Kinh nguyệt ra máu đông: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

nhathuocngocanh.comKinh nguyệt máu đông ((Tác giả Monique Rainford, MD (Ngày đăng: 23 tháng 06 năm 2021). What Blood Clots During Your Period Mean, verywell health. Truy cập ngày 31 tháng 12 năm 2021.)) là hiện tượng gì và có nguy hiểm hay không? Hãy cùng nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu về vấn đề này nhé!

Tình trạng kinh nguyệt máu đông

Khi các hormone thực hiện chức năng, kích hoạt cơ thể và làm bong lớp niêm mạc tử cung hay còn gọi là nội mạc tử cung. Khi lớp niêm mạc này bong ra, các mạch máu nhỏ tại đây cũng bị ảnh hưởng khiến bạn bị chảy máu, dẫn tới hiện tượng kinh nguyệt. Kinh nguyệt sẽ diễn ra hàng tháng một cách đều đặn và là một sinh lý bình thường của phụ nữ.
Để tránh mất quá nhiều máu, cơ thể bạn sẽ có sự kết hợp giữa huyết tương (phần lỏng của máu) và tiểu cầu (các tế bào máu nhỏ liên kết tạo thành cục máu đông) để làm đông máu, từ đó tạo nên các cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt.
Máu kinh được đưa ra ngoài cơ thể cùng với các mảnh vụn của niêm mạc tử cung bong ra và cũng có thể tạo ra các cục máu đông. Do đó, những cục máu đông có thể là một khối các tế bào nội mạc tử cung hoặc có thể là một hỗn hợp của cả tế bào nội mạc tử cung và cục máu đông.

Trong vài ngày đầu của kỳ kinh – khi lượng máu kinh ra nhiều nhất, các cục máu sẽ có màu đỏ sẫm hoặc hơi đen. Kỳ kinh của bạn cũng có thể bắt đầu hoặc kết thúc với các cục máu đông màu đỏ tươi. Điều này cho thấy lượng máu chảy nhiều, không có thời gian để bị oxi hóa và trở nên sẫm màu.

Khi lượng kinh nguyệt của bạn nhiều hơn, các cục máu đông sẽ có xu hướng lớn hơn.
Để đưa các cục máu đông lớn ra ngoài, cổ tử cung phải giãn ra, tạo nên cơn đau dữ dội ở bụng dưới. Điều này giải thích một phần lý do của tình trạng bị chuột rút khi chảy quá nhiều máu.

Kinh nguyệt ra máu đông là gì?
Kinh nguyệt ra máu đông là gì?

Biểu hiện của kinh nguyệt ra máu đông

Kinh nguyệt bị vón cục là bình thường đối với đa số các phụ nữ. Tuy nhiên, có một số trường hợp máu kinh nguyệt vón cục bất thường. Vậy khi nào cục máu đông trong kinh nguyệt khi nào là bình thường và khi nào là bất thường?

Kinh nguyệt máu đông bình thường

Trong độ tuổi sinh đẻ, lớp niêm mạc tử cung sẽ bong tróc. Lớp niêm mạc này hay được gọi là nội mạc tử cung. Nội mạc tử cung sẽ dày lên trong tháng, có nhiệm vụ đáp ứng với nội tiết tố estrogen, nó sẽ giúp trứng được thụ tinh khi gặp tinh trùng. Nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, lớp nội mạc sẽ được các thay đổi nội tiết tố báo hiệu rồi bong ra gây nên hiện tượng kinh nguyệt hàng tháng của các chị em.

Tùy vào cơ thể của mỗi người mà thời gian hành kinh sẽ kéo dài hay ngắn hạn, thường thì từ 3 đến 7 ngày.

Thường máu đông sẽ xuất hiện ở đầu chu kỳ, có thể sẽ đau bụng dưới nhẹ hoặc không đau. Màu máu sẽ có màu đỏ hoặc đỏ thẫm, loãng, không có mùi hôi tanh quá nặng. Và trong lứa tuổi dậy thì, kinh nguyệt vón cục sẽ xuất hiện nhiều hơn nhưng một thời gian sau thì tình trạng vón cục sẽ giảm.

