Mụn nước ở tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Mụn nước ở tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh

Hiện nay các bệnh lý ở da ngày càng xuất hiện nhiều và phổ biến, một trong số đó là tình trạng nổi mụn nước ở tay. Hiện tượng này tuy không nguy hiểm ảnh hưởng đến toàn thân, nhưng lại làm cho người bệnh ngứa ngáy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Vậy nổi mụn nước ở tay nguyên nhân do đâu? Làm cách nào để điều trị? Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Ngọc Anh sẽ trả lời cho bạn những câu hỏi này.

1, Triệu chứng của nổi mụn nước ở tay

Hiện tượng nổi mụn nước ở tay là dấu hiệu biểu hiện cho tình trạng viêm da, với đặc trưng là các nốt mụn mà bên trong có chứa chất dịch lỏng, kích thước nhỏ li ti hơi sần và nổi gồ lên phía trên bề mặt da, gây cho người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Nổi mụn nước ở tay có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỷ lệ xuất hiện bệnh ở nữ nhiều hơn so với nam giới. Bản chất có sự chênh lệch tỷ lệ này là do da tay của phụ nữ thường mỏng, mềm và dễ bị kích ứng hơn.

Đây không phải là một căn bệnh quá nghiêm trọng, nhưng nó cũng có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến các công việc và chế độ sinh hoạt hằng ngày của các bạn. Bạn có thể nhận biết tình trạng nổi mụn nước ở tay dựa vào các triệu chứng đặc trưng dưới đây:

  • Lòng bàn tay bắt đầu cảm thấy khó chịu. Bạn bắt đầu cảm thấy ngứa râm ran ở khu vực các đầu ngón, kẽ ngón tay. Sau khi gãi thì thấy các mảng da có hiện tượng nổi đỏ, khi sờ vào sẽ thấy hơi cộm. Nếu nhìn kỹ sẽ có thể thấy được các nốt bé lấm tấm xuất hiện trên lớp biểu bì của da.
  • Mụn nước sẽ bắt đầu mọc ở kẽ tay, sau đó mới lan dần lên các thân ngón tay. Ban đầu có thể chỉ là một vài nốt mụn nước nhỏ, kích thước nhỏ từ 1-2 mm, bên trong chứa dịch lỏng, có thể màu trong hoặc đục ngà. Dần dần số lượng và kích thước của các nốt mụn sẽ ngày càng tăng.
  • Sau từ 3 đến 5 ngày xuất hiện và tiến triển, nếu không được điều trị sớm và kịp thời, các nốt mụn đứng sát nhau sẽ có hiện tượng liên kết và dính dần lại thành các bọc lớn hơn, khi vỡ có dịch chảy ra. Khi các bọc nước bị vỡ sẽ lây lan sang các vùng da xung quanh và gây ra cảm giác đau rát, khó chịu cho bạn. Hơn nữa các vết trợt loét sau vỡ trên da sẽ dễ làm cho da bạn bị nhiễm khuẩn nếu không được xử trí kịp thời.

2, Nguyên nhân gây nổi mụn nước ở tay là gì?

NgocanhBlog 60
Nguyên nhân gây nổi mụn nước ở tay là gì?

Nổi mụn nước ở tay được coi là một bệnh lý da liễu tự phát, nguyên nhân gây ra hiện tượng này chủ yếu là do cơ chế dị ứng, miễn dịch của cơ thể trước một tác nhân nào đó ở môi trường bên trong cơ thể gây ra. Tuy nhiên những tác nhân từ bên ngoài cũng gây ảnh hưởng đến quá trình này.

Một số nguyên nhân từ bên trong cơ thể hay gặp như:

  • Cơ địa nhạy cảm: Những người có cơ địa nhạy cảm, dị ứng thì sẽ rất dễ gặp phải các vấn đề về da khi tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa như xà phòng, nước bẩn, nước giặt, nước rửa bát,…
  • Viêm da dị ứng: Theo các nghiên cứu cho thấy, những người có tiền sử bị viêm da dị ứng cũng có nguy cơ cao bị nổi mụn nước ở tay và mẩn ngứa hơn so với những người khác. Tương tự như viêm da dị ứng, thì những người bị các bệnh liên quan đến các yếu tố miễn dịch trong cơ thể như viêm mũi dị ứng, hen suyễn… cũng dễ gặp phải tình trạng nổi mụn nước.
  • Triệu chứng của một bệnh da liễu khác: Mụn nước xuất hiện là biểu hiện triệu chứng của một bệnh nền khác thường gặp như bệnh tổ đỉa, bệnh chàm, viêm da mạn tính,…Trong các trường hợp này ngoài biểu hiện nổi mụn nước ở tay và thấy ngứa ở tay thì bệnh nhân còn có những biểu hiện khác của bệnh nền.

