nhathuocngocanh.com – Một trong những căn bệnh phụ khoa hay gặp nhất ở chị em phụ nữ là bệnh viêm âm đạo. Bệnh không chỉ ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống sinh hoạt mà còn gây nguy hiểm tới sức khỏe của chị em phụ nữ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bài viết dưới đây chúng tôi sẽ cung cấp thêm cho bạn các thông tin về bệnh viêm âm đạo.
Bệnh viêm âm đạo là gì?
Chắc hẳn căn bệnh viêm âm đạo không còn xa lạ với chị em phụ nữ, nhất là chị em đã quan hệ tình dục hoặc đang trong độ tuổi sinh sản. Viêm âm đạo có thể gặp ở mọi lứa tuổi từ trẻ em đến phụ nữ sau mãn kinh. Theo số liệu thống kê, có đến một phần ba số chị em có triệu chứng mắc bệnh viêm đạo trong cuộc đời, bên cạnh đó mỗi năm số chị em có nguy cơ nhiễm bệnh cũng lên đến 80%.
Trước khi tìm hiểu kĩ hơn về viêm âm đạo, chị em nên phân biệt rõ ràng âm đạo và âm hộ để tránh những nhầm lẫn tai hại các bệnh lý giữa hai bộ phận này của cơ thể.
- Âm hộ: là phần nhìn thấy được ở khu vực bên ngoài của cơ quan sinh dục nữ, nằm bên trong thành môi nhỏ, bên trên hậu môn, phía dưới lỗ niệu đạo, là nơi bảo vệ các cơ quan sinh dục nằm sâu phía bên trong. Màu sắc của âm hộ gần giống với màu của da, còn âm đạo có màu hồng hơn, mềm mại hơn. Âm hộ gồm có: Xương mu, môi lớn, môi bé, phần ngoài của âm vật, lỗ niệu đạo, cửa vào của âm đạo, màng trinh.
- Âm đạo: có cấu tạo là một ống cơ trơn, nối từ sau âm hộ đến cổ tử cung. Âm đạo nằm trên hậu môn và dưới lỗ niệu đạo, có chiều dài vào khoảng 7-8 cm, nhưng khi bị kích thích có thể lên đến 11 cm. Hiểu một cách đơn giản hơn, âm đạo chính là nơi tiếp nhận dương vật khi quan hệ tình dục, là nơi đặt dụng cụ trong kì “dâu rụng” của chị em( cốc nguyệt san) hay còn là con đường ra đời của em bé sau 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ.
Viêm âm đạo hay còn được gọi là nhiễm trùng âm đạo là bệnh lý viêm nhiễm tại âm đạo do sự xâm nhập của các tác nhân có hại như vi khuẩn, nấm, trùng roi làm mất cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong âm đạo từ đó dẫn đến ngứa, đau, tiết dịch tại vị trí đó. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới viêm nhiễm âm đạo, có thể do lây qua con đường tình dục, vệ sinh vùng kín sai cách, giảm nồng độ estrogen khi mãn kinh… Nếu chị em không chữa bệnh kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng khôn lường và gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống cá nhân của chị em phụ nữ.
Các loại viêm âm đạo
Viêm âm đạo do nấm
Nấm là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm nhiễm âm đạo ở nữ giới. Candida albicans là nấm men, hình tròn hoặc bầu dục, kích thước cỡ 2-5 µm, gây bệnh chủ yếu ở niêm mạc âm đạo. Nấm men có ở khắp mọi nơi trong cơ thể như: vùng sinh dục, vùng miệng, da, đường tiêu hóa. Thông thường, loại nấm này sinh sống hòa bình cùng hệ vi khuẩn trong cơ thể. Tuy nhiên, nấm men sẽ phát triển thành viêm âm đạo khi gặp các yếu tố thuận lợi sau:
-
Sử dụng thuốc chứa corticoid dài ngày, kháng sinh: bản chất của các loại thuốc này là tiêu diệt vi khuẩn. Vì vậy các vi khuẩn có lợi trong âm đạo cũng bị tiêu diệt theo, làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể, từ đó nấm men phát triển vượt khả năng kiểm soát và gây ra viêm âm đạo.
