Thoái hóa đốt sống thắt lưng: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

nhathuocngocanh.comThoái hóa đốt sống lưng là một bệnh mạn tính được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là đối với người trung niên và người cao tuổi bởi những cơn đau mà nó gây nên. Vậy thoái hóa đốt sống lưng là gì? Có các biện pháp nào để phòng tránh? Làm sao để chữa trị được bệnh này?… Để giải đáp các thắc mắc trên, nhà thuốc Ngọc Anh xin gửi đến các bạn bài viết dưới đây.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Thoái hóa đốt sống thắt lưng tên khoa học là Spondylosis, là một bệnh mạn tính do các đĩa đệm và các khớp ở đốt sống lưng bị thoái hóa, tại vị trí đó có hiện tượng xương hóa gây cứng khớp, thoát vị đĩa đệm, chèn ép dây thần kinh… dẫn đến những thay đổi tiêu cực trên người bệnh bao gồm tổn thương các dây thần kinh, làm giảm chức năng của đốt sống lưng khiến cho người bệnh bị đau, hạn chế vận động…

Bệnh thường thấy ở người trung niên do quá trình lão hóa diễn ra kéo theo các đốt sống lưng bị thoái hóa. Ngoài ra cũng có thể gặp thoái hóa đốt sống lưng ở các độ tuổi trẻ hơn do thói quen ngồi sai tư thế.

Trên các phần của cột sống, thoái hóa đốt sống thắt lưng diễn ra rất khác nhau:

  • Phần giữa cột sống: bị ảnh hưởng bởi gai cột sống ngực.
  • Phần lưng dưới: sẽ bị ảnh hưởng bởi thoái hóa cột sống thắt lưng.
  • Các phần ngạch của khớp xương nhô ra (Multilevel spondylo syd) gây ảnh hưởng đến nhiều các phần của cột sống.

Mỗi một bệnh nhân sẽ chịu sự tác động khác nhau từ thoái hóa đốt sống lưng, tuy nhiên ít gặp trường hợp bệnh gây ra các vấn đề nghiêm trọng.

Bệnh chỉ phát triển trong quá trình sống và hoạt động, không phải là bệnh truyền nhiễm, không lây từ mẹ sang con.

Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?
Thoái hóa cột sống thắt lưng là gì?

Nguyên nhân dẫn đến thoái hóa cột sống lưng

Trong các hoạt động hằng ngày cùng với sự lão hóa, các sụn khớp và đĩa đệm phải chịu các áp lực lớn thường xuyên khiến cho sụn và phần xương dưới sụn bị tổn thương, tính đàn hồi của đĩa đệm cũng giảm hoặc có thể biến mất, dây chằng bắt đầu bị xơ hóa dẫn tới bệnh thoái hóa đốt sống lưng được hình thành. Đây là nguyên nhân chủ yếu rất hay thường gặp ở bệnh nhân thoái hóa đốt sống lưng. Đặc biệt khi ở độ tuổi từ 50 trở đi các đầu sụn bị hóa xương, khả năng tái tạo kém sẽ làm tăng khả năng mắc bệnh hơn, bệnh cũng sẽ tiến triển nhanh hơn.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh thoái hóa sống lưng

Thoái hóa đốt sống lưng thường phát triển trong thời gian dài và ít có biểu hiện ra bên ngoài. Đối với thoái hóa đốt sống lưng do tuổi hầu hết đều không có triệu chứng của bệnh, có một số người sẽ có triệu chứng trong một khoảng thời gian dài nhưng sau đó lại biến mất hoặc sẽ đau, lục khục khi cử động mạnh, đột ngột.

Các triệu chứng của bệnh thoái hóa đốt sống thắt lưng hay gặp nhất là đau phần lưng, đặc biệt là phần thắt lưng (vị trí võng của đốt sống), ê, mỏi, cứng khớp. Cơn đau có thể chỉ thoáng qua, nhẹ nhưng khi lâu không vận động, ngồi quá nhiều thì cơn đau sẽ nặng hơn, kéo dài.

Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:

  • Tay, chân yếu, các hoạt động, sự phối hợp giữa chân và tay kém đi.
  • Các cơ co thắt, cứng lại, đau mỏi cơ.
  • Đau đầu, mất thăng bằng, đi lại, vận động khó khăn.
  • Bàng quang và ruột bị mất kiểm soát.
  • Mệt mỏi, uể oải.
Triệu chứng thường gặp của bệnh
Triệu chứng thường gặp của bệnh

Những đối tượng dễ bị thoái hóa cột sống thắt lưng

Tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh mà chia ra các đối tượng của bệnh khác nhau. Nhưng bệnh thường thấy nhất là ở người trung niên, cao tuổi, ít hoạt động thể dục thể thao. Theo viện phẫu thuật chỉnh hình Hoa Kỳ (American Academy of Orthopaedic Surgeon) có hơn 85% những người trên 60 tuổi đều bị thoái hóa đốt sống thắt lưng. Bên cạnh đó có những người do di truyền, tính chất nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt không hợp lý nên cũng có thể bị thoái hóa cột sống lưng, trong đó gồm có:

  • Bệnh nhân có người thân đã từng mắc thoái hóa cột sống bẩm sinh.
  • Người bị mắc chứng béo phì, thừa cân.
  • Người có thói quen ít vận động, ngồi nhiều, ít tập thể dục.
  • Người bị chấn thương cột sống, có tiền sử phẫu thuật cột sống.
  • Người hay hút thuốc lá, thuốc lào,…
  • Người phải làm công việc nặng kéo dài, thường xuyên, công việc có những động tác lặp đi lặp lại nhiều lần, có tính chất tác động mạnh hoặc có sức ép liên tục lên cột sống lưng.
  • Trường hợp đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm.
  • Người bị bệnh viêm khớp, vảy nến.

Phương pháp điều trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Mẹo dân gian trị thoái hóa cột sống thắt lưng

Cách chữa thoái hóa đốt sống lưng theo phương pháp dân gian vừa đem đến tác dụng hiệu quả vừa dễ thực hiện, dễ tìm nguyên liệu lại vô cùng tiết kiệm chi phí.

Các phương pháp này có cơ chế tác động vào cơ thể thông qua việc hấp thu, thẩm thấu vào vùng bị bệnh. Các thuốc sẽ can thiệp vào yếu tố nội nhân và ngoại nhân làm những tổn thương đốt sống được phục hồi, giảm đau, cải thiện các triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, những thảo dược từ thiên nhiên còn làm chậm quá trình thoái hóa ở các khớp xương mà không gây nhiều tác dụng phụ, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Chữa thoái hóa đốt sống lưng bằng lá lốt

Lá lốt có tính ấm, có mùi thơm được sử dụng nhiều trong các bài thuốc dân gian với tác dụng kháng viêm, giảm đau. Đối với các bệnh về xương khớp, lá lốt đem đến hiệu quả lớn trong việc giảm sưng tấy, giảm căng thẳng, nhức mỏi, các vấn đề khó chịu liên quan đến bệnh xương khớp gây ra, từ đó làm nâng cao chức năng, sức khỏe của xương khớp, giúp cân bằng lại trạng thái hoạt động bình thường và thoái hóa đốt sống lưng cũng có thể được điều trị được bằng phương pháp này.

Chữa thoái hóa đốt sống lưng bằng lá lốt
Chữa thoái hóa đốt sống lưng bằng lá lốt

Có nhiều cách để sử dụng lá lốt cho điều trị thoái hóa cột sống lưng và 2 cách dưới đây là 2 cách chính hay được dùng nhất:

Cách 1: Kết hợp chung giữa lá lốt, ngải cứu và giấm

Nguyên liệu: 20 gram lá ngải cứu, 20 gram lá lốt, 300 gram giấm gạo.

