Gan là một tạng nằm trong ổ bụng, nó giống như một nhà máy đa chức năng, phức tạp và đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng, thậm chí là mang tính chất sống còn đối với cơ thể. Do đó, khi gan bị tổn thương do bất kỳ một nguyên nhân nào, các chức năng này đều bị ảnh hưởng, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với sức khỏe của con người. Trong đó, hội chứng suy tế bào gan là một thuật ngữ mô tả tình trạng suy giảm các chức năng của gan. Những người bệnh mắc phải trường hợp này rất dễ gặp phải một biến chứng cực kỳ nguy hiểm là bệnh não gan. Để hiểu rõ hơn về hội chứng suy tế bào gan, mời bạn đọc cùng nhà thuốc ngọc anh theo dõi các thông tin trong bài viết sau đây.
Hội chứng suy tế bào gan
Suy tế bào gan (hay suy gan) là một trong những hội chứng thường gặp trong bệnh xơ gan thời kỳ đầu hoặc xảy ra khi các phần lớn của gan bị tổn thương đến mức không thể phục hồi và hoạt động bình thường trở lại nữa. Một cách dễ hiểu, suy tế bào gan là tình trạng suy chức năng của các tế bào gan.
Dựa vào thời gian khởi phát, có thể chia làm hai loại là suy gan cấp tính và mãn tính. Trong đó, sự suy giảm chức năng của cơ quan này ảnh hưởng trực tiếp đến một loạt các vai trò của gan, chẳng hạn như:
Chức năng chuyển hóa
- Giảm sản xuất lượng albumin cần thiết, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, biếng ăn, lông tóc và cả da đều khô…
- Rối loạn chuyển hóa đường làm tăng đường huyết.
- Rối loạn chuyển hóa mỡ khiến nồng độ cholesterol trong cơ thể sẽ vượt quá mức quy định.
Chức năng tạo mật
- Vàng da do dư thừa lượng bilirubin trong máu.
- Phân có mỡ.
- Nguy cơ rối loạn toàn bộ hệ tiêu hóa cao.
Chức năng tổng hợp các yếu tố đông máu:
- Rối loạn đông máu và xuất huyết là hai hậu quả nghiêm trọng nhất do suy giảm khả năng sản sinh các yếu tố đông máu ở gan.
Nguyên nhân gây hội chứng suy tế bào gan
Suy gan cấp tính
Suy gan cấp tính là tình trạng ngừng hoạt động của gan trong vòng vài ngày hoặc vài tuần mà hầu hết bệnh nhân đều không có tiền sử mắc bệnh về gan hoặc có các triệu chứng bất thường nào trước đây. Các nguyên nhân dẫn đến suy gan cấp tính bao gồm:
- Quá liều acetaminophen: Sử dụng acetaminophen với một liều lượng lớn có thể làm hỏng gan hoặc gây suy giảm chức năng gan.
- Các loại virus viêm gan (A, B, E), virus Epstein-Barr, Cytomegalovirus và virus Herpes simplex: Có khả năng làm tổn thương gan hoặc xơ gan.
- Phản ứng với một số loại thuốc kê đơn và thảo dược: Một số loại thuốc có khả năng tiêu diệt tế bào trong gan hoặc làm hỏng các ống dẫn giữa gan và mật.
- Ăn phải nấm độc: Nấm Amanita phalloides hay “Mũ tử thần”, chứa độc tố có thể gây tổn thương tế bào gan và dẫn đến suy gan trong vài ngày.
- Viêm gan tự miễn: Tương tự như virus viêm gan, bệnh lý này cũng tấn công gan và có thể dẫn đến suy giảm chức năng gan cấp tính.
- Bệnh Wilson: Đây là một loại bệnh di truyền làm ngăn cản chức năng đào thải đồng của cơ thể, khiến đồng bị tích tụ và gây hại cho gan.
- Gan nhiễm mỡ cấp tính trong thai kỳ: Tình trạng này khá hiếm gặp, khiến chất béo dư thừa tập trung vào gan và gây hại cho gan;
- Sốc nhiễm khuẩn: Cơ thể bị nhiễm trùng quá mức sẽ làm hỏng gan hoặc khiến gan ngừng hoạt động.
- Hội chứng Budd Chiari: Là một bệnh hiếm gặp, có thể làm thu hẹp và tắc nghẽn các mạch máu trong gan.
- Độc tố công nghiệp: Các hóa chất như carbon tetrachloride, chất tẩy rửa và tẩy dầu mỡ trên bề mặt kim loại… có thể làm hỏng chức năng đào thải độc tố của gan.
