Nhịp tim của người bình thường là bao nhiêu?Cách duy trì nhịp tim ổn định

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Nhịp tim là một trong những chỉ số sức khỏe cơ bản của con người. Khi nhịp tim nhanh hay chậm sẽ phản ánh trạng thái sức khỏe cụ thể của mỗi người. Vậy thế nào là nhịp tim của người bình thường? Và làm sao để duy trì nhịp tim ổn định để có một cơ thể khỏe mạnh? Bài viết này của nhà thuốc Ngọc Anh sẽ giúp các bạn hiểu hơn về những thắc mắc trên.

1, Nhịp tim là gì?

Nhịp tim là biểu hiện tình trạng nhịp đập của tim, nó được xác định bằng số lần tim co bóp trong một khoảng thời gian là một phút. Đơn vị tính toán và đánh giá của nhịp tim được quy định là chỉ số nhịp/phút (hay là bpm). Nhịp tim là một trong các dấu hiệu sinh tồn quan trọng của cơ thể cùng với các yếu tố là: nhịp thở, nhiệt độ, huyết áp. Nó giúp đánh giá tình trạng bệnh nhân ban đầu, đặc biệt là trong những trường hợp cấp cứu như chấn thương, mất máu, sốc,…

Mỗi 1 nhịp đập của tim sẽ có tác dụng bơm một lượng máu chứa oxy và chất dinh dưỡng đến nuôi dưỡng tại các cơ quan khác nhau trong khắp trong cơ thể. Một trái tim khỏe mạnh sẽ cung cấp một lượng máu đảm bảo đủ cho mọi hoạt động của cơ thể tại thời điểm đó.

Nhịp tim có biểu hiện tính chu kỳ, đều đặn. Mỗi chu kỳ tim hoạt động độc lập để bơm máu đi nuôi cơ thể. Chu kỳ tim được bắt nguồn từ nút xoang nằm tại vách liên nhĩ tại tim, sau đó sẽ tạo ra xung động rồi được dẫn truyền từ nút xoang gây khử cực nhĩ, sau đó qua hệ thống nút nhĩ thất và bó His và mạng lưới Purkinje gây ra tình trạng khử cực thất, tạo nên một nhịp đập của tim.

Một chu kì tim được tính bằng thời gian cách nhau giữa hai nhịp đập liên tiếp. Mỗi chu kỳ gồm giai đoạn tâm thu và tâm trương. Khi nhịp tim bị tăng nhanh, giai đoạn tâm trương sẽ ngắn hơn rất nhiều giai đoạn tâm thu và khi nhịp tim chậm thì ngược lại, giai đoạn tâm thu sẽ ngắn hơn.

Nhịp tim có thể phụ thuộc và nhiều yếu tố khác nhau, có thể kể đến một số yếu tố phổ biến như trọng lượng cơ thể, tác dụng phụ của thuốc, bệnh lý nền… hay ở người bình thường thì nhịp tim cũng thay đổi khi cảm xúc căng thẳng, sau luyện tập thể thao, khi nghỉ ngơi…

2, Nhịp tim trung bình của người trưởng thành là bao nhiêu?

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ, ở người trưởng thành khi nghỉ ngơi hay không hoạt động thể thao thì nhịp tim bình thường nằm trong khoảng từ 60 cho đến 100 nhịp/ phút (60-100 bpm). Tuy nhiên khi chúng ta ngủ nhịp tim có xu hướng gảim và chậm đi, chỉ còn khoảng 40 đến 50 nhịp/ phút. Và ở những vận động viên luyện tập thể thao lâu ngày, khi nghỉ ngơi nhịp tim có thể dưới 60 nhịp/phút, thậm chí đôi khi chỉ đạt 40 nhịp/phút.

Nhưng khi bạn luyện tập thể thao hoặc vận động nặng, nhịp tim có xu hướng tăng lên để cung cấp đủ oxy và năng lượng cho cơ thể hoạt động. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, nhịp tim tối đa khi luyện tập nên bằng 220 nhịp/phút trừ đi độ tuổi của người đó. Mỗi người sẽ có sự phản ứng khác nhau với các tác nhân bên ngoài nên nhịp tim sẽ có sự dao động khác nhau, trong phạm vi cho phép là dưới 220 nhịp/phút.

NgocanhBlogaaa 27
Nhịp tim có sự khác nhau rất lớn khi nghỉ ngơi và vận động

3, Nhịp tim bình thường của trẻ em là bao nhiêu?

