Rối loạn thần kinh chức năng: Khái niệm, triệu chứng, điều trị

Xuất bản: UTC +7

Cập nhật lần cuối: UTC +7

Tác giả: ThS. Đinh Việt Hùng

Bài viết Rối loạn thần kinh chức năng: Khái niệm, triệu chứng, điều trị được trích trong sách Rối loạn lo âu của Nhà xuất bản Y học.

1. Khái niệm

Thuật ngữ rối loạn thần kinh chức năng (rối loạn chuyển đổi) được sử dụng trong DSM5 để chỉ các triệu chứng hoặc các khó khăn trong vận động chủ ý và cảm giác, dễ nhầm với các bệnh thực tổn, nhưng chúng là các rối loạn do căn nguyên tâm lý gây ra do có các yếu tố thúc đẩy là các mâu thuẫn hoặc chấn thương tâm lý. Các triệu chứng và khó khăn của rối loạn thần kinh chức năng là không tương xứng với tổn thương thực tổn, không giới hạn trong phạm vi đau hoặc vấn đề tinh dục và không phải là hậu quả của một chất. Các triệu chứng này chống lại yếu tố tâm lý tiên phát, không chống lại xã hội, không có động cơ tài chính và không phạm pháp.

Trước đây, các rối loạn thần kinh chức năng được gọi với tên gọi khác là hysteria, rối loạn phân ly phản ứng.

2. Dịch tễ học

Các triệu chứng của rối loạn thần kinh chức năng nhưng không đủ để chẩn đoán, có thể xảy ra ở 1/3 người dân, trong suốt cuộc đời. Tỷ lệ rối loạn thần kinh chức năng thay đổi từ 11/100.000 đến 300/100.000 dân số. Trong một số cộng đồng dân cư đặc biệt, tỷ lệ rối loạn thần kinh chức năng rất cao, cao hơn bất kỳ một loại rối loạn dạng cơ thể nào. Một số nghiên cứu cho rằng 5 – 15% số bệnh nhân đến khám tâm thần tại các bệnh viện đa khoa là bị rối loạn thần kinh chức năng. Ở người lớn, tỷ lệ nữ/nam là từ 2/1 đến 10/1, còn ở trẻ em, tỷ lệ bệnh cũng cao hơn ở các cháu gái.

Ở phụ nữ, các triệu chứng thường xảy ra ở nửa người bên phải và các triệu chứng phát triển ban đầu giống với rối loạn dạng cơ thể. Bệnh nhân nam thường phát triển trên nền rối loạn nhân cách thể chống đối xã hội, xảy ra sau một tai nạn lao động hoặc tai nạn quân sự.

Khởi phát của rối loạn thần kinh chức năng thường ở cuối tuổi thiếu niên, đầu tuổi thanh niên Bệnh hiếm khi khởi phát trước 10 tuổi và sau 35 tuổi

Rối loạn thần kinh chức năng hay gặp nhất là nhóm người cư trú ở nông thôn, trình độ học vấn thấp, chỉ số thông minh thấp, thuộc tầng lớp thấp của xã hội Tỷ lệ bệnh rất cao ở các quân nhân đang phục vụ quân đội* đặc biệt tại các khu vực có chiến sự.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, rối loạn thần kinh chức năng hay phối hợp với team cảm, lo âu và tâm thần phân liệt. Rối loạn thần kinh chức năng cũng hay gặp ở các bệnh nhân có bệnh ở hệ thần kinh hoặc bệnh cơ thể khác. Khoảng 9 – 40% số bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng phát triển trên nền rối loạn nhân cách thể bị động ằ phụ thuộc và 5 – 21% trên nền rối loạn nhân cách thể kịch tính.

Tuy nhiên, đa số bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng không có yếu tố thúc đẩy là các bệnh cơ thể, bệnh thần kinh hoặc bệnh tâm thần.

3. Bệnh sinh

– Phân tích yếu tố tâm lý: theo lý thuyết phân tích tâm lý, triệu chứng của rối loạn thần kinh chức năng là do các yếu tố vô thức bên trong bị đè nén, chuyển lo lắng thành một triệu chứng cơ thể. Mâu thuẫn là giữa bản năng (ví dụ như kích động hoặc tình dục) và các yếu tố kiềm chế đối với các bản năng đó. Các triệu chứng biểu hiện một phần của những điều bị cấm nhưng ngụy trang nó dưới dạng các triệu chứng cơ thể.