Kinh nguyệt bình thường
Kinh nguyệt bình thường

Biểu hiện của kinh nguyệt máu đông được xem là bất thường

Cục máu đông trong chu kỳ kinh nguyệt có các đặc điểm trên sẽ được xem là bình thường. Tuy nhiên nếu như có các đặc điểm dưới đây thì nó sẽ được xem là bất thường và gây ảnh hưởng đến cơ thể:

Kinh nguyệt máu đông có màu đen

Đây là tình trạng máu kinh nguyệt không có màu đỏ sẫm như bình thường thay vào đó lại có màu đen hay màu đen nâu, bị vón cục và có mùi hôi khó chịu. Hiện tượng này được giải thích là do máu kinh ứ trệ trong tử cung lâu ngày, khi bị tống ra khỏi cơ thể thì có màu sẫm, bị oxy hóa. Kinh nguyệt màu đen vón cục có nguyên nhân bắt nguồn từ các bệnh lý phụ khoa, viêm nhiễm và một số nguyên nhân khác.

  • Bệnh phụ khoa: Các bệnh lý phụ khoa gây sự cản trở lưu thông máu của kinh nguyệt dẫn đến kinh nguyệt bị ứ trệ, lâu thoát ra ngoài dẫn đến máu bị oxy hóa và có mùi hôi, màu đen như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, viêm vùng chậu, viêm lộ tuyến tử cung, viêm tắc vòi trứng,…
  • Rối loạn nội tiết: Lượng estrogen suy giảm gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của buồng trứng dẫn tới kinh nguyệt không đều hoặc có thể làm kinh nguyệt bất thường như vón cục, có màu đen.
  • Nạo phá thai không an toàn, sạch sẽ: Việc sảy thai nhiều lần hay tiến hành thủ thuật nạo phá thai không an toàn gây tác động lớn đến nội mạc tử cung làm cho kinh nguyệt bị rối loạn, cơ quan sinh dục bị tổn thương, tạo sẹo hay biến chứng. Từ đó làm ảnh hưởng đến đường đi đưa máu kinh ra ngoài, kinh nguyệt không khó thoát ra, ứ đọng, đông lại rồi chuyển sang màu đen.
  • Tác dụng phụ của các thuốc đang sử dụng: Các trường hợp hay sử dụng thuốc kháng sinh hoặc lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp cũng làm rối loạn chức năng của hệ sinh sản dẫn tới xuất hiện kinh nguyệt máu đông có màu đen.
  • Dị dạng cổ tử cung: Cổ tử cung hẹp hơn mức bình thường làm cho kinh nguyệt khó lưu thông, máu sẽ lâu được tống ra và sẽ bị đông lại, chuyển sang màu đen, nhất là đối với đối tượng đang trong tình trạng rong kinh.
Kinh nguyệt bình thường
Kinh nguyệt bình thường

Kinh nguyệt máu đông kèm đau

Đau bụng kinh là biểu hiện rất bình thường và dễ gặp ở các chị em phụ nữ trong quá trình hành kinh, tùy vào mỗi người mà mức độ cơn đau sẽ khác nhau và nó gây ra khó chịu, bất lợi cho các chị em.

Tuy nhiên, mọi người cũng cần lưu ý những cơn đau bất thường như: đau bụng kinh có kèm theo nhiều cục máu đông, buồn nôn, chóng mặt,… thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý phụ khoa viêm nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung hay u xơ tử cung,…

Kinh nguyệt xuất hiện nhiều cục máu đông và diễn ra thường xuyên

Như đã nói trên, hiện tượng xuất hiện máu đông trong kinh nguyệt là một hiện tượng bình thường. Nhưng khi tình trạng kinh nguyệt máu đông diễn ra thường xuyên, tần suất bị nhiều hơn thì đây có thể là một biểu hiện bất thường do tới từ hệ sinh sản. Khi gặp trường hợp này, bạn cần thăm khám phụ khoa càng sớm càng tốt để có thể biết được tình trạng sức khỏe của bạn và được xử lý, điều trị kịp thời.

