Táo bón: Nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Táo bón là gì?

Nhathuocngocanh.comTáo bón là tình trạng đi đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần, thường gặp trong cuộc sống hàng ngày ở bất kỳ đối tượng nào. Hiện có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng táo bón, bao gồm nguyên nhân nguyên phát và nguyên nhân thứ phát. Biện pháp khắc phục tình trạng táo bón tốt nhất hiện nay là cải thiện chế độ ăn uống để hỗ trợ hoạt động của đường tiêu hóa. Hãy cùng nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.

Táo bón là gì?

Táo bón là tình trạng bệnh khi bệnh nhân xuất hiện ít nhất hai trong những triệu chứng sau:

  • Số lần đại tiện ít hơn 3 lần mỗi tuần
  • Đại tiện khó khăn, phân cứng, rắn
  • Lúc đại tiện có cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng, cảm giác không đại tiện hoàn toàn
  • Đại tiện cần sự hỗ trợ tác động vật lý từ bên ngoài (ví dụ như tác động vào thành bụng trong quá trình đại tiện để đào thải phân dễ dàng hơn)

Táo bón là một tình trạng phổ biến trong cuộc sống thường ngày, ít gây nguy hiểm nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng bệnh này không được cải thiện sớm và đúng cách có thể để lại nhiều biến chứng cho đường tiêu hóa.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng táo bón

Nguyên nhân gây táo bón nguyên phát: Nhóm nguyên nhân nguyên phát được phân chia làm ba loại bao gồm: táo bón vận động ruột chậm, táo bón vận động ruột bình thường, rối loạn chức năng sàn chậu. Trong đó, táo bón vận động ruột chậm là tình trạng suy giảm chức năng hoạt động vận động của đại trạng, thường gặp ở nữ giới. Dấu hiệu của bệnh táo bón này là triệu chứng chướng bụng, khó tiêu, sờ thấy phân trong đại tràng sigma. Táo bón vận động ruột bình thường là tình trạng chức năng hoạt động hệ tiêu hóa không gặp bất kỳ vấn đề nào bất thường, tuy nhiên bệnh nhân vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đại tiện. Đối với những bệnh nhân gặp tình trạng táo bón do rối loạn chức năng sàn chậu thì thường cần tác động vào thành bụng trong quá trình đại tiện, thường xuyên có cảm giác đi tiêu không hết.

Nguyên nhân gây táo bón thứ phát:

– Nguyên nhân chính gây ra tình trạng táo bón là do chế độ ăn uống không hợp lý, thiếu khoa học:

  • Chế độ ăn thiếu chất xơ.
  • Uống ít nước mỗi ngày.
  • Sử dụng nhiều các đồ uống như rượu, bia, trà, cà phê.
  • Sử dụng nhiều đồ ăn có hàm lượng đường và chất béo cao.

– Thường xuyên nhịn đi đại tiện trong một thời gian dài, thói quen này làm tăng nguy cơ bị táo bón và khiến cho bệnh nhân không còn cảm giác muốn đi đại tiện.

– Thói quen ít vận động, tập thể dục cũng là một trong số những nguyên nhân gây táo bón.

– Bệnh nhân gặp các bệnh lý liên qua như nứt kẽ hậu môn, khối u làm tắc nghẽn ống tiêu hóa, to trực tràng không rõ nguyên nhân, trĩ huyết khối.

– Bệnh nhân gặp tình trạng cường giáp, giảm nồng độ Kali huyết, tăng nồng độ Calci huyết, suy giảm chức năng tuyến giáp.

– Phụ nữ trong thời kỳ mang thai.

– Đối tượng gặp tình trạng bệnh Hirschsprung, Parkinson, người gặp các chấn thương liên quan tới não bộ, đột quỵ, người bị tổn thương tủy sống.

– Bệnh nhân bị xơ cứng bì, Lupus ban đỏ, trầm cảm.