Các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng cũng cho phép bệnh nhân truyền đạt thông tin rằng họ cần được xem xét và điều trị đặc biệt. Các triệu chứng như vậy có thể hoạt động như một phương tiện phi ngôn ngữ để kiểm soát hoặc thao túng người khác.

Các triệu chứng của rối loạn thần kinh chức năng có thể được bệnh nhân học tập trong cuộc sống, giống như học tập các hành vi khác.

– Yếu tố sinh học: có nhiều dữ liệu về các yếu tố sinh học và thần kinh trong việc phát triển của rối loạn thần kinh chức năng. Các nghiên cứu về não bộ đã tìm ra bằng chứng giảm chuyển hóa ở bán cầu chiếm ưu thế và tăng chuyển hóa ở bán cầu không ưu thế có liên quan đến rối loạn thần kinh chức năng.

Các triệu chứng có thể là do sự kích thích vỏ não quá mức, tạo ra các vòng phản hồi âm tính giữa vỏ não và thể lưới. Nồng độ corticoid tăng lên làm giảm nhận thức về cảm giác cơ thể của bệnh: nhân. Điều này có thể giúp giải thích hiện tượng rối loạn cảm giác ở bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng.

4. Triệu chứng

Liệt, mù và câm là các triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn thần kinh chức năng. Rối loạn thần kinh chức năng có thể liên quan đến rối loạn tính cách hiếu chiến, phụ thuộc, chống lại xã hội và đánh lừa người khác. Triệu chứng trầm cảm và rối loạn lo âu thường kèm theo các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng và bệnh nhân bị ảnh hưởng có nguy cơ tự sát cao.

– Triệu chứng cảm giác: trong rối loạn thần kinh chức năng, tê và mất cảm giác là rất phổ biến, đặc biệt là ở các chi. Triệu chứng xảy ra ở tất các các giác quan, nhưng không giống với tổn thương thần kinh trung ương hoặc ngoại vỉ. Vì vậy, các bác sĩ lâm sàng có thể phát hiện triệu chứng tê và mất cảm giác kiểu găng tay ở bàn tay hoặc bàn chân, hoặc tê chính xác ở đường giữa dọc cơ thể.

Triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng có thể liên quan đến các giác quan có ý nghĩa đặc biệt và có thể gây ra điếc, mù lòa và thu hẹp thị trường. Các triệu chứng này có thể là ở một bên hoặc hai bên, nhưng đánh giá thần kinh cho thấy các dây thần kinh cảm giác còn nguyên vẹn. Ví dụ, trong rối loạn thần kinh chức năng thể mù, bệnh nhân đi vòng quanh mà không va chạm hoặc tự chấn thương, đồng tử mắt phản ứng với ánh sáng bình thường và điện não đồ sóng alpha vẫn phản ứng với ánh sáng.

Triệu chứng vận động: các triệu chứng vận động của rối loạn thần kinh chức năng bao gồm các chuyển động bất thường, rối loạn tư thế, yếu và liệt. Có thể xảy những cơn run, múa vòng, tê và giật mình. Các triệu chứng trên thường tồi tệ hơn khi người ta chú ý đến chúng.

Triệu chứng rối loạn tư thế đột biến cực kỳ nhanh chóng, bước đi lảo đảo, các cử động cơ thể thô, bất thường, giật giật và vẫy tay. Bệnh nhân hiếm khi bị ngã, nếu họ tự ngã, họ thường không bị thương.

Bệnh nhân có thể bị yếu hoặc liệt một, hai hoặc cả 4 chi mặc dù phân bố cơ bị liệt không đúng với giải phẫu. Các cơ liệt không bị teo, phản xạ gân xương bình thường, điện cơ không có rối loạn.

Co giật: các cơn co giật (giả động kinh) là một triệu chứng hay gặp trong rối loạn .thần kinh chức, năng. Các bác sĩ lâm sàng có thể khó phân biệt cơn co giật giả động kinh với các cơn động kinh thực sự. Hơn nữa, khoảng 1/3 số bệnh nhân giả động kinh lại cỏ động kinh cùng tồn tại.