- Người mắc bệnh tiểu đường, phụ nữ đang mang thai, sự thay đổi nồng độ hormon trong cơ thể: Hệ miễn dịch bị suy yếu, khả năng đề kháng của cơ thể với tác nhân gây bệnh như nấm men bị giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển vượt bậc của nấm men.
- Độ ẩm, nhiệt độ cao là điều kiện thích hợp cho sự phát triển của nấm men nên nếu thời tiết nóng, vệ sinh kém, mặc quần áo chật, không thông thoáng, bị ẩm sẽ là yếu tố thuận lợi để gây bệnh viêm âm đạo.
- Triệu chứng: Triệu chứng đặc trưng của viêm âm đạo do nấm men là âm đạo của người bệnh tiết dịch trắng, hơi dính hoặc sánh, đôi khi trông như vảy nhỏ, không có mùi. Bên cạnh đó, âm đạo và âm hộ ngứa ngáy, đỏ sẫm, sưng tấy và nóng rát. Cả khu vực âm đạo bị nóng, người bệnh sẽ cảm thấy đau buốt mỗi khi đi tiểu hoặc đau khi quan hệ. Ngoài ra, xung quanh miệng âm đạo còn có mảng trắng.
Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis (ký sinh trùng roi)
Trichomonas vaginalis là tác nhân gây bệnh viêm âm đạo thứ hai chỉ đứng sau nấm. Đây là một loại ký sinh trùng đơn bào hiếm khí lây truyền trực tiếp trong quá trình quan hệ tình dục, ngoài ra còn có thể bị lây truyền gián tiếp khi dùng chung vật dụng cá nhân với người nhiễm bệnh (quần, áo, bàn chải đánh răng…)
Điều kiện sống lý tưởng của loại trùng roi này là pH 6-6,5. Loại trùng roi này thường thấy ở bộ phận sinh dục của con người, ít khi có ở các bộ phận khác. pH âm đạo ở nữ giới từ khoảng 3,8 – 4,4, trùng roi khi xâm nhập vào âm đạo làm thay đổi pH từ acid sang kiềm, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn có hại phát triển. Bên cạnh đó, trùng roi còn làm tổn thương niêm mạc âm đạo dẫn tới viêm âm đạo với các triệu chứng như sau: Nóng, rát rất khó chịu âm đạo, âm hộ, đôi khi ngứa ở hậu môn, nhất là khi có kinh.
Trường hợp bệnh nhân bị lâu ngày hoặc tái phát thì có thể không có triệu chứng. Khí hư ra nhiều, loãng, màu trắng đục, xanh hoặc vàng, thường có bọt. Một số trường hợp đau khi giao hợp hoặc đau bụng dưới. Người bệnh có thể không có hết những triệu chứng đã nêu ở trên.
Viêm âm đạo do vi khuẩn thường
Bệnh hay gặp ở những người đã mãn kinh, đã bị cắt hai buồng trứng, các bé gái trước tuổi dậy thì. Do sự mất cân bằng của hệ vi khuẩn dẫn đến làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi (thông thường là Lactobacillus) và gia tăng vi khuẩn có hại (thường là Neisseria gonorrhoeae sau đó là Chlamydia trachomatis và Mycoplasma genitalism) trong âm đạo.
Triệu chứng điển hình mà người bệnh thường bắt gặp ở viêm âm đạo do vi khuẩn là khí hư vàng như mủ, có thể lẫn ít máu, mùi khó chịu nhất là sau khi quan hệ, ngứa ngáy khó chịu bên ngoài âm đạo, âm đạo sung huyết đỏ.
Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu
Vi khuẩn lậu hay còn có tên khoa học là Neisseria Gonorrhoeae, là vi khuẩn Gram (-), hình song cầu hoặc hình hạt cà phê được phát hiện vào năm 1879. Đây là căn bệnh được lây truyền trực tiếp qua đường tình dục và có tốc độ lây nhanh chóng.
