghiêm trọng nếu bạn đang gặp phải triệu chứng này cần đi khám bác sĩ ngay.
Phương pháp điều trị chỉ số SpO2 thấp
Mục tiêu điều trị trong trường hợp giảm chỉ số SpO2 là phải làm tăng nồng độ oxy trong máu. Cụ thể:
- Điều trị các tình trạng cơ bản: Điều trị nguyên nhân gây giảm oxy máu là điều quan trọng nhất của liệu pháp để mang lại hiệu quả lâu dài.
- Sử dụng liệu pháp oxy: Bạn được cung cấp oxy bổ sung thông qua một bình oxy (có thể di động). Với những bệnh nhân không thể tự thở, bác sĩ sẽ chỉ định thở máy. Áp suất của oxy được cung cấp có thể được kiểm soát.
Cách sử dụng máy đo chỉ số SpO2
Mức độ bão hòa oxy trong máu giảm là tình trạng hay gặp ở người bệnh hen phế quản, viêm phổi, hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh nhân nhiễm Covid-19. Do đó cần theo dõi độ bão hòa oxy trong máu bằng máy đo chỉ số SpO2. Vậy sử dụng máy đo SpO2 như thế nào? Cách đọc chỉ số máy đo SpO2 như thế nào?
Máy đo chỉ số SpO2 là một thiết bị không xâm lấn dùng để ước tính lượng oxy trong máu của bạn. Nó hoạt động bằng cách truyền ánh sáng hồng ngoại vào các mao mạch ở ngón tay, ngón chân hoặc dái tai của bạn. Sau đó, nó đo lượng ánh sáng bị phản xạ khỏi các chất khí. Hiện nay, có rất nhiều máy đo nồng độ oxy bão hòa trong máu. Trong đó, có cả một số loại tích hợp thêm nhiều thông tin hơn. Nhìn chung tất cả các máy đo SpO2 đều có 2 chỉ số chính là SpO2 và nhịp mạch.
Để xác định được chỉ số SpO2 bạn cần sử dụng máy đo SpO2 theo các bước dưới đây:
- Bước 1: Kiểm tra xem máy còn pin hay không, có hoạt động bình thường không. Nếu máy hết pin hay có dấu hiệu yếu pin cần sạc pin hoặc thay pin mới.
- Bước 2: Mở kẹp ở máy đo SpO2 sau đó đặt ngón tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm đến đáy cùng của máy.
- Bước 3: Ấn nút nguồn để khởi động máy. Sau vài giây kết quả sẽ hiển thị trên màn hình của máy. Chú ý không được cử động tay khi đang đo.
- Bước 4: Sau khi đo xong, rút ngón tay ra khỏi máy, máy sẽ tự động tắt sau vài giây.
Cách đọc các chỉ số trên máy đo SpO2 như sau:
Với chỉ số SpO2:
- Hiển thị dưới dạng số tại vị trí có chữ SpO2
- Đơn vị: %
- Phạm vi đo: 0-100.
- Giá trị bình thường: 95-100%.
Với chỉ số nhịp mạch:
- Hiển thị dưới dạng số tại vị trí có hình trái tim hoặc ghi chữ PR.
- Đơn vị: lần/phút.
- Phạm vi fdkn 0-254 lần/phút.
- Giá trị bình thường: 60-90 lần/phút.
Để kết quả chính xác nhất khi đo chỉ số SpO2 không được sơn móng tay, không dùng móng giả, không bôi mỹ phẩm. Chỉ số SpO2 và nhịp tim bình thường lần lượt là 95-100% và 60-90 lần/phút.
Tuy nhiên, giá trị của chỉ số SpO2 đo được từ máy đo không hoàn toàn chính xác. Giá trị của chỉ số SpO2 đo được bằng máy đo có thể bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như:
- Thiết bị đo luôn có sai số dao động trong khoảng ± 2%.
- Trong quá trình đo, bệnh nhân cử động tay.
- Bệnh nhân sơn móng tay hay sử dụng mỹ phẩm ở tay trong quá trình đo.
- Ở những bệnh nhân có bất thường về nồng độ hemoglobin trong máu có thể làm sai số máy đo SpO2.
- Bệnh nhân bị hạ thân nhiệt hay đang sử dụng có thuốc có khả năng làm co mạch nghiêm trọng.
- Bệnh nhân thiếu máu hoặc đang gặp phải tình trạng giảm tưới máu mô do hiện tượng choáng.
- Bệnh nhân hạ huyết áp.
- Bệnh nhân ngộ độc Carbon Monoxide hoặc ngộ độc methemoglobin.
Trên đây là những thông tin tổng quan về chỉ số SpO2. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với bạn đọc, đặc biệt là trong tình hình Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay. Nếu còn băn khoăn gì hãy để lại câu hỏi ở phía dưới hoặc để lại thông tin để được hỗ trợ sớm nhất.
Tài liệu tham khảo
Medically reviewed by Judith Marcin, M.D (2019), Is My Blood Oxygen Level Normal? heathline.com. Truy cập ngày 14/01/2022.