Da gồm những loại nào? Các cách phân loại da

6 type da theo Fitzpatrick

Tác giả Bác sĩ Hoàng Văn Tâm

Bài viết Da gồm những loại nào? Các cách phân loại da được trích trong chương 1 sách Chăm sóc da trọn đời, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.

1. CÁCH PHÂN LOẠI DA THEO FITZPATRICK

1.1. Cơ sở phân loại

Phân loại da ra đời từ năm 1975, dựa trên màu da di truyền, phản ứng của da với ánh nắng như mức độ bị bỏng nắng và rám nắng, vì vậy, cách phân loại này còn được gọi là skin phototype. Đây là cách phân loại da nền tảng và phổ biến nhất hiện tại.

Cách phân loại da kinh điển này được dùng phổ biến nhất để phân tích độ nhạy cảm của da với ánh nắng, nguy cơ ung thư da, thái độ bảo vệ da trước nguy cơ tăng sắc tố sau thủ thuật và tính liều điều trị bệnh da bằng tia UVB, UVA.

1.2. Cách thức phân loại

Chúng ta cho điểm mỗi yếu tố, cộng số điểm và phân loại type da. Tuy nhiên, trong thực hành thường chỉ chú ý tới câu hỏi về bỏng nắng và rám nắng (rám nắng là tình trạng da bị thâm đen đi khi tiếp xúc với ánh mặt trời).

Điểm 0 1 2 3 4
Màu da di truyền
Màu mắt Xanh nhạt, xám nhạt Xanh, xám, xanh lá cây Xanh tối, nâu nhạt Nâu đen Đen
Màu tóc tự nhiên Đỏ Vàng hoe Vàng hạt dẻ Nâu đen Đen
Màu da ở vị trí không tiếp xúc ánh nắng Hồng Rất nhạt Nhạt màu Nâu Đen nâu
Tàn nhang ở vùng không tiếp xúc ánh nắng Nhiều Một vài Một ít Rất hiếm Không
Phản ứng với ánh nắng
Mức độ bỏng nắng Bỏng nặng Bỏng nhẹ Đôi khi Hiếm khi Không
Da chuyển màu nâu ngay sau tiếp xúc ánh nắng Không bao giờ Hiếm khi Thỉnh thoảng Thường xuyên Luôn luôn
Da chuyển nâu vài giờ sau tiếp xúc với ánh nắng Không bao giờ Hiếm khi Thỉnh thoảng Thường xuyên Luôn luôn
Độ nhạy cảm da mặt với ánh nắng Rất nhạy cảm Nhạy cảm Bình thường Rất ít nhạy cảm Không nhạy cảm
Thói quen tiếp xúc ánh nắng
Lần gần nhất tiếp xúc với ánh nắng > 3 tháng 2-3 tháng 1-2 tháng < 1 tháng < 2 tuần
Tần suất bị rám nắng Không bao giờ Rất hiếm Đôi khi Thường Luôn luôn

Đặc điểm của type da theo phân loại Fitzpatrick

Điểm Loại da Màu da Bỏng nắng Rám nắng UVA MED (mJ/cm²) UVB MED (mJ/cm²)
0-6 I Rất trắng Rất dễ Không 20-35 15-30
7-13 II Trắng Dễ Rất ít 30-45 25-40
14-20 III Trắng Trung bình Ít 40-55 30-50
21-27 IV Trung bình Ít Trung bình 50-80 40-60
28-34 V Nâu vừa Hiếm khi Mạnh 70-100 60-90
≥35 VI Nâu đen Không Rất mạnh 100 90-150

MED: liều làm đỏ da tối thiểu (minimal erythema dose)

6 type da theo Fitzpatrick
6 type da theo Fitzpatrick

Ở người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, type da thường gặp nhất là type III, IV (trong đó type IV chiếm cao nhất).

Trong thực hành, đánh giá type da theo Fitzpatrick chủ yếu dựa vào màu da và các phản ứng với ánh nắng. Khi không có sự tương xứng giữa bỏng nắng và rám nắng, type da được xác định bởi bỏng nắng. Ví dụ: da luôn bỏng nắng và bị rám nắng ở mức độ nhẹ được xếp vào loại I, mục đích là để phòng các phản ứng cấp tính gây ra bởi ánh nắng.

