Viêm nướu triển dưỡng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

nhathuocngocanh.comViêm nướu triển dưỡng là bệnh răng miệng mà người rất dễ mắc phải hay còn gọi là bệnh nha chu. Để các bạn hiểu rõ hơn về viêm nướu triển dưỡng, nhà thuốc Ngọc Anh xin gửi đến các bạn độc giả bài viết dưới đây.

Viêm nướu triển dưỡng là gì?

Triển dưỡng mang nghĩa là sưng phồng. Viêm nướu triển dưỡng là thuật ngữ trong nha khoa để chỉ tình trạng viêm lợi đang tiến triển, có mức độ viêm nặng, cần có sự thăm khám và điều trị kịp thời. Nướu sưng to, che lấp răng. Bệnh gây khó khăn trong việc ăn uống, giao tiếp, sinh hoạt. Nếu bệnh nặng có thể làm ảnh hưởng tới chức năng của răng tại vị trí đó như viêm tủy, tụt lợi, lung lay răng, hơn thế nữa có thể bị hoại tử lợi và mất răng vĩnh viễn.

Các triệu chứng của viêm nướu triển dưỡng

Khi bị mắc viêm nướu triển dưỡng, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng sau đây:

  • Chảy máu nướu tự phát hay khi có kích thích.
  • Vôi răng nhiều với độ dày từ 2mm trở lên, phủ toàn bộ lợi và có thể lan sang các răng bên cạnh.
  • Có các túi nướu giả sưng phồng lên, kích thước từ 3 – 4mm, túi nướu có thể lan ra giữa răng tạo cảm giác như có cục thịt tại đấy.
  • Khoang miệng có mùi hôi khó chịu.
Viêm nướu triển dưỡng là gì?
Viêm nướu triển dưỡng là gì?

Nguyên nhân mắc viêm nướu triển dưỡng

Khi mô nướu không được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu làm cho nướu yếu đi, độ vững chắc suy giảm, dễ bị tổn thương khi chịu các tác động từ bên ngoài. Cùng với đó, thói quen lười vệ sinh khoang miệng, chăm sóc răng miệng không đúng cách tạo điều kiện cho vi khuẩn, mảng bám phát triển mạnh mẽ dần sẽ thành vôi răng, tình trạng viêm lợi diễn ra, đau nhức và dần khởi phát thành viêm nướu triển dưỡng. Ngoài ra, các yếu tố sau đây có thể làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh và làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn:

  • Chế độ ăn uống không hợp lý, ăn nhiều đồ cay nóng.
  • Thói quen hút thuốc lá.
  • Dùng các thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng.
  • Người cao tuổi có sức đề kháng kém, răng miệng vệ sinh khó khăn.
  • Lạm dụng các sản phẩm tẩy trắng răng.
  • Người có bệnh lý tiểu đường, stress kéo dài, suy nhược cơ thể, bệnh lý suy giảm hệ thống miễn dịch HIV/AIDS,…
  • Rối loạn nội tiết do đang mang thai, do sử dụng thuốc tránh thai,…
  • Làm các kỹ thuật nha khoa tại các phòng khám, cơ sở kém chất lượng, dụng cụ không được vệ sinh sạch sẽ.

Đối tượng nào dễ mắc viêm nướu triển dưỡng?

Dựa vào nguyên nhân gây bệnh, ta có thể thấy các đối tượng sau dễ mắc viêm nướu triển dưỡng:

  • Người hút thuốc lá.
  • Suy nhược cơ thể, hệ miễn dịch kém.
  • Người mắc các bệnh lý tiểu đường, CHA, tim mạch, rối loạn nội tiết.
  • Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc kinh nguyệt.
  • Người cao tuổi.
  • Không vệ sinh răng miệng thường xuyên hoặc vệ sinh răng miệng không đúng cách, sử dụng các sản phẩm tẩy trắng răng nhiều.
  • Người có thói quen ăn đồ cay nóng.
  • Dùng thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng.

Phương pháp chẩn đoán

Đối với các trường hợp viêm nướu nói chung và viêm nướu triển dưỡng nói riêng thì đều được chẩn đoán qua biểu hiện lâm sàng của bệnh. Dựa vào các triệu chứng, bác sĩ sẽ đưa ra thông tin cụ thể về mức độ của bệnh:

  • Kiểm tra mô lợi, răng và lưỡi.
  • Tìm các túi nướu bị viêm, phình to hoặc chảy máu, tìm mảng bám tích tụ ở thân răng.
  • Kiểm tra các triệu chứng cơ năng của bệnh lý.
  • Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm tiểu đường, HIV/AIDS, tim mạch,… để xác định nguyên nhân tiềm ẩn gây bệnh.
Biểu hiện của viêm nướu triển dưỡng
Biểu hiện của viêm nướu triển dưỡng

Điều trị viêm nướu triển dưỡng

Phẫu thuật tái tạo nướu

Phẫu thuật tái tạo nướu là biện pháp hay được chỉ định cho đối tượng viêm nướu triển dưỡng. Thủ thuật này là loại bỏ các mô nướu tăng sinh quá mức và sẽ tái tạo lại cấu trúc của nướu bị tổn thương.