Đối với trẻ em, tùy theo từng lứa tuổi mà chỉ số nhịp tim sẽ thay đổi và dao động khác nhau, đặc biệt là khi trẻ còn nhỏ. Và trung bình nhịp tim của trẻ em cũng thường có giá trị cao hơn so với người lớn. giá trị nhịp tim của trẻ em theo độ tuổi là:

  • Đối với trẻ sơ sinh, nhịp tim ban đầu của trẻ trong khoảng 100-160 nhịp/ phút.
  • Khi trẻ dưới 5 tháng tuổi nhịp tim trong khoảng 90-150 nhịp/ phút
  • Trẻ từ 6 tháng đến 1 năm, nhịp tim từ 80 đến 140 nhịp/ phút
  • Trẻ từ 1 tuổi đến 5 tuổi nhịp tim trong khoảng 80 đến 130 nhịp/ phút
  • Từ 6 đến 10 tuổi nhịp tim từ 70 đến 100 nhịp/ phút
  • Từ 10 tuổi trở đi nhịp tim của trẻ trong khoảng 60 đến 100 nhịp/ phút, tương đương với nhịp tim của người trưởng thành.
  • Tuy nhiên ở những trẻ trong độ tuổi hiếu động, khi trẻ vận động cường độ cao thì có thể lên đến hơn 200 nhịp/phút nhưng vẫn ở mức cho phép.

4, Nhịp tim của người cao tuổi

Ở những người cao tuổi khỏe mạnh, không có bệnh lý toàn thân hay bệnh lý gì về tim mạch thì nhịp tim nằm trong khoảng 60 đến 100 lần/phút.

Tuy nhiên ở người già, do có sự thoái hóa của nút xoang, hệ thống dẫn truyền nhịp bị xơ hóa, cấu trúc của tim bị thay đổi đáng kể, từ đó sẽ làm ảnh hưởng đến sự dẫn truyền xung động để tạo nhịp tim. Vì vậy ở người già thường xảy ra tình trạng rối loạn nhịp tim, đặc biệt là khi gặp tình trạng gây xúc động mạnh.

Nút xoang có nhiệm vụ tạo ra xung động ở tim và các xung động sẽ theo hệ thống dẫn truyền tim tạo ra hoạt động co bóp nhịp nhàng cho tim. Khi về già, dinh dưỡng của nút xoang và hệ dẫn truyền kém, làm tần số tim bị chậm, làm tim đập không đều, gây tắc nghẽn đường dẫn truyền. Hoặc nút xoang không còn kiểm soát được nhịp tim, bị các ổ phát nhịp khác lấn át vai trò làm nhịp tim đập nhanh và không kiểm soát được.

5, Các phương pháp theo dõi nhịp tim

Hiện nay có nhiều phương pháp thăm dò và theo dõi nhịp tim khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp hay gặp ở nước ta:

5.1. Đo nhịp tim bằng cách đếm nhịp mạch

NgocanhBlogaaa 28
Đo nhịp tim bằng cách đếm nhịp mạch

Hiện nay nhiều người cho rằng nhịp tim và nhịp mạch là một. Nhưng thực chất nhịp mạch là số lần co giãn của động mạch mỗi lần tim co bóp. Do đó nhịp mạch và nhịp tim thường có sự chênh lệch nhưng chỉ số không đáng kể. Và tận dụng điều này, chúng ta có thể đếm được nhịp tim thông qua nhịp mạch.

Phương pháp đo nhịp tim đơn giản nhất là dùng 2 ngón tay là ngón trỏ và ngón cái, áp vào vùng có mạch đập và cảm nhận nhịp đập của mạch ngay dưới da. Có thể đo nhịp mạch đập ở những vị trí có động mạch lớn, hoặc động mặc nằm ở vị trí nông. Vị trí thường dùng để kiểm tra mạch là động mạch quay và động mạch trụ vùng cổ tay, hoặc động mạch cảnh vùng cổ:

Bắt mạch ở cổ tay: Tay trái của bệnh nhân được để ở tư thế ngửa, bàn tay nắm nhẹ. Dùng ngón trỏ và ngón giữa tay phải của người thầy thuốc đặt lên vùng cổ tay của bệnh nhân, hơi chếch tay về bên phải hoặc bên trái so với đường giữa cổ tay (tùy theo bắt mạch quay hay mạch trụ). Ấn nhẹ nhàng và di chuyển đầu 2 ngón tay cho đến khi cảm nhận được nhịp đập, giữ nguyên tư thế rồi đếm nhịp đập trong vòng 1 phút. Bằng cách này sẽ có thể kiểm tra được nhịp mạch và nhịp tim đập tại bất cứ đâu khi cần thiết.

