Viêm khớp gối là gì? Triệu chứng? Điều trị?

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Viêm khớp gối

Hiện nay, theo một số thống kê cho thấy tỷ lệ bệnh nhân mắc và điều trị các bệnh lý về cơ – xương – khớp ngày càng gia tăng trong đó có viêm khớp gối. Viêm khớp gối thường gây đau đớn, đi lại khó khăn và ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống sinh hoạt cũng như công việc của người bệnh. Vậy hãy cùng Nhà thuốc Ngọc Anh (nhathuocngocanh.com) tìm hiểu về bệnh lý phổ biến này qua bài viết sau đây.

1, Viêm khớp gối là gì?

Khớp gối được coi là 1 khớp bản lề lớn nhất của cơ thể con người với nhiệm vụ quan trọng là nâng đỡ toàn bộ trọng lượng của cơ thể và từ đó giúp chúng ta đi lại dễ dàng, uyển chuyển hơn. Khớp gối được cấu tạo từ các trục xương chính bao gồm: xương đùi, xương bánh chè và xương chày. Ngoài ra, các thành phần cơ bản khác cũng tham gia cấu thành một khớp gối hoàn chỉnh bao gồm: lớp sụn bao bọc ở các đầu xương và hệ thống các dây chằng cố định vùng xung quanh gối.

Viêm khớp gối là tình trạng tổn thương xảy ra ở các khoang bên trong khớp gối từ đó khiến cho lớp bề mặt sụn vốn trơn tru bỗng trở nên thô ráp, xù xì và bị bào mòn. Từ đó, các khớp xương tiếp xúc sẽ dễ bị cọ sát vào nhau, tạo ra nhiều ma sát và làm giảm tính đàn hồi của phần sụn khớp gây cảm giác đau nhức, khó chịu.

Những yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc phải bệnh viêm khớp gối bao gồm:

  • Người lớn tuổi ( > 60 tuổi) có khả năng mắc viêm khớp gối càng cao do tình trạng thoái hoá của hệ xương.
  • Giới tính: Theo một số thống kê trước đây đã chỉ ra rằng tỉ lệ mắc bệnh viêm khớp gối ở nữ giới thường cao hơn so với các đối tượng nam giới.
  • Nghề nghiệp: Các công việc với tính chất phải sử dụng sức mạnh của đôi bàn chân nhiều, thường xuyên phải đứng lâu hay thường xuyên phải mang vác vật nặng, đi lại nhiều thì đều làm gia tăng khả năng mắc bệnh viêm khớp gối.
  • Di truyền: Người có tiền sử gia đình có người thân mắc bệnh viêm khớp gối thì nguy cơ mắc bệnh này sẽ cao hơn so với những người khác.
  • Người thừa cân, béo phì và ít vận động thể lực cũng dễ bị viêm khớp gối hơn so với những người hoạt động nhiều.
  • Các bất thường về tâm lý như stress, áp lực rất dễ khiến cho cơ thể ở trạng thái căng thẳng kéo dài và dễ sản sinh ra các chất không có lợi cũng như làm cho hệ thống miễn dịch bị suy giảm. Do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối.
  • Hút thuốc lá: Một số chất độc hại có trong thành phần của khói thuốc lá có thể gây cản trở quá trình lưu thông của dòng máu khiến cho khớp gối không được nuôi dưỡng tốt và từ đó dễ dẫn tới tình trạng viêm nhiễm.
Viêm khớp gối là gì?

2, Viêm khớp gối nguyên nhân do đâu?

Có nhiều tác nhân khác nhau gây nên tình trạng viêm khớp gối. Dưới đây là một số nguyên nhân hay gặp nhất mà các bạn có thể chú ý:

2.1. Tuổi tác

Tuổi tác càng cao thì càng thúc đẩy quá trình lão hóa của cơ thể và khớp gối cũng nhanh chóng bị thoái hóa. Khi đó, lớp sụn ngày càng trở nên mỏng, mòn kèm theo lượng dịch nhờn ở khớp giúp nuôi dưỡng sụn khớp cũng bài tiết ít dần. Chính vì vậy khớp gối càng dễ bị tổn thương khi tuổi càng cao.