Suy gan mạn tính
Suy gan mạn tính là khi những tổn thương gan tích tụ theo thời gian và khiến gan ngừng hoạt động. Các nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này có thể bao gồm:
- Viêm gan B: Khiến gan bị sưng lên và không thể hoạt động đúng như chức năng vốn có.
- Viêm gan C: Về lâu dài có thể dẫn đến xơ gan.
- Lạm dụng rượu: Về lâu dài cũng dẫn đến xơ gan.
- Thừa sắt (Hemochromatosis): Đây là một rối loạn di truyền khiến cơ thể hấp thụ và dự trữ quá nhiều sắt, tích tụ trong gan và gây xơ gan.
Ngoài ra, các tình trạng khác cũng có nguy cơ dẫn đến suy gan mạn như:
- Viêm gan A: Nguồn nước, thực phẩm bị nhiễm virus hoặc tiếp xúc gần gũi với người bệnh có thể bị lây nhiễm. Tuy nhiên, viêm gan A thường tự khỏi sau 1 thời gian ngắn.
- Viêm gan tự miễn: Sự bất thường khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào gan và gây viêm.
- Xơ gan: Sử dụng rượu trong thời gian dài hoặc có vết sẹo trong gan sẽ gây cản trở hoặc thậm chí thay đổi hoạt động của gan.
- Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát: Gây tổn thương dần dần ống mật, chủ yếu xuất hiện ở nam giới trẻ tuổi.
- Tăng oxalat niệu: Khi thận không thể đào thải các tinh thể canxi oxalat qua nước tiểu, lâu dần sẽ ảnh hưởng đến chức năng thải độc của gan.
- Bệnh Wilson: Khiến người bệnh tích tụ quá nhiều đồng trong não và gan.
- Thiếu hụt alpha-1 antitrypsin: Bệnh lý di truyền này có thể dẫn đến bệnh phổi hoặc gan.
- Ung thư gan: Những người nhiễm virus viêm gan B hoặc C lâu dài thường dẫn đến ung thư.
- U tuyến gan: Khối u lành tính xuất hiện trên một lá gan còn tốt, thường gặp ở phụ nữ từ 20 – 44 tuổi.
- Bệnh gan nhiễm mỡ: Các tế bào mỡ thừa tích tụ trên gan, thường gặp ở những người thừa cân, béo phì, có cholesterol cao hoặc những người nghiện rượu nặng.
- Viêm gan do rượu: Uống nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian dài.
- Hội chứng Alagille: Đây là một rối loạn di truyền khiến người bệnh có số lượng ống dẫn mật trong gan ít hơn bình thường.
- Viêm đường mật tiên phát: Theo thời gian, xơ gan mật tiên phát sẽ phá hủy các ống dẫn mật nhỏ trong gan.
- Rối loạn chuyển hóa đường Galactosemia: Đây là một rối loại khiến người bệnh không thể sử dụng được galactose, gây tích tụ nhiều trong cơ thể và làm tổn thương chức năng thải độc của gan.
- Thiếu lipid lysosomal acid (LAL-D): Rối loạn di truyền này ngăn cản cơ thể sản xuất enzyme lysosomal acid lipase (LAL), một enzyme có tác dụng phân hủy chất béo và cholesterol trong các tế bào. Kết quả là chất béo tích lũy trong gan và gây suy giảm chức năng gan.
Biểu hiện hội chứng suy tế bào gan
Hội chứng suy tế bào gan được biểu hiện lâm sàng qua 3 giai đoạn và có sự khác nhau ở từng giai đoạn, theo đó:
Giai đoạn đầu: Không có bất kỳ triệu chứng nào.
Giai đoạn hai: Các biểu hiện không điển hình, hội chứng suy tế bào gan ở mức độ nhẹ:
- Toàn thân mệt mỏi, không có sức, thường xuyên bị mất ngủ, buồn nôn, ăn không ngon, khó tiêu dẫn đến thể trạng gầy và sút cân rõ rệt.
- Đối với nữ giới: Kinh nguyệt không đều, tắt kinh hoặc rong kinh.
- Đối với nam giới: Liệt dương, yếu tinh, teo tinh hoàn, nữ hóa tuyến vú…
Giai đoạn ba: Các biểu hiện rõ rệt, bệnh gan đã phát triển đến mức độ nặng:
- Thể trạng gầy sút, suy sụp và mất khả năng làm việc.
- Rối loạn tiêu hóa: Ăn uống kém, đầy bụng, chướng hơi.
- Phù nhẹ, phù trắng mềm, ấn lõm, chủ yếu ở 2 chi dưới.
