Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

nhathuocngocanh.comSuy hô hấp ở trẻ sơ sinh là tình trạng phổ biến hiện nay, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Tuy nhiên, có rất ít người có thể nhận biết được bệnh lý này. Để có thêm hiểu biết về suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, mời mọi người tham khảo bài viết sau đây của Nhà thuốc Ngọc Anh.

Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là gì?

Chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, hay còn được gọi là bệnh màng trong, thường gặp trong những ngày đầu sau khi sinh, đặc biệt là những trẻ sinh < 37 tuần tuổi. Sau khi mới chào đời, do tình trạng phổi của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến thiếu hoạt chất tạo nên tính hoạt động bề mặt phổi – Surfactant, làm giảm diện tích bề mặt phế nang dành cho sự trao đổi khí. Chính vì thế gây ra tình trạng suy hô hấp ở trẻ, với các triệu chứng như cánh mũi phập phồng sớm sau khi sinh, thở rên, sử dụng cơ hô hấp phụ, co kéo cơ hô hấp, khó khăn trong việc hô hấp bình thường.

Nguyên nhân nào dẫn đến suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến suy hô hấp ở trẻ sơ sinh như:

  • Sinh non: Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, do phổi của trẻ sinh non thường chưa phát triển đầy đủ, còn thiếu hoạt chất hoạt động bề mặt Surfactant – chất cần thiết cho sự giãn nở và co rút lại của phổi. Khi thiếu Surfactant, phế nang sẽ bị xẹp, làm cho huyết tương tràn vào phế nang. Khi đó, chất fibrin có trong huyết tương sẽ lắng đọng ở phế nang và các tiêu phế quản tạo thành một lớp màng ngăn cản lưu thông khí và trao đổi oxy, do đó, CO2 sẽ qua phế nang vào các mao mạch gây ra suy hô hấp.
  • Hội chứng hít nước ối: Nguyên nhân gây ra hội chứng này là do trẻ bị ngạt bào thai, dẫn đến trẻ thở sớm trước khi sinh và vô tình hít phải nước ối. Chính vì thế, khi chào đời, cơ thể trẻ tím tái, bị ngạt thở, mũi miệng đầy nước ối, có khi có cả phân su, dẫn đến tình trạng suy hô hấp ngay sau khi sinh. Trẻ sơ sinh mắc hội chứng này thường có tiên lượng rất xấu.
  • Trẻ bị ngạt trước sinh: Nguyên nhân là do tế bào phế nang không cung cấp đủ lượng oxy để sản xuất hoạt chất tạo tính bề mặt Surfactant. Do đó, sau thời gian thở bình thường, phổi của trẻ sẽ thiếu Surfactant, dẫn đến nhiều phế nang bị xẹp gây ra hội chứng suy hô hấp.
  • Viêm phổi: Thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, do nhiễm khuẩn phổi như hít phải nước ối, phân su đã nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn từ môi trường, dụng cụ, người chăm sóc,…, với những triệu chứng như sốt nhẹ, thở nhanh hoặc khó thở, bú kém hoặc bỏ bú. Khi bệnh tiến triển nặng có thể biến chứng thành suy hô hấp.

Ngoài ra, trẻ mắc suy hô hấp còn do một số nguyên nhân khác như:

  • Tại đường hô hấp: Tràn máu màng phổi, chảy máu phổi, tịt lỗ mũi sau, kén khí bẩm sinh.
  • Ngoài đường hô hấp: Dị dạng lồng ngực, tim bẩm sinh, viêm màng nào, xuất hiện trong sọ, ngộ độc Morphin, đa hồng cầu, mất máu cấp, hạ thân nhiệt,…
  • Gia đình có tiền sử suy hô hấp, người mẹ mang đa thai, mẹ bị tiểu đường, trong thời kỳ mang thai lượng máu cung cấp cho thai nhi bị suy giảm.
  • Sinh mổ, ngạt và xuất huyết trước sinh.
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là gì?
Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là gì?

