Cách nhận biết có thai và những thay đổi trên cơ thể khi mang thai

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

mang thai 1 1

Nhathuocngocanh.com – Khi mang thai, cơ thể và tâm sinh lý của người mẹ sẽ trải qua những thay đổi rất lớn. Để có 1 thai kỳ khỏe mạnh hạn chế tối đa được những ảnh hưởng xấu đến thai nhi thì người mẹ cần phải đặc biệt chú ý đến những thay đổi bình thường cũng như bất thường của cơ thể. Bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Ngọc Anh sẽ cho giúp bạn biết một cái nhìn tổng quát về cách nhận biết có thai và những thay đổi trên cơ thể khi mang thai.

Test chẩn đoán mang thai

Có hai loại xét nghiệm để chẩn đoán mang thai đó là xét nghiệm nhanh bằng mẫu nước tiểu hoặc sử dụng mẫu máu. Cả hai kiểu xét nghiệm này đều dựa trên sự phát hiện sự hiện diện của Human chorionic gonadotropin (HCG) là một hormone được sản xuất trong nhau thai. Hormone HCG được sản sinh nhanh chóng trong những tuần đầu của thai kỳ, nó có nhiệm vụ ngăn chặn sự thoái biến của hoàng thể, duy trì khả năng sản sinh Progesterone của hoàng thể – Hormone cần thiết trong quá trình mang thai.

Chẩn đoán mang thai bằng xét nghiệm nước tiểu

Chẩn đoán mang thai bằng xét việc nghiệm nước tiểu
Chẩn đoán mang thai bằng xét việc nghiệm nước tiểu

Test xác định HCG trong nước tiểu là cách nhận biết có thai bằng nước tiểu, đây là 1 xét nghiệm nhanh, đơn giản có thể phát hiện mang thai chỉ sau khoảng 10 ngày sau khi mất kinh. Bạn có thể sử dụng que thử thai để xác định mang thai vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, tuy nhiên để có được kết quả chính xác nhất bạn nên thử vào lúc sáng sớm khi mới ngủ dậy, và cần lấy mẫu nước tiểu giữa dòng. Mỗi que thử đều đi kèm với hướng dẫn sử dụng chi tiết, bạn cần đọc kỹ và làm theo hướng dẫn sử dụng để cho ra được kết quả chính xác nhất.

Lưu ý: Thời gian cho ra kết quả sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại que thử thai mà bạn sử dụng.

Chẩn đoán mang thai bằng việc lấy mẫu nước tiểu cho kết quả chính xác đến 97%, nếu thực hiện theo đúng hướng dẫn được nhà sản xuất đưa ra. Ưu điểm của loại xét nghiệm này là cho ra kết quả nhanh, có thể dễ dàng thực hiện tại nhà, chi phí thấp. Tuy nhiên nếu bạn làm không đúng hướng dẫn, hoặc thử quá sớm thì có thể cho ra kết quả không chính xác.

Nếu que thử thai cho ra kết quả âm tính, nhưng bạn vẫn thấy có các biểu hiện giống như khi mang thai (nôn, buồn nôn, đau ngực,…) thì cần chờ thêm khoảng 1 tuần rồi tiến hành xét nghiệm lại. Đồng thời cần đến cơ sở y tế sớm nhất để được tiến hành làm xét nghiệm máu nhằm có được kết quả chính xác nhất.

Test xác định HCG trong máu

Chẩn đoán mang thai bằng xét việc nghiệm máu
Chẩn đoán mang thai bằng xét việc nghiệm máu

Test xác định HCG trong máu có thể phát hiện có thai sớm hơn, khoảng 6-8 ngày sau khi trứng rụng. Có 2 loại xét nghiệm máu để chẩn đoán mang thai đó là đo lượng chính xác nồng độ HCG trong máu và xét nghiệm định tính nồng độ HCG. Chẩn đoán mang thai bằng xét nghiệm máu có nhiều hạn chế hơn so với lấy mẫu nước tiểu, bởi nó cần phải thực hiện tại bệnh viện hoặc các phòng khám chuyên khoa, giá thành cao và thời gian cho kết quả lâu.

