Tăng nhãn áp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Cách phòng tăng nhãn áp

Nhathuocngocanh.com – Mắt là một bộ phận vô cùng quan trọng trong cuộc sống của con người, thực hiện các chức năng nhìn, quan sát, thu nhận hình ảnh của sự vật để chuyển vào não xử lý và lưu trữ. Đây cũng là một bộ phận vô cùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương bởi cả tác nhân bên ngoài và bên trong mắt. Một trong các bệnh lý nguy hiểm liên quan đến mắt, có thể dẫn đến mất thị giác chính là bệnh tăng nhãn áp. Cùng nhà thuốc Ngọc Anh tìm hiểu về bệnh này qua bài viết sau.

1, Tăng nhãn áp là gì?

Tăng nhãn áp (hay còn được gọi là thiên đầu thống, cườm nước hay glaucoma) là một nhóm bệnh lý làm tổn thương thần kinh thị giác, thần kinh truyền thông tin thị giác từ mắt đến não thông qua cơ chế làm tăng áp lực các chất lỏng trong mắt. Bệnh có thể tiến triển mạn tính với các triệu chứng lõm teo đĩa thị, tổn hại thị trường và các tình trạng liên quan đến nhãn áp cao. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời thì tình trạng tổn thương thị giác sẽ ngày càng nghiêm trọng, thậm chí dẫn tới mất thị lực không hồi phục.

NgocanhBlog 7
Tăng nhãn áp là gì?

2, Tăng nhãn áp có nguy hiểm không?

Hiện nay, bệnh tăng nhãn áp không phải là một bệnh hiểm nghèo nhưng nếu không có các biện pháp chữa trị kịp thời thì sẽ gây ra các tổn thương nghiêm trọng đến dây thần kinh thị giác xung quanh mắt, sau cùng là dẫn đến mù lòa. Theo nghiên cứu cho thấy, bệnh tăng nhãn áp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù ở Việt Nam và trên thế giới. Chính vì thế, cần hiểu rõ và nhận biết được nguyên nhân, triệu chứng sớm của bệnh để có các biện pháp phòng tránh và chữa trị kịp thời.

3, Triệu chứng của tăng nhãn áp

3.1, Tăng nhãn áp góc đóng

Tăng nhãn áp góc đóng xảy ra khi chất long trong mắt không thế chảy theo cách thông thường, gồm:

  • Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính
  • Tăng nhãn áp góc đóng bán cấp
  • Tăng nhãn áp góc đóng mạn tính

3.1.1, Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính

Chiếm khoảng 15% tổng số các ca bệnh tăng nhãn áp, với các triệu chứng xuất hiện đột ngột, dữ dội như:

  • Đau mắt, mắt đỏ, chảy nước mắt, sợ ánh sáng
  • Thị lực mờ hoặc mất thị lực đột ngột
  • Đồng tử ở 2 mắt có kích cỡ khác nhau
  • Nhìn vào các vật phát sáng thấy có quầng xanh đỏ
  • Đau đầu dữ dội
  • Nôn, buồn nôn
  • Đau bụng, ỉa chảy
NgocanhBlog 8
Triệu chứng của tăng nhãn áp

3.1.2, Tăng nhãn áp góc đóng bán cấp

Là những đợt tăng nhãn áp ở mức độ vừa phải, có các triệu chứng tương tự tăng nhãn áp đóng góc cấp tính nhưng nhẹ hơn, biểu hiện bằng những đợt giảm thị lực, nhìn đèn có quầng, đau nhức nhẹ trong mắt. Các triệu chứng này thường tự qua đi mà không cần điều trị gì, nhưng tần suất và mức độ của các cơn tăng dần, lâu ngày khiến cho thị lực giảm sút.

3.1.3, Tăng nhãn áp góc đóng mạn tính

Hiếm gặp, thường không có triệu chứng, biểu hiện âm thầm, đôi khi có cảm giác đau tức nhẹ thoảng qua trong mắt và đầu.Chính vì thế, phần lớn bệnh nhân mắc phải thể bệnh này khi đi khám, thị lực đều đã giảm nặng hoặc mất hoàn toàn.