Đánh giá khách quan về các loại da Fitzpatrick có thể được thực hiện bởi thiết bị Dermatone Skin Analyzer™, cho phép phân tích chính xác các tông màu da dựa trên nồng độ melanin, hemoglobin và phản xạ của da.

1.3. Ứng dụng

Lão hóa da và dự đoán nguy cơ ung thư da: melanin có tác dụng hấp thu và tán xạ năng lượng tia UV, vì thế type da từ I-III (ít melanin) có nguy cơ cao bị tổn thương do ánh sáng như tàn nhang, lão hóa da, ung thư da hắc tố và không hắc tố.

Lựa chọn liều khởi đầu trong điều trị bệnh da bằng ánh sáng phụ thuộc vào liều đỏ da tối thiểu và type da: với người type da trắng liều khởi đầu thấp hơn so với da đen. Ví dụ trong bạch biến (coi như type da I), liều khởi đầu UVB dải hẹp là 150 mJ/cm² trong khi với vảy nến ở người Việt Nam (type da IV), chiếu liều khởi đầu khoảng 400 mJ/cm².

Triệt lông bằng laser: type da IV-VI có nguy cơ cao hơn bị rối loạn sắc tố, bọng nước, vảy tiết, phù, sẹo. Vì vậy, năng lượng dùng cho loại da này nên thấp hơn để hạn chế tác dụng phụ. Để giảm sự hấp thu năng lượng  melanin ở thượng bì (hấp thu sinh ra nhiệt gây tác dụng phụ), ưu tiên dùng loại laser có bước sóng dài với type da IV-VI.

Lột da hóa chất và mài mòn da: phù hợp với type da I-III vì ít các biến chứng tăng sắc tố, mặc dù dễ để lại ban đỏ sau thủ thuật hơn so với type da tối màu. Type da IV-VI có nguy cơ tăng giảm sắc tố sau viêm cao hơn, vì thế cần có biện pháp dự phòng tốt.

Dung nạp với thuốc bôi làm trắng: với type da I-III nếu gặp tác dụng phụ kích ứng, da thường trở về bình thường nhanh sau dừng thuốc bôi. Ngược lại, với người type da tối màu (IV-VI), nguy cơ cao tăng giảm sắc tố và tăng sắc tố thường đến sớm trong tuần đầu, có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng.

1.4. Nhược điểm của phân loại da theo Fitzpatrick

Ít dự đoán được nguy cơ sẹo da sau phẫu thuật. Hiện có một số phân loại type da để đánh giá nguy cơ sau thủ thuật như của Lancer, Fanous, Goldman, Roberts… bổ sung cho phân loại da Fitzpatrick.

Vì bộ câu hỏi phức tạp nên người ta chỉ tập trung vào bỏng nắng và rám nắng như bảng dưới đây:

Type da theo FZ Đặc điểm da
I Thường xuyên bỏng nắng, không rám nắng
II Hay bỏng nắng, khó rám nắng hoặc nhẹ
III Đôi khi bỏng nhẹ, rám nắng trung bình
IV Hiếm khi bỏng nắng, dễ rám nắng
V Da nâu
VI Da đen

Liều đỏ da tối thiểu (MED) của phân loại da theo Fitzpatrick ít tương đồng với MED khi đo được thực tế trên bệnh nhân. Thông thường liều này thấp hơn so với thực tế.

Cách phân loại này ban đầu được dành riêng cho người da trắng sau đó phát triển thêm cho những người có type da tối màu nên khó đánh giá chính xác được da của các chủng tộc khác, vì vậy Nhật Bản hay Ấn Độ… có cách phân loại da riêng.

2. PHÂN LOẠI DA THEO FANOUS

Cách phân loại da theo Fanous dựa trên nguồn gốc của con người được chia thành các vùng: Nordics (Bắc Âu nhất là vùng Scandinavia) như Thuỵ Điển, Ai Len…; vùng Europeans (vùng Trung, Nam châu Âu) như Pháp, Đức…; vùng Địa Trung Hải như Tây Ban Nha, Hy Lạp…; vùng Indo-Pakistanis như người Pakistan, Thái Lan…; người châu Phi và người châu Á (phía đông Á như Việt Nam). Khi dùng peel và laser bề mặt sẽ có sự khác nhau về tiên lượng gây nên các tác dụng phụ như tăng sắc tố, đỏ da dai dẳng, sẹo.