Viêm âm đạo do vi khuẩn lậu thường kèm theo viêm âm hộ, viêm cổ tử cung. Triệu chứng thường gặp là âm đạo tiết ra khí hư có mùi hôi, tanh, màu trắng đặc hoặc xanh đục, mùi trở nên nặng hơn khi hành kinh hoặc sau quan hệ tình dục.
Ngoài ra, bệnh nhân còn cảm thấy ngứa, kích ứng, đau và buốt khi tiểu. Do ở đây là viêm âm đạo do vi khuẩn mà không phải do nấm nên không nên tùy tiện sử dụng thuốc để điều trị viêm âm đạo do nấm cho trường hợp này, cần thăm khám và tuân thủ đúng y lệnh của bác sĩ để bệnh không diễn biến trầm trọng hơn.
Nguyên nhân gây bệnh viêm âm đạo theo lứa tuổi
Trẻ em
Như người lớn, bệnh viêm âm đạo cũng có ở trẻ em. Theo các chuyên gia, do cơ quan sinh dục của trẻ chưa được hoàn thiện nên dễ dẫn tới tình trạng viêm âm đạo và do tuổi còn nhỏ nên việc điều trị cũng khó khăn hơn người lớn. Yếu tố thuận lợi làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn ở trẻ nhỏ: Niêm mạc, màng trinh còn mỏng, môi lớn, môi bé chưa hoàn chỉnh, môi trường âm đạo của bé hơi kiềm (pH âm đạo của người trưởng thành là acid, pH kiềm tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh sôi phát triển của tác nhân gây bệnh).
Bên cạnh đó, dưới đây là một số yếu tố góp phần quan trọng gây viêm âm đạo ở trẻ nhỏ từ 2-6 tuổi:
- Vệ sinh tầng sinh môn không đúng cách: Sau khi đi vệ sinh, các bậc phụ huynh thường có thói quen lau từ phía sau ra phía trước cho các bé thay vì từ trước ra sau, làm lây lan vi khuẩn từ hậu môn vào vùng kín. Ngoài ra, trẻ nhỏ thường có thói quen gãi ngứa vùng hậu môn khi tay chưa được vệ sinh sạch sẽ, quên không rửa tay sau khi đi vệ sinh, thói quen ngồi bệt (làm cho giun, sán, kí sinh chui vào quần lót từ đó xâm nhập vào âm đạo để gây bệnh). Do vậy, cha mẹ nên dạy cho các bé thói quen vệ sinh đúng cách để phòng ngừa bệnh viêm âm đạo hiệu quả.
- Giặt chung quần áo với người lớn: Quần áo, đồ lót là nơi chứa nhiều mầm bệnh như: Vi khuẩn, kí sinh trùng, không thể tiêu diệt ở nhiệt độ thường. Do đó, việc giặt chung quần áo của người lớn với trẻ nhỏ vô tình làm lây lan nguồn bệnh sang cho bé.
- Sử dụng dung dịch chất tẩy rửa: Do cơ quan sinh dục chưa hoàn thiện nên vùng kín của bé rất nhạy cảm với các dung dịch chất tẩy rửa, nhất là dung dịch có nhiều bọt và mạnh. Vì vậy, các mẹ nên lưu ý khi lựa chọn các dung dịch vệ sinh đang có trên thị trường hiện nay cho bé.
- Một số trường hợp, viêm âm hộ ở trẻ là do nhiễm một số nguồn bệnh cụ thể: Streptococci, Staphylococci, Candida, giun kim…
Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ
Nguyên nhân gây viêm âm đạo thường gặp ở phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ là do vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng: Trichomonas vaginalis, vi khuẩn lậu, Candida albicans… Do đang trong độ tuổi sinh đẻ nên cơ thể tạo được Ở độ tuổi này, pH âm đạo bình thường luôn nằm trong khoảng 3,8-4,4 do hệ vi khuẩn có lợi phát triển mạnh mẽ trong âm đạo; nồng độ estrogen ở mức ổn định, giúp thành âm đạo dày, chắc
Tuy vậy, do đang trong độ tuổi sinh đẻ nên nồng độ estrogen trong cơ thể ở mức ổn định, giúp thành âm đạo dày, chắc, là hàng rào kiên cố giúp chống lại các tác nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, sự tồn tại của các vi sinh vật có lợi trong âm đạo như Lactobacillus giúp pH âm đạo bình thường luôn nằm trong khoảng 3,8 – 4,4 cũng góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các nguồn bệnh bên ngoài.