Cách làm:

  • Bước 1: Rửa sạch nguyên liệu, để ráo nước.
  • Bước 2: Cho lá lốt, ngải cứu và giấm gạo vào nồi rồi đun sôi hỗn hợp lên, cho nhỏ lửa khoảng 15 phút, tắt bếp.
  • Bước 3: Chắt phần dung dịch đun sôi thu được, loại bỏ bã, cặn hoặc bạn có thể tiết kiệm hơn bằng cách giữ lại bã đấy để đắp lên lưng.
  • Bước 4: Sử dụng thuốc thu được tẩm với bông gòn xoa lên vùng có cảm giác đau nhức.

Bạn có thể áp dụng thêm các động tác xoa bóp để tăng tác dụng của thuốc. Nếu sử dụng không hết thì đổ vào lọ, đậy nắp chặt để bảo quản để lần sau sử dụng tiếp. Phương pháp này áp dụng ngày 2 – 3 lần/ ngày để có được kết quả tốt nhất.

Cách 2: Kết hợp lá lốt với sữa tươi

Nguyên liệu: 100 gram lá lốt và 300ml sữa bò tươi

Cách làm:

  • Bước 1: Đem lá lốt đi rửa sạch rồi cho xay hoặc nghiền nhỏ để chắt lấy nước cốt.
  • Bước 2: Hòa sữa tươi với nước cốt lá lốt.
  • Bước 3: Cho hỗn hợp vào nồi đem đi đun nóng.
  • Bước 4: Uống hỗn hợp đó khi còn ấm, sử dụng ngày 1 lần.

Kiên trì sử dụng phương pháp này sẽ thấy được hiệu quả sau 10 ngày điều trị.

Kết hợp lá lốt với sữa tươi chữa thoái hóa đốt sống thắt lưng
Kết hợp lá lốt với sữa tươi chữa thoái hóa đốt sống thắt lưng

Sử dụng rượu hạt gấc để điều trị thoái hóa đốt sống lưng

Trong y học Cổ truyền, hạt gấc có vị đắng, ngọt, tính ôn, quy vào 2 kinh Đại tràng và Can, có tác dụng trị lở loét, chống viêm, sưng tấy và giảm đau trên các bệnh liên quan xương khớp rất hiệu quả.

Chuẩn bị nguyên liệu làm rượu hạt gấc: 2-3 quả gấc lấy hạt, 2 lít rượu trắng.

Cách làm:

  • Bước 1: Đem hạt gấc đi phơi khô hoặc sấy.
  • Bước 2: Hạt khô được nướng đến khi vỏ hạt cháy xém và phần nhân hạt có màu vàng.
  • Bước 3: Hạ thổ toàn bộ chỗ hạt đã sao đến khi nguội hẳn sau đó tách hết lớp vỏ bên ngoài.
  • Bước 4: Giã, nghiền hạt thật mịn rồi cất trong bình thủy tinh có nắp đậy.
  • Bước 5: Cho rượu vào bình và đậy kín. Bảo quản rượu trong khoảng thời gian 1 tháng, khi rượu chuyển sang màu đỏ là có thể sử dụng được.

Dùng rượu để xoa bóp với tần suất 2 lần/ ngày và kiên trì đến khi tình trạng bệnh thuyên giảm.

Cần lưu ý: Nên phơi từ 3-5 nắng và phải dùng hạt gấc đã sao không được sử dụng hạt sống để ngâm.

Bài tập thể dục chữa thoái hóa cột sống thắt lưng

Các bài tập làm kéo dãn cơ lưng, cơ bụng, di động cột sống,… giúp ta phòng và điều trị thoái hóa đốt sống lưng. Khi áp dụng các động tác này đúng phương pháp, thường xuyên, kiên trì thì kết quả điều trị rất tốt và đặc biệt nó còn tăng cường sức khỏe cho người tập. Người tập nên thực hiện các động tác này 2 lần/ ngày, mỗi động tác sẽ lặp lại 10 lần. Dưới đây là 5 bài tập thể dục có tác động rất tốt đối với người bị thoái hóa cột sống thắt lưng:

Bài tập kéo dãn cơ lưng bên chân co: Nằm trên thảm có bề mặt phẳng, một chân duỗi thẳng, bàn chân thẳng lên vuông góc với mặt đất. Chân còn lại sẽ co gối lên, 2 tay ôm lấy chân ép sát vào người đồng thời kết hợp hít vào. Giữ nguyên tư thế đấy trong 3 đến 5 giây rồi duỗi thẳng chân ra về vị trí ban đầu và thở ra. Tiếp tục bài tập, đổi chân.

