Gan nhiễm mỡ là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Gan nhiễm mỡ là bệnh gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh

Hiện nay, tỷ lệ những người mắc phải tình trạng gan nhiễm mỡ đang ngày càng tăng. Đây là một bệnh lý phổ biến đặc biệt là ở nam giới. Vậy bệnh gan nhiễm mỡ là gì, nguyên nhân và biểu hiện của bệnh, cách điều trị và phòng bệnh gan nhiễm mỡ ra sao. Để hiểu rõ hơn các vấn đề này, mời các bạn cùng tham khảo trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh nhé.

1, Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Gan là một tạng đặc trong cơ thể có chức năng tổng hợp nên các chất cần thiết cho cơ thể. Các chức năng chính của gan có thể kể đến là dự trữ đường, tổng hợp lipid, protein, tham gia và hỗ trợ việc sản xuất, cân bằng các yếu tố đông máu trong cơ thể,…

Khi gan bị tổn thương do bất kì nguyên nhân gì thì cũng đều có thể dẫn đến tình trạng viêm gan rồi sau đó tiến triển thành xơ hóa gan. Khi bị xơ gan, cơ thể của bệnh nhân sẽ dần bị suy kiệt vì thiếu chất dinh dưỡng, xảy ra tình trạng rối loạn đông hệ thống cầm máu, cổ trướng, giãn vỡ tĩnh mạch thực quản,…

Khi đã có những biến chứng đó các biện pháp điều trị thường ít kết quả và không mang lại kỳ vọng cao. Một trong những nguyên nhân gây tổn thương gan thường gặp hiện nay là gan nhiễm mỡ.

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, gan nhiễm mỡ được chia làm hai nhóm chính là: gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu là trường hợp sớm rồi sau đó có thể phát triển thành bệnh xơ gan do rượu. Gan nhiễm mỡ khi đã chẩn đoán mà không được điều trị sớm thì sẽ dễ dẫn đến tình trạng viêm gan và xơ gan do rượu. Nhóm bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thì lại do các bệnh lý khác gây nên.Khi Đó mục tiêu điều trị bệnh chính và điều trị triệt để các bệnh nguyên nhân.

2, Nguyên nhân dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Các nguyên nhân gây gan nhiễm mỡ có thể được chia thành 2 nhóm chính đó là nguyên nhân do rượu và không do rượu.

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu:

Đây là một nguyên nhân rất phổ biến ở người Việt Nam, nhất là các đối tượng là nam giới. ở những người nghiện rượu mạn tính, gan sẽ làm tăng tổng hợp và giảm phân giải các chất béo có trong gan, từ đó dẫn đến tình trạng mỡ bị ứ đọng lại quá mức bên trong gan, gân nên gan nhiễm mỡ.

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu:

Những nguyên nhân không phải rượu gây nên bệnh gan nhiễm mỡ thường là do tình trạng rối loạn chuyển hóa trong cơ thể gây ra như: Thừa cân, béo phì, tăng đường huyết, tăng mỡ máu, tác dụng không mong muốn của một số loại thuốc khi sử dụng kéo dài như Aspirin, nhóm thuốc steroids,…

  • Do cơ địa thừa cân, béo phì: Khi cơ thể thường xuyên ăn uống hay bổ sung một lượng chất béo vượt quá khả năng hấp thu của cơ thể thì sẽ bắt đầu xảy ra hiện tượng tích tụ, không chuyển hóa hết lượng chất béo đó gây nên nguy cơ bị bệnh gan nhiễm mỡ. Tình trạng béo phì trầm trọng thì mức độ của bệnh gan nhiễm mỡ cũng càng trở nên nặng hơn.
  • Bệnh tăng đường huyết: Ở những bệnh nhân tăng đường huyết tuýp 2 sẽ có tỷ lệ bị gan nhiễm mỡ khá cao. Sở dĩ có sự liên quan này là do có sự rối loạn chuyển hóa chất béo xảy ra ở bệnh nhân tiểu đường.
  • Rối loạn chuyển hóa lipid: Tình trạng tăng mỡ máu thường sẽ dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao.
  • Tình trạng kháng insulin