Nguồn gốc Đặc điểm da Biến chứng Tiên lượng với laser
Nordics Rất sáng màu, mỏng Đỏ da +++ Giãn mạch, sẹo Rất tốt
Europeans Sáng màu Tỉ lệ rất thấp Tuyệt vời
Địa Trung Hải Tối màu hơn châu Âu Tăng sắc tố +, ++ Đỏ da + Rất tốt
Indo-Pakistan Tối màu hơn Địa Trung Hải Tăng sắc tố +++ Giảm sắc tố + Có thể dùng peel, tiên lượng tồi với laser bề mặt
Châu Phi Da tối màu Giảm sắc tố +++ Tăng sắc tố ++ Có thể dùng peel, tiên lượng rất tồi với laser bề mặt
Châu Á Da từ sáng màu tới tối màu Tăng sắc tố +++ Đỏ da +++ Tốt

Bàn luận:

  • Trái với suy nghĩ thông thường: làn da càng sáng màu thì tác dụng phụ sau laser hay peel càng thấp. Người Bắc Âu da rất sáng màu nhưng nguy cơ đỏ da sau laser lớn, đặc biệt là người có tuổi khi mà da mỏng. Tuy nhiên, người Bắc Âu vẫn đáp ứng tốt sau laser vì tỉ lệ tăng sắc tố rất thấp.
  • Người châu Á trong đó có Việt Nam có xu hướng đỏ da, tăng sắc tố sau laser và peel rất lớn, ít có xu hướng giảm sắc tố hơn. Nhóm người này phản ứng rất mạnh sau thủ thuật nên có thể gây ra một trải nghiệm vô cùng tồi tệ cho các bác sĩ mới vào nghề khi chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu chăm sóc da trước và sau thủ thuật tốt, tác dụng phụ này giảm dần theo thời gian. Tuy tác dụng phụ nhiều nhưng người châu Á đáp ứng tốt với phương pháp laser bề mặt và lột.

3. PHÂN LOẠI DA LÃO HÓA CỦA GLOGAU

Type 0: tuổi < 20 tuổi, chưa lão hóa.

Type I: 20-30 tuổi, lão hóa nhẹ, chưa có nếp nhăn.

Type II: 30-40 tuổi, nhăn khi cười, tăng sắc tố.

Type III: 40-60 tuổi, nhăn tĩnh, tăng sắc tố, giãn mạch.

Type IV: > 60 tuổi, lão hóa da nặng.

Phân loại da lão hóa của Glogau
Phân loại da lão hóa của Glogau

4. HỆ THỐNG PHÂN LOẠI DA CỦA ROBERTS

Roberts lựa chọn phân loại da của Fitzpatrick (FZ 1-6), của Glogau (G 0-4) và mức độ tăng sắc tố (H), sẹo (S) của chính mình:

  • Mức độ tăng sắc tố chia thành 7 type: H0 là giảm sắc tố; H1 tăng sắc tố nhẹ, thoáng qua (tồn tại < 1 năm); H2 tăng sắc tố nhẹ, dai dẳng (> 1 năm); H3 tăng sắc tố trung bình, thoáng qua (< 1 năm); H4 tăng sắc tố trung bình, dai dẳng; H5 tăng sắc tố nặng, thoáng qua; H6 tăng sắc tố nặng, dai dẳng. Con số tăng sắc tố 1 năm cần ghi nhớ vì thường sau 1 năm bị tăng sắc tố khả năng đáp ứng với điều trị kém.
  • Mức độ sẹo chia thành: S0 sẹo lõm, SI là không sẹo, SII dát, SIII là sẹo thành mảng với bờ rõ, SIV sẹo lồi, SV sẹo lồi lớn.

Ví dụ: bệnh nhân 50 tuổi người châu Âu có FZ1, H1, G3, S3 muốn cắt bớt bẩm sinh ở bụng. Mặc dù là người da trắng, tăng sắc tố nhẹ nhưng nguy cơ sẹo lồi cao vì S3 nên cần tư vấn cho bệnh nhân trước khả năng dễ tạo sẹo sau phẫu thuật.

Ưu điểm của hệ thống phân loại da theo Roberts là có thể tiên lượng được nguy cơ sẹo, tăng sắc tố sau thủ thuật cũng như lợi dụng được ưu điểm của cách phân loại da của Fitzpatrick.