Bắt động mạch cảnh: Nghiêng cổ người bệnh sang bên đối diện, thầy thuốc sẽ dùng ngón tay trỏ và ngón giữa áp vào vùng tam giác cổ được giới hạn bởi xương hàm dưới, cơ ức đòn chũm ở cổ. Ấn ngón tay nhẹ và và sau đó sẽ cảm nhận được nhịp đập của mạch. Cách này được áp dụng khi chúng ta không đo được nhịp tim ở cổ tay. Mạch cảnh là một mạch máu lớn của cơ thể nên bắt mạch ở vị trí này rất dễ dàng. Sau khi cảm nhận được mạch đập, bạn hãy sử dụng một chiếc đồng hồ đếm số nhịp đập trong thời gian một phút để đo chỉ số nhịp tim của mình.

5.2. Sử dụng máy đo nhịp tim

Hiện nay trên thị trường có bán các loại máy đo huyết áp và nhịp tim tự động, đo chỉ số SpO2 và nhịp tim cầm tay. Bạn có thể sử dụng những máy này để kiểm tra các chỉ số cơ thể khi cần thiết. Các loại máy này sẽ giúp chúng ta kiểu tra mạch, nhịp tim của mình 1 cách dễ dàng và nhanh chóng.

Tại bệnh viện, ngoài những cách theo dõi nhịp tim như đã kể trên thì người ta còn có thể sử dụng máy Monitor, điện tâm đồ để theo dõi được nhịp tim một cách cụ thể hơn cùng với những sóng dao động. Qua đó có thể đánh giá chính xác hơn chức năng hoạt động của tim, vừa giúp theo dõi nhịp tim, vừa hỗ trợ cho việc điều trị cho bệnh nhân.

Sử dụng máy đo nhịp tim
Sử dụng máy đo nhịp tim

6, Nhịp tim như thế nào là bất thường? Cách phát hiện bất thường?

Nhịp tim bất thường là tình trạng rối loạn nhịp tim. Nguyên nhân có thể do bất thường về việc tạo nhịp hoặc về mặt dẫn truyền các xung động trong tim. Dẫn đến biểu hiện trên lâm sàng là nhịp tim nhanh (nhịp tăng trên 100 lần/phút), nhịp tim chậm (tần số dưới 60 lần/ phút), hoặc lúc nhanh lúc chậm (nhịp không đều),…

Rối loạn nhịp tim thường không gây nên những triệu chứng cấp tính nguy hiểm khiến chúng ta phải chú ý. Nó thường có xu hướng sẽ tiến triển từ từ, âm thầm, và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như ngừng tim đột ngột. Vì vậy chúng ta cũng rất cần chú ý những triệu chứng thường gặp của rối loạn nhịp tim sau đây:

Loạn nhịp nhanh

Là tình trạng nhịp không đều và tần số tim cao hơn so với chỉ số bình thường. Đối với những bệnh nhân bị rối loạn nhịp nhanh thì hay có các biểu hiện và dấu hiệu sau đây:

Đánh trống ngực: Đây là triệu chứng rất điển hình và hay gặp trong rối loạn nhịp tim. Bệnh nhân sẽ cảm nhận như tim đang đập mạnh trong lồng ngực ngay cả khi họ đang nghỉ ngơi không vận động nặng. Theo đó là cảm giác hồi hộp, hụt hẫng, lo lắng, cảm giác như tim bị ngưng vài giây sau đó lại đập lại, thấy tim đập nhanh.

Khó thở: Đây là triệu chứng thường gặp trong nhiều bệnh nội khoa, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và tim mạch. Tuy nhiên khi bệnh nhân đột ngột xuất hiện dấu hiệu khó thở, đi kèm với cảm giác đau tức và nặng ngực, hồi hộp trống ngực, tim đập nhanh thì có thể là triệu chứng gợi ý về loạn nhịp tim hoặc nhồi máu cơ tim. Khi đó bệnh nhân nên được can thiệp điều trị sớm để tránh các biến chứng xảy ra.