Phụ nữ sau mãn kinh
Thông thường, nguyên nhân gây viêm âm đạo ở phụ nữ mãn kinh là do việc suy giảm đáng kể estrogen làm giảm khả năng chống viêm của âm đạo, tăng khả năng nhiễm trùng. Môi trường âm đạo có tính acid là do biểu mô âm đạo chứa glycogen để tổng hợp acid lactic giúp tiêu diệt vi khuẩn có hại. Estrogen suy giảm làm âm đạo mỏng đi, biểu mô âm đạo không chứa glycogen nữa, vì vậy phụ nữ sau mãn kinh dễ bị viêm âm đạo.
Điều trị bệnh viêm âm đạo
Như đã tìm hiểu ở trên, viêm âm đạo do nhiều nguyên nhân gây ra, vì thế đối với mỗi tác nhân gây bệnh khác nhau sẽ có phương pháp điều trị khác nhau:
Viêm âm đạo do nấm
Bệnh thường được điều trị bằng các loại thuốc đặt kháng nấm: Viên nén âm đạo Nystatin 100.000 đơn vị hoặc Gynopevaryl 150mg, (Econazole) hay Gynodaktarin 400mg (miconazole) đặt vào âm đạo.
Hoặc sử dụng các loại kem chống nấm như Miconazole, Clotrimazole, Butoconazole hoặc Tioconazole. Cùng với thuốc phải kết hợp với các biện pháp vệ sinh ngoài bộ phận sinh dục, vệ sinh quần lót (bằng vải).
Viêm âm đạo do Trichomonas vaginalis
Bệnh dai dẳng, dễ tái phát, dù triệu chứng giảm hoặc xét nghiệm thấy âm tính với ký sinh trùng vẫn nên tiếp tục điều trị. Thường dùng hai loại là Metronidazole (Flagyl) và Tinidazole (Tindamax).
Phải điều trị cho cả nam giới cho uống Metronidazol do trùng roi âm đạo có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục.
Viêm âm đạo do vi khuẩn
Với loại viêm âm đạo này, thường được chỉ định đặt thuốc kháng sinh tại âm đạo, phối hợp với estrogen tại âm đạo như Colposeptine, thuốc vừa có tác dụng sát khuẩn và tác dụng estrogen tại âm đạo.
Lưu ý: Cần tuân thủ y lệnh của bác sỹ, không được tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ để tránh những tác dụng không mong muốn, làm bệnh tình ngày càng nặng lên và khó chữa hơn.
Cách phòng bệnh viêm âm đạo
Viêm âm đạo là bệnh lý khá phổ biến hiện nay. Theo thống kê, có khoảng 25-30% phụ nữ mắc viêm âm đạo do vi khuẩn ít nhất một lần trong đời. Vì vậy, việc tìm hiểu và biết cách để phòng tránh bệnh lý này là hết sức quan trọng và cần thiết, dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh chị em có thể tham khảo:
- Tập thói quen vệ sinh vùng kín đúng cách, khoa học, không lau chùi, rửa từ đằng sau ra đằng trước vì như vậy sẽ làm lây lan vi khuẩn từ hậu môn vào âm đạo, dễ dẫn tới viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn.
- Không sử dụng các dung dịch vệ sinh không phù hợp, có tính sát khuẩn cao, các thảo dược tự pha như trà, nước muối với nồng độ không phù hợp, làm ảnh hưởng đến môi trường âm đạo.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để tránh nhiễm bệnh viêm âm đạo nói riêng và bệnh phụ khoa nói chung, đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình và bạn tình.
- Giữ vùng kín khô ráo, thông thoáng, mặc đồ thoáng mát, đồ lót cotton do môi trường ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm men. Có thể bỏ qua đồ lót khi đi ngủ nếu cảm thấy dễ chịu.