Quy trình thực hiện được tiến hành qua các bước sau đây:

  • Thăm khám răng miệng tổng quát và làm bệnh án.
  • Làm các xét nghiệm: Xét nghiệm máu toàn phần và xét nghiệm đường huyết, TQ, TCK tùy vào yêu cầu của bác sĩ.
  • Vệ sinh răng miệng.
  • Cạo vôi răng ở cả thân răng và trên nướu trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Gây tê tại chỗ bằng Lidocain 2%.
  • Đo đáy túi nướu giả.
  • Bấm điểm chảy máu.
  • Loại bỏ mô túi nướu bị viêm và tái tạo viền nướu.
  • Bơm rửa bằng dung dịch NaCl 0.9% tại vết thương.
  • Đắp bột băng nha chu giúp phục hồi nhanh chóng và dặn bệnh nhân tránh các tác động lên vùng nướu sau phẫu thuật.

Thời gian điều trị chỉ mất 1 ngày, nhanh chóng, an toàn.

Bệnh nhân sẽ tái khám sau 6 ngày kể từ ngày điều trị.

Thuốc dùng trong điều trị

Tùy vào thể trạng của người bệnh mà sẽ có phác đồ thuốc điều trị riêng nhưng thường sẽ sử dụng các loại thuốc này trong khoảng thời gian điều trị viêm nướu triển dưỡng:

Kháng sinh: Sử dụng kháng sinh Cephalexin 500mg với liều uống 1 viên/lần, 3 lần/ngày (liều người lớn), chỉ định dùng từ 5 đến 7 ngày (đường uống ). Kháng sinh Spiramycin 750.000 UI, Metronidazol 125 mg, liều dùng dành cho người lớn 2 viên/ lần, ngày 3 lần ( đường uống). Chỉ định dùng từ 5 đến 7 ngày.

Kháng viêm: Dexamethasone 0,5 mg. Liều dùng cho người lớn 1 là 1 viên/ lần, ngày uống 3 lần. Dùng từ 3 đến 6 ngày tùy vào mức độ nhiễm trùng.

Chống chỉ định các trường hợp sau: Loét dạ dày, tá tràng, bệnh cao huyết áp, bệnh tuyến giáp,…

Giảm đau: Paracetamol 500mg ( có thể sử dụng viên nén hoặc viên sủi đường uống). Liều dùng cho người lớn: dùng 1 viên/ lần, ngày uống 3 lần.

Dùng trong khoảng 3 ngày hoặc có thể nhiều hơn nếu bệnh nhân không chịu được cơn đau.

Paracetamol 325mg + Ibuprofen 200 mg. Liều dùng người lớn: 1 viên/ lần, ngày uống 3 lần. Dùng trong khoảng 3 ngày hoặc có thể nhiều hơn nếu bệnh nhân không chịu được cơn đau. Thuốc chống chỉ định cho các trường hợp sau: Loét dạ dày, tá tràng, tiền sử phù mạch, hội chứng polyp mũi,…

Ngoài ra, bạn nên dùng thêm kem đánh răng có thành phần dịu nhẹ, ít gây ảnh hưởng đến nướu, chứa các thành phần có khả năng kháng viêm, phục hồi nướu. Sử dụng nước súc miệng thường xuyên. Bạn có thể dùng nước muối sinh lý để súc miệng hằng ngày, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

Phòng ngừa viêm nướu triển dưỡng bằng cách nào?