Đau thắt ngực: Đột nhiên bệnh nhân cảm thấy đau thắt ngực vùng bên trái, ban đầu cơn đau xuất hiện ít, thời gian ngắn, sau đó xuất hiện nhiều hơn và kéo dài hơn, nhiều cơn dồn dập hơn.

Nhịp tim chậm

Là tình trạng nhịp tim giảm xuống dưới 60 nhịp/ phút khi bệnh nhân đang ở trạng thái bình thường. Tình trạng rối loạn nhịp chậm trên lâm sàng thường có các biểu hiện như sau:

Hoa mắt,chóng mặt, nhức đầu: Tình trạng này xảy ra là do tim hoạt động không đủ công suất để cung cấp máu cho các cơ quan trong cơ thể, khiến người bệnh dễ bị hoa mắt chóng mặt do thiếu máu lên não, não không được nuôi dưỡng tốt như bình thường.

Làm việc sẽ nhanh bị mệt và không tập trung, giảm trí nhớ.

Ngất xỉu: Người bệnh có thể đột ngột mất ý thức trong một khoảng thời gian ngắn ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào. Tình trạng có thể đem lại nguy hiểm cho bạn khi bạn đang lái xe hoặc đang leo trèo, mang vác đồ.

7, Những ai có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim?

Rối loạn nhịp tim có thể gặp rất phổ biến trong cuộc sống hằng ngày, khi các bạn xúc động, lo lắng, hoặc khi sử dụng các chất kích thích như rượu chè, cafe, thuốc lá…. Tình trạng loạn nhịp tim sẽ hết khi các bạn trở về trạng thái bình thường và ngưng sử dụng các chất kích thích. Đây là các trạng thái thay đổi nhịp tim mang tính chất sinh lý của cơ thể.

Ngoài ra rối loạn nhịp tim còn có thể hay gặp ở những người có bệnh lý về tim mạch như các bệnh tim bẩm sinh, thiếu máu cơ tim, bệnh lý về van tim… Những bệnh lý này sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động ở tim, và gây nên loạn nhịp tim.

Một số bệnh nội khoa mãn tính cũng gây nên tình trạng rối loạn nhịp tim như: tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu, cường giáp, béo phì… hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc gây nên.

NgocanhBlogaaa 30
Những ai có nguy cơ cao bị rối loạn nhịp tim?

8, Làm cách nào để có thể duy trì nhịp tim bình thường?

Để có một sức khỏe tốt thì bạn cần một trái tim khỏe mạnh để giúp cơ thể hoạt động năng suất và hiệu quả. Vì vậy, bạn cần có một chế độ sinh hoạt lành mạnh để có thể duy trì sự bền bỉ của trái tim mình. Từ đó có thể duy trì nhịp tim ổn định. Hãy tham khảo một số lời khuyên sau đây nhé.

Thay đổi và duy trì lối sống lành mạnh

Giảm căng thẳng: Loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, hạn chế tối đa những căng thẳng mỗi ngày của các bạn. Chính những căng thẳng, stress ấy sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sinh lý của nhịp tim và huyết áp. Thay vì quá lo lắng thì các bạn hãy thay đổi tư duy và tạo ra những nguồn năng lượng tích cực, sẽ giúp bản thân thoải mái và dễ chịu hơn.
Luyện tập thể thao thường xuyên: Duy trì luyện tập thể thao đều đặn mỗi ngày sẽ giúp cơ thể bạn thoải mái sau những giờ làm việc căng thẳng. Ngoài ra còn giúp tim của bạn được “ luyện tập”, gia tăng sức bền, sức co bóp. Chăm luyện tập thể thao bạn sẽ giúp những lần co bóp của tim hiệu quả hơn, giúp bạn gia tăng được sức bền. Từ đó giúp nhịp tim ổn định bình thường.
Tránh xa cà phê, thuốc lá, chất kích thích: Các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, bia rượu chưa bao giờ tốt cho sức khỏe và đối với hệ tim mạch thì chúng lại gây hại nhiều hơn nữa. Nicotin trong thuốc lá là một chất không chỉ gây ảnh hưởng đến phổi mà còn làm cơ thể sản sinh ra chất adrenalin, chất này làm tăng nguy cơ của bệnh tăng huyết áp và tăng nhịp đập của tim.
Duy trì cân nặng, tránh bị béo phì, thừa cân: Những người bị béo phì sẽ có nguy cơ cao bị tăng mỡ máu và mắc các bệnh về tim mạch. Vì khi ấy tim sẽ cần hoạt động, tăng co bóp mạnh và nhanh để cung cấp đủ oxy và lượng lớn chất dinh dưỡng cho cơ thể. Điều này sẽ khiến nhịp tim tăng cao. Do đó hãy bảo vệ trái tim mình bằng cách duy trì cân nặng ổn định.