3, Đối tượng nguy cơ bệnh gan nhiễm mỡ

Hình ảnh gan nhiễm mỡ
Hình ảnh gan nhiễm mỡ

Từ những nguyên nhân kể trên, người ta liệt kê được những đối tượng có nguy cơ cao bị bệnh gan nhiễm mỡ như sau:

  • Những người bị tăng cholesterol, triglyceride trong máu
  • Người béo phì, béo bụng
  • Bệnh nhân đái tháo đường mạn tính
  • Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang
  • Những người hay bị hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh nhân suy tuyến giáp
  • Bệnh nhân suy tuyến yên

4, Triệu chứng của bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Hầu hết các bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ sẽ không có triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện ra mình bị bệnh đi khám sức khỏe. Sau đây là một số dấu hiệu chung của các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ khi bệnh tiến triển thành tình trạng viêm gan nhiễm mỡ:

  • Mệt mỏi, chóng mệt, thiếu sức sống
  • Chán ăn, ăn uống kém
  • Gan to, có thể sờ thấy gan bên dưới bờ sườn
  • Khi tình trạng xơ gan xuất hiện, bệnh nhân có thể có các triệu chứng như: Vàng da, vàng củng mạc mắt, tình trạng sao mạch dưới da, dấu hiệu lòng bàn tay son, cổ trướng, lách to,…

Để thuận tiện hơn cho việc tiên lượng, chẩn đoán và điều trị, người ta chia gan nhiễm mỡ thành 3 giai đoạn. Biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ qua từng giai đoạn như sau:

Biểu hiện bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 1

Ở những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ giai đoạn 1, lượng mỡ trong gan sẽ chiếm khoảng từ 5 đến 10% tổng trọng lượng lá gan. Đây được xem là mức độ giai nhẹ của bệnh, lành tính, không gây nguy hiểm và người bệnh hầu như cũng không có biểu hiện gì rõ ràng.

Đối với những trường hợp này, nếu chỉ dựa vào khám lâm sàng sẽ rất khó để phát hiện ra bệnh. Bệnh nhân cần phải làm các xét nghiệm và thực hiện khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để có thể phát hiện sớm nhất tình trạng gan nhiễm mỡ ở giai đoạn đầu.

Phát hiện sớm và can thiệp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ ở giai đoạn 1 theo sự chỉ định của bác sĩ kết hợp với việc thay đổi chế độ ăn thì bệnh gan nhiễm mỡ sẽ có thể khỏi hoàn toàn.

Bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 2:

Giai đoạn 2 của bệnh được xác định khi lượng mỡ trong gan chiếm từ 10 cho tới 20% tổng khối lượng lá gan. Ở giai đoạn này, bệnh nhân gan nhiễm mỡ sẽ bắt đầu có các triệu chứng rõ ràng hơn như chán ăn, mất cảm giác ngon khi ăn, rối loạn tiêu hóa, chậm tiêu, đầy bụng, buồn nôn và luôn luôn cảm thấy toàn thân mệt mỏi. Những triệu chứng này nhìn chung cũng chỉ là các dấu hiệu sức khỏe mang tính chất chung chung phổ thông hay gặp nên rất nhiều người không để ý hoặc họ bỏ qua, điều đó sẽ làm cho bệnh càng có nguy cơ phát triển và diễn biến nặng hơn.

Thong qua kết quả của một số xét nghiệm, người ta có thể thấy các mô mỡ đã bắt đầu có xu hướng xuất hiện rõ trên khu vực nhu mô gan và thậm chí có cả ở trên cơ hoành. Theo đánh giá chung thì đây được coi là giai đoạn tích tụ, ủ bệnh và một khi đã bị gan nhiễm mỡ giai đoạn 2 thì vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu để điều trị triệt để.

