Các kỹ thuật tạo hình cải thiện hõm lệ và nếp mũi gò má

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Hõm lệ và nếp mũi gò má

Tác giả: Shannon Humphrey, Steven Fagien

Biên dịch: Bác sĩ Phạm Thị Lan Ninh

nhathuocngocanh.com – Để tải file PDF bài viết Các kỹ thuật cải thiện hõm lệ và nếp mũi gò má, xin vui lòng click vào link ở đây.

Tóm tắt và ý chính

  • Hõm lệ là khu vực hình chữ U hoặc đường cong lõm xuống dưới mắt và nối với rãnh lệ (tear trough), nếp mũi gò má (nasojugal fold), rãnh mí dưới gò má (palpebromalar groove) và trở thành một mối quan tâm thẩm mỹ phổ biến cho những ai muốn cải thiện vùng dưới mắt và giữa mặt.
  • Với da mỏng nằm sát trên xương và có rất ít thậm chí không có lớp mỡ dưới da hoặc cơ ở vùng này, hõm lệ trở thành mối quan tâm thẩm mỹ không thể bỏ qua và cũng là thách thức điều trị với các sản phẩm tiêm làm đầy.
  • Các sản phẩm tiêm dường như có hiệu quả thẩm mỹ hơn đối với da dày, mịn và một hõm lệ rõ hình nét mà không có bọng mỡ mí dưới hay da dư.
  • HA tới hiện tại vẫn là một sản phẩm tiêm cho hõm lệ và vùng mí dưới cũng như tạo hình vùng quanh mắt
  • Tiêm tỉ mỉ, nhả lượng HA ít, tốc độ chậm, ngay trên màng xương, kim số nhỏ và/hoặc canula, số điểm tiêm tối thiểu nhất sẽ hạn chế được tai biến tiêm.
  • Vài bệnh nhân không phải là lựa chọn tiêm filler đơn độc mà còn cần phối hợp thêm các phương pháp khác hoặc phẫu thuật để phục hồi thẩm mỹ vùng hõm lệ.

Giới thiệu

Ở người trẻ vùng nối giữa mí dưới và gò má dường như là không rõ và nhẵn mịn. Đôi mắt cân bằng và hài hòa với mô xung quanh cũng như toàn bộ khuôn mặt, các đường nét cong nhẹ nhàng mà hầu như không có viền, gờ rõ ràng. Nền da săn chắc nhẵn mịn, bề mặt da không tỳ vết và đều màu. Theo năm tháng, mỗi nét trẻ trung trên khuôn mặt sẽ thay đổi với nhiều biến đổi ở các khía cạnh trên mà được biết đến với tên gọi đơn giản là quá trình lão hóa.

Hõm lệ là vùng cong trũng hoặc hình chữ U dưới mắt chạy từ xương mũi đến góc mắt ngoài và bao gồm 3 yếu tố cốt lõi: rãnh lệ, nếp mũi gò má ở phía trung tâm mặt và rãnh mí dưới gò má ở phía bên (Hình. 18.1). Mặc dù thuật ngữ rãnh lệ và nếp mũi gò má từng được sử dụng hoán đổi nhau trước đây.

Một trong những dấu hiệu nhận biết lão hóa sớm đó là dựa vào rãnh lệ hình thành ở giữa da mỏng vùng mí mắt và da dày vùng gò má ở phía dưới. Càng lão hóa vùng má giữa chảy sệ xuống làm lộ rõ ra vùng hõm dưới mắt. Sự xuất hiện của hõm lệ và thâm quầng mắt bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Gen di truyền, thói quen và tác động của các yếu tố ngoại cảnh dẫn tới làn da không đều màu và đốm sắc tố; chùng nhão mô mềm, biến đổi thể tích mô dưới da, thay đổi các mốc xương, và tái phân bố mỡ nông dẫn tới hình thành một đường nét tối màu và nếp gấp da sâu. Thay đổi và sụt giảm thể tích mô dưới da quanh mắt không phải là một hiện tượng xảy ra đơn độc mà là một phần trong quá trình thay đổi các đường nét trên tổng thể khuôn mặt do lão hóa.