Những biểu hiện bất thường khác

Ngoài những biểu hiện trên, kinh nguyệt máu đông còn có thể đi kèm với các biểu hiện sau:

  • Kinh nguyệt có mùi hôi chua, tanh nồng.
  • Máu đông có kèm theo các chất nhầy bết dính, dai, màu sẫm hoặc trắng vàng đục, có thể kéo thành sợi,…

Các trường hợp bất thường đều nên đến bệnh viện để thăm khám để xác định bệnh và tìm hướng điều trị sớm nhất có thể. Không nên tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian, trừ khi bạn đã xác định được bệnh và nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

Biểu hiện của kinh nguyệt ra máu đông vón cục
Biểu hiện của kinh nguyệt ra máu đông vón cục

Nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt máu đông

Kinh nguyệt máu đông thường diễn ra khi bị chảy máu nhiều, trong quá trình rong kinh và xuất phát từ cơ chế bảo vệ từ chất chống đông máu của cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh nguyệt máu đông và sau đây là các nguyên nhân gây ra:

Rong kinh

Rong kinh là hiện tượng máu kinh chảy ra nhiều và lượng máu kinh kéo dài liên tục hơn bảy ngày và lượng máu được coi là nhiều khi bạn phải thay băng vệ sinh sau ít hơn hai giờ, hoặc xuất hiện các cục máu đông có kích thước bằng một phần tư hoặc lớn hơn.

Thiếu sắt, thiếu máu

Ở một số người có thể trạng yếu, mắc bệnh liên quan đến rối loạn hồng cầu hay thiếu chất, đặc biệt là thiếu sắt gây nên hiện tượng thiếu máu. Những người bị thiếu máu khi đến kỳ kinh nguyệt hiện tượng máu đông thường xảy ra hơn do cơ thể suy yếu, thiếu chất, lượng oxy đến các cơ quan không đủ để hoạt động trong đó có các cơ quan của hệ sinh sản, hệ thống chống đông cũng bị suy giảm theo từ đó làm ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, làm máu khó được tống ra ngoài hơn, gây ứ trệ, và dễ đông lại trước khi được đưa ra ngoài.

Rối loạn nội tiết

Trong cơ thể của phụ nữ, Estrogen và Progesterone là nội tiết tố quan trọng đối với hệ sinh sản. Khi rối loạn nội tiết diễn ra đồng nghĩa với việc 2 hormon trên cũng bị mất cân bằng hoặc suy giảm. Lượng Estrogen không đủ để làm dày lớp nội mạc tử cung nên khi hành kinh, màng thành tử cung bong ra dẫn đến máu kinh ra nhiều, kèm theo đó là xuất hiện cục máu đông và có thể có màu đen.

Rối loạn nội tiết
Rối loạn nội tiết

Rối loạn đông máu

Những người mắc chứng rối loạn đông máu thường sẽ có lượng máu nhiều hơn trong kỳ kinh nguyệt. Lượng máu nhiều làm cho tình trạng đông máu diễn ra dễ dàng hơn nhưng có biểu hiện lại giống với hiện tượng đông máu kinh nguyệt bình thường nên khó phân biệt, thường bị bỏ qua. Rối loạn đông máu sẽ gây ra nhiều phiền phức cho bệnh nhân vì vậy khi bạn thấy hiện tượng đông máu thường xuyên diễn ra, bạn cần đến bệnh viện hay các phòng khám để được chẩn đoán bệnh kịp thời và tìm hướng điều trị.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung là thuật ngữ y học để chỉ tình trạng máu kinh đi ngược dòng chảy, làm máu kinh khó thoát ra ngoài và bị ứ trệ bên trong cơ thể. Máu kinh có thể sẽ đi vào các bộ phận: ống dẫn trứng, bàng quang, trực quang, thấm vào các khoang của vùng bụng,… hơn thế nữa máu còn có thể chảy vào tận buồng trứng.

Lớp nội mạc tử cung bong ra, theo dòng máu đi vào các bộ phận trên và đọng lại trong cơ thể phụ nữ. Theo thời gian, nếu quá trình thụ tinh không xảy ra, các lớp niêm mạc tử cung bong ra chảy máu nhiều và dần vón cục lớn bên trong kèm theo các cơn đau bụng dữ dội.