2.2. Các bệnh lý tại khớp gối

Có rất nhiều bệnh lý có thể gây nên tình trạng viêm khớp gối. Chúng ta có thể đề cập tới một số bệnh phổ biến sau:

  • Thoái hóa khớp gối: Tình trạng này có thể xuất hiện theo quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể hoặc là tình trạng thoái hóa sớm ở những người thường xuyên vận động khớp gối nhiều, thói quen ngồi xổm, gác chân, … Đặc trưng của bệnh là sự xuất hiện các gai xương khiến cho những cử động gối bị đau và phát ra âm thanh lục cục khi gấp duỗi khớp gối.
  • Viêm khớp dạng thấp: Đây là một bệnh lý tự miễn gây tổn thương đến các khớp trong đó có khớp gối. Tình trạng này thường xảy ra do hệ thống miễn dịch của cơ thể sản sinh ra các kháng thể tự nhiên chống lại chính mô liên kết trong bao khớp gây nên tình trạng viêm.
  • Viêm khớp nhiễm khuẩn: Trường hợp này thì ít gặp hơn. Khớp gối của bệnh nhân bị nhiễm trùng dẫn đến hàng loạt các triệu chứng viêm diễn ra. Tình trạng này cần xử lý sớm, can thiệp kịp thời để tránh gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho khớp gối.

2.3. Chấn thương 

Chấn thương đầu gối sau tai nạn là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất gây nên tình trạng viêm khớp gối. Đó là:

  • Gãy xương: Một số tai nạn đập đầu gối xuống nền cứng có thể dẫn tới hiện tượng rạn, vỡ xương bánh chè. Ngoài ra, các tình trạng gãy đầu dưới xương đùi hoặc đầu trên xương chày do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, … đều có khả năng gây tổn thương đến khớp gối. Ngoài ra, sau khi bị tổn thương gãy xương có thể sẽ đi kèm với tình trạng tràn dịch, tràn máu khớp gối và từ đó dẫn tới hiện tượng chèn ép các khoang. Chèn ép khoang là một biểu hiện nặng trong chấn thương, dễ làm cho người bệnh bị shock và tình trạng chấn thương nghiêm trọng hơn.
  • Tổn thương hệ thống dây chằng chéo và dây chằng bên của khớp gối do chấn thương: Những tổn thương này đều có khả năng cao tạo ra các phản ứng viêm bên trong khớp gối.
  • Viêm gân bánh chè: Đây là tình trạng viêm đau, kích thích tại gân và điểm bám gân khiến cho người bệnh có cảm giác rất đau. Bệnh lý này thường gặp ở những đối tượng là vận động viên những bộ môn thể dục thể thao như: chạy điền kinh, nhảy cao, nhảy xa, …
Viêm khớp gối
Viêm khớp gối

2.4. Gout

Đây được coi là một trong những bệnh lý rối loạn chuyển hóa thường gặp nhất hiện nay. Bệnh gout khiến cho nồng độ của acid uric trong máu tăng cao vượt ngưỡng bất thường. Từ đó gây ra tình trạng lắng đọng các tinh thể acid uric hoặc các muối urat của chúng (tinh thể urat) ở các vị trí khớp bàn ngón đặc biệt là khớp ngón chân cái. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp chúng tích tụ ở các tổ chức mô mềm của khớp gối và gây ra hàng loạt các triệu chứng kèm theo như: sưng, nóng rát, đỏ và rất đau vùng khớp.

2.5. Thể trạng

Béo phì, thừa cân và ít vận động là một trong những nguyên nhân hàng đầu tạo áp lực lớn lên khớp gối. Vì khớp gối đảm nhận chức vụ nâng đỡ toàn bộ cơ thể nên khi trọng lượng cơ thể lớn có thể khiến cho khớp gối càng phải chịu một áp lực rất lớn ngay cả khi thực hiện các động tác nhẹ nhàng như đi bộ hay leo cầu thang.