Các yếu tố nguy cơ từ môi trường bên ngoài:

  • Tiếp xúc với các chất có khả năng gây kích ứng: Có thể kể đến như các hóa chất tẩy rửa (xà phòng, nước rửa bát, nước rửa tay…), các chất tiết của côn trùng, các loại mỹ phẩm độc hại không rõ nguồn gốc… và đặc biệt là các kim loại nặng như Coban hay Niken. Nếu những chất này thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với làn da nhạy cảm của bạn trong thời gian dài sẽ khiến cho làn da của bạn trở nên suy giảm sức đề kháng, dễ dẫn đến nguy cơ nổi mụn.
  • Tiếp xúc với nguồn nước bị ô nhiễm: Nếu chẳng may các bạn phải sống và làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn ô nhiễm, tiếp xúc với nguồn nước nhiễm bẩn sẽ có thể làm tăng nguy cơ bị nổi mụn nước ở tay. Vì trong nguồn nước ô nhiễm có thể chứa rất nhiều các hóa chất độc hại, hàm lượng lớn các kim loại nặng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe và làn da của bạn.
  • Ảnh hưởng của môi trường, khí hậu: Môi trường với độ ẩm cao, ẩm ướt kéo dài cũng là một điều kiện lý tưởng để mụn nước phát triển ở tay. Đặc biệt là ở những người có lớp da tay mỏng, và cơ địa thường xuyên đổ mồ hôi, điều này sẽ khiến cho lòng bàn tay luôn trong tình trạng ẩm ướt, mụn sẽ xuất hiện và lan rộng một cách nhanh chóng.

3, Nổi mụn nước ở tay có nguy hiểm không?

Trong trường hợp nổi mụn nước ở tay là một bệnh da liễu tự phát và không đi kèm thêm các triệu chứng nào khác thì bạn có thể hoàn toàn yên tâm vì đây không phải là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm gì cả. Bạn hoàn toàn có thể chăm sóc và điều trị tình trạng này tại nhà, kết hợp với việc hạn chế các yếu tố nguy cơ từ môi trường bên ngoài thì tình trạng mụn nước sẽ giảm nhanh chóng mà không bị lây lan ra khu vực da xung quanh.

Tuy nhiên nếu bạn không khắc phục và điều trị sớm thì chỉ sau 3 đến 5 ngày từ khi bắt đầu có triệu chứng, các nốt mụn nước sẽ dần lan rộng ra khắp tay bạn, từ các nốt mụn nhỏ lấm tấm như hạt gạo chuyển thành những bọc nước lớn. Những bọc này khi vỡ ra sẽ khiến cho bạn có cảm giác đau rát, xót và bất tiện rất nhiều trong sinh hoạt thường ngày. Nặng hơn có thể dẫn đến tình trạng viêm nhiễm, nhiễm trùng và chảy mủ. Khi đó việc điều trị sẽ rất khó khăn và dễ để lại sẹo thâm trên da khi khỏi.

Nổi mụn nước ở tay cũng là triệu chứng đi kèm của nhiều bệnh da liễu khác như bệnh  thủy đậu, zona, ghẻ nước, tay chân miệng… Bạn cần dựa vào các triệu chứng khác của cơ thể và đặc điểm tổn thương để từ đó xác định tình trạng bệnh của mình. Nếu nguyên nhân nổi mụn nước của bạn là do những căn nguyên bệnh khác, thì bạn cần được điều trị bệnh sớm để tránh cho bệnh nghiêm trọng hơn. Và bạn cũng không cần quá lo lắng trong trường hợp này, những bệnh da liễu nếu được phát hiện và điều trị sớm thì hiệu quả điều trị cao mà không để lại di chứng gì.

NgocanhBlog 61
Nổi mụn nước ở tay có nguy hiểm không?