Cắn vào lưỡi, đái ra quần và thương tích sau khi ngã có thể xảy ra trong cơn cò giật giả động kinh, nhưng rất hiếm gặp. Phản xạ đồng tử vẫn còn ở cơn co giật giả và bệnh nhân không tặng nồng độ prolactin sau khi co giật.

Các cơn co giật của rối Loạn thần kinh chức năng không bao giờ xuất hiện trong giấc ngủ và không có các phức bộ sóng chậm – nhọn trên điện não đồ (trừ trường hợp bệnh nhân có động kinh thực sự đi kèm).

5. Chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt theo DSM5

5.1. Tiêu chuẩn chẩn đoán

A. Ít nhất 1 triệu chứng chức năng cảm giác hay vận động chủ ý bị thay đổi.

B. Có bằng chứng lâm sàng về sự không thích hợp giữa triệu chứng và thần kinh tiếp nhận hoặc bệnh lý.

C. Triệu chứng hay sự giảm sút chóc năng này không phải do bệnh hay rối loạn tâm thần khác.

D. Triệu .chứng hay sự giảm sút chức năng gây ra các triệu chứng lâm sàng làm bệnh nhân khó chịu nhiều hoặc làm giảm sút đáng kể các chức năng xã hội, nghề nghiệp và một số lĩnh vực quan trọng khác.

Biệt định nếu:

– Yếu hoặc liệt.

– Cử động bất thường.

– Triệu chứng khó nuốt.

– Rối loạn lời nói.

– Cơn Co giật.

– Giảm hoặc mất cảm giác.

– Triệu chứng cảm giác đặc biệt.

– Triệu chứng hỗn hợp.

Biệt định nếu:

– Thời kỳ cấp tính: các triệu chứng kéo dài < 6 tháng.

– Dai dẳng: các triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tháng.

Biệt định nếu:

– Có căng thẳng tâm lý.

– Không có căng thẳng tâm lý.

5.2. Chẩn đoán phân biệt

Một trong những vấn đề chính trong chẩn đoán rối loạn thần kinh chức năng là sự không phù hợp các triệu chóng với các bằng chứng y học. Khoảng từ 18 – 64% số bệnh nhân rối loạn thần kinh chức năng đã từng cỏ các bệnh thần kinh hoặc các bệnh ảnh hưởng đến não. Ước tính từ 25 – 50% bệnh nhân bị rối loạn thần kinh chức năng cuối cùng đã nhận được các chẩn đoán về bệnh thần kinh hay bệnh nội khoa khác. Vì vậy, việc khám và điều trị kỹ lưỡng về thần kinh là cần thiết trong mọi trường hợp. Nếu các triệu chứng có thể được giải quyết bằng gợi ý, ám thị hoặc amobarbital, lorazepam thì chúng có thể là rối loạn thần kinh chức năng.

Các rối loạn thần kinh (ví dụ: chứng sa sút trí tuệ hoặc các bệnh thoái hóa khác), khối u não và bệnh mạch máu não phải được xem xét trong chẩn đoán các trường hợp cấp tính.

Ví dụ: viêm dây thần kinh thị giác có thể bị chẩn đoán sai là rối loạn thần kinh chức năng thể mù. Các rối loạn thần kinh chức năng có thể xảy ra ở bệnh nhân tâm thần phân liệt^ rối loạn trầm cảm và rối loạn lo âu.

Các triệu chứng cảm giác – vận động cũng xảy ra trong rối loạn dạng cơ thể; nhưng rối loạn dạng cơ thể là một bệnh mạn tính, bắt đầu sớm trong cuộc đời và bao gồm các triệu chứng trong nhiều hệ thống cơ quan khác nhau. Các lời phàn nàn về cơ thể là mạn tính và không giới hạn đối với các triệu chứng thần kinh, thái độ và niềm tin nghi bệnh là đặc trưng cho rối loạn dạng cơ thể. Nếu các triệu chứng của bệnh nhân được giới hạn trong cơn đau, rối loạn đau có thể được chân đoán. Bệnh nhân có khiếu nại bị hạn chế về chức năng tình dục được phân loại là có rối loạn chức năng tình dục, chứ không phải rối loạn thần kinh chức năng.