– Đối tượng thường xuyên sử dụng nhiều loại thuốc kết hợp cũng làm tăng nguy cơ bị táo bón. Một số thuốc phản ứng phụ có thể gây táo bón như thuốc điều trị trầm cảm, thuốc kháng Acid, thuốc kháng Cholinergic, thuốc chẹn kênh Calci, thuốc lợi tiểu, thuốc chống viêm phi Steroid, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc điều trị động kinh – co giật.

  • Táo bón là tác dụng phụ phổ biến của tất cà thuốc chống loạn thần. Táo bón do thuốc chống loạn thần không được điều trị hoặc chẩn đoán muộn có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tắc ruột.
  • Điều trị bằng clozapin có nguy cơ cao bị táo bón và xuất hiện các biến chứng liên quan, có thể gây tử vong.
  • Bác sĩ và người nhà bệnh nhân nên:
    1. Thường xuyên thâm hỏi BN về tình trạng đại tiện
    2. Nhắc nhở BN theo dõi nhu động ruột thường xuyên
    3. Yêu cầu BN liên lạc với cán bộ y tế ngay lập tức khi xuất hiện táo bón
Táo bón do thuốc chống loạn thần
Táo bón do thuốc chống loạn thần

Các triệu chứng khi gặp tình trạng táo bón

Bệnh nhân bị táo bón sẽ có những triệu chứng đặc trưng dễ dàng nhận biết. Để tránh tình trạng táo bón trở nên nghiêm trọng và để lại biến chứng, bệnh nhân nên đi thăm khám khi nhận thấy một trong những dấu hiệu liệt kê sau đây:

  • Tình trạng đi tiêu ít hơn 3 lần mỗi tuần kéo dài từ 3 cho đến 4 tuần.
  • Tình trạng táo bón và tiêu chảy diễn ra trong cùng một giai đoạn.
  • Thường có cảm giác đau dữ dội vùng hậu môn khi đi đại tiện.
  • Xuất huyết trực tràng
  • Xuất hiện vết nứt hậu môn, trĩ, sa trực tràng, rò trực tràng
  • Rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng: nôn, buồn nôn, đau bụng dữ dội, có thể có kèm sốt
  • Toàn thân mệt mỏi rã rời, khả năng chịu lạnh kém.

Nếu bệnh nhân không thăm khám sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây nguy hiểm đến sức khỏe như:

  • Nứt kẽ hậu môn
  • Trĩ nội, trĩ ngoại
  • Gây tình trạng tắc ruột do phân
  • Sa trực tràng

Vì vậy, khi nhận thấy những dấu hiệu ban đầu, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống khoa học, kết hợp thăm khám định kỳ ở các cơ sở y tế để nắm rõ về tình trạng của cơ thể.

Chẩn đoán táo bón

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Một nhóm làm việc đa quốc gia đã xây dựng tiêu chuẩn cho rối loạn chức năng dạ dày – ruột, được gọi là tiêu chuẩn “Rome IV”.

Đối với trẻ có tuổi xuất hiện triệu chứng từ 4 tuổi trở lên, táo bón chức năng được định nghĩa là sự có mặt của ít nhất 2 trong số các triệu chứng sau ít nhất 1 lần/ tuần trong ít nhất 1 tháng., và không tìm thấy tình trạng bệnh lý khác gây ra:

  • Đi ngoài từ 2 lần trở xuống / tuần.
  • Ít nhất 1 lần són phân / tuần.
  • Tiền sử có tư thế nhịn đi ngoài hoặc có hành vị nhịn đi ngoài quá nhiều.
  • Tiền sử đi ngoài đau hoặc khó.
  • Có khối phân lớn ở trực tràng.
  • Tiền sử có phân có đường kính lớn có thể gây tắc nhà vệ sinh.

Đối với trẻ nhũ nhi và mới biết đi, tiêu chuẩn được thay đổi để phản ánh các kĩ năng đi ngoài phù hợp theo tuổi.