Lạc nội mạc tử cung có biểu hiện rõ ràng hơn so với các nguyên nhân gây kinh nguyệt đông máu khác. Các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung gồm có:

  • Xương chậu và lưng dưới có cảm giác đau và chuột rút, cứng cơ.
  • Rong kinh, trong chu kỳ kinh nguyệt xuất hiện các cục máu đông với tần suất diễn ra thường xuyên.
  • Đau bụng kinh dữ dội hoặc khi quan hệ tình dục.
  • Khả năng sinh sản suy giảm.

Nếu để bệnh tiến triển lâu dài mà không có sự can thiệp, chữa trị thì lạc nội mạc tử cung rất nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe chung của người phụ nữ. Vì vậy, nếu gặp các biểu hiện trên, các chị em cần thăm khám sớm để xác định và điều trị kịp thời tránh để về lâu về dài.

Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung

Tử cung phát triển bất thường

Tử cung là nơi đặc biệt quan trọng trong việc sinh sản của người phụ nữ, là nơi diễn ra quá trình thụ tinh và làm tổ của bào tử. Tuy nhiên trong quá trình hoàn thiện bộ phận chức năng sinh sản, tử cung cũng có thể phát triển không theo hướng bình thường như người không có tử cung, người có 2 tử cung, tử cung có cách vách ngăn, tử cung 2 sừng,… Những dị dạng tử cung này mặc dù rất hiếm gặp nhưng cũng cần phải chú ý nhiều vì nó gây nên nhiều hậu quả, biến chứng nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản của người phụ nữ, trong số đó có quá trình hành kinh.

Tử cung bất bình thường cũng là một nguyên nhân lớn dẫn tới máu đông trong kinh nguyệt vì có thể gây lạc nội mạc tử cung làm dòng chảy của máu kinh đi theo hướng khác mà không được tống ra ngoài cơ thể.

Hội chứng buồng trứng đa nang

Hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng trong cổ tử cung của người bệnh có nhiều nang trứng nhỏ với kích thước từ 4 đến 9mm. Các nang trứng này sẽ không phát triển đến mức hoàn thiện. Hội chứng buồng trứng đa nang làm mất cân bằng nội tiết tố dẫn tới kinh nguyệt không đều và xuất hiện cục máu đông trong kỳ kinh nguyệt.

Hội chứng buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang

Polyp

Các tế bào lát trong mặt tử cung phát triển quá mức sinh ra các khối u bên trong tử cung và chúng có thể nằm rải rác ở các vị trí khác nhau nhưng thường thì nằm ở vùng bên trong tử cung, có một số trường hợp sẽ xâm nhập đến cả vùng âm đạo.

Các polyp tử cung phát triển rất nhanh chóng về kích thước gây cản trở sự lưu thông máu trong quá trình kinh nguyệt và dẫn tới hiện tượng máu đông.
Đây là một bệnh phụ khoa rất nguy hiểm ở phụ nữ.

U xơ tử cung

Các khối u phát triển ở bề mặt của thành tử cung hoặc là trên các tuyến hướng vào lòng tử cung. Các khối u này rất nhạy cảm với nội tiết tố estrogen và progesterone nên khi chu kỳ kinh nguyệt diễn ra cũng là lúc nồng độ estrogen tăng cao làm cho các khối u này phát triển mạnh hơn. Điều này gây ra lượng máu kinh nguyệt nhiều hơn, máu dễ vón cục và đông lại.

Các triệu chứng của u xơ tử cung:

  • Rối loạn kinh nguyệt.
  • Đau bụng dưới dữ dội khi hành kinh và ngay khi những ngày bình thường.
  • Xuất hiện nhiều cục máu đông.
  • Đau khi quan hệ tình dục.
U xơ tử cung
U xơ tử cung

Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ. Đây là bệnh gây ra bởi sự phát triển bất thường, không kiểm soát của các tế bào cổ tử cung. Sự phát triển nhanh chóng của chúng tạo nên khối u ở cổ tử cung.