Triệu chứng của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Thông thường các triệu chứng của hội chứng suy đường hô hấp ở trẻ sơ sinh xuất hiện ngay lập tức hoặc trong vài giờ sau khi sinh. Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp là:

  • Xuất hiện ngay sau khi sinh: thở nhanh (nhanh hơn 60 lần/ phút) hoặc thở chậm (chậm hơn 30 lần/ phút), thở rên, gắng sức, khó thở đột ngột, dữ dội.
  • Xuất hiện trong vòng vài giờ sau sinh: rút lõm hõm ức, rút lõm lồng ngực, co kéo lồng lực và các cơ liên sườn, cánh mũi phập phồng.
  • Khi xẹp phổi và suy hô hấp tiến triển: cơ thể tím tái, li bì, tim đập nhanh do thiếu oxy trầm trọng, thở không đều, thở khò khè, có thể ngưng thở.

Các triệu chứng kể trên tương đối giống với triệu chứng của một số bệnh lý liên quan đến hô hấp và nhiễm trùng khác. Chính vì thế, khi phát hiện ra trẻ có những biểu hiện bất thường trên, bố mẹ cần phải liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị kịp thời.

Biến chứng của suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, hội chứng suy hô hấp ở trẻ sẽ tiến triển, đe dọa đến tính mạng trẻ và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Một số biến chứng do suy hô hấp có thể xảy ra đối với trẻ sơ sinh là:

  • Xuất huyết não thất, tổn thương chất trắng quanh não thất, có thể gây ra khuyết tật trí tuệ, bại não hoặc chậm phát triển.
  • Tràn khí màng phổi, xuất huyết phổi, loạn sản phế quản phổi, viêm phổi.
  • Nhiễm khuẩn máu, hình thành huyết khối trong cơ thể.
  • Thị lực suy giảm, thậm chí mù mắt, bệnh lý võng mạc.
  • Xuất hiện không khí xung quanh tim, tổn thương tim bẩm sinh.
  • Suy nhược thần kinh, suy thận.

Biến chứng gặp ở mỗi trẻ là khác nhau, tùy vào tình trạng và mức độ tiến triển bệnh của trẻ.

Các cách chẩn đoán suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Dưới đây là một số cách chẩn đoán suy hô hấp ở trẻ sơ sinh:

Dấu hiệu lâm sàng

– Đo tần số thở thấy nhịp thở thay đổi: Lúc thở nhanh (nhanh hơn 60 lần/ phút), lúc thở chậm (chậm hơn 30 lần/ phút), có cơn ngưng thở.

– Triệu chứng thở gắng sức: Thở rên, phập phồng cánh mũi, rút lõm lồng ngực.

– Da và niêm mạc: Xuất hiện tím quanh môi, tím đầu chi hoặc toàn thân, vã mồ hôi.

– Nghe nhịp tim: Ban đầu nhịp tim nhanh, sau nhịp tim chậm dần, có thể bị rối loạn nhịp tim hoặc ngưng tim.

– Thần kinh: Trẻ bị kích động, giảm trương lực cơ, mất các phản xạ, bỏ bú, li bì, hôn mê.

– Đo và theo dõi chỉ số SaO2 (độ bão hòa oxy trong máu), nếu SaO2 < 90% thì chẩn đoán suy hô hấp.

– Xác định mức độ suy hô hấp:

  • Thở rít ở thì hít vào: Tắc nghẽn thanh quản hoặc khí quản.
  • Thở rít cả 2 thì: Tắc nghẽn thanh quản hoặc khí quản nặng.
  • Thở khò khè ở thì thở ra và thở ra kéo dài: Tắc nghẽn đường hô hấp dưới.
  • Thở rên ở thì thở ra: Suy hô hấp rất nặng.
  • Nghe phổi thấy phổi câm: Suy hô hấp rất nặng.
  • Khi SpO2 < 92% thở không oxy hoặc SpO2 < 95% thở có oxy: Suy hô hấp rất nặng.
Cung cấp oxy cho trẻ
Cung cấp oxy cho trẻ