- Vàng da, vàng mắt trong đợt tiến triển của bệnh, độ đậm nhạt tùy theo mức độ tổn thương của gan.
- Rối loạn gân mạch, giãn các mao mạch dưới da: Lòng bàn tay hồng, móng tay trắng.
- Lông tóc yếu, dễ rụng.
- Lách to.
- Xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng và khó cầm máu.
- Cổ trướng tái phát nhanh.
- Có thể sốt nhẹ.
- Rối loạn nội tiết: Sạm da do lắng đọng sắc tố melanin, trứng cá, nữ hóa tuyến vú ở nam.
- Khám gan: Đa số trường hợp teo nhỏ, không sờ thấy hoặc gan to, mật độ chắc, bờ sắc, không đau.
Chẩn đoán hội chứng suy tế bào gan
Lâm sàng
Vị trí | Dấu hiệu |
Toàn thân | Mệt mỏi, yếu sức, chán ăn, dinh dưỡng kém và gầy sút, thậm chí có thể teo cơ do chức năng tổng hợp protein giảm (đặc biệt trong trường hợp suy gan nặng).
Phù ở hai chi, mềm, ấn lõm. |
Da – niêm mạc | Vàng kết mạc mắt, vàng da từ mức độ nhẹ đến nặng.
Đầu chi đỏ, hồng ban lòng bàn tay, nốt nhện và các vùng giãn mạch khác làm cho da có dạng như tiền giấy ở ngoại biên. Có thể xuất huyết dưới da và niêm mạc như chảy máu chân răng, chảy máu mũi do giảm sản xuất các yếu tố đông máu. Móng tay trắng. |
Tim mạch | Hồi hộp, đánh trống ngực.
Mạch nhanh, nảy, có thể có dấu nhấp nháy mạch (+). Có tiếng thổi tâm thu cơ năng khi nghe tim do tăng cung lượng. Hạ huyết áp/ hạ huyết áp tư thế (tiên lượng xấu). |
Hô hấp | Hơi thở có mùi chuột chết còn tươi (mùi hăng), đặc trưng của hội chứng suy tế bào gan.
Trường hợp nặng có thể gây khó thở gắng sức và tím đầu chi do giảm oxy máu. |
Thân nhiệt | > 38 độ C, sốt vừa, không rét run. |
Tiêu hóa | Buồn nôn và nôn, tiêu chảy, cổ trướng, gan lớn. |
Thận | Suy giảm chức năng thận, giảm lưu lượng máu đến vỏ thận. Trường hợp nặng có thể dẫn đến hội chứng gan – thận. |
Thần kinh | Có thể có rối loạn tâm thần. |
Chức năng sinh dục | Nam: Giảm ham muốn tình dục, bất lực, tinh hoàn teo và mềm. Râu, lông, tóc dễ rụng. Có thể có nữ hóa tuyến vú và phì đại tiền liệt tuyến.
Nữ: Rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, giảm lớp mỡ dưới vú và vùng chậu, loãng xương. |
Cận lâm sàng
Xét nghiệm | Dấu hiệu |
Sinh hóa máu | HGB thường giảm, RBC và WBC ít biến đổi.
PLT giảm (Hội chứng đông máu rải rác) AST và ALT tăng cao hoặc giảm, ALP tăng. NH3 máu (tăng tỷ lệ với mức độ của suy gan). Bilirubin máu tăng. Albumin máu giảm. pH máu giảm. Glucose máu giảm. Na+ máu < 125 mEq/L. |
Sinh thiết gan | Hoại tử > 50% (tiên lượng xấu) |
Biến chứng hội chứng suy tế bào gan
Hôn mê gan (bệnh não gan)
Đây là một biến chứng xảy ra khi tình trạng suy gan ở mức độ nặng và là một trong những nguyên nhân gây tử vong do xơ gan. Hôn mê gan cũng trải qua các giai đoạn, theo đó người bệnh từ những triệu chứng mất ngủ, ngủ lịm, chậm ý thức, mất phương hướng, có những hành động kì lạ và cuối cùng là hôn mê.
Bệnh nhân có biến chứng hôn mê gan rất dễ bị nhiễm khuẩn đường ruột. Vì vậy, cần ngưng cho bệnh nhân ăn uống bằng đường miệng, đặc biệt là các loại thực phẩm chứa đạm.
Cổ trướng
Tình trạng xơ gan nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan cổ trướng. Đây là giai đoạn mà gan đã bị tổn thương nặng nề, không hoạt động được nữa, mất đi chức năng trao đổi chất và có sự tích tụ nước trong ổ bụng gây chèn ép các phủ tạng làm thay đổi cấu trúc tế bào gan, xơ hóa gan.