Vùng mí dưới có rất ít hoặc không có mỡ nông dưới da. Cơ vòng mắt bám vào mốc xương khoảng 1/3 chiều dài gờ xương ổ mắt, từ xương mũi tới rìa trong giác mạc. Ở phía bên ngoài, dây chằng giữ cơ vòng mắt nối với mặt phẳng sâu của da nối với xương. Khi hệ thống dây chằng giữ suy yếu, sự co rút xương mặt do lão hóa và giảm thể tích các túi mỡ sâu làm gò má chảy sệ và mỡ nông tích tụ dưới mắt, tất cả những điều trên cùng với làn da sắc tố không đồng đều do yếu tố di truyền và biến đổi các mốc xương tạo ra kiểu hình hõm trũng dưới mắt và đôi khi là bọng mắt, rãnh lệ sâu và trũng, vẻ mặt mệt mỏi làm bệnh nhân luôn cần dùng sản phẩm trang điểm che khuyết điểm cho vùng dưới mắt (Hình 18.1)

Điều trị sản phẩm tiêm cho vùng dưới mắt cần lựa chọn bệnh nhân kỹ càng và tiêm cẩn thận hạn chế sai sót, lựa chọn sản phẩm tiêm cẩn thận, và kỹ thuật chính xác để tránh biến chứng và đảm bảo kết quả tối ưu.

Lựa chọn bệnh nhân tiêm hõm lệ

Lựa chọn bệnh nhân phù hợp là rất quan trọng và dựa vào khám thực thể, tiền sử bệnh và các vấn đề nhãn khoa. Lựa chọn bệnh nhân không phù hợp thì khó mà đạt được hiệu quả thẩm mỹ tối ưu và có thể tạo ra sự bất mãn của khách hàng cũng như nguy cơ cao xảy ra tác dụng không mong muốn ví dụ như sản phẩm tiêm bị lộ và không đều (bảng 18.1).

Hình 18.1 Giải phẫu hõm lệ.. Hình 18.1 Giải phẫu hõm lệ..

Bảng 18.1 Tiêu chí lựa chọn bệnh nhân tiêm hõm lệ

Bệnh nhân phù hợp Bệnh nhân không phù hợp
Bệnh nhân trẻ độ đàn hồi da tốt Bệnh nhân lớn tuổi độ đàn hổi da kém
Da dày nhẵn mịn Da rất mỏng
Tông da sáng màu Da mỏng trong suốt hoặc sắc tố không đều
Ít chùng nhão Da chùng nhão nhiều
Rãnh lệ nhẹ-trung bình Rãnh lệ rất sâu

Bệnh nhân có tình trạng bệnh liên quan chuyển hóa sẽ tiên lượng được khả năng hình thành bọng mí không đều hoặc chảy máu hoặc nhiễm trùng thì không nên lựa chọn, và nên ngưng thuốc kháng đông hoặc các thực phẩm chức năng ít nhất 2 tuần trước điều trị. Vài bệnh nhân có sắc tố bẩm sinh nhìn như rãnh lệ mà không có trũng hõm thì có thể tiêm được. Thâm quầng mí dưới thì không cải thiện với filler và thậm chí có thể thâm nặng hơn sau tiêm. Bệnh nhân lớn tuổi với da mỏng, dường như là tách lớp với mô dưới da, kém đàn hồi và từng có phù gò má- phù niêm trong bệnh chuyển hóa (bệnh tuyến giáp) hoặc các tình trạng khác (ví dụ bệnh xoang mãn tính..) có thể không đáp ứng tốt với điều trị và cũng có thể tăng nguy cơ phản ứng bất lợi và bệnh nhân không hài lòng với điều trị. Những bệnh nhân có thoát vị túi mỡ mí dưới và da chùng lỏng rõ thì nên chỉ định phẫu thuật tạo hình mí dưới hoặc các phẫu thuật khác.