Loại trừ các nguyên nhân thực thể

Chẩn đoán táo bón chức năng là loại trừ các nguyên nhân thực thể của triệu chứng. Các nguyên nhân thực thể chỉ chiếm nhỏ hơn 5% ở những trẻ bị táo bón, nhưng thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh, và trẻ có các đặc điểm không điển hình hoặc “dấu hiệu báo trước”.

Cần đặc biệt chú ý đến các nguyên nhân sau đây, là tương đối thường gặp hoặc cần phải chẩn đoán khẩn cấp:

– Các nguyên nhân thực thể thường gặp:

  • Không dung nạp sữa bò (hoặc protein khác); bệnh celiac; suy giáp.

– Các nguyên nhân khẩn cấp:

  • Trẻ sơ sinh – bệnh Hirschprung, dị tật bẩm sinh cột sống, u quá cùng cụt, ngộ độc sơ sinh.
  • Tất cả các lứa tuổi – Bệnh xơ nang, ngộ độc chì, tắc ruột.

Xét nghiệm thêm

Trong hầu hết các trường hợp, các nguyên nhân thực thể của táo bón có thể được loại trừ trên cơ sở khai thác bệnh sử và thăm khám cẩn thận. Nếu có các dấu hiệu cảnh báo về khả năng bị táo bón thực thể, thì nên thực hiện các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Ngoài ra, những xét nghiệm này cũng phù hợp với những bệnh nhân không đáp ứng với một phác đồ can thiệp cẩn thận, bao gồm tháo nghẹt, sử dụng thuốc nhuận tràng thường xuyên và hiệu quả, và điều chỉnh hành vi.

Chụp X quang bụng

Xquang bụng thông thường không được chỉ định để đánh giá định kỳ táo bón chức năng. Tuy nhiên, sẽ hữu ích trong trường hợp tiền sử không đầy đủ để xác định bệnh nhân có bị táo bón hay không hoặc khó thăm khám vì bệnh nhân không hợp tác, béo phì, hoặc vấn đề tâm lí. Cần phải biết rằng xquang bụng không được thống nhất giải thích giữa các bác sĩ khác nhau, không đặc hiệu đặc biệt với táo bón, và hiếm khi được chỉ định để chẩn đoán nếu thăm trực tràng thấy một lượng lớn phân. Do đó, xquang bụng không phải là thiết yếu để đánh giá táo bón và không nên sử dụng để thay thế cho bệnh sử và thăm khám toàn diện.

Chụp xquang có dùng barit giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh Hirschprung ở trẻ có các đặc điểm gợi ý rối loạn này, như táo bón bắt đầu sớm từ giai đoạn sơ sinh, đặc biệt chậm đi ngoài phân su, hoặc các đặc điểm gợi ý khi thăm khám hậu môn. Xét nghiệm phải được thực hiện “không được chuẩn bị”, ví dụ, không loại bỏ phân khỏi trực tràng. Một số bác sĩ thực hiện đo áp lực hậu môn trước hoặc trực tiếp tiến hành sinh thiết trực tràng. Ở những trẻ rất nhỏ, chụp xquang có barit có thể bình thường và chẩn đoán phải được xác định bằng sinh thiết trực tràng.

Chụp X quang cột sống

Phim cột sống thắt lưng thường quy phải được thực hiện ở những trẻ có bằng chứng của dị tật bẩm sinh cột sống hoặc suy yếu thần kinh của vùng quanh hậu môn hoặc chi dưới. Nếu có nghi ngờ về rối loạn chức năng thần kinh thì xem xét chụp MRI để kiểm tra khả năng bị cứng cột sống hoặc u tủy sống.

Xét nghiệm

Sàng lọc Celiac

Với những trẻ không phát triển hoặc đau bụng tái phát, hãy kiểm tra CTM và xét nghiệm huyết thanh học với bệnh celiac (thường là kháng thể IgA với tránsglutaminase mô). Các triệu chứng của bệnh celiac có thể khó phát hiện.

Tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu

Với những trẻ có tiền sử tắc nghẽn trực tràng sigma, đặc biệt khi kèm theo són phân, thì thực hiện tổng phân tích nước tiểu và cấy nước tiểu. Vì sự tắc nghẽn phân có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu do ảnh hưởng cơ học của trực tràng bị giãn lên bàng quang.

TSH

Với những trẻ chậm phát triển chiều cao và phản xạ chậm, hoặc có tiền sử của bệnh thần kinh trung ương, chúng tôi đề nghị sàng lọc suy giáp. Tốc độ tăng chiều cao nhỏ hơn 5 cm/năm cho thấy khả năng chậm tăng trưởng ở trẻ non tháng. Nếu nghi ngờ suy giáp, thì sàng lọc nên bao gồm đo thyroxine tự do (T4) cũng như TSH.

Điện giải và calci

Với những trẻ có nguy cơ bị rối loạn điện giải (ví ụ những trẻ có rối loạn chuyển hóa hoặc không dung nạp đủ chất lỏng), chúng tôi đề nghị đo nồng độ chất điện giải và calci.

Chì trong máu

Sàng lọc nhiễm độc chì phải được thực hiện ở những trẻ có yếu tố nguy cơ. Các khuyến cáo sàng lọc khác nhau theo cộng đồng. Những trẻ có nguy cơ đặc biệt bao gồm pica, khuyết tật phát triển tâm thần, hoặc tiền sử gia đình có anh chị em ruột ngộ độc chì, hoặc sống ở những ngôi nhà xây trước 1950 hoặc nhà gần đây được cải tạo.

Xét nghiệm hoạt động:

Được xem xét ở những bệnh nhân không có nguyên nhân thực thể rõ ràng của táo bón và không đáp ứng với điều trị táo bón chức năng.

– Chụp transit đại tràng.

Chỉ định:

Chụp transit đại tràng (ví dụ như chụp “Sitzmark”) không hữu ích trong việc đánh giá định kỳ trẻ bị táo bón. Chụp thường được thực hiện để đánh giá thêm ở những bệnh nhân chọn lọc có chẩn đoán không rõ ràng mặc dù đánh giá ban đầu kĩ lưỡng và thử nghiệm điều trị. Đặc biệt, hữu ích với các mục đích sau:

  • Phân biệt giữa són phân giữ lại (liên quan đến táo bón) và són phân không giữ lại.
  • Xác định những trẻ có chậm di chuyển thức ăn dư thừa qua đại tràng, một tình trạng được gọi là táo bón “chậm vận chuyển”. Táo bón chậm vận chuyển thường ở những trẻ khỏi phát triệu chứng trước 3 tuổi, triệu chứng nặng (đi ngoài ít hơn 1 lần / tuần), và không đáp ứng với phác đồ chuẩn là nhuận tràng và can thiệp hành vi.
  • Xác định những trẻ bị rối loạn đào thải phân, gợi ý tắc nghẽn đầu ra.
Kỹ thuật

Chụp transit đại tràng có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp. Một trong những kỹ thuật đơn giản nhất là cho trẻ nuốt 1 viên nang chứa 24 marker phóng xạ (viên Sitzmark) 1 lần/ngày trong 3 ngày. Xquang thường quy được chụp vào ngày thứ 4 (và đôi khi là ngày thứ 7), và phân tích số lượng và vị trí của các marker được giữ lại. Lý tưởng là cần phải giảm bớt tắc nghẽn phân, và nhưng thuốc nhuận tràng trong vài ngày trước khi chụp.

Thời gian transit đại tràng (CTT) sau đó có thể được tính theo công thức sau:

  • Với phim ngày thứ 4: CTT (giờ) = # marker còn lại x 1.0 (trong đó 1.0 = 72 giờ/72 marker được tiêu hóa).
  • Với phim ngày thứ 7: CTT (giờ) = # marker còn lại x 2.3 (trong đó 2.3 = 168 giờ/72 marker được tiêu hóa)

Nếu sử dụng các viên chứa 20 (chứ không phải 24) marker phóng xạ, thì sử dụng hằng số 1.2 cho tính toán ngày thứ 4, và 2.8 cho tính toán ngày thứ 7. Nếu không có viên nang chứa marker phóng xạ, thì cắt ống thông dạ dày phóng xạ số 10 thành những đoạn dài 1cm và sử dụng như marker, và điều chỉnh dựa theo số marker được tiêu hóa.