Dưới đây là những cách phòng tránh:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách sẽ đem lại sức khỏe răng miệng tốt nhất cho bạn, giúp cải thiện, ngăn ngừa các bệnh về nha khoa nói chung và viêm nướu triển dưỡng nói riêng. Việc loại bỏ các mảng bám, thức ăn tồn đọng trong khoang miệng sẽ làm ức chế sự sinh trưởng của vi khuẩn gây bệnh. Từ đó mà đẩy lùi được các bệnh răng miệng, các vùng xung quanh răng sẽ được bảo vệ, hồi phục, các triệu chứng sưng viêm, đau nhức cải thiện một cách đáng kể.
  • Bên cạnh đó, việc quan tâm đến các tác động lên răng lợi cũng đóng góp rất lớn trong quá trình phục hồi và ngăn ngừa viêm nướu triển dưỡng. Bạn nên sử dụng các loại bàn chải đánh răng có lông mềm, mảnh dễ dàng đi vào các kẽ răng mà không làm chảy máu lợi khi đánh răng. Nó vừa giúp loại bỏ được hoàn toàn các mảng bám, thức ăn tồn dư ở răng, vừa có tác động nhẹ nhàng lên vùng nướu sau phẫu thuật.
  • Hãy đảm bảo rằng bạn trải răng ít nhất 2 lần một ngày vào buổi sáng và trước khi đi ngủ.
  • Súc miệng với dung dịch sát khuẩn kết hợp với Flour có tác dụng tái khoáng men răng, tiêu diệt vi khuẩn. virus có hại cho răng lợi.
  • Hạn chế ăn các thực phẩm làm hại răng như đồ chua, nước đá, đồ ăn cay nóng, nước có gas,…
  • Loại bỏ các thói quen có hại như hút thuốc lá, nghiến răng khi ngủ,…
  • Nên thăm khám nha khoa định kỳ 6 tháng/ lần để lấy cao răng và phát hiện bệnh kịp thời.

Những lưu ý khi mắc viêm nướu triển dưỡng

Sau đây là một số lưu ý khi bị mắc viêm nha chu:

  • Không được tự ý điều trị tại nhà bằng thuốc. Khi thấy lợi có các biểu hiện sưng phồng, có các túi nướu giả, đau nhức răng cần tới ngay bệnh viện hoặc phòng khám nha khoa uy tín để được điều trị kịp thời.
  • Uống thuốc đúng liều bác sĩ kê đơn cho bạn, không tự ý tăng liều vì có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe chung.
  • Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân cần kiêng các thực phẩm: đồ cứng khó nhai, thực phẩm gây kích ứng, làm vết thương lâu lành như tôm, cá, kiêng đồ nếp, nhộng tằm, các loại hạt, đồ cay nóng hay lạnh, thực phẩm lên men,…
  • Khi có bất kỳ biểu hiện nào bất thường hãy liên lạc với bác sĩ ngay để được xử trí kịp thời.

Một số câu hỏi liên quan

Thời gian điều trị viêm nướu triển dưỡng là bao nhiêu?

Sau khi bệnh nhân được chẩn đoán bị viêm nướu triển dưỡng, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật tái tạo nướu ngay sau đó. Thời gian phẫu thuật diễn ra rất nhanh trong  1 ngày. Bệnh nhân có thể về nhà sau khi phẫu thuật xong và uống thuốc điều trị trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày và tái khám. Nếu trong quá trình điều trị có xảy ra những tình huống ngoài ý muốn hay bệnh nhân lâu phục hồi thì có thể thời gian sẽ kéo dài hơn.

Viêm nướu triển dưỡng có tái phát lại không?

Viêm nướu triển dưỡng là bệnh do vi khuẩn tích tụ lại gây nên vì vậy nếu bệnh nhân đã khỏi bệnh mà vẫn không phòng ngừa, không vệ sinh răng miệng đúng cách thì khả năng tái phát lại vẫn có thể xảy ra. Vì vậy bạn cần chú trọng hơn việc chăm sóc răng miệng hằng ngày, chải răng 2 lần một ngày, sáng và tối trước khi đi ngủ để bảo vệ sức khỏe răng miệng tốt hơn, ngăn chặn bệnh quay trở lại.

Viêm nướu triển dưỡng có nguy hiểm không?

Viêm nướu triển dưỡng là bệnh nha khoa rất nguy hiểm nếu không được xử lý kịp thời. Bệnh có thể phát triển mạnh, viêm nhiễm nặng hơn, gây ra các biến chứng nặng như viêm tủy, tụt lợi, răng lung lay,… hơn thế nữa bệnh nhân có thể bị hoại tử mô nướu và mất răng vĩnh viễn. Khi bị viêm nướu triển dưỡng, bệnh nhân không được chủ quan mà cần điều trị đúng cách để đảm bảo sức khỏe.

Nhà thuốc Ngọc Anh đã đưa những thông tin đầy đủ nhất đến các bạn độc giả, mong rằng bài viết đã giúp ích cho những thắc mắc về Viêm nướu triển dưỡng. Nếu có câu hỏi nào khác, các bạn hãy liên lạc ngay tới nhà thuốc Ngọc Anh để được giải đáp nhé!

Xem thêm:

Răng khôn: Nơi mọc, thời gian mọc, cách mọc

Tài liệu tham khảo

Tác giả: nhân viên của Mayo Clinic Staff, Periodontitis, Mayo Clinic, đăng ngày 14 tháng 2 năm 2020. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2021.

3 thoughts on “Viêm nướu triển dưỡng: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here