4, Phân biệt tình trạng nổi mụn nước ở tay đơn thuần với một số bệnh lý khác

Tình trạng nổi mụn nước ở tay có thể nói là dễ phát hiện và chẩn đoán. Tuy nhiên đôi khi bệnh không quá nặng và không xác định rõ ràng được. Khi đó, chúng ta cần phân biệt bệnh với một số bệnh lý khác như sau:

  • Thủy đậu (hay còn gọi là bệnh trái rơm trái rạ): Mụn nước không chỉ xuất hiện khu trú ở tay mà còn có thể xuất hiện ở mọi vị trí khác nhau trên cơ thể. Đi kèm theo đó bạn sẽ thấy cơ thể bị sốt, đau đầu, đau cơ đau họng, mệt mỏi toàn cơ thể. Các nốt mụn nước to dần, hoại tử và sau đó sẽ tạo ra các chấm đen ở giữa, đi kèm với đó là cảm giảm rất ngứa. Nhiều bệnh nhân không chịu nổi nên đã gãi làm cho các nốt mụn nước vỡ ra gây nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Ghẻ nước: Ghẻ nước thường thích cư trú ở các kẽ tay, chân của bạn, với các biểu hiện như: nổi mụn nước ở tay, tổn thương mụn chứa dịch lỏng, màu trong và có thể bị vỡ ra khi gãi, kích thước các nốt mụn nước khoảng bằng hạt đậu tương hoặc nhỏ hơn. Có thế thấy hình ảnh rãnh ghẻ trong trường hợp điển hình. Bệnh nhân cảm thấy ngứa dữ dội, đặc biệt là vào buổi đêm, cơn ngứa có thể làm cho họ mất ngủ và suy sụp tinh thần.
  • Tay chân miệng: Đây là loại bệnh rất hay gặp ở trẻ em với các triệu chứng đặc trưng như: sốt cao hoặc nhẹ, mệt mỏi quấy khóc, phát ban dạng phỏng nước ở tay, chân, mông, họng. Sờ tay chân có cảm giác cộm dưới da, trẻ không đau, không ngứa. Kiểm tra miệng cũng có mụn nước, khi vỡ sẽ gây loét khiến cho trẻ bị đau khi ăn.

Ngoài ra vẫn còn nhiều bệnh khác có biểu hiện là nổi mụn nước ở tay như chàm tổ đỉa, zona,… nhưng các bệnh này dễ nhận biết hơn.

NgocanhBlog 62
Ghẻ nước – Bệnh tay chân miệng

5, Khi nào cần đến gặp bác sĩ khi bị mụn nước ở tay?

Nếu bạn nhận thấy bản thân hay người thân trong gia đình có những triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi, nổi mụn toàn thân… đi kèm với tình trạng nổi mụn nước ở tay thì tốt nhất hãy đến ngay các cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị sớm. Vì đây có thể là các dấu hiệu cho thấy bạn hay người thân đang mắc một bệnh lý toàn thân nào đó khác như thủy đậu, tay chân miệng…

Hoặc nếu không có kèm theo các triệu chứng kể trên mà tình trạng nổi mụn nước vẫn cứ kéo dài dai dẳng, hay tái phát hoặc ngày càng nghiêm trọng hơn thì bạn cũng cần đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, làm các xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Trong trường hợp này các bác sĩ có thể cho bạn làm các xét nghiệm như xét nghiệm dị ứng da, sinh thiết da… để có thẻ định hướng được nguyên nhân, giúp điều trị bệnh hiệu quả hơn.

6, Cách chữa mụn nước ở tay hiệu quả

Tùy vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương mà bạn có thể lựa chọn các phương pháp điều trị mụn nước khác nhau. Cụ thể như sau:

Sử dụng các thảo dược tự nhiên với tình trạng mụn nhẹ

Các loại thuốc hay dược liệu tự nhiên luôn được ưu tiên khuyến khích sử dụng nếu như tình trạng bệnh không quá nghiêm trọng. Các bạn có thể tham khảo một số phương pháp đơn giản như sau:

Dùng nước muối để điều trị mụn nước:

Nước muối có tính sát khuẩn khá tốt, giúp loại bỏ các loại vi khuẩn trên các nốt mụn và trên da, từ đó giúp giảm cảm giác ngứa, giảm viêm và giúp cho da mau hồi phục. Tuy nhiên khi da tay đang bị tổn thương mà tiếp xúc với nước muối sẽ làm bạn cảm thấy hơi xót một chút.