Sự thay đổi về nội tiết tố trong thai kỳ

Thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai la 1 hiện tượng cần thiết nhằm đảm bảo cho 1 thai kỳ khỏe mạnh, đồng thời là bước đệm cho quá trình vượt cạn.

Những thay đổi trên cơ thể người mẹ trong giai đoạn mang thai
Những thay đổi trên cơ thể người mẹ trong giai đoạn mang thai

Thay đổi nội tiết tố trong 3 tháng đầu thai kỳ (0-13 tuần)

Thay đổi khi mang thai 3 tháng đầu khá là rõ ràng. Trong ba tháng đầu đời thai nhi chủ yếu tiếp nhận chất dinh dưỡng từ cơ thể mẹ thông qua hệ thống cuống rốn và nhau thai. Bánh nhau chính là nơi trao đổi CO2, Oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết từ cơ thể mẹ để nuôi bào thai. Đây cũng là nơi cân bằng nội tiết cho cơ thể mẹ, giúp cơ thể mẹ điều chỉnh lại các chức năng sinh lý để phù hợp với quá trình mang thai.

Dây rốn 1 đầu nối với bánh nhau, một đầu nối với da bụng của thai nhi, dây rốn không có hệ thống động mạch máu nuôi dưỡng mà hoạt động nhờ cơ chế thẩm thấu.

Do đó có thể nói trong giai đoạn này thai nhi hoàn toàn sống dựa vào nội tiết tố của người mẹ. Đây là giai đoạn hình thành nên các bộ phận cơ thể nên bất cứ yếu tố bất lợi nào đến người mẹ cũng có thể tạo thành ảnh hưởng nặng nề đến thai nhi.

Thay đổi nội tiết tố trong 3 tháng giữa thai kỳ (14-26 tuần)

Ba tháng giữa của thai kỳ, nồng độ Hormone nữ trong cơ thể người mẹ sẽ tăng cao, từ đó kích thích tóc mọc dài và dày hơn. Không chỉ vậy, lông trên cơ thể cũng sẽ phát triển mạnh hơn đặc biệt là ở vùng dưới cánh tay, khuôn mặt.

Sự tăng vọt của nội tiết tố nữ Progesterone, còn khiến các bắp cơ rơi vào trạng thái thả lỏng bao gồm cả hệ thống cơ ở dạ dày thực quản, từ đó khiến người mẹ thường xuyên bị ợ nóng, trào ngược, táo bón. Để khắc phục được tình trạng này, người mẹ nên chia nhỏ các bữa ăn, tăng cường ăn nhiều rau xanh và tích cực uống nhiều nước.

Thay đổi nội tiết tố trong 3 tháng cuối thai kỳ (27- 38.5 tuần)

Trong ba tháng cuối của thai kỳ, tử cung sẽ càng ngày càng lớn, chèn ép lên cơ hoành của người mẹ (cơ hoành là cơ quan chịu trách nhiệm giúp lưu thông khí vào hệ thống phổi). Từ đó, dẫn đến sự mở rộng của cơ hoành khi hô hấp sẽ bị hạn chế, gây ra tình trạng khó thở.

Đồng thời sự gia tăng nồng độ Hormone Progesterone cũng ảnh hưởng trực tiếp đến phổi, tác động lên hệ thống hô hấp trên trung tâm não, kết quả là kiến nhịp thở của người mẹ trở nên gấp và khó khăn hơn.

Sự gia tăng của Estrogen và Progesterone còn khiến các sắc tố da hoạt động mạnh, làm các vùng da trở nên sạm màu hơn, hiện tượng này sẽ tập trung chủ yếu ở vùng bụng, ngực, đùi, mông và cánh tay.

Sự thay đổi nội tiết tố trong 3 tháng cuối thai kỳ còn gia tăng khả năng giữ muối của thận, làm ứ đọng muối trong cơ thể từ đó gây ra hiện tượng phù tích nước. Đây là 1 hiện tượng sinh lý bình thường, sẽ thuyên giảm dần và mất hẳn sau khi sinh con.