3.2. Tăng nhãn áp góc mở

Đây là loại bệnh tăng nhãn áp phổ biến nhất, bệnh tiến triển âm thầm qua từng giai đoạn. đến rất chậm và không đau đớn. Các triệu chứng như cảm giác căng tức mắt, nhìn đèn có quầng, thị lực mờ,… đều thoáng qua, xuất hiện từng cơn ngắn rồi tự khỏi. Vì thế, người bệnh có thể vẫn cảm thấy bình thường, không phát hiện sa sút thị lực qua hàng năm, nên không phát hiện ra mình đã mắc phải tăng nhãn áp góc mở. Nếu không đi khám mắt thường xuyên thì sẽ không thể phát hiện ra, do đó đa số bệnh nhân khi đi khám đều đã ở giai đoạn muộn, có nhiều tổn thương đến mắt. Hiện nay, chưa có cách chữa trị cho tăng nhãn áp góc mở, uống thuốc và phẫu thuật chỉ có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh và giảm các tổn thương về mắt.

4, Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp?

  • Người trên 40 tuổi (nữ giới có nguy cơ mắc cao hơn nam giới)
  • Trong gia đình đã có tiền sử mắc bệnh tăng nhãn áp
  • Những người sử dụng thuốc Corticosteroid lâu ngày
  • Những người có bệnh lý như đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch, bệnh hồng cầu lưỡi liềm,…
  • Người mắc phải một số bệnh về mắt như gặp phải chấn thương hoặc từng phẫu thuật mắt, cận thị,…
NgocanhBlog 9
Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp?

5, Cách chẩn đoán tăng nhãn áp

Bác sĩ sẽ chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng của bệnh tăng nhãn áp và thực hiện thêm một số xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra thiệt hại thần kinh thị giác
  • Đánh giá thị giác của bệnh nhân
  • Đo áp lực nội nhãn
  • Đo độ dày giác mạc
  • Soi đáy mắt
  • Nội soi tuyến sinh
  • Công nghệ hình ảnh
  • Các xét nghiệm để phân biệt tăng nhãn áp góc đóng và tăng nhãn áp góc mở như kỹ thuật gonioscopy

6, Cách điều trị tăng nhãn áp

Bệnh tăng nhãn áp được điều trị dựa trên cơ chế làm giảm việc sản xuất dịch nước, cải thiện dòng chảy dịch nước, qua đó làm giảm áp lực nhãn áp. Mặc dù, không thể chữa trị được tận gốc bệnh tăng nhãn áp, nhưng thăm khám và điều trị thường xuyên sẽ làm giảm nguy cơ mất thị lực. Và với từng thể bệnh tăng nhãn áp khác nhau sẽ có cách điều trị khác nhau.

  • Tăng nhãn áp góc đóng: có thể điều trị bằng cách sử dụng thuốc nhỏ mắt, uống thuốc hoặc truyền tĩnh mạch để hạ nhãn áp, nhưng chỉ có tác dụng nhất định và thường phải tiến hành phẫu thuật.
  • Tăng nhãn áp góc mở: cần được điều trị bằng phương pháp an toàn và ít ảnh hưởng tới cuộc sống của bệnh nhân nhất, chủ yếu là dùng thuốc nhỏ mắt điều trị tăng nhãn áp góc mở, kết hợp với sự thăm khám thường xuyên của bác sĩ để theo dõi diễn biến của bệnh. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc uống phù hợp với từng tình trạng bệnh. Trường hợp xấu nhất cần phải tiến hành phẫu thuật mắt.

Sau đây là các thuốc và kỹ thuật dùng trong điều trị tăng nhãn áp:

6.1, Thuốc điều trị tăng nhãn áp

Như đã nói ở trên thì bệnh tăng nhãn áp được điều trị chủ yếu bằng thuốc nhỏ mắt và thuốc uống dạng viên.