6. Tiến triển và tiên lượng

Sự khởi phát rối loạn thần kinh chức năng thường là cấp tính, nhưng cũng có thể xảy ra hiện tượng tăng dần triệu chứng. Các triệu chứng thường ngắn, khoảng 95% các trường hợp cấp tính tự khỏi trong vòng 2 tuần ở bệnh nhân nằm viện. Nếu các triệu chứng kéo dài 6 tháng hoặc lâu hơn, tiên lượng cho việc điều trị giảm 50%. Sự tái phát xảy ra ở khoảng 1/5 – 1/4 số người trong vòng 1 năm kể từ đợt đầu tiên. Vì vậy, cần dự báo bệnh sẽ tái phát nhiều lần tiếp theo.

Tiên lượng tốt ở các trường hợp khởi phát cấp tính, có biểu hiện stress rõ ràng lúc khởi phát, cơn ngắn, đáp ứng điều trị tốt và trí tuệ trên mức trung bình. Liệt, câm và mù có tiên lượng tốt, còn run và co giật có tiên lượng xấu.

7. Điều trị

Các triệu chứng rối loạn thần kinh chức năng thường là tự hết hoặc có thể điều trị bằng phương pháp trị liệu hỗ trợ. Đặc điểm quan trọng nhất của liệu pháp này là xây dựng mối quan hệ với một nhà trị liệu. Với những bệnh nhân không muốn điều trị bằng liệu pháp tâm .lý, các bác sĩ có thể gợi ý rằng liệu pháp tâm lý sẽ giúp đối phó các vấn đề căng thẳng. Nói với bệnh nhân rằng triệu chứng của họ là tưởng tượng thường làm cho bệnh của họ tồi tệ hơn.

Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (amitriptylin 25mg x 4 viên/ngày) hoặc SSRI (sertralin 100mg x 1 viên/ngày) có tác dụng làm giảm các căng thẳng, giảm đau và chữa các triệu chứng vận động, cảm giác khác. Các bệnh nhân đã bị bệnh lâu thường rất khó điều trị. Họ không đáp ứng với liệu pháp tâm lý và hóa dược. Khi đó, bệnh nhân cần được điều trị bằng sốc điện. Thường bệnh nhân phải được làm khoảng 10 liệu trình sốc điện, hàng ngày hoặc cách ngày.

Sau khi bệnh đã khỏi, bệnh nhân được khuyến cáo uống thuốc củng cố tối thiểu 6 tháng bằng thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc SSRI để tránh tái phát.

8. Tư vấn cho bệnh nhân và gia đình

– Rối loạn thần kinh chức năng là rối loạn tâm thần, có thể khởi phát sau chấn thương tâm lý.

– Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, nhưng không tương ứng với giải phẫu, các khám xét và các xét nghiệm không tìm thấy một bệnh thực tổn.

– Rối loạn này (mù, câm, liệt, co giật, mất cảm giác..) không phải là bệnh thần kinh hoặc bệnh cơ thể khác.

– Bệnh hay tái phát, dù có tái diễn chấn thương tâm lý hay không.

– Bệnh thường tiến triển cấp tính, nhưng có thể kéo dài nhiều tháng. Bệnh để càng lâu, càng khó điều trị.

– Bệnh nhân cần được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý và thuốc. Các trường hợp kéo dài hoặc kháng trị, cần phải được sử dụng sốc điện.

– Sau khi khỏi bệnh, cần uống thuốc củng cố tối thiểu 6 tháng để tránh tái phát.

– Khuyến khích bệnh nhân học cách thư giãn, tập thở để giảm căng thẳng, tham gia các hoạt động thể thao hoặc các hoạt động ngoại khóa khác.

9. Câu hỏi lâm sàng

Câu 1

Bệnh nhân nam 54 tuổi đi khám vì bị ngã thường xuyên. Trong quá trình đi lại, bệnh nhân gập hông phải và đầu gối rõ rệt, bàn chân phải rơi xuống sàn với mỗi bước đi. Dấu hiệu Romberg âm tính. Nguyên nhân nào có khả năng nhất gây ra sự bất thường về dáng đi này?

  1. Tổn thương hạch nền
  2. Rối loạn chức năng tiểu não
  3. Bệnh thần kinh mác chung (Common peroneal neuropathy)
  4. Tổn thương bó vỏ gai (Corticospinal tract lession)
  5. Tổn thương vùng chất trắng vỏ não-vỏ não thùy trán
  6. Bệnh thần kinh cảm giác

Đáp án: C. Bệnh thần kinh mác chung

Bệnh nhân này có dáng đi bước cao hoặc dáng đi bàn chân rũ (steppage gait) do bàn chân phải rơi. Bàn chân bị rơi do cơ gấp mu bàn chân yếu. Để bù đắp cho điều này, bệnh nhân phải gập hông và đầu gối để nâng cao bàn chân và tránh kéo lê ngón chân trong mỗi bước.