== > Xem thêm bài viết: Những điều cần biết về bệnh tự miễn và thai kỳ – Bác sĩ Vũ Tài

Những thay đổi sinh lý ở phụ nữ mang thai

Những Hormone cần thiết trong quá trình mang thai

Progesterone

Hormone Progesterone
Hormone Progesterone

Progesterone được tạo ra tạo ra bởi hoàng thể, nó thường có xu thế tăng lên một cách ổn định trong suốt thai kỳ. Sự thay đổi của nồng độ Progesterone khi mang thai sẽ làm tăng lưu lượng máu đến hệ thống tử cung, đồng thời kích thích sự dày nên của niêm mạc tử cung để chuẩn bị cho quá trình làm tổ, phát triển của phôi thai.

Progesterone làm giảm nhu động ruột, khiến hệ thống cơ ở dạ dày thực quản rơi vào trạng thái thả lỏng từ đó gây ra tình trạng buồn nôn và táo bón.

Trong suốt quá trình mang thai, Progesterone sẽ ngăn hoạt động tăng sản xuất sữa của tuyến vú cho đến ngày người mẹ sinh, đồng thời đưa hệ thống cơ sàn chậu vào trạng thái sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ.

Ngoài ra Progesterone còn có 1 số nhiệm vụ sau:

  • Giảm huyết áp tâm trương.
  • Giãn tĩnh mạch.
  • Tăng nhiệt độ cơ thể người mẹ.
  • Ngăn cản sự co cơ trơn tử cung, đồng thời tăng giãn cơ trong niêm mạc tử cung.
  • Tạo ra sự thay đổi trên nội mạc tử cung, cần thiết cho hình thành màng rụng (phân chia giữa mẹ và nhau thai)
  • Kích thích ngực phát triển.

Estrogen

Hoocmon Estrogen
Hoocmon Estrogen

Estrogen được sản xuất ra trong thời kỳ mang thai sẽ ức chế tuyến yên sản sinh FSH, LH từ đó ngăn cản quá trình rụng trứng. Nó cũng là 1 loại Hoocmon cần thiết cho sự phát triển của các cơ quan của thai nhi cũng như chức năng chính xác của hệ thống nhau thai.

Sự gia tăng Estrogen trong thời kỳ mang thai là 1 trong số những nguyên nhân chính gây ra tình trạng buồn nôn, khiến hệ thống dây chằng mềm hơn tạo thành áp lực đến lưng và khung xương chậu, từ đó gây ra tình trạng đau nhức ở hông và lưng.

Estrogen có 1 vai trò quan trọng trong sự phát triển các mô tuyến vú và tử cung của người mẹ. Làm gia tăng kích thước và số lượng ống dẫn sữa để chuẩn bị cho quá trình cho con bú. Đồng thời tạo thành phản ứng với Oxytocin cần thiết cho quá trình chuyển dạ.

Ngoài ra Estrogen còn có 1 số tác động đến cơ thể như sau:

  • Tác động đến tuyến yên và tuyến giáp từ đó làm tăng chuyển hóa, tăng cảm giác thèm ăn, nhằm tăng cường cung cấp năng lượng cho quá trình mang thai.
  • Tăng kích thước và hoạt động của tuyến cận giáp, làm tăng nhu cầu Calci của cơ thể.
  • Tác động lên hệ thống thùy trước của tuyến yên tiết Prolactin từ đó làm tăng tiết sữa.

HCG

HCG được phát hiện thông quá máu và nước tiểu của phụ nữ mang thai. Trong thời kỳ mang thai loại Hoocmon này sẽ gia tăng rất nhiều, đặc biệt là trong 3 tháng đầu. Đây cũng là loại Hoocmon cần thiết để xác định sự mang thai khi người mẹ tiến hành thử thai hoặc xét nghiệm máu.

Ngoài ra, Hoocmon HCG cũng góp phần gây ra cảm giác ốm nghén, nôn, buồn nôn ở 3 tháng đầu thai kỳ.

hPL

Đây là loại Hormone được tạo ra bởi nhau thai, có nhiệm vụ cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi, đồng thời kích thích tuyến sữa phát triển phục vụ cho quá trình cho con bú sau này.