Với thuốc nhỏ mắt thì được phân loại theo hoạt chất mang lại tác dụng chủ yếu cho thuốc:

  • Nhóm thuốc chẹn beta: từng là lựa chọn hàng đầu trong điều trị bệnh tăng nhãn áp, có tác dụng làm giảm sự tiết dịch của mắt. Tuy nhiên thuốc này có thể gây ra một số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như giảm nhịp tim, hạ huyết áp, mệt mỏi,… Vì thế, chỉ dùng khi có sự chỉ định của bác sĩ, và không được dùng cho phụ nữ có thai.
  • Nhóm thuốc Prostaglandin: có tác dụng giãn cơ, làm gia tăng lượng dịch thoát ra, nhờ đó làm giảm áp lực nội nhãn. Nhóm thuốc này chỉ yêu cầu mỗi ngày nhỏ 1 lần, nên tuân thủ điều trị rất cao. Các tác dụng phụ có thế gặp khi dùng nhóm thuốc này là ngứa mắt, mờ mắt, thay đổi màu mắt, quăn lông mi,..
  • Nhóm thuốc chủ vận alpha: hoạt động theo cơ chế giảm tiết thủy dịch và làm tăng lượng dịch thoát ra. Tác dụng phụ thường gặp khi dùng nhóm thuốc này là giãn đồng tử, ngứa mắt, đỏ mắt,…
  • Nhóm thuốc ức chế carbonic anhydrase: có tác dụng làm giảm dịch do mắt tiết ra. Có tác dụng phụ là khó chịu ở mắt, bỏng rát, đỏ mắt,…
  • Nhóm thuốc miotic (gây co đồng tử): có tác dụng co đồng tử, làm tăng lượng dịch thoát đi, nhờ đó làm giảm áp lực ở mắt. Một số tác dụng phụ thường gặp là bỏng rát mắt, nhức đầu, mắt mờ,…

Với thuốc viên: thường sử dụng Acetazolamide, đây là một thuốc lợi tiểu hoạt động dựa trên cơ chế ức chế enzym carbonic anhydrase. Tác dụng phụ của thuốc này là tiểu nhiều, buồn nôn, buồn ngủ, sỏi thận,…

NgocanhBlog 10
Sử dụng thuốc điều trị tăng nhãn áp

6.2, Sử dụng công nghệ hiện đại để điều trị tăng nhãn áp

Phẫu thuật laser: hiện đang được sử dụng phổ biến do không phải dùng đến dao kéo, thực hiện nhanh, không đau, ít biến chứng, rủi ro và có hiệu quả cao. Sau khi tiến hành xong, bệnh nhân có thể về nhà và thực hiện các hoạt động thường ngày như bình thường.

  • Phẫu thuật tạo hình laser chọn lọc (STL): kỹ thuật này dùng để điều trị tăng nhãn áp góc mở, giúp chất lỏng thoát ra nhiều hơn ra khỏi mắt và vào máu nhờ kích thích mạng lưới thoát nước. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật này là khoảng 70-80%.
  • Laser Peripheral Iridotomy (LPI): kỹ thuật này dành cho bệnh tăng nhãn áp góc đóng, làm cho chất lỏng chảy trực tiếp từ sau mống mắt đến buồng trước của mắt. Kỹ thuật này ngăn ngừa được cả tăng nhãn áp cấp tính và mãn tính.

7, Cách phòng tăng nhãn áp

  • Đi khám mắt thường xuyên
  • Vệ sinh mắt sạch sẽ bằng cách sử dụng nước nhỏ mắt thường xuyên
  • Tránh nhiễm trùng và các tổn thương liên quan đến mắt
  • Tìm hiểu về tiểu sử sức khỏe mắt của gia đình
  • Đeo kính bảo vệ mắt khi ra đường hoặc đến những nơi nhiều khói bụi
  • Sau khi phẫu thuật mắt phải thăm khám thường xuyên
Cách phòng tăng nhãn áp
Cách phòng tăng nhãn áp

8, Một số câu hỏi liên quan

8.1, Tăng nhãn áp có chữa được không?

Hiện nay vẫn chưa có phác đồ điều trị nào có thể chữa khỏi hoàn toàn được tăng nhãn áp. Các biện pháp đang sử dụng hiện nay như dùng thuốc nhỏ mắt, uống thuốc, phẫu thuật chỉ có thể làm giảm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa nguy cơ mất thị giác. Chính vì thế, cần phải thường xuyên thăm khám mắt để có thể phát hiện sớm và điều trị kịp thời để tránh được các tổn hại xấu nhất về mắt.

8.2, Tăng nhãn áp ăn kiêng gì?