Trong giai đoạn này, chức năng lọc máu, tiêu hóa, bài tiết mật của gan bị suy giảm, kéo theo sự suy giảm sức đề kháng, dẫn đến dễ dàng mắc các bệnh về đường ruột, tiết niệu, hô hấp và ống mật, gây nguy hại đến tính mạng bệnh nhân.
Các biến chứng khác
Xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng nặng, có thể gây tử vong do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản hoặc xuất huyết ở nhiều nơi như ngoài da, chân răng, lợi hoặc xuất huyết lan tràn ở ống tiêu hóa gây đi ngoài phân đen và đỏ.
Nhiễm trùng
Ngoài lọc máu, gan còn có chức năng miễn dịch và đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể để không bị nhiễm trùng. Tuy nhiên khi bị xơ hóa, gan không thực hiện được chức năng này khiến cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng dịch báng, viêm phổi và nhiễm trùng máu. Nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nặng hơn cũng như thúc đẩy khởi phát các biến chứng khác như hôn mê gan, suy thận…
Ung thư gan
Người mắc bệnh xơ gan có nguy cơ rất cao dẫn đến ung thư gan và tử vong. Theo đó, xơ gan chiếm 80% trường hợp ung thư gan nguyên phát.
Điều trị
Suy gan mãn tính
Đối với suy gan mãn tính, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống là phương pháp tối ưu nhất, bao gồm: Ngừng uống rượu và các loại thuốc gây hại cho gan, hạn chế ăn thịt đỏ, phô mai, trứng và giảm lượng muối ăn hằng ngày, kết hợp giảm cân, kiểm soát tăng huyết áp và đái tháo đường.
Suy gan cấp tính
Đối với suy gan cấp tính, các phương pháp điều trị bao gồm truyền dịch tĩnh mạch để duy trì huyết áp, sử dụng thuốc nhuận tràng để giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể và theo dõi đường huyết. Ngoài ra, trong trường hợp đã xác định được nguyên nhân gây bệnh, bệnh nhân có thể được áp dụng các phương pháp đặc hiệu như:
- Quá liều acetaminophen: Có thể sử dụng acetylcystein để đảo ngược tình trạng này với điều kiện dùng ngay lập tức.
- Ăn phải nấm độc hoặc phơi nhiễm các hóa chất khác: Đối với từng tác nhân, có thể có một số loại thuốc giải độc đặc hiệu.
- Virus viêm gan: Việc điều trị chủ yếu là kiểm soát các triệu chứng của bệnh nhân cho đến khi virus ngừng hoạt động. Sau đó, đôi khi gan sẽ tự phục hồi.
Ghép gan
Trong cả hai trường hợp suy gan cấp tính hoặc mãn tính, bác sĩ chuyên khoa gan có thể đề nghị ghép gan. Theo đó, ghép gan có thể đến từ người hiến tặng còn sống hoặc đã qua đời. Hơn nữa, phương pháp này chỉ cần một phần gan của người hiến tặng vì gan là cơ quan duy nhất trong cơ thể người có khả năng phát triển trở lại.
Tuy nhiên, nhiều xét nghiệm được yêu cầu đối với cả người nhận ghép gan và người hiến gan. Nếu bác sĩ xác định rằng bệnh nhân cần phải ghép gan, người bệnh sẽ được đưa vào danh sách chờ ghép gan quốc gia. Trong đó, các thông tin của bệnh nhân được liệt kê theo nhóm máu, kích thước cơ thể và mức độ nghiêm trọng của bệnh gan giai đoạn cuối.
Tài liệu tham khảo
- Christopher M Moore và David H Van Thiel (Ngày đăng: ngày 27 tháng 5 năm 2013). Cirrhotic ascites review: Pathophysiology, diagnosis and management, NCBI. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
- Evaluation of liver dysfunction. https://bestpractice.bmj.com/topics/en-us/1122. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
- Hepatic Encephalopathy. https://emedicine.medscape.com/article/186101-overview. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
- Moore CM, Van Thiel DH. Cirrhotic ascites review: Pathophysiology, diagnosis and management. World J Hepatol. 2013 May 27;5(5):251-63. doi: 10.4254/wjh.v5.i5.251. PMID: 23717736; PMCID: PMC3664283.
- Some clinical features of liver cell failure: an appraisal of their causes. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1412018/. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.
- Saurabh Sethi, MD, MPH (Ngày đăng: ngày 16 tháng 2 năm 2021). Cirrhosis, Healthline. Truy cập ngày 5 tháng 7 năm 2022.