3, Các giai đoạn của viêm khớp gối

Để điều trị bệnh viêm khớp gối một cách hiệu quả nhất, ngoài việc tìm và phát hiện nguyên nhân dẫn đến bệnh thì việc chẩn đoán chính xác các giai đoạn của bệnh là vô cùng cần thiết. Viêm khớp gối được phân chia thành 4 giai đoạn bệnh chính như sau:

  • Giai đoạn sớm: Đây được coi là giai đoạn nhẹ nhất của bệnh viêm khớp gối. Lúc này phần sụn của khớp gối mới bắt đầu xuất hiện những tổn thương và có thể hình thành một vài tổn thương gai xương rất nhỏ. Ở giai đoạn này, bệnh nhân hầu như chưa cảm nhận được rõ rệt các triệu chứng của bệnh mà thường chỉ được phát hiện khi tình cờ chụp phim X – quang khớp gối kiểm tra khi khám sức khỏe tổng quát.
  • Giai đoạn viêm khớp gối nhẹ: Ở giai đoạn tiếp theo của bệnh, phần sụn của khớp gối tiếp tục bị bào mòn mỏng hơn và số lượng gai xương ở đầu xương xuất hiện nhiều lên. Chính vì vậy, đôi lúc người bệnh sẽ bắt đầu có cảm giác nhức mỏi vùng khớp gối. Tuy nhiên, ở giai đoạn này tình trạng bệnh chưa quá nghiêm trọng cũng như gây phiền toái nhiều tới cuộc sống của bệnh nhân nên thường ít được thăm khám và phát hiện bệnh.
  • Giai đoạn viêm khớp mức độ trung bình: Giai đoạn này, các tổn thương tại khớp tiếp tục trở nên trầm trọng hơn. Phần sụn càng lúc càng mỏng dần, bắt đầu có dấu hiệu thô ráp, xù xì khiến cho các khe khớp bị thu hẹp lại. Bệnh nhân có thể cảm nhận rõ ràng mức độ đau nhức tại khớp gối và đau tăng lên khi vận động, tần suất cơn đau nhiều dần lên. Nếu không được chẩn đoán và can thiệp kịp thời ở giai đoạn này thì rất dễ dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
  • Giai đoạn viêm khớp gối nặng: Lúc này, phần sụn của xương đầu gối đã bị vỡ hoặc thậm chí là đã bị tiêu biến hết khiến cho các khớp xương hầu như không còn khoảng cách. Trong khi đó thì dịch nhờn nuôi dưỡng trong khớp cũng không được bài tiết, khớp gối có thể bị biến dạng. Và ở giai đoạn nặng nề nhất này thì hầu hết các phương pháp điều trị trở nên khó khăn và hầu như không còn nhiều hiệu quả. Các bác sĩ thường chỉ điều trị nâng đỡ, khắc phục triệu chứng giúp người bệnh dễ chịu hơn chứ không thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Viêm khớp gối gây sưng, nóng, đỏ khớp gối