Do đó, các chuyên gia luôn khuyên rằng cách tốt nhất để bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ giai đoạn 2 bảo vệ sức khỏe bản thân chính là tuân thủ việc ăn uống theo chế độ khoa học, tăng cường việc luyện tập thể dục thể thao để tạo sự miễn dịch thuật tốt cho gan. Hơn nữa, người bệnh còn phải tránh sử dụng các loại chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… Nếu người bệnh chủ quan ở giai đoạn 2 sẽ rất dễ làm cho bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển xấu sang giai đoạn 3 một cách nhanh chóng. Khi đó bệnh sẽ phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều.

Bệnh gan nhiễm mỡ giai đoạn 3

Giai đoạn này là một giai đoạn nặng của bệnh, được xác định khi mà tỷ lệ mỡ tích tụ trong gan lên đến hơn 30% tổng khối lượng của. Khi làm các xét nghiệm cho bệnh nhân giai đoạn này sẽ có thể thấy rõ độ lan tỏa của các nhu mô mỡ tại gan ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng và rõ rệt. Kèm theo đó có thể có các biểu hiện đặc trưng của bệnh lý tại gan như đau tức vùng hạ sườn phải, vàng da, củng mạc mắt vàng, có hiện tượng sao mạch ngay dưới da, ăn uống kém, mệt mỏi, gầy sút cân nhanh chóng,…

Giai đoạn 3 là giai đoạn nguy hiểm và xếp là nặng nhất của bệnh gan nhiễm mỡ. Khi đã đến giai đoạn này, nếu không được can thiệp điều trị phù hợp thì bệnh sẽ có xu hướng tiến triển thành các bệnh lý hay biến chứng nguy hiểm hơn như xơ gan, ung thư gan một cách nhanh chóng. Khi đã xuất hiện các biến chứng đó thì sẽ không có cơ hội chữa khỏi nữa mà bệnh nhân phải chấp nhận sống chung với bệnh suốt đời. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu quả của quá trình điều trị bệnh và sự đáp ứng của cơ thể.

Ngoài ra, ở các bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ sẽ có thể có hiện tượng rối loạn nội tiết tố, có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Đối với nam giới có thể phát triển tuyến vú quá mức, rối loạn cương dương, tinh hoàn bị teo nhỏ trong giai đoạn cuối của bệnh. Ở nữ giới thì có thể bị tăng hay giảm cân một cách bất thường không rõ nguyên nhân, hoặc gặp phải các tình trạng rong kinh, rong huyết, rối loạn kinh nguyệt,…

Hình ảnh gan nhiễm mỡ qua 3 giai đoạn
Hình ảnh gan nhiễm mỡ qua 3 giai đoạn

5, Bệnh gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không?

Bình thường trong gan sẽ không bị tích tụ mỡ, khi lượng mỡ tích tụ quá nhiều trong các nhu mô gan sẽ gây ảnh hưởng và ức chế đến các chức năng của gan. Khi bệnh còn ở giai đoạn đầu thì gan nhiễm mỡ được coi như là một dạng bệnh lý lành tính. Vậy nhưng nếu bệnh không được điều trị sớm và đúng cách thì tình trạng gan nhiễm mỡ sẽ có thể biến chứng thành bệnh xơ gan hay thậm chí còn dẫn tới bệnh ung thư gan, gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh.

Một số biến chứng hay gặp của bệnh gan nhiễm mỡ có thể là:

Xơ gan

Gan nhiễm mỡ thực chất không phải là một bệnh lý quá nguy hiểm, đặc biệt là khi bệnh còn ở giai đoạn 1. Tuy nhiên khi bệnh tiến triển nhanh sang bệnh xơ gan thì việc điều trị và kiểm soát lại trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Vậy nên, ngay khi phát hiện mình bị bệnh gan nhiễm mỡ thì người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ và gặp bác sĩ để được tư vấn. Điều chỉnh chế độ ăn và can thiệp điều trị nếu cần thiết.