Bài tập kéo dãn cơ lưng 2 bên: Co 2 chân lên, ép sát về phía ngực, hít vào. Sau đó duỗi 2 chân ra về vị trí ban đầu, thở ra.

Bài tập cho xương chậu – Nghiêng người:

  • Bài nhẹ: Co 2 chân, bàn chân đặt sát mặt đất. Hít vào, gồng cơ bụng, ấn mặt lưng xuống nền. Sau đó thả lỏng cơ bụng, thở ra.
  • Bài tập tăng tiến: Nằm thẳng, chân co lên, 2 bàn chân đặt trên mặt đất, lưng áp sát với mặt đất. Nhấc mông lên đồng thời hít vào, hạ mông xuống, thở ra.

Bài tập kéo dãn cơ bên cột sống: 2 tay đan sau gáy. Gập 2 chân lại, nghiêng người sang trái, chân càng ép sát mặt đất càng tốt, hít vào. Về vị trí cũ, thở ra. Lặp lại động tác, đổi bên.

Bài tập di động cột sống: Nằm úp, chống 2 tay, 2 chân xuống đất, bàn tay xòe rộng. Bắt đầu: hóp bụng lại, hít vào. Uốn cong lưng lên, đầu cúi xuống, ngẩng đầu, hạ lưng xuống, ưỡn ngực, thở ra. Chân tay không được di chuyển trong quá trình tập và thực hiện bài tập luân phiên, liên tục.

Bài tập thể dục chữa thoái hóa cột sống thắt lưng
Bài tập thể dục chữa thoái hóa cột sống thắt lưng

Phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu

Các liệu pháp này cho kết quả trong việc kiểm soát và làm giảm các triệu chứng rất tốt. Các phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu gồm có:

  • Châm cứu.
  • Xoa bóp.
  • Nắn chỉnh các khớp xương ở cột sống lưng.
  • Kích thích điện.
  • Điều trị bằng siêu âm.
Phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu
Phương pháp điều trị bằng vật lý trị liệu

Điều trị bằng thuốc đông y

Các bài thuốc đông y sẽ có tác dụng loại trừ căn nguyên của bệnh, Làm giảm các triệu chứng như đau nhức, mỏi… đồng thời tăng khả năng hồi phục, chữa làm các tổn thương ở các đốt sống lưng. Điều trị bằng thuốc đông y đem đến hiệu quả chậm nhưng an toàn vì vậy người bệnh cần kiên trì trong quá trình sử dụng thuốc và phương pháp này chỉ được chỉ định cho những trường hợp từ nhẹ đến vừa, còn các bệnh nhân có chuyển biến nặng thì cần áp dụng thuốc tây y, nếu quá nghiêm trọng thì phải phẫu thuật.

Dưới đây là một số bài thuốc hay được sử dụng cho bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng:

Bài thuốc trị thoái hóa đốt sống lưng thể cấp tính

Gồm có: 12g đỗ trọng, 12g độc hoạt, 12g mẫu đơn trắng, 12g phục linh, 12g tang ký sinh, 12g lan căn, 12g sinh địa, 16g tần quy, 16g đẳng sâm, 8g quế chi, 8g thanh táo, 8g phụ tử chế, 6g trôm lay.

Dùng sắc để uống. Sắc thành 3 chén, 1 chén cô đặc chia thành 2 phần để uống trong ngày. 1 thang/ngày, uống liên tục trong 10 ngày (1 liệu trình). Dùng 2 đến 3 liệu trình là có thể thấy được hiệu quả.

Bài thuốc có tác dụng tăng cường sức khỏe, thông kinh hoạt lạc, thanh trừ ứ trệ, khu phong, loại bỏ hàn khí.