4, Triệu chứng và chẩn đoán viêm khớp gối

4.1. Triệu chứng viêm khớp gối thường gặp bao gồm

  • Đau khớp gối: Đây là một triệu chứng thường gặp nhất ở những bệnh nhân bị viêm khớp gối. Ban đầu, người bệnh thường chỉ cảm thấy có đâu hiệu đau âm ỉ, từ từ và tăng lên khi vận động, đi lại, vận động nhiều. Cơn đau thường xuất hiện vào hoàn cảnh thường là buổi sáng sau khi thức dậy nhưng cũng có thể đột ngột đau mà không có dấu hiệu nào báo trước. Khi tình trạng viêm khớp gối ở giai đoạn nặng hơn thì tình trạng đau sẽ trở nên trầm trọng và tần suất thường xuyên hơn khiến cho bệnh nhân rất khó chịu, mệt mỏi. Ngoài ra, tính chất đau tăng lên có thể khiến cho người bệnh bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
  • Sưng, nóng và đỏ khớp gối: Đây là một trong những triệu chứng dễ nhận biết trên bệnh nhân viêm khớp gối. Bạn có thể dễ dàng so sánh thấy vùng gối bên bị tổn thương sẽ đỏ hơn và sưng to hơn so với gối của chân còn lại. Ngoài ra, khi áp tay cùng lúc lên vùng khớp gối hai bên các bạn sẽ cảm nhận rõ ràng được nhiệt độ bên khớp gối bị viêm sẽ nóng hơn so với khớp gối bình thường. Các triệu chứng trên đều do phản ứng viêm bên trong khớp gối gây nên.
  • Tràn dịch khớp gối: Là một trong những triệu chứng thường kèm theo với các triệu chứng khác của viêm khớp gối. Tình trạng này xảy ra khi quá trình bài tiết và hấp thu dịch khớp bị rối loạn khiến cho lượng dịch thừa bị tích tụ lại bên trong các khoang khớp gối. Tràn dịch khớp gối làm cho khớp gối bị sưng to, hạn chế vận động. Ngoài ra, lượng dịch nhiều có thể gây ra tình trạng chèn ép vào các tổ chức phần mềm quanh khớp gối khiến cho các triệu chứng đau ngày càng trở nên trầm trọng hơn.
  • Cứng khớp gối: Là hiện tượng khớp không cử động linh hoạt được sau một thời gian dài, thường là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Người bệnh phải xoa bóp nhẹ nhàng vùng khớp gối sau khoảng thời gian từ 10 – 15 phút thì mới có thể cử động được khớp bình thường.
  • Khớp gối phát ra tiếng lục cục, răng rắc: Ngược lại với tình trạng tràn dịch khớp gối là hiện tượng “khô khớp” khi khớp gối bị viêm đặc biệt là do nguyên nhân thoái hóa. Khi lớp sụn giúp bao bọc và bảo vệ đầu xương bị bào mòn và trở nên thô ráp thì lực ma sát giữa các khớp tăng lên, kém trơn tru và tạo ra các âm thanh tại khớp. Ngoài ra, lượng dịch nhờn không được bài tiết đủ càng khiến khớp bị khô cứng. Chính vì vậy đã xuất hiện các tiếng răng rắc, lục cục mỗi khi khớp gối chuyển động gấp, duỗi.
  • Khó vận động khớp: Nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng này là do người bệnh tránh đau mỗi khi cử động khớp. Kèm theo đó là do hiện tượng sưng, tràn dịch khớp cũng như cứng khớp cũng làm tầm vận động của khớp gối dần trở nên bị hạn chế. Bệnh nhân gặp khó khăn, phiền toái khi lên xuống cầu thang cũng như các hoạt động thể lực khác.
Triệu chứng đau khớp gối ở bệnh viêm khớp gối