Thông thường theo tiến triển của bệnh thì khi gan nhiễm mỡ tiến triển đến giai đoạn 3, bệnh xơ gan sẽ bắt đầu xuất hiện. Nếu người bệnh có tiền sử nghiện rượu và cứ tiếp tục sử dụng rượu bia, chất kích thích kèm theo chế độ ăn uống không khoa học thì lượng mỡ trong gan sẽ càng tích tụ thêm, gây phá hủy các tế bào gan.

Mức độ của bệnh xơ gan càng nặng thì các sợi xơ xuất hiện càng nhiều, các tế bào gan càng bị tổn thương. Khi đó gan sẽ dần bị biến đổi về cấu trúc, suy giảm chức năng và không thể phục hồi được nữa. Nếu không được điều trị đúng cách thì bệnh xơ gan do gan nhiễm mỡ có thể làm cho người bệnh tử vong.

Ung thư gan

ở những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ, lượng mỡ trong gan tích tụ sẽ gây nên tình trạng viêm gan, xơ gan kéo dài và tiến triển ngày càng nặng dần. Nếu bệnh nhân không được điều trị tốt, kèm theo đó còn có các tác nhân xấu tấn công sẽ làm cho các tế bào Kupffer ở gan bị kích hoạt quá mức, làm cho chúng không kiểm soát được và tiết nhiều chất gây viêm, làm hủy hoại các tế bào gan.

Mặt khác, biến chứng xơ gan của bệnh gan nhiễm mỡ cũng là một trong số những nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư gan. Theo nghiên cứu người ta thấy rằng có khoảng 80% bệnh nhân ung thư gan có tiền sử xơ gan trước đó. Vì vậy bệnh có thể tiến triển từ gan nhiễm mỡ sang xơ gan rồi cuối cùng là ung thư gan.

Ung thư là một bệnh lý nguy hiểm bậc nhất hiện nay. Việc điều trị bệnh ung thư gan phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ của bệnh, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như khả năng đáp ứng điều trị của cơ thể.

Trong trường hợp bệnh ung thư gan do gan nhiễm mỡ được chẩn đoán ở giai đoạn sớm, khi kích thước khối u nhỏ và chưa di căn thì việc điều trị sẽ có khả năng đạt hiệu quả tích cực hơn. Còn nếu ung thư gan mà lại chẩn đoán khi đã ở giai đoạn cuối thì khi đó chức năng của gan đã bị suy kiệt, người bệnh sẽ có các biểu hiện nặng như: cổ chướng, ung thư xâm lấn lan tỏa ra các phân thùy gan và các cơ quan khác trong cơ thể,…

Khi ung thư gan đã ở giai đoạn cuối thì chỉ có thể điều trị hỗ trợ để kéo dài sự sống, giảm đau cũng như giảm các triệu chứng cho bệnh nhân.

Hội chứng não gan:

Đây là một trong những biến chứng nặng nhất và thường xuất hiện ở những bệnh nhân có bệnh lý gan mãn tính.

Khi gan bị rối loạn chức năng do gan nhiễm mỡ, gan sẽ không thể xử lý hết lượng chất độc hấp thụ từ ruột và dần dần tích lũy lượng chất độc đó vào trong máu. Sau đó các chất độc sẽ được đưa đến não theo đường tuần hoàn. Tại não các chất độc tích tụ nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới chức năng của não và gián tiếp làm tổn thương hệ thống thần kinh trung ương, từ đó sẽ dẫn đến rối loạn khả năng nhận thức của bệnh nhân.

Nhiều trường hợp bệnh nhân sẽ gặp phải biến chứng phù não (khi bị suy gan cấp), lúc đó có thể gây nên tình trạng thoát vị não và làm cho bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Các biến chứng nguy hiểm của gan nhiễm mỡ là gì?