Kinh nguyệt máu đông là một trong những biểu hiện của bệnh. Ngoài ra ung thư cổ tử cung còn có các triệu chứng khác như:

  • Ra máu âm đạo bất thường không theo chu kỳ, sau khi quan hệ tình dục hoặc bất cứ lúc nào sau mãn kinh. Máu kinh có màu đen hoặc sẫm màu.
  • Đau vùng xương chậu, lưng dưới, đau khi quan hệ tình dục.
  • Thay đổi thói quen đi tiểu: tiểu tiện, đại tiện mất kiểm soát, nước tiểu có máu,…
  • Chân sưng đau do khối u lớn chèn vào các dây thần kinh và mạch máu vùng xương chậu.

Adenomyosis

Đây là tình trạng mô nội mạc tử cung bắt đầu phát triển vào thành tử cung và đa phần thường làm cho tử cung của bạn lớn hơn so với bình thường.

Sẩy thai

Sẩy thai có thể xảy ra rất sớm, có thể là trước khi bạn biết mình đang mang thai. Đông máu và chảy máu là những triệu chứng phổ biến khi sẩy thai. Đây là một trong những nguyên nhân được nhiều người hay nghĩ đến nhất khi xuất hiện các cục máu đông lớn.

Sẹo ở buồng trứng

Một số phụ nữ có thể bị chảy máu bất thường liên quan đến vết sẹo từ phần buồng trứng của họ (Vết sẹo có thể hình thành từ hậu phẫu thuật…)

Phương pháp chuẩn đoán

Cục máu đông trong và ngoài chu kỳ kinh nguyệt là một triệu chứng của một tình trạng bệnh tiềm ẩn khác. Những câu hỏi bác sĩ có thể sẽ hỏi bạn khi thăm khám như:

  • Kỳ kinh của bạn kéo dài bao lâu?
  • Lượng máu chảy ra trong kỳ kinh nguyệt?
  • Trong chu kỳ kinh nguyệt, bạn có thấy hiện tượng bất thường nào không?
  • Bạn đã từng có thai chưa?
  • Bạn có tiền sử phẫu thuật vùng chậu?
  • Bạn có sử dụng biện pháp tránh thai không và nếu có thì dùng loại nào?
  • Bạn đang sử dụng thuốc gì?

Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm các xét nghiệm, thăm khám phụ khoa để tìm ra nguyên nhân gây tình trạng máu đông. Bao gồm:

  • Xét nghiệm lood: Xét nghiệm máu có thể được thực hiện để kiểm tra chức năng tuyến giáp và sự mất cân bằng nội tiết tố, thiếu máu hoặc vấn đề về đông máu của bạn.
  • Xét nghiệm Pap: Tế bào được lấy từ cổ tử cung và được đem đi kiểm tra để tìm ra sự thay đổi bất kỳ nào đó có thể là nguyên nhân gây chảy máu nhiều và cục máu đông hay không.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để theo dõi lưu lượng máu và kiểm tra các vấn đề khác như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung. Có thể được sử dụng để kiểm tra niêm mạc tử cung, bác sĩ sẽ bơm một chất lỏng vào tử cung của bạn thông qua một ống dẫn được đưa qua âm đạo và cổ tử cung. Trong quá trình này, bạn có thể cảm thấy chuột rút hoặc áp lực.
  • Sinh thiết nội mạc tử cung: Các mẫu mô của niêm mạc tử cung của bạn được lấy ra và đánh giá để tìm kiếm các tế bào bất thường.
  • Nội soi tử cung: Nhân viên y tế sẽ đưa một ống soi mỏng có đèn vào tử cung để kiểm tra chi tiết tử cung của bạn. Điều này có thể giúp chẩn đoán polyp và u xơ tử cung.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ sẽ cho bạn về hình ảnh tử cung, CT tương tự như chụp X-quang. Cả hai đều là thủ tục không gây đau.
Xét nghiệm Pap
Xét nghiệm Pap

Phương pháp điều trị

Việc điều trị của bạn sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm:

  • Nguyên nhân gây nên tình trạng cục máu đông hoặc rong kinh.
  • Mức độ nghiêm trọng của cục máu đông và lượng máu chảy nhiều.
  • Trong kỳ kinh nguyệt có xuất hiện các cơn đau kèm theo hay không?
  • Độ tuổi và tình trạng sức khỏe sinh sản của bạn.