4.2. Chẩn đoán bệnh viêm khớp gối

Ngoài việc khai thác các thông tin triệu chứng bệnh và quá trình thăm khám, các bác sĩ có thể ra các chỉ định cận lâm sàng để có thể chẩn đoán chính xác các giai đoạn của bệnh của viêm khớp gối. Các cận lâm sàng thường được áp dụng bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Đây là một trong những loại xét nghiệm thường quy mà các bác sĩ lâm sàng chỉ định. Xét nghiệm máu có khả năng đánh giá tình trạng viêm khớp. Xét nghiệm máu sẽ cung cấp các chỉ số đánh giá tình trạng viêm như: Số lượng các tế bào bạch cầu, tốc độ máu lắng, CRP,… Ngoài ra, nồng độ của một số chất tồn tại trong huyết tương cũng được thể hiện như: acid uric – chỉ điểm bệnh Gout, chỉ số mỡ máu, … Máu còn là bệnh phẩm của xét nghiệm miễn dịch để tìm ra các yếu tố dạng thấp RF, anti CCP, HLA, … Từ đó giúp các bác sĩ định hướng được nguyên nhân gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp.
  • Chụp X – quang khớp gối thẳng và nghiêng: Đây chính là phương pháp chẩn đoán hình ảnh dễ thực hiện, chi phí không cao mà hiệu quả giúp chẩn đoán bệnh viêm khớp gối tương đối tốt. Một số hình ảnh đặc trưng của bệnh viêm khớp gối có thể được thể hiện trên phim chụp x quang bao gồm: dấu hiệu sụn khớp mỏng, các khe khớp bị hẹp cùng với các hình ảnh gai xương – đặc vùng xương dưới sụn. Ngoài ra, các bác sĩ có thể phát hiện thêm được các tổn thương gãy xương cũ, trật khớp gối, … và các biến dạng khác kèm theo nếu có.
  • Chụp phim cắt lớp vi tính khớp gối: Đây là một phương pháp có độ nhạy và độ đặc hiệu cao hơn so với X – quang khớp gối thông thường. Các bất thường của xương khớp gối có thể được phát hiện từ những giai đoạn sớm của bệnh.
  • Chụp cộng hưởng từ khớp gối (MRI): Phương pháp này có khả năng đánh giá được những tổn thương rất nhỏ của tổ chức phần mềm quanh khớp cũng như các thành phần khác của khớp gối mà những phương pháp khác còn hạn chế hay bỏ sót.
  • Siêu âm khớp gối: Đây là phương pháp phát hiện tổn thương của khớp gối thông qua các sóng siêu âm đặc hiệu. Siêu âm có thể phát hiện và đánh giá mức độ tràn dịch của khớp gối cũng như đánh giá hệ thống dây chằng, sụn khớp. Đây là một loại chẩn đoán hình ảnh dễ dàng thực hiện và không xâm lấn, không làm ảnh hưởng hay độc hại đến người bệnh.
  • Xét nghiệm dịch khớp gối: Chọc hút dịch khớp gối không chỉ là một phương pháp điều trị tràn dịch khớp gối, giúp bệnh nhân đỡ đau mà phương pháp này còn được các bác sĩ chỉ định thực hiện để lấy bệnh phẩm làm xét nghiệm. Qua việc phân tích dịch khớp gối, các bác sĩ có thể chẩn đoán được tình trạng viêm, nhiễm khuẩn, … của khớp gối.

5, Các biến chứng của viêm khớp gối là gì?

Viêm khớp gối nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ nhanh chóng tiến triển nặng lên sang các giai đoạn III, IV và ảnh hưởng nghiêm trọng tới chức năng vận động của bệnh nhân. Một số biến chứng nguy hiểm có thể gặp của bệnh viêm khớp gối bao gồm:

5.1. Mất ngủ do đau khớp gối kéo dài

Đau khớp gối là triệu chứng chủ đạo kéo dài trong suốt quá trình bị bệnh đặc biệt là khi bệnh ở giai đoạn nặng. Khi tình trạng đau nhức xảy ra ở mức độ nặng và nhiều sẽ khiến cho bệnh nhân luôn bị khó chịu, mệt mỏi và từ đó ảnh hưởng lớn tới chất lượng giấc ngủ cũng như cuộc sống của họ. Mất ngủ cũng chính là nguồn căn gây ra hàng loạt các bệnh lý khác của cơ thể.

5.2. Hạn chế và mất chức năng vận động khớp

Vì các tổn thương tại khớp gối kèm theo triệu chứng đau sẽ khiến cho người bệnh gặp nhiều khó khăn trong khi cử động, thậm chí đôi khi chỉ là các động tác gấp duỗi bình thường của khớp gối. Từ đó, cũng hạn chế nhiều tới hoạt động đi lại, sinh hoạt thường ngày.

Phương pháp điều trị viêm khớp gối

5.3. Teo cơ, biến dạng khớp gối

Do hạn chế vận động và tính chất tránh đau của bệnh nhân khiến cho khớp gối ít được vận động. Quá trình này diễn ra lâu dài sẽ dẫn tới các khối cơ không được vận động trở nên teo lại. Bên cạnh đó, hệ thống gân, dây chằng bị co rút, cứng lại cùng với sự xuất hiện nhiều của gai xương có thể khiến cho khớp gối bị biến dạng.