Chữa trị thoái hóa cột sống lưng do hàn thấp xâm nhập

Gồm có: 10g phục linh, 6g can khương, 12g ngưu tất, 12g khương hoạt, 12g thiên tinh sơn kế, 12g tang ký sinh.

Sắc thành 3 chén nước thu được 1 chén nước cô đặc chia thành 2 lần uống/ngày. Ngày uống 1 thang đến khi thấy bệnh thuyên giảm.

Bài thuốc có tác dụng: Loại trừ hàn thấp xâm nhập, tán huyết ứ, giảm đau nhức tê bì chân tay, thông kinh hoạt lạc.

Điều trị thoái hóa đốt sống lưng mãn tính

Gồm: 15g kê huyết đằng, 12g mẫu đơn đỏ, 9g cát căn, 9g quế chi, 18g hoàng kỳ, 6g sinh khương, 4 quả táo tàu.

Sắc thuốc với 2 lít nước. Đun lửa nhỏ đến khi cô lại được 3 chén con. Chia nước thuốc thành 3 phần làm 3 lần uống/ ngày. Uống sau ăn. Sử dụng từ 10-20 ngày, 1 thang/ ngày.

Điều trị thoái hóa đốt sống lưng do tuổi tác

Gồm: 12g kỷ tử, 12g thạch thiềm, 12g đỗ trọng, 12g tục đoạn, 8g dây tơ hồng, 8g thiên kinh sơn kế, 8g bổ cốt chỉ, 14g thục địa, 14g độc hoạt, 16g tang ký sinh, 16g khương hoạt.

Sắc với 2 lít nước, cho nhỏ lửa đến khi cạn còn 750ml. Lọc lấy nước uống chia thành 3 phần uống sau ăn, uống lúc ấm. 1 thang thuốc/ngày. Điều trị trong 20 ngày sẽ thấy được hiệu quả.

Điều trị thoái hóa đốt sống thắt lưng bằng thuốc đông y
Điều trị thoái hóa đốt sống thắt lưng bằng thuốc đông y

Chữa thoái hóa đốt sống lưng cho người lao động nặng

Đối với điều trị cho trường hợp này, bệnh nhân cần lưu ý nghỉ ngơi điều độ, hạn chế nhất tạo áp lực lên cột sống lưng.

Bài thuốc bao gồm: 10g nụ hồng, 10g sơn cúc cùng, 10g ngưu tất, 12g sinh khương, 12g tần giao, 12g mạt dược, 8g địa long, 6g rễ cây củ gấu, 8g hàn hiệu trùng phẩn, 8g đào nhân, 16g tần quy, 4g lây trôm.

Sắc lấy 2 lít nước, đun nhỏ đến khi cô lại còn 600 – 750ml, lọc lấy nước chia thành 3 phần, mỗi phần uống sau bữa ăn. Sử dụng 1 thang thuốc trên ngày. Kiên trì dùng thuốc từ 20-30 ngày.

Bài thuốc này sẽ làm tăng cường tuần hoàn máu, ngăn chặn tình trạng thoái hóa tiến triển, cải thiện chức năng của các đốt sống lưng, giảm nhẹ triệu chứng và đẩy nhanh mức độ phục hồi.

Những điều cần lưu ý khi điều trị bằng phương pháp Đông y:

  • Cần thăm khám để chẩn đoán chính xác bệnh trước khi sử dụng thuốc đông y.
  • Hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ một phương pháp nào.
  • Không tự ý bốc thuốc tại các cơ sở bán thuốc đông y không rõ nguồn gốc, cần có sự chỉ định của bác sĩ, lương  y thì mới được dùng.
  • Lưu ý sử dụng thuốc theo đúng như đã kê. Không tự ý điều chỉnh liều lượng hoặc lạm dụng thuốc vì có thể làm giảm hiệu quả, mất đi hiệu quả, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người sử dụng.
  • Áp dụng các bài thuốc đông y vào chữa thoái hóa cột sống thắt lưng là một cách an toàn, ít tác dụng phụ, hiệu quả đem lại cũng rất cao tuy nhiên vẫn cần phải thận trọng với các trường hợp sau: Người có vấn đề về gan, thận, phụ nữ mang thai và cho con bú, bệnh nhân bị tiểu đường.
  • Khi sử dụng thuốc đông y để điều trị bệnh, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng phụ sau: rối loạn tiêu hóa, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, hoa mắt,… Nếu có các triệu chứng bất thường trong quá trình dùng thuốc thì bạn nên tham khảo ngay với thầy thuốc để có biện pháp xử trí phù hợp.
  • Có thể kết hợp với các phương pháp vật lý trị liệu như châm cứu, xoa bóp theo chỉ định để làm giảm triệu chứng đau mỏi, ngăn ngừa thoái hóa.
  • Cần có một chế độ ăn uống, sinh hoạt điều độ, lành mạnh. Hạn chế mang vác nặng, ngồi sai tư thế, ngồi lâu,… tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức khỏe đốt sống lưng, tránh ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
Những điều cần lưu ý khi điều trị bằng phương pháp Đông y
Những điều cần lưu ý khi điều trị bằng phương pháp Đông y

Điều trị bằng thuốc tây y

Thuốc tây y để điều trị thoái hóa đốt sống lưng cần có sự kê đơn của bác sĩ chuyên khoa thì mới được phép sử dụng . Vì vậy bệnh nhân cần thăm khám để được chẩn đoán và xác định rõ các loại thuốc cần trong quá trình điều trị.

Bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thuốc giãn cơ, giảm co thắt cơ để làm giảm các triệu chứng mà không cần có sự kê đơn của bác sĩ. Tuy nhiên bệnh nhân không nên lạm dụng thuốc vì có thể gây ảnh hưởng lớn tới gan và thận.

Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho các đối tượng sau:

  • Thoái hóa đốt sống diễn biến nặng, kéo dài, đã điều trị các biện pháp khác mà không có hiệu quả.
  • Mức độ tổn thương nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến các chức năng đến các cơ quan khác như trường hợp phóng bế dây thần kinh bị chèn ép dẫn đến tê liệt, làm yếu hoặc làm mất đi sự kiểm soát của ruột vào bàng quang.

Phẫu thuật có thể điều trị được hoàn toàn bệnh nhưng cũng có thể để lại di chứng sau phẫu thuật. Bệnh nhân cần lưu ý nên khám tổng quát toàn bộ cơ thể, kiêng những thực phẩm, hoạt động mạnh theo đúng yêu cầu của bác sĩ để hạn chế được những rủi ro trước khi làm phẫu thuật.

Phẫu thuật điều trị thoái hóa đốt sống nặng
Phẫu thuật điều trị thoái hóa đốt sống nặng

Phác đồ chẩn đoán thoái hóa đốt sống thắt lưng

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khám các triệu chứng đang xuất hiện và sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán bệnh:

  • Xét nghiệm máu toàn phần.
  • Chụp X-quang  tư thế thẳng và nghiêng để phát hiện được cột sống bị hẹp, gai xương sống, hẹp lỗ liên hợp đốt sống.
  • Chụp cộng hưởng từ.

Những lưu ý khi mắc thoái hóa đốt sống lưng

  • Bệnh nhân không được tự ý điều trị tại nhà hay điều trị tại các phòng khám không có chứng chỉ hành nghề.
  • Khi xuất hiện các triệu chứng người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán và chữa bệnh, tránh để lâu gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng.
  • Không được lạm dụng các thuốc chống viêm steroid và thuốc giảm đau vì dùng nhiều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến gan, thận.
  • Trong quá trình điều trị bệnh nhân nên hạn chế các tư thế, hoạt động tạo áp lực cho cột sống lưng như ngồi sai tư thế, ngồi lâu, khiêng vác nặng…
  • Cần hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi sử dụng các biện pháp điều trị như dùng thuốc đông y, vật lý trị liệu, sử dụng các thực phẩm chức năng,…
  • Nên thường xuyên thực hiện các bài tập cho đốt sống lưng, đây là một biện pháp hữu hiệu, dễ thực hiện cho bệnh nhân thoái hóa cột sống lưng. Không chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh mà còn tăng cường chức năng của cột sống, ngăn ngừa bệnh tái phát trở lại.