Chất bổ sung sắt

Kinh nguyệt ra nhiều, kéo dài dẫn tới tình trạng thiếu máu ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy 63,4% phụ nữ bị rong kinh bị thiếu máu.

Thiếu máu khiến cơ thể mệt mỏi, chóng mặt và choáng váng,… Để điều trị tình trạng này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc hoặc các sản phẩm bổ sung sắt để khôi phục hàm lượng sắt trong máu của bạn.

Việc bổ sung sắt sẽ không có tác dụng làm thuyên giảm hay điều trị tình trạng rong kinh, kinh nguyệt máu đông của bạn. Tuy nhiên, nó có thể khắc phục các triệu chứng thiếu máu và giúp tạo nên các tế bào hồng cầu khỏe mạnh thay cho các tế bào hồng cầu cũ.

Thuốc tránh thai

Thuốc tránh thai có thể làm giảm lượng máu kinh của bạn và kiểm soát lượng máu chảy nhiều bất thường. Đặc biệt, bác sĩ có thể đưa ra giải pháp vòng tránh thai hoặc thuốc tránh thai nội tiết tố để kiểm soát nguyên căn của máu đông trong kỳ kinh nguyệt.

Hai dạng thuốc tránh thai hay được sử dụng để kiểm soát chảy máu nhiều là thuốc ngừa thai kết hợp và ngừa thai chỉ dùng progesterone. Thuốc tránh thai kết hợp có chứa cả estrogen và progesterone sẽ làm giảm lưu lượng máu kinh nguyệt của bạn lên đến 77%.

Thuốc dạng uống hoặc thuốc tiêm chỉ chứa progesterone như norethindrone (còn được gọi là norethisterone) có thể làm giảm lưu lượng máu kinh hơn 80%. Norethindrone là thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone được sử dụng phổ biến nhất từ trước đến nay.

Một lựa chọn khác cho việc điều trị kinh nguyệt máu đông đó là vòng tránh thai nội tiết tố như Mirena. Sản phẩm đã được chứng minh là có thể làm giảm lượng máu kinh lên đến 95% sau một năm sử dụng. Tuy nhiên bạn cần lưu ý rằng bạn vẫn có thể bị chảy máu nhiều bất thường và xuất hiện máu đông trong sáu tháng đầu hoặc hơn.

Advil hoặc Motrin (ibuprofen) có thể giảm đau, làm giảm cơn chuột rút và kiểm soát lượng máu chảy ra tới 49%.

Advil và Motrin đều thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Nhưng không phải tất cả các NSAID đều hoạt động theo cùng một cơ chế.

Aspirin cũng là một NSAID được sử dụng để điều trị đau và viêm, nhưng sử dụng aspirin sẽ làm tăng lưu lượng kinh nguyệt của bạn làm tình trạng máu đông càng trở nên nhiều hơn.

Thuốc tránh thai Advil
Thuốc tránh thai Advil

Liệu pháp nội tiết tố

Progesterone, estrogen hoặc kết hợp cả hai có thể giúp giảm chảy máu. Các hormone này có thể được kê đơn như các biện pháp tránh thai hoặc với liều lượng không được điều chỉnh cụ thể để tránh thai.

Sự khác biệt chính giữa liệu pháp nội tiết tố và các biện pháp tránh thai bằng nội tiết tố là liệu pháp nội tiết tố có khả năng duy trì chức năng sinh sản của người phụ nữ trong quá trình sử dụng. Vì vậy, đây là lựa chọn tối ưu cho người đang muốn có thai đồng thời muốn kiểm soát lượng kinh nguyệt.

Thuốc chống tiêu sợi huyết

Thuốc chống tiêu sợi huyết như Lysteda (axit tranexamic) hoặc Amicar (axit aminocaproic) có thể giúp giảm chảy máu. Lysteda có thể làm giảm lưu lượng kinh nguyệt của bạn lên đến 58%.