Cách thực hiện như sau:

  • Rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là vùng da bị bệnh,dùng các hạt muối trắng chà nhẹ lên vùng da tay nổi mụn.
  • Sau khi chà và massage nhẹ nhàng, bạn có thể rửa lại bằng nước lạnh để giúp làm giảm cảm giác đau, xót.
  • Kiên trì thực hiện cách này 2 đến 3 lần mỗi ngày bạn sẽ thấy tình trạng ngứa giảm, các vết nặn mụn nước sẽ khô và lành rất nhanh.
NgocanhBlog 64
Dùng nước muối để điều trị mụn nước ở tay

Chườm đá lạnh để giúp giảm ngứa

Khi chườm lạnh sẽ giúp làm co mạch máu, tê liệt các dây thần kinh, giúp làm giảm cảm giác tại vùng da thần kinh đó chi phối. Vì vậy việc dùng đá lạnh áp lên các vị trí nổi mụn sẽ giúp giảm và cắt cơn ngứa và giảm đau cho bạn.

Cách thực hiện như sau:

  • Sử dụng 1 chiếc khăn sạch, loại mềm mỏng, bọc lấy 1 đến 2 viên đá nhỏ bên trong.
  • Rửa sạch tay sau đó chườm khăn tay bọc đá lạnh lên vị trí vùng da có nốt mụn nước trong khoảng 10 đến 15 phút.
  • Thực hiện cách này khi bạn cảm thấy ngứa, và duy trì cách này cho đến khi các mụn nước xẹp hẳn đi và không còn cảm giác ngứa ngáy khó chịu.

Kem đánh răng

Kem đánh răng sẽ giúp làm giảm cảm giác ngứa, mang đến cảm giác mát lạnh cho da, và giúp cho đầu mụn nước nhanh khô hơn nhờ thành phần có chứa các chất kháng khuẩn, chống viêm.

Cách thực hiện như sau:

  • Rửa sạch tay bằng nước ấm, sau đó thoa một lớp kem đánh răng mỏng lên vùng da nổi mụn nước.
  • Giữ  cho kem đánh răng khô trên tay và không cần rửa lại cho đến khi bôi lần tiếp theo.
  • Thực hiện cách này 3 đến 4 lần mỗi ngày sẽ giúp cho nốt mụn nước nhanh khô và giảm ngứa hiệu quả.

Làm dịu da bằng cách sử dụng gel nha đam

Gel nha đam sẽ có tác dụng làm dịu vùng da đang bị tổn thương do vết gãi, làm mát và dịu da để giảm ngứa.Ngoài ra các loại tinh chất có trong nha đam còn có tác dụng làm cho nốt mụn nước nhanh se lại, ngăn chặn tình trạng lây lan và nhiễm trùng tại chỗ.

Cách thực hiện như sau:

  • Nha đam đem rửa sạch và gọt bỏ lớp vỏ bên ngoài
  • Rửa sạch tay và bôi phần nhựa nha đam vừa tách lên vùng da có mụn nước, mát xa và chờ đợi.
  • Sau khi đắp khoảng 20 phút thì rửa sạch lại bằng nước mát.

Kiên trì thực hiện mỗi ngày sẽ giúp mụn nước nhanh khô, làm dịu vùng da đang bị ngứa do nổi mụn.

Điều trị mụn nước ở tay bằng thuốc với tình trạng mụn nặng, dai dẳng:

Nếu tình trạng mụn nước của bạn ngày càng nghiêm trọng, các cách trị liệu trên không đem lại hiệu quả thì bạn có thể đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị bằng thuốc. Các bác sĩ có thể sẽ chỉ định cho bạn những loại thuốc sau:

  • Thuốc có chứa Corticoid

Corticoid được coi là thần dược, có khả năng ức chế miễn dịch, chống viêm, chống dị ứng, giảm ngứa hiệu quả. Bạn chỉ cần bôi một lớp kem rất mỏng lên da 2 đến 3 lần mỗi ngày, sau vài lần bôi bạn sẽ thấy rõ hiệu quả của thuốc, tình trạng ngứa sẽ giảm, mụn khô nhanh.