Oxytocin

Hormone Oxytocin có khả năng làm dịu lại cơn đau trong quá trình chuyển dạ của người mẹ. Kích thích sự mở rộng của cổ tử cung, đồng thời giúp cầm máu sau khi sinh.

Ngoài ra Oxytocin còn có vai trò quan trọng trong việc sản xuất sữa.

Prostaglandin

Prostaglandin giúp tử cung trở nên mềm, xốp dễ dàng co thắt. Prostaglandin sẽ được gia tăng vào những tháng cuối của thai kỳ từ đó thúc đẩy quá trình chuyển dạ, giúp thai nhi được sinh ra 1 cách thuận lợi.

Trong những trường hợp đặc thù, bác sĩ có thể khởi phát quá trình chuyển dạ của thai phụ bằng việc chỉ định sử dụng Prostaglandin ngậm, uống hoặc dùng đường đặt âm đạo.

Một số thay đổi trên Hormon khác

Sự gia tăng của Aldosteron có thể khiến tăng huyết áp ở thai phụ, nếu không được khắc phục có thể gây ra tình trạng tiền sản giật hoặc sản giật.

Ở một số đối tượng đặc biệt, trong giai đoạn mang thai có thể khiến nồng độ Cortisol trong cơ thể tăng cao, nhẹ thì có thể dẫn đến phù, nặng thì có thể gây ra tình trạng kháng Insulin gây ra tiểu đường thai kỳ.

Mạch đập ở cổ tay trong thời kỳ thai nghén

Khi mang thai, cơ thể người mẹ sẽ có rất nhiều thay đổi đặc biệt là huyết áp và nhịp tim. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mạch đập ở cổ tay khi mang thai thường nhanh hơn 20 đến 25% so với bình thường. Mạch đập cổ tay của thai phụ khi nghỉ trung bình khoảng 80 đến 85 nhịp/ 1 phút, trong một số trường hợp còn có thể lên đến 100 lần/phút hoặc cao hơn.

Mạch đập ở cô tay thai phụ nhanh hơn người bình thường là do cơ thể người mẹ cần cấp cũng nhiều dinh dưỡng phục vụ cho quá trình phát triển của thai nhi, do đó tim phải đập nhanh hơn để quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn, từ đó thai nhi sẽ hấp thu dưỡng chất được đầy đủ hơn.

Thay đổi ở hệ thống hô hấp

Hiện tượng khó thở khi mang thai
Hiện tượng khó thở khi mang thai

Trong giai đoạn mang thai, hệ hô hấp của người mẹ sẽ có những thay đổi nhất định nhằm đảm bảo sự cung cấp Oxy và vận chuyển CO2 từ bào thai ra bên ngoài. Nhiều thai phụ có cảm giác khó thở khi mang thai, nhưng khi tiến hành thăm khám lại không phát hiện được nguyên nhân.

Trong giai đoạn mang thai xương sườn của người mẹ sẽ phát triển sang hai bên, đồng thời cơ hoàn sẽ có hiện tượng nâng lên (khoảng 4cm). Thể tích khí đi vào cơ thể tăng (khoảng 40%), dung tích sống tăng (khoảng 5%), thể tích cặn có hiện tượng giảm (khoảng 20%), từ đó làm giảm thể tích không khí ở trong phổi vào cuối kỳ thở ra, nhưng không làm thay đổi nhịp thở. Quá trình này dẫn đến tăng thông khí phổi, làm giảm chỉ số pCO2 động mạch, chỉ số pO2 không thay đổi. Nồng độ Bicarbonat giảm xuống, độ PH giữ nguyên không đổi. Do đó trong thời kỳ mang thai cơ thể người mẹ sẽ diễn ra hiện tượng nhiễm kiềm hô hấp còn bù.