6, Các biện pháp chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ

Hiện nay người ta thường chẩn đoán xác định bệnh gan nhiễm mỡ dựa vào sự kết hợp giữa các triệu chứng lâm sàng và các phương pháp cận lâm sàng. Ngoài những dấu hiệu lâm sàng như đã kể trên thì bệnh sẽ có biểu hiện qua các cận lâm sàng như sau:

Xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu ngoại vi và sinh hóa máu: Nồng độ Cholesterol, Triglycerid tăng, các men gan AST, ALT tang, phosphatase kiềm tăng. Những trường hợp nghi ngờ bệnh nhân có xơ gan thì cần phải xét nghiệm thêm: chức năng đông cầm máu cơ bản, nồng độ Bilirubin, Albumin, protein máu,…

Xét nghiệm phát hiện virus viêm gan B, C mục đích để loại trừ các bệnh lý viêm gan do virus

Siêu âm ổ bụng: đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường quy và đơn giản để chẩn đoán bệnh gan nhiễm mỡ. ở các bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ sẽ thấy hình ảnh gan tăng âm trên siêu âm

Các bác sĩ có thể đánh giá mức độ của bệnh gan nhiễm mỡ dựa vào hiện tượng tăng âm của nhu mô gan trên siêu âm như sau:

  • Mức độ 1: nhu mô gan tăng âm nhẹ, hiện tượng hút âm dường như chưa có sự thay đổi đáng kể, vẫn có thể xác định được cơ hoành và ranh giới của các tĩnh mạch trong gan.
  • Mức độ 2: có sự gia tăng mức độ lan tỏa, mức độ hồi âm và hút âm. Khó khăn trong việc xác định ranh giới của các tĩnh mạch trong gan và cơ hoành.
  • Mức độ 3: gia tăng rất rõ về mức độ hồi âm và hút âm, không thể xác định được ranh giới của các tĩnh mạch bên trong gan, cơ hoành

Ngoài ra qua siêu âm cũng có thể đo mức độ đàn hồi của gan trong trường hợp nghi ngờ bệnh nhân có xơ gan.

7, Các biện pháp điều trị bệnh gan nhiễm mỡ

Cho đến nay vẫn không có thuốc hay biện pháp điều trị nào có thể làm hết ngay tình trạng gan nhiễm mỡ, tuy nhiên bệnh vẫn có thể cải thiện dần nếu bệnh nhân thực hiện thay đổi lối sống kịp thời và điều trị, kiểm soát tốt các bệnh lý đi kèm nếu có.

Các thay đổi cần thiết của bệnh nhân gan nhiễm mỡ là:

  • Giảm cân: Việc giảm cân sẽ giúp làm giảm các tổn thương tại nhu mô gan, từ đó giúp cải thiện được khả năng đề kháng insulin, đây là một trong những bước cần thiết trong điều trị. Mục tiêu giảm cân cho bệnh nhân là giảm từ 0,5 đến 1kg cân nặng mỗi tuần hoặc 2 đến 3 kg mỗi tháng tùy từng người khác nhau. Đối với những người không thể thực hiện tốt được việc giảm cân trong vòng 6 tháng và có dấu hiệu viêm gan do gan nhiễm mỡ thì cần phải xem xét chỉ định  phẫu thuật cắt một phần dạ dày và sau đó tiến hành nối vị tràng.
  • Bổ sung Vitamin E: Theo một số nghiên cứu người ta thấy rằng Vitamin E có thể giúp cải thiện được tình trạng viêm ở những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ đơn thuần. Tuy nhiên khi có chỉ định vitamin E cho bệnh nhân thì nên thận trọng đối với những người bị bệnh tuyến tiền liệt, liều dùng cũng nên cân nhắc ở những liều thấp để tránh các biến chứng không mong muốn.
    Trong trường hợp bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ và có kèm theo bệnh tiểu đường thì có thể chỉ định sử dụng thêm một số loại thuốc đặc hiệu điều trị tiểu đường (các loại insulin đường uống hoặc tiêm dưới da) để đảm bảo vừa cải thiện được tình trạng viêm và xơ hóa ở gan vừa kiểm soát được lượng đường huyết ở mức ổn định.
  • Bổ sung Omega 3: Omega 3 là một chất có khả năng cải thiện được tình trạng viêm gan do gan nhiễm mỡ. Ngoài ra omega 3 cũng là một chất cần thiết cho sự phát triển cũng như tăng sức đề kháng của cơ thể.
    Kiểm soát tình trạng rối loạn lipid máu: Đây là một bước rất cần thiết trong điều trị bệnh gan nhiễm mỡ. Ở các bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ nên sử dụng các loại thuốc nhóm statin không chuyển hóa kéo dài qua gan như rosuvastatin, pravastatin, simvastatin,…

8, Phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ như thế nào?

Tập thể thao thường xuyên để phòng tránh gan nhiễm mỡ

Bên cạnh việc điều trị thì phòng bệnh là một khía cạnh không thể thiếu đối với các bệnh nhân bệnh gan nhiễm mỡ. Đôi khi người ta còn xếp việc phòng bệnh lên hàng đầu, đứng trên cả các điều trị bệnh kể trên. Một số cách phòng bệnh gan nhiễm mỡ được kể đến sau đây:

  • Thực hiện duy trì chế độ ăn khoa học, hợp lý: Nên bổ sung vào mỗi bữa ăn thật nhiều rau xanh và các loại hoa quả tươi, hạn chế sử dụng các loại mỡ động vật mà thay vào đó có thể sử dụng dầu thực vật sẽ tốt hơn.
  • Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên: Hãy dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục hay một môn thể thao nào đó. Luyện tập thường xuyên vừa giúp các bạn giảm cân vừa hỗ trợ tăng sức đề kháng và tăng chức năng các cơ quan trong cơ thể.
  • Giảm cân nếu có hiện tượng thừa cân béo phì
  • Không uống rượu bia và các chất kích thích
  • Tiêm phòng viêm gan B để tránh bị lây nhiễm, rồi bị viêm gan thứ phát.

9, Chế độ ăn cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ

Như đã đề cập ở trên, chế độ ăn uống luôn là một vấn đề cần quan tâm bậc nhất đối với những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ. Chế độ ăn có ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phục hồi của bệnh đối với các giai đoạn sớm, bệnh nhẹ và có chức năng hỗ trợ đối với những trường hợp nặng có biến chứng. Nếu bệnh nhân chỉ điều trị mà không điều chỉnh chế độ ăn hợp lý thì hầu như không mang lại hiệu quả tích cực.

Những loại thực phẩm cần phải tránh khi bị bệnh gan nhiễm mỡ:

  • Rượu bia: Rượu bia là một nhóm nguyên nhân hay gặp nhất dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ cũng như các bệnh gan khác. Do đó để cải thiện tình trạng bệnh thì điều đầu tiên cần làm chính là cai rượu, bia.
  • Các loại thực phẩm chứa nhiều đường: bệnh nhân gan nhiễm mỡ không nên sử dụng các loại đồ ăn hay nước uống có nhiều đường như bánh kẹo, siro, soda và nước ép trái cây. Bởi vì khi lượng đường trong máu cao sẽ làm tăng lượng chất béo tích tụ trong gan làm cho tình trạng gan nhiễm mỡ trở nên trầm trọng hơn.
  • Muối: đặc biệt là ở những trường hợp có cổ trướng thì lại càng phải giảm lượng muối trong bữa ăn hằng ngày. Lượng muối nhiều sẽ làm tăng tình trạng giữ nước trong các tế bào làm cho tình trạng cổ trướng và phù của bệnh nhân càng trầm trọng hơn.
  • Hạn chế ăn thịt: ở những bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ nên hạn chế ăn thịt, đặc biệt là các loại thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt chó, thịt lợn,…Các loại thịt có màu đỏ này chứa nhiều đạm, khi ăn nhiều sẽ làm cho gan phải hoạt động nhiều để đảm bảo chức năng chuyển hóa chúng, đó chính là một gánh nặng đối với gan đang bị tổn thương. Thay vào đó hãy ăn các loại thực phẩm khác như cá, nhộng tằm, các loại đạm thực vật như nấm, đậu tượng sẽ tốt hơn và lành tính hơn đối với gan.
  • Các loại gia vị cay nóng: những gia vị có tính cay và nóng như gừng, riềng, hạt tiêu, ớt,…sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến gan. Kèm theo đó chúng còn dễ gây nên các bệnh lý về dạ dày và đường ruột.
  • Đồ ăn nhiều cholesterol: trong các loại nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, da bì của gia súc gia cầm, các loại đồ ăn chế biến sẵn, chiên xào nhiều dầu mỡ,…là những loại thực phẩm có chứa rất nhiều cholesterol, đây là một thành phần không tốt cho cơ thể nhất là đối với những bệnh nhân đang bị bệnh gan nhiễm mỡ. Nên hạn chế việc sử dụng các loại thực phẩm này để giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, tăng mỡ máu, các rối loạn về tim mạch,đái tháo đường,…
Một số loại thực phẩm cần hạn chế ăn giúp phòng ngừa gan nhiễm mỡ
Một số loại thực phẩm cần hạn chế ăn giúp phòng ngừa gan nhiễm mỡ

Một số món ăn tốt cho người bị gan nhiễm mỡ:

  • Quả mướp đắng: mướp đắng theo y học cổ truyền là một loại thực phẩm có chức năng thanh nhiệt, giải độc, chống viêm, làm mát gan, kiểm soát đường máu nhờ vị đắng, hơi ngọt tự nhiên có trong các thành phần của nó. Những người bị bệnh gan nhiễm mỡ nên thường xuyên ăn các món ăn có mướp đắng như canh mướp đắng, mướp đắng xào trứng, nộm mướp đắng,… để mang lại chức năng giảm mỡ và thanh lọc các loại độc tố tích tụ ở gan.
  • Quả cà chua chín: trong thành phần của cà chua chín có chứa một lượng lớn vitamin A  và vitamin C, hợp chất lycopene, lutein và zeaxanthin. Những thành phần này sẽ giúp hỗ trợ giải độc, lưu thông khí huyết, giảm cholesterol máu, làm giảm lượng đường trong máu, lợi tiểu, ngăn ngừa quá trình oxy hóa ở các tế bào. Quả cà chua chín là một trong các loại hoa quả nên được bổ sung vào thực đơn của những bệnh nhân bị bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Bắp ngô: ngô là một loại ngũ cốc có giá trị dinh dưỡng tốt đối với các bệnh nhân gan nhiễm mỡ. Trong thành phần của hạt ngô có chứa nhiều chất béo không no, không bão hòa và nhiều chất xơ nguồn gốc tự nhiên giúp hỗ trợ cho quá trình chuyển hóa ở gan được thuận lợi và dễ dàng hơn. Các bạn có thể thêm ngô và chế độ ăn như một loại đồ ăn vặt cũng rất tốt và dễ sử dụng.
    Rau cần:đây là một loại rau không chỉ được ứng dụng trong làm gia vị ở các món ăn mà nó còn mang lại hiệu quả rất tốt trong các vấn đề hay bệnh lý về gan mật, trong đó có bệnh gan nhiễm mỡ. Người ta thường dùng rau cần để sử dụng như các bài thuốc dân gian giúp mát gan, thanh lọc giải độc, giảm cholesterol trong máu, tăng bài tiết chất béo dư thừa trong gan, giúp cho bệnh nhân gan nhiễm mỡ cải thiện tốt hơn.
  • Nấm hương: Đây là một loại thực phẩm có dược tính rất cao. Trong thành phần của nấm hương có chứa rất nhiều chất có lợi cho cơ thể như lentinan, lentinula edodes mycelium và các vitamin B, C, vi chất sắt, magie,… Nấm hương cũng là một trong số các dược liệu được dùng trong nhiều bài thuốc đông tây y để điều trị các bệnh về gan. Các món ăn được chế biến từ nấm hương mang lại tác dụng giải độc, bảo vệ và nâng cao chức năng gan trước những chất dư thừa gây hại như mỡ dư thừa, từ đó giúp góp phần thúc đẩy quá trình sinh trưởng và tái tạo lại các tế bào gan khi bị hao hụt.
Chế độ ăn giúp phòng tránh bệnh gan nhiễm mỡ