5.4. Tàn phế

Đây là biến chứng cuối cùng và nặng nề nhất đối với những bệnh nhân bị bệnh viêm khớp gối. Người bệnh bị mất hoàn toàn chức năng vận động của hai chi dưới, không đi lại và làm việc được nữa.

5.5. Biến chứng tim mạch

Trường hợp bệnh nhân bị bệnh viêm khớp gối do nguyên nhân viêm khớp dạng thấp thì ngoài các biến chứng tại chỗ thì bệnh nhân còn phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn. Đó là: tổn thương van tim, bệnh lý mạch vành, … những bệnh lý này sẽ dễ dẫn tới đột quỵ và tử vong cho bệnh nhân.

6, Cách điều trị viêm khớp gối

Nguyên tắc của điều trị viêm khớp gối bao gồm giảm đau và phục hồi chức năng khớp cho bệnh nhân. Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị viêm khớp gối khác nhau được sử dụng. Các bạn có thể tham khảo một số hướng dẫn dưới đây:

6.1. Các loại thuốc điều trị viêm khớp gối

Nhóm thuốc NSAIDS (thuốc chống viêm không steroid): Đây là nhóm thuốc được sử dụng phổ biến hiện nay. Các loại thuốc thường gặp trong nhóm này bao gồm:

  • Aspirin dùng với liều từ 75 đến 90 mg/kg cân nặng/ ngày.
  • Ibuprofen có thể được dùng đường uống với liều 35mg/kg cân nặng/ ngày hoặc dùng dưới dạng siro với liều 45mg/kg cân nặng/ ngày. Với dạng siro thường dùng cho trẻ em, có thể cho trẻ uống nhiều lần trong ngày.
  • Meloxicam có thể dùng với liều từ 0,25- 7,5mg/kg/ ngày. Thường chỉ định cho bệnh nhân dùng liều thấp trước, nếu không hiệu quả thì tăng dần liều.
  • Celecoxib dùng với liều từ 6- 12 mg/kg/ ngày. Loại thuốc này thường chỉ dùng trong những đợt viêm cấp tính, không nên dùng kéo dài vì dễ gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
  • Naproxen dùng với liều 15mg/ kg cân nặng/ ngày.

Nhóm thuốc DMARDs (thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm): Nhóm này bao gồm một số loại thuốc hay được sử dụng như sau:

  • Methotrexat: có thể dùng đường uống ngày 1 lần với viên nén hàm lượng 2,5mg. Hoặc dùng đường tiêm dưới da với liều lượng 0,2- 0,4mg/kg cân nặng/ tuần. Một điều cần lưu ý đó là việc sử dụng Methotrexat luôn phải đảm bảo cố định vào các thời điểm mỗi ngày hoặc mỗi tuần. Nếu bệnh nhân có biểu hiện khó chịu khi sử dụng Methotrexat thì có thể bổ sung thêm acid folic để làm giảm các tác dụng không mong muốn đó của thuốc.
  • Cyclosporin A: loại này ít được sử dụng hơn. Thường chỉ dùng khi Methotrexat không đem lại hiệu quả như mong muốn. Cyclosporin thường được dùng ban đầu với liều thấp là 0,2 mg/kg cân nặng/ngày sau đó tăng dần nếu chưa đạt được hiệu quả. Liều tối đa là 0,5 mg/kg cân nặng/ngày.
Các giai đoạn của viêm khớp gối

6.2. Các phương pháp điều trị khác như

  • Trị liệu thần kinh cột sống: chủ yếu là các động tác nắn chỉnh và xoa bóp giúp bệnh nhân giảm các triệu chứng khó chịu.
  • Vật lý trị liệu.
  • Phẫu thuật là phương pháp được đưa ra cuối cùng nếu các thuốc và các phương pháp kể trên không mang lại tác dụng.

7, Phòng bệnh viêm khớp gối như thế nào?