Dấu hiệu cận lâm sàng

Thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Khí máu động mạch: Khi PaO2 < 50-60 mmHg và/ hoặc PaCO2 > 60 mmHg và pH < 7.25, thì trẻ sơ sinh được chẩn đoán là suy hô hấp.
  • Chụp X-quang phổi: Xác định nguyên nhân gây ra suy hô hấp như viêm phổi, tràn khí màng phổi, dị vật đường thở,… để có biện pháp điều trị phù hợp.
  • Xét nghiệm công thức máu: Huyết sắc tố, bạch cầu, tiểu cầu.
  • Xét nghiệm sinh hóa máu: Xác định rối loạn sinh hóa đi kèm, thường là tăng kali, giảm canxi máu.
  • Xét nghiệm vi sinh: Phân tích dịch nội khí quản, test cúm, cấy dịch tỵ hầu,…

Phác đồ điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh được xem là một thử thách lớn vì trẻ cần phải theo dõi và chăm sóc liên tục, kết hợp với phương pháp điều trị đúng đắn, kịp thời. Tùy vào nguyên nhân gây suy hô hấp và mức độ của bệnh mà có phương pháp điều trị khác nhau, nhưng vẫn phải dựa trên những nguyên tắc sau:

Khai thông đường thở

Mục đích: Thông thoáng đường thở, giải quyết nguyên nhân gây tắc nghẽn, chèn ép đường thở.

Phương pháp:

  • Đặt tư thế đúng.
  • Hút dịch mũi họng.
  • Kích thích cho khóc hoặc giúp thở qua miệng bằng cách đặt ống thông miệng hầu trong trường hợp tắc mũi sau.

Cung cấp oxy

Mục đích: Giữ SpO2 trong khoảng 90-95%.

Phương pháp: Tùy vào tình trạng và mức độ suy hô hấp của trẻ mà có các cách cung cấp oxy khác nhau như: thở máy, thở oxy qua ống thông 2 mũi (cannula), thở NCPAP (thở áp lực dương liên tục qua mũi),…

Thở oxy cho trẻ trong trường hợp:

  • Trẻ bị tím tái và/ hoặc PaO2 < 60mmg và/ hoặc SaO2 < 92%.
  • Trẻ xuất hiện có rút lồng ngực, thở nhanh trên 70 lần/ phút.

Nguyên tắc: Thực hiện khẩn trương, tích cực, đảm bảo nồng độ oxy thích hợp.

Điều trị nguyên nhân

Các bệnh lý cần có sự can thiệp của ngoại khoa: Teo thực quản bẩm sinh, teo, tịt lỗ mũi sau, thoát vị hoành, hội chứng Pierre – Robin,…

Các bệnh lý cần có sự can thiệp của nội khoa:

  • Tràn khí màng phổi: lượng nhiều cần dẫn lưu.
  • Viêm phổi do hít phải phân su: bơm surfactant.
  • Cơn ngưng thở ở trẻ sinh non: dùng cafein citrat.
  • Ngộ độc Morphin hoặc dẫn xuất Morphin: dùng Naloxon.
Điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bằng thở áp lực dương liên tục
Điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh bằng thở áp lực dương liên tục

Điều trị hỗ trợ

  • Đảm bảo cung cấp đầy đủ oxy cho mô và tế bào.
  • Cung cấp đủ năng lượng cho bé, có thể bơm sữa qua sonde dạ dày hoặc đường tĩnh mạch.
  • Đảm bảo chăm sóc bé ở nhiệt độ môi trường thích hợp.
  • Điều trị nhiễm trùng: Dùng các loại kháng sinh phổ rộng.
  • Điều trị toan máu: Bù Bicarbonat khi toan chuyển hóa nặng.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp

Lập một kế hoạch chăm sóc trẻ sơ sinh bị suy hô hấp là rất quan trọng. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà các ông bố, bà mẹ có thể tham khảo:

  • Theo dõi thân nhiệt của trẻ bằng nhiệt kế xem trẻ có sốt hay không.
  • Theo dõi trẻ thường xuyên để phát hiện các biểu hiện bất thường của đường hô hấp.
  • Thường xuyên vệ sinh mũi miệng cho trẻ bằng dụng cụ hút mũi miệng hoặc sử dụng nước muối sinh lý 0,9% để loại bỏ dịch nhầy, tránh tắc mũi, nghẹt mũi, gây khó khăn trong việc bú của trẻ.
  • Nới rộng và bỏ bớt quần áo cho trẻ, bế bé ở tư thế ngửa cao đầu để bé dễ thở hơn.
  • Thường xuyên hút đờm cho trẻ.
  • Bố mẹ nên học cách sơ cứu trong trường hợp có dị vật trong đường hô hấp của trẻ, gây tắc nghẽn đường thở, để dị vật có thể lấy ra càng sớm càng tốt, vì thời gian đến bệnh viện là quá lâu.
  • Nếu trẻ ho nhiều dẫn đến nôn trớ thì bố mẹ nên cho trẻ uống nước ấm để làm loãng đờm, dịch nhầy, dịu bớt cơn ho, hoặc có thể sử dụng các loại siro ho chiết xuất từ thảo dược tự nhiên. Trong trường hợp ho nhiều khiến trẻ tím tái thì bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám.
  • Người mẹ nên bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể để cho trẻ bú sữa mẹ, tránh tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ.
  • Khử trùng và vệ sinh sạch sẽ các dụng cụ dùng cho trẻ hàng ngày.

Cách phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Trẻ bị sinh non sẽ có nguy cơ bị suy hô hấp cao hơn những đứa trẻ khác vì thế cần giảm nguy cơ sinh con sớm. Thai phụ cần cố gắng duy trì các thói quen tốt, chế độ ăn uống lành mạnh, tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và các tác động xấu khác trong thời kỳ mang thai. Trong trường hợp bắt buộc phải sinh sớm, bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ dùng các thuốc giúp tăng tốc độ phát triển của phổi, não và thận, để tăng sản xuất chất hoạt động bề mặt phổi, ngăn ngừa và giảm khả năng suy hô hấp ở trẻ.

Các biện pháp giúp thai phụ đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ đến khi phổi của trẻ phát triển đầy đủ:

  • Thăm khám thai kỳ đầy đủ trong thời kỳ mang thai.
  • Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể mẹ và bé.
  • Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá,… và tránh xa khói thuốc lá.
  • Ngăn ngừa tình trạng nhiễm trùng thai kỳ.
  • Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào thì phải liên hệ ngay với bác sĩ để được thăm khám và tư vấn.
Thăm khám thai định kỳ để phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh
Thăm khám thai định kỳ để phòng ngừa suy hô hấp ở trẻ sơ sinh

Một số câu hỏi liên quan

Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp có nguy hiểm không?

Hiện nay, suy hô hấp là một tình trạng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Đây là một bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại nhiều di chứng, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển của trẻ, một số trường hợp có thể tử vong. Qua đây có thể thấy, suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý hết sức nguy hiểm, bố mẹ cần trang bị cho mình các kiến thức cơ bản của bệnh lý này và phải theo dõi và chăm sóc trẻ thường xuyên, nếu phát hiện bất kỳ bất thường nào về đường hô hấp của trẻ cần đưa trẻ ngay đến bệnh viện để kiểm tra.

Có phải trẻ sinh non dễ bị suy hô hấp hơn không?

Sinh non là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, thường xuất hiện sau khi chào đời vài phút đến 2 giờ. Vì phổi của trẻ sinh non thường chưa phát triển đầy đủ, còn thiếu hoạt chất hoạt động bề mặt Surfactant, dẫn đến suy hô hấp. Ngoài ra, các trường hợp sinh non thường là do người mẹ và bé có thể gặp các sự cố trong quá trình mang thai như trẻ bị ngạt bào thai, người mẹ bị xuất huyết,… Chính vì thế, trẻ sinh non dễ bị suy hô hấp hơn, trẻ càng sinh thiếu nhiều tuần tuổi thì càng dễ bị suy hô hấp.

Tất cả thông tin trong bài viết trên về suy hô hấp ở trẻ sơ sinh chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ và các chuyên gia y tế khác. Nếu còn bất kỳ câu hỏi nào cần giải đáp hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi.

Xem thêm:

SUY HÔ HẤP CẤP

Tài liệu tham khảo

Tác giả: chuyên gia của Mayo Clinic Staff, ARDS, Mayo Clinic, đăng ngày 13 tháng 06 năm 2020. Truy cập ngày 07 tháng 12 năm 2021.

One thought on “Suy hô hấp ở trẻ sơ sinh: nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Trả lời (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. Bạn chỉ được tải lên hình ảnh định dạng: .jpg, .png, .gif Drop file here