10, Các câu hỏi thường gặp

10.1. Bệnh gan nhiễm mỡ có lây không?

Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh truyền nhiễm. Do đó tình trạng gan nhiễm mỡ không có khả năng lây từ người này qua người khác. Tuy nhiên có một trường hợp là bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ do viêm gan B gây ra. Khi đó bệnh viêm gan B do virus gây ra và là một bệnh có khả năng lây cho người khác qua đường máu, hay gặp nhất là lây qua đường tình dục. Khi đó bệnh viêm gan B lây cho người khác và người đó có khả năng bị bệnh gan nhiễm mỡ do viêm gan B gây ra.

10.2. Bệnh gan nhiễm mỡ có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Nếu bệnh ở giai đoạn sớm của bệnh (giai đoạn 1 hoặc thời kỳ đầu của giai đoạn 2) thì bệnh nhân chỉ cần thay đổi lối sống và thực hiện chế độ ăn phù hợp là có thể cải thiện được gần như trên 95% của bệnh.

Tuy nhiên đối với những trường hợp nặng hơn, bệnh giai đoạn 3 hoặc đã có các biến chứng như xơ gan, ung thư gan, hội chứng não gan,… thì sẽ tiên lượng nặng hơn, không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Khi đó bệnh nhân sẽ phải can thiệp điều trị nhiều mặt và chất lượng cuộc sống giảm đáng kể.

10.3. Bệnh gan nhiễm mỡ có khác bệnh máu nhiễm mỡ không?

Câu trả lời là có. Đây là 2 tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ khác nhau trong cơ thể. Tình trạng máu nhiễm mỡ là sự tăng các chất có bản chất là lipid như triglycerid, cholesterol trong máu. Những chất này tăng sẽ làm xơ hóa thành mạch tạo nên tình trạng vôi hóa và thu hẹp đường kính mạch máu.

Tình trạng máu nhiễm mỡ xét theo khía cạnh nào đó sẽ tiên lượng nặng hơn gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ chỉ tổn thương khu trú tại gan còn máu nhiễm mỡ lại tổn thương ảnh hưởng tới tất cả các tạng khác trong cơ thể. Nhiều trường hợp gan nhiễm mỡ nặng thì đôi khi cũng làm rối loạn mỡ máu và làm cho máu nhiễm mỡ.

Trên đây là một số thông tin về bệnh gan nhiễm mỡ. Hy vọng qua bài viết này các bạn sẽ có cái nhìn tổng quan và đa chiều hơn về căn bệnh này. Bệnh gan nhiễm mỡ sẽ không nguy hiểm nếu phát hiện sớm, điều chỉnh chế độ ăn uống sinh hoạt thật tốt. Do đó hãy phòng bệnh thật tốt trước khi phải chữa bệnh nặng hơn. Chúc các bạn luôn có một lá gan khỏe mạnh và nói không với bệnh gan nhiễm mỡ nhé. Xin cảm ơn!

Tài liệu tham khảo: What to Know About Fatty Liver Disease, Healthline, truy cập ngày 24/9/2021.

Xem thêm: Tình trạng lồng ruột là gì, có nguy hiểm không? Nguyên nhân, cách điều trị

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here