Việc tiêm chỉ thích hợp nhất với bệnh nhân có da dày và mịn cũng như rãnh lệ rõ ràng, xương hàm trên hơi thụt vào hoặc móm (hay gặp ở nữ giới châu Á trẻ tuổi) mà không có túi mỡ dư mí dưới hay da dư mí dưới.

Lựa chọn chất làm đầy phù hợp

Da mỏng nằm ngay sát trên xương, filler dễ bị lộ nếu tiêm không đều, trên nền da không đều màu, và sự tăng sinh mao mạch dưới da vùng gò má tất cả góp phần làm cho việc tiêm làm đầy vùng hõm lệ trở nên nhiều thách thức. Loại filler phù hợp nhất là loại có độ nhô hoặc nồng độ thấp cho phép tiêm chính xác và tinh tế qua nòng kim có gauge nhỏ và là loại filler có thể tiêm tan được với khả năng bị phân rã sinh học thấp nhất. Với nguyên do là khi tiêm bất cứ thứ gì vào vùng này cũng dễ có khuynh hướng hình thành cục dưới da nhìn thấy rõ nên đặc biệt cẩn trọng với các loại filler vĩnh viễn ở vùng này.

Việc sử dụng mỡ tự thân đang ngày càng tăng trong dân số trong những năm gần đây và cũng là một lựa chọn thay thế cho phẫu thuật tạo hình sửa chữa các khiếm khuyết đường nét ở vùng hõm lệ này, tuy nhiên kết quả sau tiêm mỡ tự thân lại khá là khó dự đoán và thường hay liên quan tới các tác dụng phụ sau tiêm như tạo u cục mỡ dưới da, bề mặt lổn nhổn lâu dài, thể tích tiêm hai bên không đều và phù nề.

Tới hiện nay, hyaluronic acid (HA)— với kết cấu dạng gel, nhiều nồng độ khác nhau và khả năng pha với nước muối hoặc lidocaine, đặc tính tiêm dễ, ít tác dụng không mong muốn hơn và không vĩnh viễn- đã dần trở thành lựa chọn điều trị tạo hình vùng dưới mắt. Và hoàn toàn có thể tránh được cục dưới da hay mặt da lổn nhổn không đều bằng cách thực hiện kỹ thuật tiêm chính xác và tinh tế cũng như hoàn toàn có thể chỉnh sửa lại sau tiêm với hyaluronidase, một trong những yêu cầu quan trọng khi tiêm vùng có cấu trúc tinh vi đó là kỹ thuật tiêm chính xác, tỉ mỉ. Một điều đáng ngạc nhiên là, thời gian tồn tại của HA vùng dưới mắt được lâu hơn kỳ vọng. Lambros và (các tác giả khác) đều mô tả thời gian tồn tại của HA vùng này thường kéo dài trên 1 năm (Xem chương 17). Donath và cộng sự dùng phương pháp chụp MRI 3 chiều trên 20 bệnh nhân đã được tiêm HA rãnh lệ và phát hiện HA vẫn còn lưu giữ được khoảng 85% ở lần tiêm dặm thứ 2 (trung bình 14.4 tháng); Bệnh nhân ghi nhận thời gian tồn tại lâu nhất là 73% còn lưu giữ lại được sau 23 tháng mà không cần tiêm dặm. Tác dụng không mong muốn sau tiêm HA là tạo cục dưới da và lộ filler, một màu xanh thẫm (mà trước đây gọi là hiệu ứng Tyndall), cùng với bầm tím và phù nề sau tiêm.
Calcium hydroxylapatite (CaHA) tạo được kết quả sau tiêm tốt ở các vùng khác trên mặt, và Hevia cũng đạt được thành công khi tiêm vùng dưới mắt khi pha loãng 10% tới 30% với lidocaine 2%. Tuy nhiên CaHA vẫn từng được biết là có khả năng sờ thấy hoặc đôi khi tạo cục dưới da, đặc biệt vùng môi, và Glodmann đã từng báo cáo ca tạo nốt nông sau khi tiêm CaHA vào vùng hõm lệ.

Điều quan trọng là nó vẫn không có sản phẩm tiêm tan, mặc dù phân rã tự nhiên, tốt nhất nên hạn chế thực hiện ở vùng này.