5. CÁCH PHÂN LOẠI DA THEO HELENA RUBINSTEIN

Helena Rubinstein là một nhà nghiên cứu về vẻ đẹp, năm 1910 có đề xuất phân loại da thành các loại sau: da thường, da khô, da dầu, da hỗn hợp và da nhạy cảm.

Hiện tại cách phân loại này vẫn được áp dụng rộng rãi trong chăm sóc da vì sự đơn giản, dễ hiểu. Tuy nhiên, vì quá đơn giản nên cách phân loại này khó được áp dụng ở người có sự kết hợp các loại da với nhau và với đối tượng kết hợp các triệu chứng khác như da lão hóa hay tăng sắc tố. Chính vì vậy, cách phân loại da Baumann dưới đây ra đời.

6. PHÂN LOẠI DA THEO BAUMANN

6.1. Cơ sở phân loại

Baumann dựa trên 4 cặp da, với 4 cặp này tạo ra 16 type da:

  • Da dầu > < da khô (dry > < oily).
  • Da tăng sắc tố > < da không tăng sắc tố (pigmented > < non pigmented).
  • Da nhạy cảm > < không nhạy cảm (sensitive > < resistant).
  • Da lão hóa > < không lão hóa (wrinkle > < tight).

Ví dụ DSPT có nghĩa là da khô, nhạy cảm, tăng sắc tố và không lão hóa.

16 type da theo Baumann
16 type da theo Baumann

Để xác định được da dầu hay khô, nhạy cảm hay không nhạy cảm, tác giả đã dùng bộ câu hỏi để đánh giá.

Với type da nhạy cảm Baumann chia thành các nhóm: dị ứng, châm chích (stinging), trứng cá, trứng cá đỏ… Tăng sắc tố bao gồm rám má, tàn nhang, đồi mồi, tăng sắc tố sau viêm (không xét tới nốt ruồi, dày sừng da dầu và các bớt…).

6.2. Áp dụng trong chăm sóc da: ví dụ type da OSNW

OSNW là type da dầu ‒ nhạy cảm ‒ không tăng sắc tố ‒ lão hóa da với các đặc điểm: da dầu mụn, lỗ chân lông to. Da mặt đỏ, với các cơn nóng bừng mặt, giãn mạch, phản ứng với các thuốc bôi thông thường, da có thêm các nếp nhăn.

Với type da này chúng ta cần đặt mối quan tâm đầu tiên: dầu, đỏ da, các mạch máu nổi rõ trên mặt, vì vậy nên dùng những sản phẩm không gây kích thích ‒ chống viêm để hạn chế trứng cá và đỏ da.

Về làm sạch:

  • Không dùng toner vì tăng cơn đỏ bừng mặt.
  • Điểm S/R trung bình (25-33) và trứng cá là vấn đề chính: có thể dùng tẩy tế bào chết, nhưng không quá 2-3 lần/tuần và phải thật nhẹ nhàng để tránh kích thích viêm. Không dùng tẩy tế bào chết nếu điểm S/R > 33 hoặc nếu bạn bị đỏ da, trứng cá đỏ.
  • Có thể dùng sữa rửa mặt tạo bọt, hãy chọn một sản phẩm phù hợp giúp giải quyết vấn đề chính của da. Ví dụ, nếu có trứng cá thì chọn sữa rửa mặt trị trứng cá, nếu bị trứng cá đỏ thì tìm sản phẩm rửa giúp cải thiện đỏ da như Aveeno Ultra-Calming Foaming Cleanser.

Dưỡng ẩm:

  • Nếu da quá dầu (O/D > 34): dùng dưỡng da dạng serum, dung dịch hoặc
  • Sản phẩm chứa thành phần chống viêm vừa có thể được dùng để chữa đỏ da vừa làm dịu da, ngăn ngừa cơn đỏ bừng mặt và giảm độ nhạy cảm của da. Khi đỏ da dịu đi → các sản phẩm dưỡng ẩm, serum chống oxy hóa vì chúng có khả năng phòng nếp nhăn và các dấu hiệu của lão hóa.