- Không thụt rửa âm đạo: Âm đạo có pH từ 3,8-4,4, chứa hệ vi sinh vật phong phú và dồi dào. Việc thụt rửa âm đạo lặp đi lặp lại nhiều lần làm đảo lộn nơi cư trú của các vi sinh vật đó trong âm đạo, làm mất đi tuyến phòng thủ tự nhiên của cơ thể, từ đó làm tăng nguy cơ viêm nhiễm âm đạo.
- Tránh ngâm âm đạo, tắm bồn nóng, bồn tạo sóng, thay vào đó hãy tắm bằng vòi hoa sen
- Khám sức khỏe sinh sản 3-6 tháng một lần để phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý phụ khoa, tránh các biến chứng không mong muốn.
Một số câu hỏi thường gặp
Bệnh viêm âm đạo có nguy hiểm không?
Thông thường, nếu phát hiện và được điều trị đúng cách, dứt điểm thì bệnh viêm âm đạo không gây ảnh hưởng quá nghiêm trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể lây lan sang các cơ quan khác gây nên tình trạng viêm vùng chậu (PID), tăng khả năng mắc các bệnh lây qua đường tình dục khác (ví dụ: Bệnh lậu). Ngoài ra, bệnh viêm âm đạo còn có thể gây ra biến chứng nguy hiểm khác là ung thư cổ tử cung.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung ở những người mắc viêm âm đạo cao gấp 11 lần so với những người bình thường khác. Bên cạnh đó, chị em mắc bệnh dai dẳng, không điều trị dứt điểm còn có nguy cơ vô sinh, hiếm muộn. Vì vậy, hãy khám sức khỏe sinh sản định kỳ để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình.
Quan hệ tình dục khi bị viêm âm đạo có hại không?
Đây chắc hẳn là nỗi băn khoăn của nhiều chị em. Theo khuyến cáo của các chuyên gia, không nên quan hệ tình dục khi đang mắc bệnh viêm âm đạo. Quan hệ tình dục có thể làm các vết thương ở vùng viêm nhiễm bị loét ra do các động tác khi giao hợp, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh lan rộng ra, khiến bệnh tình ngày càng trầm trọng hơn.
Ngoài ra, nếu nguyên nhân gây viêm âm đạo của bạn là do các tác nhân gây bệnh lây qua đường tình dục thì tuyệt đối kiêng quan hệ để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân mình và bạn tình của mình.
Viêm âm đạo kéo dài có khả năng mang thai không?
Bệnh viêm âm đạo có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe sinh sản của nữ giới. Phụ nữ bị viêm nhiễm âm đạo vẫn có khả năng mang thai, tuy nhiên sẽ có nhiều bất lợi và nguy cơ với thai nhi hơn phụ nữ khỏe mạnh. Thứ nhất, các triệu chứng của viêm âm đạo như đau rát, tiểu buốt, khí hư, cộng với áp lực khi đang mang bầu làm cho chị em khó chịu, mệt mỏi hơn bình thường rất nhiều.
Thứ hai, xét về vị trí thì âm đạo và cổ tử cung nằm rất gần nhau, do đó nếu âm đạo bị viêm nhiễm thì cổ tử cung cũng chịu những tác động không nhỏ, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm: sinh non, sảy thai, trẻ còi xương…Tệ hơn, trẻ có thể bị viêm phổi, viêm da, viêm kết mạc…
Hy vọng bài viết trên sẽ giải đáp được thắc mắc của chị em về bệnh viêm âm đạo và giúp chị em nhận biết được căn bệnh của mình sớm nhất có thể để điều trị kịp thời.
Xem thêm:
- Mang thai ngoài tử cung – Hiểm họa khôn lường ít ai lường trước được
- Cần đặc biệt lưu ý gì khi điều trị ung thư buồng trứng?
Tài liệu tham khảo
Tác giả Jacquelyn Cafasso, Vaginitis – Symptoms and causes, Mayo Clinic, đăng ngày 17 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 20 tháng 12 năm 2021.
Viêm âm đạo do nấm có dùng kháng sinh đc ko
Dạ chào bạn, đối với viêm âm đạo do nấm nên dùng các thuốc kháng nấm như: Miconazole, Clotrimazole, Butoconazole,…