Lưu ý Corticoid cũng có nhiều tác dụng phụ không mong muốn như gây mỏng da, giãn mao mạch, giảm sức đề kháng của da… Do đó bạn nên sử dụng corticoid theo đúng chỉ định của bác sĩ và chỉ nên sử dụng tối đa 3 ngày.  Trên thị trường hiện nay có bán các loại thuốc có thành phần corticoid như: Dermovate, Eumovate Cream, Flucinar…

  • Thuốc kháng sinh:

Để phòng trường hợp bội nhiễm, nhiễm khuẩn, bạn có thể được các bác sĩ khuyên dùng thêm thuốc bôi có thành phần là kháng sinh. Tương tự như cách dùng corticoid, bạn chỉ cần thoa một lớp kem mỏng  2 đến 3 lần mỗi ngày và nên duy trì bôi từ 5 đến 7 ngày để đảm bảo hiệu quả của thuốc.

  • Thuốc ức chế miễn dịch:

Với những người bị dị ứng với thành phần Corticoid, các bác sĩ có thể chỉ định cho sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch để thay thế. Tuy nhiên cần lưu ý đến tác dụng phụ của thuốc và tình trạng nhiễm trùng da khi sử dụng.

Trị mụn nước ở tay bằng một số loại thuốc bôi ngoài da
Trị mụn nước ở tay bằng một số loại thuốc bôi ngoài da

7, Cách ngăn ngừa nổi mụn nước ở tay

Thực tế vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra tình trạng này, do đó để ngăn ngừa mụn nước nổi trên tay bạn cần làm tốt những điều sau:

Chăm sóc da tay: 

  • Giữ độ ẩm tốt cho làn da bằng cách sử dụng các loại kem dưỡng ẩm như vaseline, Vitamin E, gel aloe vera… Sử dụng kem dưỡng da thường xuyên sẽ giúp bạn có được một làn da mịn màng, tránh gây khô da. Vì sau khi điều trị mụn nước ở tay, vùng da tay bị tổn thương của bạn sẽ trở nên khô ráp, đặc biệt là vào mùa đông. Do đó việc giữ ẩm cho da là vô cùng cần thiết.
  •  Lưu ý hạn chế để da tay tiếp xúc với nước bẩn như nước giặt giẻ lau bảng, nước lau nhà,… hay các loại hóa chất tẩy rửa như nước rửa bát, xà phòng… Sau khi tiếp xúc với nước bẩn và hóa chất bạn cần rửa tay lại ngay bằng nước rửa tay.
    Thường xuyên mát xa nhẹ nhàng cho tay để làn da tay được thư giãn, hồi phục và tăng lưu thông máu tại chỗ.

Điều chỉnh chế độ ăn nhiều rau xanh, tăng cường vitamin C

  • Bạn cần tích cực ăn nhiều loại rau xanh và trái cây để bổ sung các vitamin và chất khoáng cho cơ thể, đặc biệt là vitamin C để tăng cường hệ thống miễn dịch, Vitamin A, E giúp làn da luôn khỏe mạnh mịn màng.
  • Hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, café… vì chúng sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn, suy giảm chức năng gan, suy giảm hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Ngoài ra các bạn cũng cần trang bị đầy đủ các dụng cụ an toàn lao động  như găng tay, ủng, đồ bảo hộ…khi bạn phải thường xuyên làm việc trong môi trường ô nhiễm, tiếp xúc nhiều với các kim loại nặng hay với nguồn nước bẩn ô nhiễm.

8, Một số câu hỏi thường gặp

8.1. Mụn nước ở tay có lây lan không?

Nguyên nhân gây ra tình trạng nổi mụn nước ở tay là do cơ địa dị ứng, yếu tố miễn dịch của mỗi người, không có nguyên nhân nhiễm khuẩn ở đây. Vì vậy nếu bạn hay những người xung quanh chỉ bị nổi mụn nước ở tay mà không đi kèm với triệu chứng toàn khác thì bạn không cần lo lắng sẽ bị lây hay là nguồn lây bệnh. Nhưng nếu nguyên nhân khiến bạn hay người thân bị nổi mụn nước ở tay là do các bệnh lý mang tính chất truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng, ghẻ,… thì bạn nên cẩn thận, vì đây là những bệnh có yếu tố dịch tễ, có thể lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp (thủy đậu), tiếp xúc da và các vật dụng cá nhân (ghẻ). Đối với những bệnh có nguy cơ lây nhiễm như vậy, tốt nhất các bạn nên có biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang khi tiếp xúc hay tránh tiếp xúc với da bệnh.

