Bệnh nấm móng tay/móng chân: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Bệnh nấm móng tay-móng chân Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Bài viết Bệnh nấm móng tay/móng chân: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị. Trích từ sách “Chăm sóc da” của bác sĩ Wynn Tran.

Móng tay và móng chân là những bộ phận quan trọng bảo vệ tay và chân. Khi móng bị nhiễm trùng dẫn đến các thay đổi về hình dáng, màu sắc, cũng như gợi ý về sức khỏe của hệ miễn dịch. Bài viết này chỉ ra bệnh nấm ở móng tay và móng chân.

Triệu chứng

Khi một hay nhiều móng tay/chân có những thay đổi bất thường như sần sùi, dày móng, trắng móng, có lớp vảy mịn hay lớp vảy bong tróc xung quanh móng, có các vạch sọc dọc hay sọc ngang trên bề mặt móng. Móng bị nhiễm trùng có thể giòn, dễ gãy, kèm theo các tổn thương dưới móng. Kế đó vùng da xung quanh móng tay, móng chân trở nên đỏ, sưng, và lớp da xung quanh cũng bong tróc. Theo thời gian, nếu không chữa trị kịp thời, bệnh nấm từ móng có thể lây ra da vùng mu bàn chân và đùi (do tiếp xúc trực tiếp giữa chân và đùi khi ngồi xếp bằng hay ngồi chồm hổm).

Biểu hiện nấm móng như sần sùi
Biểu hiện nấm móng như sần sùi, trắng móng, có vảy

Nguyên do

  • Bệnh viêm móng tay/chân thường do nấm gây ra. Có 2 loại nấm hay gặp là nấm sợi tơ (họ Trichophyton/Dermatophytes) và nấm hạt Candida. Bệnh này thường do lây nhiễm do tiếp xúc trực tiếp từ mầm bệnh như dùng chung dép hay giày. Nghề nghiệp tiếp xúc với bệnh nhân bị nấm móng tay thường xuyên như kỹ thuật viên làm nail hay BS da liễu cũng tăng rủi ro bị nhiễm bệnh. Loại nấm Trichophyton khá dễ lây nếu người mắc có hệ miễn dịch yếu.
  • Các yếu tố khác dẫn đến nhiễm trùng nấm là vùng da bị ẩm ướt, vệ sinh kém, người có nhiều mồ hôi và tiếp xúc thường xuyên ở nơi công cộng như hồ bô, dùng chung khăn.
  • Các bệnh nhân dễ mắc bệnh nấm móng tay/chân là bệnh nhân bị tiểu đường, các bệnh suy giảm hệ miễn dịch như HIV, hay các bệnh nhân đang dùng thuốc ức chế hệ miễn dịch chữa các bệnh tự miễn. Bệnh nhân dùng thuốc Steroid lâu dài cũng có thể dễ bị bị nấm. Nhìn chung, bất kỳ yếu tố nào làm giảm sức mạnh hệ miễn dịch đều tăng rủi ro bệnh nấm móng tay móng chân.

=> Tham khảo: So sánh nồng độ khác nhau của Albumin với dịch tinh thể ở bệnh nhân nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Chữa trị

  • Chữa trị bệnh nấm móng tay bắt đầu bằng chẩn đoán đúng. Nhiều bệnh móng tay dễ nhầm lẫn với bệnh nấm như bệnh móng vảy nến hay móng do lupus. Các bệnh bẩm sinh khác như dày sừng móng bẩm sinh cũng có thể bị nhầm lẫn.
  • Điều quan trọng là khi thấy thay đổi bất kỳ trên móng tay lẫn móng chân thì bệnh nhân nên gặp BS ngay. Thay đổi ở móng chân ít được chú ý nên bệnh nhân càng kiểm tra kỹ móng chân của mình, nhất là mỗi lần cắt móng xem có sự thay đổi nào như dày móng, quặp móng, hay có vùng trắng phủ bên dưới móng.
  • Chữa trị nấm móng tay và móng chân thường mất nhiều thời gian, từ vài tháng đến 1 năm nên bệnh nhân cần kiên nhẫn, dùng đúng và đủ thuốc của BS kê toa để xức. Chữa trị nấm móng càng sớm thì rủi ro bị tật móng càng ít. Lưu ý là nếu bị nhiễm nấm lâu năm thì dù có chữa trị hết thì móng cũng khó phục hồi hình dạng như lúc đầu.
  • Các thuốc chữa trị nấm gồm thuốc xức và thuốc uống, kèm theo thuốc chữa trị các triệu chứng khác như ngứa. Tùy vào bệnh nặng hay nhẹ mà BS sẽ dùng thuốc bôi hay thuốc uống. Các loại thuốc bôi hay dùng là thuốc kháng nấm ketoconazole, acid salicylic 5%, castellani, terbinafine, hay fluconazole. Thuốc bôi ít nhất 2-3 lần mỗi ngày và bôi trực tiếp vào móng, phần dưới móng và vùng xa xung quanh (xem hình cấu tạo móng).
  • Thuốc uống chữa móng dùng cho các trường hợp nặng như nhiễm trùng từ 3 đến 10 ngón tay/chân hay móng bị dị biến nặng. Các thuốc uống cần phải theo dõi kỹ tác dụng phu lên gan. Vì vậy, bệnh nhân cần được kiểm tra men gan và xét nghiệm máu trước và sau khi bắt đầu điều trị. Các thuốc uống chữa móng gồm Turbinate, Griseofulvin, hay Fluconazole. Liều dùng tùy theo bệnh nhân.
  • Đôi khi Bs sẽ cho kháng sinh kèm theo chữa nấm nếu có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn.

Chữa trị bằng phương pháp dân gian

Nhiều quý vị hỏi tôi về các tự chữa nấm móng tay ở nhà bằng các phương pháp dân gian. Nhìn chung, những cách này hiệu quả với những bệnh nhân có bệnh nấm móng tay/chân ít và có hệ miễn dịch tốt. Dưới đây là vài phương pháp đã được kiểm chứng:

  • Nước giấm táo có chứa acid nhẹ và chống oxy hóa có thể diệt nấm. Bệnh nhân có thể dùng giấm táo nấu sôi với nước muối và ngâm chân/tay vào dung dịch này ngày 1-2 lần.
  • Lá trầu là loại lá có khả năng kháng nấm và giảm mùi hôi. Dùng lá trầu tươi nghiền nát, nấu với nước và muối để ngậm chân/tay vào 1-2 lần/ngày. Có thể dùng bả trầu xức trực tiếp vào vùng móng bị nấm.
  • Tỏi cũng có thể dùng để diệt nấm bằng cách nấu nước vối tỏi, sau đó ngâm tay/chân vài lần trong tuần.

=> Đọc thêm bài viết: Một số loại kí sinh trùng, nấm, các vi sinh vật ít gặp tại từng cơ quan.

Tóm lại

Bệnh nấm móng tay/móng tay là bệnh rất hay gặp và dễ lây, nhất là khi tiếp xúc và dùng đồ chung trong nhà như giày dép hay khăn lau. Bệnh cần phải được chẩn đoán kịp thời để chữa trị, bảo vệ móng nhìn nguyên vẹn vì phát hiện muộn sẽ khiến móng bị dị dạng. Chữa trị bằng thuốc bôi hay uống đều có hiệu quả nhưng cần có thời gian theo dõi kỹ.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu, truy cập ngày 2/1/2024.
Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here