Dáng đi bàn chân rũ thường gặp nhất do bệnh lý rễ L5 hoặc bệnh lý thần kinh của dây thần kinh mác chung.

  • Bệnh lý rễ L5 được đặc trưng bởi đau lưng lan xuống chân, thường kèm theo yếu cơ sấp bàn chân và gập mu chân (foot eversion and dorsiflexion).
  • Bệnh thần kinh mác là do chèn ép dây thần kinh ở mặt ngoài của xương mác (ví dụ, do bắt chéo chân hoặc ngồi xổm trong thời gian dài) và có liên quan đến dị cảm và mất cảm giác ở mu bàn chân; bàn chân vẹo trong (foot inversion) và gập lòng bàn chân (dây thần kinh chày) là bình thường.

Chẩn đoán có thể được làm rõ bằng đo điện cơ và các xét nghiệm về dẫn truyền thần kinh.

(Lựa chọn A) Tổn thương ở hạch nền có thể biểu hiện dáng đi chậm chạp như đã thấy ở bệnh nhân mắc bệnh Parkinson.

(Lựa chọn B) Thất điều tiểu não có thể do tổn thương ở thùy nhộng (thất điều thân – truncal ataxia) hoặc bán cầu tiểu não (thất điều chi – limb ataxia). Các đặc điểm của thất điều tiểu não bao gồm loạng choạng và lắc lư từ bên này sang bên kia, dáng đi gót chân nối ngón chân (tandem gait) bị suy giảm, run đầu và thân, động tác lảo đảo (titubation).

(Lựa chọn D) Tổn thương bó tháp hoặc bó vỏ gai (CST) có thể gây dáng đi co cứng (spastic gait). Dáng đi cứng cơ (rigid or stiff) với sự co quắp (chân co cứng bị dạng ra và nâng lên khi duỗi ra và xoay trong) và gập lòng bàn chân của chi bị ảnh hưởng.

(Lựa chọn E) Tổn thương các sợi chất trắng nối vỏ – vỏ của thùy trán, được thấy trong não úng thủy có áp lực nội sọ bình thường, có thể dẫn đến dáng đi apraxia (Bruns ataxia). Sức cơ, sự phối hợp vận động và cảm giác vẫn còn nguyên vẹn, nhưng khó bắt đầu chuyển động bàn chân về phía trước khi chúng tiếp xúc với mặt đất (“dáng đi nam châm”- “magnetic gait”).

(Lựa chọn F) Bệnh nhân bị mất cảm giác bản thể (proprioception) do bệnh lý thần kinh cảm giác có thể có tư thế hoặc dáng đi không ổn định và dáng đi rộng. Bệnh nhân có thể dậm chân xuống sàn (slap gait) để giúp họ biết vị trí của chi dưới so với mặt đất.

Kết luận:

Bàn chân rơi một bên được đặc trưng bởi dáng đi “steppage” gait: gập hông và đầu gối quá mức khi đi. Các nguyên nhân phổ biến bao gồm bệnh lý rễ thần kinh L5 và bệnh lý chèn ép thần kinh mác.

Câu 2

Bệnh nhân nam, vô gia cư, 38 tuổi đi khám phòng cấp cứu do đau cơ nặng nghiêm trọng và cứng khớp. Anh ấy đến một nơi trú ẩn dành cho người vô gia cư 2 ngày trước, và người quản lý nói rằng anh ấy luôn bồn chồn và cáu kỉnh. Bệnh nhân có tiền sử lạm dụng rượu và tiêm chích ma túy. Nhiệt độ là 37,7 C (100 F), huyết áp là 150/90 mmHg và mạch là 102 lần/phút. Cả hai đồng tử đều bình thường, bằng nhau và còn phản xạ ánh sáng. Trên cánh tay của bệnh nhân có những vết do tiêm thuốc trước đó cũng như một số vết trầy xước và vết rách ở các chi dưới. Anh ta không thể mở miệng hoàn toàn. Bệnh nhân bị co thắt các cơ cổ  kèm đau của cơ cổ được kích hoạt bởi các kích thích vật lý. Nguyên nhân có khả năng nhất gây ra tình trạng hiện tại của bệnh nhân này?