Các kỹ thuật tạo hình

Có nhiều kỹ thuật tiêm tạo hình vùng hõm lệ khác nhau. Tiêm tạo hình bù thể tích vùng hõm lệ không chỉ đơn giản là tập trung vào vùng thiếu thể tích mà mắt thường nhìn thấy được- rãnh lệ, vùng giữa và vùng bên ngoài dưới mắt, rãnh gò má mí dưới- mà còn những vùng khác mà có ảnh hưởng đến thẩm mỹ vùng mí dưới. Với vùng má giữa trũng hõm nhiều thì khi chỉ tiêm mình vùng mắt dưới trông sẽ không tự nhiên nếu không có tiêm tạo hình bồi phụ thể tích ở vùng mặt giữa. Tiêm chỉnh vùng má đôi khi sẽ giúp cải thiện hõm lệ, do đó sẽ cần một thể tích filler ít hơn để đạt được hiệu ứng thẩm mỹ tối ưu. Tuy nhiên Hill đã chứng minh rằng việc điều trị thẩm mỹ vùng má đơn độc sẽ không bao giờ cả thiện được các thiếu hụt thể tích rãnh lệ. Lý tưởng nhất là tiêm tạo hình vùng hõm lệ nên được thực hiện cùng với tiêm tạo hình vùng mặt giữa và đôi khi là toàn mặt để đạt được độ hài hòa hoàn hảo cũng như phục hồi được các nét đẹp cho bệnh nhân.

Chuẩn bị da, vô cảm, chọn xy lanh

Bệnh nhân nên ở tư thế ngồi khi tiêm. Chụp ảnh trước điều trị với điều kiện đủ ánh sáng, mà có thể thể hiện rõ các khuyết điểm trên khuôn mặt kể cả là các nếp nhăn, rãnh lệ và sa trũng túi mỡ mí dưới. Sau khi tẩy trang và làm sạch da, vùng tiêm nên được đánh dấu với một chiếc bút đánh dấu đầu nhỏ, bao gồm cả những vùng lân cận cần tiêm (Hình 18.2)
Việc lựa chọn thuốc tê cần dựa vào vùng tiêm, kích thước kim, số điểm tiêm và khả năng đáp ứng đau của bệnh nhân. Thông thường là kết hợp thuốc tê bôi (hoặc đá lạnh), dùng filler có pha sẵn lidocaine, hoặc thuốc tê tiêm có lidocaine và epinephrine sẽ giúp giảm đau tương đối. Thẩm thấu thuốc tê trực tiếp có thể thực hiện ở vùng gò má và vùng mắt ngoài; Cũng có thể thực hiện phong bế nhánh thần kinh dưới ổ mắt với một lượng nhỏ lidocaine 0.1% với epinephrine. Nhưng chỉ nên dùng một thể tích rất nhỏ để không ảnh hưởng tới việc ước lượng thể tích filler thực cần bù vào. Đa số thuốc tê bôi vào vùng dưới mắt để trong vòng 20 phút là đã đủ để giảm đau tốt.

Loại kim lựa chọn để tiêm vùng dưới mắt là kim canula đầu tù 30G hoặc kim nhọn 27-30G, tùy thuộc vào sở thích của người tiêm, vùng điều trị và kỹ thuật sử dụng. Canula đầu tù giảm thiểu nguy cơ đâm kim vào mạch; tuy vậy một số khác lại tin rằng tiêm kim nhọn giúp đưa filler chính xác hơn và các tác dụng không mong muốn là hầu như hoàn toàn có thể tránh khỏi với một kỹ thuật tiêm cẩn thận.

Hình 18.2 bệnh nhân (A) trước và (B) sau điều trị. Hình 18.2 bệnh nhân (A) trước và (B) sau điều trị.