Sự phát triển của thai nhi tác động lên cơ hoành, kết hợp với sự gia tăng của Hormone Progesterone sẽ tác động trực tiếp đến hệ hô hấp gây ra tình trạng khó thở, khiến nhịp thở của thai phụ gấp và nhanh hơn.

== > Xem thêm bài viết: Hướng dẫn chăm sóc quản lý tại nhà đối với phụ nữ có thai bà mẹ cho con bú và trẻ sơ sinh mắc COVID-19

Thay đổi trên tiêu hóa

Hiện tượng buồn nôn khi mang thai
Hiện tượng buồn nôn khi mang thai

Tình trạng nghén thường xảy ra ở hầu hết các thai phụ, triệu chứng sẽ thường tiếp diễn liên tục trong 17 tuần đầu của thai kỳ. Trong giai đoạn này, cơ thể sẽ kích thích hoạt động của tuyến nước bọt, khiến mùi vị thức ăn thay đổi, kết hợp với thời gian rỗng dạ dày kéo dài sẽ tạo thành những cơn buồn nôn ngắt quãng. Progesterone tăng trong quá trình mang thai sẽ làm giãn cơ trơn dạ dày – thực quản, từ đó làm gia tăng tình trạng ợ hơi, ợ chua và buồn nôn.

Trong thời gian mang thai lượng Acid dạ dày giảm, nhu động ruột giảm xuống, kéo theo đó là tình trạng giảm hấp thu Sắt, lâu ngày có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu Sắt.

Thai kỳ còn ảnh hưởng đến sự tái hấp thu muối nước, kết hợp với việc nhu động ruột giảm sẽ dễ gây ra tình trạng táo bón. Ngoài ra, sự mang thai có có liên quan trực tiếp đến việc hình thành sỏi ở túi mật, hầu hết sỏi mật trong thời gian mang thai đều là sỏi hình thành bởi Cholesterol.

Thay đổi trên tim mạch

Sự thay đổi của Progesterone trong cơ thể thai phụ, sẽ làm giảm sức lực cản của mạch máu trong giai đoạn đầu thai kỳ, từ đó khiến huyết áp hạ. Đáp ứng lại việc này, đòi hỏi cung lượng tim phải tăng lên khoảng 30% đến 50%.

Quá trình mang thai còn kích thích hoạt động của hệ renin-angiotensin làm tăng sự hiện diện của Angiotensin II từ đó làm tăng tái hấp thu muối nước, đồng thời kiến hệ thống mạch máu ngoại vi co lại và làm tăng thể tích máu.

Dưới đây là 1 số thay đổi phổ biến ở hệ thống tim mạch:

  • Giảm sức cản ngoại vi 30 – 70% vào tuần thứ 8 của thai kỳ, khiến huyết áp giảm vào giai đoạn đầu và giữa thai kỳ, sau đó bình thường vào 3 tháng cuối.
  • Tăng thể tích máu lên khoảng 30 %.
  • Tăng nhịp tim lên khoảng 15 %
  • Tiêu thụ O2 tăng khoảng 20 % khiến cung lượng tim tăng 40 %, đạt đỉnh vào tuần 32-34.

Thay đổi trên máu

Làm thay đổi thể tích nội mạch máu từ đó gây ra tình trạng thiếu máu gây ra do pha loãng. Nồng độ Erythropoietin trong cơ thể bị tăng lên 1 cách nhanh chóng làm cho số lượng bạch cầu tăng, nhưng không thể bù đắp được tình trạng thiếu máu sinh lý. Bởi vậy trong giai đoạn mang thai người mẹ cần chú ý bổ sung Sắt và các loại thực phẩm giàu Sắt.

Số lượng của bạch cầu cũng có khả năng tăng nhẹ nhưng tỷ lệ phần trăm khi tiến hành xét nghiệm thường không thay đổi. Bên cạnh sự tăng lên của bạch cầu, tiểu cầu lại có xu hướng giảm, tình trạng này thường xảy ra ở khoảng 10% thai phụ nhưng hiếm có biểu hiện rxo ràng về mặt lâm sàng.