Tác dụng chính của thuốc chống tiêu sợi huyết là làm chậm quá trình tiêu sợi huyết – một thuật ngữ chỉ quá trình phá vỡ cục máu đông.

Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật sẽ được áp dụng cho các bệnh nhân mắc polyp hoặc u xơ. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu thuốc không có tác dụng hoặc bị chống chỉ định cho bạn. Các lựa chọn phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi tử cung: Phương pháp này được sử dụng để loại bỏ u xơ hoặc niêm mạc tử cung…
  • Cắt bỏ hoặc cắt bỏ nội mạc tử cung: Những thủ thuật giúp loại bỏ hoặc phá hủy toàn bộ hay một phần niêm mạc tử cung để làm giảm hoặc ngừng kinh nguyệt tuy nhiên lại có tác dụng phụ lớn là gây mất chức năng sinh sản hoàn toàn.
  • Nội soi ổ bụng: Phẫu thuật không xâm lấn quá sâu, được sử dụng để loại bỏ u xơ tử cung nhỏ. Ưu điểm là không để lại sẹo lớn.
  • Cắt bỏ khối u: Nếu khối u xơ có kích thước lớn, bạn sẽ cần phải cắt bỏ khối u.
  • Cắt bỏ tử cung: Tử cung của bạn sẽ bị cắt bỏ, có nghĩa là bạn sẽ không có kinh nguyệt nữa và bạn sẽ không thể có thai sa khi làm phẫu thuật. Lựa chọn này được xem xét khi thuốc không có tác dụng và được áp dụng trên đối tượng chưa mãn kinh.
Phẫu thuật nội soi tử cung
Phẫu thuật nội soi tử cung

Các câu hỏi thường gặp

Có nhiều câu hỏi mà các chị em phụ nữ thường hay thắc mắc khi gặp phải kinh nguyệt ra máu đông.

Kinh nguyệt máu đông có tốt không?

Kinh nguyệt có máu đông là một hiện tượng bình thường trong chu kỳ hằng tháng. Đặc biệt với các bạn trong độ tuổi dậy thì thì hiện tượng này xuất hiện nhiều hơn và nó sẽ giảm dần theo thời gian.

Tuy nhiên nếu máu đông xuất hiện nhiều, có tính chất bất thường như màu đen, nhiều chất nhầy đục, nhiều cục máu đông kèm các cơn đau dữ dội,… thì đó có thể là biểu hiện của bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Vì vậy, khi gặp các trường hợp bất thường trên, chị em cần thăm khám sớm để chẩn đoán bệnh và tìm hướng điều trị.

Kinh nguyệt máu đông nhìn như bào thai

Khi máu bị ứ đọng nhiều trong tử cung và bị đông lại, lúc cục máu đông đấy được tống ra ngoài thì nó có kích thước lớn hơn so với bình thường. Nhiều người hay lo lắng và nghĩ cục máu đông là bào thai hình thành và bị đẩy ra ngoài. Nhưng bạn có thể yên tâm đấy không phải là bào thai mà chỉ là cục máu đông lớn. Nếu tính chất cục máu đông có màu sắc lạ hay có các thành phần bất thường khác làm bạn lo lắng thì hãy đến bệnh viện hoặc phòng khám để kiểm tra.

Trên đây là những thông tin về hiện tượng kinh nguyệt máu đông nhà thuốc Ngọc Anh gửi đến các bạn. Nếu có thắc mắc gì thì các bạn hãy liên lạc với nhà thuốc Ngọc Anh để được giải đáp sớm nhất.

Tài liệu tham khảo

Tác giả: Valinda Riggins Nwadike, MD, MPH, What Causes Your Period to Start Early?, Healhline, đăng ngày 11 tháng 08 năm 2020. Truy cập ngày 07 tháng 12 năm 2021.

Xem thêm:

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân, dấu hiệu, phương pháp điều trị

1 thoughts on “Kinh nguyệt ra máu đông: Nguyên nhân, biểu hiện và cách xử lý

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here