General techniques

Với làn da mỏng nằm ngay sát trên xương và có ít hoặc không có lớp mỡ dưới da, thì vùng hõm lệ trở nên rất thách thức khi tiêm. Vùng tiêm dễ bị không đều màu hoặc bầm tím, và bất cứ lồi lõm nào cũng dễ bị lộ. Các cấu trúc giải phẫu liên quan vùng tiêm bao gồm điểm nhô của các mạch máu dưới ổ mắt cạnh xương mũi và thần kinh dưới ổ mắt, thường nằm khoảng 14mm dưới gờ xương ổ mắt ở đường dọc giữa đồng tử.

Kinh nghiệm 1:

Cấu trúc giải phẫu liên quan tiêm hõm lệ là mạch máu thần kinh dưới ổ mắt.

Một lượng nhỏ filler- thông thường không quá 1ml tổng cộng cả hai bên- lực tiêm nhỏ sẽ giúp tránh biến chứng, ví dụ như hình ảnh “chuỗi xúc xích” và tắc mạch do trào ngược filler vào các cấu trúc mạch quanh ổ mắt khi filler vô tình trượt ra sau vách hốc mắt

Nếu một lượng 0.2-0.4ml HA không thể tạo ra được sự cải thiện thì có khả năng- hoặc gần như là filler đã bị đưa vào sai vị trí. Kỹ thuật tiêm ở đây là đưa một lượng filler rải đều dọc theo gờ xương ổ mắt, ngay bên dưới rãnh lệ mà không cố làm đầy rãnh và cho phép các đặc tính khác của filler (đặc tính ngậm nước) có điều kiện để định hình lại mô mềm bên dưới để giảm biểu hiện của rãnh lệ.

Tiêm sâu vào mặt phẳng cơ vòng mắt hoặc dưới gờ xương ổ mắt ngay trên màng xương ngoại trừ vùng trung gian của cơ vòng mắt do vùng này có dây chằng nối với xương cần phải tiêm trực tiếp bằng kim nhọn. Tiêm vùng quanh mắt nếu tiêm quá nông sẽ tăng nguy cơ lộ filer và màu sắc da không đồng đều có thể gây ra hiệu ứng Tyndall, mặc dù vài tác giả (ví dụ Hirmand) đã mô tả sự cần thiết rải filler cả ở lớp nông bằng cách dùng kim 32G tiêm điểm 1-2mm toàn bộ bề mặt da vùng tiêm để làm căng bề mặt da vùng tiêm.
.
Sử dụng kim kích thước nhỏ nhất nhưng dài nhất (ví dụ kim30G, 12mm) và giảm số điểm tiêm sẽ giúp hạn chế bầm tím sau tiêm. Khi sử dụng kỹ thuật tiêm dạng đường và nhiều lớp thì tốt nhất là nên rút nòng kim vừa đủ để tiêm filler đúng tại vị trí đó tránh rút kim ngược lại và tiêm vào trong lớp cơ vòng mắt.

Tạo hình hõm lệ

Tiêm dạng đường (kỹ thuật fanning) (Hình 18.3) và kỹ thuật tiêm nốt dạng đường (Hình 18.4) là những kỹ thuật phổ biến nhất khi tiêm hõm lệ. Goldberg và Fiaschetti mô tả kỹ thuật tiêm fanning nhiều lớp và đưa filler vào theo thiết diện 3D vùng hõm lệ và gò má.

Morley và Malhotra dùng kỹ thuật tiêm nốt dạng đường với 3 đến 8 điểm dọc theo rãnh lệ, rải một lượng filler nhỏ. Hirsch và cộng sự mô tả chi tiết dùng kim dài 1 inch tiêm hai hoặc ba điểm để tạo hình vùng giữa và vùng bên ngoài hõm lệ bằng cách dùng kỹ thuật tiêm đẩy tới, với kỹ thuật đó thì lớp dưới cơ sẽ được tách ra bởi lượng filler tiêm đẩy hơn là do độ sắc của đầu mũi kim. Rải một lượng filler khoảng 0.1-0.2ml dọc theo đường đi của rãnh, nắn lại bằng tay sẽ tốt hơn là tiêm trực tiếp vào vùng trung tâm hõm lệ để tránh nguy cơ đâm kim vào hệ thống mạch và thần kinh dưới ổ mắt. Hirmand mô tả một kỹ thuật tương tự rải filler không liên tục 3-5 điểm, mỗi điểm 0.01 đến 0,5ml sâu sát mặt phẳng màng xương ở vùng trung tâm của hõm lệ và mát xa nhẹ nhàng để filler dàn đều vào vùng mong muốn.