  1. Tổn thương thần kinh ngoại biên qua trung gian miễn dịch
  2. Suy giảm giải phóng acetylcholine trước synap
  3. Vi khuẩn xâm nhập hệ thần kinh trung ương
  4. Ngưng opioid đột ngột
  5. Tổn thương cơ xương qua trung gian tế bào lympho T
  6. Block dẫn truyền thần kinh do độc tố

Đáp án F: Block dẫn truyền thần kinh do độc tố

Bệnh nhân này bị sốt, cứng cơ (muscle stiffness), cứng hàm/khoá hàm (không thể mở miệng hoàn toàn) và co thắt cơ gây đau do các kích thích vật lý gây ra, có khả năng bệnh nhân đã mắc bệnh uốn ván. Rối loạn này xảy ra khi Clostridium tetani (thường được tìm thấy trong đất) xâm nhập vào cơ thể thông qua vết nứt trên da (ví dụ: vết thương đâm thủng, trầy xước/vết rách ở chi dưới). Sau đó, vi khuẩn này tiết ra một loại độc tố liên kết với các đầu dây thần kinh ngoại biên và vận chuyển ngược chiều sợi trục, đến synape thần kinh trung ương, nơi nó block sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh ức chế glycine và GABA qua khe hở synape. Do cơ chế này, các triệu chứng thường xảy ra trong vòng vài ngày đến vài tuần sau khi ủ bệnh và có thể gồm đổ mồ hôi, khó nuốt, huyết áp không ổn định và nhịp tim nhanh.

Bệnh uốn ván hầu như chỉ xảy ra ở những người có điều kiện chăm sóc sức khỏe kém vì họ có nhiều khả năng chưa được tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ. Đối với những người bị bệnh, nên cắt lọc vết thương nhiễm trùng, bắt đầu dùng kháng sinh và tiêm human tetanus immunoglobulin (để liên kết độc tố lưu thông còn sót lại) và giải độc tố uốn ván.

(Lựa chọn A) Hội chứng Guillain-Barré là một bệnh lý đa dây thần kinh mất myelin, qua trung gian miễn dịch cấp tính, thường xảy ra sau nhiễm trùng, biểu hiện điển hình là yếu cơ tăng dần, các triệu chứng cảm giác nhẹ (dị cảm ngọn chi) và mất phản xạ. Co thắt cơ đau đớn và cứng hàm thường không được nhìn thấy.

(Lựa chọn B) Ngộ độc do độc tố Clostridium botulinum gây ra, dẫn đến suy giảm giải phóng acetylcholine trước synap. Bệnh thường biểu hiện bằng tình trạng tê liệt mềm dần dần đối xứng, nhìn mờ, mất phản xạ và có thể bao gồm liệt cơ hoành.

(Lựa chọn C) Viêm màng não là một bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương do sự xâm nhập của vi sinh vật có thể biểu hiện như sốt, lú lẫn và cứng cổ, nhưng không gây co thắt cơ gây đau. Tương tự, bệnh dại có thể gây sốt, lú lẫn và co thắt, mặc dù chứng sợ nước và sợ khí (được cho là do co thắt hầu họng) là thường gặp. Cứng hàm và co cơ thường không thấy trong bệnh lý này.

(Lựa chọn D) Cai thuốc phiện có thể biểu hiện nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, toát mồ hôi, bồn chồn và khó chịu. Cứng hàm và co cơ là khó xảy ra.

(Lựa chọn E) Viêm đa cơ là một bệnh viêm cơ qua trung gian tế bào lympho T gây độc tế bào. Bệnh thường xuất hiện với sự yếu dần  của cơ gốc chi mà không gây đau rõ ràng, co cơ hoặc cứng hàm.

Kết luận:

Uốn ván là một tình trạng rối loạn khớp nối thần kinh cơ trước synap do độc tố Clostridium tetani gây ra, ngăn chặn sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh ức chế glycine và GABA qua khe synap, dẫn đến sốt, co thắt cơ gây đau và cứng hàm (lockjaw). Bệnh thường chỉ được thấy ở những người chưa được tiêm phòng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.

Để lại một bình luận (Quy định duyệt bình luận)

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

The maximum upload file size: 1 MB. You can upload: image. Drop file here