Duy trì chế độ ăn lành mạnh, hợp lý:

Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng: Một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp cho cơ thể có một hệ miễn dịch tốt, là hàng rào giúp bảo vệ cơ thể khỏe mạnh. Do đó cần ăn uống bổ sung đầy đủ các nhóm thực phẩm với các nguồn dinh dưỡng chính như protein, lipit và cacbohidrat. Nên bổ sung chất béo thực vật từ dầu lạc, dầu olive… thay vì chất béo có nguồn gốc từ động vật.

Bổ sung những loại thực phẩm giàu chất khoáng: Sự thiếu hụt các chất khoáng như magie, canxi, natri, kali cũng sẽ ít nhiều gây ảnh hưởng đến hoạt động co bóp và tống máu của tim, từ đó có nguy cơ gây loạn nhịp tim. Ngoài ra Magie còn có vai trò ổn định dẫn truyền thần kinh và sự co cơ tim, giúp duy trì tần số tim.

Bổ sung các loại thực phẩm giàu omega 3: Omega 3 có tác dụng ngăn chặn rối loạn nhịp tim, giảm nguy cơ tử vong do đau tim hay đột quỵ ở những người có tiền sử bệnh tim mạch. Omega 3 có nhiều ở cá,vì vậy ở những người cao tuổi hay những người có bệnh lý về tim được khuyến khích ăn nhiều cá thay vì ăn thịt. Ngoài ra có thể bổ sung Omega 3 qua thực phẩm chức năng như dầu cá và các loại thực phẩm chức năng.

Đừng quên bổ sung các vitamin và chất xơ: Bổ sung nhiều chất xơ sẽ giúp giảm hấp thu lượng chất béo có hại trong cơ thể, nhờ đó giảm bớt nguy cơ bị mỡ máu, xơ vữa động mạch, những bệnh gây ra rối loạn nhịp tim.

9, Điều trị tình trạng bất thường nhịp tim như thế nào?

NgocanhBlogaaa 31
Cách điều trị khi có sự bất thường của nhịp tim

Người ta phụ thuộc vào việc bạn bị rối loạn nhịp nhanh, nhịp chậm hay loạn nhịp hoàn toàn mà sẽ có các cách điều trị phù hợp khác nhau. Dưới đây là một số cách điều trị theo từng nhóm:

9.1. Điều trị nhịp nhanh

Khi có những triệu chứng của nhịp tim nhanh như hồi hộp trốn ngực, đau thắt ngực, tim đập nhanh… thì bạn sẽ được thăm khám lâm sàng nghe nhịp tim bằng ống nghe và tìm những dấu hiệu bệnh lý liên quan đến tim mạch hoặc những bệnh nội khoa như cường giáp, tiểu đường…

Để chẩn đoán và tìm được nguyên nhân nhịp nhanh tim bạn còn được làm các cận lâm sàng như điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim, Holter điện tâm đồ (thiết bị để theo dõi nhịp tim của bệnh nhân trong vòng 24 đến 72 giờ).

Trong trường hợp nhịp tim nhanh nhưng không phải là tình trạng bệnh lý hoặc không phát hiện gì bất thường trong cấu trúc và chức năng của tim thì bệnh nhân sẽ không cần điều trị gì cả. Thay vào đó thì các bác sĩ sẽ đưa ra một số lời khuyên để giúp bệnh nhân có chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh, từ đó sẽ giúp kiểm soát nhịp tim ổn định hơn, tốt hơn.

Nếu nhịp tim nhanh là triệu chứng của một bệnh lý toàn thân nào đó như bệnh tiểu đường, tuyến giáp, tăng huyết áp… thì bệnh nhân sẽ được giới thiệu đến gặp bác sĩ chuyên khoa để điều trị bệnh nguyên nhân. Khi bệnh căn nguyên được kiểm soát tốt thì nhịp tim cũng sẽ gián tiếp được kiểm soát ổn định hơn.