Mặc dù viêm khớp gối là một bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng nặng nề cho người bệnh nhưng việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa có thể giúp bệnh nhân cải thiện được các triệu chứng bệnh và hạn chế những biến chứng nặng nề xảy ra. Sau đây là các biện pháp phòng bệnh đơn giản mà các bạn có thể áp dụng:

7.1. Xây dựng một chế độ ăn lành mạnh

Hãy bổ sung vào thực đơn bữa ăn hàng ngày của các bạn các loại rau xanh tốt cho xương khớp như: đậu bắp, mồng tơi, bắp cải, bông cải xanh,… cùng với các trái cây mọng nước giúp bổ sung các vitamin và chất khoáng cần thiết. Ngoài ra, hoa quả và rau còn cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa tự nhiên có khả năng ngăn chặn lại quá trình lão hóa sớm ở khu vực khớp gối.

Cùng với đó, bạn có thể bổ sung thêm omega 3 với các loại thực phẩm như: cá hồi, cá thu, cá ngừ, quả óc chó,… những chất này rất tốt cho hệ xương khớp. Bạn có thể hầm xương ống hoặc chế biến các món ăn ngon từ sườn để cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất quý như: chondroitinglucosamin, canxi giúp tăng cường dịch khớp và chắc khỏe xương.

Cần tránh xa các thực phẩm quá mặn chứa nhiều muối vì chúng có thể làm hạn chế quá trình hấp thu canxi của xương. Chế độ ăn cần cắt giảm lượng tinh bột, các loại thịt đỏ, nội tạng động vật và các món ăn chế chiên rán quá nhiều dầu mỡ.

Tuyệt đối nói không với các chất kích thích như rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có gas và từ bỏ thói quen xấu như hút thuốc lá.

7.2. Giảm cân hợp lý

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi trọng lượng cơ thể chúng ta tăng 1kg thì đồng nghĩa với việc mỗi bên khớp gối phải tăng thêm 1 – 2kg áp lực để chịu lực nâng đỡ cơ thể. Chính vì vậy, việc giảm cân là vô cùng cần thiết đối với những bệnh nhân có thể trạng béo phì lâu năm. Bên cạnh đó thì giảm cân còn giúp phục hồi và cải thiện làm tăng độ dày lớp sụn khớp.

Thuốc Meloxicam 7,5mg điều trị viêm khớp gối

7.3. Thiết lập thói quen tập thể dục điều độ và đều đặn mỗi ngày

Đi bộ nhẹ nhàng: Bệnh nhân bị bệnh viêm khớp gối thường ngại thực hiện các hoạt động di chuyển vì sẽ cảm thấy đau và khó chịu nhiều. Nhưng chính vì vậy mà các khối cơ quanh khớp lại càng dễ bị teo và khớp gối trở nên kém linh hoạt hơn. Tuy nhiên, bạn cũng chỉ nên đi bộ nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày để giúp làm tăng cường sự dẻo dai cho khớp gối.

Đạp xe và bơi lội là hai bộ môn thể thao rất được ưa chuộng và rất tốt đối với sức khỏe hệ xương khớp. Phương pháp này giúp tăng cường lượng dịch nhờn vùng bao khớp gối và tạo được sức bền cho các khối cơ mà không hề tạo nhiều áp lực lên khớp gối.

Hạn chế thực hiện các môn thể thao có tính đối kháng cũng như các bài tập có cường độ trung bình và nặng tác động vào khớp gối. Việc làm này càng khiến cho khớp gối bị quá tải hơn và làm cho tình trạng viêm khớp gối diễn biến nặng lên.

Như vậy, viêm khớp gối là một bệnh lý của hệ cơ xương khớp thường gặp và gây rất nhiều “phiền toái” tới cuộc sống của chúng ta. Hãy chú ý tới các biểu hiện sớm nhất để được thăm khám sớm và điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng nề có thể xảy ra. Hy vọng bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin hữu ích giúp quý độc giả có thể hiểu thêm về căn bệnh này. Xin cảm ơn!

Xem thêm:

Đau khớp gối: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Tài liệu tham khảo: Rheumatoid Arthritis, PubMed, truy cập ngày 6/11/2021

1 thoughts on “Viêm khớp gối là gì? Triệu chứng? Điều trị?

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here