Kỹ thuật tiêm rải sát màng xương, tiên phong bởi Sattler (chương 25), rải theo chiều từ trên xuống dưới (0.02-0.05ml) sát màng xương, mũi kim vuông góc 90 độ, mỗi điểm cách nhau 2-3mm.

Chất làm đầy cũng có thể được “đẩy” vào vùng mong muốn. Bosniak và cộng sự dùng thuốc tê bôi và kim 27G tiêm bolus 0,25ml HA ở mặt phẳng 1mm trên màng xương: điểm đầu tiên ở phía ngoài cùng rãnh lệ ngay trên bờ dưới xương ổ mắt, điểm thứ hai ở trung tâm hõm lệ và thật cẩn thận tránh tiêm vào bó mạch thần kinh dưới ổ mắt. Sau khi rút kim, filler được đẩy vào phía trung tâm và nông dọc theo gờ dưới xương ổ mắt để phân tán filler đều vào vùng mong muốn.

Ước lượng khoảng cách từ da đến màng xương có thể hữu ích khi lựa chọn kỹ thuật tiêm phù hợp nhất. El-Garem.

Hình 18.3 Kỹ thuật fanning Hình 18.3 Kỹ thuật fanning

Minh chứng rằng kỹ thuật tiêm đạt hiệu quả cao nhất ở khách hàng với khoảng cách từ da đến màng xương dày trên 0.5cm, tiêm rải theo đường sẽ là lựa chọn phù hợp nhất cho bệnh nhân có khoảng cách da- màng xương nông dưới 0.5cm.

Chăm sóc sau tiêm và tái khám

Sau điều trị thì nên mát xa nhẹ nhàng cũng như nên chườm lạnh sẽ giúp giảm nguy cơ phù nề và hồng ban sau tiêm. Bệnh nhân nên được tư vấn trước khả năng sẽ có phù nề lên tới 72h và bầm tím khoảng 2 tuần; mát xa hoặc ấn vùng tiêm nên tránh cho đến khi các tác dụng phụ này hết đi. Nhiều những chăm sóc sau tiêm đa dạng thay đổi tùy theo kinh nghiệm của từng bác sĩ nhưng bao gồm là tránh rượu bia và tập thể dục cường độ mạnh 48h sau tiêm và ngoài ra có thể dùng viên uống có Arnica montana trong 3 ngày.

Kinh nghiệm 2:

Viên uống có Arnica montana, tiêm chậm, chườm đá giảm nguy cơ bầm tím, tụ máu mặc dù nguy cơ bầm tím sau tiêm vùng quanh mắt là vẫn có.

Tái khám trong vòng từ 1-2 tuần sau tiêm để đánh giá đáp ứng, đường nét tạo hình hay các bất thường lồi lõm không đều. Có thể tiêm dặm nếu cần. HA ở vùng hõm lệ có thể tồn tại được 1 năm hoặc lâu hơn; Tái khám và tiêm dặm định kỳ sẽ giúp đạt hiệu quả thẩm mỹ tốt hơn trước khi tất cả chất làm đầy tan hết.

Kinh nghiệm 3:

Nên đánh giá kỹ lưỡng các khía cạnh trong suốt quá trình tiêm để xác định và chỉnh sửa bọng mỡ mắt hay các điểm lõm mà có thể xuất hiện khi bệnh nhân biểu cảm khuôn mặt.