Giải thích

Những trẻ bị táo bón chức năng thường có CTT chậm hơn những trẻ không táo bón. Trong một nghiên cứu ở thiếu niên, CTT là 58.3 ở những trẻ bị táo bón và 30.2 giờ ở những trẻ không táo bón.

Thuật ngữ “táo bón vận chuyển chậm” được sử dụng để mô tả CTT chậm đặc biệt nghiêm trọng (>100 giờ). Táo bón chậm vận chuyển là tình trạng lâm sàng chứ không phải là một bệnh vì vẫn chưa rõ liệu nhóm trẻ này có khác biệt với những trẻ táo bón chức năng không. Một số trẻ bị táo bón vận chuyển chậm có rối loạn liên quan đến mất di động đại tràng, bao gồm loạn sản thần kinh ruột và loạn sản thần kinh ruột type B. Chúng tôi đề nghị giới thiệu sớm những bệnh nhân này đến chuyên gia tiêu hóa.

Chụp transit đại tràng cũng có thể giúp xác định những bệnh nhân tắc nghẽn đầu ra, biểu hiện bằng sự tích tụ các marker ở vùng trực tràng sigma. Bệnh nhân bị tắc nghẽn đầu ra có thể cần sinh thiết để đánh giá bệnh Hirschprung hoặc các rối loạn thần kinh cơ khác. Tuy nhiên, cũng có thể gặp ở những bệnh nhân bị tắc ruột và ở những bệnh nhân có đáp ứng bất thường của cơ sàn chậu khi đi ngoài.

Đo áp lực hậu môn trực tràng

Đo áp lực hậu môn trực tràng là đặt một cathter chứa các cảm biến áp suất vào trực tràng, qua đó cho phép đo chức năng thần kinh cơ của hậu môn trực tràng. Kỹ thuật bao gồm đo phản xạ ức chế hậu môn trực tràng (mất phản xạ trong bệnh Hirschprung), cảm giác của trực tràng, và áp lực. Test được thực hiện chủ yếu ở những trẻ bị táo bón nặng làm ảnh hưởng đến lối sống của trẻ, hoặc khi nghi ngờ co thắt cơ thắt trong hậu môn, hoặc bệnh Hirschprung.

Hình ảnh: hậu môn
Hình ảnh: hậu môn
Đo áp lực hậu môn trực tràng cũng có thể xác định những bệnh nhân bị loạn đồng vận đi ngoài, là một rối loạn chức năng đặc trưng bợi đào thải không hoàn toàn phân từ trực tràng do co cơ nghịch lý hoặc mất khả năng giãn các cơ sàn chậu khi đi ngoài. Thay đổi giả tạo do chuyển động của catheter (có thể bắt chước đáp ứng ức chế hậu môn trực tràng) gặp nhiều hơn ở trẻ dưới 6 tháng. Chẩn đoán xác định bệnh Hirschsprung dựa vào sinh thiết trực tràng.

Hướng dẫn cách chăm sóc cho người bị táo bón

Cách chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân bị táo bón chính là điều chỉnh thói quen ăn uống và thói quen sinh hoạt cho bệnh nhân. Duy trì những thói quen khoa học, lành mạnh sẽ giúp cơ thể hoạt động ổn định và nhịp nhàng, cải thiện chức năng hệ thống tiêu hóa là cốt lõi để khắc phục tình trạng táo bón. Một số lời khuyên được các chuyên gia hướng dẫn bao gồm:

  • Xây dựng một thói quen ăn uống khoa học và lành mạnh: Ăn đủ bữa mỗi ngày theo giờ sinh hoạt cố định, bữa ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, mất tập trung trong quá trình ăn uống cũng có thể gây rối loạn tiêu hóa.
    Trong bữa ăn nên bổ sung nhiều loại rau tươi và trái cây, như vậy rất tốt cho đường tiêu hóa. Một số loại thực phẩm nên đặc biệt bổ sung bao gồm trái cây (nho, chuối, kiwi, mơ); các loại rau xanh, khoai lang, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Kết hợp sử dụng sữa chua, trong sữa chua có chứa vi khuẩn có lợi cho đường tiêu hóa Probiotic. Sử dụng sữa chua thường xuyên giúp cải thiện và nâng cao hoạt động của đường tiêu hóa.
    Duy trì thói quen uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày để đảm bảo cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nên hạn chế sử dụng các loại đồ ăn có thể gây táo bón như bánh mì trắng, các đồ ăn chế biến từ ngô, các đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê, trà.
  • Khuyến khích bệnh nhân tăng cường vận động cơ thể, tích cực thể dục thể thao. Để cho cơ thể luôn vận động là cách hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng táo bón. Hãy lựa chọn cho bệnh nhân những môn thể thao phù hợp với sức khỏe và sở thích của người bệnh. Không nên có thói quen ngồi quá lâu, kết hợp vận động trong thời gian làm việc.
  • Rèn luyện thói quen đi đại tiện đều đặn. Tuyệt đối không nhịn đi đại tiện khi có dấu hiệu muốn đi. Cố gắng rèn luyện thói quen đi vệ sinh buổi sáng hoặc sau bữa ăn 30 phút. Khi vệ sinh có thể sử dụng vòi hòa sen, nước ấm với cường độ vừa đủ để vệ sinh cơ thể. Bệnh nhân bị táo bón không nên quá căng thẳng khi đi đại tiện, giữ tâm lý thoải mái để có thể đại tiện dễ dàng. Quan trọng nên tập tư thế khi đại tiện đúng cách để giảm áp lực lên hậu môn.

Ngoài ra, cũng có thể chăm sóc bệnh nhân theo hướng nguyên nhân gây ra bệnh. Có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Anhblogaa 10
Triệu chứng của táo bón gây nên

Hướng dẫn cách sử dụng thuốc điều trị cho người bị táo bón

Bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị táo bón cần chú ý một số điểm sau:

  • Không tự ý sử dụng thuốc khi không có hướng dẫn của bác sĩ.
  • Sử dụng thuốc nhuận tràng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Khi uống thuốc nhuận tràng cần cung cấp nhiều nước cho cơ thể để tăng hiệu quả của thuốc.
  • Hiện nay trên thị trường có nhiều loại thuốc nhuận tràng khác nhau: nhuận tràng cơ học, nhuận tràng thẩm thấu, nhuận tràng kích thích, nhuận tràng làm trơn… Bệnh nhân cần xác định chính xác loại thuốc điều trị của bản thân.
  • Không ngưng sử dụng thuốc giữa chừng, cần sử dụng hết liệu trình điều trị. Sau khi kết thúc liệu trình điều trị cần theo dõi bệnh và thăm khám định kỳ.

Qua bài viết, mong rằng có thể giúp độc giả hiểu rõ hơn về cách điều trị và phòng tránh căn bệnh táo bón. Hãy duy trì thói quen ăn uống khoa học và uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để cải thiện tình trạng sức khỏe của bản thân và những người thân xung quanh bạn!

Xem thêm: Viêm túi mật là gì? Phương pháp xét nghiệm chẩn đoán và điều trị

5 thoughts on “Táo bón: Nguyên nhân, cách phòng tránh và điều trị

    • Dược sĩ Bùi Phượng says:

      Có, táo bón có thể là một nguyên nhân gây ra trĩ. Khi bạn bị táo bón, việc phải rặn mạnh để đi vệ sinh có thể làm gia tăng áp lực lên các tĩnh mạch trong vùng hậu môn, dẫn đến sự hình thành hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng trĩ.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here