  • Thực phẩm chứa các chất béo xấu
  • Tránh dùng nhiều chất lỏng trong thời gian ngắn
  • Các loại cà
  • Ăn ít muối để giảm nguy cơ tích tụ nước
  • Đồ chiên rán, nhiều dầu mỡ
  • Không sử dụng bia, rượu và đồ uống có cồn khác
  • Hạn chế đường, tinh bột đã qua chế biến
  • Thực phẩm có chứa cafein và các chất kích thích khác
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng

Bài viết trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thế thay thế được sự thăm khám, chẩn đoán và tư vấn của bác sĩ. Nếu xuất hiện các triệu chứng nguy cơ của tăng nhãn áp thì hãy đến ngay cơ sở ý tế gần nhất để khám, tránh để lâu khiến tình trạng ngày càng nghiêm trọng. Mong rằng bài viết này có thể cung cấp một số thông tin hữu ích về bệnh tăng nhãn áp đến với mọi người. Chúc các bạn có thể giữ được một đôi mắt luôn khỏe mạnh.

9. Câu hỏi lâm sàng

Câu 1

Bệnh nhân nữ 63 tuổi đến khoa cấp cứu do đau đầu dữ dội bên phải, bắt đầu cách đây 2 giờ. Cơn đau tập trung xung quanh mắt phải và có liên quan đến buồn nôn và nôn. Cô ấy cũng đang nhìn thấy quầng sáng xung quanh đèn. Bệnh nhân chưa bao giờ bị đau đầu như thế này trước đây. Tiền sử bệnh lý ghi nhận tăng huyết áp và tiểu không tự chủ. Thuốc của cô ấy bao gồm valsartan và tolterodine, và cô ấy cũng đã dùng trimethoprim-sulfamethoxazole trong 2 ngày để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tiền sử gia đình ghi nhận mẹ cô ấy bị đau đầu migraine. Bệnh nhân không sử dụng thuốc lá, rượu hoặc ma túy. Các dấu hiệu sinh tồn trong giới hạn bình thường. Khám thực thể cho thấy mắt phải đỏ với đồng tử giãn, mất phản xạ, chảy nước mắt quá mức. Thị lực giảm. Kết quả xét nghiệm cho thấy tốc độ lắng hồng cầu là 35 mm/h. Chẩn đoán nào sau đây có khả năng nhất?

  1. Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính
  2. Đau đầu chùm
  3. Đau nửa đầu
  4. Viêm dây thần kinh thị giác
  5. Xuất huyết dưới nhện
  6. Viêm động mạch thái ddương

Đáp án: A. Tăng nhãn áp góc đóng cấp tính

Bệnh nhân này mắc bệnh tăng nhãn áp góc đóng cấp tính (ACG), biểu hiện đau đầu, đau mắt, buồn nôn và giảm thị lực. ACG được đặc trưng bởi việc thu hẹp góc tiền phòng dẫn đến giảm dòng thủy dịch và tăng áp lực nội nhãn (IOP). Tỷ lệ mắc bệnh cao hơn ở phụ nữ (đặc biệt là trên 40 tuổi), người châu Á và người Inuit, và những người bị viễn thị.

Ở những bệnh nhân dễ mắc ACG, thủy tinh thể nằm về phía trước nhiều hơn so với mống mắt, điều này làm giảm dòng thủy dịch thông thường qua đồng tử vào tiền phòng, do đó làm tăng IOP. Sau đó, góc đóng đột ngột có thể xảy ra do giãn đồng tử do thuốc kháng cholinergic (ví dụ tolterodine), thuốc cường giao cảm hoặc ánh sáng xung quanh yếu. Sulfonamid (ví dụ, trimethoprim-sulfamethoxazole) đôi khi có thể gây ACG do sưng các cấu trúc (ví dụ: thủy tinh thể, võng mạc, hắc mạc) ở hậu phòng.

Các dấu hiệu khi thăm khám trong ACG bao gồm cương tụ rìa (conjunctival injection), phù giác mạc, sờ thấy nhãn cầu cứng chắc và đồng tử cố định, giãn vừa. Chẩn đoán được xác nhận bằng gonioscopy để thấy được góc tiền phòng và/hoặc tonometry để đo IOP.