Với những bệnh nhân có bệnh lý về tim mạch như hở van tim, bệnh mạch vành, cơ tim phì đại…cũng sẽ được điều trị cụ thể theo chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp bị rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, không thể điều trị ổn định bằng nội khoa thì có thể đặt máy tạo nhịp, sốc điện tim,… cho bệnh nhân.

9.2. Điều trị nhịp chậm

Nhịp tim chậm có thể là dấu hiệu của sự bất thường trong việc dẫn truyền xung điện của tim nguyên nhân do bất thường nút xoang hoặc đường dẫn truyền bị thương tổn. Nhịp chậm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như khiến cho bệnh nhân bị ngất xỉu bất ngờ, ngừng tim đột ngột, lâu dần sẽ gây nên bệnh lý suy tim (hậu quả cuối cùng và nặng nhất của rối loạn nhịp tim).

Để chẩn đoán chính xác bệnh và tìm ra nguyên nhân của nhịp tim chậm, các bác sĩ cũng cần thực hiện khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng theo dõi giống như nhịp tim nhanh.

Điều trị nhịp tim chậm phụ thuộc vào nguyên nhân và biểu hiện của bệnh:

Trường hợp bệnh nhân bị tổn thương hệ dẫn truyền xung điện tại tim, làm cho tim đập chậm thì cần phải can thiệp và đặt máy tạo nhịp nhân tạo kiểm soát nhịp tim cho người bệnh. Đây là một thiết bị chạy bằng pin được cấy dưới vùng xương đòn của bệnh nhân. Máy sẽ có tác dụng theo dõi nhịp tim và tạo ra xung điện cần thiết để duy trì nhịp đập của tim. Khi dùng máy tạo nhịp thì bệnh nhân cần tái khám và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo chức năng của tim cũng như hoạt động của máy tạo nhịp được bình thường. Bệnh nhân mang máy tạo nhịp có thể sống và sinh hoạt bình thường, không bị ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Với những bệnh nhân có bệnh lý toàn thân khác như thiểu năng tuyến giáp, mất cân bằng điện giải,… thì cần điều trị và kiểm soát tốt các bệnh nguyện nhân này. Khi nguyên nhân ổn định thì tình trạng nhịp tim chậm cũng được giải quyết.

Sử dụng một số loại thuốc, bao gồm cả thuốc điều trị bệnh tim cũng có thể gây chậm nhịp tim. Vậy nên các bác sĩ cần kiểm tra thuốc thật kỹ để có thể giảm liều lượng, hoặc sử dụng thuốc thay thế, tránh tình trạng nhịp ngày càng rối loạn nặng hơn..

NgocanhBlogaaa 32
Cách điều trị khi nhịp tim chậm

9.3. Loạn nhịp hoàn toàn

Trường hợp này đa số là do các bệnh lý phối hợp gây nên. có thể là bệnh lý tim mạch đã có từ lâu, kéo dài mà không được điều trị hay điều trị không hiệu quả, đúng cách. Khi đó tình trạng rối loạn nhịp tim chỉ có thể điều trị cải thiện giúp cho bệnh nhân cải thiện được các triệu chứng, chứ không điều trị triệt để được.

Trong các trường hợp này, nếu bệnh nhân có suy tim thì kết hợp các loại thuốc trợ tim, thuốc chống loạn nhịp, và kết hợp với thay đổi chế độ ăn và cải thiện lối sống. Một khi đã bị loạn nhịp hoàn toàn, bệnh nhân phải được kiểm tra vfa theo dõi thường xuyên, tránh để tình trạng rối loạn nhịp nặng nề xảy ra kèm theo các cơn ngừng tim hay suy hô hấp, khi đó sẽ đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân.

Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp cho các bạn hiểu rõ và đúng hơn về các giá trị nhịp tim của một người bình thường và biết được những triệu chứng bất thường khi bị rối loạn nhịp tim, từ đó có cách can thiệp và xử trí phù hợp. Các bạn hãy chăm chỉ luyện tập, duy trì lối sống lành mạnh để có một trái tim khỏe mạnh và một sức khỏe tốt nhé!

Tài liệu tham khảo: Everything You Want to Know About Arrhythmia – Healthline, truy cập ngày 21/9/2021

Xem thêm: Viêm khớp gối là gì? Triệu chứng? Điều trị?

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here