Trong quá trình mang thai các yếu tố đông máu có xu hướng tăng lên, từ đó làm tăng nhu cầu Fe và acid folic của cơ thể. Những thay đổi này nahwmf bảo vệ cơ thể cơ thể khỏi tình trạng mất máu trong và sau quá trình sinh nở.

Dưới đây là 1 số thay đổi phổ biến ở máu:

  • Thể tích huyết tương tăng (50%).
  • Tăng tạo hồng cầu (25%).
  • Giảm Hb và hematocrit.
  • Bạch cầu tăng nhẹ.

Thay đổi trên tiết niệu

Tiểu nhiều khi mang thai
Tiểu nhiều khi mang thai

Độ lọc cầu thận trong quá trình mang thai sẽ tăng khoảng 50%, từ đó làm sự giảm thanh thải Creatinin (giảm khoảng 25%), nồng độ Creatinin cũng Ure huyết thanh cũng có sự thay đổi đáng kể.

Tăng GFR làm hàm lượng Natri đi qua hệ thống cầu thận, khiến cho nồng độ Aldosterone tăng cáo nhằm tái hấp thu lại lượng Natri trong thận. Đồng thời GFR tăng cũng làm giảm quá trình tái hấp thu đường trong nước tiểu, do đó có đến 15% phụ mang thai có xuất hiện đường trong nước tiểu.

Do sự thay đổi nồng độ Progesterone của cơ thể và sự chèn ép của thai nhi, khiến tăng khả năng giữ muối của thận, đồng thời gây ứ nước ở thận và niệu quản.

Có khoảng 5% thai phụ được phát hiện là có vi khuẩn trong nước tiểu. Tuy việc mang thai không làm tăng tỷ lệ nhiễm khuẩn đường niệu nhưng nếu không được can thiệp và điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm thận, viêm bể thận.

Dưới đây là 1 số thay đổi phổ biến ở hệ tiết niệu:

  • Việc mở rộng tử cung sẽ làm tăng áp lực đè lên bàng quang, cơ thắt ngoài niệu đạo, cơ sàn xương chậu, tạo thành các vấn đề trong kiểm soát bàng quang từ đó khiến thai phụ đi tiểu nhiều lần, són tiểu khi cười, hắt hơi, ho
  • Thận phải tăng hoạt động, bài tiết các chất thải từ mẹ và thai nhi.

Thay đổi trên cơ xương khớp

Trong những tháng cuối của thai kỳ có sự điều chỉnh độ cong của cột sống để duy trì thăng bằng cho cơ thể (do thay đổi kích thước bụng khi mang thai), vùng thắt lưng cong ra trước quá mức, tạo thành dáng đi của người mang thai ở giai đoạn cuối. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra tình trạng đau lưng và đau vùng hông thường gặp ở cuối thời kỳ mang thai.

Giãn dây chằng do tăng Relaxin, từ đó tạo thành ảnh hưởng đến hệ thống vùng chậu, thắt lưng gây đau lưng, đau hông.

Trong thời kỳ mang thai, hệ thống dây chằng giữ khung xương chậu sẽ có nhiều thay đổi, dãn dài ra nhằm tạo điều kiện cho việc sinh nở.

Thay đổi trên da

Rạn da trong quá trình mang thai
Rạn da trong quá trình mang thai

Rạn da:

Rạn da thường xuất hiện ở 3 tháng cuối thời kỳ mang thai trên đùi, da bụng, ngực, mông. Sẹo này xuất hiện do sự căng da quá mức.

Sự thay đổi sắc tố da:

Ở gần rốn, núm vú, đường giữa bụng, mặt (rám da thai nghén). Nguyên nhân của thâm da là do Estrogen, Progesterone tác động lên tế bào sắc tố gây sản xuất nhiều Melanin hơn.

Tăng tuần hoàn và tăng Estrogen sẽ dẫn đến các thay đổi về mạch máu: khi có thai thì các mạch máu nhỏ và các mao mạch sẽ tăng sinh. Khoảng 50% phụ nữ thấy giãn mạch hình mạng nhện ở mặt, cổ, ngực, bàn tay hay chân. Lợi đỏ và dễ chảy máu. Khoảng 40% phụ nữ có thai có giãn tĩnh mạch chi dưới.