(Lựa chọn B) Đau đầu chùm (Cluster headache) có thể gây đau cấp tính quanh hốc mắt, cương tụ rìa và chảy nước mắt. Tuy nhiên, bệnh thường gặp ở nam giới trẻ tuổi và thường gây ra các cơn đau tái phát trong thời gian ngắn (vài phút), kết hợp với các triệu chứng tự chủ (ví dụ: co đồng tử, chảy nước mắt). Buồn nôn/nôn và đồng tử cố định, giãn vừa là ngoài dự kiên.

(Lựa chọn C) Đau đầu migraine có thể gây đau đầu, buồn nôn và rối loạn thị giác. Tuy nhiên, bệnh thường xuất hiện ở tuổi vị thành niên hoặc giai đoạn sớm tuổi trưởng thành, mắt đỏ và mất phản xạ đồng tử của bệnh nhân này phù hợp hơn với ACG.

(Lựa chọn D) Viêm dây thần kinh thị giác gây đau mắt, giảm thị lực cấp tính và khiếm khuyết đồng tử hướng tâm. Bệnh thường được coi là dấu hiệu của bệnh đa xơ cứng. Viêm dây thần kinh thị giác thường xảy ra nhất ở phụ nữ <50 tuổi và thường không kèm theo buồn nôn/nôn.

(Lựa chọn E) Xuất huyết dưới nhện có biểu hiện đau đầu dữ dội, thay đổi tri giác và khiếm khuyết thần kinh. Bệnh thường không gây giảm thị lực hoặc mắt đỏ.

(Lựa chọn F) Viêm động mạch tế bào khổng lồ (thái dương) (Giant cell arteritis – GCA) xuất hiện ở bệnh nhân > 50 tuổi bị đau đầu một bên và có thể co giảm thị lực do bệnh thần kinh thị giác do thiếu máu cục bộ phía trước. Tuy nhiên, nôn mửa và xung huyết kết mạc là không điển hình. Mặc dù tốc độ lắng hồng cầu (Erythrocyte edimmentation rate – ESR) là xét nghiệm nhạy với GCA, nhưng xét nghiệm này có thể tăng trong nhiều bệnh lý khác (ví dụ: nhiễm trùng đường tiết niệu) và bệnh nhân lớn tuổi thường có kết quả xét nghiệm lớn hơn giá trị tham chiếu dùng trong phòng thí nghiệm (ESR bình thường được điều chỉnh theo tuổi = [ tuổi + 10] – 2).

Kết luận:

Bệnh glacoma góc đóng được đặc trưng bởi sự thu hẹp góc tiền phòng dẫn đến giảm dòng chảy của thủy dịch và tăng áp lực nội nhãn. Bệnh biểu hiện với triệu chứng đau đầu, đau mắt, buồn nôn và giảm thị lực. Các dấu hiện khác khi khám bao gồm cương tụ rìa, phù giác mạc, sờ thấy nhãn cầu cứng chắc và đồng tử cố định, giãn vừa phải. Chẩn đoán được xác nhận bằng gonioscopy và / hoặc tonometry.

Câu 2

Bệnh nhân nam 24 tuổi đến phòng khám do rối loạn thị lực. Bệnh nhân có tiền sử viêm cột sống dính khớp và có đau dữ dội và sưng đỏ mắt một tháng trước. Thăm khám tại thời điểm đó phát hiện viêm màng bồ đào trước cấp và prednisolon dạng nhỏ mắt được kê, mà hiện tại bệnh nhân vẫn dùng. Triệu chứng mắt khỏi trong 1 tuần điều trị, nhưng trong vài ngày trước đây bệnh nhân có nhìn mờ và cần nhiều ánh sáng để đọc. Bệnh nhân cũng có lóa mắt khi lái xe buổi tối. Bệnh nhân không có bệnh lý nào khác, và thuốc được kê đơn khác là naproxen. Dấu hiệu sinh tồn bình thường. Thăm khám mắt thấy kết mạc không đỏ, giác mạc trong và không có mủ tiền phòng hoặc đục thủy tinh thể. Kiểm tra soi nấm bình thường. Phần còn lại của thăm khám bao gồm thăm khám thần kinh không thấy bất thường. Bước xử trí nào tiếp theo là tốt nhất ở bệnh nhân này?