8.2. Nổi mụn nước ở tay có tái phát không?

Nổi mụn nước ở tay có thể xem là một dạng viêm da dị ứng của cơ thể. Do đó nguy cơ tái phát của bệnh phụ thuộc vào việc bạn chăm sóc da và cách phòng ngừa hạn chế các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu cho thấy, ở những người có tiền sử bị viêm da cơ địa, hay bị mắc các bệnh liên quan đến yếu tố miễn dịch như viêm mũi dị ứng, hen suyễn… thì tỷ lệ tái phát sẽ cao hơn. Do đó ở những người này cần đặc biệt chú ý các biện pháp ngăn ngừa dự phòng như tạo thói quen dưỡng ẩm cho da tay, hạn chế để da tiếp xúc với các hóa chất độc hại, sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn lành tính,…

8.3. Tình trạng nổi mụn nước ở tay kéo dài trong bao lâu?

NgocanhBlog 67
Tình trạng nổi mụn nước ở tay kéo dài trong bao lâu?

Thời gian tồn tại của mụn nước phụ thuộc vào tác nhân gây nên tình trạng kích ứng, mức độ nghiêm trọng của tổn thương và đáp ứng điều trị của bạn. Khi mức độ tổn thương chỉ là giai đoạn đầu, tác nhân kích ứng được loại bỏ sớm thì chỉ sau vài giờ mụn nước đã có thể mất đi ngay và không để lại dấu vết gì. Tuy nhiên nếu bạn thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất tẩy rửa, nước ô nhiễm thì tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng và không có dấu hiệu thuyên giảm. Mụn nước có thể kéo dài nhiều ngày, thậm chí còn lên đến cả tuần, gây lây lan sang nhiều vùng da khác, phát triển thành bọc nước. Khi bọc nước vỡ sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng thứ phát.

Lời khuyên cho bạn là sau từ 5 đến 7 ngày tự điều trị tại nhà mà thấy tình trạng mụn không đỡ, mụn vẫn tiếp tục tiến triển âm ỉ và ngày càng nghiêm trọng thì bạn nên tìm ngay đến bác sĩ da liễu. Các bác sẽ lên phác đồ điều trị và can thiệp điều trị cho bạn nếu cần thiết.

8.4. Có nên nặn mụn nước ở tay không?

Nhiều người nghĩ rằng việc nặn đi mụn nước ở tay sẽ giúp giảm ngứa và làm cho vùng da tay tổn thương mau lành và hồi phục hơn. Tuy nhiên quan điểm đó là hoàn toàn sai lầm và bạn không nên thực hiện theo. Vì khi nặn mụn, bạn đã vô tình tạo ra một vết thương hở trên da, làm cho vùng da đó trở nên đau rát và xót và chất dịch trong mụn sẽ bị chảy ra ngoài lan ra xung quanh. Chất dịch này là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan, phát triển của mụn nước sang những vùng da lành xung quanh. Và vùng da tổn thương còn trở nên ẩm ướt và lâu khô, kéo dài thời gian phục hồi của da, tăng nguy cơ gây nhiễm trùng vùng da. Khi đó bạn có thể gặp phải các biến chứng phức tạp hơn.

Trên đây là một số thông tin về hiện tượng nổi mụn nước ở da. Hy vọng bài viết này đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích về tình trạng này để từ đó có cách dự phòng điều trị hiệu quả nhất. Và bạn đừng quên tuy nổi mụn nước ở tay là bệnh không ảnh hưởng quá nhiều đến cơ thể nhưng không vì vậy mà chúng ta chủ quan trong việc chăm sóc và điều trị.

Tài liệu tham khảo: Blisters: Pictures, Causes, and Outlook, Healthline, truy cập ngày 6/6/2023.

Xem thêm: Bài thuốc Đông y trị mụn trứng cá an toàn và hiệu quả nhất

2 thoughts on “Mụn nước ở tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng tránh

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here