Hệ miễn dịch

Trong giai đoạn mang thai để tránh các tế bào miễn dịch tấn công thai nhi dẫn đến sự đào thải (sảy thai), cơ thể sẽ làm giảm các tế bào miễn dịch trung gian, khiến sức đề kháng của người mẹ yếu đi. Hệ thống miễn dịch bảo vệ cơ thể của người mẹ bị suy yếu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng dễ mắc phải các bệnh lý hô hấp trong thời kỳ mang thai (ho, cúm, cảm lạnh,…)

Thay đổi về cân nặng

Thay đổi về cân nặng trong thời kỳ mang thai là vô cùng cần thiết, tuy nhiên số cân nặng của thai phụ còn phải phụ thuộc vào chỉ số BMI trước khi mang thai cũng như thai đó là thai đơn hay thai đôi.

Thai đơn

  • Nếu chỉ số BMI của cơ thể trước khi mang thai ở mức hợp lý thì người mẹ nên tăng khoảng 11 đến 16 cân trong cả thai kỳ. Trong ba tháng đầu người mẹ cần tăng từ 0,5 đến 2,5 cân trong 3 tháng đầu, tăng trung bình 0,5 cân trong mỗi tuần của 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ.
  • Với người mẹ có chỉ số BMI ở mức nhẹ cân trước khi mang thai thì cần tăng từ 13 đến 18 cân trong suốt thai kỳ. Như vậy, người mẹ cần tăng từ 0,5 đến 2,5 cân trong 3 tháng đầu, tăng hơn 0,5 cân trong mỗi tuần của 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ.
  • Với người mẹ có chỉ số BMI ở mức thừa cân trước khi mang thai thì cần tăng từ 7,5 đến 11,5 cân trong suốt thai kỳ. Như vậy, người mẹ cần tăng từ 0,5 đến 2,5 cân trong 3 tháng đầu, và tăng 0,25 cân trong mỗi tuần của 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ.
  • Nếu người mẹ có chỉ số BMI ở mức béo phì trước khi mang thai thì cần tăng từ 5 đến 9 cân trong suốt thai kỳ. Người mẹ cần tăng từ 0,5 đến 2,5 cân trong 3 tháng đầu, và tăng ít hơn 0,25 cân trong mỗi tuần của 3 tháng giữa và cuối của thai kỳ.

Thai đôi:

  • Nếu người mẹ có chỉ số BMI ở mức hợp lý trước khi mang thai thì cần tăng từ 17 đến 24,5 cân trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Nếu người mẹ có chỉ số BMI ở mức thừa cân trước khi mang thai thì cần tăng từ 14 đến 22,5 cân trong suốt thời kỳ mang thai.
  • Nếu người mẹ có chỉ số BMI ở mức béo phì trước khi mang thai thì cần tăng từ 11 đến 19 cân trong suốt thời kỳ mang thai.

Trên đây là những thay đổi phổ biến trên cơ thể đặc biệt là thay đổi ngoại hình khi mang thai. Nếu có những thay đổi bất thường nào trong suốt quá trình mang thai, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, và có được lời khuyên y tế phù hợp. Hãy liên hệ với chúng tôi khi có bất kỳ điều gì cần giải đáp.

Tài liệu tham khảo

  1. Human chorionic gonadotropin (HCG), nguồn Drug.com, truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2023.
  2. How to get pregnant, nguồn Drug.com, truy cập ngày 26 tháng 2 năm 2023.

2 thoughts on “Cách nhận biết có thai và những thay đổi trên cơ thể khi mang thai

    • Dược sĩ Nguyễn Hậu says:

      Chào bạn. Trường hợp của bạn đã chậm kinh 10 ngày nhưng que vẫn 1 vạch rất có thể bạn không có thai mà điều này là do rối loạn kinh nguyệt. Bạn có thể chờ thêm 1 tuần rồi thử que lại hoặc đến bệnh viện để làm xét nghiệm định lượng HCG nhé

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here