Chống nắng:

  • Bôi chống nắng mọi lúc, trừ buổi tối. Nên sử dụng sản phẩm có chỉ số SPF 15 mỗi ngày. Khi ra ngoài hoặc trời nắng dùng SPF 45-60. Chống nắng dạng lotion hoặc gel tốt hơn dạng kem.
  • Bôi sản phẩm chống nắng lên toàn mặt, cổ, ngực vào mỗi buổi sáng. Để đạt hiệu quả cao nhất, bạn nên bôi chúng sau khi rửa mặt để giảm lượng dầu trên bề mặt da.
  • Phấn phủ chứa thành phần chống nắng cũng là một sự lựa chọn tốt.

Chú ý:

  • Thành phần không nên dùng benzoyl peroxide (BP) vì có thể gây ra đỏ da, tê buốt, nóng. Tuy nhiên, không phải tất cả OSNW đều gặp vấn đề này và nhiều người bị trứng cá rất hợp với Những người với điểm S/R thấp (30-34) có thể dùng BP. Bạn cũng có thể sử dụng sản phẩm chứa nồng độ BP thấp (2,5%). Kết hợp BP với một sản phẩm chống viêm có thể giúp bạn dùng được sản phẩm này.
  • Da này có thể thay đổi theo khí hậu, stress, mang thai, mãn kinh, tác động nội ngoại sinh khác.

6.3. Ưu nhược điểm của phân loại Baumann

Ưu điểm: có bộ câu hỏi đánh giá da dầu, khô, nhạy cảm khá tốt nên dễ dàng xác định chính xác type da của mình. Phân loại chi tiết, có thể áp dụng trong việc lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da cho số đông bệnh nhân.

Nhược điểm: cách phân loại này rất cồng kềnh với 16 type da nên rất khó ứng dụng trên thực tế. Với type da nhạy cảm tác giả đưa trứng cá vào, trong khi thực chất trứng cá không thuộc da nhạy cảm và việc điều trị hoàn toàn khác với da nhạy cảm. Tiếp đó, type da tăng sắc tố như rám má, đồi mồi… là một trong những biểu hiện của lão hóa da, khi điều trị có thể tiếp cận theo hướng lão hóa da, vì vậy sẽ trùng với type da lão hóa.

7. QUAN ĐIỂM PHÂN TYPE DA THEO BÁC SĨ TÂM

Vẫn giữ cách phân loại da truyền thống: da dầu, da khô, da nhạy cảm, da hỗn hợp. Tuy nhiên, chúng ta nên tổng hợp các type da này lại với nhau để tạo ra các type da sau:

  • Với da khô thường kèm theo nhạy cảm, ta có thể chia thành 2 nhóm: da khô ‒ nhạy cảm và da khô ‒ không nhạy cảm.
  • Với da dầu thường ít nhạy cảm hơn, ta có thể chia thành 2 nhóm: da dầu ‒ không nhạy cảm và da dầu ‒ nhạy cảm.
  • Da hỗn hợp sẽ có 2 loại: hỗn hợp ‒ nhạy cảm và hỗn hợp ‒ không nhạy cảm.

Với cách phân loại trên sẽ có các nhóm sau: da khô ‒ nhạy cảm, da khô ‒ không nhạy cảm, da dầu ‒ nhạy cảm, da dầu ‒ không nhạy cảm và da hỗn hợp ‒ nhạy cảm, da hỗn hợp ‒ không nhạy cảm. Ứng với mỗi type da này chúng ta sẽ có biện pháp chăm sóc cụ thể, sẽ được đề cập tới trong tập 2 của cuốn sách.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Fanous, N. (2002). A New Patient Classification for Laser Resurfacing and Peels: Pre- dicting Responses, Risks, and Results. Aesthetic Plastic Surgery, 26(2), 99–104. doi:10.1007/ s00266-002-1483-2.

2. Roberts, W. E. (2009). Skin Type Classification Systems Old and New. Dermatologic Clinics, 27(4), 529–533. doi:10.1016/j.det.2009.08.006.

3. Baumann, (2008). Understanding and Treating Various Skin Types: The Baumann Skin Type Indicator. Dermatologic Clinics, 26(3), 359-373. doi:10.1016/j.det.2008.03.007.

4. Gupta, V., & Sharma, V. K. (2019). Skin-typing: Fitzpatrick grading and others. Clinics in Dermatology. doi:10.1016/j.clindermatol.2019.07.010.

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here