  1. Nhuộm Fluorescein mắt
  2. Chọc đốt sống lưng
  3. MRI não
  4. Không can thiệp thêm
  5. Đo nhãn áp

Đáp án đúng là E:

Bệnh nhân có xuất hiện giảm thị lực khi sử dụng thuốc nhỏ mắt glucocorticoid (prednisolone), gợi ý có khả năng tăng nhãn áp góc mở do steroid. Tăng nhãn áp góc mở là bệnh lý thần kinh thị giác đi kèm với tăng áp lực giãn áp. Nhỏ mắt glucocorticoid tại chỗ và glucocorticoid hệ thống có thể tăng áp lực nhãn áp do giảm hồi lưu thủy dịch thông qua kênh dẫn lưu ở buồng trước, có khả năng tăng dần do sự phù lên của cấu trúc (thủy tinh thể, màng mạch) ở buồng trước.

Tăng nhãn áp góc mở đặc trưng bởi sự mất âm thầm thị lực ngoại biên liên quan đến teo của đầu dây thần kinh thị giác; dấu hiệu bao gồm phì đại của ổ mắt và tăng tỉ số ổ mắt / đĩa mắt (độ lõm của đĩa thị giác), nhưng đây là một dấu hiệu muộn và có thể không rõ ràng ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh nhân với tăng nhãn áp góc mở do steroid có thể cũng xuất hiện mờ trung tâm sớm trong sự tiến triển của phù giác mạc. Sử dụng mạn glucocorticoid có thể cũng gây đục thủy tinh thể dưới bao, mặc dù chưa xuất hiện ở bệnh nhân này

Tăng áp lực nhãn áp trong tăng nhãn áp góc mở có thể được phát hiện bởi đo nhãn áp. Đo nhãn áp cho biết sự thoái hóa cấu trúc của giác mạc trong sự đáp ứng với áp lực tác động (cơ học hoặc khí học). Bệnh nhân có nghi ngờ tăng nhãn áp góc mở nên được kiểm tra đánh giá vùng thị giác ngoại biên sử dụng thiết bị kiểm tra tự động (kiểm tra vùng thị giác bằng tay ở vị trí đối diện có độ nhạy thấp đối với tăng nhãn áp góc mở).

Ý A: Nhuộm fluorescein có thể thấm trên bề mặt của mắt để thuận tiện quan sát giác mạc của bệnh nhân với dị vật trong mắt, bào mòn giác, hoặc viêm giác mạc. Các bệnh lý này thường đi kèm đau mắt, kích thích, chảy nước, hoặc đỏ

Ý B: Chọc đốt sống lưng để phân tích dịch tủy có giá trị đánh giá chảy máu dưới nhện (đau đầu như búa bổ, dấu hiệu màng não) hoặc viêm màng não (đau đầu, sốt, cứng cổ). Bệnh nhân này có mất thị giác không đau và thăm khám thần kinh bình thường, do đó phân tích dịch tủy là không cần thiết

Ý C: MRI não có thể phát hiện đa xơ cứng, mà có thể gây triệu chứng mắt do viêm dây thần kinh thị giác. Tuy nhiên, viêm dây thần kinh thị giác biểu hiện có đau mắt, mất thị giác cấp, và khiếm khuyết dẫn truyền đồng tử hướng tâm.

Ý D: Tăng nhãn áp góc mở do steroid không điều trị có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn và do đó cần xác định cẩn thận. Theo dõi không xét nghiệm là không phù hợp

Mục tiêu học tập: Nhỏ mắt glucocorticoid tại chỗ có thể tăng áp lực nội nhãn, dẫn đến tăng nhãn áp góc mở. Tăng nhãn áp góc mở thường đặc trưng bởi mất thị lực âm thầm, và nhiều bệnh nhân tăng nhãn áp do streoid có thể xuất hiện mờ trung tâm do phù giác mạc. Tăng áp lực nội nhãn có thể đo được bằng đo nhãn áp.

Tài liệu tham khảo: Glaucoma: Causes, Types, and Symptoms, Healthline, truy cập ngày 6/6/2023.

Xem thêm:

Điều trị cận thị bằng kính tiếp xúc cứng đeo đêm (Ortho-K)

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here