Biến chứng

Khối máu tụ và phù nề là những tác dụng không mong muốn hay gặp nhất. Khối máu tụ có thể kéo dài tới 10 ngày, trong khi phù nề có thể kéo dài tới 3 tuần hoặc lâu hơn tùy vào căn nguyên. Lồi lõm không đều ở bệnh nhân có da mỏng, chùng nhão có thể mát xa trong vòng vài tuần. Tiêm quá nông tăng nguy cơ tạo các ụ dưới da mà khó cải thiện được nhờ mát xa mà phải cần đến tiêm tan hyaluronidase. (Hình 18.5)

Tiêm quá nông dưới da sẽ để lại một vệt màu xanh xám dưới da còn gọi là hiệu ứng Tyndalll, do hiệu ứng quang học filler dễ dàng nhìn thấy dưới da mỏng gây nên (Hình 18.6). Tiêm quá nhiều filler sẽ gây ra tình trạng mất tự nhiên, sệ bọng mỡ mí mắt hay còn gọi là “ mắt bụp”. Điều quan trọng nữa là cần điều chỉnh các thiếu hụt của các vùng xung quanh; Chỉnh sửa hõm lệ mà không chỉnh sửa các thiếu hụt vùng mắt bên và vùng mặt giữa thì hiệu quả thẩm mỹ đem lại cũng kém phần hấp dẫn. Tiêm quá nhiều hoặc quá ít filler có thể đánh giá được qua lần tái khám và từ đó có thể chỉnh sửa lại hợp lý hơn.

Kinh nghim 4:

Luôn ghi nhớ câu nói “Less is more”.

Một biến chứng dù hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng trong tiêm chỉnh hõm lệ đó là tắc mạch nuôi nhãn cầu (gây ra do khối filler chèn ép, nghẽn mạch do khối filler, hoặc do chọc kim trực tiếp vào mạch máu) có thể dẫn tới mù lòa, hoại tử hoặc đột quỵ. Có thể phòng ngừa tiêm filler vào nội mạch bằng cách luôn cẩn trọng đánh giá các cấu trúc giải phẫu lân cận có liên quan cũng như một kỹ thuật tiêm an toàn.

Các điều trị kết hợp

Một vài bệnh nhân sẽ không đạt đươc hiệu quả thẩm mỹ nếu chỉ chỉnh bằng tiêm filler đơn độc và điều trị kết hợp là cần thiết để phục hồi thẩm mỹ vùng hõm lệ.

Quầng thâm dưới mắt có thể do nhiều nguyên nhân gây nên; xác định được chính xác nguyên nhân giúp cho điều trị đạt hiệu quả tốt hơn. Với tình trạng tăng sắc tố da vùng mắt có thể lựa chọn peel AHA và các hoạt chất giúp giảm tạo thành sắc tố ví dụ như kojic acid bôi hay hydroquinone kết hợp với retinoid. Nếu quầng thâm do sản xuất quá nhiều sắc tố chúng ta có thể sử dụng laser điều trị sắc tố (ví dụ Q-switched Nd : YAG hoặc alexandrite). Da chùng nhão và hõm lệ dị dạng có thể sử dụng tái tạo bề mặt có bóc tách hoặc không bóc tách, dẫu vậy các tác dụng phụ không mong muốn như hồng ban kéo dài, thay đổi sắc tố, nhiễm trùng hoặc thậm chí tạo sẹo- dần làm cho bệnh nhân và bác sĩ có xu hướng lựa chọn các công nghệ ánh sáng ít xâm lấn, không bóc tách. Quầng thâm dưới mắt gây ra bởi khối phình cơ mi dưới thì có thể cải thiện bằng botulinum toxin và/hoặc phẫu thuật. Cuối cùng quá nhiều da dư mi mắt dưới, chùng nhão, hoặc có dấu hiệu của thoát vị bọng mỡ mí dưới thì thường là cần phẫu thuật chỉnh sửa.

Kết luận

Việc sử dụng chất làm đầy chỉnh sửa trũng hõm lệ trở thành một lựa chọn điều trị phổ biến ở vùng quanh mắt; Dẫu vậy nó có thể liên quan tới một số các biến chứng nghiêm trọng. Để thực hành được tốt cần có kiến thức giải phẫu sâu rộng, kể cả độ mỏng manh và đặc trưng cấu trúc mạch của mô xung quanh, lựa chọn bệnh nhân kỹ càng và kỹ thuật tiêm chính xác vào đúng mô đích sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả và tránh được các biến chứng nghiêm trọng.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here