Những câu hỏi thường gặp

Thoái hóa đốt sống lưng có nguy hiểm không?

Thoái hóa đốt sống lưng là một bệnh mạn tính, thường ít có biểu hiện ra ngoài qua những cơ đau mỏi thoáng qua nên hay được phát hiện chậm. Rất ít bệnh nhân của thoái hóa đốt sống lưng có tình trạng bệnh nặng, đối với trường hợp này thì cần được phẫu thuật kịp thời để tránh không làm ảnh hưởng đến chức năng của các bộ phận khác. Tuy nhiên thoái hóa đốt sống lưng không gây nguy hiểm cho bệnh nhân nhưng các triệu chứng của bệnh lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý người bệnh khiến năng suất làm việc của họ bị suy giảm.

Thoái hóa đốt sống lưng có nguy hiểm không?
Thoái hóa đốt sống lưng có nguy hiểm không?

Bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn không?

Đối với các trường hợp bị nhẹ, nguyên nhân gây bệnh là do các hoạt động hằng ngày như ngồi lâu, ngồi sai tư thế thì có thể điều trị dứt điểm nếu người bệnh thay đổi cách sinh hoạt và dùng thuốc đều đặn. Các trường hợp thoái hóa đốt sống nặng hoặc do tuổi già thì khả năng phục hồi là rất khó và mất nhiều thời gian hơn so với bệnh nhẹ. Ngày nay các công nghệ hiện đại đã có thể chữa trị được cho các đối tượng bệnh nặng nhưng khả năng tái phát thì vẫn sẽ xảy ra và việc phẫu thuật cũng vậy, có thể trị được hoàn toàn nhưng có thể gây các biến chứng khác sau khi phẫu thuật.

Thoái hóa đốt sống lưng nên ăn gì?

Chế độ ăn uống lành mạnh không chỉ đem lại sức khỏe cho cột sống mà còn cho toàn bộ cơ thể của bạn. Cần phải cân bằng cách đưa thức ăn vào cơ thể, nếu chế độ ăn uống quá nghèo nàn trong thời gian dài thì sẽ gây thiếu dinh dưỡng cho xương khớp dẫn tới bệnh có thể diễn biến nặng hơn. Nếu thừa chất, người bệnh sẽ bị béo phì, đây là một nguyên nhân dẫn tới thoái hóa đốt sống lưng.

Người thoái hóa đốt sống lưng cần bổ sung các thực phẩm giàu canxi, rau củ quả, các loại nấm, các thực phẩm giàu Omega-3 như cá béo.

Khám thoái hóa đốt sống ở đâu?

Để đảm bảo được cho việc chẩn đoán và điều trị thì bệnh nhân cần tới khám tại các bệnh viện lớn. Dưới đây là những bệnh viện chuyên khám xương khớp tốt nhất tại Hà Nội mà nhà thuốc Ngọc Anh cập nhật được, gồm có:

  • Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108.
  • Bệnh viện Bạch Mai.
  • Bệnh viện Việt Đức.
  • Bệnh viện E.
  • Bệnh viện Việt Pháp.

Tại TP. Hồ Chí Minh có:

  • Bệnh viện Nhân Dân 105.
  • Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM.
  • Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy.
  • Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
  • Phòng khám Quốc tế Exson.
  • Phòng khám Việt Sin.

Trên đây là những thông tin cần thiết về bệnh thoái hóa đốt sống lưng mà Nhà thuốc Ngọc Anh xin gửi đến các bạn độc giả. Mong rằng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh này, nếu có bất kỳ câu hỏi nào cần giải đáp hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Xem thêm:

Đau mỏi vai gáy: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Tài liệu tham khảo

Tác giả: Chester J. Donnally III ; Andrew Hanna ; Matthew Varacallo, Lumbar Degenerative Disk Disease, NCBI, đăng ngày 25 tháng 8 năm 2021. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here